Bố mẹ tặng cho tài sản cho hai con dưới 15 tuổi
Nếu hai vợ chồng bạn muốn để lại cho hai con ngôi nhà (là tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân) thì có thể làm thủ tục tặng cho tài sản theo quy định của pháp luật. Việc tặng cho nhà đất phải lập thành văn bản, có công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, nếu tại thời điểm này, hai vợ chồng bạn lập hợp đồng tặng cho để tặng cho hai con bạn có một số vấn đề sau:
Thứ nhất, vì hai con của bạn đều chưa thành niên (6 tuổi và 4 tuổi) nên khi lập Hợp đồng tặng cho, hai cháu không thể tự mình ký hợp đồng và làm thủ tục theo quy định để nhận tặng cho tài sản được. Các thủ tục này phải được thực hiện qua người đại diện của hai cháu. Khoản 1 Điều 141 Bộ luật Dân sự quy định người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên là cha, mẹ. Cha, mẹ với tư cách là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của con, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Dân sự).
Căn cứ vào quy định về người đại diện nêu trên thì khi ký hợp đồng tặng cho, chủ thể giao kết hợp đồng tặng cho sẽ gồm:
- Bên tặng cho: Hai vợ chồng bạn (với tư cách là chủ sở hữu/sử dụng tài sản);
- Bên nhận tặng cho: Hai con của bạn, nhưng vợ chồng bạn sẽ là người đại diện để lập và ký Hợp đồng (với tư cách là người đại diện theo pháp luật của hai con).
Việc lập và ký hợp đồng tặng cho mà cả hai bên trong hợp đồng (bên tặng cho và bên nhận tặng cho) đều là vợ chồng bạn như nêu trên sẽ vi phạm quy định về phạm vi đại diện tại khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự: “Người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác”. Như vậy, về nguyên tắc thì không thể giao kết hợp đồng tặng cho theo cách này.
Thứ hai, khoản 2 Điều 45 Luật Hôn nhân và gia đình quy định tài sản riêng của con dưới mười lăm tuổi do cha mẹ quản lý. Và trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới mười lăm tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, có tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ chín tuổi trở lên (khoản 1 Điều 46 Luật Hôn nhân và gia đình). Như vậy, nếu vợ chồng bạn tặng cho tài sản thì tài sản đó sẽ là tài sản riêng của hai con bạn. Nhưng vì hai con bạn đều dưới mười lăm tuổi nên không thể tự mình quản lý tài sản đó được; người đại diện theo pháp luật là hai vợ chồng bạn sẽ quản lý tài sản đó và có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của hai con (ví dụ như cho thuê tài sản như ý của bạn). Nếu đúng theo lý thuyết này thì việc hai vợ chồng bạn làm thủ tục tặng cho tài sản cho hai con tại thời điểm này (khi hai con còn chưa thành niên) sẽ không có khác biệt nhiều so với việc chưa làm thủ tục tặng cho, vì: về việc quản lý tài sản: hai vợ chồng bạn vẫn quản lý tào sản đó; về quyền định đoạt thì hai vợ chồng bạn vẫn có quyền định đoạt tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Để tránh những vướng mắc nêu trên thì hai vợ chồng bạn có thể lựa chọn các phương pháp như sau:
Cách 1. Làm thủ tục tặng cho tài sản nhưng thông qua người giám hộ của hai con.
Theo quy định về việc giám hộ thì trong trường hợp cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con thì cha, mẹ có quyền yêu cầu người giám hộ cho con. Người giám hộ đương nhiên trong trường hợp này là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại (khoản 2 Điều 61 Bộ luật Dân sự). Theo quy định tại Khoản 3 Điều 68 Bộ luật Dân sự thì người giám hộ sẽ có quyền đại diện cho người được giám hộ trong việc xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự nhằm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ. Khi đó, người giám hộ của hai con bạn sẽ có quyền đại diện cho con bạn ký hợp đồng tặng cho tài sản để nhận tặng cho tài sản từ hai vợ chồng bạn. Chủ thể của Hợp đồng tặng cho sẽ là:
- Bên tặng cho: Hai vợ chồng bạn (với tư cách là chủ sở hữu/sử dụng tài sản);
- Bên nhận tặng cho: Hai con của bạn, nhưng người giám hộ sẽ là người đại diện để ký Hợp đồng.
Nếu thực hiện theo cách trên thì hai vợ chồng bạn có thể lập hợp đồng tặng cho tài sản cho hai con theo quy định của pháp luật mà vẫn tránh được vi phạm quy định về phạm vi đại diện theo quy định tại khoản 5 Điều 144 Bộ luật Dân sự như nêu trên. Nhưng việc này lại có những hạn chế như:
- Về việc yêu cầu người giám hộ: Theo quy định về giám hộ thì trường hợp giám hộ con chưa thành niên chỉ đặt ra khi cha, mẹ không có điều kiện chăm sóc, giáo dục con. Trong khi đó, theo thông tin bạn cung cấp thì thực tế, hai vợ chồng bạn vẫn đang thực hiện việc chăm sóc, giáo dục hai con. Như vậy, việc yêu cầu người khác giám hộ cho hai con là không đúng với thực tế.
- Về việc quản lý tài sản của con sau khi nhận tặng cho từ hai vợ chồng bạn: Ðiều 69 Bộ luật Dân sự quy định về quản lý tài sản của người được giám hộ như sau:
+ Người giám hộ có trách nhiệm quản lý tài sản của người được giám hộ như tài sản của chính mình.
+ Người giám hộ được thực hiện các giao dịch liên quan đến tài sản của người được giám hộ vì lợi ích của người được giám hộ. Việc bán, trao đổi, cho thuê, cho mượn, cho vay, cầm cố, thế chấp, đặt cọc và các giao dịch khác đối với tài sản có giá trị lớn của người được giám hộ phải được sự đồng ý của người giám sát việc giám hộ.
+ Người giám hộ không được đem tài sản của người được giám hộ tặng cho người khác.
Theo quy định trên thì việc quản lý, định đoạt tài sản của hai con bạn sẽ được thực hiện bởi người giám hộ. Điều này trái với mong muốn của bạn là: bạn sẽ là người quản lý hoặc định đoạt (cho thuê tài sản) vì lợi ích của hai con.
Vậy khi thực hiện theo cách này thì bạn có thể nên cân nhắc kỹ lưỡng.
Cách 2. Hai vợ chồng lập Văn bản thỏa thuận về tài sản.
Việc tặng cho tài sản cho hai con là sự đồng thuận của cả hai vợ chồng bạn nhưng hiện tại nếu làm hợp đồng tặng cho thì sẽ vướng phải một số vấn đề như nêu trên. Vì vậy, hai vợ chồng bạn cũng có thể lập văn bản để thỏa thuận với nhau về các nội dung như:
+ Nội dung về việc tặng cho tài sản: Hai vợ chồng bạn sẽ thống nhất tặng cho tài sản đó cho hai con; khi có đủ điều kiện thì hai vợ chồng sẽ tiến hành thủ tục tặng cho hai con theo quy định của pháp luật (ví dụ như khi hai con bạn đủ 15 tuổi thì có thể tự mình giao kết hợp đồng tặng cho đó);
+ Nội dung về việc quản lý và cho thuê tài sản ở thời điểm hiện tại: Vợ chồng bạn có thể thỏa thuận về việc bạn sẽ thay mặt hai vợ chồng quản lý và cho thuê tài sản đó; tiền thuê nhà sẽ được chuyển vào tài khoản tiết kiệm của con…
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu Bài dự thi Gửi tương lai xanh 2050 dành cho học sinh THCS?
- Tăng cường công tác quản lý, tổ chức các hoạt động văn hóa và lễ hội mừng Xuân Ất Tỵ 2025?
- Nhiệm kỳ của Giám đốc theo tổ chức quản trị rút gọn tại Hợp tác xã là bao lâu?
- Tra cứu kết quả thi HSG quốc gia 2024-2025 ở đâu?
- Bán pháo hoa Bộ Quốc phòng có bị phạt không?