Xác định khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước đã được chủ sở hữu phê duyệt
Xác định khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước đã được chủ sở hữu phê duyệt được quy định tại Điều 3 Thông tư 184/2012/TT-BTC hướng dẫn Quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp kèm theo Quyết định 21/2012/QĐ-TTg do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành như sau:
1. Nguyên tắc xác định
Việc xác định khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước đã được chủ sở hữu phê duyệt (không bao gồm các công ty con là các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do công ty mẹ mà Nhà nước sở hữu 100% vốn đầu tư toàn bộ vốn điều lệ hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con) quy định tại khoản 5 Điều 3 Quy chế quản lý Quỹ được thực hiện trên các nguyên tắc sau:
a) Tập trung nguồn thu để quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.
b) Việc điều chuyển nguồn thu này về Quỹ không gây ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện các nhiệm vụ đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt giao cho doanh nghiệp thực hiện.
2. Phương thức xác định
Khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước đã được chủ sở hữu phê duyệt quy định tại khoản 5 điều 3 Quy chế quản lý Quỹ được xác định như sau:
Số phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp = Nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính năm - (Vốn điều lệ đã được chủ sở hữu phê duyệt tại thời điểm gần nhất + Vốn thực hiện các nhiệm vụ được chủ sở hữu phê duyệt bổ sung nhưng chưa quyết định điều chỉnh vốn điều lệ)
Trong đó:
a) Nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính năm được xác định bao gồm: Nguồn vốn đầu tư của chủ sở hữu - tài khoản 411, Quỹ đầu tư phát triển - tài khoản 414 và Nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản - tài khoản 441 quy định tại Quyết định số 15/2006/QĐ-BTC ngày 20/03/2006 của Bộ trưởng Bộ Tài chính và Thông tư số 244/2009/TT-BTC ngày 31/12/2009 của Bộ Tài chính hướng dẫn sửa đổi, bổ sung chế độ kế toán doanh nghiệp.
b) Việc tính toán xác định chỉ tiêu nguồn vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính năm nêu trên được căn cứ trên cơ sở báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán và doanh nghiệp đã thực hiện phân phối lợi nhuận sau thuế theo đúng chế độ quy định.
c) Báo cáo tài chính năm làm cơ sở tính toán nêu trên là báo cáo tài chính của doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước được lập theo chế độ quy định, không sử dụng báo cáo tài chính hợp nhất và báo cáo tài chính tổng hợp để tính toán. Trường hợp doanh nghiệp đã có kết luận kiểm tra, thanh tra, kiểm toán của các cơ quan liên quan ảnh hưởng đến báo cáo tài chính năm thì doanh nghiệp có trách nhiệm báo cáo giải trình cụ thể các yếu tố tác động khi tính toán theo hướng dẫn trên.
d) Vốn thực hiện các nhiệm vụ được chủ sở hữu phê duyệt bổ sung nhưng chưa quyết định điều chỉnh vốn điều lệ được xác định căn cứ vào tổng mức vốn đầu tư của chủ sở hữu tại các dự án đầu tư thuộc ngành nghề kinh doanh chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt giao cho doanh nghiệp thực hiện tính đến thời điểm tính toán, xác định nhưng chưa điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ.
3. Trình tự, thủ tục
a) Trong thời hạn lập kế hoạch ngân sách hàng năm theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, các công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ tổng hợp, xây dựng kế hoạch thu, chi Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại doanh nghiệp (trong đó có việc tính toán xác định số phải nộp về Quỹ theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này) gửi Bộ Tài chính, cơ quan được phân công, phân cấp thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu (Bộ quản lý ngành kinh doanh chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh).
b) Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với Bộ quản lý ngành kinh doanh chính, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức kiểm tra, rà soát, xác định số phải nộp về Quỹ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này.
c) Căn cứ kết quả kiểm tra, rà soát, xác định số phải nộp về Quỹ quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này và kế hoạch thu, chi Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp do SCIC báo cáo theo quy định tại khoản 7 Điều 34 Quy chế quản lý Quỹ, Bộ Tài chính tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
d) Căn cứ vào quyết định của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến số phải nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Thông tư này, trong phạm vi 05 ngày làm việc kể từ ngày có quyết định, Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Ban quản lý điều hành tại các doanh nghiệp có trách nhiệm chuyển tiền về tài khoản của Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp.
Sau thời hạn này, nếu phát sinh số tiền chậm nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp và phát triển doanh nghiệp, doanh nghiệp phải chịu nộp lãi phạt chậm nộp và chế tài xử lý theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Quy chế quản lý Quỹ.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc xác định khoản chênh lệch vốn chủ sở hữu lớn hơn vốn điều lệ của các doanh nghiệp 100% vốn sở hữu nhà nước đã được chủ sở hữu phê duyệt. Để có thể hiểu chi tiết hơn về quy định này bạn vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 184/2012/TT-BTC
Trân trọng thông tin đến bạn!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?