Nhận biết mặt chủ quan của tội ra bản án trái pháp luật
Người phạm tội ra bản án trái pháp luật thực hiện hành vi phạm tội của mình là do cố ý (trực tiếp), tức là người phạm tội nhận thức rõ việc ra bản án của mình là trái pháp luật, thấy trước hậu quả của hành vi đó mà mong muốn hậu quả xảy ra.
Điều luật quy định “biết rõ là trái pháp luật”, tức là người phạm tội phải biết rõ bản án mà mình ban hành là trái pháp luật; nếu do trình độ nghiệp vụ non kém hoặc vì lý do khách quan mà thẩm phán, hội thẩm không biết rõ là trái pháp luật thì không phạm tội ra bản án trái pháp luật.
Thực tiễn xét xử cho thấy có nhiều bản án trái pháp luật ở mức độ khác nhau, trong đó có không ít bản án bị Tòa án cấp phúc thẩm hoặc giám đốc thẩm hủy để điều tra lại hoặc để xét xử lại, thậm chí có bản án kết oan người vô tội nhưng hầu hết những thẩm phán ra các bản án này thường chỉ nhận là do nhận thức, do trình độ nghiệp vụ non kém, chứ không có ai nhận mình là “biết rõ là trái pháp luật”.
Tuy nhiên, về nguyên tắc, có trường hợp dù thẩm phán có không thừa nhận thì vẫn có thể buộc họ là “biết rõ là trái pháp luật”, như: không xét xử mà lại ra bản án, người tham gia tố tụng không có mặt tại phiên tòa thì bản án lại ghi là có mặt; hội thẩm nhân dân tham gia xét xử là ông A thì bản án lại ghi là ông B; Biên bản nghị án thống nhất phạt tù giam bị cáo thì bản án lại ghi là phạt tù nhưng cho hưởng án treo…
Tuy điều luật không quy định động cơ là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm này nhưng không vì thế mà không cần xác định động cơ của người phạm tội. Thực tiễn xét xử cho thấy hành vi ra bản án trái pháp luật tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự đều xuất phát từ động cơ xấu như vì vụ lợi, vì thù tức hoặc vì động cơ cá nhân khác hây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích Nhà nước, lợi ích của cơ quan, tổ chức hoặc lợi ích hợp pháp của công dân. Vì vậy, việc xác định động cơ phạm tội có một ý nghĩa rất quan trọng để xác định ý thức chủ quan của người phạm tội có biết rõ bản án mà mình ra là trái pháp luật hay không.
Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp người phạm tội vì động cơ thành tích, muốn giải quyết nhanh để giảm tỷ lệ án tồn đọng. Căn cứ vào động cơ phạm tội mà có thể xác định người phạm tội có biết rõ bản án mà mình ban hành có trái pháp luật hay không.
Nếu thẩm phán hoặc hội thẩm nhận hối lộ mà ra bản án trái pháp luật thì ngoài tội ra bản án trái pháp luật còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội nhận hối lộ.
Thực tiễn xét xử còn có trường hợp do thiếu trách nhiệm, không kiểm tra khi ban hành bản án nên có sự nhầm lẫn tới mức phải kháng nghị giám đốc thẩm, vì bản án đó bị coi là trái pháp luật, nhưng thẩm phán ra bản án đó không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội ra bản án trái pháp luật, mà chỉ bị xử lý về hành vi thiếu trách nhiệm. Ví dụ: trong bản án hình sự phúc thẩm số 1736/2005/HSPT ngày 19-10-2005, ghi Hội đồng xét xử gồm: Chủ tọa phiên tòa là ông Tô Chánh Tr, các thẩm phán là ông Hoàng Văn Tr, bà Lương Ngọc Tr nhưng trên thực tế thì chủ tọa phiên tòa là ông Hoàng Văn Tr, còn các thẩm phán là ông Trương Vĩnh Ch, bà Lương Ngọc Tr.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tải toàn bộ Phụ lục Thông tư 91/2024 chế độ báo cáo thống kê ngành Tài chính từ 1/3/2025?
- 14/2 là valentine trắng hay đen? 14 tháng 2 là ngày của con trai hay con gái?
- Xe máy điện không gương 2025 có bị phạt không? Phạt bao nhiêu tiền?
- Từ ngày 01/7/2025, chi phí thù lao cho bào chữa viên nhân dân là bao nhiêu?
- 26 tháng 1 âm lịch là ngày mấy dương 2025? Thắp hương không đúng nơi quy định vào dịp lễ hội 26 tháng 1 âm bị xử phạt bao nhiêu tiền?