Xác định thời gian công tác để tính lương hưu như thế nào?

Ông Phan Hải Cương - TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk: Tôi nhập ngũ tháng 10/1982. Tháng 10/1987, tôi chuyển ngành, về công tác tại Đài Phát thanh - Truyền hình. Sau đó, tôi chuyển sang Trung tâm hướng nghiệp dạy nghề Đắk Lắk, hưởng lương ngạch giáo viên trung học, bậc 7/10, hệ số 3,26. Đến tháng 7/1994, tôi làm việc tại Bưu điện tỉnh Đắk Lắk, hưởng lương kỹ sư, hệ số 2,26. Tháng 10/2010, tôi được nâng lương lên bậc 8/8, hệ số 4,51. Tháng 10/2012, tôi nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. BHXH tỉnh Đắk Lắk tính trả lương hưu của tôi như sau: Thời gian làm việc trong lực lượng vũ trang là 4 năm 11 tháng; thời gian làm việc nặng nhọc độc hại là 17 năm 1 tháng; thời gian làm việc bình thường là 8 năm. Tiền công và thu nhập tính lương hưu là 4.529. 350 đồng x 75% = 3.397.012 đồng. Tôi xin hỏi, như vậy có đúng không? Tại sao tôi không được tính lương hưu theo quy định tại Nghị định số 153/2013/NĐ-CP? Để được tính lại lương hưu tôi phải làm những thủ tục gì? Gửi đến cơ quan nào? Thời gian tôi làm giáo viên trong quân đội và ở trung tâm dạy nghề (10 năm) có được tính thâm niên không?

Theo hồ sơ hưu trí BHXH tỉnh đang quản lý, ông Cương có thời gian công tác từ tháng 10/1982 đến tháng 9/2012 là 30 năm, trong đó: Thời gian làm việc trong quân đội là 4 năm 11 tháng; thời gian làm nghề đặc biệt nặng nhọc, độc hại là 17 năm 1 tháng và thời gian làm việc trong điều kiện bình thường là 8 năm.

Căn cứ khoản 1, Điều 58 Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có thời gian công tác trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Theo đó, BHXH tỉnh đã tính lương bình quân của ông trong 5 năm cuối từ tháng 10/2007 đến tháng 9/2012 (là các mức lương làm nghề nặng nhọc, độc hại đồng thời là mức lương cao nhất trong quá trình lương của ông) là đúng quy định.

Theo quy định tại Khoản 8, Điều 1 Nghị định số 153/2013/NĐ-CP: “Quân nhân, công an nhân dân đã phục viên xuất ngũ trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng BHXH bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp… thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an trước đó với thời gian công tác có đóng BHXH sau này để tính hưởng BHXH”.

Như vậy, BHXH tỉnh đã cộng nối đủ thời gian công tác trong quân đội của ông Cương là 4 năm 11 tháng.

Đối tượng tính hưởng phụ cấp thâm niên

Về thâm niên giáo viên thời gian làm việc trong quân đội và Trung tâm Hướng nghiệp Dạy nghề Đắk Lắk, căn cứ Điều 1 Nghị định số 54/2011/NĐ-CP ngày 4/7/2011 của Chính phủ về chế độ phụ cấp thâm niên đối với nhà giáo quy định đối tượng áp dụng: “Nhà giáo đang giảng dạy, giáo dục ở các cơ sở giáo dục công lập và các học viện, trường, trung tâm, làm nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng thuộc cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14/12/2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức lực lượng vũ trang”. Theo quy định này, ông không thuộc đối tượng tính hưởng phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Trường hợp còn vướng mắc đề nghị ông Cương liên hệ trực tiếp với BHXH tỉnh Đắk Lắk để được giải quyết./.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
146 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào