Lập kế hoạch kiểm toán tổng quát trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán ngân sách địa phương
Lập kế hoạch kiểm toán tổng quát trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán ngân sách địa phương được quy định tại Điều 10 Quy trình kiểm toán ngân sách địa phương của Tổng Kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Quyết định 06/2017/QĐ-KTNN như sau:
Trên cơ sở khảo sát, thu thập và đánh giá thông tin về hệ thống kiểm soát nội bộ, thông tin về tài chính và các thông tin khác về địa phương, đánh giá rủi ro và xác định trọng yếu kiểm toán để lập Kế hoạch kiểm toán tổng quát theo quy định tại Đoạn 11 đến Đoạn 35 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 1300, Đoạn 21 đến Đoạn 48 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 3000, Đoạn 8 đến Đoạn 38 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 4000. Kế hoạch kiểm toán tổng quát bao gồm các nội dung cơ bản sau:
1. Mục tiêu kiểm toán:
a) Mục tiêu của cuộc kiểm toán được xác định căn cứ vào định hướng kiểm toán hàng năm của Kiểm toán nhà nước; yêu cầu và tính chất của cuộc kiểm toán ngân sách địa phương; đặc điểm và tình hình thực tế của địa phương được kiểm toán. Thông thường mục tiêu chủ yếu của kiểm toán ngân sách địa phương là:
- Đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán ngân sách các cấp tại địa phương được kiểm toán.
- Đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật, nội quy, quy chế trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và trong các hoạt động có liên quan.
- Đánh giá tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công và các hoạt động có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công tại các đơn vị được kiểm toán.
- Thông qua hoạt động kiểm toán chỉ ra các sai phạm và kiến nghị với đơn vị được kiểm toán về biện pháp khắc phục, chấn chỉnh công tác quản lý nội bộ; kiến nghị với cấp có thẩm quyền xử lý các vi phạm về chính sách, chế độ và pháp luật của Nhà nước; đề xuất với các cơ quan chức năng những kiến nghị sửa đổi, cải tiến cơ chế quản lý nhằm bảo đảm các nguồn lực tài chính, tài sản công được sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả.
- Thông qua hoạt động kiểm toán góp phần đấu tranh, phòng chống tham nhũng lãng phí.
b) Một số lưu ý khi xác định mục tiêu kiểm toán báo cáo quyết toán ngân sách các cấp của địa phương:
- Đánh giá tổng quát độ tin cậy của của các số liệu trên báo cáo (tổng hợp) quyết toán ngân sách nhà nước của địa phương (gồm thu ngân sách nhà nước trên địa bàn, thu ngân sách và chi ngân sách các cấp của địa phương).
- Đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán quỹ tài chính công do cấp tỉnh quản lý.
- Đánh giá và xác nhận tính đúng đắn, trung thực của báo cáo quyết toán kinh phí trung ương ủy quyền.
c) Một số lưu ý khi xác định mục tiêu kiểm toán tuân thủ pháp luật và những quy định:
- Đánh giá tổng quát việc tuân thủ pháp luật trong lập, chấp hành, quyết toán ngân sách của địa phương (gồm thu ngân sách nhà nước trên địa bàn và thu, chi ngân sách địa phương).
- Đánh giá việc tuân thủ các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ; nghị quyết của Quốc hội...
- Đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong lập, chấp hành, quyết toán ngân sách các cấp.
- Đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong hình thành, sử dụng quỹ tài chính công.
- Đánh giá và xác nhận việc tuân thủ pháp luật trong chấp hành và quyết toán kinh phí trung ương ủy quyền.
- Phát hiện kiến nghị bổ sung, sửa đổi chính sách, chế độ về kinh tế, tài chính còn thiếu hoặc không phù hợp.
2. Nội dung kiểm toán:
a) Nội dung kiểm toán được xác định căn cứ vào hướng dẫn về mục tiêu, trọng tâm, nội dung kiểm toán chủ yếu hàng năm của Kiểm toán nhà nước, mục tiêu của cuộc kiểm toán; đặc điểm và tình hình thực tế của đơn vị được kiểm toán (hoặc vấn đề được kiểm toán). Tùy theo tính chất, quy mô của từng cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, nội dung kiểm toán được xác định theo quy định tại Điều 32 Luật Kiểm toán nhà nước; Khoản 2 Điều 11 Quy trình kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và Đề cương hướng dẫn kiểm toán ngân sách địa phương của Kiểm toán nhà nước.
b) Một số nội dung kiểm toán cần lưu ý khi kiểm toán ngân sách cấp tỉnh:
- Hoạt động quản lý, điều hành ngân sách cấp tỉnh của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và của các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Hoạt động thu ngân sách nhà nước: Số thu ngân sách nhà nước và hoạt động quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của các cơ quan tổ chức thu ngân sách nhà nước cấp tỉnh; số thu nộp ngân sách nhà nước và việc chấp hành nghĩa vụ ngân sách nhà nước của người nộp thuế do cơ quan tổ chức thu ngân sách nhà nước cấp tỉnh quản lý.
- Hoạt động chi ngân sách cấp tỉnh: Hoạt động quản lý, điều hành chi ngân sách của các đơn vị dự toán cấp I, cấp II; số chi ngân sách và hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách của các đơn vị dự toán cấp III; số chi chương trình mục tiêu và hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách của các ban quản lý chương trình mục tiêu thuộc cấp tỉnh; số chi đầu tư xây dựng và hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách của các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc cấp tỉnh; số chi ngân sách nhà nước và hoạt động quản lý, sử dụng kinh phí trung ương ủy quyền.
c) Một số nội dung kiểm toán cần lưu ý khi kiểm toán ngân sách cấp huyện:
- Hoạt động quản lý, điều hành của Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan chức năng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
- Hoạt động thu ngân sách: Số thu ngân sách nhà nước và hoạt động quản lý, chỉ đạo và tổ chức thực hiện thu ngân sách nhà nước trên địa bàn của các cơ quan tổ chức thu ngân sách nhà nước cấp huyện; số thu nộp ngân sách nhà nước và việc chấp hành nghĩa vụ ngân sách nhà nước của người nộp thuế do cơ quan tổ chức thu ngân sách nhà nước cấp huyện quản lý.
- Hoạt động chi ngân sách: Số chi ngân sách và hoạt động quản lý, sử dụng ngân sách của các đơn vị dự toán và các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng, ban quản lý chương trình mục tiêu.
d) Một số nội dung kiểm toán cần lưu ý khi kiểm toán ngân sách cấp xã:
- Hoạt động quản lý, điều hành thu, chi ngân sách.
- Số thu, chi ngân sách xã và hoạt động tổ chức thực hiện dự toán thu, chi ngân sách.
3. Xác định tiêu chí kiểm toán:
Tiêu chí kiểm toán được xác định phù hợp với mục đích, nội dung của cuộc kiểm toán ngân sách địa phương, phù hợp với các dạng công việc là kiểm tra xác nhận hoặc kiểm tra đánh giá:
a) Đối với nội dung kiểm toán tài chính, việc xác định tiêu chí kiểm toán thực hiện theo quy định tại các Đoạn 26 đến Đoạn 28 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 1300 - Lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính.
b) Đối với kiểm toán hoạt động, việc xác định tiêu chí kiểm toán thực hiện theo quy định tại các Đoạn 37 đến Đoạn 43 CM KTNN số 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động.
c) Đối với nội dung kiểm toán tuân thủ, việc xác định tiêu chí kiểm toán thực hiện theo quy định tại các Đoạn 28 đến Đoạn 32 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 4000 - Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.
4. Phạm vi kiểm toán:
a) Thời kỳ kiểm toán: Xác định rõ niên độ kế toán (năm tài khóa) và các thời kỳ trước, sau có liên quan.
b) Xác định các nội dung kiểm toán trọng yếu cho từng loại đơn vị được kiểm toán, các vấn đề được kiểm toán tổng hợp.
c) Xác định các nội dung, các đơn vị, các dự án, các vấn đề được kiểm toán chi tiết:
- Các cơ quan chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý, điều hành ngân sách;
- Các cơ quan tổ chức thu ngân sách nhà nước; các doanh nghiệp nhà nước do địa phương quản lý;
- Các đơn vị dự toán cấp I, cấp II và cấp III;
- Các ban quản lý chương trình mục tiêu;
- Các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng;
- Các đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng kinh phí trung ương ủy quyền.
d) Tiêu chí lựa chọn các đơn vị được kiểm toán:
Dựa trên đánh giá ban đầu về rủi ro kiểm toán và yêu cầu quản lý để lựa chọn đơn vị thuộc từng cấp chính quyền được kiểm toán, gồm:
- Các cơ quan chức năng giúp Ủy ban nhân dân tỉnh, huyện quản lý điều hành tài chính, tài sản công.
- Các đơn vị dự toán và các ban quản lý chương trình mục tiêu, các ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc tỉnh, các doanh nghiệp nhà nước do tỉnh quản lý.
- Các huyện được kiểm toán (tại các huyện chọn mẫu một số đơn vị dự toán cấp huyện, ban quản lý dự án đầu tư xây dựng trực thuộc huyện, một số xã để kiểm toán chi tiết).
5. Phương pháp và thủ tục kiểm toán:
a) Xác định các phương pháp và thủ tục kiểm toán theo quy định tại: Đoạn 31 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước 1300 - Lập kế hoạch kiểm toán của cuộc kiểm toán tài chính; Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 1330 - Biện pháp xử lý rủi ro trong kiểm toán tài chính; Đoạn 33 đến Đoạn 36 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động; Đoạn 35 Chuẩn mực Kiểm toán nhà nước số 4000 - Hướng dẫn kiểm toán tuân thủ.
b) Xác định các thủ tục kiểm toán cần thiết, phù hợp với nội dung, tính chất của khoản mục và dựa vào kết quả đánh giá rủi ro có sai sót trọng yếu ở cấp độ cơ sở dẫn liệu. Nội dung của một thủ tục kiểm toán phải thể hiện được mục tiêu của thủ tục đó (như thử nghiệm kiểm soát hoặc thử nghiệm cơ bản) và loại thủ tục (Quan sát; kiểm tra, đối chiếu; xác minh, xác nhận từ bên ngoài; tính toán lại; điều tra; phỏng vấn; thủ tục phân tích, ...).
6. Thời hạn kiểm toán:
- Thời hạn của cuộc kiểm toán được tính từ ngày công bố quyết định kiểm toán đến khi kết thúc việc kiểm toán tại đơn vị được kiểm toán.
- Thời hạn của một cuộc kiểm toán không quá 60 ngày. Trường hợp phức tạp, cần thiết kéo dài thời hạn kiểm toán thì Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định gia hạn một lần, thời gian gia hạn không quá 30 ngày.
- Thời hạn kiểm toán xác định phải đảm bảo theo quy định tại Điều 34 Luật Kiểm toán nhà nước.
7. Bố trí nhân sự thực hiện kiểm toán:
a) Xác định nhân sự của Đoàn kiểm toán: Trưởng đoàn, các Phó trưởng đoàn, các Tổ trưởng (nếu có) và các thành viên Đoàn kiểm toán theo quy định của Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định của Kiểm toán nhà nước.
b) Bố trí Tổ trưởng và phân công thành viên Đoàn kiểm toán phù hợp với trình độ, năng lực đảm bảo nguyên tắc độc lập, khách quan và phù hợp với Luật Kiểm toán nhà nước và các quy định của Kiểm toán nhà nước.
8. Kinh phí và các điều kiện vật chất cần thiết cho cuộc kiểm toán:
Kế hoạch kiểm toán tổng quát phải xác định rõ kinh phí và các điều kiện cần thiết cho cuộc kiểm toán như: Chi phí ăn, ở, đi lại và các phương tiện làm việc phục vụ cho hoạt động của Đoàn kiểm toán.
Trên đây là nội dung quy định về việc lập kế hoạch kiểm toán tổng quát trong giai đoạn chuẩn bị kiểm toán ngân sách địa phương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 06/2017/QĐ-KTNN.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?