Đơn phương ly hôn khi một bên đang sống ở nước ngoài
1. Theo quy định của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 (Luật HN&GĐ): “Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Toà án giải quyết việc ly hôn. Trong trường hợp vợ có thai hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi thì chồng không có quyền yêu cầu xin ly hôn” (Điều 85).
Trường hợp như anh nêu trong thư: Quan hệ hôn nhân và gia đình giữa hai vợ chồng anh là công dân Việt Nam, mà một bên (vợ anh) định cư ở nước ngoài, được xác định là quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài (khoản 4 Điều 100). Do vợ anh là công dân Việt Nam không thường trú tại Việt Nam và hai người không có nơi thường trú chung, nên pháp luật Việt Nam sẽ được áp dụng để giải quyết ly hôn (khoản 2 Điều 104). TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (cấp tỉnh) có thẩm quyền giải quyết việc ly hôn, có yếu tố nước ngoài (khoản 3 Điều 102).
Như vậy, thì theo quy định này, anh có quyền đơn phương xin ly hôn. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết là TAND cấp tỉnh, nơi anh cư trú.
2. Theo Nghị quyết số 01/2003/NQ-HĐTP (ngày16/04/2003, của Hội đồng Thẩm phán TANDTC, hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết một số loại tranh chấp dân sự, HN&GĐ), trường hợp bên đương sự là bị đơn đang ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức hoặc giấu địa chỉ nên nguyên đơn ở trong nước không thể biết địa chỉ, tin tức của họ, thì giải quyết như sau:
- Nếu bị đơn ở nước ngoài không có địa chỉ, không có tin tức gì về họ (kể cả thân nhân của họ cũng không có địa chỉ, tin tức gì về họ), thì Toà án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án theo quy định khi không tìm được địa chỉ của bị đơn và giải thích cho nguyên đơn biết họ có quyền khởi kiện yêu cầu Toà án cấp huyện nơi họ thường trú tuyên bố bị đơn mất tích hoặc đã chết theo quy định của pháp luật về tuyên bố mất tích, tuyên bố chết.
- Nếu thông qua thân nhân của họ mà biết rằng họ vẫn có liên hệ với thân nhân ở trong nước, nhưng thân nhân của họ không cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án, cũng như không thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết để gửi lời khai về cho Toà án, thì coi đây là trường hợp bị đơn cố tình giấu địa chỉ, từ chối khai báo, từ chối cung cấp những tài liệu cần thiết. Nếu Toà án đã yêu cầu đến lần thứ hai mà thân nhân của họ cũng không chịu cung cấp địa chỉ, tin tức của bị đơn cho Toà án cũng như không chịu thực hiện yêu cầu của Toà án thông báo cho bị đơn biết, thì Toà án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
Sau khi xét xử Toà án cần gửi ngay cho thân nhân của bị đơn bản sao bản án hoặc quyết định để những người này chuyển cho bị đơn, đồng thời tiến hành niêm yết công khai bản sao bản án, quyết định tại trụ sở UBND cấp xã nơi bị đơn cư trú cuối cùng và nơi thân nhân của bị đơn cư trú để đương sự có thể sử dụng quyền kháng cáo theo quy định của pháp luật tố tụng (điểm b, tiểu mục 2.1, Phần II).
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Hướng dẫn ghi giấy khám sức khỏe lái xe mới nhất từ ngày 01/01/2025?
- Giấy chứng nhận đăng ký hành nghề công tác xã hội bị thu hồi trong trường hợp nào?
- Chiến dịch Biên giới Thu Đông 1950 diễn ra vào thời gian nào?
- Cưỡi ngựa là gì? Giáo viên dạy cưỡi ngựa được phân vào nhóm ngành nào trong ngành kinh tế Việt Nam?
- Đơn vị hành chính cấp xã của TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2023 - 2025?