Nghĩa vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng hải
Nghĩa vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng hải được quy định tại Điều 107 Nghị định 58/2017/NĐ-CP hướng dẫn Bộ luật Hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải (có hiệu lực từ ngày 01/07/2017) như sau:
1. Tàu biển, tàu quân sự, tàu công vụ, tàu cá, phương tiện thủy nội địa và thủy phi cơ khi gặp nguy hiểm cần sự cứu giúp phải phát tín hiệu cấp cứu theo quy định. Khi phát hiện tai nạn hoặc nguy cơ xảy ra tai nạn, người phát hiện phải lập tức phát tín hiệu cấp cứu và tiến hành ngay các biện pháp cứu nạn, phòng ngừa phù hợp để cứu người, tài sản và ngăn ngừa hoặc hạn chế tổn thất tới mức thấp nhất.
2. Việc cứu người bị nạn là nghĩa vụ bắt buộc đối với mọi tổ chức, cá nhân, tàu thuyền và các phương tiện khác khi đang hoạt động ở trong vùng nước cảng biển và vùng biển Việt Nam. Tàu thuyền khi phát hiện hay nhận được tín hiệu cấp cứu của người hoặc tàu thuyền khác gặp nạn trên biển hoặc trong vùng nước cảng biển, nếu điều kiện thực tế cho phép và không gây nguy hiểm nghiêm trọng cho người và tàu thuyền của mình phải bằng mọi cách tiến hành cứu giúp người gặp nạn, kể cả việc phải đi chệch hướng, chệch khỏi hành trình đã định và phải kịp thời thông báo cho tổ chức, cá nhân có liên quan biết. Tàu thuyền bị thiệt hại nhẹ hơn phải cứu trợ tàu thuyền bị thiệt hại nặng hơn cho dù lỗi gây ra tai nạn, sự cố không phải là của tàu thuyền mình.
3. Giám đốc Cảng vụ hàng hải có quyền huy động mọi lực lượng, trang thiết bị của cảng, tàu thuyền và các phương tiện khác hiện có trong khu vực cảng biển để tìm kiếm, cứu nạn đối với người và phương tiện bị nạn; tất cả các đối tượng được huy động có nghĩa vụ chấp hành mệnh lệnh của Giám đốc Cảng vụ hàng hải. Đối với những tai nạn hàng hải xảy ra trong vùng nước cảng biển làm ảnh hưởng đến hoạt động hàng hải trên luồng hàng hải, Giám đốc Cảng vụ hàng hải chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp bảo đảm an toàn hàng hải tại khu vực để kịp thời tiến hành cảnh giới, lắp đặt báo hiệu hàng hải và ra thông báo hàng hải nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải và phòng ngừa ô nhiễm môi trường.
4. Cơ quan phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải phải sẵn sàng tổ chức và phối hợp hoạt động tìm kiếm, cứu nạn kịp thời đối với người, phương tiện gặp nạn trong vùng tìm kiếm, cứu nạn do mình phụ trách và được quyền huy động người, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn.
5. Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng quy chế phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải trong vùng nước cảng biển và trên các vùng biển, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trên đây là quy định về Nghĩa vụ tìm kiếm, cứu nạn hàng hải. Để hiểu rõ hơn về vấn đề này bạn nên tham khảo thêm tại Nghị định 58/2017/NĐ-CP.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?