Chuyển công tác có được hưởng trợ cấp thôi việc?
Viên chức có thể được thôi việc theo nguyện vọng
Căn cứ điểm a, khoản 1 và điểm a, điểm b khoản 3 Điều 38 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12/4/2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, thì viên chức được giải quyết thôi việc khi có đơn tự nguyện xin thôi việc được cơ quan, đơn vị có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản.
Thủ tục giải quyết thôi việc được thực hiện như sau:
Viên chức có nguyện vọng thôi việc có văn bản gửi người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.
– Trong thời hạn 20 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn, nếu đồng ý cho viên chức thôi việc thì người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ra quyết định chấm dứt hợp đồng làm việc; nếu không đồng ý cho viên chức thôi việc thì trả lời viên chức bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định, trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 31/12/2008 trở về trước được tính như sau:
– Cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có);
– Mức trợ cấp thấp nhất bằng 1 tháng lương hiện hưởng;
– Trường hợp viên chức được tuyển dụng trước ngày 1/7/2003, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.
– Trường hợp viên chức được tuyển dụng từ ngày 1/7/2003 trở về sau, thời gian làm việc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc theo hợp đồng làm việc (cộng dồn) kể từ khi viên chức có quyết định tuyển dụng đến hết ngày 31/12/2008.
Trợ cấp thôi việc đối với thời gian công tác của viên chức từ ngày 1/1/2009 đến nay được thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ cấp thất nghiệp.
Nguồn kinh phí chi trả trợ cấp thôi việc được lấy từ nguồn tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
Viên chức thôi việc được hưởng trợ cấp thôi việc và được xác nhận thời gian có đóng BHXH theo quy định của pháp luật.
Trường hợp ông Nguyễn Lộc được tuyển dụng vào làm việc, tham gia đóng BHXH tại đơn vị sự nghiệp công lập từ năm 2001. Vào thời điểm năm 2001 việc tuyển dụng viên chức thực hiện theo quyết định tuyển dụng. Đến năm 2013, thực hiện quy định của Luật Viên chức, đơn vị đã ký hợp đồng làm việc không xác định thời hạn với ông.
Nay ông Lộc có nguyện vọng thôi việc để chuyển sang làm việc tại 1 công ty TNHH một thành viên. Đây là việc chấm dứt hợp đồng làm việc, thôi việc tại nơi cũ, để giao kết hợp đồng làm việc, hoặc hợp đồng lao động ở nơi mới.
Do ông Lộc không nêu rõ chủ sở hữu của Công ty TNHH một thành viên định chuyển đến, đơn vị chuyển đến có phải là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu hay không, nên luật sư nêu các tình huống vận dụng sau đây để ông tham khảo:
Trường hợp được giải quyết chế độ trợ cấp
Nếu ông Lộc có đơn xin thôi việc, được người đứng đầu đơn vị sự nghiệp giải quyết cho thôi việc, để ông chuyển đến làm việc tại Công ty TNHH một thành viên do một tổ chức hoặc một cá nhân (không phải là Nhà nước) làm chủ sở hữu; hoặc chuyển đến Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu nhưng không phải là trường hợp được tiếp nhận vào làm việc tại đơn vị sự nghiệp thuộc công ty đó, thì khi chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp hiện nay, ông Lộc được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc theo quy định tại khoản 1 Điều 39 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP.
Theo đó, cứ mỗi năm làm việc được tính bằng ½ tháng lương hiện hưởng, gồm: Mức lương theo chức danh nghề nghiệp, phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung, phụ cấp thâm niên nghề và hệ số chênh lệch bảo lưu lương (nếu có).
Thời gian làm việc ông Lộc được tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian làm việc (cộng dồn) kể từ khi ông có quyết định tuyển dụng vào viên chức năm 2001 đến hết ngày 31/12/2008.
Thuyên chuyển công tác không tính hưởng trợ cấp
Điều 50 Nghị định số 29/2012/NĐ-CP quy định, việc quản lý đối với những người làm việc tại đơn vị sự nghiệp thuộc công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu được áp dụng các quy định tại Nghị định này như viên chức.
Do vậy, nếu ông Lộc có đơn xin chuyển công tác đến một đơn vị sự nghiệp trực thuộc Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu, trong cùng một Bộ, ngành, địa phương quản lý; được đơn vị sự nghiệp hiện nay đồng ý cho thôi việc, chuyển công tác; được đơn vị mới đồng ý tiếp nhận, thì giải quyết như trường hợp viên chức thuyên chuyển công tác theo nguyện vọng từ đơn vị sự nghiệp công lập này sang đơn vị sự nghiệp công lập khác trong cùng bộ, ngành, địa phương, mà không phải giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc.
Theo hướng dẫn tại Điều 14, Điều 15 Thông tư số 15/2012/TT-BNV ngày 25/12/2012 của Bộ Nội vụ về tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc và đền bù chi phí đào tạo, bồi dưỡng đối với viên chức, khi viên chức chuyển công tác đến cơ quan, đơn vị khác thì phải chấm dứt hợp đồng làm việc với đơn vị sự nghiệp công lập đang làm việc. Việc chấm dứt hợp đồng làm việc phải được thể hiện bằng văn bản có xác nhận của viên chức và người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền ký kết hợp đồng làm việc. Văn bản chấm dứt hợp đồng làm việc được lập thành hai bản, mỗi bên giữ một bản.
Khi viên chức chuyển đến đơn vị sự nghiệp công lập mới, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập hoặc cơ quan có thẩm quyền tuyển dụng viên chức phải ký kết hợp đồng làm việc với viên chức và thực hiện chế độ tiền lương phù hợp trên cơ sở căn cứ vào năng lực, trình độ đào tạo, quá trình công tác, diễn biến tiền lương và thời gian đóng bảo hiểm xã hội của viên chức.
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Tháng 11 âm lịch 2024 có bao nhiêu ngày? Tháng 11 âm lịch 2024 bắt đầu ngày mấy dương?
- Việt Nam có mấy Tòa án nhân dân tối cao? Địa chỉ Tòa án nhân dân tối cao ở đâu?
- Hướng dẫn ghi giấy khám sức khỏe lái xe mới nhất từ ngày 01/01/2025?
- Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội bị thu hồi trong trường hợp nào?
- Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 diễn ra vào thời gian nào?