Mặt khách quan của tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia

Mặt khách quan của Tội phá hủy công trình, phương tiện quân trọng về an ninh quốc gia được pháp luật quy định như thế nào?

Mặt khách quan bao gồm các dấu hiệu cơ bản sau: 

a) Hành vi khách quan

            Người phạm tội chỉ thực hiện một hành vi khách quan duy nhất là “phá hủy” nhưng bằng nhiều thủ đoạn khác nhau. Hành vi “phá hủy” công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia cũng tương tự như hành vi “hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản” nhưng tài sản bị hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng là một loại tài sản có giá trị đặc biệt.

            Phá hủy còn được hiểu là phá hoại mang ý nghĩa nghiêm trọng hơn hủy hoại hoặc làm hư hỏng tài sản. Tính chất của hành vi phá hoại không chỉ làm hư hỏng cho chính các công trình, phương tiện đó mà còn gây mất an toàn cho xã hội. Cũng chính vì thế mà khi không còn quy định tội phạm này trong chương các tội phạm an ninh quốc gia nữa thì nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương các tội phạm xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng là phù hợp với tính chất của hành vi xâm phạm đến sự an toàn của xã hội.

            Phá hủy là hủy hoại hoặc làm hư hỏng bằng các phương pháp khác nhau như: đào, đập, đốt, cắt, khoan, nổ mìn...làm cho biến dạng hoặc làm mất hẳn, không còn giá trị sử dụng như trước.

            Căn cứ vào đối tượng tác động của tội phạm thì người phạm tội này có thể thực hiện một trong các hành vi sau:

            Phá hủy công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng các công trình hoặc phương tiện giao thông đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không như: tháo thanh tà vẹt trên đường ray, tháo thanh giằng trên cầu, nổ mìn làm sạt lở đường bộ, phá bỏ các hệ thống biển báo trên các dòng sông, trên biển,...

            Khi xác định hành vi phá hủy công trình hoặc phương tiện giao thông vận tải cần chú ý phân biệt với hành vi cản trở giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường không quy định tại các Điều 203, 209, 213 và 217 Bộ luật hình sự. Đối với hành vi quy định tại các điều luật này không có tính chất phá hủy mà chỉ có mục đích cản trở có tính chất nhất thời trong một thời gian, không gian và hoàn cảnh nhất định.

            Phá hủy công trình hoặc phương tiện thông tin – liên lạc là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng hệ thống thông tin liên lạc hữu tuyến và vô tuyến. Trong điều kiện công nghệ thông tin hiện đại như hiện nay thì hành vi phá hủy công trình hoặc phương tiện thông tin – liên lạc không còn như những năm của thế kỷ trước chỉ là hành vi cắt dây điện thoại, phá hỏng các  thiết bị thông tin – liên lạc hữu tuyến. Hiện nay khi mà công nghệ tin học phát triển như vũ bão thì hành vi phá hủy công trình hoặc phương tiện thông tin – liên lạc ngày càng tinh vi xảo quyệt hơn. Khi xác định hành vi phá hủy công trình hoặc phương tiện thông tin liên lạc cần phân biệt với các hành vi phạm tội quy định tại các Điều 224, 225, 226, 226a và 226b Bộ luật hình sự liên quan đến tin học, đến mạng điện tử. Nếu các hành vi quy định tại các điều luật này có mục đích phá hoại thì người phạm tội sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hủy công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

            Phá hủy công trình điện là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng các công trình sản xuất điện, tải điện như: nhà máy nhiệt điện, nhà máy thủy điện, các hệ thống tải điện, các trạm biến áp,...Nếu phá hủy đường dây tải điện dân dụng (điện sinh hoạt) thì cần phân biệt đường dây tải điện từ trạm biến áp đến công tơ điện (điện kế) và từ công tơ vào nhà của các hộ sử dụng. Nếu hủy hoại hoặc làm hư hỏng đường dây tải điện từ công tơ vào các hộ dân thì tùy trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tài sản hoặc tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản chứ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

            Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia nếu người phạm tội hủy hoại hoặc làm hư hỏng đường dây tải điện dân dụng từ lưới điện đến trạm biến áp, còn từ trạm biến  áp vào các hộ dân có qua công tơ hay không qua công tơ thì tùy trường hợp mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chiếm đoạt tài sản hoặc tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản.

            Phá hủy công trình dẫn chất đốt là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng hệ thống dẫn khí gas, xăng, dầu và các chất khác. Hiện nay hệ thống dẫn chất đốt ở nước ta chưa phát triển, những công trình dẫn chất đốt điện có chủ yếu có trước chiến tranh, một số không còn sử dụng nữa; việc vận chuyển chất đốt hiện nay chủ yếu bằng các phương tiện giao thông vận tải. Tuy nhiên, ở miền Bắc nước ta vẫn còn một số hệ thống đường ống dẫn xăng, dầu, khí gas đang được sử dụng; nếu hủy hoại hoặc làm hư hỏng hệ thống đường ống này là hành vi phạm tội phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia.

            Phá hủy công trình thủy lợi là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng công trình phục vụ cho việc trị thủy, tưới tiêu nước như: hệ thống đê, kè, các trạm bơm, hệ thống dẫn nước của trạm bơm,...Nếu công trình thủy lợi đồng thời là công trình điện như nhà máy thủy điện, ngoài việc phát điện còn có hệ thống trị thủy, tưới tiêu gắn liền với công trình thì tùy trường hợp, nếu phá hủy hệ thống trị thủy, tưới tiêu thì đó là hành vi phá hủy công trình thủy lợi, nếu phá hủy hệ thống liên quan đến việc phát điện thì đó là hành vi phá hủy công trình điện. Ví dụ: phá hủy đập tràn làm cho nước không đủ để chạy các máy phát điện là hành vi phá hủy công trình điện. Tuy nhiên, vì tội danh là tội “phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia” nên việc phân biệt cũng chỉ có ý nghĩa tương đối>

            Phá hủy công trình quan trọng khác về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội là hành vi hủy hoại hoặc làm hư hỏng các công trình quan trọng về an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội chưa được liệt kê trong cấu thành. Do quy định các đối tượng tác động của tội phạm này theo cách liệt kê nên không thể không quy định những đối tượng tác động khác nhằm không để lọt những hành vi phạm tội mà nhà làm luật chưa liệt kê trong điều luật.

            Khi xác định hành vi phá hủy các công trình này cần phải căn cứ vào tính chất quan trọng cũng như lợi ích của nó trong việc phục vụ cho an ninh, quốc phòng, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, văn hóa và xã hội và phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định nó là công trình quan trọng về an ninh quốc gia.

b) Hậu quả

            Hậu quả của hành vi phá hủy công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia không phải là dấu hiệu bắt buộc đối với tội phạm này nhưng việc xác định hậu quả do hành vi phạm tội gây ra là rất cần thiết. Nếu hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng thì tùy trường hợp, người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo khoản 2 của điều luật. Nhà làm luật quy định ngay hậu quả đặc biệt nghiêm trọng là yếu tố định khung hình phạt mà không quy định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả rất nghiêm trọng là yếu tố định khunh hình phạt không có nghĩa là không phải xác định trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc hậu quả rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, do tính chất nguy hiểm cho xã hội của loại hành vi phạm tội này nên nói chung những thiệt hại do hành vi phá hủy công trình hoặc phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia gây ra dù là thiệt hại về vật chất hay phi vật chất đã là hậu quả nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng rồi.

c) Các dấu hiệu khách quan khác

            Ngoài hành vi khách quan, đối với tội phạm này nhà làm luật không quy định dấu hiệu khách quan khác là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành, nhưng khi xác định hành vi phạm tội không thể không nghiên cứu các quy định của Nhà nước về danh mục công trình quan trọng về an ninh quốc gia, vì đó là đối tượng tác động của tội phạm.

            Mặc dù điều văn của điều luật quy định “không thuộc trường hợp quy định tại Điều 85 của Bộ luật này”, nhưng đó không phải là dấu hiệu khách quan khác mà là dấu hiệu thuộc mặt chủ quan (mục đích của tội phạm).

An ninh quốc gia
Hỏi đáp mới nhất về An ninh quốc gia
Hỏi đáp Pháp luật
Khi nào áp dụng biện pháp xóa bỏ thông tin sai sự thật trên không gian mạng xâm phạm an ninh quốc gia?
Hỏi đáp Pháp luật
Người Việt Nam phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia bị tước các quyền gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Môi trường vận hành của hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia cần đáp ứng các điều kiện gì?
Hỏi đáp pháp luật
Biện pháp nghiệp vụ là gì?
Hỏi đáp pháp luật
An ninh là gì?
Hỏi đáp pháp luật
Mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia là gì?
Hỏi đáp Pháp luật
An ninh quốc gia là gì? Bảo vệ an ninh quốc gia là gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Các trường hợp nào hệ thống thông tin bị đưa ra khỏi danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia?
Hỏi đáp Pháp luật
Hoạt động xâm phạm an ninh Quốc gia là gì? Tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật có thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh Quốc gia?
Hỏi đáp Pháp luật
Cơ quan nào chuyên trách bảo vệ an ninh quốc gia? Các cơ quan bảo vệ an ninh quốc gia có quyền hạn và trách nhiệm gì?
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Đi đến trang Tra cứu hỏi đáp về An ninh quốc gia
Thư Viện Pháp Luật
840 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan
An ninh quốc gia

TÌM KIẾM VĂN BẢN
Xem toàn bộ văn bản về An ninh quốc gia

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào