Về việc miễn thời gian thử thách của án treo
Sau khi Nghị quyết số 33 được ban hành, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành công văn số 105/TANDTC ngày 17/7/2009 để hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33 của Quốc hội.
Tại điểm 4 của công văn này, Tòa án nhân dân tối cao đã hướng dẫn "Việc miễn chấp hành hình phạt quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33". Theo đó:
"a. Đối với người đang chấp hành hình phạt tù, hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của Quân đội, thì Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Chánh án Tòa án quân sự cấp quân khu nơi người bị kết án đang chấp hành hình phạt ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại theo đề nghị của cơ quan thi hành án phạt tù hoặc cơ quan thi hành hình phạt cải tạo ở đơn vị kỷ luật của Quân đội".
Theo quy định của BLHS thì án treo là hình phạt tù có điều kiện chứ không phải là một loại hình phạt. Do vậy, khi một người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, có đủ điều kiện để được miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33, thì thẩm quyền thuộc Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người đang chấp hành hình phạt tù nhưng cho hưởng án treo.
Vấn đề là ở cỗ, cơ quan nào có quyền đề nghị miễn chấp hành hình phạt cho người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo? Cơ quan thi hành phạt tù là những cơ quan nào? Theo cách hiểu thông thường thì cơ quan thi hành án phạt tù là lực lượng công an hay đó là các Trại giam, Trại tạm giam. Nếu hiểu theo cách này thì các Trại giam không quản lý người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo nên không có quyền đề nghị miễn châp hành hình phạt đối với người mà mình không quản lý. Người quản lý người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo là Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó thường trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc (khoản 2 Điều 60 BLHS). Như vậy cơ quan có quyền đề nghị miễn hình phạt tù cho hưởng án treo phải là Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc cơ quan, tổ chức nơi người bị kết án làm việc.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 10 Luật thi hành án hình sự thì cơ quan được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự bao gồm cả Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã). Vậy cơ quan thi hành phạt tù có khác gì với cơ quan thi hành án hình sự? Xét về mặt khái niệm thì thi hành án phạt tù chỉ là một trong các công tác (công việc) của thi hành án hình sự. Thi hành án hình sự có nghĩa rộng hơn, bao trùm cả thi hành án phạt tù. Do đó, theo chúng tôi, lẽ ra Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn là "Theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự…. "thì chính xác hơn và khi đó, Ủy ban nhân dân cấp xã đương nhiên là người có thẩm quyền đề nghị miễn chấp hành hình phạt cho những người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo thuộc các trường hợp quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33.
Do vậy, mặc dù tại tiết a, điểm 4 Công văn số 105/TANDTC-KHXX ngày 17/7/2009 của Tòa án nhân dân tối cao nêu chưa thật chính xác nhưng theo chúng tôi người bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo nếu có đủ điều kiện được xét miễn chấp hành hình phạt theo quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết số 33 thì Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn (gọi tắt là UBND cấp xã), nơi người bị kết án thường trú, có văn bản đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi người bị kết án thường trú (hay đang chấp hành hình phạt tù cho hưởng án treo) ra quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại kể cả hình phạt tù và thời gian thử thách.
Đối với trường hợp người bị phạt tù cho hưởng án treo được Tòa án giao cho cơ quan tổ chức giám sát và giáo dục mà họ có đủ điều kiện để được miễn hình phạt theo điểm đ khoản 2 Điều 1 Nghị quyết 33 thì có vướng mắc vì theo khoản 3 Điều 10 Luật thi hành án hình sự thì cơ quan, tổ chức không được giao nhiệm vụ thi hành án hình sự. Vì vậy, cũng không có quyền đề nghị miễn chấp hành hình phạt cho những trường hợp này. Chúng tôi kiến nghị Tòa án nhân dân tối cao sớm có hướng dẫn cụ thể về vấn đề này vì không chỉ liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết 33 mà còn liên quan đến vấn đề thực hiện Điều 31 và Điều 60 BLHS khi Tòa án giao người bị phạt cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc để giám sát, giáo dục.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hồ sơ đăng ký hành nghề công tác xã hội tại Việt Nam đối với người nước ngoài gồm những gì?
- Từ 01/01/2025, tiêu chuẩn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông là gì?
- Địa chỉ các Tòa án nhân dân cấp cao tại Việt Nam?
- 08 tính năng bắt buộc của ứng dụng Online Banking từ 1/1/2025?
- Hồ sơ thành lập cơ sở giáo dục mầm non độc lập công lập bao gồm gì?