Xác định lợi nhuận sau thuế còn lại của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước

Xác định lợi nhuận sau thuế còn lại của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được quy định như thế nào? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Ngân Giang, hiện đang là sinh viên trường Đại học Kinh tế Tp.HCM. Tôi đang cần tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc thu, nộp và quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp. Cho tôi hỏi: Xác định lợi nhuận sau thuế còn lại của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước gồm những nội dung nào? Văn bản nào quy định về vấn đề này? Mong nhận được câu trả lời từ Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi xin chân thành cảm ơn Ban biên tập Thư Ký Luật.        

Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 61/2016/TT-BTC Hướng dẫn thu, nộp và quản lý khoản lợi nhuận, cổ tức được chia cho phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành thì xác định lợi nhuận sau thuế còn lại của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước được quy định như sau:      

1. Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ nộp ngân sách nhà nước của doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 Điều 2 Chương I Thông tư này là lợi nhuận được xác định theo quy định của pháp luật về kế toán (đã được trừ đi các Khoản chi không được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp nhưng phù hợp với quy định của pháp luật về kế toán) sau khi bù đắp lỗ năm trước theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp, trích Quỹ phát triển khoa học và công nghệ, nộp thuế thu nhập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật, trừ đi các Khoản phân phối, trích lập các quỹ theo quy định tại Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp; Thông tư số 219/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp.

Đối với các trường hợp Chính phủ có quy định riêng về phân phối, trích lập các quỹ thì thực hiện trích lập các quỹ theo quy định riêng của Chính phủ, lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi phân phối, trích lập các quỹ phải nộp vào ngân sách nhà nước.

2. Đối với lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn Điều lệ:

Căn cứ quy chế tài chính của các công ty con do công ty mẹ ban hành, hàng năm công ty mẹ có trách nhiệm phê duyệt báo cáo tài chính và quyết định việc phân phối, sử dụng lợi nhuận sau thuế tại các công ty con để tiến hành thu lợi nhuận sau thuế của các công ty con.

Các công ty con do công ty mẹ nắm giữ 100% vốn Điều lệ (công ty mẹ thuộc đối tượng quy định tại Điều 3 Thông tư này) thực hiện nộp lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ về công ty mẹ, công ty mẹ hạch toán doanh thu tài chính theo cùng niên độ tài chính để xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

Ví dụ 1: Tập đoàn A là công ty mẹ nắm giữ 100% vốn Điều lệ đối với Công ty B. Lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ theo quyết toán năm 2016 của Công ty B phải nộp về Tập đoàn A là 1.000 tỷ đồng. Tập đoàn A hạch toán phần lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ năm 2016 của Công ty B phải nộp về Tập đoàn là 1.000 tỷ đồng vào doanh thu tài chính năm 2016 để xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp ngân sách nhà nước năm 2016 của Tập đoàn A.

Trường hợp sau khi đã phê duyệt báo cáo tài chính, quyết định phân phối lợi nhuận sau thuế và thu lợi nhuận còn lại sau khi trích lập các quỹ của các công ty con mà vốn chủ sở hữu tại công ty con lớn hơn mức vốn Điều lệ đã được công ty mẹ phê duyệt thì công ty mẹ thực hiện thu Khoản chênh lệch giữa vốn chủ sở hữu và vốn Điều lệ của công ty con về công ty mẹ và hạch toán là Khoản doanh thu tài chính của công ty mẹ, xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ của công ty mẹ phải nộp ngân sách nhà nước.

3. Đối với cổ tức, lợi nhuận được chia của các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của công ty mẹ:

Công ty mẹ hạch toán các Khoản cổ tức, lợi nhuận được chia từ các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên có vốn góp của công ty mẹ vào doanh thu tài chính, xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp theo quy định. Thời Điểm hạch toán cổ tức, lợi nhuận được chia vào doanh thu tài chính của công ty mẹ là thời Điểm nhận được thông báo chia cổ tức, lợi nhuận của Hội đồng quản trị (đối với cổ tức được chia tại công ty cổ phần) hoặc Nghị quyết của Hội đồng thành viên đã được các thành viên thông qua có hiệu lực thi hành (đối với lợi nhuận được chia tại công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên).

Ví dụ 2: Công ty C là công ty mẹ nắm giữ 60% vốn Điều lệ tại Công ty cổ phần D. Ngày 15/4/2016 Công ty cổ phần D tổ chức đại hội cổ đông và ban hành Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông, trong đó có quyết định chia cổ tức từ hoạt động kinh doanh năm 2015 của Công ty cổ phần D, thời Điểm nhận tiền là ngày 01/7/2016. Ngày 20/6/2016 Hội đồng quản trị Công ty cổ phần D có thông báo chia cổ tức gửi cho các cổ đông. Công ty C hạch toán doanh thu tài chính đối với số cổ tức được chia theo thời Điểm thông báo chia cổ tức của Hội đồng quản trị công ty D (tháng 6/2016) để xác định lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập các quỹ phải nộp của Công ty C năm 2016.

Công ty mẹ có vốn góp tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có trách nhiệm biểu quyết chi trả cổ tức khi có đủ các Điều kiện theo quy định của Luật doanh nghiệp đồng thời đề nghị, đôn đốc công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên nộp phần cổ tức, lợi nhuận được chia cho phần vốn góp của công ty mẹ về công ty mẹ.

Trường hợp công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên có vốn góp của công ty mẹ vi phạm thời hạn chia cổ tức, lợi nhuận theo quy định của Luật doanh nghiệp thì công ty mẹ có trách nhiệm báo cáo Bộ Tài chính và cơ quan chủ quản của công ty mẹ để xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp công ty mẹ nhận được cổ phiếu của công ty cổ phần có vốn góp của công ty mẹ mà không phải thanh toán do công ty cổ phần sử dụng thặng dư vốn cổ phần, các quỹ thuộc vốn chủ sở hữu hoặc chia cổ tức bằng cổ phiếu để tăng vốn Điều lệ, doanh nghiệp căn cứ vào số lượng cổ phiếu nhận được thực hiện mở sổ kế toán theo dõi, ghi chép và phản ánh trên báo cáo tài chính theo quy định của chế độ kế toán hiện hành đối với các doanh nghiệp.

Trên đây là nội dung tư vấn về xác định lợi nhuận sau thuế còn lại của doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư 61/2016/TT-BTC.

Trân trọng!                    

Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Hỏi đáp mới nhất về Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
Hỏi đáp pháp luật
Để thành lập doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ cần đáp ứng những điều kiện nào?
Hỏi đáp pháp luật
Tổ chức, cá nhân đăng ký mua doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có quyền và trách nhiệm như thế nào?
Hỏi đáp pháp luật
Tổ chức đấu giá doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được quy định như thế nào?
Hỏi đáp pháp luật
Pháp luật quy định ra sao về chi phí bán toàn bộ doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
Hỏi đáp pháp luật
Quy định về điều kiện và hình thức chuyển đổi doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thành công ty TNHH 2TV
Hỏi đáp Pháp luật
Công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ có nghĩa vụ gì đối với người lao động?
Hỏi đáp Pháp luật
Những đối tượng nào được mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa? Chi phí cổ phần hóa doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bao gồm những khoản nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Điều chỉnh vốn điều lệ trong doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ được thực hiện như thế nào từ ngày 08/5/2023?
Hỏi đáp Pháp luật
Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ bị giải thể khi nào? Điều kiện giải thể doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ?
Hỏi đáp pháp luật
Quan hệ giữa công ty mẹ và doanh nghiệp cấp II do công ty mẹ sở hữu 100% vốn điều lệ được quy định như thế nào?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về Doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ
350 lượt xem
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào