Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định
Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định được quy định tại Khoản 4; Khoản 5 và Điểm c, d Khoản 6 Điều 28 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:
4. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi không trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật.
5. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này.
6. Biện pháp khắc phục hậu quả:
...
c) Buộc bãi nhiệm chức danh người quản trị, điều hành, chuyên gia tính toán đã được Bộ Tài chính phê chuẩn đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này;
d) Buộc đình chỉ các chức danh đã được doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài bổ nhiệm đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều này.
Ngoài ra, liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập cung cấp thêm thông tin đến bạn quy định về quỹ dự phòng nghiệp vụ như sau:
+ Dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm phi nhân thọ
Doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, chi nhánh nước ngoài phải trích lập dự phòng nghiệp vụ theo từng nghiệp vụ bảo hiểm hoặc hợp đồng bảo hiểm tương ứng với trách nhiệm giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.
Dự phòng nghiệp vụ bao gồm:
- Dự phòng phí chưa được hưởng: Được sử dụng để bồi thường cho trách nhiệm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;
- Dự phòng bồi thường: Được sử dụng để bồi thường cho các tổn thất đã phát sinh thuộc trách nhiệm bảo hiểm chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;
- Dự phòng bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất: Được sử dụng để bồi thường khi có dao động lớn về tổn thất hoặc tổn thất lớn xảy ra mà tổng phí bảo hiểm giữ lại trong năm tài chính sau khi đã trích lập dự phòng phí chưa được hưởng và dự phòng bồi thường cho khiếu nại chưa giải quyết không đủ để chi trả tiền bồi thường đối với phần trách nhiệm giữ lại của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.
+ Dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm nhân thọ
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ phải trích lập dự phòng nghiệp vụ cho từng hợp đồng bảo hiểm nhân thọ tương ứng với trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm.
Dự phòng nghiệp vụ bao gồm:
- Dự phòng toán học: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm đối với những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
- Dự phòng phí chưa được hưởng: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;
- Dự phòng bồi thường: Được sử dụng để trả tiền cho các sự kiện bảo hiểm đã xảy ra chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;
- Dự phòng chia lãi: Được sử dụng để trả lãi mà doanh nghiệp bảo hiểm đã thỏa thuận với bên mua bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm;
- Dự phòng bảo đảm lãi suất cam kết: Được sử dụng để bảo đảm mức lãi suất cam kết của doanh nghiệp đối với khách hàng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm;
- Dự phòng bảo đảm cân đối: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do có biến động lớn về tỷ lệ rủi ro, lãi suất kỹ thuật.
+ Dự phòng nghiệp vụ đối với bảo hiểm sức khỏe
Doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ, doanh nghiệp bảo hiểm sức khỏe, chi nhánh nước ngoài phải trích lập dự phòng nghiệp vụ cho từng hợp đồng bảo hiểm sức khỏe tương ứng với trách nhiệm của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh nước ngoài.
Dự phòng nghiệp vụ bao gồm:
- Dự phòng toán học: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm cho những trách nhiệm đã cam kết khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
- Dự phòng phí chưa được hưởng: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm sẽ phát sinh trong thời gian còn hiệu lực của hợp đồng bảo hiểm trong năm tiếp theo;
- Dự phòng bồi thường: Được sử dụng để trả tiền cho các sự kiện bảo hiểm đã xảy ra chưa khiếu nại hoặc đã khiếu nại nhưng đến cuối năm tài chính chưa được giải quyết;
- Dự phòng bảo đảm cân đối: Được sử dụng để trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm do có biến động lớn về tỷ lệ rủi ro, lãi suất kỹ thuật.
+ Dự phòng nghiệp vụ đối với tái bảo hiểm
- Đối với tái bảo hiểm phi nhân thọ: Bao gồm các loại dự phòng phí chưa được hưởng, bồi thường, bồi thường cho các dao động lớn về tổn thất.
- Đối với tái bảo hiểm nhân thọ: Bao gồm các loại dự phòng toán học, phí chưa được hưởng, bồi thường, chia lãi, bảo đảm lãi suất cam kết, bảo đảm cân đối.
- Đối với tái bảo hiểm sức khỏe: Bao gồm các loại dự phòng toán học, phí chưa được hưởng, bồi thường, bảo đảm cân đối.
Như vậy, doanh nghiệp bảo hiểm nên trích lập dự phòng nghiệp vụ theo những quy định nêu trên để tránh tình trạng vi phạm và có thể bị phạt lên đến 100.000.000 đồng, đồng thời, những chức danh liên quan gây ra vi phạm có thể bị buộc bãi nhiệm và buộc đình chỉ. Một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động có thể bị đình chỉ từ 2 tháng đến 3 tháng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không trích lập dự phòng nghiệp vụ theo quy định của pháp luật. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?