Dấu hiệu cơ bản của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12,13 Bộ luật hình sự.
Đối với tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng tuy không phải là chủ thể đặc biệt, nhưng trong trường hợp cụ thể thì người phạm tội phải là người có quan hệ nhất định với người bị hại. Ví dụ: chỉ người cha bị Tòa án buộc phải cấp dưỡng cho con chưa thành niên sau khi ly hôn mới là chủ thể của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là tội phạm ít nghiêm trọng, nên chỉ những người từ đủ 16 tuổi trở lên mới có thể là chủ thể của tội phạm này. Tuy nhiên đối với hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng của một số đối tượng thì chỉ những người ở một độ tuổi nhất định mới có thể là chủ thể của tội phạm này như: cha mẹ đối với con chưa thành niên, ông bà đối với các cháu.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là quan hệ gia đình bị xâm phạm mà trực tiếp là quyền được người thân phải cấp dưỡng cho mình.
Quyền được cấp dưỡng là quyền do pháp luật quy định, mà cụ thể là Luật hôn nhân và gia đình vì quan hệ cấp dưỡng quan hệ gia đình.
Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì nghĩa vụ cấp dưỡng được thực hiện giữa cha, mẹ và con, giữa anh chị chị em với nhau, giữa ông bà ngoại và cháu, giữa và chồng (Điều 50).
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a) Hành vi khách quan
Từ chối nghĩa vụ cấp dưỡng là có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng khước từ (không chịu nhận) việc cấp dưỡng khi người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật yêu cầu cấp dưỡng hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng.
Trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định của pháp luật và có khả năng cấp dưỡng nhưng tìm mọi cách trốn tránh việc cấp dưỡng (bỏ trốn, giấu địa chỉ, cố tình dây dưa việc cấp dưỡng), khi người được cấp dưỡng yêu cầu hoặc đã có quyết định của Tòa án buộc phải cấp dưỡng nhưng không cấp dưỡng.
Mặc dù từ chối và trốn tránh là hai khái niệm khác nhau, nhưng đều có chung một nội dung là không thực hiện nghĩa vụ. Tuy nhiên, trong từng trường hợp cụ thể hành vi từ chối và trốn tránh lại có nội dung khác nhau. Ví dụ: một người có nghĩa vụ cấp dưỡng và có khả năng cấp dưỡng nhưng lại nêu lý do là mình không có khả năng nên không thể thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng, mặc dù vẫn thừa nhận là mình có nghĩa vụ cấp dưỡng thì hành vi này là hành vi từ chối cấp dưỡng. Người có nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng giấu địa chỉ, nơi ở để người được cấp dưỡng không thể yêu cầu việc cấp dưỡng thì đó là hành vi trốn tránh việc cấp dưỡng.
Nghĩa vụ cấp dưỡng là nghĩa vụ phát sinh theo quy định của pháp luật (Luật hôn nhân và gia đình), tức là do quan hệ hôn nhân và gia đình nên phát sinh nghĩa vụ này. Theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì:
- Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị dị tật, mất năng lực hành vi dân sự, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp vợ chồng ly hôn (Điều 56)
- Con đã thành niên không chung sống với cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (Điều 57)
- Anh, chị, em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho nhau trong trường hợp không còn cha mẹ hoặc cha mẹ không có khả năng lao động và không có tài sản để cấp dưỡng cho con thì anh, chị đã thành niên không sống chung với em có nghĩa vụ cấp dưỡng cho em chưa thành niên không có tài sản để tự nuôi mình hoặc em đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Ngược lại, em đã thành niên không sống chung với anh, chị có nghĩa vụ cấp dưỡng cho anh, chị không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình (Điều 58).
- Ông bà nội, ông bà ngoại không sống chung với cháu có nghĩa vụ cấp dưỡng cho cháu trong trường hợp cháu chưa thành niên hoặc cháu đã thành niên không có khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình và không còn cha mẹ, không có anh, chị, em cấp dưỡng (Điều 59).
Người có nghĩa vụ cấp dưỡng phải có khả năng cấp dưỡng mà cố tình không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng thì hành vi mới bị coi là tội phạm. Nếu có nghĩa vụ nhưng không có khả năng nên không thực hiện được nghĩa vụ cấp dưỡng thì không phải là hành vi phạm tội. Ví dụ: một gia đình có 4 anh chị em ruột, nhưng cha mẹ mất sớm nên 4 anh em nuôi nhau. Khi người anh cả có gia đình và ở riêng, thì 3 người em chưa đến tuổi thành niên và yêu cầu người anh phải cấp dưỡng cho mình, nhưng do hoàn cảnh kinh tế của người anh rất khó khăn, vợ ốm, các con còn nhỏ, không có việc làm nên người anh không cấp dưỡng được cho các em được.
Người được cấp dưỡng theo quy định của pháp luật nhưng có khả năng tự đảm bảo cuộc sống, có tài sản riêng, không cần cấp dưỡng mà người có nghĩa vụ cấp dưỡng không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng cũng không bị coi là tội phạm. Ví dụ: Bà Trần Thị Đ 70 tuổi có 4 người con đều đã trưởng thành, nhưng chỉ có người con thứ nhất là giàu có nên thường gửi tiền về để bà sinh sống, trong khi đó 3 người con còn lại do cuộc sống khó khăn nên không có tiền gửi về nuôi mẹ. Mặc dù cuộc sống của bà Đ không thiếu gì, nhưng vì sự bất hòa giữa các con của bà nên bà Đ yêu cầu 3 người còn còn lại phải cấp dưỡng, nhưng 3 người con này không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng vì sự thật là bà Đ không cần phải cấp dưỡng.
Người không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải chịu trách nhiệm hình sự khi trước đó đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm.
Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm là trước đó đã có lần từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng đã bị xử phạt hành chính bằng một trong những hình thức xử lý hành chính khác theo quy định của Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính và chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý hành chính, nay lại có hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý hành chính, nhưng về hành vi khác không phải hành vi trên thì không cấu thành tội phạm này.
b) Hậu quả
Hậu quả của tội phạm này là hậu quả nghiêm trọng, nếu hậu quả gây ra chưa nghiêm trọng mà người phạm tội cũng chưa bị xử phạt hành chính về hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng thì cũng chưa cấu thành tội phạm này.
Hậu quả nghiêm trọng do hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là những thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, tinh thần và những thiệt hại khác cho người được cấp dưỡng và cho xã hội, như do không được cấp dưỡng phải bỏ học đi lang thang bị người khác rủ rê lôi kéo vào con đường tội phạm.
Tuy chưa có giải thích, hướng dẫn chính thức thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, nhưng có thể coi là hậu quả nghiêm trọng do hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng gây ra trong những trường hợp sau:
- Làm do người được cấp dưỡng chết;
- Do không được cấp dưỡng nên người được cấp dưỡng bị tổn hại sức khỏe có tỷ lệ thương tật từ 21% trở lên;
- Do không được cấp dưỡng nên người được cấp dưỡng phải vay mượn tiền hoặc tài sản để sinh sống nhưng mất khả năng thanh toán có giá trị từ 50 triệu đồng trở lên;
- Gây dư luận xấu về các mặt văn hóa, xã hội, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức gia đình và xã hội.
Điều luật chỉ quy định gây hậu quả nghiêm trọng mà không quy định gây hậu quả rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, nhưng không vì thế mà cho rằng nếu từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng mà gây hậu quả rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng thì chưa cấu thành tội phạm.
Như vậy, hậu quả của tội phạm này vừa là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm vừa không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu người phạm tội đã bị xử phạt hành chính thì hậu quả không là dấu hiệu bắt buộc, nhưng nếu chưa bị xử phạt hành chính thì hậu quả nghiêm trọng là dấu hiệu bắt buộc.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội thực hiện hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng là do cố ý, tức là người phạm tội nhận thức rõ nghĩa vụ cấp dưỡng nhưng cố tình từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng.
Tuy nhiên, tội phạm là tội xâm phạm quan hệ gia đình, nên thực tế có nhiều trường hợp người phạm tội không nhận thức rõ nghĩa vụ của mình nên đã từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, thậm chí một số ngươi còn cho rằng mình không có nghĩa vụ cấp dưỡng mà nghĩa vụ đó là của người khác. Ví dụ: con gái đã đi lấy chồng mà không có nghĩa vụ đối với bố mẹ đẻ nên không thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng khi bố mẹ đẻ không còn khả năng lao động, không có tài sản để tự nuôi mình.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Bưu điện Thành phố Hồ Chí Minh ở đâu? Nguyên tắc lập quy hoạch TP Hồ Chí Minh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là gì?
- 24 tiết khí của 4 mùa trong năm 2025? Làm việc vào ngày lễ, tết 2025 được trả lương thế nào?
- 12/11 âm lịch 2024 là ngày bao nhiêu dương? 12 tháng 11 âm 2024 là thứ mấy?
- Mẫu thư gửi chú bộ đội ở đảo xa nhân ngày 22/12 năm 2024?
- Các yếu tố cấu thành tội môi giới mại dâm theo pháp luật Hình sự?