Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội
Điều 19 Bộ luật hình sự quy định: “ Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này ”
Vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, trước khi ban hành Bộ luật hình sự năm 1985, chưa có văn bản quy định chung cho mọi trường hợp tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được quy định trong các văn bản pháp luật đơn hành. Ví dụ Pháp lệnh trừng trị các tội phản cách mạng ngày 30-10-1967 ở Điều 20 quy định những trường hợp giảm nhẹ hoặc miễn hình phạt: “… có âm mưu phạm tội nhưng đã tự nguyện không thực hiện tội phạm”; và tại bản tổng kết số 452-HS2 ngày 10-8-1970 của Tòa án nhân dân tối cao về thực tiễn xét xử loại tội giết người, đã hướng dẫn: “ Trường hợp mặc dù đã rõ ràng can phạm có ý định giết người hoặc khi không xác định được rõ ràng ý thức của y, nhưng nếu được nửa chừng hành động, can phạm thấy nạn nhân đã bị thương tích, chủ động tự mình chấm dứt tấn công, tuy biết rằng còn có thể tiếp tục hành động, chỉ nên định tội là giết người chưa đạt”.
Sau khi Bộ luật hình sự năm 1985 có hiệu lực, tại Nghị quyết sô 02/HĐTP ngày 5-1-1988 và Nghị quyết số 1-89/HĐTP ngày 19-4-1989 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao khi hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật hình sự đã đề cập đến chế định này nhằm hướng dẫn Tòa án các cấp áp dụng đối với tất cả các tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự. Nội dung của Điều 16 Bộ luật hình sự năm 1985 được quy định lại tại Điều 19 Bộ luật hình sự năm 1999, không có thay đổi bổ sung, nên hướng dẫn tại Nghị quyết số 02/HĐTP ngày 5-1-1988 và Nghị quyết số 01-89/HĐTP ngày 19-4-1989 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về chế định này vẫn còn ý nghĩa. Căn cứ vào các hướng dẫn của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, qua thực tiễn xét xử, chúng ta có thể nghiên cứu chế định này với ý nghĩa là một trường hợp miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là một khái niệm pháp lý mà trước đây chúng ta quen gọi là “tự nguyện đình chỉ ”, đó là cách gọi tắt chứ bản thân nó chưa phản ánh đầy đủ nội dung của hành vi này. Đáng ra phải gọi là “ tự ý đình chỉ việc thực hiện tội phạm”, nhưng gọi như vậy cũng chưa rõ ràng, chưa nói lên được can phạm tự ý đình chỉ ở giai đoạn tội phạm nào. Vì vậy, Bộ luật hình sự nêu khái niệm “tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” là hoàn toàn chính xác và đầy đủ. Khái niệm pháp lý này có ý nghĩa rất quan trọng trong công tác xét xử, nó xác định người có hành vi nguy hiểm có phải chịu trách nhiệm hình sự hay không chịu tới mức nào. Tuy trong thực tiễn xét xử chúng ta không gặp nhiều những vụ án có “ tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” nhưng mỗi khi gặp thì lại thường có những ý kiến khác nhau, do vậy mà có vụ án lẽ ra phải xử phạt bị cáo với mức án cao, thì Tòa án lại miễn trách nhiệm hình sự hoặc ngược lại.
Về lý luận, thì tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ xảy ra trong trường hợp tội phạm được thực hiện ở giai đoạn chưa hoàn thành và chuẩn bị phạm tội. Còn ở những giai đoạn khác không thể có “ tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc phạm tội” mà chỉ có thể “ tự ý chấm dứt tội phạm”. Ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành và giai đoạn phạm tội hoàn thành, người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những dấu hiệu khách quan và chủ quan của tội phạm
Cũng không có vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm trong trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành, vi phạm tội chưa đạt đã hoàn thành là người phạm tội đã thực hiện đầy đủ những hành vi mà họ cho là cần thiết để gây ra hậu quả, nhưng vì nguyên nhân khách quan hậu quả đó đã không xảy ra. Ở đây, người phạm tội đã hành động như ý muốn và tin là hậu quả sẽ xảy ra nhưng lại không xảy ra. Mặc dù người phạm tội dừng và không còn gì ngăn cản nhưng cũng không được coi là tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm, vì người phạm tội đã thỏa mãn với hành vi mà họ đã gây ra, chỉ có hậu quả là y chưa thỏa mãn.
Đối với giai đoạn chuẩn bị phạm tội, nếu như người phạm tội tự nguyện không tiếp tục tội phạm nữa thì được coi là tự nguyện nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm vì ở giai đoạn này người phạm tội mới có hành vi tạo ra những cơ sở vật chất hoặc tinh thần cho việc thực hiện tội phạm. Nó chỉ là tiền đề cho việc xâm hại đến những quan hệ xã hội ( khách thể); nó là sự bắt đầu thực hiện tội phạm, ở giai đoạn này chưa có hành vi thực hiện tội phạm.
Như vậy, khi chúng ta xem xét một vụ án có vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm hay không, thì điều trước hết phải xem xét là người phạm tội thực hiện tội phạm được dừng lại ở giai đoạn nào, trường hợp phạm tội chưa đạt đã hoàn thành thì mặc dù người phạm tội có tự ý dừng lại không thực hiện nữa cũng không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Nhưng ngay cả khi thỏa mãn điều kiện trên thì vẫn chưa đủ cơ sở để kết luận kẻ phạm tội tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm, mà sự tự ý đó phải dứt khoát, triệt để chứ không phải là tạm thời, chốc lát.
Khi có đủ hai điều kiện như đã phân tích ở trên thì được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm. Người tự ý nửa chừng, chấm dứt việc thực hiện tội phạm được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm. Bộ luật hình sự quy định như vậy thể hiện thái độ dứt khoát về chính sách hình sự của nước ta. Việc quy định như vậy xuất phát từ cơ sở thực tế là hành vi phạm tội xảy ra trước lúc tự ý chấm dứt nửa chừng việc thực hiện tội phạm nói chung đã mất tính nguy hiểm cho xã hội hoặc hậu quả đã được hạn chế ở mức đáng kể. Biện pháp cưỡng chế không hoặc có ít tác dụng đối với người tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm. Việc miễn trách nhiệm hình sự chính là một biện pháp ngăn ngừa hậu quả nguy hiểm, bảo vệ các quan hệ xã hội.
Tuy nhiên, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm chỉ được miễn trách nhiệm hình sự về tội mà người đó định phạm. Còn hành vi thực tế mà họ đã thực hiện trước khi họ tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm, nếu có đầy đủ dấu hiệu cấu thành một tội khác thì họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội đó.
Trong một vụ án đồng phạm, vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm không giống như trường hợp phạm tội riêng rẽ ( chỉ có một người thực hiện ). Chỉ có người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm mới được áp dụng lý luận về tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm như trường hợp phạm tội riêng rẽ, còn những người khác như: người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thì phải có thêm những điều kiện khác ngoài hai điều kiện đã quy định như đối với người thực hành. Những điều kiện đó là:
- Sự tự ý của người đồng phạm phải xảy ra trước khi người thực hành trực tiếp bắt tay vào việc thực hiện tội phạm, vì nếu như người thực hành đã bắt tay vào việc thực hiện tội phạm thì sự tự ý của người đồng phạm không còn tác dụng làm mất tính nguy hiểm cho xã hội mà tội phạm đã gây ra và chính vì vậy mà sự tự ý đó không còn ý nghĩa nữa.
- Đồng thời với sự tự ý, họ phải có những hành động tích cực ngăn ngừa tội phạm xảy ra, vì họ không phải trực tiếp thực hiện tội phạm, nếu như họ chỉ tự ý trong tư tưởng thì tội phạm vẫn xảy ra, hơn nữa nếu họ không có những hành động tích cực ngăn ngừa tội phạm xảy ra thì lấy gì để chứng minh họ tự ý không thực hiện tội phạm nữa?
Tóm lại, khi xem xét một vụ án có vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm, chúng ta cần đánh giá toàn bộ vụ án, căn cứ vào những điều kiện về tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm để xét người thực hiện có phải là tự ý thật sự hay không. Đối với vụ án có đồng phạm, những người không phải là người thục hành thì ngoài những điều kiện chung, bản thân họ còn phải thỏa mãn hai điều kiện riêng thì họ mới được công nhận là tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm.
Nửa chừng châm dứt việc phạm tội cũng là trường hợp hậu quả chưa xảy ra, nhưng hậu quả ở đây là hậu quả đối với tội định phạm chứ không phải hậu quả thực tế.
Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội chỉ được miễn trách nhiệm hình sự chứ không phải là không có sự việc phạm tội, miễn tức là có trách nhiệm hình sự nhưng được Nhà nước miễn, về ý nghĩa xã hội miễn trách nhiệm hình sự cũng giống như loại trừ trách nhiệm hình sự ( không còn trách nhiệm hình sự ) nhưng về mặt pháp lý họ vẫn có thể bị xử lý bằng biện pháp khác. Do đó miễn trách nhiệm hình sự trong trường hợp này thực chất là miễn truy cứu trách nhiệm hình sự về tội họ định phạm, còn hành vi của họ trên thực tế cấu thành tội gì thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội ấy. Nếu hành vi của họ không cấu thành tội nào được quy định trong Bộ luật hình sự thì họ không phải chịu trách nhiệm hình sự và trong trường hợp này tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được coi là một trường hợp loại trừ trách nhiệm hình sự.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Người có giấy phép lái xe hạng A2 được điều khiển loại xe nào từ 01/01/2025?
- Địa chỉ Học viện Tòa án ở đâu? Học viện Tòa án có mã trường là gì?
- Lịch âm 2025, Lịch vạn niên 2025, Lịch 2025: Chi tiết, đầy đủ nhất cả năm 2025?
- Khi nào chứng thư thẩm định giá hết hạn? Chứng thư thẩm định giá không bắt buộc cập nhật vào CSDL quốc gia trong trường hợp nào?
- Thời hạn bình ổn giá hàng hóa dịch vụ bao lâu? Gia hạn thời gian bình ổn giá hàng hóa dịch vụ được không?