Thời hạn và hình thức kháng nghị của Viện Kiểm sát
Vấn đề bạn hỏi cần phân biệt 02 nội dung sau đây:
- Thứ nhất, về kiểm sát việc thi hành án:
Khoản 2 Điều 12 Luật Thi hành án dân sự quy địnhViện Kiểm sát các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình kiểm sát việc tuân theo pháp luật về thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan đến việc thi hành án nhằm bảo đảm việc thi hành án kịp thời, đầy đủ, đúng pháp luật. Viện Kiểm sát thực hiện kiểm sát thi hành án dân sự thể hiện theo một hoặc nhiều hình thức, như: kiểm sát trực tiếp, kiểm sát định kỳ, kiểm sát theo chuyên đề, kiểm sát đột xuất, kiểm sát đối với từng việc thi hành án dân sự cụ thể, kiểm sát thông qua các quyết định về thi hành án do Chấp hành viên, cơ quan thi hành án dân sự gửi đến Viện Kiểm sát. Sau khi thực hiện việc kiểm sát, Viện kiểm sát có quyền ban hành Kết luận kiểm sát về thi hành án đối với vấn đề đã kiểm sát. Kết luận kiểm sát không phải là kháng nghị về thi hành án.
Tại Điều 8 Thông tư liên tịch số 14/2010/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 26/7/2010 của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao hướng dẫn thực hiện một số vấn đề về thủ tục thi hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự có quy định: Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát và trình tự, thủ tục thực hiện kiểm sát việc tuân theo pháp luật đối với hoạt động thi hành án được thực hiện theo quy định của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân và pháp luật về thi hành án. Viện Kiểm sát nhân dân các cấp thực hiện việc kiểm sát hoạt động thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo kế hoạch kiểm sát định kỳ được xây dựng từ đầu năm hoặc đột xuất theo yêu cầu công tác. Kết thúc việc kiểm sát hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự, Viện Kiểm sát nhân dân phải có kết luận kiểm sát.
- Thứ hai, kháng nghị về thi hành án dân sự:
Thông qua kiểm sát việc thi hành án, khi phát hiện quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, của Chấp hành viên có vi phạm pháp luật, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân phải ban hành văn bản kháng nghị yêu cầu khắc phục vi phạm. Văn bản kháng nghị thể hiện bằng hình thức là bản Kháng nghị.
Quyền kháng nghị và thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát quy định tại Điều 160 Luật Thi hành án dân sự như sau: Viện Kiểm sát kháng nghị đối với quyết định, hành vi của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân. Thời hạn kháng nghị của Viện Kiểm sát cùng cấp là 15 ngày, của Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp là 30 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định hoặc phát hiện hành vi vi phạm.
Như vậy, hết thời hạn kháng nghị thì về nguyên tắc Viện Kiểm sát không ban hành kháng nghị nữa. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý đối với quyết định, hành vi vi phạm pháp luật trong thi hành án dân sự theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Việc trả lời kháng nghị của Viện Kiểm sát thực hiện theo quy định tại Điều 161 Luật Thi hành án dân sự. Theo đó, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm trả lời kháng nghị của Viện kiểm sát đối với quyết định về thi hành án của mình hoặc của Chấp hành viên thuộc quyền quản lý trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị. Trường hợp chấp nhận kháng nghị của Viện Kiểm sát thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày có văn bản trả lời kháng nghị, Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự phải thực hiện kháng nghị của Viện Kiểm sát.
Trường hợp Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự không nhất trí với kháng nghị của Viện Kiểm sát thì giải quyết như sau: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp huyện nơi có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh và Viện trưởng Viện Kiểm sát cấp trên trực tiếp; Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh phải xem xét, trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo; Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có hiệu lực thi hành. Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp xem xét và trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo; Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có hiệu lực thi hành. Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu có quyết định, hành vi bị kháng nghị phải báo cáo với Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng và Viện Kiểm sát quân sự trung ương. Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng phải xem xét và trả lời trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được báo cáo; Văn bản trả lời của Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng có hiệu lực thi hành.
Trường hợp xét thấy văn bản trả lời kháng nghị không có căn cứ thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tư pháp xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét lại văn bản trả lời đã có hiệu lực thi hành của Thủ trưởng cơ quan thi hành án cấp quân khu, Thủ trưởng cơ quan quản lý thi hành án thuộc Bộ Quốc phòng
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Không ký hợp đồng thi công công trình xây dựng với chủ đầu tư thì có phải kê khai thuế GTGT vãng lai không?
- Trường hợp giá dịch vụ thoát nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thấp hơn mức giá đã được tính đúng thì xử lý thế nào?
- Từ 1/1/2025, trường hợp nào được phép vượt xe bên phải mà không phạm luật?
- Căn cứ xác định giá gói thầu là gì? Giá gói thầu cập nhật trong thời gian nào?
- Từ 01/01/2025, hồ sơ cấp Chứng chỉ hành nghề đấu giá gồm những giấy tờ gì?