Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không duy trì các nguồn vốn tương xứng với nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động
Xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không duy trì vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp, vốn được cấp tương xứng với nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động được quy định tại Điểm b Khoản 1, 2 và Khoản 3 Điều 26 Nghị định 98/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số như sau:
1. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
b) Không duy trì vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp, vốn được cấp tương xứng với nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động theo quy định của pháp luật;
…
2. Hình thức xử phạt bổ sung:
Đình chỉ hoạt động từ 02 tháng đến 03 tháng một phần nội dung, phạm vi liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động đối với trường hợp vi phạm quy định tại Khoản 1 Điều này.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc bãi nhiệm chức danh người quản trị, điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài đã được Bộ Tài chính phê chuẩn đối với trường hợp vi phạm quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản 1 Điều này.
Ngoài ra, liên quan đến nội dung trên, Ban biên tập thông tin thêm đến bạn về việc duy trì vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp, vốn được cấp tương xứng với nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động, trong đó, nội dung và phạm vi hoạt động được quy định như sau:
+ Nội dung hoạt động của doanh nghiệp bảo hiểm
- Kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh tái bảo hiểm;
- Đề phòng, hạn chế rủi ro, tổn thất;
- Giám định tổn thất;
- Đại lý giám định tổn thất, xét giải quyết bồi thường, yêu cầu người thứ ba bồi hoàn;
- Quản lý quỹ và đầu tư vốn;
- Các hoạt động khác theo quy định của pháp luật.
- Doanh nghiệp bảo hiểm không được phép đồng thời kinh doanh bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm phi nhân thọ, trừ trường hợp doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ kinh doanh nghiệp vụ bảo hiểm sức khoẻ và bảo hiểm tai nạn
- Chi nhánh nước ngoài chỉ được kinh doanh các nghiệp vụ, sản phẩm bảo hiểm mà doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được kinh doanh theo quy định của nước nơi doanh nghiệp đóng trụ sở chính.
+ Nội dung hoạt động của doanh nghiệp môi giới bảo hiểm
- Cung cấp thông tin về loại hình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm cho bên mua bảo hiểm.
- Tư vấn cho bên mua bảo hiểm trong việc đánh giá rủi ro, lựa chọn loại hình bảo hiểm, điều kiện, điều khoản, biểu phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm.
- Đàm phán, thu xếp giao kết hợp đồng bảo hiểm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và bên mua bảo hiểm.
- Thực hiện các công việc khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm theo yêu cầu của bên mua bảo hiểm.
+ Nội dung hoạt động của Văn phòng đại diện
- Làm chức năng văn phòng liên lạc;
- Nghiên cứu thị trường;
- Xúc tiến xây dựng các dự án đầu tư của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài;
- Thúc đẩy và theo dõi việc thực hiện các dự án do doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tài trợ tại Việt Nam;
- Các hoạt động khác phù hợp với pháp luật Việt Nam.
- Văn phòng đại diện của doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm nước ngoài tại Việt Nam không được thực hiện các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam.
+ Nội dung hoạt động đại lý bảo hiểm
- Giới thiệu, chào bán bảo hiểm;
- Thu xếp việc giao kết hợp đồng bảo hiểm;
- Thu phí bảo hiểm;
- Thu xếp giải quyết bồi thường, trả tiền bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm;
- Thực hiện các hoạt động khác có liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm.
Như vậy, phụ thuộc vào nội dung (nêu trên), phạm vi và địa bàn hoạt động thì doanh nghiệp bảo hiểm phải duy trì vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp, vốn được cấp tương xứng. Theo đó, hàng quý, căn cứ vào báo cáo tài chính, chi nhánh nước ngoài phải đánh giá lại nguồn vốn. Trường hợp những nguồn vốn nêu trên chưa đáp ứng quy định, doanh nghiệp bảo hiểm phải thực hiện các thủ tục bổ sung vốn theo quy định pháp luật trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc quý. Nếu không duy trì đủ nguồn vốn hoặc thực hiện bổ sung khi thiếu, doanh nghiệp bảo hiểm vi phạm có thể bị phạt tiền lên đến 100.000.000 đồng. Ngoài ra, người quản trị, điều hành của doanh nghiệp bảo hiểm đã được Bộ Tài chính phê chuẩn gây ra vi phạm sẽ bị buộc bãi nhiệm và một phần nội dung liên quan trực tiếp đến hành vi vi phạm hành chính trong Giấy phép thành lập và hoạt động sẽ bị đình chỉ hoạt động từ 2 đến 3 tháng.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về xử phạt doanh nghiệp bảo hiểm không duy trì vốn chủ sở hữu, vốn điều lệ đã góp, vốn được cấp tương xứng với nội dung, phạm vi và địa bàn hoạt động. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 98/2013/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?