Thủ tục khai sinh cho trẻ sinh ra do nhờ mang thai hộ?
Theo Điều 94 Luật hôn nhân và gia đình 2014 quy định về việc xác định cha, mẹ trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo: “Con sinh ra trong trường hợp mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là con chung của vợ chồng nhờ mang thai hộ kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Khoản 2 Điều 98 Luật hôn nhân và gia đình 2014 còn quy định: “Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra”.
Ngoài ra, trong mẫu Giấy chứng sinh quy định tại Phụ lục 01A ban hành kèm theo Thông tư số 34/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 sửa đổi, bổ sung Điều 2 Thông tư số 17/2012/TT-BYT ngày 24/10/2012 của Bộ Y tế quy định cấp và sử dụng giấy chứng sinh (sẽ có hiệu lực từ ngày 14/12/2015) cũng nêu rõ: “Con sinh ra là con của Bên (vợ chồng) nhờ mang thai hộ”.
Theo các quy định vừa trích dẫn ở trên, quyền và nghĩa vụ của bạn đối với con sẽ phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra và cháu bé được xác định là con chung của vợ chồng bạn. Vì vậy, vợ chồng bạn có nghĩa vụ thực hiện thủ tục đăng ký khai sinh cho cháu bé và tên người mẹ trong giấy khai sinh sẽ là tên của bạn.
Thủ tục đăng ký khai sinh
Hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định về việc đăng ký khai sinh cho trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ. Tuy nhiên, kể từ ngày 14/12/2015 khi Thông tư số 34/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 chính thức có hiệu lực, việc cấp giấy chứng sinh cho trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ được quy định như sau:
“Trẻ sinh ra do thực hiện kỹ thuật mang thai hộ sẽ được cấp Giấy chứng sinh theo Mẫu quy định tại Phụ lục 01A ban hành kèm theo Thông tư này. Giấy chứng sinh này là văn bản chứng minh việc mang thai hộ khi làm thủ tục đăng ký khai sinh”.
Ngoài ra, theo khoản 1 Điều 16 Luật Hộ tịch năm 2014 (sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016) quy định về thủ tục đăng ký khai sinh: “Người đi đăng ký khai sinh nộp tờ khai theo mẫu quy định và giấy chứng sinh cho cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp không có giấy chứng sinh thì nộp văn bản của người làm chứng xác nhận về việc sinh; nếu không có người làm chứng thì phải có giấy cam đoan về việc sinh; trường hợp khai sinh cho trẻ em bị bỏ rơi phải có biên bản xác nhận việc trẻ bị bỏ rơi do cơ quan có thẩm quyền lập; trường hợp khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ phải có văn bản chứng minh việc mang thai hộ theo quy định pháp luật”.
Như vậy, nếu cháu bé sinh trước ngày Thông tư 34/2015/TT-BYT ngày 27/10/2015 có hiệu lực, việc khai sinh của cháu bé sẽ thực hiện theo thủ tục đăng ký khai sinh thông thường. Nếu cháu bé sinh sau ngày Thông tư này có hiệu lực thì áp dụng theo quy định của Thông tư. Kể từ ngày 1/1/2016 sẽ có thêm các quy định của Luật Hộ tịch 2014 điều chỉnh vấn đề đăng ký khai sinh cho trẻ em sinh ra do mang thai hộ. Tuy nhiên, dù đăng ký khai sinh trước hay sau những thời điểm nói trên, Giấy khai sinh của cháu bé sinh ra vẫn sẽ mang tên người mẹ là bạn chứ không mang tên người mang thai hộ.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Lịch bắn pháo hoa Tết Âm lịch 2025 TP Hà Nội?
- Tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm môn thi từ 06 môn còn 04 môn đúng không?
- Tháng 12 âm lịch 2024 là tháng mấy dương lịch? Xem lịch âm Tháng 12 2024 chi tiết?
- Tỉnh Bình Định có đường bờ biển dài bao nhiêu km? Tỉnh Bình Định mấy sân bay?
- Năm 2025 có bao nhiêu ngày? Lịch vạn niên 2025 - Xem lịch âm dương?