Khai nhận di sản thừa kế khi thiếu người thừa kế
Theo quy định của pháp luật thì bà ngoại là một trong những người thừa kế theo pháp luật của mẹ bạn (Điều 635 Bộ luật Dân sự). Vì bà ngoại cũng đã mất nên phần di sản mà bà được hưởng (nếu còn sống) sẽ được chia cho các thừa kế của bà theo Điều 676 Bộ luật Dân sự:
- Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;
- Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;
- Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột, chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.
Khi làm thủ tục khai nhận di sản do mẹ bạn để lại thì phải có sự tham gia của những người thừa kế của mẹ bạn và những người thừa kế của bà bạn là đúng (với tư cách là người hưởng thay phần di sản của bà ngoại được hưởng). Thủ tục khai nhận di sản có thể được tiến hành theo các cách thức sau:
Thứ nhất: Nếu việc phân chia di sản thừa kế không bắt buộc phải công chứng, chứng thực thì những người thừa kế có thể lập văn bản để thỏa thuận các nội dung như: Cử người quản lý di sản, người phân chia di sản, xác định quyền, nghĩa vụ của những người này, cách thức phân chia di sản…
Trong trường hợp không thể liên lạc được với những người thừa kế của bà ngoại bạn thì những người thừa kế còn lại có thể thỏa thuận với nhau về cách thức phân chia di sản thừa kế của mẹ bạn, có thể thỏa thuận như sau: để riêng phần di sản mà bà ngoại bạn được hưởng theo tỷ lệ tương ứng (do hiện tại không có người đứng ra hưởng thay) và giao cho một người quản lý phần di sản đó; sau này nếu liên hệ được với những người thừa kế của bà ngoại thì người quản lý có trách nhiệm trao lại cho họ phần di sản mà họ được hưởng. Đối với phần di sản còn lại của mẹ bạn thì những người thừa kế có thể phân chia theo thỏa thuận.
Thứ hai: Nếu việc phân chia di sản thừa kế bắt buộc phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật (ví dụ: di sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở…) thì khi yêu cầu công chứng tại tổ chức công chứng cần có sự tham gia của tất cả các thừa kế theo pháp luật của mẹ bạn và người thừa kế theo pháp luật của bà ngoại bạn. Như vậy, nếu không liên lạc được với những người thừa kế theo pháp luật của bà bạn thì sẽ không thể thực hiện được thủ tục công chứng văn bản khai nhận di sản hoặc văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo quy định tại Điều 49 và Điều 50 Luật Công chứng.
Thứ ba: Trong trường hợp không thể phân chia di sản do không có sự tham gia của người thừa kế của bà ngoại dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của những người thừa kế khác hoặc phát sinh tranh chấp thì gia đình bạn có thể yêu cầu tòa án nhân dân có thẩm quyền chia di sản do mẹ bạn để lại. Những người thừa kế của mẹ bạn có thể yêu cầu tòa án chia cho họ phần mà họ được hưởng; còn đối với phần mà bà ngoại bạn được hưởng thì có thể giao cho một người quản lý thay cho những người thừa kế của bà ngoại bạn.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?