Quy trình và tổ chức xây dựng chương trình đào tạo đối với trình độ sơ cấp được quy định như thế nào?
Quy trình và tổ chức xây dựng chương trình đào tạo đối với trình độ sơ cấp được hướng dẫn tại Điều 8 Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH quy định về đào tạo trình độ sơ cấp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, theo đó:
1. Quy trình xây dựng chương trình đào tạo
a) Bước 1: Khảo sát, xác định nhu cầu đào tạo nhân lực trình độ sơ cấp, nhu cầu của người sử dụng lao động đối với người tốt nghiệp trình độ sơ cấp theo từng nghề, xác định nghề đào tạo trình độ sơ cấp để xây dựng, lựa chọn chương trình đào tạo.
b) Bước 2: Thiết kế chương trình đào tạo:
- Xây dựng đề cương tổng hợp và đề cương chi tiết chương trình đào tạo trình độ sơ cấp;
- Nghiên cứu tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia của nghề hoặc phân tích nghề, phân tích công việc theo quy định về xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia (nếu tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia chưa được ban hành) để xác định chuẩn đầu ra và khối lượng kiến thức, kỹ năng, nội dung để đưa vào chương trình đào tạo;
- Xác định độ quan trọng của các kiến thức, kỹ năng được lựa chọn trong chương trình đào tạo trình độ sơ cấp theo các mức độ: Bắt buộc phải học - Cần học - Nên học;
- Thiết kế cấu trúc chương trình đào tạo; đối chiếu, so sánh với các chương trình đào tạo cùng nghề, cùng trình độ của cơ sở đào tạo khác ở trong và ngoài nước để tham khảo, lựa chọn thiết kế cấu trúc chương trình đào tạo phù hợp;
- Xác định yêu cầu, nội dung và phương pháp đánh giá kết quả học tập của người học;
- Hội thảo, xin ý kiến chuyên gia về kết cấu chương trình đào tạo;
- Tổng hợp, hoàn chỉnh cấu trúc chương trình đào tạo.
c) Bước 3: Biên soạn chương trình đào tạo theo nội dung và cấu trúc đã được xác định, trong đó cụ thể hóa từng mô - đun; điều kiện thực hiện mô - đun; phương pháp và nội dung đánh giá.
d) Bước 4: Hoàn chỉnh dự thảo chương trình đào tạo
- Tổ chức hội thảo chuyên gia (gồm các chuyên gia kỹ thuật của doanh nghiệp, các nhà quản lý, nghiên cứu và giảng viên, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, nghệ nhân và những người có kiến thức, kinh nghiệm, am hiểu về nghề).
- Hoàn thiện dự thảo chương trình đào tạo.
đ) Bước 5: Thẩm định và ban hành chương trình đào tạo
- Hoàn chỉnh hồ sơ và dự thảo chương trình đào tạo.
- Ban chủ nhiệm báo cáo và bảo vệ chương trình đào tạo trước Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo.
- Hội đồng thẩm định chương trình đào tạo họp, đánh giá để làm căn cứ trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt, ra quyết định ban hành chương trình đào tạo.
e) Bước 6: Đánh giá và cập nhật nội dung chương trình đào tạo.
2. Tổ chức xây dựng chương trình đào tạo
a) Người đứng đầu cơ sở đào tạo sơ cấp giao cho các đơn vị chuyên môn trực thuộc thực hiện các Điểm a và e Khoản 1 Điều này và ra quyết định thành lập Ban chủ nhiệm xây dựng chương trình đào tạo (dưới đây gọi là Ban chủ nhiệm) để thực hiện các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 của Điều này.
b) Ban chủ nhiệm có từ 5 đến 7 thành viên (tùy theo khối lượng công việc của từng chương trình đào tạo cần xây dựng); gồm các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp, cán bộ khoa học kỹ thuật trong các doanh nghiệp; trong đó, có ít nhất một phần ba thành viên là nhà giáo đang giảng dạy các nghề tương ứng. Ban chủ nhiệm có trưởng ban, phó trưởng ban, thư ký và các ủy viên.
- Tiêu chuẩn của thành viên Ban chủ nhiệm:
+ Có trình độ trung cấp trở lên;
+ Có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trực tiếp giảng dạy hoặc hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực của nghề cần xây dựng chương trình;
- Trách nhiệm, quyền hạn của Ban chủ nhiệm:
+ Tổ chức xây dựng chương trình đào tạo cho nghề được phân công theo các quy định của Thông tư này;
+ Ban chủ nhiệm có thể thành lập các tiểu ban giúp việc để thực hiện từng phần nhiệm vụ, công việc trong trách nhiệm xây dựng chương trình đào tạo;
+ Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng của chương trình đào tạo đối với nghề được giao.
Trên đây là trả lời của Ban biên tập Thư Ký Luật về quy trình và tổ chức xây dựng chương trình đào tạo đối với trình độ sơ cấp, được quy định tại Thông tư 42/2015/TT-BLĐTBXH. Bạn vui lòng tham khảo văn bản này để có thể hiểu rõ hơn.
Trân trọng!
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch Dương Tháng 12 2024 chi tiết, chính xác nhất? Tháng 12 năm 2024 có bao nhiêu ngày theo lịch Dương?
- Mẫu thông báo phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ có đấu nối với hệ thống điện quốc gia theo Nghị định 135?
- Tên gọi Đoàn TNCS Hồ Chí Minh qua các thời kỳ?
- Thời hạn công ty phải khai trình việc sử dụng lao động là bao lâu kể từ ngày bắt đầu hoạt động?
- Gây thương tích bao nhiêu phần trăm thì đi tù?