Tội trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động theo Bộ Luật hình sự 2015
Theo quy định tại Điều 216 Bộ Luật hình sự 2015 (có hiệu lực ngày 01/01/2018) thì:
1. Người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau đây, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng năm đến 03 năm:
a) Phạm tội 02 lần trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;
c) Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người;
d) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều này.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;
b) Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người trở lên;
c) Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều này.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
5. Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
a) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;
b) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
c) Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.
Dấu hiệu pháp lý của tội trốn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động là:
Khách thể: Xâm phạm đến các quy định của Nhà nước về bảo hiểm y tế. Từ đó, gây thiệt hại cho Nhà nước, người lao động.
Chủ thể: Là chủ thể đặc biệt. Hiểu một cách đơn giản, chủ thể thực hiện tội phạm ở đây là người sử dụng lao động (cá nhân, pháp nhân) bởi đây là chủ thể được pháp luật quy định có nghĩa vụ thực hiện thủ tục liên quan đến việc đóng các loại bảo hiểm cho người lao động.
Mặt khách quan: Hành vi phạm tội ở đây được thể hiện bằng việc gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp luật định. Thủ đoạn gian dối có thể được hiểu là việc giả mạo các hóa đơn chứng từ liên quan đến việc sử dụng lao động hoặc cố tình khai báo không trung thực với cơ quan bảo hiểm xã hội về nghĩa vụ đóng bảo hiểm. Ngoài ra, việc sử dụng các thủ đoạn khác có thể được hiểu là những giao kèo, thỏa thuận trái pháp luật để ép hoặc yêu cầu người lao động không tham gia bảo hiểm để người sử dụng lao động trốn tránh việc đóng bảo hiểm y tế…
Mặt chủ quan: Người phạm tội thực hiện với lỗi cố ý.
Trên đây là nội dung tư vấn về tội trốn đóng bảo hiểm y tế. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này vui lòng tham khảo thêm tại Bộ Luật hình sự 2015.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trưởng công an xã được tịch thu xe vi phạm không quá 5 triệu đồng?
- Năm 2025 lái xe ô tô chạy quá tốc độ bao nhiêu km/h thì bị trừ điểm bằng lái xe?
- Mẫu phiếu hẹn khám lại trong khám chữa bệnh bảo hiểm y tế?
- Có được phép đeo tai nghe khi đang điều khiển xe máy hay không? Phạt nặng nhất là bao nhiêu?
- Lỗi lùi xe ô tô trên đường cao tốc bị phạt bao nhiêu tiền từ 1/1/2025?