Quy định việc tham gia thủ tục tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan theo thủ tục rút gọn

Quy định việc tham gia thủ tục tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan theo thủ tục rút gọn? Xin chào Ban biên tập Thư Ký Luật. Tôi tên là Thanh Thiện. Tôi đang làm việc tại cơ quan hải quan ở Cà Mau. Vì tính chất công việc có liên quan đến một số thủ tục hành chính. Nhưng có một số quy định tôi vẫn chưa nắm rõ lắm, tôi mong Ban biên tập có thể tư vấn giúp tôi, cụ thể việc tham gia thủ tục tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan theo thủ tục rút gọn được quy định như thế nào? Văn bản pháp luật nào quy định vấn đề này? Mong nhận được tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật. Chân thành cảm ơn! (thien***@gmail.com)

Việc tham gia thủ tục tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan theo thủ tục rút gọn được quy định tại Mục 4 Phần II Bản hướng dẫn nội bộ về trình tự, thủ tục tham gia thủ tục hành chính tại Tòa án của cơ quan hải quan ban hành kèm theo Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017 như sau:

1. Tham gia phiên tòa sơ thẩm theo thủ tục rút gọn

a) Tòa án sơ thẩm có thể áp dụng thủ tục rút gọn trong tố tụng hành chính khi có các điều kiện theo quy định tại Điều 246 Luật TTHC (tố tụng hành chính) để giải quyết các vụ án hành chính nhằm rút ngắn về thời gian và thủ tục so với thủ tục giải quyết vụ án hành chính thông thường nhưng vẫn bảo đảm giải quyết vụ án đúng pháp luật.

b) Trường hợp xét thấy vụ án không đủ điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn hoặc việc áp dụng thủ tục rút gọn gây bất lợi cho cơ quan Hải quan thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định đưa vụ án ra giải quyết theo thủ tục rút gọn của Tòa án, cơ quan Hải quan có quyền khiếu nại với Chánh án Tòa án đã ra quyết định.

c) Trình tự phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn được quy định tại Điều 249 Luật TTHC. Cơ quan Hải quan tham gia các thủ tục đối thoại, trình bày, tranh luận, đối đáp, đưa ra quan điểm của mình như nêu tại Khoản 3 Mục II Phần này.

d) Bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án theo thủ tục rút gọn có thể bị kháng cáo, kháng nghị để yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm giải quyết theo thủ tục rút gọn. Trường hợp không đồng ý với kết luận của bản án, quyết định của Tòa án theo thủ tục rút gọn, Cơ quan Hải quan có quyền kháng cáo trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày tuyên án.

2. Tham gia phiên tòa phúc thẩm theo thủ tục rút gọn

a) Việc xét xử phúc thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện.

b) Trường hợp đương sự đã được triệu tập hợp lệ mà vắng mặt không có lý do chính đáng hoặc đã có đơn xin xét xử vắng mặt thì Thẩm phán vẫn tiến hành phiên tòa.

c) Cơ quan Hải quan trình bày việc kháng cáo, tranh luận, đối đáp, đề xuất ý kiến của mình như nêu tại Khoản 3 Mục II Phần này.

d) Bản án, quyết định phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra bản án, quyết định.

Theo đó, Điều 246 và Điều 249 Luật TTHC 2015 được quy định như sau:

Điều 246. Điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn

1. Vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Vụ án có tình tiết đơn giản, tài liệu, chứng cứ đầy đủ, rõ ràng, bảo đảm đủ căn cứ giải quyết vụ án và Tòa án không phải thu thập tài liệu, chứng cứ;

b) Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng;

c) Không có đương sự cư trú ở nước ngoài, trừ trường hợp đương sự ở nước ngoài có thỏa thuận với đương sự ở Việt Nam đề nghị Tòa án giải quyết theo thủ tục rút gọn.

2. Trong quá trình giải quyết vụ án theo thủ tục rút gọn, Tòa án ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường nếu thuộc một trong những trường hợp sau đây:

a) Phát sinh các tình tiết mới mà các đương sự không thống nhất và cần phải xác minh, thu thập thêm tài liệu, chứng cứ hoặc cần phải tiến hành giám định;

b) Cần phải định giá tài sản nếu các đương sự không thống nhất về giá;

c) Cần phải áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;

d) Phát sinh người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;

đ) Phát sinh yêu cầu độc lập;

e) Phát sinh đương sự cư trú ở nước ngoài mà cần phải thực hiện ủy thác tư pháp, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều này.

3. Trường hợp chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường thì thời hạn chuẩn bị xét xử vụ án được tính lại kể từ ngày ra quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường.

...

Điều 249. Phiên tòa theo thủ tục rút gọn

1. Việc xét xử sơ thẩm vụ án hành chính theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán thực hiện.

2. Thẩm phán tiến hành thủ tục khai mạc phiên tòa theo quy định tại Điều 169 của Luật này.

3. Sau khi khai mạc phiên tòa, Thẩm phán tiến hành đối thoại, trừ trường hợp không tiến hành đối thoại được theo quy định tại Điều 135 của Luật này. Trường hợp đương sự thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán lập biên bản đối thoại thành và ra quyết định công nhận kết quả đối thoại thành theo quy định tại Điều 140 của Luật này. Trường hợp đương sự không thống nhất được với nhau về việc giải quyết vụ án thì Thẩm phán tiến hành xét xử.

Việc trình bày, tranh luận, đối đáp, đề xuất quan điểm về việc giải quyết vụ án được thực hiện theo quy định tại Mục 3 Chương XI của Luật này.

4. Trường hợp tại phiên tòa mà phát sinh tình tiết mới quy định tại khoản 2 Điều 246 của Luật này làm cho vụ án không còn đủ điều kiện để áp dụng thủ tục rút gọn thì Thẩm phán xem xét, quyết định chuyển vụ án sang giải quyết theo thủ tục thông thường và thời hạn chuẩn bị xét xử được tính lại theo quy định tại khoản 3 Điều 246 của Luật này.

Trên đây là nội dung tư vấn về việc tham gia thủ tục tố tụng hành chính thuộc lĩnh vực hải quan theo thủ tục rút gọn. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Quyết định 2587/QĐ-TCHQ năm 2017.

Trân trọng!

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
0 lượt xem
Hỏi đáp pháp luật mới nhất
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào