Thủ tục kết hôn với công dân Đức
I. Về việc đăng ký kết hôn
Trường hợp của bạn, nếu muốn kết hôn với người có quốc tịch Đức thì bạn cần lưu ý một số vấn đề sau đây:
1. Về điều kiện kết hôn
Theo quy định tại Điều 126 Luật Hôn nhân và gia đình thì trong việc kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, mỗi bên phải tu [Điểm neo] ân theo pháp luật của nước mình về điều kiện kết hôn; nếu việc kết hôn được tiến hành tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam thì người nước ngoài còn phải tuân theo các quy định của Luật này về điều kiện kết hôn.
Điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam được quy định tại Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình như sau:
“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:
a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;
b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;
c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;
d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.
2. Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
2. Về thẩm quyền đăng ký kết hôn
Theo quy định tại Điều 19 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP ngày 31/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật hôn nhân và gia đình thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký thường trú của công dân Việt Nam, thực hiện đăng ký kết hôn giữa công dân Việt Nam với người nước ngoài, giữa công dân Việt Nam với nhau mà ít nhất một bên định cư ở nước ngoài. Trường hợp công dân Việt Nam không có nơi đăng ký thường trú, nhưng có nơi đăng ký tạm trú theo quy định của pháp luật về cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi đăng ký tạm trú của công dân Việt Nam thực hiện đăng ký kết hôn.
Trường hợp của bạn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, nơi bạn đăng ký thường trú sẽ thực hiện việc đăng ký kết hôn cho bạn.
3. Về thủ tục
3.1. Hồ sơ
Hồ sơ đăng ký kết hôn được lập thành 01 bộ, gồm các giấy tờ sau đây:
- Tờ khai đăng ký kết hôn của mỗi bên theo mẫu quy định;
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân hoặc tờ khai đăng ký kết hôn có xác nhận tình trạng hôn nhân của công dân Việt Nam được cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ; giấy tờ chứng minh tình trạng hôn nhân của người nước ngoài do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận hiện tại người đó là người không có vợ hoặc không có chồng. Trường hợp pháp luật nước ngoài không quy định việc cấp giấy tờ xác nhận tình trạng hôn nhân thì thay bằng giấy xác nhận tuyên thệ của người đó hiện tại không có vợ hoặc không có chồng, phù hợp với pháp luật của nước đó;
- Giấy xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền của Việt Nam hoặc nước ngoài cấp chưa quá 06 tháng, tính đến ngày nhận hồ sơ, xác nhận người đó không mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không có khả năng nhận thức, làm chủ được hành vi của mình;
- Đối với công dân Việt Nam đã ly hôn tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài, người nước ngoài đã ly hôn với công dân Việt Nam tại cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài thì phải nộp giấy xác nhận ghi vào sổ hộ tịch việc ly hôn đã được giải quyết ở nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam;
- Bản sao sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú (đối với công dân Việt Nam cư trú ở trong nước), Thẻ thường trú hoặc Thẻ tạm trú hoặc Chứng nhận tạm trú (đối với người nước ngoài thường trú hoặc tạm trú tại Việt Nam kết hôn với nhau).
Ngoài các giấy tờ nêu trên, tùy từng trường hợp, bên nam, bên nữ phải nộp giấy tờ tương ứng sau đây:
- Đối với công dân Việt Nam đang phục vụ trong các lực lượng vũ trang hoặc đang làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật nhà nước thì phải nộp giấy xác nhận của cơ quan, tổ chức quản lý ngành cấp trung ương hoặc cấp tỉnh, xác nhận việc người đó kết hôn với người nước ngoài không ảnh hưởng đến bảo vệ bí mật nhà nước hoặc không trái với quy định của ngành đó;
- Đối với công dân Việt Nam đồng thời có quốc tịch nước ngoài thì còn phải có giấy tờ chứng minh về tình trạng hôn nhân do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp;
- Đối với người nước ngoài không thường trú tại Việt Nam thì còn phải có giấy xác nhận người đó có đủ điều kiện kết hôn do cơ quan có thẩm quyền của nước mà người đó là công dân cấp, trừ trường hợp pháp luật của nước đó không quy định cấp giấy xác nhận này.
3.2. Thủ tục nộp, tiếp nhận hồ sơ và thời hạn giải quyết
- Hồ sơ đăng ký kết hôn do một trong hai bên kết hôn nộp trực tiếp tại Sở Tư pháp, nếu đăng ký kết hôn tại Việt Nam.
- Cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra giấy tờ trong hồ sơ, nếu hồ sơ đầy đủ và hợp lệ thì viết phiếu tiếp nhận hồ sơ, ghi rõ ngày phỏng vấn và ngày trả kết quả.
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ, cán bộ tiếp nhận hồ sơ hướng dẫn hai bên nam, nữ bổ sung, hoàn thiện. Việc hướng dẫn phải ghi vào văn bản, trong đó ghi đầy đủ, rõ ràng loại giấy tờ cần bổ sung, hoàn thiện; cán bộ tiếp nhận hồ sơ ký, ghi rõ họ tên và giao cho người nộp hồ sơ.
Trường hợp người có yêu cầu nộp hồ sơ không đúng cơ quan có thẩm quyền theo quy định tại Khoản 1 Điều 19 của Nghị định này thì cán bộ tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn người đó đến cơ quan có thẩm quyền để nộp hồ sơ.
- Thời hạn giải quyết việc đăng ký kết hôn tại Việt Nam không quá 25 ngày, kể từ ngày Sở Tư pháp nhận đủ hồ sơ hợp lệ và lệ phí.Trường hợp Sở Tư pháp yêu cầu cơ quan công an xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 10 ngày.
- Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Sở Tư pháp sẽ phỏng vấn và nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ. Việc phỏng vấn trực tiếp hai bên nam, nữ tại trụ sở Sở Tư pháp để kiểm tra, làm rõ về nhân thân, sự tự nguyện kết hôn, mục đích kết hôn và mức độ hiểu biết của hai bên nam, nữ về hoàn cảnh gia đình, hoàn cảnh cá nhân của nhau; về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa, pháp luật về hôn nhân và gia đình của mỗi nước. Trường hợp cần phiên dịch để thực hiện phỏng vấn thì Sở Tư pháp chỉ định người phiên dịch.Kết quả phỏng vấn phải được lập thành văn bản. Cán bộ phỏng vấn phải nêu rõ ý kiến đề xuất của mình và ký tên vào văn bản phỏng vấn; người phiên dịch (nếu có) phải cam kết dịch chính xác nội dung phỏng vấn và ký tên vào văn bản phỏng vấn. Nếu kết quả phỏng vấn cho thấy hai bên kết hôn chưa hiểu biết về hoàn cảnh của nhau thì Sở Tư pháp hẹn ngày phỏng vấn lại; việc phỏng vấn lại được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày phỏng vấn trước.
Đối với việc nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ đăng ký kết hôn, trường hợp nghi vấn hoặc có khiếu nại, tố cáo việc kết hôn thông qua môi giới nhằm mục đích kiếm lời, kết hôn giả tạo, lợi dụng việc kết hôn để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục, kết hôn vì mục đích trục lợi khác hoặc xét thấy có vấn đề cần làm rõ về nhân thân của bên nam, bên nữ hoặc giấy tờ trong hồ sơ đăng ký kết hôn thì Sở Tư pháp xác minh làm rõ.
- Trường hợp xét thấy vấn đề cần xác minh thuộc chức năng của cơ quan công an thì Sở Tư pháp có văn bản nêu rõ vấn đề cần xác minh, kèm theo bản chụp hồ sơ đăng ký kết hôn gửi cơ quan công an cùng cấp đề nghị xác minh.
Trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Sở Tư pháp, cơ quan công an xác minh vấn đề được yêu cầu và trả lời bằng văn bản cho Sở Tư pháp.
Nếu hết thời hạn xác minh theo quy định tại Điều này mà cơ quan công an chưa có văn bản trả lời thì Sở Tư pháp vẫn hoàn tất hồ sơ, đề xuất ý kiến trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh xem xét, quyết định, trong đó nêu rõ vấn đề đã yêu cầu cơ quan công an xác minh.
- Sau khi thực hiện phỏng vấn hai bên nam, nữ, nghiên cứu, thẩm tra hồ sơ kết hôn, ý kiến của cơ quan công an (nếu có), Sở Tư pháp báo cáo kết quả và đề xuất giải quyết việc đăng ký kết hôn, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, kèm theo bộ hồ sơ đăng ký kết hôn.
Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản trình của Sở Tư pháp cùng hồ sơ đăng ký kết hôn, nếu xét thấy hai bên nam, nữ đáp ứng đủ điều kiện kết hôn, không thuộc trường hợp từ chối đăng ký kết hôn quy định tại Điều 26 của Nghị định này thì Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn và trả lại hồ sơ cho Sở Tư pháp để tổ chức lễ đăng ký kết hôn.
Trường hợp từ chối đăng ký kết hôn, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có văn bản nêu rõ lý do gửi Sở Tư pháp để thông báo cho hai bên nam, nữ.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn, Sở Tư pháp tổ chức lễ đăng ký kết hôn.Lễ đăng ký kết hôn được tổ chức trang trọng tại trụ sở Sở Tư pháp.Khi tổ chức lễ đăng ký kết hôn, hai bên nam, nữ phải có mặt. Đại diện Sở Tư pháp chủ trì hôn lễ, yêu cầu hai bên khẳng định sự tự nguyện kết hôn. Nếu hai bên đồng ý kết hôn thì đại diện Sở Tư pháp ghi việc kết hôn vào Sổ đăng ký kết hôn, yêu cầu từng bên ký tên vào Giấy chứng nhận kết hôn, Sổ đăng ký kết hôn và trao cho mỗi bên vợ, chồng 01 bản chính Giấy chứng nhận kết hôn.
Trường hợp có lý do chính đáng mà hai bên nam, nữ yêu cầu gia hạn thời gian tổ chức lễ đăng ký kết hôn quy định tại Khoản 1 Điều này thì được gia hạn ngày tổ chức lễ đăng ký kết hôn, nhưng không quá 90 ngày, kể từ ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ký Giấy chứng nhận kết hôn. Hết thời hạn 90 ngày mà hai bên nam, nữ không đến tổ chức lễ đăng ký kết hôn, Sở Tư pháp báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh về việc không tổ chức lễ đăng ký kết hôn; Giấy chứng nhận kết hôn được lưu trong hồ sơ.Trường hợp hai bên vẫn muốn kết hôn với nhau thì phải làm lại thủ tục đăng ký kết hôn từ đầu.
II. Về việc xin thị thực đi Đức
Theo hướng dẫn của Đại sứ quán Cộng hòa Liên bang Đức tại Việt Nam thì hồ sơ xin thị thực đoàn tụ với vợ/chồng gồm những giấy tờ sau đây:
1. Hai đơn xin thị thực khai đầy đủ và tự tay ký tên, kèm theo bản tuyên bố theo quy định tại Điều 55 AufentG.
2. 3 ảnh hộ chiếu, dán vào mỗi tờ khai 1 ảnh và 1 ảnh để rời nộp kèm (ảnh nền trắng, chụp trực diện khuôn mặt, mắt không bị che khuất và không được chỉnh sửa ảnh).
3. Hộ chiếu có giá trị và đã ký tên: Nộp bản gốc và hai bản phô tô trang có ảnh hộ chiếu. Hộ chiếu không được cấp trước ngày nộp đơn hơn 10 năm, phải còn hạn ít nhất 3 tháng sau ngày thị thực hết hạn và phải còn ít nhất hai trang trống.
4. Những giấy tờ khác về việc đoàn tụ:
- Giấy chứng nhận kết hôn
- Bản án ly hôn đối với hôn nhân trước đó, nếu có
- Bản tuyên bố bằng văn bản của vợ/chồng đang sống tại Đức tuyên bố sẽ chung sống với vợ/chồng tại Đức
- Bản phô tô có chứng thực hộ chiếu của vợ/chồng đang sống tại Đức (tất cả các trang có ghi chú đều phải phô tô)
- Chứng nhận đăng ký hộ tịch hiện nay của vợ/chồng đang sống tại Đức (không cũ hơn 6 tháng) hoặc bản phô tô chứng minh thư (02 bản)
- Chứng minh trình độ tiếng Đức đơn giản: Về nguyên tắc chứng minh bằng chứng chỉ tiếng Đức bậc A1 GER (chứng chỉ Start Deutsch 1) của Viện Goethe (bản gốc kèm theo hai bản phô tô).
Mỗi giấy tờ đều nộp bản gốc và hai bản phô tô; bản gốc sẽ được trả lại sau khi xét duyệt xong hồ sơ.
Như vậy, trong trường hợp của bạn, việc nộp chứng chỉ tiếng Đức A1 là bắt buộc. Đại sứ quán Đức chỉ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ nếu như các giấy tờ của hồ sơ đầy đủ. Do vậy, bạn cần cung cấp đầy đủ các loại giấy tờ, trong đó gồm chứng chỉ tiếng Đức A1.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn cách viết CV, hồ sơ xin việc mới nhất năm 2025? Trọn bộ hồ sơ xin việc mới nhất năm 2025?
- Lời chúc phụ huynh dành cho cô giáo mầm non ngày 20 11 ý nghĩa?
- Cung cầu là gì? Mối quan hệ cung cầu như thế nào? Vai trò của cung cầu là gì?
- Các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch hiện nay?
- Thực hiện kiểm tra yếu tố hình thành giá được quy định như thế nào?