Sự tham gia của người dân trong lập quy hoạch sử dụng đất
Nhận định về cách giải quyết của UBND xã L.N đối với yêu cầu của dân thôn 6
Trước hết, cần khẳng định là việc UBND xã L.N khi ra thông báo về việc giải quyết cho dân thôn 6 được an táng người chết ở thôn 3, một thôn cách xa thôn 6, đi lại không thuận tiện là chưa thực hiện đúng quy định của Quy chế thực hiện dân chủ ở xã về vấn đề này. Đồng thời, cách giải quyết đó cũng cho thấy UBND xã chưa quan tâm thích đáng đến yêu cầu bức xúc của nhân dân thôn 6, vốn phần lớn là người đi xây dựng kinh tế mới. Việc giải quyết không thoả đáng nguyện vọng chính đáng của người dân bằng những biện pháp hợp tình hợp lý, thể hiện tính dân chủ sẽ dẫn đến sự mất ổn định tình hình của một thôn mới hình thành.
Vấn đề pháp lý đặt ra trong tình huống này là: vai trò của chính quyền xã (cán bộ địa chính, UBND xã và HĐND xã) trong lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai và giải quyết nguyện vọng chung của nhân dân? Vai trò của người dân trong thôn 6 liên quan đến việc lập quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất đai?
Về thẩm quyền lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai trên địa bàn xã theo quy định tại khoản 4 Điều 25 và khoản 4 Điều 26 Luật Đất đai năm 2003 thì thẩm quyền lập dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất trong trường hợp này thuộc trách nhiệm của UBND cấp xã, việc phê duyệt quy hoạch, kế hoạch thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện. Do đó, với nguyện vọng của dân thôn 6, là thôn mới hình thành, lại chủ yếu là người di dân từ nơi khác đến thì UBND xã cần phát huy vai trò chủ động để xem xét việc quy hoạch đất ở khu dân cư này, và coi đó là một biện pháp quan trọng để ổn định đời sống dân cư.
Về quyền của người dân trong xã trong việc tham gia quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai
Quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai là loại việc mà người dân địa phương có quyền được biết (khoản 3 Điều 5 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã). Đồng thời, đây cũng là loại việc mà nhân dân có quyền tham gia ý kiến. Cụ thể, theo khoản 3 Điều 10 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã: người dân có quyền bàn bạc, tham gia ý kiến vào “Dự thảo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai ở địa phương...”. Trong tình huống này, UBND xã chưa tham khảo ý kiến người dân để tìm hiểu nguyện vọng của họ mà đã ra thông báo về phương án giải quyết không phù hợp với nguyện vọng của người dân (an táng người chết của thôn 6 chung tại nghĩa địa của thôn 3, là nơi đi lại khó khăn, bất tiện). Việc ra thông báo của UBND xã như vậy là không thực hiện đúng quy định của Quy chế thực hiện dân chủ ở xã. Phương án giải quyết tình huống với vụ việc này, UBND xã L.N cần giải quyết như sau:
- Do 50 hộ dân thôn 6 sống ở vùng kinh tế mới, địa bàn núi cao, xa xôi, tách biệt trung tâm xã, nên UBND xã cần quan tâm thích đáng đến việc quy hoạch riêng khu nghĩa địa cho thôn, nếu không thể sử dụng chung khu nghĩa trang của xã.
- Trình tự tiến hành:
+ Dân trong thôn đề đạt ý kiến với Trưởng thôn và đại biểu HĐND xã;
+ Trưởng thôn 6 và đại biểu HĐND xã tổng hợp ý kiến của dân và kiến nghị trực tiếp lên Chủ tịch UBND xã;
+ Chủ tịch UBND xã chỉ đạo cán bộ địa chính rà soát lại quỹ đất ở địa phương, trên cơ sở đó tính toán phương án quy hoạch đất cho khu nghĩa địa;
+ Sau khi có phương án quy hoạch đất cho khu nghĩa địa, UBND xã cần tổ chức đưa ra cho dân thôn 6 thảo luận, lấy ý kiến đóng góp về tính phù hợp, thuận tiện hay đảm bảo vệ sinh môi trường...;
+ Trên cơ sở ý kiến đóng góp của nhân dân, chính quyền xã hoàn tất dự thảo quy hoạch và chỉnh lý, trình lên Phòng Tài nguyên - Môi trường của UBND huyện, để Phòng thẩm định và trình Chủ tịch UBND huyện ra quyết định chính thức phê duyệt quy hoạch khu nghĩa địa;
+ Sau khi bản quy hoạch được phê duyệt, quy hoạch chính thức phải được thông báo rộng rãi, công khai cho dân biết. Có thể công bố bằng cách niêm yết tại trụ sở UBND, đồng thời gửi văn bản về cho Trưởng thôn 6 để báo với nhân dân trong thôn; hoặc cũng có thể thông báo trong các cuộc họp đoàn thể, tổ chức kinh tế (ví dụ: đội sản xuất) trong thôn (Điều 6 Quy chế thực hiện dân chủ ở xã).
- Nếu trong trường hợp tất cả quỹ đất ở thôn 6 và trong xã đều thuộc diện được đưa vào sử dụng và không còn chỗ để làm khu nghĩa địa, cần kiến nghị lên chính quyền xã để lập kế hoạch giải phóng mặt bằng khu đất đã sử dụng, nhằm đảm bảo nhu cầu chính đáng của nhân dân. Dự thảo kế hoạch do cán bộ địa chính xã phối hợp với Trưởng thôn, xin ý kiến của Đảng uỷ xã lập ra. Dự thảo kế hoạch này cũng phải đưa ra nhân dân góp ý kiến (bằng cách tổ chức họp dân), phương án mà dân thống nhất tán thành cần lập thành biên bản gửi lên cán bộ địa chính xã, trình lên Chủ tịch xã; sau đó Chủ tịch xã trình lên UBND huyện để cơ quan này xem xét phê duyệt và tổ chức triển khai giải toả và thiết lập khu nghĩa địa.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?
- Giấy thông hành là gì? Giấy thông hành biên giới Việt Nam Lào sẽ được cấp cho những ai?
- Hồ sơ cấp giấy chứng nhận giáo viên dạy thực hành lái xe từ 01/01/2025 bao gồm những giấy tờ gì?
- Mẫu đơn xin nghỉ thai sản bù hè của giáo viên mới nhất?