Việc tổ chức các hội nghị và cuộc họp của Bộ Công thương
Việc tổ chức các hội nghị và cuộc họp của Bộ Công thương được quy định từ Điều 24 đến Điều 32 Quy chế làm việc của Bộ Công thương ban hành kèm theo Quyết định 2385/QĐ-BCT năm 2013 như sau:
Điều 24. Các loại hội nghị và cuộc họp
1. Căn cứ yêu cầu công việc và phạm vi lĩnh vực công tác, Bộ tổ chức các hội nghị và cuộc họp trên nguyên tắc thiết thực, hiệu quả và tiết kiệm.
2. Các hội nghị gồm: Hội nghị Công Thương toàn quốc; hội nghị cán bộ, công chức cơ quan Bộ; hội nghị Tham tán; hội nghị chuyên đề (triển khai, sơ kết, tổng kết một hoặc một số chuyên đề), hội nghị tập huấn công tác chuyên môn.
3. Các cuộc họp gồm: họp tập thể Lãnh đạo Bộ; họp giao ban Bộ, giao ban vùng, giao ban khối; họp làm việc liên ngành, liên tịch để giải quyết công việc; họp Thủ trưởng đơn vị.
Điều 25. Hội nghị Công Thương toàn quốc
1. Hội nghị Công Thương toàn quốc được tổ chức hàng năm nhằm tổng kết công tác toàn ngành giữa hai kỳ hội nghị, triển khai chương trình công tác và kế hoạch phát triển công nghiệp và thương mại trong thời gian tiếp theo.
2. Thành phần tham dự Hội nghị Công Thương toàn quốc gồm: Lãnh đạo Bộ, Thường trực Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, Lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Công Thương, Lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp, Viện, Trường, Trung tâm thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân khác theo giấy mời của Bộ.
Điều 26. Hội nghị cán bộ, công chức cơ quan Bộ
1. Hội nghị cán bộ, công chức cơ quan Bộ được tổ chức hàng năm nhằm kiểm điểm các hoạt động của cơ quan Bộ và tình hình thực hiện Quy chế dân chủ trong cơ quan Bộ giữa hai kỳ hội nghị và bàn phương hướng trong thời gian tới.
2. Thành phần tham dự Hội nghị cán bộ, công chức bao gồm Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công đoàn, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Bộ, Trưởng ban nữ công, Trưởng ban Thanh tra nhân dân và đại diện cán bộ công chức các đơn vị trực thuộc Bộ.
Điều 27. Hội nghị tham tán
1. Hội nghị tham tán được tổ chức hai năm một lần nhằm kiểm điểm tình hình hoạt động thương mại, đầu tư giữa Việt Nam với các thị trường ngoài nước và bàn phương hướng triển khai công tác thị trường ngoài nước trong thời gian tiếp theo.
2. Thành phần tham dự Hội nghị tham tán bao gồm Lãnh đạo Bộ, Thường trực Đảng ủy Bộ, Lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, các Tham tán, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân khác theo giấy mời của Bộ.
Điều 28. Họp tập thể Lãnh đạo Bộ
1. Tập thể Lãnh đạo Bộ họp để giải quyết các công việc quy định tại khoản 3 Điều 4 Quy chế này. Lịch họp Lãnh đạo Bộ định kỳ do Bộ trưởng quyết định.
2. Ngoài các cuộc họp định kỳ, trong trường hợp cần thiết, Bộ trưởng quyết định tổ chức họp Lãnh đạo Bộ đột xuất để thảo luận và quyết định những vấn đề lớn về chủ trương, chính sách; công tác tổ chức cán bộ; chương trình công tác và những vấn đề có tính chất liên ngành của Bộ với cơ quan có liên quan. Thời gian, nội dung và thành phần dự họp đột xuất thực hiện theo chỉ đạo của Bộ trưởng.
Điều 29. Họp giao ban
1. Họp giao ban tuần:
Vào thứ Hai hàng tuần (trừ tuần họp giao ban tháng), Bộ trưởng chủ trì họp giao ban với các Thứ trưởng và Thủ trưởng các đơn vị để nghe các đơn vị và các Thứ trưởng báo cáo tình hình công tác thuộc lĩnh vực mình phụ trách và bàn những công việc mà Bộ trưởng thấy cần trao đổi tập thể.
Thành phần tham dự họp giao ban tuần gồm: Lãnh đạo Bộ, đại diện Lãnh đạo Công đoàn Công Thương Việt Nam, Đảng ủy Bộ Công Thương, Thủ trưởng các Vụ, Tổng cục, Cục, Viện, Thanh tra Bộ, Văn phòng Bộ, Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Ban Thư ký Hội đồng cạnh tranh, Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại, các Báo, Tạp chí thuộc Bộ. Trong trường hợp cần thiết, theo yêu cầu của Bộ trưởng, Văn phòng sẽ mời thêm Thủ trưởng đơn vị khác có liên quan.
2. Họp giao ban tháng:
Hàng tháng, Bộ tổ chức họp giao ban Bộ vào tuần đầu của tháng để các đơn vị báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch, chương trình công tác trong tháng của Bộ và của đơn vị, bàn biện pháp chỉ đạo thực hiện công tác trọng tâm tháng tới. Các cuộc họp giao ban vào các tháng: 3, 6, 9, 12 trong năm sơ kết hoặc tổng kết tình hình thực hiện kế hoạch, chương trình công tác của quý, nửa năm và cả năm.
Thành phần họp giao ban hàng tháng gồm: Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ, Đảng ủy Bộ Công Thương, Bí thư Đảng ủy Khối công nghiệp thành phố Hà Nội, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Công nghiệp Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh, Bí thư Đảng ủy Khối doanh nghiệp Thương mại Trung ương tại thành phố Hồ Chí Minh, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cơ quan Bộ, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Thương mại, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công nghiệp, Chánh Văn phòng Ủy ban quốc gia về hợp tác kinh tế quốc tế, Trưởng Ban Thư ký Hội đồng cạnh tranh, Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại, Tổng biên tập Báo Công Thương, Tạp chí Công Thương, đại diện Lãnh đạo một số Tập đoàn, Tổng công ty, Hiệp hội ngành hàng, Sở Công Thương và các tổ chức, cá nhân khác theo giấy mời của Bộ.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày Lãnh đạo Bộ họp giao ban định kỳ hàng tháng, Văn phòng Bộ phải thông báo ý kiến kết luận của Lãnh đạo Bộ tại cuộc họp.
Điều 30. Họp Lãnh đạo đơn vị
1. Các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức các cuộc họp do Lãnh đạo đơn vị chủ trì để giải quyết các công việc chuyên môn và các công việc khác theo chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị đã được quy định;
2. Lãnh đạo đơn vị họp giao ban tuần nhằm hội ý, trao đổi về tình hình hoạt động của đơn vị trong tuần và công tác trọng tâm tuần tới; giải quyết hoặc phân công giải quyết những vấn đề còn vướng mắc của đơn vị.
3. Họp đột xuất được tổ chức theo yêu cầu của Thủ trưởng đơn vị để thảo luận và quyết định những vấn đề có tính bất thường liên quan đến đơn vị.
4. Lãnh đạo đơn vị trực thuộc Bộ có thể chủ trì các cuộc họp, làm việc với đại diện các cơ quan liên quan theo ủy quyền của Lãnh đạo Bộ phụ trách theo quy định tại Quy chế này;
5. Trường hợp mời Lãnh đạo Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các địa phương dự họp phải được Lãnh đạo Bộ phê duyệt;
6. Các đơn vị khi mời Lãnh đạo các Sở chuyên môn dự họp phải báo cáo Lãnh đạo Bộ cho phép và phải thống nhất ý kiến với Văn phòng Bộ để phối hợp sắp xếp chương trình tránh việc mời họp trùng lặp.
Điều 31. Công tác chuẩn bị hội nghị, cuộc họp
1. Duyệt chủ trương:
a) Bộ trưởng quyết định các Hội nghị, cuộc họp sau:
- Hội nghị công thương toàn quốc (sau khi được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ);
- Hội nghị cán bộ, công chức cơ quan Bộ;
- Hội nghị tham tán;
- Hội nghị chuyên đề, tập huấn (thuộc lĩnh vực Bộ trưởng chủ trì);
- Họp Lãnh đạo Bộ định kỳ;
- Họp giao ban vùng, giao ban tiến độ các công trình trọng điểm;
- Họp tập thể Lãnh đạo Bộ, các cuộc họp khác để giải quyết công việc do Bộ trưởng chủ trì;
- Lãnh đạo Bộ làm việc với Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
b) Thứ trưởng quyết định chủ trương các cuộc họp thuộc lĩnh vực Thứ trưởng được phân công phụ trách, gồm:
- Giao ban khối;
- Họp, làm việc tại các đơn vị, địa phương;
- Hội nghị chuyên đề, tập huấn;
- Các cuộc họp khác để giải quyết công việc do Thứ trưởng chủ trì.
c) Thủ trưởng các đơn vị quyết định các cuộc họp do Lãnh đạo đơn vị chủ trì để giải quyết các công việc chuyên môn và các công việc khác theo chức năng, nhiệm vụ.
2. Xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị:
Đơn vị chủ trì chuẩn bị nội dung chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị để xin ý kiến Lãnh đạo Bộ quyết định về:
- Nội dung hội nghị, phân công chuẩn bị các báo cáo;
- Thành phần, thời gian, địa điểm hội nghị;
- Dự trù kinh phí (nội dung chi, nguồn tài chính);
- Dự kiến thành lập Ban tổ chức hội nghị (nếu có);
- Dự kiến chương trình hội nghị;
- Các vấn đề cần thiết khác.
3. Chuẩn bị và thông qua báo cáo:
a) Văn phòng Bộ thông báo cho các đơn vị liên quan biết các báo cáo chính, báo cáo tóm tắt và các tài liệu cần phải chuẩn bị. Đơn vị chủ trì nội dung được phân công dự thảo và trình Lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực duyệt báo cáo và các tài liệu cần thiết khác. Thủ trưởng đơn vị được phân công có trách nhiệm kiểm tra kỹ về nội dung, hình thức các báo cáo, tài liệu trước khi trình Lãnh đạo Bộ duyệt.
b) Thời gian trình Lãnh đạo Bộ duyệt báo cáo:
- Báo cáo chính phải gửi Văn phòng Bộ trước ngày hội nghị ít nhất 05 ngày làm việc để kịp hoàn tất các thủ tục trình Lãnh đạo Bộ phê duyệt;
- Các báo cáo chuyên đề cần Lãnh đạo Bộ phụ trách lĩnh vực duyệt phải gửi trước ngày họp 03 ngày làm việc;
c) Đối với hội nghị ngành có nội dung liên quan đến nhiều đơn vị, Văn phòng Bộ có trách nhiệm đôn đốc các đơn vị dự thảo báo cáo và trình Lãnh đạo Bộ đúng thời gian quy định; kịp thời báo cáo Lãnh đạo Bộ giải quyết những vấn đề vượt quá khả năng và quyền hạn của đơn vị.
Các cuộc họp chỉ đề cập đến một nội dung theo chuyên ngành thì đơn vị chủ trì chuẩn bị nội dung theo kế hoạch;
d) Các báo cáo thông qua Lãnh đạo Bộ gồm: Báo cáo tổng kết công tác chỉ đạo điều hành sáu tháng, một năm, năm năm của Bộ; Báo cáo tổng kết thực hiện các chương trình, dự án, công việc quy định tại khoản 3 Điều 4 của Quy chế này; Báo cáo kết quả triển khai thực hiện các chương trình lớn của Bộ.
4. Mời họp: Văn phòng Bộ hoặc đơn vị chủ trì tổ chức họp gửi giấy mời đúng danh sách thành phần mời họp. Giấy mời cấp Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh và tương đương trở lên dự họp phải do Lãnh đạo Bộ ký.
5. In tài liệu và chuẩn bị các điều kiện phục vụ họp:
a) Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm in ấn các tài liệu họp do các đơn vị thuộc cơ quan Bộ chuẩn bị. Các đơn vị thuộc cơ quan Bộ có kinh phí riêng phải tự in tài liệu họp theo số lượng cần thiết;
b) Nếu tổ chức họp ở cơ quan Bộ, Văn phòng Bộ chịu trách nhiệm bố trí phòng họp trên cơ sở đăng ký của các đơn vị. Nếu tổ chức họp ở ngoài cơ quan Bộ, Văn phòng Bộ bố trí xe đưa đón chung, nơi ăn, nghỉ cho đại biểu thuộc cơ quan Bộ. Đại biểu các đơn vị có kinh phí riêng do các đơn vị đó bảo đảm phương tiện đi lại và ăn nghỉ theo chế độ hiện hành;
c) Kinh phí cuộc họp được chi theo quy định chung của Nhà nước và kế hoạch được duyệt nhưng phải bảo đảm tiết kiệm;
d) Chương trình họp do đơn vị được phân công chủ trì dự thảo, trình Lãnh đạo Bộ duyệt.
Điều 32. Tổ chức họp
1. Triển khai việc tổ chức họp:
a) Sau khi chương trình đã được phê duyệt, đơn vị chủ trì tổ chức họp chịu trách nhiệm triển khai thực hiện; đăng ký đại biểu và nội dung tham luận để báo cáo người chủ trì họp và xử lý những tình huống cần thiết khác;
b) Tại cuộc họp, người chủ trì họp điều hành cuộc họp theo chương trình dự kiến; tùy theo yêu cầu thực tế có thể quyết định điều chỉnh chương trình họp nhưng phải thông báo để những người dự họp biết;
c) Người chủ trì họp điều hành cuộc họp phải kết luận rõ ràng về các nội dung, chuyên đề đã được thảo luận trong cuộc họp.
2. Ghi biên bản và thông báo kết quả họp:
a) Đơn vị chủ trì nội dung chịu trách nhiệm cử thư ký ghi biên bản họp (nếu cần) và soạn thảo thông báo ý kiến kết luận tại cuộc họp của Lãnh đạo Bộ gửi Chánh Văn phòng Bộ để trình Lãnh đạo Bộ duyệt trước khi ký ban hành;
b) Các đơn vị chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ dự thảo thông báo hội nghị ngành, cuộc họp Lãnh đạo Bộ thường kỳ, giao ban Lãnh đạo Bộ hàng tuần, các cuộc họp của Lãnh đạo Bộ với Lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các địa phương và đơn vị trong ngành;
c) Các đơn vị chuyên ngành dự thảo thông báo kết luận các hội nghị chuyên đề; cuộc họp của Lãnh đạo Bộ giải quyết công việc đột xuất theo chuyên ngành;
d) Các trường hợp khác do Lãnh đạo Bộ phân công.
3. Báo cáo kết quả họp:
a) Thứ trưởng báo cáo kết quả hội nghị do mình chủ trì với Bộ trưởng sau khi hội nghị kết thúc;
b) Đối với hội nghị, cuộc họp do Lãnh đạo Bộ ủy quyền cho Thủ trưởng các đơn vị chủ trì, sau khi kết thúc, người được ủy quyền phải báo cáo Lãnh đạo Bộ phụ trách về kết quả hội nghị, cuộc họp và những vấn đề vượt quá thẩm quyền giải quyết của đơn vị để Lãnh đạo Bộ xử lý kịp thời.
4. Thực hiện kết luận cuộc họp: Văn phòng Bộ cùng đơn vị được phân công có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện những nội dung Lãnh đạo Bộ đã kết luận tại các hội nghị, cuộc họp; kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp báo cáo Lãnh đạo Bộ về kết quả thực hiện kết luận đó.
Trên đây là nội dung quy định về việc tổ chức các hội nghị và cuộc họp của Bộ Công thương. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2385/QĐ-BCT năm 2013.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?