Biện pháp bắt buộc chữa bệnh
Bắt buộc chữa bệnh là một biện pháp bắt buộc người phạm tội phải chữa bệnh trong một cơ sở chuyên khoa y tế do các cơ quan tiến hành tố tụng quyết định tùy theo giai đoạn tố tụng
Theo quy định tại Điều 13 và Điều 43 Bộ luật hình sự thì đối tượng bị áp dụng biện pháp chữa bệnh bao gồm:
- Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
- Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án hoặc tuy bị kết án nhưng chưa thi hành bản án mà bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
- Người đang chấp hành hình phạt tù mà bị bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình.
Cơ quan có thẩm quyền áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh bao gồm:
- Viện trưởng Viện kiểm sát cùng cấp với cơ quan điều tra đang thụ lý vụ án, quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn điều tra.
- Viện trưởng Viện kiểm sát đang thụ lý vụ án quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn truy tố
- Chánh án hoặc Phó Chánh án Tòa án đang thụ lý vụ án hoặc thẩm phán Tòa án nhân dân cấp tỉnh hay Tòa án quân sự cấp quân khu trở lên được phân công làm chủ tọa phiên tòa, quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh trong giai đoạn xét xử.
- Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh hoặc Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án phạt tù đang tại ngoại cư trú hoặc nơi có trại giam hay trại tạm giam đang giam giữ người bị kết án, quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với người bị kết án trong giai đoạn thi hành án phạt tù.
Các cơ quan có thẩm quyền nêu trên chỉ quyết định áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh đối với bị can, bị cáo, người bị kết án khi đã có kết luận của Hội đồng giám định pháp y tâm thần về tình trạng mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của họ.
Đối với người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh, thì có thể giao cho gia đình hoặc người giám hộ trông nom dưới sự giám sát của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Đối với người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự nhưng trước khi bị kết án đã mắc bệnh tới mức mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì sau khi khỏi bệnh người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.
Đối với người đang chấp hành hình phạt mà bị bệnh tới mức mất khả năng nhận thức và khả năng điều khiển hành vi của mình, thì sau khi khỏi bệnh người đó phải tiếp tục chấp hành hình phạt, nếu không có lý do khác để miễn chấp hành hình phạt
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Học sinh được nghỉ bao nhiêu ngày Tết 2025? Học kỳ 2 năm học 2024 - 2025 bắt đầu khi nào?
- Tên gọi Hà Nội có từ khi nào? Phía Bắc Thủ đô Hà Nội tiếp giáp với tỉnh thành nào?
- Còn bao nhiêu ngày thứ 2 nữa đến Tết 2025? Đếm ngược ngày Tết Âm lịch 2025?
- Trường công lập được Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất có được phép chuyển sang thuê đất thu tiền hằng năm để kinh doanh không?
- Từ 1/1/2025, tài liệu ôn luyện kiểm tra phục hồi điểm GPLX được đăng tải trên đâu?