Quy định về cầm cố trái phiếu chính phủ theo quy định hiện hành
“Trái phiếu Chính phủ” là loại trái phiếu do Bộ Tài chính phát hành nhằm huy động vốn cho ngân sách nhà nước hoặc huy động vốn cho chương trình, dự án đầu tư cụ thể thuộc phạm vi đầu tư của nhà nước.
Căn cứ Điểm b Khoản 1 Điều 8 Nghị định 01/2011/NĐ-CP xác định quyền của chủ sở hữu trái phiếu như sau: Chủ sở hữu trái phiếu được sử dụng trái phiếu để chuyển nhượng, cho, tặng, thừa kế, chiết khấu và cầm cố trong các quan hệ tín dụng và quan hệ dân sự theo quy định của pháp luật hiện hành.
Như vậy, chủ sở hữu trái phiếu có quyền cầm cố trái phiếu tại ngân hàng để vay vốn.
Cầm cố tài sản theo Điều 309 Bộ luật dân sự 2015 là việc một bên (sau đây gọi là bên cầm cố) giao tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận cầm cố) để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ.
Bên nhận cầm có có quyền theo Điều 314 Bộ luật dân sự 2015 bao gồm:
1. Yêu cầu người đang chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật tài sản cầm cố trả lại tài sản đó.
2. Xử lý tài sản cầm cố theo phương thức đã thỏa thuận hoặc theo quy định của pháp luật.
3. Được cho thuê, cho mượn, khai thác công dụng tài sản cầm cố và hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản cầm cố, nếu có thỏa thuận.
4. Được thanh toán chi phí hợp lý bảo quản tài sản cầm cố khi trả lại tài sản cho bên cầm cố.
Phương thức xử lý tài sản cầm cố theo Khoản 1 Điều 303 Bộ luật dân sự 2015 được xử lý bằng một trong các phương thức sau:
- Bán đấu giá tài sản;
- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản;
- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm;
- Phương thức khác.
Trường hợp không có thỏa thuận về phương thức xử lý tài sản bảo đảm thì tài sản được bán đấu giá, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
Như thế, về nguyên tắc, khi đến hạn trả nợ mà không trả thì tài sản cầm cố sẽ được xử lý theo phương thức mà các bên thỏa thuận.
Trái phiếu chính phủ theo Khoản 1 Điều 6 Nghị định 01/2011/NĐ-CP thì có thời hạn 1 năm trở lên. Bạn không nói rõ thời hạn trái phiếu của bạn là bao lâu. Tuy nhiên, vấn đề xử lý trái phiếu xét theo thỏa thuận giữa các bên hoặc sử dụng bán đấu giá để bán trái phiếu.
Như vậy, dù trái phiếu chưa đến hạn nhưng ngân hàng vẫn có quyền bán trái phiếu để thu hồi nợ hoặc nhận chính trái phiếu đó nếu hai bên có thỏa thuận phương thức này là phương thức xử lý tài sản cầm cố.
Trên đây là tư vấn của Ban biên tập Thư Ký Luật về cầm cố trái phiếu chính phủ theo quy định hiện hành. Bạn nên tham khảo chi tiết Nghị định 01/2011/NĐ-CP để nắm rõ quy định này.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?
- Giấy thông hành là gì? Giấy thông hành biên giới Việt Nam Lào sẽ được cấp cho những ai?