Trạm thú y cấp huyện có phải là đơn vị sự nghiệp?

Ông Phạm Ngọc Giang, công tác tại một Trạm Thú y cấp huyện thuộc tỉnh Thanh Hóa, hỏi: Trạm Thú y cấp huyện thuộc Chi cục Thú y cấp tỉnh có phải là cơ quan quản lý Nhà nước về thú y ở cấp huyện không? Nếu không thì ở cấp huyện, cơ quan nào là cơ quan quản lý Nhà nước về thú y? Ông Giang cho rằng, theo Nghị định số 33/2005/NĐ-CP ngày 15/3/2005 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Thú y thì cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về thú y có ở cấp huyện. Tuy nhiên, theo Thông tư liên tịch số 79/2009/TTLT-BNNPTNT-BNV ngày 14/12/2009 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn xếp hạng các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công lập thuộc ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) thì Trạm Thú y là đơn vị sự nghiệp. Ông Giang muốn được biết, hướng dẫn tại Thông tư số 79/2009/TTLT-BNNPTNT-BNV có mâu thuẫn với Nghị định số 33/2005/NĐ-CP không?

UBND huyện chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về thú y cấp huyện

Cơ quan quản lý Nhà nước về thú y cấp huyện là UBND cấp huyện, theo quy định tại Điều 2 Luật Tổ chức HĐND và UBND năm 2003, "UBND thực hiện chức năng quản lý Nhà nước, góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính Nhà nước từ Trung ương tới cơ sở".

Phòng NNPTNT hoặc Phòng Kinh tế cấp huyện có nhiệm vụ "tham mưu, giúp UBND huyện thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về: Nông nghiệp; lâm nghiệp; diêm nghiệp; thủy lợi; thủy sản; phát triển nông thôn; phòng, chống thiên tai; chất lượng, an toàn thực phẩm đối với nông sản, lâm sản, thủy sản, muối; phát triển kinh tế hộ, kinh tế trang trại nông thôn, kinh tế hợp tác xã nông, lâm, ngư, diêm nghiệp gắn với ngành nghề, làng nghề nông thôn" quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 8 Nghị định số 37/2014/NĐ-CP ngày 5/5/2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.

Phòng NNPTNT hoặc Phòng Kinh tế là cơ quan chuyên môn, chủ yếu thực hiện nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, không được giao chức năng thực thi pháp luật chuyên ngành về thú y và thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về thú y (Mục II, Phần 2 Thông tư liên tịch số61/2008/TTLT-BNN-BNV ngày 15/5/2008 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Nội vụ hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện và nhiệm vụ quản lý Nhà nước của UBND cấp xã về NNPTNT).

Theo điểm b, khoản 2, Mục III, Phần 1 Thông tư liên tịch số 61/2008/TTLT-BNN-BNV, Trạm Thú y cấp huyện là đơn vị trực thuộc của Chi cục Thú y cấp tỉnh nằm trên địa bàn huyện. Trạm có trách nhiệm "tổ chức thực thi và đề xuất hoặc phối hợp đề xuất, giúp UBND cấp huyện thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực thú y trên địa bàn cấp huyện; đồng thời chịu sự chỉ đạo, kiểm tra và điều động của Chủ tịch UBND cấp huyện trong trường hợp cần thiết theo quy định".

Trạm thú y được giao các nhiệm vụ thực thi pháp luật chuyên ngành thuộc nhiệm vụ của Chi cục Thú y tại địa bàn huyện bao gồm: Phối hợp tham mưu cho UBND cấp huyện về chiến lược, kế hoạch, quy hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm về thú y trên địa bàn huyện; hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành pháp luật về thú y; thực hiện kiểm dịch nội địa; kiểm soát giết mổ động vật, sản phẩm động vật; thực hiện kiểm tra vệ sinh thú y; cấp, thu hồi, quản lý các loại giấy chứng nhận vệ sinh thú y, biên lai, ấn chỉ, giấy chứng nhận tiêm phòng; quản lý thuốc thú y; thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành về thú y.

Ngoài ra, Trạm Thú y cũng được giao thực hiện một số hoạt động sự nghiệp như, chẩn đoán, điều trị bệnh động vật; tiêm phòng và phòng chống dịch bệnh cho động vật; tổ chức và thực hiện việc khử trùng, tiêu độc các cơ sở có hoạt động liên quan đến công tác thú y.

Đối với quy định về đơn vị sự nghiệp thuộc ngành NNPTNT, theo mục 4, khoản 4, Điều 1 Thông tư liên tịch số 79/2009/TTLT-BNNPTNT-BNV, các đơn vị sự nghiệp, dịch vụ công là "các trạm, trại, trung tâm: bảo vệ thực vật, bảo vệ động vật, thú y, nhân giống hoặc thực nghiệm cây trồng, vật nuôi, thủy sản". Trong đó, trạm bảo vệ động vật, thú y là trạm chẩn đoán xét nghiệm và điều trị bệnh bảo vệ động vật (khu bảo tồn); không bao gồm Trạm Thú y cấp huyện trực thuộc Chi cục Thú y được giao thực thi pháp luật, thanh tra chuyên ngành.

Như vậy, Thông tư liên tịch số 79/2009/TTLT-BNNPTNT-BNV không sai với quy định tại Điều 3 Nghị định số 33/2005/NĐ-CP.

Hỏi đáp mới nhất
Đặt câu hỏi

Quý khách cần hỏi thêm thông tin về có thể đặt câu hỏi tại đây.

Thư Viện Pháp Luật
331 lượt xem
Tra cứu hỏi đáp liên quan

TÌM KIẾM VĂN BẢN

Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Giấy phép số: 27/GP-TTĐT, do Sở TTTT TP. HCM cấp ngày 09/05/2019.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3930 3279
Địa chỉ: P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;
Địa điểm Kinh Doanh: Số 17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q3, TP. HCM;
Chứng nhận bản quyền tác giả số 416/2021/QTG ngày 18/01/2021, cấp bởi Bộ Văn hoá - Thể thao - Du lịch
Thông báo
Bạn không có thông báo nào