Theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 thì đất nông nghiệp có được phép kê biên để thi hành án không?
1. Pháp lệnh Thi hành án dân sự 1993 được Quốc hội nước ta thông qua ngày 17/4/1993, có hiệu lực kể từ ngày 01/6/1993 và thay thế Pháp lệnh thi hành án dân sự ngày 01/01/1990, tại Điều 29 quy định về kê biên tài sản. Theo đó, Chấp hành viên tiến hành kê biên tài sản của người phải thi hành án. Tài sản thuộc sở hữu riêng được kê biên trước, sau đó kê biên phần tài sản thuộc sở hữu chung của người phải thi hành án với người khác. Nếu có tranh chấp về tài sản giữa người phải thi hành án với người khác thì cơ quan thi hành án đã ra quyết định thi hành án vẫn tiến hành kê biên và giao cho người đang giữ hoặc đang sử dụng tài sản đó bảo quản; người được thi hành án, người phải thi hành án, người có quyền, lợi ích liên quan đến tài sản tranh chấp có quyền khởi kiện theo thủ tục tố tụng dân sự. Khi kê biên tài sản phải có mặt người phải thi hành án hoặc người đã thành niên trong gia đình, đại diện chính quyền xã, phường, thị trấn và người láng giềng chứng kiến. Người được thi hành án được thông báo về thời gian, địa điểm kê biên tài sản và có quyền có mặt khi kê biên tài sản. Nếu người được thi hành án vắng mặt hoặc người phải thi hành án hay người đã thành niên trong gia đình cố tình vắng mặt, thì chấp hành viên vẫn quyết định tiến hành kê biên. Chấp hành viên chỉ kê biên tài sản của người phải thi hành án tương ứng với mức đủ để thi hành án và thanh toán các chi phí về thi hành án.Chấp hành viên phải chấp nhận đề nghị của người phải thi hành án về việc kê biên tài sản nào trước, nếu xét thấy đề nghị đó không trở ngại cho việc thi hành án. Việc kê biên nhà ở chỉ được tiến hành khi những tài sản khác của người phải thi hành án không đủ để thi hành án.
Tại Điều 30 Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 quy định không được kê biên những tài sản sau đây: Lương thực, thuốc men cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình; công cụ lao động, quần áo, đồ dùng sinh hoạt thông thường cần thiết cho người phải thi hành án và gia đình; đồ dùng thờ cúng thông thường.
Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993 không quy định đất nông nghiệp không được phép kê biên để thi hành án, tuy nhiên, khi đó pháp luật về đất đai và pháp luật dân sự lúc đó cũng không quy định về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất nông nghiệp để thi hành án. Người sử dụng đất lúc đó chỉ có một số quyền, chứ chưa được mở rộng quyền về đất đai như hiện nay. Do đó, ở thời điểm đó cơ quan thi hành án không được kê biên quyền sử dụng đất nông nghiệp (kể cả quyền sử dụng đất ở không gắn liền với nhà ở hoặc quyền sử dụng đất không gắn liền với tài sản khác) để thi hành án.
2. Ngày 21/4/2004, Quốc hội thông qua Pháp lệnh Thi hành án dân sự 2004, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2004 (thay thế Pháp lệnh Thi hành án dân sự năm 1993), sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 164/2004/NĐ-CP ngày 14/9/2004 “về kê biên, đấu giá quyền sử dụng đất để đảm bảo thi hành án”. Từ đó, quyền sử dụng đất nông nghiệp mới được kê biên, đấu giá để đảm bảo thi hành án.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tăng lương hưu 2025 cho những người nghỉ hưu theo Nghị định 75 đúng không?
- Lịch nghỉ Tết Âm lịch 2025 của học sinh Long An?
- Xem lịch âm tháng 12 năm 2024: Đầy đủ, chi tiết, mới nhất?
- Các trường hợp nào không phải đăng ký chào bán chứng khoán ra công chúng?
- Xác định số ngày giường điều trị nội trú để thanh toán tiền giường bệnh như thế nào từ ngày 01/01/2025?