Bộ LĐTBXH trả lời cử tri về việc điều chỉnh lương hưu

Theo ý kiến của cử tri, việc tăng lương hưu theo tỷ lệ % mỗi khi điều chỉnh tăng lương chung là chưa công bằng. Cử tri đề nghị có thể xem xét khi tăng lương cho đối tượng hưu trí nên có một mức tăng chung, bằng một số tiền cụ thể (ví dụ 300.000đ hay 500.000đ...) cho tất cả các đối tượng hưởng lương hưu, như vậy vừa góp phần cải thiện đời sống của các đối tượng có mức lương thấp, vừa đảm bảo công bằng. Ngoài ra, cử tri cũng đề nghị quan tâm, tăng mức hưởng đối với nhóm đối tượng đã nghỉ hưu trước năm 1993, bởi phần lớn nhóm này có mức lương hưu thấp và có chênh lệch khá cao so với nhóm đối tượng nghỉ hưu sau khi có chính sách cải cách tiền lương...

Lương hưu – không thể “cào bằng”

Một trong những nguyên tắc khi thực hiện chính sách BHXH là “mức hưởng BHXH được tính trên cơ sở mức đóng, thời gian đóng BHXH”, theo đó mức lương hưu hàng tháng của người lao động được tính trên cơ sở thời gian đã đóng BHXH và mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ tính đóng BHXH.

Như vậy, đối với những người có cùng thời gian công tác hoặc cùng chức vụ như nhau thì tiền lương hưu cao hơn hay thấp hơn sẽ phụ thuộc vào mức tiền lương, tiền công tháng làm căn cứ đóng BHXH và thời gian đã tham gia BHXH theo mức tiền lương, tiền công đó.

Do chính sách tiền lương được quy định ở mỗi thời kỳ có khác nhau nên dẫn tới mức hưởng lương hưu trên thực tế có sự chênh lệch ở các đối tượng thụ hưởng tùy thuộc vào thời điểm nghỉ hưu.

Việc thực hiện điều chỉnh tăng lên đồng loạt một mức trên cơ sở số tiền tuyệt đối là không phù hợp vì sẽ cào bằng các đối tượng, xóa bỏ sự ghi nhận quá trình công tác, cống hiến, đóng góp của người lao động và không phản ánh đúng nguyên tắc đóng, hưởng trong chính sách BHXH.

Sẽ có lộ trình để điều chỉnh lương hưu một cách độc lập

Hiện nay, việc điều chỉnh lương hưu được thực hiện theo quy định tại Điều 53 Luật BHXH: “Lương hưu được điều chỉnh trên cơ sở mức tăng của chỉ số giá sinh hoạt và tăng trưởng kinh tế”. Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “một số vấn đề cải cách chính sách tiền lương, BHXH, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020” cũng có nội dung “Xây dựng Đề án cải cách chính sách BHXH đến năm 2020, trong đó có lộ trình để thực hiện việc điều chỉnh lương hưu độc lập với điều chỉnh tiền lương của người tại chức”.

Về kiến nghị của những người nghỉ hưu trước năm 1995 (trong số đó nhiều người có nhiều công lao, thành tích đóng góp cho cách mạng) hiện nay mức lương hưu thấp, không đảm bảo cuộc sống. Ngày 5/11/2013, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 4309/LĐTBXH-BHXH gửi Sở Lao động – Thương binh và Xã hội 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đề nghị tiến hành rà soát, đánh giá thực trạng lương hưu của người nghỉ hưu qua các thời kỳ để có cơ sở cho việc nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật về BHXH.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
250 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào