Quy định về các yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan
Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 105/2006/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Sở hữu trí tuệ về bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ thì các yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan được quy định cụ thể như sau:
1. Yếu tố xâm phạm quyền tác giả có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
a) Bản sao tác phẩm được tạo ra một cách trái phép;
b) Tác phẩm phái sinh được tạo ra một cách trái phép;
c) Tác phẩm giả mạo tên, chữ ký của tác giả, mạo danh hoặc chiếm đoạt quyền tác giả;
d) Phần tác phẩm bị trích đoạn, sao chép, lắp ghép trái phép;
đ) Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền tác giả bị vô hiệu hoá trái phép.
Sản phẩm có yếu tố xâm phạm quy định tại khoản này bị coi là sản phẩm xâm phạm quyền tác giả.
2. Yếu tố xâm phạm quyền liên quan có thể thuộc một trong các dạng sau đây:
a) Bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn được tạo ra một cách trái phép;
b) Bản sao bản định hình cuộc biểu diễn, bản sao bản ghi âm, ghi hình, bản sao chương trình phát sóng được tạo ra một cách trái phép;
c) Một phần hoặc toàn bộ cuộc biểu diễn đã được định hình, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bị sao chép, trích ghép trái phép; một phần hoặc toàn bộ chương trình phát sóng bị thu, giải mã và phân phối trái phép;
d) Sản phẩm có gắn thiết bị kỹ thuật bảo vệ quyền liên quan bị vô hiệu hoá trái phép; bản định hình cuộc biểu diễn bị dỡ bỏ hoặc bị thay đổi một cách trái phép thông tin về quản lý quyền liên quan.
Sản phẩm có chứa yếu tố xâm phạm quy định tại khoản này bị coi là sản phẩm xâm phạm quyền liên quan.
3. Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền tác giả là phạm vi bảo hộ quyền tác giả được xác định theo hình thức thể hiện bản gốc tác phẩm; được xác định theo nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm gốc trong trường hợp xác định yếu tố xâm phạm đối với tác phẩm phái sinh.
4. Căn cứ xác định yếu tố xâm phạm quyền liên quan là phạm vi bảo hộ quyền liên quan đã được xác định theo hình thức thể hiện bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng.
5. Để xác định một bản sao hoặc tác phẩm (hoặc bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng) có phải là yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan hay không, cần so sánh bản sao hoặc tác phẩm đó với bản gốc tác phẩm (bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng) hoặc tác phẩm gốc.
Bản sao tác phẩm, bản định hình cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng bị coi là yếu tố xâm phạm trong các trường hợp sau đây:
a) Bản sao là bản sao chép một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang được bảo hộ của người khác;
b) Tác phẩm (phần tác phẩm) là một phần hoặc toàn bộ tác phẩm, bản định hình đầu tiên cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng đang được bảo hộ của người khác;
c) Tác phẩm, phần tác phẩm có nhân vật, hình tượng, cách thể hiện tính cách nhân vật, hình tượng, tình tiết của tác phẩm đang được bảo hộ của người khác.
6. Sản phẩm có yếu tố xâm phạm quy định tại điểm a và điểm d khoản 1, điểm b và điểm c khoản 2 Điều này bị coi là hàng hoá sao chép lậu theo quy định tại Điều 213 của Luật Sở hữu trí tuệ.
Trên đây là nội dung tư vấn về các yếu tố xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan. Để biết thêm thông tin chi tiết, bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 105/2006/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Ngày 3 2 1930 là ngày gì? Ý nghĩa lịch sử của việc thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930)?
- Năm 2025, thi đánh giá năng lực gồm những môn nào?
- Phương thức tuyển sinh 2025 trường Đại học Ngoại Thương?
- Hồ sơ đăng ký thi đánh giá năng lực 2025 Đại học Quốc gia TPHCM gồm gì?
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?