Trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ
Trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ được quy định tại Điều 6 Quy chế làm việc của Bộ Nội vụ ban hành kèm theo Quyết định 1079/QĐ-BNV năm 2012 như sau:
- Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về toàn bộ hoạt động của cơ quan, đơn vị theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn đã được Bộ trưởng quy định. Chủ động tổ chức thực hiện công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị; chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng về kết quả thực hiện công việc được giao và công việc thuộc trách nhiệm và thẩm quyền của mình, kể cả khi đã phân công hoặc uỷ nhiệm cho cấp phó; thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và của Bộ Nội vụ.
- Xây dựng kế hoạch công tác hàng năm, quý và từng tháng của cơ quan, đơn vị; tổ chức triển khai, phân công nhiệm vụ, đôn đốc và kiểm tra việc thực hiện của công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị thực hiện kế hoạch công tác.
- Những việc phát sinh vượt quá thẩm quyền phải kịp thời báo cáo Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách cho ý kiến chỉ đạo để giải quyết; không chuyển công việc thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị mình sang cơ quan, đơn vị khác hoặc lên Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực; không giải quyết công việc thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của cơ quan, đơn vị khác.
- Chủ động phối hợp với Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ để xử lý những vấn đề có liên quan đến những công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình và thực hiện nhiệm vụ chung của Bộ.
- Nghiêm túc chấp hành và thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng và các Thứ trưởng; xử lý văn bản, hồ sơ từ Văn phòng Bộ và các đơn vị khác chuyển đến để phân công cho cấp phó hoặc công chức, viên chức và người lao động (sau đây gọi chung là công chức, viên chức) đề xuất, giải quyết và thực hiện. Hướng dẫn, đôn đốc, chỉ đạo, kiểm tra công chức, viên chức thực hiện công việc theo đúng tiến độ, có chất lượng; phân công công chức, viên chức tham dự các cuộc họp, hội thảo trong và ngoài cơ quan.
- Xây dựng cơ cấu tổ chức cơ quan, đơn vị mình quản lý để trình cấp có thẩm quyền hoặc tự mình quyết định theo thẩm quyền; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn cho các tổ chức trực thuộc (nếu có); phân công nhiệm vụ cho các thành viên trong cơ quan, đơn vị, giải quyết công việc theo các lĩnh vực công tác của cơ quan, đơn vị mình. Khi công chức, viên chức vắng mặt, Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải bố trí người thay thế để bảo đảm công việc được tiến hành liên tục, đúng tiến độ.
- Quản lý đội ngũ công chức, viên chức trong cơ quan, đơn vị; tổ chức thực hiện nghiêm túc nội quy, quy chế làm việc của cơ quan, đơn vị và kỷ luật lao động.
- Dự họp giao ban hàng tuần của Bộ và các cuộc họp khác do Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng triệu tập (nếu vắng mặt phải báo cáo Bộ trưởng, Thứ trưởng chủ trì cuộc họp thông qua Văn phòng Bộ và uỷ nhiệm cho một cấp phó dự họp thay). Tổ chức và phân công công chức, viên chức thực hiện các kết luận của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng tại cuộc họp giao ban liên quan đến lĩnh vực do cơ quan, đơn vị được giao quản lý, phụ trách.
- Khi được Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng uỷ nhiệm đại diện cho Bộ tham dự các cuộc họp, hội nghị của Bộ, ngành, địa phương, trả lời phỏng vấn báo chí, thông tin đại chúng thì phải xin ý kiến chỉ đạo và phát biểu nội dung theo chỉ đạo của Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực; nếu nội dung chưa được chỉ đạo, chỉ phát biểu với tư cách cá nhân, thực hiện đúng các quy định trong Quy chế phát ngôn của Bộ.
- Khi trình Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng, Người đứng đầu cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm rà soát lại toàn bộ thủ tục, hồ sơ, nội dung dự thảo văn bản do công chức, viên chức chuẩn bị và ghi rõ ý kiến của mình trong tờ trình.
Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm về các đề xuất hoặc quyết định của mình trước cấp trên.
- Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc Bộ đi công tác (vắng mặt khỏi cơ quan) hoặc nghỉ từ 02 ngày làm việc trở lên phải báo cáo bằng văn bản và được sự đồng ý của Bộ trưởng, sau đó báo cáo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và uỷ quyền cho một cấp phó để giải quyết các công việc thuộc nhiệm vụ, thẩm quyền của mình.
Người đứng đầu các cơ quan trực thuộc Bộ (trừ trường hợp Thứ trưởng kiêm nhiệm Người đứng đầu cơ quan trực thuộc Bộ) nếu vắng mặt khỏi cơ quan từ 05 ngày trở lên phải báo cáo bằng văn bản và được sự đồng ý của Bộ trưởng, sau đó báo cáo Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực và phải có văn bản uỷ quyền (ghi rõ nội dung uỷ quyền) cho một cấp phó phụ trách.
Người được uỷ quyền chịu trách nhiệm trước Người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trước Bộ trưởng, trước pháp luật về mọi hoạt động của cơ quan, đơn vị trong thời gian và phạm vi được uỷ quyền; không được ủy quyền lại cho người khác những nội dung đã được ủy quyền.
- Khi Bộ trưởng, Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực có chương trình làm việc với cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ (theo lịch do Văn phòng Bộ thông báo) thì Người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải chuẩn bị nội dung làm việc và sau đó tổ chức thực hiện các kết luận của Bộ trưởng, Thứ trưởng.
- Phối hợp với Ban Chấp hành Công đoàn cùng cấp đồng chủ trì tổ chức hội nghị sơ kết, tổng kết công tác hàng năm của cơ quan, đơn vị.
- Thực hiện đầy đủ chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của pháp luật và quy định tại Quy chế này. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ phải chịu trách nhiệm trực tiếp về nội dung thông tin, báo cáo của đơn vị, kể cả trường hợp ủy nhiệm cho cấp phó ký thay.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng và Thứ trưởng giao; được Bộ trưởng uỷ quyền giải quyết hoặc ký thừa lệnh một số văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ trưởng và phải chịu trách nhiệm cá nhân trước Bộ trưởng, trước pháp luật về nội dung được uỷ quyền.
Trên đây là nội dung quy định về trách nhiệm, phạm vi và cách thức giải quyết công việc của Người đứng đầu cơ quan, đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Nội vụ. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 1079/QĐ-BNV năm 2012.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Đại hội Anh hùng chiến sĩ thi đua và dũng sĩ các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam lần thứ nhất được tổ chức vào thời gian nào?
- Trước khi trở thành Quân đội nhân dân Việt Nam, tổ chức tiền thân được gọi là gì? Ai là người đặt tên cho Quân đội nhân dân Việt Nam?
- Những nội dung cơ bản trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân là gì?
- Bộ GDĐT công bố dự thảo quy chế tuyển sinh Đại học 2025? Xem toàn bộ Dự thảo tại đâu?
- Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2021-2030) nêu quan điểm phát triển: “Chủ động, kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và....' gì?