Người nước ngoài thay đổi nơi làm việc có phải xuất cảnh để bảo lãnh lại không?
Đối với trường hợp của bạn, người lao động nước ngoài đã được cấp thẻ tạm trú ở Việt Nam tại Hà Nội, sau đó chuyển công việc và cư trú tới thành phố Hồ Chí Minh. Theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 không có điều khoản quy định về việc cấp thẻ tạm trú mới khi thay đổi nơi cư trú. Tuy nhiên, khi thay đổi nơi tạm trú, người lao động nước ngoài này phải thực hiện thủ tục khai báo tạm trú được quy định tại Điều 33 Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 như sau:
"1. Người nước ngoài tạm trú tại Việt Nam phải thông qua người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú để khai báo tạm trú với Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú.
2. Người trực tiếp quản lý, điều hành hoạt động của cơ sở lưu trú có trách nhiệm ghi đầy đủ nội dung mẫu phiếu khai báo tạm trú cho người nước ngoài và chuyển đến Công an xã, phường, thị trấn hoặc đồn, trạm Công an nơi có cơ sở lưu trú trong thời hạn 12 giờ, đối với địa bàn vùng sâu, vùng xa trong thời hạn là 24 giờ kể từ khi người nước ngoài đến cơ sở lưu trú.
3. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn phải nối mạng Internet hoặc mạng máy tính với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để truyền thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài. Cơ sở lưu trú khác có mạng Internet có thể gửi trực tiếp thông tin khai báo tạm trú của người nước ngoài theo hộp thư điện tử công khai của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
4. Người nước ngoài thay đổi nơi tạm trú hoặc tạm trú ngoài địa chỉ ghi trong thẻ thường trú thì phải khai báo tạm trú theo quy định tại khoản 1 Điều này."
Tuy nhiên theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có quy định về quy trình cấp thị thực cho người nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam phải có thủ tục mời, bảo lãnh của các cá nhân, tổ chức tại Việt Nam. Trường hợp bạn hỏi, người lao động nước ngoài nhập cảnh vào Việt Nam là do công ty cũ bảo lãnh nhập cảnh để làm việc cho công ty. Theo đó, khi người lao đông nước ngoài chấm dứt hợp đồng lao động với công ty cũ và chuyển sang công ty mới làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và thay đổi nơi cư trú thì trách nhiệm bảo lãnh của công ty cũ với người lao động nước ngoài này cũng đồng thời chấm dứt. Như vậy, công ty B - người sử dụng lao động mới phải thực hiện lại thủ tục bảo lãnh nhập cảnh cho người lao động nước ngoài này và các thủ tục khác kèm theo bao gồm cả thông báo tạm trú và đề nghị cấp giấy phép lao động mới.
Người sử dụng lao động mới tức Công ty B thực hiện thủ tục đề nghị cấp giấy phép lao động mới cho người lao động nước ngoài theo quy định tại Điểm a Khoản 8 Điều 10 Nghị định 11/2016/NĐ-CP như sau:
Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động đối với một số trường hợp đặc biệt: Đối với người lao động nước ngoài đã được cấp giấy phép lao động và đang còn hiệu lực mà làm việc cho người sử dụng lao động khác ở cùng vị trí công việc ghi trong giấy phép lao động theo quy định của pháp luật thì hồ sơ đề nghị cấp giấy phép lao động gồm giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 5, 6 và 7 Điều này và giấy phép lao động hoặc bản sao chứng thực giấy phép lao động đã được cấp.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về bảo lãnh xuất nhập cảnh lại. Bạn nên tham khảo chi tiết Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam 2014 để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?
- Kịch bản chương trình họp phụ huynh cuối học kì 1 các cấp năm 2024 - 2025?