Điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với người làm công tác cơ yếu là gì?
Theo quy định tại Điều 7 Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH hướng dẫn Luật Bảo hiểm xã hội và Nghị định 33/2016/NĐ-CP về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương đối với quân nhân do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng - Bộ Công an - Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ban hành thì:
Điều kiện hưởng chế độ thai sản của lao động nữ sinh con, lao động nữ mang thai hộ, người mẹ nhờ mang thai hộ và người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi được quy định tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội, được hướng dẫn cụ thể như sau:
1. Thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được xác định như sau:
a) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi trước ngày 15 của tháng, thì tháng sinh hoặc nhận nuôi con nuôi không tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh Hoặc nhận nuôi con nuôi.
Ví dụ 15: Đồng chí Trung úy Nguyễn Thị Lan sinh con vào ngày 13 tháng 01 năm 2017, khoảng thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 01 năm 2016 đến tháng 12 năm 2016, nếu trong khoảng thời gian này đồng chí Lan đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 6 tháng trở lên hoặc từ đủ 3 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì đồng chí Lan được hưởng chế độ thai sản theo quy định.
b) Trường hợp sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi từ ngày 15 trở đi của tháng và tháng đó có đóng bảo hiểm xã hội, thì tháng sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi được tính vào thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi. Trường hợp trong tháng đó không đóng bảo hiểm xã hội thì thực hiện theo quy định tại Điểm a Khoản này.
Ví dụ 16: Đồng chí Nguyễn Thị Hà, nhân viên cơ yếu, thôi việc vào tháng 8 năm 2017; sinh con vào ngày 16 tháng 12 năm 2017, thời gian 12 tháng trước khi sinh con được tính từ tháng 01 năm 2017 đến tháng 12 năm 2017, nếu trong khoảng thời gian này đồng chí Hà đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên hoặc từ đủ 03 tháng trở lên trong trường hợp khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì đồng chí Hà được hưởng chế độ thai sản theo quy định. Việc giải quyết chế độ thai sản đối với đồng chí Hà do cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương nơi đồng chí Hà cư trú hợp pháp chi trả.
2. Điều kiện hưởng trợ cấp một lần khi sinh con được hướng dẫn cụ thể như sau:
a) Đối với trường hợp chỉ có người cha tham gia bảo hiểm xã hội hoặc cả cha và mẹ cùng tham gia bảo hiểm xã hội nhưng người mẹ không đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản khi sinh con thì người cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con;
Ví dụ 17: Đồng chí Thiếu úy Nguyễn Văn Hạnh, có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ tháng 5 tháng 2015 đến tháng 9 năm 2015; từ tháng 10 năm 2015 đến tháng 02 năm 2016 đồng chí Hạnh nghỉ việc để điều trị bệnh, hưởng trợ cấp ốm đau từ nguồn quỹ bảo hiểm xã hội và không tham gia đóng bảo hiểm xã hội; tháng 3 năm 2016 đồng chí Hạnh tiếp tục trở lại đơn vị làm việc. Ngày 12 tháng 5 năm 2016 vợ đồng chí Hạnh (có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản) sinh con. Như vậy, thời gian 12 tháng trước khi vợ đồng chí Hạnh sinh con được xác định từ tháng 5 năm 2015 đến tháng 4 năm 2016; trong khoảng thời gian này đồng chí Hạnh có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội là 07 tháng nên đồng chí Hạnh được nhận trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại tháng vợ đồng chí Hạnh sinh con.
b) Trường hợp chỉ có người cha tham gia đóng bảo hiểm xã hội, người mẹ nhờ mang thai hộ và người mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội hoặc có tham gia bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, thì người cha phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng tính đến thời điểm nhận con.
Ví dụ 18: Đồng chí Bùi Văn Hiển, nhân viên cơ yếu, tham gia bảo hiểm xã hội từ tháng 12 năm 2015; do điều kiện sức khỏe, vợ chồng đồng chí Hiển phải nhờ người mang thai hộ; ngày 18 tháng 12 năm 2016 vợ chồng đồng chí Hiển được nhận con. Tuy nhiên, vợ đồng chí Hiển và người mẹ mang thai hộ không tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; do đó, trong khoảng thời gian 12 tháng trước khi nhận con, đồng chí Hiển có thời gian tham gia bảo hiểm xã hội (từ tháng 12 năm 2015 đến tháng 12 năm 2016) là 13 tháng, nên đồng chí Hiển được nhận trợ cấp một lần bằng 02 lần mức lương cơ sở tại thời điểm nhận con (1.210.000 đồng x 2 tháng = 2.420.000 đồng).
Trên đây là nội dung tư vấn về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với người làm công tác cơ yếu. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Thông tư liên tịch 105/2016/TTLT-BQP-BCA-BLĐTBXH.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?