Tòa án sẽ giải quyết tranh chấp đòi nhà cho ở nhờ
Theo quy định tại Điều 255 Bộ luật Dân sự (BLDS) về các biện pháp bảo vệ quyền sở hữu: Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền khác buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu phải trả lại tài sản, chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu và yêu cầu bồi thường thiệt hại. Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền tự bảo vệ tài sản thuộc sở hữu của mình, tài sản đang chiếm hữu hợp pháp bằng những biện pháp theo quy định của pháp luật.
Khoản 7 Điều 25 Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung năm 2011 (BLTTDS) cũng quy định: “Tranh chấp về quyền sử dụng đất, về tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai” là một trong những tranh chấp về dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án.
Do vậy, để đòi lại tài sản là căn nhà đã cho mượn ở nhờ, chủ sở hữu có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án có thẩm quyền giải quyết, buộc người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình phải trả lại tài sản khi việc thương lượng giữa các bên không đạt được kết quả.
Trong trường hợp bạn nêu, người cháu của bạn là người đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà nên về nguyên tắc, pháp luật Việt Nam công nhận người cháu của bạn là chủ sở hữu, sử dụng đối với tài sản nhà, đất đang cho ở nhờ.
Để khởi kiện người đang chiếm giữ tài sản nhà, đất (do được ở nhờ từ trước), người cháu của bạn - với tư cách là chủ sở hữu có quyền và lợi ích hợp pháp bị xâm phạm - cần gửi đơn đến Tòa án cấp quận, huyện nơi có tài sản nhà, đất đang cho ở nhờ để đề nghị giải quyết. Kèm theo đơn khởi kiện là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất và các tài liệu khác chứng minh việc cho ở nhờ, việc đòi lại nhà cho ở nhờ (nếu có).
Khi xét xử, Tòa án sẽ căn cứ vào các chứng cứ do các bên cung cấp để xác định quyền sở hữu đối với nhà đất có tranh chấp để buộc người đang chiếm hữu phải trả lại tài sản cho chủ sở hữu. Khi bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật, nếu người đang chiếm hữu không tự nguyện thi hành án, trả lại tài sản cho chủ sở hữu thì sẽ bị cưỡng chế theo quy định của pháp luật về thi hành án.
Nếu vì một lý do nào đó mà người đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất không trực tiếp đứng đơn khởi kiện (hoặc đứng đơn khởi kiện nhưng không tham gia được quá trình giải quyết vụ kiện tại Tòa án) có thể ủy quyền cho bạn hoặc cho người khác. Việc ủy quyền phải lập thành văn bản và có công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật.
Việc dùng “xã hội đen” để giải quyết các tranh chấp dân sự là hành vi trái pháp luật và có thể bị xử lý bằng biện pháp hình sự. Do vậy, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, gia đình bạn cần trình báo với cơ quan Công an địa phương về sự đe dọa của người đang chiếm giữ nhà, đất và đề nghị cơ quan này có biện pháp ngăn chặn, phòng ngừa và xử lý các hành vi trái pháp luật của người đang chiếm giữ nhà, đất.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Cho ở nhờ có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?