Lấn vỉa hè đặt cây cảnh trước nhà sẽ bị phạt ít nhất 2 triệu đồng

Tôi thấy nhiều mặt tiền thường đặt chậu cây cảnh trang trí trước cổng nhưng lấn lối đi chung. Chính quyền có phạt việc này không?

Theo khoản 1 Điều 4 Luật Giao thông đường bộ 2008, một trong những nguyên tắc hoạt động giao thông đường bộ là phải bảo đảm thông suốt, trật tự, an toàn, hiệu quả.

Khoản 1 Điều 36 quy định lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Điều 8 Luật này nghiêm cấm hành vi đặt, để chướng ngại vật trái phép trên đường; sử dụng lòng đường, lề đường, hè phố trái phép.

Theo mục II.2 Thông tư số 04/2008/TT-BXD của Bộ Xây dựng hướng dẫn quản lý đường đô thị, vỉa hè (hay hè phố) là bộ phận của đường đô thị, phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và kết hợp là nơi bố trí hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến (hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị dọc tuyến bao gồm các đường dây, đường ống và tuyến, hào kỹ thuật đặt dọc các tuyến đường đô thị).

Theo mục 2, mục 3 phần III Thông tư này, nguyên tắc chung là đường đô thị phải bảo đảm vỉa hè dành cho người đi bộ, lòng đường thông suốt cho các loại phương tiện giao thông cơ giới và thô sơ; khi sử dụng hoặc tạm thời sử dụng một phần đường đô thị vào mục đích khác phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đồng thời có giải pháp để bảo đảm không ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Như vậy, vỉa hè là để phục vụ chủ yếu cho người đi bộ và không được đặt, để chướng ngại vật, sử dụng trái phép. 

Theo điểm b khoản 4 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, phạt tiền từ 2.000.000 đến 3.000.000 đồng với cá nhân, từ 4.000.000 đến 6.000.000 đồng với tổ chức thực hiện một trong các hành vi sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông.

Việc đặt chậu hoa, cây cảnh trên vỉa hè (hè phố) có thể bị coi là “hoạt động khác gây cản trở giao thông” và bị xử phạt theo quy định này.

Theo khoản 9 Điều 12 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP, ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm nêu trên còn bị áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả sau đây: Buộc di dời cây trồng trái phép, các loại vật dụng và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

251 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào