Quy trình kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền nhập cảnh tại cửa khẩu đường thủy
Quy trình kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền nhập cảnh tại cửa khẩu đường thủy được quy định tại Mục 1 Chương 3 Thông tư 46/2014/TT-BYT hướng dẫn quy trình kiểm dịch y tế do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành như sau:
Điều 26. Tiếp nhận và xử lý thông tin đối với tàu thuyền nhập cảnh
Khi tàu thuyền chưa cập cảng, kiểm dịch viên y tế tiếp nhận thông tin về tàu thuyền từ cảng vụ hàng hải, thuyền trưởng hoặc qua đại lý hàng hải, chủ phương tiện và tiến hành xử lý thông tin, phân loại nguy cơ đối với tàu thuyền như sau:
1. Tàu thuyền có yếu tố nguy cơ bao gồm:
a) Tàu thuyền xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch;
b) Tàu thuyền chở người bệnh hoặc người nghi ngờ mắc bệnh hoặc mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
c) Tàu thuyền chở hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm hoặc nghi ngờ mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm;
d) Tàu thuyền chở người xuất phát, đi qua vùng có dịch hoặc vùng đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
đ) Tàu thuyền chở hàng hóa xuất phát, đi qua vùng có dịch hoặc vùng đang bị ảnh hưởng bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
e) Tàu thuyền có trung gian truyền bệnh.
2. Tàu thuyền không có yếu tố nguy cơ là tàu thuyền không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều này. Trường hợp tàu thuyền không có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế theo quy định tại Điều 27 Thông tư này.
3. Trường hợp tàu thuyền có yếu tố nguy cơ, kiểm dịch viên y tế thực hiện nội dung sau:
a) Thu thập thêm thông tin về các biện pháp y tế đã áp dụng và cần hỗ trợ.
b) Thực hiện kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 28 Thông tư này.
Điều 27. Giám sát và kiểm tra giấy tờ liên quan đến y tế đối với tàu thuyền không có yếu tố nguy cơ
1. Khi tàu thuyền vào vị trí kiểm tra, kiểm dịch viên y tế lên tàu thuyền và thực hiện các biện pháp sau:
a) Kiểm tra giấy khai báo y tế hàng hải; giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh hoặc đã xử lý vệ sinh tàu thuyền;
b) Giám sát trung gian truyền bệnh truyền nhiễm;
c) Giám sát nguy cơ bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe;
d) Giám sát việc bốc dỡ, tiếp nhận hàng hóa;
đ) Giám sát nước, thực phẩm cung ứng cho người trên phương tiện.
2. Sau khi thực hiện các biện pháp quy định tại Khoản 1 Điều này, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm áp dụng biện pháp kiểm tra y tế theo quy định tại Điều 28 Thông tư này nếu tàu thuyền thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Tàu thuyền có yếu tố nguy cơ theo quy định tại Khoản 1 Điều 26 Thông tư này;
b) Không bảo đảm điều kiện vệ sinh chung.
3. Trường hợp phương tiện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế cấp giấy chứng nhận kiểm tra y tế hàng hóa, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 ban hành kèm theo Thông tư này và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 28. Kiểm tra y tế đối với tàu thuyền có yếu tố nguy cơ
1. Khi tàu thuyền vào vị trí kiểm tra, kiểm dịch viên y tế có trách nhiệm:
a) Kiểm tra giấy khai báo y tế hàng hải; giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh hoặc đã xử lý vệ sinh tàu thuyền trừ trường hợp tàu thuyền đã được kiểm tra giấy tờ theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 27 Thông tư này;
b) Kiểm tra điều kiện vệ sinh chung trên tàu thuyền;
c) Kiểm tra vệ sinh nước dằn tàu;
d) Kiểm tra, giám sát trung gian truyền bệnh truyền nhiễm và các yếu tố khác có nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe trên tàu thuyền;
đ) Đánh giá hiệu quả của các biện pháp y tế đã áp dụng;
e) Lấy mẫu xét nghiệm trong trường hợp nghi ngờ có tác nhân gây bệnh truyền nhiễm nhóm A hoặc yếu tố nguy cơ khác gây ảnh hưởng sức khỏe trên tàu thuyền.
g) Lập biên bản kiểm tra y tế tàu thuyền theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này.
2. Kiểm dịch viên chuyển sang xử lý y tế theo quy định tại Điều 29 Thông tư này nếu tàu thuyền thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Xuất phát hoặc đi qua vùng có dịch bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A mà chưa được xử lý y tế;
b) Mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A, bao gồm: Chở người bệnh hoặc người mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Chở hàng hóa mang tác nhân gây bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A; Các trường hợp khác mà phương tiện mang hoặc có dấu hiệu mang mầm bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A.
c) Bị ô nhiễm bởi yếu tố nguy cơ sức khỏe.
3. Trường hợp phương tiện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, kiểm dịch viên y tế thực hiện nội dung sau:
a) Cấp giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh đối với tàu thuyền/chứng nhận xử lý tàu thuyền không có giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh hoặc tàu thuyền có giấy chứng nhận miễn xử lý vệ sinh không còn giá trị;
b) Cấp chứng nhận kiểm tra y tế hàng hóa, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh.
Điều 29. Xử lý y tế đối với tàu thuyền
1. Căn cứ kết quả kiểm tra y tế, tàu thuyền phải được xử lý y tế bằng một hoặc một số biện pháp sau:
a) Áp dụng các biện pháp xử lý vệ sinh tàu thuyền;
b) Áp dụng các biện pháp diệt tác nhân gây bệnh, trung gian truyền bệnh truyền nhiễm trên tàu thuyền;
c) Áp dụng các biện pháp loại bỏ yếu tố nguy cơ sức khỏe;
d) Hướng dẫn việc loại bỏ, tiêu hủy chất thải rắn, chất thải người, động vật trên tàu thuyền;
đ) Xử lý nước sinh hoạt và nước dằn tàu.
2. Sau khi thực hiện việc xử lý y tế theo quy định tại Khoản 1 Điều này, cấp Giấy chứng nhận xử lý vệ sinh đối với tàu thuyền và kết thúc quy trình kiểm dịch.
Điều 30. Kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền xuất cảnh, quá cảnh và chuyển cảng
1. Trong thời gian tàu thuyền neo đậu tại cảng, kiểm dịch viên y tế thực hiện nội dung sau:
a) Giám sát trung gian truyền bệnh truyền nhiễm hoặc yếu tố nguy cơ khác gây ảnh hưởng sức khỏe xâm nhập tàu thuyền;
b) Giám sát việc thải bỏ nước dằn tàu, chất thải có nguy cơ gây bệnh truyền nhiễm của tàu thuyền;
c) Giám sát việc cung ứng nước, thực phẩm, việc bốc dỡ hay tiếp nhận hàng hóa lên tàu thuyền.
2. Trong quá trình giám sát, kiểm dịch viên y tế thực hiện các nội dung quy định tại Điều 28 và 29 Thông tư này nếu phát hiện phương tiện thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Có trung gian truyền bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A;
b) Có yếu tố nguy cơ sức khỏe xâm nhập tàu thuyền;
c) Thải bỏ nước dằn tàu;
d) Có cung ứng nước, thực phẩm không an toàn.
3. Trường hợp phương tiện không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều này, cấp giấy chứng nhận kiểm tra hàng hóa, tàu thuyền nhập cảnh, xuất cảnh và giấy chứng nhận kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền chuyển cảng theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này.
Trên đây là nội dung quy định về quy trình kiểm dịch y tế đối với tàu thuyền nhập cảnh tại cửa khẩu đường thủy. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Thông tư 46/2014/TT-BYT.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?