Quy định việc tham gia thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính thuộc lĩnh vực hải quan
Việc tham gia thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính thuộc lĩnh vực hải quan được quy định tại Mục 5 Phần II Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục tham gia thủ tục hành chính tại Tòa án của cơ quan hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:
1. Thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm
a) Tòa án thực hiện thủ tục giám đốc thẩm để xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án hành chính.
b) Tòa án tiến hành thủ tục tái thẩm để xét lại bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì có những tình tiết mới được phát hiện có khả năng làm thay đổi cơ bản nội dung vụ án, quyết định mà tòa án, đương sự không biết được khi tòa án ra bản án, quyết định đó.
2. Thủ tục đề nghị giám đốc thẩm
Cơ quan Hải quan có trách nhiệm nghiên cứu các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, trường hợp phát hiện có các căn cứ quy định tại Khoản 1, Điều 255 Luật TTHC (tố tụng hành chính) thì kịp thời kiến nghị người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm xem xét kháng nghị. Cụ thể như sau:
a) Trong thời hạn 01 năm kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật nếu phát hiện ra một trong các căn cứ để kháng nghị giám đốc thẩm thì gửi văn bản tới người có thẩm quyền kháng nghị quy định tại Điều 260 Luật TTHC để đề nghị xem xét, kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm;
b) Đơn đề nghị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm thực hiện theo mẫu số 01, ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-TANDETC-VKSNDTC ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thi hành một số quy định về thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm và thủ tục đặc biệt xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao của Luật TTHC. Đơn đề nghị phải được gửi kèm theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; tài liệu, chứng cứ (nếu có) để chứng minh cho yêu cầu đề nghị kháng nghị giám đốc thẩm là có căn cứ;
c) Cơ quan Hải quan được quyền cung cấp tài liệu, chứng cứ cho Tòa án, Viện kiểm sát có thẩm quyền xem xét theo thủ tục giám đốc thẩm, nếu những tài liệu, chứng cứ đó chưa được Tòa án cấp sơ thẩm, Tòa án cấp phúc thẩm yêu cầu cơ quan Hải quan giao nộp hoặc đã yêu cầu giao nộp nhưng cơ quan Hải quan không giao nộp được vì có lý do chính đáng hoặc những tài liệu, chứng cứ mà cơ quan Hải quan không thể biết được trong quá trình giải quyết vụ án;
d) Trong quá trình đề nghị kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật, nếu xét thấy cần thiết, cơ quan Hải quan có văn bản đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị hoãn thi hành bản án, quyết định của Tòa án.
3. Thủ tục đề nghị tái thẩm
Cơ quan Hải quan khi phát hiện có tình tiết mới có thể làm thay đổi cơ bản nội dung bản án, quyết định của Tòa án mà cơ quan Hải quan không biết được khi Tòa án ra bản án, quyết định đó thì có quyền đề nghị người có thẩm quyền kháng nghị xem xét, kháng nghị theo thủ tục tái thẩm. Cụ thể:
a) Đơn đề nghị xem xét bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo thủ tục tái thẩm theo mẫu số 02 ban hành kèm theo Thông tư liên tịch số 02/2013/TTLT-TANDETC-VKSNDTC ngày 15 tháng 10 năm 2013 của Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
b) Đơn đề nghị được gửi đến người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm quy định tại Điều 283 Luật TTHC.
4. Tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm
a) Khi xét thấy cần thiết, Tòa án triệu tập cơ quan Hải quan, người đại diện hợp pháp, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan Hải quan tham gia phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm. Trường hợp người được triệu tập vắng mặt thì Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn tiến hành phiên tòa.
b) Cơ quan Hải quan được Tòa án triệu tập đến phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm trình bày ý kiến về những vấn đề mà Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm yêu cầu. Trường hợp vắng mặt thì phải có văn bản trình bày ý kiến của mình.
c) Quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Hội đồng xét xử giám đốc thẩm, tái thẩm ra quyết định.
Theo đó, Khoản 1 Điều 255; Điều 260 và Điều 283 Luật TTHC 2015 được quy định như sau:
Điều 255. Căn cứ, điều kiện để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm khi có một trong những căn cứ sau đây:
a) Kết luận trong bản án, quyết định không phù hợp với những tình tiết khách quan của vụ án gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự;
b) Có vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng làm cho đương sự không thực hiện được quyền, nghĩa vụ tố tụng của mình, dẫn đến quyền, lợi ích hợp pháp của họ không được bảo vệ theo đúng quy định của pháp luật;
c) Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật dẫn đến việc ra bản án, quyết định không đúng gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của đương sự, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của người thứ ba.
....
Điều 260. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; những bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện thuộc phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
...
Điều 283. Người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án nhân dân cấp cao; bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án khác khi xét thấy cần thiết, trừ quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.
2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục tái thẩm bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án cấp tỉnh, Tòa án cấp huyện trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ.
3. Người đã kháng nghị bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật có quyền quyết định tạm đình chỉ thi hành bản án, quyết định đó cho đến khi có quyết định tái thẩm.
Trên đây là nội dung tư vấn về việc tham gia thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vụ án hành chính thuộc lĩnh vực hải quan. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Còn bao nhiêu ngày đến 30 4 2025?
- 9 tháng 2 năm 2025 là ngày bao nhiêu âm lịch? NLĐ được nghỉ làm ngày này không?
- Có thể trả tiền thuê đất hằng năm đối với đất nuôi trồng thủy sản không?
- Hiệu trưởng công lập có được điều hành dạy thêm ngoài trường học không?
- Thẩm quyền xử phạt của Chủ tịch UBND tỉnh theo Nghị định 168?