Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự
Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự được hướng dẫn tại Điều 27 Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC quy định việc phối hợp giữa Viện kiểm sát nhân dân và Tòa án nhân dân trong việc thi hành quy định của Bộ luật tố tụng dân sự, theo đó:
Điều 27. Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm
Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm (theo thủ tục thông thường hoặc thủ tục rút gọn) đối với những vụ án dân sự sau đây:
1. Vụ án dân sự do Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 97 và các điều 98, 99, 100, 101, 102, 103, 104, 105 và 106 BLTTDS.
2. Vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là tài sản công, lợi ích công cộng:
a) Tài sản công là tài sản thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý theo quy định của Bộ luật dân sự và quy định khác của pháp luật.
Ví dụ: Vụ án dân sự tranh chấp về tài sản của một cơ quan nhà nước mà tài sản đó được mua sắm từ nguồn ngân sách nhà nước.
b) Lợi ích công cộng là những lợi ích vật chất hoặc tinh thần liên quan đến xã hội hoặc cộng đồng dân cư.
Ví dụ: Vụ án dân sự mà người khởi kiện yêu cầu doanh nghiệp phải bồi thường thiệt hại do gây ô nhiễm môi trường.
3. Vụ án dân sự có đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở, bao gồm:
a) Tranh chấp về việc ai là người có quyền sử dụng đất hoặc ai là người có quyền sở hữu nhà ở.
Ví dụ: A và B tranh chấp với nhau về quyền sử dụng đất đối với một thửa đất có diện tích là 500 m2hiện do B đang quản lý, sử dụng. A khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết để buộc B phải trả lại thửa đất đó cho A. Trong trường hợp này, đối tượng tranh chấp là quyền sử dụng đất, thuộc trường hợp Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm.
b) Tranh chấp về hợp đồng có đối tượng của hợp đồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở (gồm: tranh chấp về hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất; tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng mua bán nhà ở; tranh chấp về hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng thuê nhà ở; tranh chấp về hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng tặng cho nhà ở; tranh chấp về hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất hoặc hợp đồng góp vốn bằng giá trị nhà ở…).
Đối với tranh chấp về hợp đồng có liên quan đến quyền sử dụng đất hoặc nhà ở nhưng quyền sử dụng đất hoặc nhà ở đó không phải là đối tượng của hợp đồng thì không thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.
Ví dụ: A vay ngân hàng B số tiền là 500 triệu đồng, đồng thời thế chấp cho ngân hàng một ngôi nhà và quyền sử dụng đất giá trị 01 tỷ đồng. Đến thời hạn trả nợ, A không thực hiện được nghĩa vụ thanh toán, ngân hàng tiến hành xử lý tài sản thế chấp để thu hồi nợ nhưng không xử lý được vì khu đất này đang trong diện quy hoạch, không được phép chuyển đổi, chuyển nhượng. Ngân hàng đã khởi kiện ra Tòa án yêu cầu Tòa án giải quyết buộc A phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Trong vụ án dân sự này, đối tượng tranh chấp là khoản tiền A vay ngân hàng, không phải là quyền sử dụng đất và nhà ở A dùng để thế chấp, do đó, không thuộc trường hợp Viện kiểm sát phải tham gia phiên tòa sơ thẩm.
c) Tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất hoặc thừa kế nhà ở;
d) Tranh chấp đòi lại quyền sử dụng đất hoặc đòi lại nhà ở đang cho mượn, cho sử dụng nhờ;
đ) Tranh chấp về chia tài sản chung của vợ chồng là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở trong thời kỳ hôn nhân;
e) Tranh chấp về chia tài sản là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở khi ly hôn, sau khi ly hôn;
g) Tranh chấp trong các giao dịch dân sự khác có đối tượng giao dịch là quyền sử dụng đất hoặc nhà ở.
4. Vụ án dân sự có đương sự là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, cụ thể như sau:
a) Người mất năng lực hành vi dân sự là người đã có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố người đó mất năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
b) Người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là người đã có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố người đó bị hạn chế năng lực hành vi dân sự theo quy định của Bộ luật dân sự;
c) Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi là người đã có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án tuyên bố người đó có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật dân sự.
5. Vụ án dân sự chưa có điều luật để áp dụng quy định tại khoản 2 Điều 4 BLTTDS.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về Viện kiểm sát tham gia phiên tòa sơ thẩm vụ án dân sự, được quy định tại Thông tư liên tịch 02/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?