BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 40/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 12 tháng 01 năm 2015
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH TÀI LIỆU CHUYÊN MÔN “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ
ĐIỀU TRỊ
CÁC BỆNH VỀ MẮT”
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật khám bệnh, chữa bệnh năm
2009;
Căn cứ Nghị định số 63/2012/NĐ-CP
ngày 31/8/2012 của Chính Phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản
lý Khám, chữa bệnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này tài
liệu chuyên môn “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt”.
Điều 2. Tài liệu “Hướng dẫn chẩn đoán và điều
trị các bệnh về mắt” ban hành kèm theo Quyết định này được áp dụng tại các cơ
sở khám bệnh, chữa bệnh.
Căn cứ vào tài liệu này và điều kiện
cụ thể của đơn vị, Giám đốc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh xây dựng và ban hành tài
liệu hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh về mắt phù hợp để thực hiện tại
đơn vị.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ
ngày ký ban hành.
Điều 4. Các ông, bà: Chánh Văn phòng Bộ,
Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Cục trưởng và Vụ
trưởng các Cục, Vụ thuộc Bộ Y tế, Giám đốc các bệnh viện, viện có giường bệnh
trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương,
Thủ trưởng Y tế các Bộ, Ngành và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách
nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ trưởng Bộ Y tế (để b/c);
- Các Thứ trưởng BYT;
- Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (để phối hợp);
- Cổng thông tin điện tử BYT;
- Website Cục KCB;
- Lưu VT, KCB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Xuyên
|
HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN VÀ ĐIỀU TRỊ CÁC BỆNH VỀ MẮT
(ban hành kèm theo
Quyết định số 40/QĐ-BYT ngày 12/01/2015)
Chủ biên
PGS. TS. Nguyễn Thị Xuyên
Đồng chủ biên
PGS. TS. Đỗ Như Hơn
PGS. TS. Lương Ngọc Khuê
Tham gia biên soạn
PGS. TS. Trần An
PGS.TS. Cung Hồng Sơn
PGS. TS. Hoàng Thị Minh Châu
PGS. TS. Phạm Khánh Vân
PGS. TS. Hà Huy Tài
PGS. TS Vũ Thị Bích Thủy
PGS. TS. Nguyễn Chí Dũng
PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Yên
PGS. TS. Phạm Trọng Văn
PGS. TS. Lê Kim Xuân
PGS. TS. Vũ Thị Thái
PGS. TS. Đào Thị Lâm Hường
TS. Nguyễn Xuân Hiệp
TS. Lê Thúy Quỳnh
TS. Nguyễn Quốc Anh
TS. Thẩm Trương Khánh Vân
TS. Hoàng Thị Thu Hà
TS. Lê Xuân Cung
TS. Phạm Ngọc Đông
Ths. Cù Thanh Phương
Ths. Lê Thị Ngọc Lan
Ths. Đặng Thị Minh Tuệ
Ths. Hồ Xuân Hải
Ths. Nguyễn Cảnh Thắng
Ths. Nguyễn Văn Huy
Ths. Nguyễn Kiên Trung
Thư kí biên soạn
Ths. Hoàng Minh Anh
Bs. Phan Thị Thu Hương
Ths. Nguyễn Đức Tiến
Ths. Ngô Thị Bích Hà
Ths. Trương Lê Vân Ngọc
MỤC LỤC
1. LIỆT VẬN NHÃN
2. NHƯỢC THỊ
3. LỒI MẮT
4. VIÊM TỔ CHỨC HỐC MẮT
5. VIÊM TÚI LỆ
6. KHÔ MẮT DO THIẾU VITAMIN A
7. BỎNG MẮT DO HÓA CHẤT
8. VIÊM KẾT MẠC CẤP
9. VIÊM KẾT MẠC DỊ ỨNG CẤP TÍNH
10. VIÊM KẾT GIÁC MẠC MÙA XUÂN
11. VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO NẤM
12. VIÊM GIÁC MẠC DO HERPES
13. VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO AMIP
(ACANTHAMOEBA)
14. VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO CẤP TÍNH Ở TRẺ
EM
15. BỆNH VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO TRƯỚC CẤP
TÍNH
16. VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO SAU CHẤN THƯƠNG
17. GLÔCÔM GÓC ĐÓNG NGUYÊN PHÁT
18. GLÔCÔM GÓC MỞ NGUYÊN PHÁT
19. TĂNG NHÃN ÁP SAU CHẤN THƯƠNG
ĐỤNG DẬP
20. XUẤT HUYẾT NỘI NHÃN SAU CHẤN THƯƠNG
21. VIÊM MỦ NỘI NHÃN NỘI SINH
22. VIÊM MỦ NỘI NHÃN NGOẠI SINH
23. NHÃN VIÊM ĐỒNG CẢM
24. HỘI CHỨNG VOGT-KOYANAGI-HARADA
25. BỆNH HẮC VÕNG MẠC TRUNG TÂM
THANH DỊCH
26. BỆNH TẮC TĨNH MẠCH VÕNG MẠC
27. TẮC ĐỘNG MẠCH TRUNG TÂM VÕNG MẠC
28. VIÊM THỊ THẦN KINH
29. TỔN THƯƠNG THẦN KINH THỊ GIÁC
SAU CHẤN THƯƠNG
CÁC CHỮ
VẾT TẮT
CNC: Cạnh nhãn cầu
CT: Computed Tomography (chụp cắt lớp vi tính)
DK: Dịch kính
KS: Kháng sinh
HVMTTTD: Hắc võng mạc trung tâm thanh dịch
MBĐ: Màng bồ đào
MKHQ: Mạch ký huỳnh quang
MRI: Magnetic resonance imaging (chụp
cộng hưởng từ)
NA: Nhãn áp
NCVK: Nuôi cấy vi khuẩn
NVĐC: Nhãn viêm đồng cảm
PCR: Polymerase Chain Reaction (phản
ứng khuếch đại gen)
OCT: Optical coherence tomography (Chụp
cắt lớp võng mạc kết quang)
TMH: Tai mũi họng
RHM: Răng hàm mặt
ROP: Retinopathy of prematurity (Bệnh
võng mạc ở trẻ sinh non)
ST: Sáng tối (ST +: Sáng tối dương tính, ST -: Sáng tối
âm tính)
XQ: X- quang
XHDK: Xuất huyết dịch kính
XHTP: Xuất huyết tiền phòng
UBM: Máy siêu âm sinh hiển vi
WHO: World Health Organization (Tổ
chức Y tế Thế giới)
VMNN: Viêm mủ nội nhãn
VNN: Viêm nội nhãn
VTXNC: Vết thương xuyên nhãn cầu
LIỆT VẬN NHÃN
1. ĐẠI CƯƠNG
Liệt vận nhãn có biểu hiện lâm sàng
đa dạng, phức tạp và là triệu chứng của nhiều bệnh lý tại mắt và toàn thân, có
thể do liệt một hoặc nhiều cơ vận nhãn. Tùy theo nguyên nhân, vị trí và mức độ
tổn thương mà có thể biểu hiện trên lâm sàng với các hình thái khác nhau, lác
liệt hoặc liệt động tác liên hợp 2 mắt.
2. NGUYÊN NHÂN
a. Chấn thương
- Chấn thương sọ não: thường gây
liệt dây thần kinh đơn độc, hay gặp liệt dây VI.
- Chấn thương hố mắt: thường hay gây
liệt cơ hơn liệt dây thần kinh.
b. U não:
- Có thể gây tổn thương nhiều dây thần
kinh
c. Tăng áp lực sọ não
- Thường gây liệt dây VI hai bên.
d. Bệnh lý mạch máu
- Phình động mạch do đái tháo đường,
phình động mạch cảnh gây liệt thần kinh III, IV, VI.
- Tăng huyết áp, xuất huyết màng não
do vỡ phình động mạch gây liệt vận nhãn.
- Thiểu năng động mạch sống nền gây
liệt vận nhãn ở người cao tuổi.
e. Bẩm sinh
f. Bệnh lý thần kinh - cơ: Nhược cơ
g. Bệnh rối loạn chuyển hóa: Bệnh đái tháo đường
h. Các nguyên nhân khác
- Nhiễm khuẩn, nấm, virut
- Viêm: Bệnh xơ cứng rải rác, viêm
đa rễ thần kinh
- Ngộ độc.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
+ Song thị
+ Lác mắt
- Triệu chứng thực thể
+ Song thị
● Là triệu chứng điển hình của lác
liệt nhưng không phải trường hợp lác liệt nào cũng có song thị. Song thị gia
tăng tối đa ở phía hoạt trường của cơ bị liệt. Độ lác càng lớn song thị càng
rõ. Triệu chứng này có thể mất dần do hiện tượng trung hòa, ức chế hoặc xuất
hiện tư thế bù trừ của đầu, cổ.
● Trong liệt dây III có thể song thị
ngang đơn thuần nếu chỉ tổn nhánh chi phối cơ trực trong nhưng đa số là song
thị đứng do phối hợp tổn thương cơ thẳng đứng hoặc cơ chéo bé.
● Trong liệt dây IV song thị đứng,
tối đa khi nhìn xuống dưới vào trong.
● Trong liệt dây VI song thị ngang
và là triệu chứng cơ năng làm cho bệnh nhân đến khám sớm.
+ Lác mắt
● Góc lác thay đổi ở các hướng nhìn
khác nhau, góc lác lớn nhất khi nhìn về hướng tác dụng của cơ bị liệt.
● Độ lác nguyên phát (D1) nhỏ hơn độ
lác thứ phát (D2). Đây là triệu chứng cơ bản để chẩn đoán phân biệt với lác cơ
năng.
+ Hạn chế vận nhãn
● Hạn chế vận động ở hoạt trường của
các cơ bị liệt.
● Giai đoạn đầu của lác liệt thường
có biểu hiện hạn chế vận nhãn của cơ bị liệt và giai đoạn sau có thể biểu hiện
quá hoạt của cơ đối vận với cơ bị liệt.
● Trên lâm sàng khi thăm khám cần
phải kiểm tra vận nhãn theo 9 hướng nhìn bao gồm: nhìn thẳng, nhìn sang phải,
nhìn sang trái, nhìn lên trên, nhìn xuống dưới, nhìn trên phải, nhìn trên trái,
nhìn dưới phải, nhìn dưới trái để xác định hạn chế vận nhãn và so sánh hai mắt.
+ Tư thế bù trừ
● Tư thế lệch đầu vẹo cổ để tránh
song thị bằng cách đầu quay về phía hoạt trường của cơ bị liệt. Đối với liệt cơ
thẳng ngang thì tư thế bù trừ thường là lệch mặt, liệt cơ thẳng đứng hoặc cơ
chéo, tư thế bù trừ phức tạp và thường kèm theo lệch đầu, vẹo cổ, thay đổi tư
thế cằm.
● Tư thế bù trừ còn chịu ảnh hưởng
của những biến đổi thứ phát của các cơ phối vận hay đồng vận nên ở giai đoạn
sau của liệt vận nhãn bệnh cảnh lâm sàng không còn điển hình như giai đoạn đầu.
- Triệu chứng khác tại mắt
+ Bệnh nhân có thể rối loạn cảm giác
giác mạc, giảm hoặc mất phản xạ đồng tử, giãn đồng tử, soi đáy mắt có thể có
hình ảnh phù gai, xuất huyết. Bên cạnh đó cần phải làm một số khám
nghiệm tại mắt như đo thị lực, nhãn áp (có thể cao), thị trường (thu hẹp, bán
manh), đô độ lồi mắt.
+ Các khám nghiệm loại trừ nhược cơ
như tets nước đá, test prostigmin, tensilon.
- Triệu chứng toàn thân
Tùy thuộc vào nguyên nhân gây liệt
vận nhãn có thể gặp cao huyết áp, liệt nửa người....
b. Cận lâm sàng
- Chụp XQ sọ não và hốc mắt.
- Chụp CT Scan sọ não hoặc cộng hưởng
từ phát hiện khối u, phình mạch...
- Chụp mạch não có thuốc cản quang
phát hiện phình mạch.
- Siêu âm nhãn cầu, hốc mắt.
- Xét nghiệm máu, chức năng tuyến
giáp...
c. Chẩn đoán xác định
- Chẩn đoán liệt vận nhãn
Dựa vào 4 triệu chứng là song thị,
lác mắt, hạn chế vận nhãn và tư thế lệch đầu vẹo cổ.
- Chẩn đoán nguyên nhân,vị trí liệt
vận nhãn
Thường rất khó bên cạnh việc dựa vào
các xét nghiệm cận lâm sàng cần phối hợp với khám chuyên khoa thần kinh
- Chẩn đoán liệt dây thần kinh III,
IV, VI
+ Liệt dây thần kinh III:
● Thường có biểu hiện sụp mi 1 hoặc
2 bên.
● Lác ngoài, có thể chỉ lác ngang
đơn thuần hoặc lác đứng phối hợp nếu có tổn thương cơ thẳng đứng hoặc cơ chéo.
● Song thị có thể mất trong trường
hợp sụp mi nặng, có thể song thị ngang đơn thuần nhưng đa số là song thị đứng
do tổn thương phối hợp cơ thẳng đứng hoặc chéo bé.
● Hạn chế vận nhãn trên, dưới và
trong.
● Có thể có dãn đồng tử do liệt cơ
co đồng tử.
+ Liệt dây thần kinh IV:
● Song thị đứng, song thị tối đa khi
nhìn xuống dưới, vào trong.
● Hạn chế vận nhãn xuống dưới, vào
trong.
● Tư thế bù trừ đầu nghiêng sang bên
không có cơ bị liệt, cằm gập xuống.
● Trong liệt dây IV bẩm sinh thấy
không có sự cân xứng của khuôn mặt.
● Nghiệm pháp Bielchowsky (+).
+ Liệt dây thần kinh VI:
● Song thị ngang và là triệu chứng
làm cho bệnh nhân đến sớm với thầy thuốc.
● Hạn chế vận nhãn ngoài.
● Lác trong.
d. Chẩn Đoán Phân Biệt
Trên lâm sàng cần phân biệt lác liệt
với lác cơ năng
- Nguyên nhân của lác cơ năng thường
do di truyền, tật khúc xạ không được chỉnh kính...
- Trong lác cơ năng thường có giảm
thị lực một bên và đặc biệt góc lác hằng định ở mọi hướng nhìn. Tuy nhiên với
những trường hợp lác cơ năng lâu ngày, độ lác lớn rất khó phân biệt với lác
liệt.
4. ĐIỀU TRỊ
1. Nguyên tắc chung
- Tìm và điều trị nguyên nhân
- Điều trị triệu chứng.
- Kết hợp nhiều phương pháp (có thể
điều trị ngoại khoa khi cần thiết).
2. Điều trị cụ thể
Áp dụng trong giai đoạn liệt cấp
tính nhằm tránh song thị, cải thiện vận nhãn, đề phòng tư thế bù trừ và nhược
thị.
- Điều trị nguyên nhân và phối hợp
với các chuyên khoa khác.
- Châm cứu
- Điều trị tại mắt:
+ Bịt mắt luân phiên: hạn chế song
thị
+ Đeo lăng kính: bảo tồn hợp thị và
tránh song thị
+ Tập vận nhãn theo các hướng
+ Tiêm thuốc Botulium toxin type A:
liều 1,5 đơn vị - 2,5 đơn vị/0,1ml. Tiêm vào thân cơ đối vận với cơ bị liệt,
tiêm một liều duy nhất, sau 6 tháng tiêm nhắc lại.
+ Vitamin liều cao.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Tiến triển phụ thuộc vào nguyên
nhân, vị trí và mức độ tổn thương.
- 30% các trường hợp có thể tự hồi
phục.
- Nếu điều trị muộn, điều trị không
đúng có thể để lại các biến chứng lác, sụp mi, lệch đầu vẹo cổ ảnh hưởng đến
chức năng và thẩm mỹ.
6. PHÒNG BỆNH
Phát hiện và điều trị sớm các nguyên
nhân có thể gây liệt vận nhãn.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arthurl. Rosenbaum, Alvina Pauline
Santiago (1999), Other paralitic strabismus, Clinical strabismus
management principles and surgical techniques, pp 249-271.
2. Edward M. Wilson (2008), General
principles in the surgical treatment of paralytic strabismus, Pediatric
Ophthalmology, pp179-192.
3. Kenneth W. Wright (2003), Complex
strabismus: restriction, paresis, dissociated strabismus,and torticollis, Pediatric
Ophthalmology and strabismus, pp 250-277.
4. Kenneth W. Wright (2007), Cranial
nerve palsies, Color atlas of strabismus surgery, pp.76-86.
5. Leonard B. Nelson, Scott E. Olitsky
(2005), Strabismus Disorder, Harley pediatric ophthalmology, pp 143-192.
NHƯỢC THỊ
1. ĐỊNH NGHĨA
Nhược thị là tình trạng giảm thị lực
ở một hoặc hai mắt hoặc có sự khác biệt thị lực giữa hai mắt trên 2 dòng sau
khi đã được điều chỉnh kính tối ưu hoặc điều trị được nguyên nhân, có thể là nhược
thị cơ năng hoặc nhược thị thực thể.
2. NGUYÊN NHÂN
- Các bệnh gây cản trở trục quang
học thị giác: khi có sự che khuất trục thị giác của mắt như sụp mi, sẹo giác
mạc, di chứng màng đồng tử, đục thể thủy tinh bẩm sinh, tổn hại dịch kính...
- Bệnh lác mắt
- Tật khúc xạ: Hay gặp trên mắt có
tật khúc xạ cao, đặc biệt trên những mắt viễn thị và loạn thị cao.
- Lệch khúc xạ: Khúc xạ hai mắt
không đều nhau, thường chênh lệch trên 2D có thể gây nhược thị ở mắt có khúc xạ
cao hơn.
- Có thể do đồng thời nhiều nguyên
nhân phối hợp.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng: nhìn mờ một
hoặc hai mắt, mỏi mắt, có thể kèm theo lác, sụp mi.
- Triệu chứng thực thể.
+ Giảm thị lực: ở một mắt hoặc cả
hai mắt sau khi chỉnh kính, hoặc chênh lệch thị lực 2 mắt ≥ 2 hàng thị lực. Ở
trẻ nhỏ không thử được thị lực thì dựa vào sự định thị của mắt và khả năng nhìn
theo đồ vật.
+ Hiện tượng đám đông: bệnh nhân đọc
từng chữ từng mắt rời rạc dễ dàng hơn khi đọc nguyên hàng chữ.
+ Có thể có lác mắt, mắt không có
khả nặng định thị hoặc định thị ngoại tâm.
+ Khám có thể phát hiện được nguyên
nhân.
b. Cận lâm sàng
- Siêu âm nhãn cầu có thể phát hiện
được nguyên nhân.
- Điện võng mạc giúp chẩn đoán
nguyên nhân.
c. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định dựa vào các dấu
hiệu giảm thị lực ở một hoặc hai mắt sau khi chỉnh kính thị lực < 20/30 hoặc
chênh lệch thị lực hai mắt ≥ 2 hàng.
d. Chẩn đoán mức độ:
Trên lâm sàng dựa vào thị lực chia
làm 3 mức độ
- Nhược thị nhẹ khi thị lực từ 20/40
đến 20/30
- Nhược thị trung bình khi thị lực
từ 20/200 đến 20/50
- Nhược thị nặng khi thị lực dưới
20/200
e. Chẩn đoán phân biệt
Các bệnh lý gây giảm thị lực như
- Viêm thị thần kinh: giảm thị lực
một hoặc hai mắt với nhiều mức độ khác nhau, có thể kèm đau trong hốc mắt hoặc
đau khi vận nhãn, đĩa thị có thể cương tụ, phù từng phần hoặc toàn bộ, chụp CT
scan có thể thấy thị thần kinh to hơn bình thường.
- Mù vỏ não: mắt mất hoàn toàn cảm
giác đối với ánh sáng nhưng không có tổn thương thực thể nào thấy được, mất
phản xạ quy tụ - điều tiết, mất phản xạ hướng mắt theo ánh sáng.
- Hysteria.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Hạn chế sử dụng mắt lành
- Kích thích và tạo điều kiện cho
mắt nhược thị được sử dụng để có thể phát triển thị giác bình thường.
- Giải quyết triệt để các nguyên
nhân gây nhược thị.
b. Điều trị cụ thể
- Hạn chế sử dụng mắt lành:
+ Phương pháp bịt mắt
● Dán băng trực tiếp che mắt, dán
băng che lên trên mắt kính, sử dụng kính tiếp xúc mờ hoặc đục.
● Thời gian bịt mắt: bịt hoàn toàn
trong ngày (nhược thị nặng), bịt hoàn toàn trừ 1giờ 1 ngày, bịt 1/2 thời gian
lúc thức (trẻ dưới 1 tuổi).
● Thời gian theo dõi: một tuần cho
1năm tuổi, ví dụ trẻ 1 tuổi theo dõi sau 1 tuần, trẻ 2 tuổi theo dõi sau 2
tuần, trẻ 3 tuổi theo dõi sau 3 tuần, từ 4 tuổi trở lên theo dõi sau 1 tháng.
● Phải kiểm tra mắt lành tránh nhược
thị đảo ngược và kiểm soát sự cải thiện thị lực của mắt bị nhược thị
+ Phương pháp gia phạt: mục đích làm
mờ hình ảnh mắt lành bằng cách dùng thuốc hoặc kính.
● Dùng Atropin 1% tra mắt lành mỗi
ngày 1 giọt, phương pháp này thường chỉ dùng ở trẻ nhỏ.
● Gia phạt gần: dùng Atropin 1% tra
vào mắt lành một giọt mỗi ngày và không chỉnh kính nếu có tật khúc xạ, trong
khi đó cấp kính đủ số cho mắt bị nhược thị.
● Gia phạt xa: thặng chỉnh kính
(thặng chỉnh lên ít nhất + 3D) đối với mắt lành làm cho mắt này chỉ nhìn gần mà
nhìn xa không rõ.
● Gia phạt toàn bộ: tra Atropin hàng
ngày và thặng chỉnh kính ở mắt lành, mắt nhược thị chỉnh kính bình thường.
Để tránh nhược thị đảo ngược cần
theo dõi sát bệnh nhân theo nguyên tắc 1 tuần cho 1 năm tuổi, dừng gia phạt nếu
thấy giảm thị lực ở mắt lành.
- Kích thích sử dụng mắt nhược thị
+ Điều chỉnh tật khúc xạ: đối với
trẻ em cần nhỏ thuốc liệt điều tiết để đo khúc xạ. Cấp kính đủ số với mắt bị nhược
thị, đeo kính thường xuyên.
+ Kích thích mắt nhược thị
● Xâu hạt cườm
● Tập đồ hình
● Tập trên máy Synoptophone
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG:
Phụ thuộc vào các yếu tố sau
- Tuổi bắt đầu điều trị: Điều trị
càng sớm kết quả càng cao.
- Nguyên nhân: nhược thị do tật khúc
xạ ít khi bị nặng vì thường đã được phát hiện và chỉnh kính sớm. Nhược thị do
lệch khúc xạ tiên lượng tốt hơn nhược thị do lác, nếu nhược thị do nhiều nguyên
nhân phối hợp tiên lượng rất kém.
- Mức độ nhược thị: Nhược thị nhẹ
tiên lượng tốt hơn nhược thị nặng.
- Kiểu định thị: Định thị trung tâm
tiên lượng tốt hơn định thị ngoài tâm.
- Thị giác hai mắt: Có thị giác hai
mắt tiên lượng tốt hơn.
- Sự tuân thủ phương pháp điều trị
của gia đình và bệnh nhân.
- Biến chứng: với trẻ nhỏ cần theo
dõi sát khi dùng phương pháp bịt mắt tránh nhược thị đảo ngược.
6. PHÒNG BỆNH
Phát hiện và điều trị sớm các nguyên
nhân có thể gây nhược thị. Điều trị càng sớm thì khả năng phục hồi của mắt nhược
thị càng tốt. Nhiều nghiên cứu cho thấy nhược thị do lác có thể hồi phục nếu
điều trị trước 9 tuổi, trong khi thời điểm này với nhược thị do lệch khúc xạ là
12 tuổi. Do đó với trẻ bị nhược thị dưới 12 tuổi thì việc điều trị là bắt buộc
vì có khả năng hồi phục. Các trường hợp do tật khúc xạ cần phải được chỉnh kính
tối ưu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Edward M. Wilson (2008),
Pediatric Ophthalmology, pp 33-46.
2. Graham E. Quinn, Roy W.Beck,
(2004), Recent advances in the treatment of amblyopia, Pediatrics vol
113 No.6 pp 1800-1802.
3. Kenneth W. Wright (2007), Amblyopia
treatment, Color atlas of strabismus surgery, pp.3-7.
4. Leonard B. Nelson, Scott E. Olitsky
(2005), Amblyopia, Harley pediatric ophthalmology, pp 123-136.
5. Michael Clarke (2006), Modern treatment
of amblyopia, Pediatric Ophthalmology, Neuro-Ophthalmology, Genetics,
pp.37-48.
LỒI MẮT
1. ĐỊNH NGHĨA
Lồi mắt là tình trạng nhãn cầu bình
thường bị đẩy ra trước do tăng thể tích tổ chức trong hốc mắt.
2. NGUYÊN NHÂN
Có ba nhóm nguyên nhân gây lồi mắt:
- Lồi mắt do cường năng tuyến giáp
trạng (bệnh Basedow).
- Lồi mắt do viêm.
- Lồi mắt do khối u.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
Khai thác bệnh sử là phần quan trọng
gợi ý cho chẩn đoán nguyên nhân, bao gồm những nội dung chính sau đây:
+ Lồi mắt mới có hay đã có từ lâu?
(Lồi mắt đã có từ lâu thường là lồi mắt giả do cận thị nặng hay hốc mắt nhỏ).
+ Lồi mắt tiến triển nhanh hay chậm?
(Lồi mắt cấp tính thường gặp do viêm tổ chức hốc mắt hay khối u ác tính).
+ Lồi mắt có xuất hiện sau chấn thương
không? (Lồi mắt sau chấn thương thường do thông động mạch cảnh xoang hang hay
tụ máu hốc mắt).
+ Lồi mắt có tăng thêm khi thay đổi
tư thế như cúi đầu, nín thở và rặn? (Lồi mắt khi gắng sức thường do búi giãn
mạch trong hốc mắt.)
+ Lồi mắt có kèm theo mờ mắt hay
song thị? (Lồi mắt do khối u thị thần kinh thường đi kèm giảm thị lực. Lồi mắt
do u mạch hốc mắt có thể đi kèm song thị. Thông động mạch cảnh xoang hang gây
liệt dây VI và có song thị).
+ Lồi mắt có kèm theo các dấu hiệu
khác như ù tai, đau đầu và có tiếng ù trong đầu? (Đây là những triệu chứng gặp
trong thông động mạch cảnh xoang hang. Tăng áp lực nội sọ nặng và lâu ngày cũng
có thể gây lồi mắt nhẹ).
- Triệu chứng thực thể
+ Xác định có lồi mắt thật hay không
bằng cách quan sát từ trên trán xuống, so sánh độ mở khe mi, nhìn nghiêng so
sánh đỉnh giác mạc với cung lông mày và đo độ lồi bằng thước Hertel. Lồi mắt
một hay hai bên? (Lồi mắt hai bên thường do nguyên nhân tuyến giáp trạng hay
bệnh máu ác tính ở trẻ nhỏ).
+ Đánh giá thêm một số dấu hiện đi
kèm lồi mắt như rối loạn vận động mi mắt và nhãn cầu (thường gặp trong bệnh
Basedow). Liệt dây thần kinh vận nhãn có thể xảy ra trong tổn thương xoang hang
hay thông động mạch cảnh xoang hang.
+ Đánh giá tình trạng mi mắt và lệ
bộ (ung thư biểu mô đáy mi mắt có thể xâm lấn hốc mắt. U hắc tố ác tính mi và
kết mạc có thể xâm lấn hốc mắt gây lồi mắt. U túi lệ gây chảy nước mắt. U tuyến
lệ chính gây sưng nề góc trên ngoài mắt. Ung thư biểu mô tuyến bã hay tuyến sụn
mi xấm lấn hốc mắt có tổn thương mi và kết mạc đặc thù).
+ Đánh giá tình trạng nhãn cầu (kết
mạc cương tụ, phù nề trong bệnh viêm tổ chức hốc mắt, giãn mạch kết mạc trong
thông động mạch cảnh xoang hang, u limpho ở kết mạc có màu hồng. Khám mống mắt
thấy u mống mắt hay nốt Lisch mầu nâu đen trong bệnh u xơ thần kinh. Khám kỹ
nhãn cầu có thể thấy ung thư võng mạc xuất ngoại hay u hắc tố hắc mạc ác tính
xuất ngoại hay nếp gấp võng mạc do có khối u ngoài nhãn cầu gây chèn ép. U thị
thần kinh hay u màng não thường đi kèm phù nề gai thị).
+ Đánh giá hướng nhãn cầu bị đẩy lồi
(thẳng hay lệch trục) để xác định vị trí u hốc mắt. U tuyến lệ chính gây lồi
mắt lệch trục. U thị thần kinh gây lồi mắt thẳng trục.
+ Đánh giá đồng tử (dấu hiệu tổn thương
đường đồng tử hướng tâm dương tính chứng tỏ có tổn thương thị thần kinh)
+ Sờ nắn để xác định vị trí khối u, mật
độ u gợi ý chẩn đoán (nhẵn, căng, di động chứng tỏ có thể nang hốc mắt. U ác
tính thường gồ ghề, rắn chắc, dính, ít di động. U xương thì cứng như xương và
thường ở góc trong mắt).
+ Cần chú ý cả thị lực, nhãn áp. U
thị thần kinh thường gây mất thị lực. Bệnh lồi mắt do cường năng giáp trạng và
thông động mạch cảnh xoang hang thường kèm theo tăng nhãn áp.
- Triệu chứng toàn thân
+ Tiền sử các bệnh toàn thân như
lao, viêm nhiễm, bệnh máu, u ác tính (tiền liệt tuyến, phổi hay vú), bệnh xoang
mãn tính rất quan trọng. Lồi mắt có thể do u di căn hốc mắt hay do viêm tổ chức
hốc mắt sau viêm xoang sàng. Bệnh nhân HIV (+) có thể lồi mắt do viêm tổ chức
hốc mắt do nấm.
+ Ngoài ra còn phải đặc biệt chú ý
đến lứa tuổi của bệnh nhân (u mạch dạng hang thường xuất hiện ở tuổi trung
niên. U cơ vân ác tính hay xuất hiện ở tuổi nhỏ. Phình mạch hay búi giãn mạch
thường xuất hiện ở lứa tuổi thanh niên).
b. Cận lâm sàng
- Chẩn đoán hình ảnh
+ Siêu âm có tác dụng phân biệt u
đặc, nang hốc mắt, giả lồi hốc mắt, siêu âm doppler đánh giá tình trạng mạch
máu trong hốc mắt
+ Chụp CT xem xương và các cấu trúc
lân cận hốc mắt.
+ Chụp cộng hưởng từ để xem các cấu
trúc mềm quanh nhãn cầu.
- Sinh thiết hốc mắt
Xác định chính xác bản chất của khối
u và đề ra hướng điều trị như u lympho cần điều trị hóa chất, u viêm điều trị chống viêm, u màng não chỉ định tia xạ.
c. Chẩn đoán xác định
- Đo độ lồi: xác định có lồi mắt
thật hay không bằng cách quan sát từ trên trán xuống, so sánh độ mở khe mi,
nhìn nghiêng so sánh đỉnh giác mạc với cung lông mày và đo độ lồi bằng thước
Hertel. Độ lồi > 10 mm được coi là bất thường.
- Cận lâm sàng: chụp CT Scan, cộng hưởng
từ, siêu âm.
- Khám chuyên khoa: Lồi mắt có khi
là biểu hiện của một bệnh lý toàn thân nên rất cần ý kiến của các chuyên gia như
huyết học, nội tiết, u bướu, tai mũi họng và thần kinh.
d. Chẩn đoán phân biệt với giả lồi
mắt
Lồi mắt giả có thể xuất hiện trong
những trường hợp sau:
- Lõm mắt bên kia: Độ lồi mắt bên
lành không quá 10 mm
- Co rút mi trên hay mi dưới: Vị trí
bờ mi nằm trên rìa trên của giác mạc.
- Sụp mi một bên: Vị trí mi mắt bên
lành bình thường.
- Nhãn cầu một bên to (cận thị,
glôcôm bẩm sinh): Đường kính giác mạc lớn. Siêu âm đo chiều dài trục nhãn cầu
hay đo khúc xạ mắt.
- Nhãn cầu một bên nhỏ (viễn thị,
teo nhãn cầu): Dựa vào siêu âm đo chiều dài trục nhãn cầu.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Điều trị theo nguyên nhân.
- Phòng và điều trị biến chứng.
- Tùy theo bản chất của khối u mà có
chỉ định điều trị nội khoa, ngoại khoa hay tia xạ.
b. Điều trị cụ thể
Kế hoạch điều trị thay đổi tùy theo
bản chất của lồi mắt. Điều trị nội khoa:
+ Áp dụng với tổn thương do viêm
nhiễm, u lympho, sarcoid, thoái hóa dạng tinh bột. Một số loại u ác tính cần
phối hợp với điều trị ngoại khoa.
+ Corticoid được dùng đơn độc hay
phối hợp hóa chất.
+ Hóa
trị liệu áp dụng với u cơ vân ác tính hay ung thư võng mạc xuất ngoại
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Tiến triển: Tùy theo nguyên nhân
gây lồi mắt. Tốt nếu lồi mắt do viêm hay do bệnh Basedow. Xấu nếu lồi mắt do
khối u ác tính.
- Biến chứng: Loét giác mạc, chèn ép
thị thần kinh, tăng nhãn áp, hạn chế vận nhãn, lác, song thị.
6. PHÒNG BỆNH
- Điều trị bệnh viêm nhiễm xoang lân
cận để phòng biến chứng viêm tổ chức hốc mắt.
- Khám và điều trị bệnh Basedow
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Sipos JA, Kahaly GJ. Imaging of thyrotoxicosis. Am J Med. 2012 Sep;125(9):S1-2.
doi: 10.1016/j.amjmed.2012.05.012. Review.
2. Maheshwari R, Weis E. Thyroid associated orbitopathy. Indian J Ophthalmol. 2012
Mar-Apr;60(2):87-93.
3. Sánchez-Orgaz M, Grabowska A,
Royo-Oreja A, Asencio-Durán M, Romero- Martín R, Arbizu-Duralde A. Optic neuropathy following orbital irradiation for Graves' ophthalmopathy: a case report and literature
review.
4. Robinson D, Wilcsek G, Sacks R. Orbit
and orbital apex. Orbit. 2012 Feb;31(1):30-3.
5. Poloschek CM, Lagrèze WA, Ridder GJ,
Hader C. Clinical and neuroradiological diagnostics of orbital tumors.
Ophthalmologe. 2011 Jun;108(6):510-8. Review.
VIÊM TỔ CHỨC HỐC MẮT
1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm tổ chức hốc mắt là viêm của
phần mô mềm trong hốc mắt. Viêm tổ chức hốc mắt gặp ở cả trẻ em và người lớn. Ở
trẻ em dưới 5 tuổi thì hay phối hợp với viêm đường hô hấp trên. Ở trẻ em trên 5
tuổi hay phối hợp với viêm xoang. Ở người lớn hay gặp ở những người đái tháo đường,
suy giảm miễn dịch hay do dị vật nằm trong hốc mắt.
2. NGUYÊN NHÂN
- Do vi khuẩn, nấm, virus và ký sinh
trùng.
- Các yếu tố thuận lợi như:
+ Ở trẻ em hay gặp do viêm đường hô
hấp trên, viêm xoang.
+ Ở người lớn hay gặp ở những người
đái tháo đường, suy giảm miễn dịch.
- Có thể gặp do những nguyên nhân
lan truyền trực tiếp từ những cấu trúc như nhãn cầu, mi và phần phụ cận của
nhãn cầu cũng như các xoang lân cận.
- Do chấn thương xuyên làm tổn thương
vách hốc mắt, đặc biệt những chấn thương có dị vật hốc mắt.
- Những phẫu thuật như phẫu thuật
giảm áp hốc mắt, phẫu thuật mi, phẫu thuật lác, nội nhãn… viêm tổ chức hốc mắt
cũng có thể gặp sau viêm nội nhãn sau phẫu thuật.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Cơ năng
+ Xuất hiện đau đột ngột, đau ở vùng
hốc mắt
+ Đau khi vận động nhãn cầu, liếc
mắt…
+ Đau đầu
- Thực thể
+ Mi phù
+ Xung huyết kết mạc
+ Phù kết mạc
+ Lồi mắt: lồi mắt có thể lồi thẳng
trục hoặc không thẳng trục
+ Song thị
+ Sụp mi
+ Hạn chế vận nhãn hoặc liệt vận
nhãn
+ Giảm thị lực nhiều mức độ khác
nhau
+ Nếu viêm gần đỉnh hốc mắt có thể
có giảm thị lực trầm trọng
+ Có thể có viêm hắc mạc hoặc viêm
thị thần kinh
+ Có thể tăng nhãn áp do chèn ép
- Triệu chứng toàn thân
+ Mệt mỏi, sốt
+ Những triệu chứng hô hấp hay xoang
b. Cận lâm sàng
- Chụp XQ hoặc chụp CT: hình ảnh
viêm tổ chức hốc mắt, hình ảnh viêm xoang.
+ Có thể thấy hình ảnh viêm xoang
với những xương và màng xương đẩy về phía hốc mắt.
+ Hình ảnh ổ áp-xe cạnh màng xương:
điển hình trên CT là hình ảnh tổn thương cạnh xoang mờ, có bờ xung quanh mềm
mại và có thể có khí bên trong.
+ Trong trường hợp chấn thương có
thể xác định được dị vật hốc mắt.
- Siêu âm: có giá trị trong một số
trường hợp chẩn đoán xác định và chẩn đoán phân biệt như có viền dịch quanh nhãn
cầu.
- Công thức máu: bạch cầu đa nhân
trung tính tăng cao, CRP tăng trong nhiễm khuẩn.
- Lấy bệnh phẩm ở hốc mắt hoặc mủ ở
ổ áp-xe làm xét nghiệm soi tươi, soi trực tiếp, nuôi cấy vi khuẩn để chẩn đoán
nguyên nhân và để điều trị.
- Lấy bệnh phẩm ở xoang hay vùng mũi
họng.
- Cấy máu nếu nghi ngờ hoặc có nhiễm
trùng huyết
c. Chẩn đoán xác định
- Dựa vào triệu chứng lâm sàng
+ Đau đầu, đau quanh mắt, đau khi
liếc mắt
+ Lồi mắt
+ Phù mi và kết mạc
+ Hạn chế vận nhãn
+ Viêm hắc mạc hoặc viêm thị thần
kinh, phù gai
+ Tăng nhãn áp do chèn ép
- Dựa vào triệu chứng cận lâm sàng
+ CT thấy hình ảnh viêm xoang, hình
ảnh ổ áp xe hay dị vật
+ Siêu âm có hình ảnh viền dịch
quanh nhãn cầu
+ Công thức máu: bạch cầu đa nhân
trung tính cao.
d. Chẩn đoán phân biệt
- Những trường hợp lồi mắt khác như
lồi mắt do bệnh Basedow, lồi mắt viêm giả u, viêm tuyến lệ: lồi mắt những không
đau khi vận nhãn. Chụp CT có thể giúp chẩn đoán phân biệt.
- Do khối u hốc mắt, ung thư nguyên
bào võng mạc xuất ngoại, ung thư cơ vân. Chụp CT thấy hình ảnh khối u hốc mắt.
- Siêu âm có thể thấy hình ảnh khối
u nội nhãn có ổ canxi
- Bệnh sarcoidose: bệnh toàn thân có
biểu hiện ở hốc mắt. Chụp XQ phổi và xét nghiệm miễn dịch giúp chẩn đoán phân
biệt.
- Bị côn trùng đốt: chỉ ảnh hưởng
đến tổ chức ở trước vách hốc mắt.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung:
- Phải điều trị cấp cứu viêm tổ chức
hốc mắt cấp tính để phòng biến chứng viêm màng não, tắc xoang hang và nhiễm
khuẩn huyết.
- Người bệnh phải được điều trị nội
trú.
- Điều trị theo kháng sinh đồ.
- Tìm các ổ viêm phối hợp như viêm
xoang, viêm đường hô hấp trên để điều trị.
- Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
b. Điều trị cụ thể
+ Kháng sinh đường tĩnh mạch liều
cao, phổ rộng trong giai đoạn sớm và kháng sinh đặc hiệu sau khi đã nuôi cấy
phân lập được vi khuẩn.
+ Trong thời gian chờ đợi nuôi cấy
vi khuẩn có thể dùng kháng sinh nhóm Cephalosporin thế hệ 3: 15mg/kg cân nặng
uống hoặc truyền tĩnh mạch.
+ Chống viêm: Steroid đường uống và đường
tĩnh mạch (Methyl prednisolon 1mg/kg cân nặng).
+ Nâng cao thể trạng: vitamin nhóm
B, C.
+ Điều trị phối hợp những trường hợp
viêm xoang, viêm đường hô hấp, đái tháo đường.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Viêm tổ chức hốc mắt là bệnh nặng,
diễn biến phức tạp và có thể gây biến chứng nặng. Tuy nhiên nếu điều trị tốt
bệnh cũng có thể khỏi không để lại di chứng gì.
- Những biến chứng có thể xảy ra là:
+ Nhiễm trùng huyết có thể gây tử
vong hoặc tắc xoang hang.
+ Áp xe hốc mắt.
+ Viêm màng não.
+ Viêm thị thần kinh giảm thị lực.
6. PHÒNG BỆNH
- Điều trị những viêm nhiễm của mi,
viêm phần trước vách phòng lan vào tổ chức hốc mắt.
- Phòng những bệnh như hô hấp, viêm
xoang ở trẻ em. Khi trẻ mắc bệnh cần được điều trị và theo dõi cẩn thận để
những biến chứng không xảy ra.
- Theo dõi và điều trị tốt những người
có bệnh mạn tính như đái tháo đường, viêm xoang, viêm răng…
- Khi có viêm tổ chức hốc mắt phòng
các biến chứng xảy ra
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Brook I (2009) “Microbiology
and antimicrobial treatment of orbital and intracranial complications of
sinusitis in children and their management.” Int J Pediatr
Otorhinolaryngol.;73(9):1183-6
2. Greenberg MF, Pollard ZF (1998) “Medical
treatment of pediatric subperiosteal orbital abscess secondary to sinusitis.” J AAPOS. 2(6):351-5.
3. McKinley SH, Yen MT, Miller
AM, Yen KG (2007) “Microbiology of pediatric orbital cellulitis.” Am J Ophthalmol. 2007
Oct;144(4):497-501
4. Nageswaran S, Woods
CR, Benjamin DK Jr, Givner LB, Shetty AK (2006) “Orbital cellulitis in children.” Pediatr Infect Dis
J.;25(8):695-9.
5. Yen MT, Yen KG.
(2006) “Effect of corticosteroids in the acute
management of pediatric orbital cellulitis with
subperiosteal abscess.” Ophthal Plast Reconstr Surg. 2005
Sep;21(5):363-6
VIÊM TÚI LỆ
1. ĐỊNH NGHĨA
Viêm túi lệ là một bệnh
lý thường gặp trong nhãn khoa, là tình trạng viêm mạn tính hoặc cấp tính tại
túi lệ. Bệnh thường xảy ra thứ phát sau tắc ống lệ mũi bẩm sinh hoặc mắc phải.
2. NGUYÊN NHÂN
- Là hậu quả của tắc ống
lệ mũi bẩm sinh hoặc tắc ống lệ mũi mắc phải.
- Tác nhân vi sinh vật
thường gặp gây viêm túi lệ khá đa dạng. Các vi sinh vật có thể gây viêm túi lệ
bao gồm vi khuẩn Gram dương như Staphylococus epidermidis, Staphylococus
Aureus, Streptococus pneumoniae; vi khuẩn gram âm như: Pseudomonas
aeruginosa, Hemophilus influenza, Proteus, kể cả vi khuẩn kị khí như Propionibacterium
acnes.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng:
Viêm túi lệ biểu hiện ở
hình thái mạn tính hoặc có những đợt viêm cấp tính.
- Viêm túi lệ mạn tính
+ Chảy nước mắt thường
xuyên, có thể kèm chảy mủ nhầy.
+ Dính mi mắt do các
chất tiết nhầy.
+ Vùng túi lệ có khối
nề, căng, ấn vào có mủ nhầy trào ra ở góc trong mắt.
+ Viêm kết mạc góc
trong.
+ Bơm lệ đạo: nước trào
qua lỗ lệ đối diện có nhầy mủ kèm theo.
- Viêm túi lệ cấp tính
+ Có tiền sử chảy nước
mắt, hoặc chảy nước mắt kèm nhầy mủ.
+ Đau nhức vùng túi lệ,
có thể đau tăng lên khi liếc mắt vì phản ứng viêm có thể tác động đến cơ chéo dưới.
Đau có thể lan ra nửa đầu cùng bên, đau tai hoặc đau răng.
+ Vùng túi lệ sưng,
nóng, đỏ.
+ Túi lệ giãn rộng, lan
ra phía dưới ngoài hoặc một phần ở phía trên.
+ Nếu quá trình nhiễm
trùng nặng hơn, gây áp xe túi lệ.
+ Giai đoạn muộn hơn, có
thể gây dò mủ ra ngoài da. Mủ nhầy thoát
từ túi lệ ra ngoài qua lỗ dò này.
+ Toàn thân: mệt mỏi,
sốt, đặc biệt các triệu chứng toàn thân thể hiện rõ hơn ở người già. Có thể có
hạch trước tai.
b. Cận lâm sàng
- Viêm túi lệ có thể được
chẩn đoán dễ dàng dựa vào các triệu chứng lâm sàng mà không cần đến các xét
nghiệm chẩn đoán khác. Tuy nhiên trong một số trường hợp, chụp phim cắt lớp
vùng túi lệ và hốc mắt sẽ cho thấy rõ hình ảnh túi lệ bị viêm hay u túi lệ.
- Xét nghiệm vi sinh
vật: xác định loại vi sinh vật gây viêm túi lệ bằng xét nghiệm nhuộm soi, nuôi
cấy mủ nhầy từ túi lệ.
c. Chẩn đoán xác định
Chẩn đoán xác định căn
cứ vào các triệu chứng lâm sàng:
- Viêm túi lệ mãn: chảy
nước mắt tự nhiên liên tục, bớm lệ quản có nhầy mủ trào ra ở điểm lệ đối diện.
- Viêm túi lệ cấp: trước
đó thường xuyên chảy nước mắt. Vùng túi lệ sưng nóng đỏ, đau nhức, có thể có dò
mủ túi lệ.
d. Chẩn đoán phân biệt:
- Viêm kết mạc mạn tính:
mắt đỏ, kết mạc cương tụ nhẹ. Bệnh nhân có thể chảy nước mắt. Bơm lệ đạo nước thoát tốt xuống miệng.
- U túi lệ: bệnh nhân có
khối u vùng góc trong mắt, có thể gây chảy nước mắt nếu u choán chỗ nhiều, gây tắc lệ đạo. U có mật độ
chắc, ấn vài khối u không thay đổi và không có mủ nhầy trào ra ở lỗ lệ. Khi bơm
lệ đạo nước thoát tốt hoặc nước trào ngược
và không có nhầy mủ. Chụp cắt lớp sẽ phân biệt được rõ u và viêm túi lệ.
- U vùng túi lệ: u ở
vùng túi lệ có thể gây chèn ép vào túi lệ, gây chảy nước mắt. U có mật độ chắc,
ấn vào khối u không thay đổi về kích thước. Bơm lệ đạo nước thoát xuống miệng hoặc trào ngược nhưng không
có nhầy mủ.
- Áp xe vùng túi lệ:
bệnh nhân không có tiền sử chảy nước mắt. Bơm lệ đạo nước có thể thoát xuống miệng, không có tắc lệ đạo. Tuy
nhiên rất khó phân biệt giữa viêm túi lệ cấp và áp xe vùng túi lệ ở giai đoạn
viêm cấp tính. Chẩn phân biệt dựa vào bơm lệ đạo sau khi qua giai đoạn viêm
cấp. Sau khi điều trị bằng kháng sinh, hết viêm cấp, bơm lệ đạo nước thoát, không có tắc lệ đạo và viêm túi lệ mãn
tính.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Điều trị nội khoa được
áp dụng cho các trường hợp viêm túi lệ cấp để giải quyết tình trạng nhiễm trùng
cấp tính. Sau khi hết viêm cấp tính, bệnh nhân cần được điều trị phẫu thuật để
loại trừ ổ viêm mãn tính tại túi lệ.
- Viêm túi lệ cần được
điều trị bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi để giải phóng tình trạng tắc
nghẽn và viêm mãn tính tại túi lệ. Nếu không mổ nối thông túi lệ mũi được, bệnh
nhân cần được điều trị bằng phẫu thuật cắt túi lệ.
b. Điều trị cụ thể
- Viêm túi lệ mạn tính
+ Thông lệ đạo: được chỉ
định cho các trường hợp viêm túi lệ do tắc lệ đạo bẩm sinh. Thông lệ đạo làm
giải phóng chỗ tắc ở ống lệ mũi, phục hồi lưu thông nước mắt. Nhờ vậy, không
còn ứ đọng dịch viêm trong lòng túi lệ, hết viêm túi lệ.
+ Phẫu thuật nối thông
túi lệ mũi: phẫu thuật nhằm tạo ra một đường thông mới từ túi lệ sang ngách mũi
giữa. Có thể tạo đường thông này bằng phẫu thuật qua đường rạch da hoặc qua đường
mũi, kết hợp với đặt ống silicon qua lệ quản xuống mũi.
+ Nếu không phẫu thuật
nối thông túi lệ-mũi được, hoặc mổ nối thông túi lệ mũi thất bại, cần mổ cắt bỏ
túi lệ để loại trừ ổ viêm và tránh các biến chứng như viêm túi lệ cấp hoặc
nhiễm trùng tại bề mặt nhãn cầu.
- Viêm túi lệ cấp tính
Điều trị viêm túi lệ cấp
được chia làm 2 giai đoạn: điều trị viêm cấp tính và điều trị dự phòng tái
phát, bao gồm cả việc điều trị nguyên nhân.
Điều trị viêm túi lệ cấp
tính:
+ Dùng kháng sinh chống
nhiễm trùng: dùng kháng sinh toàn thân đường tiêm hoặc uống tùy theo mức độ
nặng nhẹ của viêm túi lệ. Nên dùng các kháng sinh có phổ rộng. Có thể phối hợp
kháng sinh. Sau khi tìm được tác nhân gây bệnh, nên dùng kháng sinh theo kết
quả kết quả kháng sinh đồ.
● Kháng sinh toàn thân:
có thể dùng các kháng sinh phổ rộng theo đường uống hoặc tiêm tĩnh mạch tùy
theo mức độ viêm cấp.
o Cefuroxime: liều 250 -
500mg/ngày x 2 lần/ngày x 5 - 7 ngày.
Với trẻ em có thể dùng
liều 10mg/kg x 2 lần/ngày x 5 - 7 ngày.
o Kháng sinh nhóm quinolon:
Ciprofloxacin: liều 250 - 500mg/ngày x 2
lần/ngày x 5 - 7 ngày.
Không dùng thuốc nhóm này cho trẻ em dưới 12 tuổi.
● Kháng sinh nhỏ mắt: có
thể dùng
o Levofloxacin: nhỏ mắt
4 - 6 lần/ngày x 1 -2 tuần.
o Moxifloxacin: nhỏ mắt
4 - 6 lần/ngày x 1 - 2 tuần.
+ Giảm phù nề: dùng các
thuốc giảm phù nề
Alphachymotrypsin: uống
4 - 8mg/ngày x 1 - 2 lần/ngày x 5 - 7 ngày.
+ Giảm đau: dùng thuốc
giảm đau nếu có đau nhức nhiều.
Paracetamol: uống
10mg/kg x 2 - 3 lần/ngày.
+ Chích rạch áp xe: tháo
bớt mủ ở ổ áp xe giúp cho bệnh nhân đỡ đau và lấy bệnh phẩm để nuôi cấy tìm tác
nhân gây bệnh và làm kháng sinh đồ. Có thể hút mủ qua đường lệ quản hoặc rạch
trực tiếp vào túi lệ qua đường rạch ở da.
Điều trị dự phòng tái
phát: điều trị nội khoa sẽ làm viêm túi lệ cấp ổn định rồi chuyển sang giai
đoạn viêm túi lệ mãn tính trong vòng 1 -2 tuần. Để tránh viêm túi lệ cấp tái
phát, bệnh nhân cần được tiếp tục điều trị bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi
hoặc cắt bỏ túi lệ.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG
Nếu không được điều trị,
viêm túi lệ mãn gây viêm kết mạc, viêm giác mạc. Viêm túi lệ mãn có các đợt
viêm cấp, gây áp xe túi lệ thậm chí gây viêm tổ chức hốc mắt. Viêm túi lệ cấp
có thể gây dò mủ ra ngoài da, viêm mi, hốc mắt.
Nhìn chung các trường
hợp viêm túi lệ mạn đều có thể điều trị khỏi bằng phẫu thuật nối thông túi lệ
mũi. Tỷ lệ khỏi bệnh sau phẫu thuật từ 85% - 95% tùy theo từng nghiên cứu. Các
trường hợp điều trị bằng phẫu thuật nối thông túi lệ mũi thất bại, có thể điều
trị khỏi hoàn toàn bằng phẫu thuật cắt túi lệ. Tuy nhiên, sau cắt túi lệ, bệnh
nhân hết viêm túi lệ nhưng vẫn bị chảy nước mắt vì không phục hồi được chức
năng lệ đạo.
6. PHÒNG BỆNH
Điều trị sớm các trường
hợp tắc ống lệ mũi là biện pháp có hiệu quả để phòng viêm túi lệ mãn. Các trường
hợp viêm túi lệ mãn được điều trị sớm thì sẽ tránh được biến chứng viêm túi lệ
cấp.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Alain Ducasse,
J.-P.Adenis, B.Fayet, J.-L.George, J.-M. Ruban (2006) “Les voies
lacrymales'’, Masson.
2. Jeffrey Jay Hurwitz
(1996); The Lacrimal System. Lippincott-Raven Publisher.
3. Jack J. Kanski, “Clinical
Ophthalmology” (2008), Third edition.
4. J. Royer, J.P.
Adenis, (1982), “L’appareil lacrymal”, Masson.
5. Jane Olver (2002): Colour
Atlas of Lacrimal Surgery. Elsevier
KHÔ MẮT DO THIẾU VITAMIN A
1. ĐẠI CƯƠNG
Bệnh khô mắt do thiếu
vitamin A là biểu hiện sớm và đặc hiệu ở mắt của một bệnh toàn thân do thiếu
Vitamin A gây ra bao gồm những tổn thương trên kết mạc, giác mạc và võng mạc.
Những biến đổi ở mắt do
thiếu vitamin A, bao gồm nhiều mức độ: khô kết mạc biểu hiện tình trạng thiếu
vitamin A nhẹ, khô giác mạc thường để chỉ thiếu vitamin A ở mức độ nặng hơn.
Khô nhuyễn giác mạc là hình thái trầm trọng nhất ở mắt, làm tiêu giác mạc và thường
dẫn đến mù loà vĩnh viễn. Những trẻ em bị khô mắt còn có những bệnh toàn thân
kèm theo như ỉa chảy, các bệnh đường hô hấp (viêm phổi), và bệnh sởi.
2. NGUYÊN NHÂN
Do thiếu vitamin A, là
loại vitamin cần thiết cho sự phát triển, sức khỏe,
và chức năng bình thường của các mô bề mặt, như biểu mô của da và niêm mạc, và
các mô của mắt, đặc biệt là kết mạc, giác mạc và võng mạc.
Những đối tượng có nguy
cơ cao của thiếu vitamin A:
- Những trẻ em không được
nuôi bằng sữa mẹ hoặc cai sữa sớm, con của những bà mẹ thiếu vitamin A dự trữ
trong thời kỳ mang thai hoặc những đứa trẻ có cân nặng sau sinh thấp.
- Những trẻ < 5 tuổi
bị suy dinh dưỡng đặc biệt là suy dinh dưỡng nặng. Những trẻ bị mắc bệnh nhiễm
trùng như sởi, ỉa chảy, nhất là trẻ bị ỉa chảy kéo dài trên 14 ngày. Những trẻ
có chế độ ăn nghèo vitamin A và caroten, trẻ không được ăn dầu mỡ...
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Những biểu hiện sớm và
đặc hiệu của bệnh khô mắt gần như theo một trình tự:
+ Quáng gà (XN): đứa trẻ
nhìn kém vào lúc có ánh sáng yếu (chập tối). Đây là dấu hiệu quan trọng cần được
phát hiện sớm, trẻ sẽ trở lại bình thường khi dùng vitamin A liều điều trị
trong 1 - 2 ngày.
+ Khô kết mạc (X1A): kết
mạc bình thường sáng, trắng bóng, luôn được phủ một lớp rất mỏng nước mắt. Khi
kết mạc khô, có những mảng mất bóng, sù sì, không có nước mắt. Cũng có trường
hợp kết mạc khô tạo thành những nếp nhăn.
Dấu hiệu khô kết mạc là
dấu hiệu khó phát hiện. Nếu phát hiện được điều trị bằng vitamin A liều cao sau
2 tuần sẽ hết.
+ Vệt Bitot (X1B): là
đám tế bào biểu mô tăng sừng hóa của kết
mạc tạo thành mảng nổi lên thường có màu trắng sáng hoặc vàng nhạt. Vệt Bitot
thường có hình ovan hoặc hình tam giác, ở vị trí kết mạc góc mũi hoặc thái dương
và đáy bám theo rìa giác mạc, đỉnh quay về phía mũi hoặc thái dương. Vệt Bitot
đôi khi không mất đi sau điều trị bằng vitamin A liều cao nhưng nó không ảnh hưởng
tới thị lực.
+ Khô giác mạc (X2): bề
mặt của giác mạc có những chấm mờ đục hoặc chấm trắng. Khi có dấu hiệu này giác
mạc thường kèm theo những phản ứng chói sợ ánh sáng. Khô mắt tiến triển nhanh
tuy nhiên có thể điều trị khỏi hoàn toàn bằng vitamin A liều cao trong 1 - 2
tuần.
+ Loét nhuyễn giác mạc
(X3A, X3B): khi khô giác mạc không được điều trị sớm và đầy đủ sẽ tiến triển
dẫn đến tổn thương biểu mô giác mạc, tạo lên những ổ loét. Lúc này đứa trẻ rất
chói, sợ ánh sáng, mắt luôn nhắm nghiền. Triệu chứng này có thể điều trị khỏi
bằng vitamin A liều cao nhưng thường để lại sẹo giác mạc.
- Nhuyễn giác mạc là
giai đoạn nặng tiếp theo của khô giác mạc hoặc loét giác mạc không được điều
trị kịp thời. Giác mạc bị phủ một lớp trắng đục, toàn bộ giác mạc bị mềm nhũn,
hoại tử dẫn đến thủng và phòi mống mắt..
+ Sẹo giác mạc (XS): sẹo
giác mạc có màu trắng đục. Có thể dính mống mắt hoặc giãn lồi, gây tăng biến
dạng giác mạc và tăng nhãn áp.
+ Tổn hại võng mạc do khô
mắt.
b. Cận lâm sàng
- Định lượng Vitamin A
trong huyết thanh
- Tế bào học: Áp kết mạc
tìm tế bào hình đài
- Đo ngưỡng thích nghi
sáng tối
- Điện võng mạc giảm sút
c. Chẩn đoán xác định
Dựa vào các triệu chứng
lâm sàng như quáng gà, khô kết mạc, vết Bitot, khô giác mạc, nhuyễn giác mạc ở
trẻ suy dinh dưỡng với các bệnh toàn thân kèm theo như tiêu chảy, viêm phổi,
sởi. Các dấu hiệu cận lâm sàng như giảm lượng vitamin A trong huyết thanh...
d. Chẩn đoán phân biệt
- Các viêm kết giác mạc
do các nguyên nhân khác
- Các hội chứng khô mắt
khác: hội chứng Stevens- Johnson, Sojgren…
- Các bệnh lí đáy mắt
khác gây quáng gà
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Bổ xung vitamin A
- Điều trị bệnh toàn
thân kèm theo: tiêu chảy, sởi, viêm đường hô hấp.
- Chống nhiễm trùng
- Điều trị tổn thương
tại mắt như loét chống dính
- Điều trị các di chứng
tại mắt như sẹo giác mạc
- Điều trị ngoại khoa
khi cần thiết
b. Điều trị cụ thể
- Vitamin A:
+ Ngay sau khi chẩn
đoán: uống vitamin A 200.000 đv x 1 viên (sử dụng 1/2 liều với trẻ dưới 1
tuổi).
+ Ngày hôm sau: 200.000
đv vitamin A uống.
+ Hai tuần sau: 200.000
đv vitamin A uống.
+ Nếu nôn kéo dài hoặc
ỉa chảy nhiều, có thể thay thế liều đầu tiên bằng tiêm bắp 100.000 đv vitamin A
tan trong nước.
- Chống dính: Tra
Atropin 0,5% 2 lần/ngày
- Tăng cường dinh dưỡng
tại chỗ và toàn thân
- Tra nước mắt nhân tạo
1 giờ 1 lần.
- Nếu có nhiễm trùng tại
mắt điều trị đặc hiệu chống các tác nhân vi khuẩn hoặc vi rút.
- Kết hợp với chuyên
khoa nhi để điều trị các bệnh toàn thân và tăng cường dinh dưỡng cho trẻ.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG
a. Tiến triển
- Bệnh có thể khỏi nếu được
điều trị kịp thời ở giai đoạn XN đến X2
- Bệnh tiến triển tuần
tự theo giai đoạn nhưng có một số trường hợp tiến triển rất nhanh như trên bệnh
nhân bị sởi
b. Biến chứng
- Sẹo giác mạc
- Thủng giác mạc
- Viêm mủ nội nhãn
- Teo nhãn cầu
6. PHÒNG BỆNH
- Chế độ ăn đầy đủ cho
trẻ (bú mẹ, vitamin A, protein)
- Bổ xung vitamin A định
kì theo lứa tuổi
- Tiêm chủng mở rộng
- Điều trị sớm và tích
cực các bệnh tòan thân
- Phòng chống suy dinh dưỡng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Fawzi W.W., Herrera.
W.C., 1993: Vitamin A supplementation and dietary in relation to the risk of
xerophthalmia. The American Journal of clinical Nutrition.
2. Lee WB, Hamilton SM, Harris
JP, et al. 2005: Ocular complications of hypovitaminosis after bariatric
surgery. Ophthalmology;112:1031-4.
3. Peter R Lainson,
Christopher J.Rapuano: Diseases of the cornea. Harley,s Pediatric
Ophthalmology 4 th. Editions, Chapter 10 215- 257.
4. Sommer A. 1990: Xerophthalmia,
keratomalacia and nutritional blindness. Int Ophthalmol;14:195-9.
BỎNG MẮT DO HÓA CHẤT
1. ĐẠI CƯƠNG
Bỏng mắt do hóa chất là một cấp cứu đặc biệt trong nhãn
khoa, bỏng có thể bị ở một mắt hoặc bị cả hai mắt và có thể bỏng rất nặng. Tổn
thương cả mi cũng như kết giác mạc và tổ chức nội nhãn, điều trị gặp nhiều khó
khăn. Tiên lượng dè dặt có thể gây mù không hồi phục.
Thái độ xử trí ban đầu
giúp nhiều đến tiên lượng của bệnh.
2. NGUYÊN NHÂN
- Bỏng do axít gồm các
loại như axit vô cơ (axit sunfuric, axit Clohydric) hay axit hữu cơ.
- Bỏng do bazơ như bỏng
vôi, bỏng kiềm.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Cơ năng
+ Đau rát mắt, kích
thích dữ dội, khó mở mắt, chảy nước mắt dàn dụa.
+ Nhìn mờ hoặc không
nhìn thấy gì.
- Thực thể
+ Mi mắt bỏng các mức
độ, đặc biệt bờ mi, có thể điểm lệ cũng bị tổn thương.
+ Kết mạc có thể gặp: cương
tụ, phù kết mạc, chấm xuất huyết xung quanh rìa, xuất huyết dưới kết mạc, thiếu
máu kết mạc test Amler (+).
+ Giác mạc có thể mờ đục
nhẹ, có thể xước biểu mô giác mạc hay nặng hơn là giác mạc mờ đục thậm chí đục
trắng sứ, nên không thấy mống mắc, thể thủy
tinh.
+ Có phản ứng với màng
bồ đào: Tyndal (+), dính mống mắt, có thể tăng nhãn áp.
+ Đo độ Ph xác định tính
chất bỏng là axít hay bỏng kiềm.
- Triệu chứng toàn thân
+ Mệt mỏi, lo lắng,
hoảng hốt
+ Nếu bỏng nặng, có diện
tích bỏng rộng có thể gây sốc.
b. Cận lâm sàng
- Siêu âm: xác định các
tổn thương phối hợp.
- XQ: xác định những tổn
thương phối hợp như dị vật nội nhãn trong nổ (Ví dụ như nổ bình ắc-quy).
- Đo pH
c. Phân loại bỏng:
Theo phân loại của
Poliak (1957): Bỏng được chia làm 4 độ
Độ
|
Biểu
hiện ở mi
|
Biểu
hiện ở kết mạc và củng mạc
|
Biểu
hiện ở giác mạc
|
I
|
Cương tụ da
|
Cương tụ kết mạc
|
Chợt biểu mô nông
|
II
|
Bọng nước
|
Màng giả (thiếu máu kết mạc)
|
Đục nông, vẫn thấy rõ hình ảnh
mống mắt
|
III
|
Hoại tử da
|
Hoại tử kết mạc một phần
|
Đục sâu không hoàn toàn (như kính
mờ)
|
IV
|
Hoại tử dưới da và sụn
|
Hoại tử kết mạc và củng mạc
|
Đục sâu hoàn toàn (màu trắng sứ)
|
d. Chẩn đoán xác định
- Dựa vào hỏi bệnh
- Dựa vào các triệu chứng lâm sàng
như đau nhức, nhìn mờ, bỏng mi, bỏng kết mạc ở các mức độ, bỏng giác mạc ở các
mức độ.
- Đo pH
- Cận lâm sàng như siêu âm và X
quang tìm các tổn thương phối hợp.
e. Chẩn đoán phân biệt
Phân biệt giữa bỏng axit hay bỏng
bazơ.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung:
- Loại trừ chất gây bỏng.
- Chống đau.
- Chống nhiễm khuẩn.
- Chống dính.
- Tăng cường dinh dưỡng giác mạc.
- Điều trị biến chứng, di chứng.
- Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
b. Điều trị cụ thể
- Rửa mắt, rửa nhiều nước, nhiều
lần, mỗi lần rửa ít nhất 15’ - 30’. Dung dịch để rửa mắt là nước muối sinh lý,
dung dịch Ringer hoặc nước sạch sẵn có tại nơi xảy ra tai nạn. Tốt nhất là
truyền nhỏ giọt liên tục Ringer. Mục đích rửa mắt làm loãng chất gây bỏng và
giảm độc tố chất gây bỏng.
- Lấy hết dị vật nếu có, kiểm tra kỹ
ở các túi cùng, đặc biệt với bỏng vôi phải lấy hết vôi. Vì vậy phải bộc lộ cùng
đồ rộng bằng hai vành mi, lấy dị vật bằng panh.
- Chú ý: trường hợp bỏng vôi
sống, trước khi rửa phải lấy hết vôi bám kết mạc sau đó rửa mắt.
- Chống đau bằng các thuốc an thần,
giảm đau tại chỗ và toàn thân. Chú ý khi sử dụng các thuốc giảm đau tại chỗ như
Dicain nhỏ mắt nhiều có thể gây độc cho biểu mô. Thuốc giảm đau toàn thân như
Paracetamol (Efferangan…).
- Chống nhiễm khuẩn, chống viêm
- Điều trị chủ yếu để lớp biểu mô
giác mạc tái tạo tránh loét, thủng giác mạc. Sau bỏng trên nền loét giác mạc có
thể gặp nhiễm trùng thứ phát.
- Kháng sinh tra và uống kết hợp:
kháng sinh phổ rộng như Quinolol thế hệ 4; mỡ Tetracyclin. Đường uống sử dụng
nhóm Cephalosporin thế hệ 3: 15mg/kg cân nặng uống hoặc truyền tĩnh mạch.
- Corticosteroid tại chỗ và toàn
thân: tác dụng chống viêm màng bồ đào, dừng quá trình phát triển tân mạch vào
giác mạc trong 2-3 tuần đầu sau bỏng.
- Atropin 1%: tác dụng chống viêm
chống dính. Nếu tăng nhãn áp uống Acetazolamide.
- Chống dính: rửa mắt lau sạch tiết
tố hàng ngày, tách dính cùng đồ và hướng dẫn bệnh nhân tập vận động nhãn cầu,
không được băng mắt.
- Các thuốc tăng cường dinh dưỡng:
CB2, nước mắt nhân tạo, các thuốc tăng cường dinh dưỡng toàn thân.
- Kính tiếp xúc: có thể dùng sau vài
tuần để bảo vệ lớp biểu mô và mô nhục, giúp lớp biểu mô tái tạo nhanh.
- Điều trị biến chứng: điều trị các
biến chứng như viêm màng bồ đào, tăng nhãn áp bằng các thuốc kháng sinh, chống
viêm và hạ nhãn áp tại chỗ và toàn thân.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Đặc điểm của hóa chất là quá trình tiến triển nặng đặc biệt
bỏng kiềm thường tiên lượng khó khăn hơn, phụ thuộc vào những yếu tố sau:
+ Mức độ thiếu máu kết mạc
+ Tình trạng hở mi
+ Tình trạng giác mạc: giác mạc
không có lớp biểu mô che phủ sẽ phát triển màng máu từ kết mạc vào giác mạc. Loét
giác mạc mãn tính, mạch máu xâm nhập vào lớp nhu mô làm cho giác mạc mờ đục và
thị lực giảm.
- Những tổn thương nhãn cầu kết hợp:
+ Khô mắt do tắc ống bài tiết nước
mắt.
+ Tăng nhãn áp do tổn thương góc.
+ Đục thể thủy tinh thứ phát với nghẽn đổng tử.
6. PHÒNG BỆNH
- Giáo dục ý thức phòng chống tai
nạn bỏng mắt cho tất cả mọi người.
- Đối với những người làm nghề có
nguy cơ bỏng cao phải được trang bị đồ dùng bảo hộ lao động và chấp hành tốt
các nội qui quy định về an toàn lao động.
- Cải thiện điều kiện làm việc: nơi
làm việc phải thoáng khí, đủ ánh sáng, đủ
rộng, không quá chật chội.
- Tổ chức tuyến sơ cứu, cấp cứu và
xử trí tốt từ cơ sở lên đến tuyến trên. Cần phải chẩn đoán, xử trí kịp thời
trong giai đoạn cấp cứu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Basu S, Ali H, Sangwan VS. (2012)
“Clinical outcomes of repeat autologous cultivated limbal epithelial
transplantation for ocular surface burns.” Am J Ophthalmol. 2012
Apr;153(4):643-50,
2. Blackburn J, Levitan EB,
MacLennan PA, Owsley C, McGwin G Jr. (2012) “The epidemiology of chemical
eye injuries.” Curr Eye Res. 37(9):787-93
3. Clare G, Suleman H, Bunce C, Dua H.
(2012) “Amniotic membrane transplantation for acute ocular burns.” Cochrane
Database Syst Rev. Sep 12;9
4. Crawford AZ, McGhee CN. (2012) “Management
of limbal stem cell deficiency in severe ocular chemical burns.” Clin
Experiment Ophthalmol.;40(3):227-9
5. Dua HS, Miri A, Faraj LA, Said
DG.(2012) “Free autologous conjunctival grafts.” Ophthalmology.
Oct;119(10):2189-2189
6. Thanikachalam S, Kaliaperumal S,
Srinivasan R, Sahu PK. (2011) “Amniotic membrane transplantation for acute
ocular chemical burns in a child.” J Indian Med Assoc. 2011
Aug;109(8):586-7.
VIÊM KẾT MẠC CẤP
1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm kết mạc cấp là tình trạng viêm
cấp tính của kết mạc, thường do nhiễm trùng (do virus, vi khuẩn) hoặc dị ứng.
Viêm kết mạc cấp có nhiều hình thái:
- Viêm kết mạc cấp tiết tố mủ do vi
khuẩn: Đây là hình thái viêm kết mạc dạng nhú tối cấp.
- Viêm kết mạc cấp tiết tố màng do
vi khuẩn: là loại viêm kết mạc cấp tiết tố có màng phủ trên diện kết mạc, có
màu trắng xám hoặc trắng ngà.
- Viêm kết mạc do virus: Là viêm kết
mạc có kèm nhú, nhiều tiết tố và hoặc có giả mạc, bệnh thường kèm sốt nhẹ và
các biểu hiện cảm cúm, có hạch trước tai, thường phát triển thành dịch.
2. NGUYÊN NHÂN
- Viêm kết mạc cấp tiết tố mủ do vi
khuẩn: thường gặp do lậu cầu (Neisseria Gonorrhoeae), hiếm gặp do não
cầu (Neisseria Menigitidis).
- Viêm kết mạc cấp tiết tố màng do
vi khuẩn: thường gặp do vi khuẩn bạch hầu (C. Dipptheria) và liên cầu ( Streptococcus
Pyogene), phế cầu,...
- Viêm kết mạc do vi rus: do virus
Adeno virus, Entero virus...
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Tại mắt:
Bệnh xuất hiện lúc đầu ở một mắt,
sau đó lan sang hai mắt. Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến vài ngày, thường mủ
nhiều nhất vào ngày thứ 5. Bệnh diễn biến rất nhanh:
+ Mi phù nề
+ Kết mạc cương tụ, phù nề mạnh. Có
nhiều tiết tố mủ bẩn, hình thành rất nhanh sau khi lau sạch.
+ Có thể có xuất tiết hoặc màng giả.
+ Nếu không điều trị kịp thời giác
mạc bị thâm nhiễm rộng, tiến triển thành áp xe giác mạc và có thể hoại tử thủng
giác mạc.
- Toàn thân:
+ Có thể có hạch trước tai, sốt nhẹ.
b. Cận lâm sàng
- Nhuộm soi: Nhuộm gram.
- Nuôi cấy trên môi trường thạch
máu: phân lập vi khuẩn.
c. Chẩn đoán xác định
- Tại mắt
+ Mi phù nề.
+ Kết mạc cương tụ, phù nề mạnh, có
nhiều tiết tố bẩn.
- Toàn thân
+ Có thể có sốt.
+ Có hạch trước tai.
d. Hình thái
- Viêm kết mạc cấp tiết tố có mủ.
+ Thời gian ủ bệnh từ vài giờ đến
vài ngày, thường mủ nhiều nhất vào ngày thứ 5. Bệnh diễn biến rất nhanh.
+ Bệnh xuất hiện ở một mắt, sau đó
lan sang hai mắt.
+ Có nhiều tiết tố mủ bẩn, hình
thành rất nhanh sau khi lau sạch.
+ Xét nghiệm: Nhuộm soi (tiết tố mủ
kết mạc): có song cầu khuẩn Gram (-) hình hạt cà phê.
- Viêm kết mạc cấp tiết tố màng do
vi khuẩn.
Tại mắt:
+ Mi phù nề, căng cứng khó mở. Sau
1-3 ngày mi mềm dần.
+ Kết mạc cương tụ, phù nề. Sau 1-3
ngày xuất hiện màng thật hoặc màng giả trên bề mặt kết mạc. Màng thường bẩn,
màu xám. Màng thật khi bóc sẽ lộ lớp tổ chức liên kết phía dưới và chảy máu
nhiều. Màng giả bóc dễ dàng và ít chảy máu.
+ Nếu không điều trị kịp thời có thể
bị viêm loét giác mạc, viêm nội nhãn.
Toàn thân: Có thể có sốt, khó thở.
Cận lâm sàng:
+ Nhuộm soi: Vi khuẩn Gram (+)
+ Nuôi cấy: phân lập vi khuẩn.
- Viêm kết mạc do virus
Tại mắt:
+ Cảm giác xốn cộm như có bụi trong
mắt.
+ Mi phù nề.
+ Kết mạc cương tụ, phù nề, ra nhiều
tiết tố trắng hoặc dịch hồng.
+ Sau 3-5 ngày có thể thấy có giả
mạc màu trắng ở kết mạc sụn mi dày mỏng tùy từng trường hợp.
+ Giác mạc có thể viêm chấm biểu mô.
Toàn thân:
+ Triệu chứng cảm cúm: nhức đầu nhẹ,
đau mỏi người sốt nhẹ…
+ Hạch trước tai.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc điều trị
- Điều trị tích cực và khẩn trương
- Điều trị tại chỗ và toàn thân
- Điều trị theo nguyên nhân
- Phát hiện nguồn lây để điều trị và
phòng lây lan
b. Phác đồ điều trị
- Tại mắt:
+ Bóc màng hằng ngày
+ Rửa mắt liên tục bằng nước muối
sinh lý 0,9 % để loại trừ mủ và tiết tố
+ Trong những ngày đầu bệnh diễn
biến nhanh, tra nhiều lần thuốc dưới dạng dung dịch (15-30 phút/lần) một trong
các nhóm sau:
● Aminoglycosid: tobramycin...
● Fluoroquinolon: ofloxacin,
ciprofloxacin, levofloxacin, moxifloxacin, gatifloxacin...
● Thận trọng khi dùng Corticoid:
Prednisolon acetat, Fluorometholon.
Khi bệnh thuyên giảm có thể giảm số
lần tra mắt.
Phối hợp tra thuốc mỡ một trong các
nhóm trên trưa và tối.
+ Dinh dưỡng giác mạc và nước mắt
nhân tạo.
- Toàn thân: Chỉ dùng trong viêm kết
mạc do lậu cầu, bạch hầu. Có thể dùng một trong các loại kháng sinh sau khi
bệnh tiến triển nặng, kèm theo triệu chứng toàn thân.
+ Cephalosprin thế hệ 3: Người lớn:
▪ Nếu giác mạc chưa loét: Liều duy
nhất 1 gram tiêm bắp
▪ Nếu giác mạc bị loét: 1 gram x 3
lần / ngày tiêm tĩnh mạch
Trẻ em: Liều duy nhất 125mg tiêm bắp
hoặc 25mg/kg cân nặng 2-3 lần/ngày x 7ngày tiêm bắp.
+ Fluoroquinolon: chống chỉ định
dùng cho trẻ em dưới 16 tuổi.
+ Thuốc nâng cao thể trạng.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Đối với hình thái viêm kết mạc do
lậu cầu: Tốt nếu điều trị sớm và tích cực, có thể thủng hoại tử giác mạc nếu
điều trị muộn và không tích cực.
- Đối với hình thái viêm kết mạc do
bạch hầu thường không tốt nếu không điều trị toàn thân kịp thời và đúng.
- Đối với hình thái viêm kết mạc do
vi rus: điều trị tích cực, đúng phác đồ bệnh sẽ khỏi sau 5-10 ngày, bệnh có thể
kéo dài gây viêm giác mạc biểu mô.
6. PHÒNG BỆNH
- Điều trị bệnh lậu đường sinh dục
(nếu có).
- Vệ sinh và tra thuốc sát khuẩn
/kháng sinh cho trẻ sơ sinh ngay khi đẻ ra.
- Tiêm phòng đầy đủ các bệnh theo
đúng quy định của trẻ.
- Luôn nâng cao thể trạng.
- Nếu bị bệnh cần điều trị tích cực
tránh lây lan thành dịch.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Messmer EM. (2012): Bacterial
conjunctivitis-diagnosis and theragyupdate. Klin Monbl Augenheikd.
May;229(5):529-33.doi:10.1055/s-0031-1299523. Epub 2012 May 16. Review. German.
2. Hoàng Minh Châu, Phạm Ngọc Đông
(2011): Bệnh học kết mạc. Chương 1: Kết mạc - Giạc mạc - Củng mạc. Nhãn
khoa tập 2, Nhà xuất bản y học, trang 12 - 14.
3. Hoàng Minh Châu (2004): Viêm
kết mạc do vi khuẩn. Chương 5: Kết mạc. Nhãn khoa giản yếu tập 1. Nhà xuất
bản y học, trang 114 - 116.
4. Hoàng Minh Châu (2004): Viêm
kết mạc do vi virus. Chương 5: Kết mạc. Nhãn khoa giản yếu tập 1. Nhà xuất
bản y học, trang 117 - 118.
5. Hoàng Minh Châu (2004): Viêm
kết mạc do chlamydia. Chương 5: Kết mạc. Nhãn khoa giản yếu tập 1. Nhà xuất
bản y học, trang 119 - 122.
VIÊM KẾT MẠC DỊ ỨNG CẤP TÍNH
1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm kết mạc dị ứng cấp tính là hình
thái dị ứng nhanh của viêm kết mạc dị ứng khi bệnh nhân tiếp xúc với dị nguyên.
2. NGUYÊN NHÂN
Dị nguyên thường là các mỹ phẩm lạ,
thuốc tra mắt, hóa chất, bụi, phấn hoa,….
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng xảy ra rất cấp tính.
- Triệu chứng cơ năng: bệnh nhân có
cảm giác bỏng rát trong mắt, ngứa mắt, đau, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhiều
khi không mở được mắt.
- Dấu hiệu thực thể: mi sưng nề,
mọng đỏ, kết mạc cương tụ, phù nề mọng nước, chảy nhiều dịch, tiết tố nhầy,
phát triển nhú to trên kết mạc sụn mi, đôi khi xuất hiện viêm giác mạc chấm.
b. Cận lâm sàng
Xét nghiệm tìm dị nguyên khi có điều
kiện.
c. Chẩn đoán xác định
Lâm sàng:
- Ngứa mắt, đau, bỏng rát, sợ ánh
sáng, chảy nước mắt
- Mi kết mạc phù nề, tiết tố nhầy,
nhú viêm trên kết mạc sụn mi.
d. Chẩn đoán phân biệt
Viêm kết mạc cấp: không có tiền sử
tiếp xúc dị nguyên, kết mạc cương tụ nhưng không phù nề nhiều như dị ứng, nhiều
tiết tố nhầy…
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc điều trị
- Ngừng tiếp xúc với dị nguyên gây
dị ứng (nếu xác định được)
- Chống dị ứng tại chỗ và toàn thân.
+ Tra tại chỗ: chống viêm, chống dị
ứng
+ Toàn thân: chống dị ứng
chống phù (nếu cần)
b. Điều trị cụ thể
- Việc đầu tiên là phải loại trừ tác
nhân gây dị ứng bằng rửa mắt bằng dung dịch như nước muối sinh lý.
- Dùng thuốc:
Thuốc tra:
+ Corticosteroid: prednisolon acetate
1%, fluorometholone 0,1% 6-8 lần/ngày, trong vài ngày đầu, sau đó bệnh giảm có
thể tra rút xuống 3-4 lần/ngày và dừng khi các triệu chứng khỏi hẳn.
+ Nếu da mi phù, đỏ ngứa: bôi da mi
mỡ có corticoid: mỡ hydrocortison 1%….bôi da mi 3 lần/ ngày
Thuốc uống:
+ Thuốc kháng histamin: có thể dùng
1 trong các loại thuốc chống dị ứng như: loratadine, fexofenadine
hydrochloride.
+ Loratadine 10mg: Người lớn, trẻ em
≥ 12 tuổi: 1 viên/ngày
Trẻ em 6-12 tuổi ≥ 30kg: 1 viên/ngày
Trẻ em 6-12 tuổi ≤ 30kg: 1/2
viên/ngày
+ Fexofenadine hydrochloride: người
lớn, trẻ em ≥ 12 tuổi: 60mg/viên x 2 lần/ngày hoặc 120mg-180mg/ 1 lần/ngày.
+ Trong những trường hợp có kèm theo
triệu chứng toàn thân nặng cần phối hợp hoặc chuyển bệnh nhân đến chuyên khoa
dị ứng.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Bệnh thường khỏi sau vài ngày.
- Bệnh có thể tái phát khi bệnh nhân
lại tiếp xúc với dị nguyên gây dị ứng.
6. PHÒNG BỆNH
Tránh tiếp xúc với dị nguyên nếu xác
định được tác nhân gây dị ứng.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Andrea Leonardi (2010): Allergic
disease of Conjunctiva and Cornea, Cornea and external eye disease, chapter
8, pp97-116.
2. Etsuko Takamura, Eiichi Uchio,
Nobuyuki Ebihara et al. Japanese Guideline for Allergic Conjunctival
Disease, Allergology International, vol 60, N2, pp191-202.
3. Hoàng Minh Châu,"Viêm kết
mạc dị ứng do tiếp xúc", Nhãn khoa giản yếu tập 1. Nhà xuất bản y học,
trang 127.
4. Hoàng Minh Châu, Phạm Ngọc Đông,"Viêm
kết mạc dị ứng do tiếp xúc", Nhãn khoa (tập 2). Nhà xuất bản y học,
trang 21.
5. Tôn Kim Thanh, Hoàng Minh Châu,
Phạm Khánh Vân, Hoàng Thị Phúc," Viêm kết mạc dị ứng", Bài
giảng nhãn khoa bán phần trước nhãn cầu. Nhà xuất bản y học, trang 73-82.
VIÊM KẾT GIÁC MẠC MÙA XUÂN
1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm kết giác mạc mùa xuân là một
hình thái lâm sàng của viêm kết mạc dị ứng, gặp chủ yếu ở nam giới, tuổi thanh
thiếu niên. Bệnh thường khởi phát ở trẻ em vào khoảng 4-5 tuổi, bênh tiến triển
mạn tính, thường theo mùa và hay có những đợt kịch phát.
2. NGUYÊN NHÂN
- Bệnh có cơ chế dị ứng rõ ràng, tuy
nhiên việc xác định dị nguyên là gì còn gặp nhiều khó khăn.
- Dị nguyên thường gặp: phấn hoa,
bụi nhà...
- Bệnh có liên quan mật thiết với sự
thay đổi thời tiết lúc giao mùa (nhất là xuân hè), ánh nắng, thay đổi nội tiết
và yếu tố di truyền.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
+ Ngứa là dấu hiệu điển hình của
viêm mùa xuân, thường xuất hiện thành từng cơn vào những giờ nhất định (có thể
vào buổi sáng khi mới ngủ dậy lúc tiếp xúc với ánh nắng hoặc buổi chiều tối).
+ Bệnh nhân có cảm giác như có dị
vật trong mắt, cộm, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, giảm thị lực. Dử mắt nhiều, có
đặc điểm dính, dai và có thể kéo thành sợi.
- Dấu hiệu thực thể
Tổn thương đặc hiệu trong viêm mùa
xuân:
+ Nhú viêm hình đa giác: trên diện
kết mạc sụn (chủ yếu mi trên, đôi khi cũng thấy có vài nhú to trên kết mạc sụn
mi dưới) có những nhú đa giác, mặt phẳng xếp sát nhau với các rãnh ngăn cách
sâu, mạch máu đan thành lưới trong lòng nhú. Trường hợp tiến triển nặng, các
nhú phì đại khổng lồ với tiết tố nhày mủ lấp đầy các khe giữa các nhú.
+ Viêm giác mạc chấm nông: là tổn thương
thường gặp trong những đợt bệnh tiến triển cấp. Các chấm bắt màu fluorescein
dày đặc và đồng đều trên khắp diện giác mạc, gây kích thích chói sáng và co
quắp mi. Triệu chứng này sẽ hết đi khi đợt viêm cấp được điều trị ổn định.
+ Màng máu giác mạc: có hình thái
giống lưỡi liềm màu xám, bờ sắc nét, các mạch máu đi song song hướng tâm, không
nối thành quai như mạch máu mắt hột.
+ Loét giác mạc: ổ loét có màu trắng
xám, đáy phẳng, sạch, bờ gọn, đặc biệt ít gây kích thích, nếu không có bội
nhiễm kèm theo, do vậy nên được gọi là “loét trơ”.
- Các hình thái lâm sàng
Có 3 thể lâm sàng tùy vị trí tổn thương
đặc hiệu: kết mạc sụn mi, rìa và hỗn hợp.
+ Hình thái sụn mi: cương tụ kết mạc
kèm theo nhú tăng sản chủ yếu trên kết mạc sụn mi trên, hình thái nhú khác nhau
tùy theo giai đoạn phát triển của bệnh.
+ Hình thái nhãn cầu: đặc trưng bởi
cương tụ vùng rìa giác mạc, kết mạc vùng rìa dày lên, màu hồng xám hay vàng
xám. Trong những trường hợp bệnh nặng trên nền kết mạc vùng rìa dầy xuất hiện
những chấm trắng (hạt Trantas).
+ Hình thái hỗn hợp: gồm tổn thương
điển hình phối hợp cả ở vùng rìa và trên kết mạc sụn mi.
b. Cận lâm sàng
- Xét nghiệm tế bào học: chất nạo
kết mạc sụn mi trên: có bạch cầu ái toan.
- Xét nghiêm tìm dị nguyên.
c. Chẩn đoán xác định:
- Lâm sàng:
+ Ngứa mắt, cộm mắt, chảy nước mắt,
dử mắt dai dính.
+ Nhú viêm hình đa giác trên kết mạc
sụn mi trên, viêm kết mạc vùng rìa.
- Cận lâm sàng:
+ Tê bào học: có bạch cầu ái toan.
d. Chẩn đoán phân biệt:
- Mắt hột:
+ Tổn thương đặc hiệu: hột trên kết
mạc sụn mi, hột có thể ở tất cả các lứa tuổi.
+ Màng máu trên giác mạc: các mạch
máu nối với nhau thành quai mạch.
- Viêm kết mạc hột
+ Viêm kết mạc hột có tổn thương đặc
hiệu là: hột trên kết mạc sụn mi dưới thường cùng lứa tuổi, và hết khi điều trị
viêm kết mạc ổn định.
+ Viêm kết mạc mùa xuân tổn thương
đặc hiệu là: nhú viêm ở kết mạc sụn mi trên và nhú còn tồn tại trong thời gian
dài dù điều trị chống viêm tích cực.
- Viêm kết mạc nhú gai khổng lồ
Thường tìm thấy nguyên nhân: kính
tiếp xúc ( bị cả 2 mắt), mũi chỉ khâu trên bề mặt nhãn cầu ( thường chỉ ở 1
mắt). ( Viêm kết mạc mùa xuân không thấy nguyên nhân trên mắt)
- Viêm kết mạc dị ứng do cơ địa
+ Tổn thương đặc hiệu: không có nhú
viêm trên kết mạc sụn mi.
+ Thường kèm tổn thương trên da.
- Viêm kết mạc dị ứng theo mùa
+ Tổn thương đặc hiệu không có nhú
viêm trên kết mạc sụn mi trên.
+ Tính chất theo mùa rõ.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc điều trị
- Tại mắt điều trị triệu chứng là
chủ yếu
+ Chống dị ứng: kháng Histamin, ổn
định dưỡng bào...
+ Chống viêm: corticoid.
+ Tăng cường dinh dưỡng cho biểu mô
kết giác mạc, điều trị khô mắt phối hợp.
+ Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
- Toàn thân:
+ Điều trị giải mẫn cảm nếu tìm được
dị nguyên.
+ Nếu ngoài biểu hiện ở mắt bệnh
nhân còn có các biểu hiện dị ứng ở các cơ quan khác: viêm mũi dị ứng, hen phế
quản, viêm da dị ứng….cần dùng thuốc chống dị ứng toàn thân (uống hoặc tiêm),
cần thiết phải phối hợp điều trị với chuyên khoa dị ứng.
b. Điều trị cụ thể:
- Ngoài cơn kịch phát
Tra tại chỗ
+ Các thuốc kháng histamin và ổn
định dưỡng bào như: Pemirolast K 0,1% tra mắt 3 lần/ngày, Olopatadine
hydrochlotide 0,2% tra mắt 1 lần/ngày, Ketotifen 0,025% tra mắt 2 lần/ngày,
Epinastine HCL 0,05% tra mắt 2 lần/ngày…cho đến khi hết triệu chứng. Có thể
dùng lại khi xuất hiện bệnh.
+ Nước mắt nhân tạo như:
Cacboxymethyl cellulose sodium, Polyethylene glycol 0,4% và Propylen glycol
0,3%, acid Hyaluronic tra mắt 4 lần/ngày.
- Trong cơn kịch phát
Tra theo phác đồ như ngoài cơn kịch
phát.
+ Phối hợp với thuốc tra có
corticosteroid: Prednisolon acetate 1% hoặc Fluorometholon 0,1%: 4-6lần/ngày,
tra một đợt 7-10 ngày.(khi dùng corticosteroid để điều trị cơn kịch phát phải lưu
ý những tác dụng phụ của corticoid, đặc biệt là biến chứng tăng nhãn áp: phải
theo dõi nhãn áp định kỳ)
+ Thuốc kháng sinh nhỏ mắt: phòng nhiễm
trùng, có thể dùng 1trong các loại chỉ có kháng sinh đơn độc hoặc thuốc phối hợp
cả kháng sinh và corticosteroid: 3-4 lần/ngày.
+ Thuốc co mạch: Naphazoline HCL
hoặc Naphazolin Nitrat đơn thuần 3 - 4 lần/ngày hoặc thuốc nhỏ mắt phối hợp cả
thuốc co mạch và kháng histamin: Naphazoline HCL và Pheniramin maleat tra mắt
3-4 lần/ngày….dùng trong thời gian ngắn 3-5 ngày giúp làm giảm nhanh triệu
chứng đỏ mắt và ngứa mắt.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG.
- Tiến triển.
+ Bệnh hay có những đợt kịch phát dù
có điều trị liên tục.
+ Một số trường hợp bệnh có thể
thuyên giảm khi bệnh nhân đến tuổi dậy thì.
- Biến chứng.
+ Tổn thương giác mạc: viêm giác
mạc, loét giác mạc, loét thủng giác mạc, sẹo giác mạc.
+ Biến chứng do dùng thuốc có
Corticoid: tăng nhãn áp, đục thủy tinh thể.
6. PHÒNG BỆNH
- Hạn chế tiếp xúc với nắng, gió.
- Trong đợt kịch phát phải đến khám
và điều trị tích cực.
- Ngoài đợt kịch phát vẫn nên khám
định kỳ.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Andrea Leonardi (2010): Allergic
disease of Conjunctiva and Cornea, Cornea and external eye disease, chapter
8, pp97-116
2. Hoàng Minh Châu, “Viêm kết
giác mạc mùa xuân”, Nhãn khoa giản yếu (Tập 1), Nhà xuất bản y học, trang
123-127.
3. Hoàng Minh Châu, Phạm Ngọc Đông, “Viêm
kết giác mạc mùa xuân”, Nhãn khoa (Tập 2), Nhà xuất bản y học, trang 18-21.
4. Sunil Kumar, “Vernal keratoconjunctivitis:
a major review”, Acta Ophthalmol 2009:87:pp133-147.
5. Tôn Kim Thanh, Hoàng Minh Châu,
Phạm Khánh Vân, Hoàng Thị Phúc, “Viêm kết mạc dị ứng”, Bài giảng nhãn
khoa bán phần trước nhãn cầu, Nhà xuất bản y học, trang 73-82.
VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO VI KHUẨN
1. ĐỊNH NGHĨA
Viêm loét giác mạc do vi khuẩn
(bacterial keratitis) là hiện tượng mất tổ chức giác mạc do hoại tử gây ra bởi
một quá trình viêm trên giác mạc do vi khuẩn, là một nguyên nhân thường gặp gây
mù loà.
2. NGUYÊN NHÂN
Các loại vi khuẩn thường gặp gây
viêm loét giác mạc
1. Vi khuẩn Gr(+): Staphylococcus
aureus, Steptococcus pneumonia, Staphylococcus epidermidis, Mycobacterium,
Nocardia…
2. Vi khuẩn Gr(-): Pseudomonas
aeruginosa, Moraxella, Hemophilus influenza,…
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
+ Đau nhức mắt, cộm chói, sợ ánh
sáng, chảy nước mắt.
+ Nhìn mờ hơn, có thể chỉ cảm nhận được
ánh sáng.
- Triệu chứng thực thể
+ Kết mạc cương tụ rìa.
+ Trên giác mạc có một ổ loét ranh
giới không rõ, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử bẩn. Khi nhuộm giác mạc
bằng fluorescein 2% ổ loét sẽ bắt màu xanh, nếu ổ loét hoại tử nhiều sẽ có màu
vàng xanh.
+ Giác mạc xung quanh ổ loét bị thẩm
lậu.
+ Mống mắt cũng có thể bị phù nề,
mất sắc bóng. Đồng tử thường co nhỏ, có thể dính vào mặt trước thể thủy tinh, tuy nhiên khó quan sát.
b. Cận lâm sàng
- Bệnh phẩm: là chất nạo ổ loét.
- Soi tươi: thấy có vi khuẩn.
- Soi trực tiếp: xác định vi khuẩn
gram (+) hay gram (-).
- Nuôi cấy vi khuẩn: xác định được
các loại vi khuẩn gây bệnh: tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn mủ xanh,...Nếu có điều
kiện có thể kết hợp làm kháng sinh đồ để xác định kháng sinh điều trị phù hợp.
d. Chẩn đoán xác định
- Ổ loét giác mạc có đặc điểm: bờ
nham nhở, ranh giới không rõ, đáy thường phủ lớp hoại tử bẩn, giác mạc xung
quanh thẩm lậu nhiều.
- Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét
sẽ tìm thấy vi khuẩn.
e. Chẩn đoán phân biệt
- Loét giác mạc do nấm: một ổ loét
ranh giới rõ, bờ gọn, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử dày, đóng thành vảy
gồ cao, bề mặt vảy khô ráp và khó bóc. Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ
tìm thấy nấm.
- Loét giác mạc do virus herpes: ổ
loét có hình cành cây hoặc địa đồ, nhu mô xung quanh thẩm lậu ít. Xét nghiệm tế
bào học chất nạo bờ ổ loét sẽ thấy một trong các hình ảnh: tế bào nhiều nhân,
hiện tượng đông đặc nhiễm sắc chất quanh rìa nhân, tế bào thoái hóa nhân trương hoặc tìm thấy tiểu thể
Lipschutz. Xét nghiêm PCR chất nạo bờ ổ loét hoặc thủy dịch sẽ tìm được gen của
virus herpes.
- Loét giác mạc do amip (acanthamoeba):
giác mạc có ổ loét tròn hoặc bầu dục, xung quanh có vòng thẩm lậu đặc (áp xe
vòng). Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy acanthamoeba.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc điều trị
- Cần phải tìm được vi khuẩn gây
bệnh và điều trị bằng kháng sinh nhạy cảm với loại vi khuẩn đó (dựa vào kháng
sinh đồ), nếu không xác định được loại vi khuẩn gây bệnh cần phải dùng kháng
sinh phổ rộng.
- Điều trị bằng thuốc tra mắt là
chính, có thể kết hợp với dùng đường toàn thân.
- Phối hợp điều trị triệu chứng và
biến chứng.
- Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
b. Điều trị cụ thể
Kháng sinh chống vi khuẩn (theo
kháng sinh đồ). Nếu không có kết quả kháng sinh đồ thì điều trị như sau:
- Thuốc tra mắt:
+ Nếu do vi khuẩn gram (-):
tobramycin 0,3% hoặc levofloxacin 0,5%
+ Nếu do vi khuẩn gram (+):
ofloxacin 0,3% hoặc moxifloxacin 0,5% hoặc gatifloxacin 0,5%. Hai thuốc sau có
phổ kháng khuẩn rộng nên có thể dùng điều trị cả vi khuẩn gram (-). Cách dùng:
Ngày đầu có thể tra mắt liên tục cách nhau 30 phút, những ngày sau tra mắt 10
lần/ ngày.
- Thuốc uống: có thể dùng một trong
các loại kháng sinh sau
+ Cefuroxime axetil 250 mg ngày uống
2-3 viên chia 2 lần, trong 5-7 ngày.
+ Ofloxacin 0,2 g ngày uống 2 viên
chia 2 lần, trong 5-7 ngày
+ Truyền rửa mắt liên tục trong
những trường hợp nặng bằng kháng sinh (gentamycin 4mg x2 ồng) và nước nuối sinh
lý (nacl 0,9%) x 200 ml.
- Điều trị phối hợp
+ Chống viêm non-steroid: Tra mắt:
dung dịch indomethacine 0,1% tra mắt 4 lần/ngày.
+ Giãn đồng tử, liệt cơ mi: Dùng
atropin 1- 4 % tra mắt 2 lần mỗi ngày. Nếu đồng tử không giãn phải tiêm tách
dính mống mắt (tiêm dưới kết mạc bốn điểm cạnh rìa) hỗn hợp: atropin 1% và
adrenalin 0,1%.
- Tăng cường dinh dưỡng tại chỗ và
toàn thân.
- Hạ nhãn áp: khi loét giác mạc gây
tăng nhãn áp, loét dọa thủng hoặc thủng. Uống acetazolamide 250 mg 2 viên mỗi
ngày chia 2 lần. Cần phối hợp với uống kali chloride 0,6 g uống 2 viên mỗi ngày
chia 2 lần tránh mất kali.
- Tiêm huyết thanh tự thân dưới kết
mạc: có tác dụng tăng cường dinh dưỡng cho giác mạc và hạn chế hoại tử giác
mạc. Dùng trong những trường hợp loét hoại tử nhiều (đặc biệt do trực khuẩn mủ
xanh).
- Chống chỉ định tuyệt đối dùng
corticoid trong giai đoạn ổ loét đang tiến triển.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
a. Tiến triển
Loét giác mạc do vi khuẩn là một
bệnh nặng, nhất là những bệnh nhân được điều trị muộn và đã dùng corticoid trước
đó. Khi bệnh khỏi sẽ để lại sẹo trên giác, ảnh hưởng đến thị lực của người
bệnh.
b. Biến chứng
- Loét giác mạc doạ thủng (phồng
màng Descemet).
- Tăng nhãn áp.
- Trường hợp nặng có thể gây loét
thủng giác mạc, viêm mủ nội nhãn.
6. PHÒNG BỆNH
- Luôn giữ gìn mắt sạch sẽ, tránh
những sang chấn vào mắt.
- Khi bị chấn thương trên giác mạc
cần phải phát hiện và điều trị kịp thời bằng các kháng sinh tra mắt để phòng
biến chứng viêm loét giác mạc do vi khuẩn.
- Cần phải điều trị các bệnh mắt là
yếu tố thuận lợi gây viêm loét giác mạc: lông quặm, lông xiêu, hở mi,…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bourcier T, Thomas F, Borderie V,
et all (2003): Bacterial keratitis: predisposing factors, clinical and
microbiological review of 300 cases. Br J Ophthalmol. Jul;87(7):834-8.
2. Dahlgren MA, Lingappan A,
Wilhelmus KR. (2007) The clinical diagnosis of microbial keratitis. Am J
Ophthalmol. Jun;143(6):940-944. Epub Apr 3.
3. Gicquel JJ, Bejjani RA, Ellies P,
et all (2007): Amniotic membrane transplantation in severe bacterial
keratitis. Cornea. Jan;26(1):27-33.
4. Mary E Marquart, Emma BH Hume,
Xiadong Zheng, et all (2002): Bacterial Keratitis. Texbook of
ophthalmology, vol 2: 991-1009. Japee Brothers Medical Publishers, New Delhi.
5. Raymond L.M. Wong, R.A. Gangwani,
Lester W.H. Yu, et all (2012): New Treatment for Bacterial Keratitis. J
Ophthalmol. Sep, 28 (5): 125-130.
VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO NẤM
1. ĐỊNH NGHĨA
Loét giác mạc do nấm là hiện tượng
mất tổ chức giác mạc do hoại tử, gây ra bởi một quá trình viêm trên giác mạc do
nấm, là một nguyên nhân gây mù lòa.
2. NGUYÊN NHÂN
Có nhiều loại nấm có thể gây viêm
loét giác mạc: Aspergillus Fumigatus, Fusarium Solant, Candida Albicans,
Histoblasma, Cephalosporum,…
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
+ Đau nhức mắt, cộm chói, sợ ánh
sáng, chảy nước mắt.
+ Nhìn mờ hơn, có thể chỉ cảm nhận được
ánh sáng.
- Triệu chứng thực thể
+ Kết mạc cương tụ rìa.
+ Trên giác mạc có một ổ loét ranh
giới rõ, bờ gọn thường có hình tròn hoặc hình bầu dục. Đáy ổ loét thường phủ
một lớp hoại tử dày, đóng thành vảy gồ cao, bề mặt vảy khô ráp và khó bóc.
+ Xung quanh ổ loét có thẩm lậu, mặt
sau giác mạc ở vị trí ổ loét có thể có màng xuất tiết bám.
+ Tiền phòng có thể có ngấn mủ. Mủ
thường xuất hiện rồi mất đi, xuất hiện nhiều lần như vậy.
+ Mống mắt cũng có thể phù nề, mất
sắc bóng. Đồng tử thường co nhỏ, có thể dính vào mặt trước thể thủy tinh, tuy nhiên khó quan sát.
- Cận lâm sàng
+ Bệnh phẩm: là chất nạo ổ loét.
+ Soi tươi, soi trực tiếp: thấy có
nấm.
+ Nuôi cấy trên trường Sabouraud có
đường: xác định được loại nấm gây bệnh.
b. Chẩn đoán phân biệt
- Loét giác mạc do vi khuẩn: ổ loét
ranh giới không rõ, đáy ổ loét thường phủ một lớp hoại tử bẩn. Làm xét nghiệm
vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy vi khuẩn.
- Loét giác mạc do virus Herpes: ổ
loét có hình cành cây hoặc địa đồ, nhu mô xung quanh thẩm lậu ít. Xét nghiệm tế
bào học chất nạo bờ ổ loét sẽ thấy một trong các hình ảnh: Tế bào nhiều nhân
hiện tượng đông đặc nhiễm sắc chất quanh rìa nhân, tế bào thoái hóa nhân trương hoặc tìm thấy tiểu thế
Lipschutz. Xét nghiệm PCR chất nạo bờ ổ loét hoặc thủy dịch sẽ tìm được gen của
virus Herpes.
- Loét giác mạc do Amip
(Acanthamoeba): giác mạc có ổ loét tròn hoặc bầu dục, xung quanh có vòng thẩm
lậu đặc (áp xe vòng). Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy
Acanthamoeba.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Điều trị bằng phối hợp các loại
thuốc kháng nấm đặc hiệu, phối hợp với thuốc kháng sinh tra tại mắt để phòng
bội nhiễm.
- Thuốc chống viêm non-steroid tra
tại mắt, uống.
- Dinh dưỡng: Tăng cường hàn gắn tổn
thương: Tra tại mắt, uống.
- Phối hợp điều trị triệu chứng và
biến chứng.
- Phối hợp điều trị ngoại khoa khi
cần thiết.
b. Điều Trị cụ thể
- Tại mắt:
+ Natamycin: tra mắt 10 - 15 lần mỗi
ngày tùy mức độ nặng của bệnh.
+ Ketoconazole: tra mắt 10 - 15 lần
mỗi ngày.
+ Ngoài ra có thể phối hợp dùng
amphotericin B pha với glucose 5% để nhỏ mắt với nồng độ 0,15% hoặc truyền rửa
mắt liên tục với nồng độ 0,02%.
+ Nếu ổ loét nặng kèm theo mủ tiền phòng
có thể tiêm tiền phòng amphotericin B (mỗi lần tiêm 5µg/0,1 ml), có thể tiêm 2
hoặc 3 lần cách nhau 1 tuần. Nếu ổ thẩm lậu đặc có thể tiêm nhu mô giác mạc
(với liều lượng như tiêm tiền phòng).
+ Chấm lugol 5% vào ổ loét hàng
ngày.
+ Điện di IK 2% hàng ngày.
+ Chống viêm non - steroid: tra mắt
indomethacin.
+ Giãn đồng tử, liệt cơ thể mi:
Atropin 1 - 4% tra mắt 4 lần mỗi ngày. Nếu đồng tử không giãn phải tiêm tách
dính mống mắt (tiêm dưới kết mạc bốn điểm cạnh rìa) hỗn hợp: Atropin 1% và
Adrenalin 0,1%.
+ Tăng cường dinh dưỡng.
- Toàn thân: Intraconazole 0,1g ngày
uống 2 viên uống một lần sau ăn trong 20 đến 30 ngày.
Lưu ý: các thuốc uống chống nấm chống chỉ
định dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú. Có thể dùng thuốc kéo dài tùy theo tiến triển của bệnh nhưng phải kiểm
tra chức năng gan định kỳ cho bệnh nhân.
+ Uống: các vitamin.
+ Hạ nhãn áp: khi loét giác mạc gây
tăng nhãn áp. Uống acetazolamide 250 mg ngày 2 viên chia 2 lần. Cần phối hợp
với uống Kaldium 0,6 g, 2 viên mỗi ngày chia 2 lần để tránh mất kali.
+ Chống chỉ định tuyệt đối dùng
corticoid.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
a. Tiến triển
Loét giác mạc do nấm là một bệnh
nặng, điều trị khó khăn. Bệnh thường tiến triển nặng ở những bệnh nhân được
điều trị muộn và đã dùng corticoid trước đó. Khi bệnh khỏi sẽ để lại sẹo trên
giác, ảnh hưởng đến thị lực của người bệnh.
b. Biến chứng và điều trị
- Loét giác mạc doạ thủng hoặc thủng
- Tăng nhãn áp dùng thuốc không đỡ
có thể phải mổ lỗ dò.
- Trường hợp loét giác mạc nặng có
thể biến chứng sang viêm nội nhãn.
6. PHÒNG BỆNH
- Luôn giữ gìn mắt sạch sẽ và tránh
các sang chấn.
- Khi bị chấn thương mắt (đặc biệt
là chấn thương trên giác mạc) cần phải đến ngay các cơ sở y tế để rửa mắt và
tra mắt bằng thuốc sát khuẩn (Betadin 5%). Cần theo dõi chặt chẽ tổn thương
trên giác mạc.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chen HC, Tan HY, Hsiao CH, Huang
SC, el al (2006): Amniotic membrane transplantation for persistent corneal ulcers
and perforation in acute fungal keratitis. Cornea, Jun;25(5):564-72.
2. Namrata Sharma, Rasuk B Vajpayee,
Vishal Gupta, Tanuj Dada (2002): Fungal Keratitis. Texbook of
ophthalmology, vol 2: 1032-1037. Japee Brothers Medical publishers, New Delhi.
3. Thomas PA. (2003): Fungal infection
of the cornea. Eye (Lond). Nov;17(8):852-62. Review.
4. Xie L, Zhai H, Shi W. (2007): Penetrating
keratoplasty for corneal perforation in fungal keratitis. Cornea,
Feb;26(2):158-62
5. Yildiz EH, Abdalla YF, Elsahn AF,
et al(2010): Update on fungal keratitis from 1999 to 2008. Cornea. 2010
Dec;29(12):1406-11
VIÊM GIÁC MẠC DO HERPES
1. ĐỊNH NGHĨA
Viêm giác mạc do herpes là hiện tượng
thâm nhiễm tế bào viêm và hoại tử gây tổn thương mất tổ chức giác mạc do
herpes.
2. NGUYÊN NHÂN
Do virus herpes có tên khoa học là
herpes simplex virus (HSV) thuộc họ herpes viridae. Herpes có 2 type: type 1
(HSV-1) gây bệnh ở nửa trên cơ thể từ thắt lưng trở lên (gây viêm loét giác
mạc), type 2 (HSV-2) gây bệnh ở nửa dưới cơ thể từ thắt lưng trở xuống. Tuy
nhiên, có trường hợp HSV-2 gây bệnh ở mắt do mắt bị nhiễm dịch tiết đường sinh
dục (đặc biệt ở trẻ sơ sinh) nhưng rất hiếm gặp.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
+ Đau nhức mắt.
+ Kích thích: cộm chói, chảy nước
mắt, sợ ánh sáng.
+ Thị lực: giảm nhiều hay ít tùy mức
độ tổn thương.
- Triệu chứng thực thể
Tổn thương của giác mạc do herpes có
đặc điểm: đa dạng, hay tái phát, gây giảm hoặc mất cảm giác giác mạc.
+ Loét giác mạc hình cành cây: là
triệu chứng đặc trưng và điển hình.
+ Loét giác mạc hình địa đồ.
+ Viêm giác mạc hình đĩa: nhu mô
giác mạc trung tâm thẩm lậu làm cho giác mạc phù dày lên về phía nội mô, có thể
có nếp gấp màng Descemet, tủa sau giác mạc.
+ Viêm nhu mô kẽ: là hình thái nặng
ngay từ đầu. Trong nhu mô có những đám thẩm lậu màu trắng vàng, ranh giới không
rõ (hình phomát). Có thể có vành phản ứng miễn dịch cạnh tổn thương.
+ Viêm màng bồ đào: tổn thương giác
mạc do herpes có thể kèm theo viêm màng bồ đào hoặc viêm bán phần trước. Khám
lâm sàng sẽ thấy: có tủa mặt sau giác mạc, tế bào viêm trong thủy dịch (Tyndall
tiền phòng), đồng tử co nhỏ, có thể dính vào mặt trước thể thủy tinh. Đây là
hình thái nặng, khó điều trị.
+ Cảm giác giác mạc: bị giảm hoặc
mất.
Ngoài ra bệnh nhân có thể bị sốt,
nổi hạch trước tai. Xuất hiện mụn nước ở mép, mặt,…
b. Cận lâm sàng
- Xét nghiệm tế bào học: bệnh phẩm
là chất nạo bờ ổ loét, sẽ thấy các tổn thương:
+ Tế bào biểu mô nhiều nhân.
+ Hiện tượng đông đặc nhiễm sắc chất
quanh rìa nhân (nhiễm sắc chất áp ven): là dấu hiệu điển hình.
+ Có tiểu thể Lipschutz: là dấu hiệu
đặc hiệu.
+ Tế bào biểu mô thoái hóa trương.
- Xét nghiệm PCR: tìm gen của virus
herpes, bệnh phẩm là chất nạo bờ ổ loét hoặc thủy dịch. Xét nghiệm có tính đặc
hiệu cao.
c. Chẩn đoán xác định
- Loét giác mạc hình cành cây, hình
địa đồ hoặc viêm giác mạc hình đĩa.
- Cảm giác giác mạc giảm.
- Xét nghiệm tế bào học chất nạo bờ
ổ loét thấy một hay nhiều dấu hiệu: tế bào nhiều nhân, hiện tượng đông đặc
nhiễm sắc chất quanh rìa nhân, tế bào biểu mô thoái
hóa nhân trương, hoặc tìm thấy tiểu thể Lipschutz.
- Xét nghiệm PCR: tìm được gen của
virus herpes.
d. Chẩn đoán phân biệt
- Loét giác mạc do vi khuẩn: ổ loét
bờ không rõ, thường nham nhở, thẩm lậu hoặc hoại tử nhiều. Xét nghiệm vi sinh
chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy vi khuẩn.
- Loét giác mạc do nấm: ổ loét thường
có hình tròn hoặc bầu dục, đáy phủ bởi lớp hoại tử dày, gồ cao, nhu mô xung
quanh ổ loét có thẩm lậu vệ tinh. Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm
thấy nấm.
- Loét giác mạc do acanthamoeba: ổ
loét giác mạc thường kèm theo áp xe vòng. Xét nghiệm vi sinh sẽ tìm thấy
acanthamoeba.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Dùng thuốc ức chế tổng hợp axit
nhân (AND) của virus đường tra và uống.
- Phối hợp điều trị thuốc chống
viêm, tăng cường dinh dưỡng và kháng sinh chống bội nhiễm khi cần thiết.
- Điều trị biến chứng
b. Điều trị cụ thể
- Điều trị đặc hiệu
+ Thuốc tra mắt: dùng một trong các
loại thuốc sau
● Acyclovir 3%: tra mắt 5 lần mỗi
ngày.
● IDU (5 Iodo 2 Dezoxyuridin): thuốc
có dạng nước hoặc mỡ. Thuốc không ngấm sâu vào giác mạc được nên dùng trong trường
hợp có tổn thương nông. Tra thuốc 5 lần/ngày (không nên dùng quá 15 ngày do có
thể gây độc biểu mô giác mạc).
● TFT (Trifluoro Thymidin): dạng nước
hoặc mỡ. Thuốc có thể ngấm sâu, nhanh vào giác mạc. Tra mắt 5 lần mỗi ngày.
+ Thuốc uống: Acyclovir viên 200 mg,
800mg. Thường dùng viên Acyclovir 200mg, uống ngày 5 viên chia 5 lần trong 7-10
ngày. Trẻ em dưới 2 tuổi liều dùng bằng nửa liều của người lớn, trẻ em trên 2
tuổi dùng bằng liều người lớn.
- Điều trị bổ sung
+ Chống bội nhiễm vi khuẩn: dùng
kháng sinh phổ rộng tra mắt, một trong các loại sau: tobramycin, ofloxacin: tra
mắt 5 lần mỗi ngày.
+ Thuốc giãn đồng tử, liệt cơ thể
mi: tra atropin 1-4% khi có phản ứng màng bồ đào.
+ Thuốc chống viêm steroid: dùng
trong các trường hợp sau
● Viêm giác mạc hình đĩa.
● Viêm nhu mô kẽ khi có phản ứng
màng bồ đào.
Dùng corticoid dạng tra mắt. Tuy
nhiên, cần hết sức thận trọng và bao giờ cũng phải dùng kèm với thuốc chống
virus. Khi bệnh thoái triển phải dùng
liều giảm dần.
+ Điện di dionin: giúp làm giảm thẩm
lậu và hạn chế hình thành sẹo giác mạc.
+ Tăng cường dinh dưỡng tại chỗ và
toàn thân.
+ Ghép màng ối: với những trường hợp
bệnh kéo dài, ổ loét khó hàn gắn, có thể phẫu thuật gọt giác mạc ghép màng ối
sẽ cho kết quả tốt.
- Điều trị chống tái phát
Có thể dùng liều acyclovir 200 mg
ngày uống 4 viên chia 2 lần trong 1 đến 2 năm để phòng tái phát. Ngoài ra bệnh
nhân cần có cuộc sống lành mạnh để tăng cường sức đề kháng.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
Nếu không được phát hiện sớm và điều
trị kịp thời bệnh có thể gây ra một số biến chứng
- Loét giác mạc doạ thủng (phồng
màng Descemet) hoặc thủng.
- Tăng nhãn áp do phản ứng màng bồ
đào.
- Trường hợp nặng có thể biến chứng
viêm mủ nội nhãn.
6. PHÒNG BỆNH
- Tránh bị sơ nhiễm herpes (HSV và
varicella zoster): bằng cách tránh xa các nguồn lây là dịch tiết từ những tổn
thương của người bệnh bị herpes. Nếu người mẹ mang thai bị herpes đường sinh
dục thì phải điều trị khỏi trước khi sinh hoặc phải mổ đẻ để tránh lây nhiễm
cho con.
- Khi đã bị nhiễm herpes: phải nâng
cao thể trạng bằng việc tập luyện, có chế độ làm việc, sinh hoạt lành mạnh để
tránh herpes tái phát.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Gupta N, Sachdev R, Sinha R,
Titiyal JS, Tandon R.(2011) Herpes zoster ophthalmicus: disease spectrum in
young adults. Middle East Afr J Ophthalmol. Apr;18(2):178-82.
2. Kaufman HE. (2011) Adenovirus
advances: new diagnostic and therapeutic options. Curr Opin Ophthalmol.
Jul;22(4):290-3. Review.
3. Kennedy DP, Clement C, Arceneaux
RL, Bhattacharjee PS, Huq TS, Hill JM. (2011) Ocular herpes simplex virus
type 1: is the cornea a reservoir for viral latency or a fast pit stop?.
Cornea. Mar; 30(3):251-9.
4. Kolb AW, Schmidt TR, Dyer DW,
Brandt CR. (2011) Sequence variation in the herpes simplex virus u(s)1
ocular virulence determinant. Invest Ophthalmol Vis Sci. Jun
28;52(7):4630-8.
5. Seitz B, Heiligenhaus A. (2011) Herpetic keratitis: Various expressions require different therapeutic approaches. Ophthalmologe.
Apr;108(4):385-95.
VIÊM LOÉT GIÁC MẠC DO AMIP (ACANTHAMOEBA)
1. ĐỊNH NGHĨA
Loét giác mạc do acanthamoeba là
hiện tượng mất tổ chức giác mạc do hoại tử gây ra bởi một quá trình viêm trên
giác mạc do acanthamoeba.
2. NGUYÊN NHÂN
Acanthamoeba là sinh vật đơn bào
(amoeba) có nhiều trong không khí, đất, nước nguồn tự nhiên, tồn tại ở 2 dạng:
dạng hoạt động (gây viêm loét giác mạc) và dạng nang (dạng này rất bền vững với
mọi tác động hóa, lý do đó tồn tại rất lâu trong môi trường). Bệnh thường gặp ở
những người đeo kính tiếp xúc không đúng cách, sau sang chấn ở mắt (bụi, que
chọc, đất cát bắn vào mắt).
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
+ Nhìn mờ, chói, chảy nước mắt.
+ Đau nhức rất nhiều (đôi khi không
tương xứng với tổn thương trên giác mạc).
- Triệu chứng thực thể
+ Giai đoạn sớm (1-4 tuần đầu): tổn
thương không điển hình với những ổ viêm quanh rìa. Đôi khi có viêm giác mạc
chấm nông hoặc loét giác mạc hình cành cây (giống viêm loét giác mạc do
herpes).
+ Giai đoạn muộn: giác mạc có ổ loét
tròn hoặc hình bầu dục, xung quanh có vòng thẩm lậu đặc (áp xe vòng). Có thể có
mủ tiền phòng.
+ Khi bệnh tiến triển, áp xe lan vào
các lớp sâu của giác mạc và ra củng mạc. có thể lan vào nội nhãn.
b. Cận lâm sàng
- Soi tươi
+ Bệnh phẩm: là chất nạo ổ loét.
+ Phương pháp nhuộm: Giemsa hoặc
Gram.
+ Thấy hình ảnh nang của
acanthamoeba hình sao hoặc đa diện với 2 lớp vỏ, diện tích gần bằng tế bào biểu
mô, bắt màu đỏ tím.
- Nuôi cấy: trên môi trường thạch
nghèo có thể quan sát được thể hoạt động của acanthamoeba.
c. Chẩn đoán xác định
- Bệnh nhân đau nhức nhiều (triệu
chứng đau đôi khi không tương xứng với tổn thương trên giác mạc).
- Ổ loét giác mạc hình tròn hoặc bầu
dục, xung quanh có thể có áp xe vòng.
- Xét nghiệm vi sinh chất nạo ổ loét
phát hiện thấy acanthamoeba.
d. Chẩn đoán phân biệt
- Loét giác mạc do vi khuẩn: ổ loét
giác mạc ranh giới không rõ, đáy thường phủ một lớp hoại tử bẩn. Xét nghiệm vi
sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy vi khuẩn.
- Loét giác mạc do nấm: ổ loét ranh
giới rõ, bờ gọn thường có hình tròn hoặc hình bầu dục. Đáy ổ loét thường phủ
một lớp hoại tử dày, đóng thành vảy gồ cao, bề mặt vảy khô ráp và khó bóc. Từ ổ
loét có thể có những nhánh thẩm lậu chạy vào nhu mô (thẩm lậu hình lông vũ), có
thể có những ổ áp xe nhỏ xung quanh ổ loét (ổ áp xe vệ tinh). Xét nghiệm vi
sinh chất nạo ổ loét sẽ tìm thấy nấm.
- Loét giác mạc do herpes: ổ loét
giác mạc điển hình có hình cành cây hoặc địa đồ, xung quanh thẩm lậu ít, cảm
giác giác mạc giảm. Xét nghiệm tế bào học chất nạo bờ ổ loét sẽ thấy một trong
các hình ảnh: tế bào nhiều nhân, hiện tượng đông đặc nhiễm sắc chất quanh rìa
nhân, tế bào thoái hóa nhân trương hoặc
tìm thấy tiểu thể Lipschutz. Xét nghiêm PCR chất nạo bờ ổ loét hoặc thủy dịch
sẽ tìm được gen của virus herpes.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Điều trị nguyên nhân: bằng thuốc
đặc hiệu.
- Thuốc chống viêm (không dùng
corticosteroid) tra tại mắt và đường uống.
- Thuốc giãn đồng tử, liệt cơ thể mi
tra tại mắt.
- Thuốc dinh dưỡng: tra tại mắt và
uống.
- Điều trị ngoại khoa: gọt giác mạc,
ghép giác mạc.
b. Điều trị cụ thể
Điều trị nguyên nhân: thường dùng
phối hợp các loại thuốc
+ Thuốc đặc hiệu: propamidin
isethionat 0,1% tra 2 giờ/lần.
+ Phối hợp 3 kháng sinh tra mắt:
neomyxin, polymyxin B và gramicidin tra 8-10 lần/ngày.
+ Kháng sinh chống nấm nhóm imidazol:
tra tại mắt hoặc uống ketoconazol 200mg x 2 viên/ngày hoặc itraconazol 100 mg x
2 viên/ ngày (thường uống 1 lần sau ăn).
+ Chấm lugol 5%: trong trường hợp ổ
loét rộng, nông.
+ Thuốc chống viêm non-steroid: tra
mắt indomethacin.
+ Uống thuốc chống viêm giảm phù nề.
+ Tra mắt Atropin 1%, 2%.
+ Tăng cường dinh dưỡng tại chỗ và
toàn thân.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
a. Tiến triển
Loét giác mạc do acanthamoeba thường
tiến triển chậm, nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời bệnh có thể khỏi.
Tuy nhiên, bệnh thường để lại sẹo trên giác mạc gây giảm thị lực.
b. Biến chứng
- Loét giác mạc dọa thủng (phồng
màng Descemet).
- Tăng nhãn áp.
- Trường hợp nặng có thể gây thủng
giác mạc, viêm mủ nội nhãn.
6. PHÒNG BỆNH
- Luôn giữ gìn mắt sạch sẽ, đi đường
bụi hoặc lao động phải đeo kính bảo vệ mắt.
- Khi bị chấn thương mắt, đặc biệt
là các chấn thương vào giác mạc, cần phải đến khám và điều trị tại các cơ sở
nhãn khoa. Không được tự ý mua thuốc về điều trị.
- Khi đeo kính tiếp xúc cần phải
tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc đeo cũng như vệ sinh kính hàng ngày.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Chew HF, Yildiz EH, Hammersmith
KM et al (2011). Clinical outcomes and prognostic factors associated with acanthamoeba
keratitis. Cornea. Apr;30(4):435-41.
2. Meltendorf C, Duncker G. (2011) Acanthamoeba
keratitis. Klin Monbl Augenheilkd. Mar;228(3): 29-43.
3. Nielsen E, Hjortdal J. (2011) Early
stage of Acanthamoeba keratitis. Ugeskr Laeger. Nov 14;173(46):2959-60.
4. Nielsen E, Heegaard S, Hjortdal J.
(2011) New diagnostic update in Acanthamoeba keratitis. Ugeskr Laeger.
May 30;173(22):1567-70.
5. Oldenburg CE, Acharya NR, Tu EY et
al. (2011) Practice patterns and opinions in the treatment of acanthamoeba keratitis.
Cornea. 2011 Dec;30(12):1363-8.
VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO CẤP TÍNH Ở TRẺ EM
1. ĐẠI CƯƠNG
Là tình trạng viêm cấp của màng bồ
đào (MBĐ), có thể xảy ra ở MBĐ trước, MBĐ trung gian, MBĐ sau hoặc toàn bộ MBĐ.
Viêm MBĐ cấp tính ở trẻ em có thể
kết hợp với viêm nhiễm toàn thân như viêm khớp tự phát ở trẻ em hoặc bệnh
sarcoidosis ở trẻ em.
Viêm MBĐ ở trẻ em thường tiên lượng
xấu hơn ở người lớn do việc phát hiện, điều trị muộn và hay tái phát.
2. NGUYÊN NHÂN
Tác nhân gây viêm MBĐ có thể là
nhiễm trùng (vi khuẩn, vi rút, nấm, kí sinh trùng), nhiễm độc hoặc miễn dịch
(do chất nhân thể thủy tinh).
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
+ Đỏ mắt
+ Đau nhức mắt
+ Nhìn mờ, đôi khi có hiện tượng
ruồi bay
- Triệu chứng thực thể
+ Cương tụ kết mạc, cương tụ rìa
+ Tủa mặt sau giác mạc, có thể phù
giác mạc
+ Phản ứng tiền phòng (Tyndal thủy
dịch hoặc mủ tiền phòng)
+ Phản xạ đồng tử chậm (giai đoạn
sớm); muộn hơn có xuất tiết ở diện đồng tử, dính bờ đồng tử.
+ Đục dịch kính
+ Soi đáy mắt có thể thấy xuất tiết
trên võng mạc, phù gai thị võng mạc.
- Triệu chứng toàn thân
+ Sốt, đau khớp
+ Có các ổ viêm nhiễm toàn thân khác
b. Cận lâm sàng
- Chọc hút dịch tiền phòng (để soi tươi,
soi trực tiếp và nuôi cấy vi khuẩn) giúp chẩn đoán chính xác tác nhân gây viêm
MBĐ từ đó lựa chọn kháng sinh thích hợp để điều trị.
- Phân tích máu, phản ứng Mantoux
- Xét nghiệm nước tiểu,
- Khám toàn thân, Tai-Mũi-Họng,
Răng- Hàm- Mặt … để phát hiện các ổ viêm nhiễm có thể là nguyên nhân dẫn đến
viêm MBĐ.
c. Chẩn đoán xác định
- Dựa vào các dấu hiệu lâm sàng: cương
tụ rìa, tủa sau giác mạc, co hoặc dính đồng tử, xuất tiêt, mủ tiền phòng, đục
dịch kính.
- Dựa vào các dấu hiệu toàn thân:
sốt; đau khớp; có các ổ viêm nhiễm.
d. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm kết mạc cấp (không có tủa sau
giác mạc, thị lực không giảm, phản xạ đồng tử bình thường …)
- Viêm loét giác mạc (có ổ loét giác
mạc, có thể có mủ tiền phòng)
- Viêm mủ nội nhãn (đau nhức dữ dội,
có mủ trong dịch kính)
- Một số bệnh có thể kèm với viêm
MBĐ như: u nội nhãn ; u hắc tố; bệnh bạch cầu
e. Chẩn đoán hình thái
- Viêm MBĐ trước: chủ yếu có tủa sau
giác mạc, có mủ tiền phòng
- Viêm MBĐ trung gian: chủ yếu đục
DK và có tổn thương xuất tiết hắc VM vùng chu biên, trong khi bề ngoài mắt có
vẻ yên.
- Viêm MBĐ sau: chủ yếu đục DK
nhiều, phù VM nhiều
- Viêm MBĐ toàn bộ: có thể khởi phát
là triệu chứng của viêm mống mắt hoặc viêm hắc mạc. Viêm MBĐ toàn bộ cuối cùng
thường gây tổn thương toàn bộ MBĐ và các tổ chức khác của nhãn cầu có thể dẫn
đến mù lòa nhanh chóng.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Tìm và điều trị nguyên nhân: Chống
nhiễm khuẩn: kháng sinh tại mắt và toàn thân
- Điều trị sớm, tích cực ngay từ
đầu.
+ Phối hợp điều trị chống viêm,
chống dính, giảm phù.
+ Đề phòng biến chứng.
+ Phối hợp điều trị ngoại khoa khi
cần thiết
b. Điều trị cụ thể
- Tại mắt
+ Kháng sinh: tra 4-6 lần / ngày.
● Nhóm Aminosid: dung dịch tra mắt
pha chế tùy nồng độ từng hãng.
● Nhóm Quinolones:
+ Tiêm dưới kết mạc hoặc tiêm cạnh
nhãn cầu nhóm Aminosid cách nhau 2-3 ngày.
+ Chống viêm: tra thuốc nước, thuốc
mỡ. Thuốc steroid và không steroid, tra 5-6 lần / ngày
+ Thuốc giãn đồng tử: có tác dụng
chống dính mống mắt và giảm đau do co thắt thể mi. Dùng atropin 1-4%. Trong trường
hợp theo dõi thấy vẫn không tách dính được đồng tử thì cần tiêm (Atropin 0,25
mg và Adrenalin 1%) tách dính tại 4 điểm vùng rìa giác mạc (0,1 ml)
- Toàn thân
+ Kháng sinh: Uống, tiêm bắp hoặc
tiêm truyền tĩnh mạch (tùy mức độ), liều lượng theo cân nặng của bệnh nhân.
Điều trị theo kháng sinh đồ là tốt nhất.
● Uống: Cephalosporin thế hệ 2
● Tiêm bắp hoặc tiêm tĩnh mạch chậm:
o Nhóm Cephalosporin thế hệ.
o Nhóm Aminosid.
o Nhóm Glycopeptid.
+ Chống viêm: Các steroid là thuốc
chính để điều trị viêm MBĐ, có thể uống, tiêm hoặc truyền tĩnh mạch, hoặc kết
hợp cả 2 đường.
+ Giảm phù, vitamin tăng cường dinh
dưỡng
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Bệnh nhân đến sớm; chẩn đoán đúng
và điều trị tích cực kịp thời thì tiên lượng tốt, bệnh có thể khỏi hoàn toàn.
- Nếu đến viện muộn hoặc đã có biến
chứng như:
+ Dính bít đồng tử; thoái hóa mống mắt.
+ Tăng nhãn áp (có thể thấy dấu hiệu
mống mắt vồng múi cà chua do bít đồng tử tiền phòng thường nông).
+ Đục thể thủy tinh , đục dịch kính
thì tiên lượng xấu, có thể dẫn đến mù lòa.
6. PHÒNG BỆNH
- Điều trị sớm và tích cực các ổ
nhiễm khuẩn tại mắt và toàn thân.
- Khi có dấu hiệu đỏ mắt cần đi khám
ngay ở các cơ sở chuyên khoa mắt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
1. Basic and Clinical Science
Course. Section 9. Endophthalmitis and Uveitis. American Acsdemy of
Ophthalmology 1995-1996.
2. Cunningham ET Jr,2000, “Uveitis
in children”, Ocul Immunol Inflamm, 8 (4): 251-61.
3. Hamade IH et al, 2009, “Uveitis
survey in children”, Br J Ophthalmol; 93(5)569-72.
4. Huang J.J; Gaudio P. A. Ocular
Inflammatory Disease and Uveitis Manual - Dianostic and Treatment -2010.
5. Pivetti-Pezzi P, 1996, “Uveitis
in children”, Eur J Ophthalmol, 6(3): 293-8.
BỆNH VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO TRƯỚC CẤP TÍNH
1. ĐẠI CƯƠNG
Viêm màng bồ đào trước cấp tính là
viêm cấp tính của mống mắt và thể mi. Bệnh khá phổ biến, nếu không được điều
trị kịp thời có thể gây biến chứng nặng và dẫn đến mù loà.
2. NGUYÊN NHÂN
- Nhiễm trùng: Vi khuẩn (Tụ cầu,
liên cầu, phế cầu...). Virus (Herpes, Zona, cúm...). Nấm (Candida,
Aspergilus...). Ký sinh trùng (Toxoplasma, giun, ấu trùng sán...)
- Miễn dịch: Yếu tố kháng nguyên
HLA. Hội chứng Behçet. Hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada...
- Dị ứng: Chất nhân protein của thủy tinh thể.
- Nhiễm độc: Hóa chất, độc tố tác nhân nhiễm khuẩn, u ác trong nhãn cầu...
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng:
+ Nhìn mờ: do đục các môi trường
trong suốt…
+ Đau: Đau do co thắt thể mi và đầu
thần kinh bị kích thích bởi độc tố.
+ Sợ ánh sáng và chảy nước mắt: do
kích thích dây V.
+ Đỏ mắt: do cương tụ rìa.
- Triệu chứng thực thể:
+ Cương tụ rìa: do ứ đọng và giãn
mạch máu sâu quanh rìa, càng xa vùng rìa cương tụ càng giảm dần, có khi mầu tím
sẫm.
+ Tủa sau giác mạc: Dạng bụi
+ Trong giai đoạn cấp của viêm màng
bồ đào mãn tính có thể có hạt trên mống mắt:
● Hạt Koeppe: nhỏ và nằm trên bờ
đồng tử.
● Hạt Busacca: lớn hơn ít gặp. Nằm
trên bề mặt mống mắt, trong các đợt cấp viêm màng bồ đào mãn tính.
+ Tyndall (+): Tế bào trong tiền
phòng là dấu hiệu của viêm hoạt tính.
+ Xuất tiết: do tổn thương mạch máu
mống mắt, dò rỉ protein ra thủy dịch.
+ Mủ tiền phòng: Có thể có.
+ Dính mống mắt vào mặt trước thủy tinh thể
+ Tế bào ở dịch kính trước
+ Nhãn áp: giai đoạn đầu nhãn áp hạ
do thể mi giảm tiết thủy dịch. Giai đoạn
cuối nhãn áp thấp vĩnh viễn do thể mi bị hủy
hoại gây teo nhãn cầu. Trong đợt viêm cấp có thể tăng nhãn áp do nghẽn đồng tử
hoặc góc tiền phòng.
b. Cận lâm sàng:
- Các khám nghiệm cận lâm sàng để
chẩn đoán bệnh như:
+ Siêu âm để phát hiện tình trạng
vẩn đục của dịch kính do viêm màng bồ đào sau hoặc tổ chức hóa dịch kính hoặc bong võng mạc là biến chứng
của viêm màng bồ đào.
+ Chụp mạch huỳnh quang đáy mắt để
phát hiện tình trạng viêm mạch máu, ổ viêm hắc-võng mạc, tình trạng thiếu máu
võng mạc hoặc phù võng mạc do viêm …
+ Chụp OCT đáy mắt để phát hiện tình
trạng phù võng mạc, tân mạch võng mạc… do viêm.
- Các xét nghiệm cận lâm sàng để tìm
nguyên nhân:
+ Xét nghiệm sinh hóa
+ Xét nghiệm huyết học
+ Xét nghiệm miễn dịch
+ Chẩn đoán hình ảnh: X quang, CT
scanner, chụp cộng hưởng từ...
c. Chẩn đoán xác định
- Lâm sàng
+ Cương tụ rìa.
+ Tủa sau giác mạc
+ Tyndall
+ Xuất tiết
+ Dính mống mắt vào mặt trước thủy tinh thể
- Cận lâm sàng
+ Để hỗ trợ chẩn đoán nguyên nhân
d. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm màng bồ đào trước tăng
nhãn áp và glôcôm góc đóng:
Glôcôm góc đóng:
+ Lắng đọng mặt sau giác mạc là sắc
tố mống mắt
+ Đồng tử có thể dính, nhưng luôn tự
giãn
- Viêm kết mạc cấp
+ Ra dử mắt nhiều
+ Cương tụ nông
+ Không ảnh hưởng đến thị lực
- Viêm loét giác mạc:
+ Có tổn thương trên giác mạc
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung:
- Chống viêm
- Chống dính
- Điều trị ngoại khoa khi cần thiết
b. Điều trị cụ thể:
- Thuốc giãn đồng tử và liệt thể mi
+ Dùng dung dịch Artropin 1% - 4%
tra ngày 2 -3 lần, nếu đồng tử giãn được cần duy trì ngày 1 lần.
+ Nếu đồng tử không giãn với thuốc
tra, cần tiêm dưới kết mạc quanh rìa dung dịch Adrenalin 1mg + Artropin 1/4 mg,
vị trí tiêm 4 điểm: 3-9-6-12 giờ nếu đồng tử dính toàn bộ. Nếu không dính toàn
bộ, tiêm dưới kết mạc tương ứng với chỗ dính đồng tử.
- Dùng kháng sinh và các thuốc đặc
hiệu theo nguyên nhân
+ Kháng sinh:
● Dùng theo kháng sinh đồ nếu có lấy
bệnh phẩm nuôi cấy và làm kháng sinh đồ.
● Dùng các kháng sinh phổ rộng
(Cefalosporin thế hệ 2,3, nhóm new quinolon, nhóm Macrolid) đường uống hoặc
tiêm truyền.
+ Thuốc chống virus, chống lao,
chống nấm.
+ Thuốc chống viêm
● Corticoid là thuốc chủ lực trong
điều trị viêm màng bồ đào
Corticoid đường tra tại mắt
▪ Là phương pháp điều trị chủ yếu
của viêm màng bồ đào trước cấp
▪ Số lần dùng tùy thuộc mức độ của viêm màng bồ đào.
▪ Nên dùng liều cao từ đầu để khống
chế được phản ứng viêm, sau đó giảm dần liều trong nhiều ngày hoặc nhiều tuần,
mỗi lần giảm khoảng 50% liều khi triệu chứng lâm sàng đã cải thiện.
Tiêm cạnh nhãn cầu:
▪ Dùng điều trị bổ trợ cho các trường
hợp viêm màng bồ đào trước nặng
▪ Thường tiêm 1ml chứa 40mg
Methyl-prednisolon hoặc Triamcinolon.
Đường toàn thân
▪ Được chỉ định trong các trường hợp
viêm màng bồ đào trước nặng.
▪ Có thể dùng prednisolon uống với
liều khởi đầu 1mg/kg trong 1 tuần sau đó giảm liều dần hoặc dùng đường truyền
tĩnh mạch Methyl prednisolon trong các trường hợp nặng.
Các thuốc chống viêm không steroid,
được sử dụng trong những trường hợp chống chỉ định corticoid hoặc để giảm bớt
liều corticoid, như: Indomethacin, Diclofenac...
+ Thuốc ức chế miễn dịch
Phối hợp với bác sĩ nội khoa, chỉ
định khi không đáp ứng điều trị với corticoid hoặc chống chỉ định với
corticoid.
● Nhóm alkylating:. Chỉ dùng trong
những trường hợp nặng như: hội chứng Behçet, Wegener, Cyclophosphamide với liều
bắt đầu 2mg/kg/ngày.
● Nhóm chống chuyển hóa: Azathioprine và Methotrexate.
● Nhóm ức chế hoạt hóa tế bào lympho T qua tác dụng ức chế chức
năng interleukin-1 và interleukin-2: Cyclosporin A liều 2,5 đến 5 mg/kg/ngày.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG:
Đa số các trường hợp viêm màng bồ
đào trước đáp ứng tốt với điều trị nội khoa. Tuy nhiên, nếu không phát hiện và
điều trị kịp thời, bệnh có thể gây ra các biến chứng nặng như glôcôm, đục thủy tinh thể, phù hoàng điểm, bong võng mạc, teo
nhãn cầu…
6. PHÒNG BỆNH
Hiện chưa có biện pháp phòng bệnh
đặc hiệu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ali A, Samson CM. Seronegative
spondyloarthropathies and the eye. Curr Opin Ophthalmol. Nov
2007;18(6):476-80.
2. Braun J, Sieper J. Ankylosing spondylitis.
Lancet. Apr 21 2007;369(9570):1379-90.
3. McCannel CA, Holland GN, Helm CJ,
Cornell PJ, Winston JV, Rimmer TG. Causes of uveitis in the general practice
of ophthalmology. UCLA Community- Based Uveitis Study Group. Am J
Ophthalmol. Jan 1996;121(1):35-46.
4. Suzuki T, Ohashi Y. Corneal endotheliitis.
Semin Ophthalmol. Jul-Aug 2008;23(4):235-40.
5. Jabs DA, Nussenblatt RB,
Rosenbaum JT. Standardization of uveitis nomenclature for reporting clinical
data. Results of the First International Workshop. Am J Ophthalmol. Sep
2005;140(3):509-16.
VIÊM MÀNG BỒ ĐÀO SAU CHẤN THƯƠNG
1. ĐẠI CƯƠNG
Là phản ứng của MBĐ đáp ứng với tác
nhân sau chấn thương hay nhiễm trùng.
2. NGUYÊN NHÂN
Do nhiễm trùng, dị ứng với thành
phần của tổ chức hốc mắt, phản ứng viêm, …..
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng chủ quan
Xảy ra sau chấn thương mắt
Tại mắt: Người bệnh thấy các triệu
chứng:
+ Đau nhức
+ Nhìn mờ
+ Cảm giác ruồi bay
Toàn thân: Đau nhức đầu, người mệt
mỏi.
- Triệu chứng khách quan
Khám mắt bị thương thấy các dấu
hiệu:
+ Phản ứng thể mi (+)
+ Có thể có tụ máu, rách mi
+ Kết mạc cương tụ phù nề: cương tụ
rìa giác mạc hoặc cương tụ toàn bộ. Có thể có rách kết mạc kèm theo.
+ Giác mạc có thể phù hoặc rách (đã
được mổ xử lý cấp cứu ở tuyến dưới hay chưa).
+ Tủa sau giác mạc, tiền phòng có
Tyndall (+) hoặc ngấn mủ, ngấn máu.
+ Mống mắt cương tụ, phù nề. Có thể
dính mống mắt vào mặt trước thể thủy tinh làm đồng tử méo. Trước diện đồng tử
có thể có màng xuất tiết.
+ Thể thủy tinh có thể bình thường,
đục, đục vỡ hoặc lệch.
+ Dịch kính vẩn đục hoặc có xuất
huyết.
+ Đáy mắt (nếu soi được): có thể
thấy phù gai thị, phù võng mạc hoặc xuất huyết võng mạc…
b. Cận lâm sàng
- Xét nghiệm máu
+ Bạch cầu tăng.
+ Tốc độ lắng máu tăng nếu bệnh tiến
triển đã lâu, kéo dài. Tốc độ máu lắng bình thường nếu viêm màng bồ cấp tính
sau chấn thương.
- Xét nghiệm vi sinh
Soi tươi và nuôi cấy chất mủ được
lấy ra từ tiền phòng hoặc dịch kính để phát hiện tác nhân gây viêm màng bồ đào
(vi khuẩn, nấm...).
- X-Quang: chụp phim để phát hiện dị
vật nội nhãn.
- Siêu âm: phát hiện dị vật nội nhãn
và đánh giá tình trạng dịch kính võng mạc.
c. Chẩn đoán xác định
Dựa vào các triệu chứng lâm sàng và
cận lâm sàng đã nêu trên.
d. Chẩn đoán phân biệt
- Chẩn đoán phân biệt với viêm mủ
nội nhãn
Các triệu chứng của viêm mủ nội nhãn
thường xuất hiện tương tự như các triệu chứng của viêm màng bồ đào sau chấn thương
nhưng với mức độ rầm rộ và nặng nề hơn: Mi co quắp, sưng nề. Kết mạc cương tụ
toàn bộ. Giác mạc phù, thâm nhiễm, mủ tiền phòng, thể thủy tinh hóa mủ, mủ
buồng dịch kính…Đôi khi, để chẩn đoán phân biệt giữa một viêm màng bồ đào sau
chấn thương và một viêm mủ nội nhãn giai đoạn đầu tương đối khó khăn
- Chẩn đoán phân biệt với tăng nhãn
áp
Tăng nhãn áp sau chấn thương có thể
gây ra phản ứng viêm màng bồ đào và ngược lại, viêm màng bồ đào cũng có thể gây
tăng tiết thủy dịch và gây tăng nhãn áp. Bên cạnh các triệu chứng như viêm màng
bồ đào, nhãn cầu sờ tay rất căng. Đo nhãn áp thấy tăng cao.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Chống nhiễm trùng
- Chống chống viêm, dị ứng
- Chống dính mống mắt
- Giảm đau
- Nâng cao thể trạng
b. Điều trị cụ thể
- Chống nhiễm trùng
Dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân
(tốt nhất dùng theo kháng sinh đồ). Việc lựa chọn thuốc kháng sinh phụ thuộc
vào từng bệnh nhân, đặc điểm của vết thương, nguy cơ nhiễm trùng, tác nhân gây
bệnh, khả năng ngấm nội nhãn của kháng sinh…
Đường dùng kháng sinh:
Tại chỗ:
+ Nhỏ dung dịch kháng sinh
+ Tra mỡ kháng sinh.
Chú ý: Sử dụng các loại thuốc này sau khi
khâu vết thương nhãn cầu.
+ Tiêm kháng sinh cạnh nhãn cầu hoặc
dưới kết mạc.
Toàn thân: Tùy theo mức độ viêm màng
bồ đào, kháng sinh đồ, bệnh nhân là người lớn hay trẻ em mà dùng các loại kháng
sinh uống hoặc tiêm, truyền thích hợp.
- Thuốc chống nấm
Khi xác định được tác nhân là nấm
thì nhất thiết phải sử dụng thuốc chống nấm.
- Chống dị ứng, chống viêm
Gồm các thuốc chống viêm steroid và
không steroid tại chỗ (Tra mắt, tiêm cạnh nhãn cầu hoặc dưới kết mạc, tiêm nội
nhãn) và/hoặc toàn thân (uống hoặc tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch).
Các thuốc chống viêm steroid
Không dùng trong trường hợp nghi ngờ
có nhiễm nấm hoặc có nhiễm nấm. Tuy nhiên, có thể sử dụng ở giai đoạn khi xét
nghiệm nấm trở về âm tính để hạn chế phản ứng viêm. Thuốc có tác dụng làm giảm
các phản ứng viêm có tính chất hủy hoại xảy ra sau chấn thương và nhiễm trùng
do đó làm hạn chế tổn thương các mô nội nhãn. Corticosteroid có thể được sử
dụng đường toàn thân, tra tại mắt, tiêm cạnh nhãn cầu, tiêm dưới kết mạc hay
tiêm nội nhãn.
Các thuốc chống viêm không steroid
Thường được chỉ định trong trường hợp
hợp nhiễm nấm hoặc nghi ngờ nhiễm nấm hay dùng phối hợp với các thuốc chống
viêm steroid.
- Chống dính mống mắt
+ Nhỏ dung dịch Atropin 0,5%, 1%, 4%
(tùy từng trường hợp): 2-3 lần/ ngày.
+ Tra mỡ Atropin 1% 1 lần buổi tối
trước khi ngủ.
+ Tiêm 4 điểm quanh rìa giác mạc:
Atropin 1% + Adrenalin 0,1% trong trường hợp đồng tử không giãn được bằng các
thuốc tra.
- Giảm đau và an thần.
- Nâng cao thể trạng.
- Điều trị phối hợp
Điều trị phối hợp có vai trò rất
quan trong điều trị viêm màng bồ đào sau chấn thương. Điều trị cụ thể bao gồm
một số việc như sau:
+ Khâu vết thương giác mạc, củng mạc
hoặc vết thương giác củng mạc.
+ Điều trị xuất huyết nội nhãn.
+ Điều trị đục, đục vỡ, lệch thủy
tinh thể.
+ Điều trị tăng nhãn áp.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
a. Tiến triển
Tiến triển của viêm màng bồ đào sau
chấn thương phụ thuộc
- Hình thái chấn thương: vết thương
xuyên nhãn cầu hay chấn thương đụng dập nhãn cầu
- Các tổn thương phối hợp: xuất
huyết nội nhãn, đục vỡ thủy tinh thể….
Viêm màng bồ đào sau chấn thương nếu
không được điều trị tích cực có thể chuyển thành viêm màng bồ đào mãn tính mà
hậu quả cuối cùng là nhãn áp thấp kéo dài và teo nhãn cầu.
b. Biến chứng
- Các biến chứng gây ra do vết thương
xuyên nhãn cầu: xuất huyết dịch kính, nhiễm trùng nội nhãn, tăng sinh dịch kính
võng mạc, bong võng mạc, nhãn viêm đồng cảm…
- Các biến chứng do bản thân phản
ứng viêm màng bồ đào: dính mống mắt, đục thể thủy tinh, tăng nhãn áp, phù hoàng
điểm dạng nang, đục dịch kính, teo nhãn cầu…
- Một số nghiên cứu cho rằng phản
ứng viêm màng bồ đào trên sau vết thương xuyên nhãn cầu có thể làm tăng nguy cơ
xuất hiện nhãn viêm đồng cảm.
6. PHÒNG BỆNH
Đề phòng vết thương xuyên nhãn cầu
có dị vật nội nhãn chính là đề phòng chấn thương mắt và điều trị tích cực theo
phác đồ đã nêu trên càng sớm càng tốt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Agrawal R.V., Murthy S., Sangwan
V., Biswas J., (2010) Current approach in diagnosis and management of
anterior uveitis, India J. Ophthalmol., Vol 58 (1), trang 11-19.
2. Banta J.T., (2007), Ocular
Trauma. Saunder Elsevier.
3. Dua H.S., Dick A.D., Watson N.J.,
Forrester J.V., (1993), Aspectrum of clinical signs in anterior uveitis,
Eye, Vol 7, trang 68-73.
4. Kuhn F., (2008), Ocular
Traumatology, Springer.
5. Nussenblast R.B., Whitcup S.M.,
(2010), Uveitis: Fundamentals and clinical Practice, The 4th edition, Mosby.
GLÔCÔM GÓC ĐÓNG NGUYÊN PHÁT
1. ĐẠI CƯƠNG
Glôcôm góc đóng nguyên phát là một
tình trạng rối loạn về giải phẫu do mống mắt ngoại vi áp ra trước che lấp vùng
bè và gây nghẽn góc tiền phòng.
Những tổn thương thần kinh thị giác
do bệnh glôcôm gây ra là không có khả năng hồi phục. Vì vậy việc phát hiện sớm
và điều trị kịp thời là rất quan trọng.
2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH
a. Glôcôm góc đóng nguyên phát có
nghẽn đồng tử
Trong hình thái bệnh lý này, cấu
trúc vùng bè là bình thường. Bệnh thường xảy ra do 2 cơ chế chính:
- Nghẽn đồng tử: Trên địa trạng mắt
có cấu trúc giải phẫu đặc biệt, khi đồng tử ở trạng thái giãn nửa vời, diện
tiếp xúc giữa mống mắt và mặt trước của thể thủy
tinh tăng lên gây cản trở lưu thông thủy
dịch từ hậu phòng ra tiền phòng. Thủy
dịch bị ứ lại trong hậu phòng, áp lực trong hậu phòng tăng lên đẩy chân mống
mắt nhô ra trước, áp vào vùng bè gây đóng góc và tăng nhãn áp.
- Nghẽn góc tiền phòng: lúc đầu mống
mắt chỉ áp vào vùng bè nhưng chưa có dính góc thực thể (làm nghiệm pháp ấn góc,
vùng mống mắt áp dính sẽ được tách ra). Nếu không được điều trị kịp thời, quá
trình đóng góc kéo dài sẽ đưa đến tình trạng dính góc thực sự. Ở giai đoạn này,
điều trị bằng thuốc co đồng tử hoặc bằng laser thì góc tiền phòng cũng không có
khả năng mở ra được.
b. Glôcôm góc đóng nguyên phát không
có nghẽn đồng tử
Hội chứng mống mắt phẳng: do thể mi
to, xoay ra trước gây nghẽn góc tiền phòng.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Glôcôm góc đóng nguyên phát có
nghẽn đồng tử
- Glôcôm góc đóng nguyên phát cơn
cấp
Xảy ra khi nhãn áp tăng cao một cách nhanh chóng do mống mắt
chu biên đột ngột áp ra trước làm tắc nghẽn vùng bè.
Lâm sàng
Triệu chứng cơ năng:
Bệnh khởi phát đột ngột, diễn biến
rầm rộ, thường xảy ra vào chiều tối, sau một xúc động mạnh bệnh nhân đột ngột
đau nhức mắt, nhức xung quanh hố mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên, nhìn mờ như
qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, sợ ánh sáng, chói chảy nước mắt kèm
theo, bệnh nhân có thể buồn nôn hoặc nôn, đau bụng, vã mồ hôi, sốt...
Dấu hiệu thực thể
+ Thị lực giảm sút nhiều
+ Nhãn áp tăng rất cao
+ Thị trường thường không đo được do
phù nề các môi trường trong suốt. Trong trường hợp cơn glôcôm đã từng xuất hiện
trước đó thì thị trường có thể đã có tổn thương ở các mức độ khác nhau tùy theo giai đoạn bệnh
+ Khám: mi mắt xưng nề, mắt cương tụ
đỏ, giác mạc phù mờ có thể có bọng biểu mô, đồng tử giãn méo, giảm hoặc mất
phản xạ với ánh sáng, tiền phòng nông, góc tiền phòng đóng, thể thủy tinh phù có thể có các vết rạn của bao trước.
Đáy mắt rất khó soi do phù các môi trường trong suốt nhưng nếu soi được có thể
thấy đĩa thị sung huyết, hệ mạch máu giãn và đôi khi có xuất huyết cạnh đĩa
thị. Nếu thị trường đã bị thu hẹp và có lõm đĩa thì có thể cơn glôcôm góc đóng
đã phát triển từ glôcôm góc đóng bán cấp hoặc mạn tính.
Mắt còn lại thường có biểu hiện tiền
phòng nông và góc tiền phòng hẹp
Chẩn đoán xác định
+ Triệu chứng chủ quan điển hình
+ Thị lực giảm nhiều.
+ Nhãn áp tăng cao.
+ Đồng tử giãn, méo.
+ Các góc tiền phòng đóng.
Chẩn đoán phân biệt
+ Viêm màng bồ đào tăng nhãn áp: có
tủa viêm sau giác mạc, đồng tử dính, co nhỏ.
Lưu ý: trong cơn glôcôm góc đóng cấp diễn
cũng có thể có phản ứng viêm màng bồ đào. Trong trường hợp này cần quan sát
triệu chứng đồng tử giãn của mắt bệnh và khám mắt thứ 2 thấy tiền phòng nông và
góc tiền phòng hẹp.
- Glôcôm góc đóng bán cấp
Lâm sàng
Glôcôm góc đóng bán cấp là những đợt
tăng nhãn áp (ở mức vừa phải) do đóng góc được biểu hiện bằng những đợt giảm
thị lực, nhìn đèn có quầng, đau nhức nhẹ trong mắt và đầu. Không điều trị gì,
các triệu chứng này cũng tự qua đi và nhãn áp thường giữ ở mức bình thường giữa
các cơn. Soi góc tiền phòng có những đám dính chân mống mắt. Mức độ tổn thương
thị trường và đĩa thị tùy thuộc vào giai
đoạn bệnh.
Chẩn đoán xác định
+ Bệnh sử điển hình
+ Góc tiền phòng hẹp hoặc đóng dính
từng phần.
+ Tổn thương đĩa thị và thị trường
đặc hiệu của glôcôm
- Glôcôm góc đóng mạn tính
Lâm sàng
+ Bệnh biểu hiện âm thầm hầu như
không có triệu chứng chủ quan đau nhức hoặc đôi khi chỉ có cảm giác căng tức
nhẹ thoảng qua ở trong mắt hoặc đầu.
+ Nhãn áp thường tăng ở mức độ vừa
phải.
+ Làm nghiệm pháp Herrick và soi góc
tiền phòng là những khám nghiệm quan trọng để chẩn đoán phân biệt với glôcôm
góc mở
Chẩn đoán xác định
+ Hầu như không có dấu hiệu chủ quan
+ Tổn thương đĩa thị và thị trường
đặc hiệu của glôcôm
+ Các góc tiền phòng hẹp hoặc đóng
Chẩn đoán phân biệt
Glôcôm góc mở: soi góc tiền phòng sẽ
thấy các góc mở.
b. Glôcôm góc đóng nguyên phát không
có nghẽn đồng tử
- Lâm sàng
+ Ít hoặc hầu như không có triệu
chứng chủ quan đau nhức
+ Người bệnh thường đến khám khi
bệnh đã ở giai đoạn muộn với tổn thương nặng của đĩa thị và tổn hại thị trường
đặc hiệu của glôcôm.
+ Nhãn áp tăng cao
+ Độ sâu tiền phòng ở trung tâm
không nông như những trường hợp glôcôm góc đóng có nghẽn đồng tử
+ Soi góc tiền phòng thấy các góc
đóng
- Cận lâm sàng
Khám nghiệm trên máy UBM: thể mi to
và xoay ra trước áp vào mống mắt, không thấy rãnh thể mi.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
Tích cực, khẩn trương làm hạ nhãn áp
bằng thuốc để chống tổn hại thêm cho thị thần kinh
SƠ ĐỒ ĐIỀU TRỊ GLÔCÔM GÓC ĐÓNG NGUYÊN PHÁT
b. Điều trị cụ thể
- Điều trị glôcôm góc đóng cơn cấp
Tại mắt
+ Tra thuốc co đồng tử cứ 15-20
phút/1 lần cho đến khi đồng tử co lại được và nhãn áp hạ. Sau đó có thể tra 1
giờ/1 lần và dùng liều duy trì 3-4 lần/ngày.
+ Tra phối hợp nhóm thuốc chẹn bêta
giao cảm 2 lần/ngày (thận trọng nếu bệnh nhân có bệnh phổi, tim, mạch) hoặc
nhóm thuốc ức chế men Anhydraza cacbonic 2-3 lần/ngày.
+ Để đề phòng xuất hiện cơn tăng
nhãn áp ở mắt thứ 2: nên tra 1-2 giọt pilocacpin 1% cho mắt thứ 2
Toàn thân
+ Uống Acetazolamide 0,25g x 2-4
viên/ngày hoặc tiêm tĩnh mạch Acetazolamide 500g x 1 ống nếu bệnh nhân nôn
nhiều, thuốc uống không có tác dụng. (Trong trường hợp nhãn áp tăng quá cao có
thể phối hợp tiêm tĩnh mạch 500mg và uống 500mg).
Chú ý: thuốc có nhiều tác dụng phụ toàn
thân nên chỉ dùng trong thời gian chờ phẫu thuật, không dùng kéo dài và cần bổ
sung thêm Kali.
+ Trong trường hợp nhãn áp tăng rất
cao có thể bổ sung các loại thuốc thẩm thấu như truyền tĩnh mạch nhanh Mannitol
20% x 200ml hoặc uống Glyxerol 50% ( 1ml/1 kilô cân nặng)
+ Thuốc giảm đau, an thần.
+ Điều trị bằng phẫu thuật: là bắt
buộc đối với hình thái glôcôm góc đóng
+ Cắt mống mắt chu biên bằng
laser hoặc bằng phẫu thuật khi sau điều trị thuốc nhãn áp điều chỉnh, đồng tử
co được và góc tiền phòng còn mở > ½ chu vi của góc (xem trong qui trình kỹ
thuật bệnh viện).
Hẹn khám định kỳ: kiểm tra nhãn áp,
đĩa thị và soi lại góc tiền phòng (nếu cần. Tạo hình mống mắt bằng laser
(laser iridoplasty hoặc laser gonioplasty):
+ Trong trường hợp nhãn áp không
điều chỉnh sau điều trị bằng laser cắt mống mắt chu biên, có thể phối hợp với
laser tạo hình mống mắt nhằm làm tăng cường tác dụng mở rộng góc tiền phòng và
hạ nhãn áp.
+ Chuẩn bị bệnh nhân và chăm sóc sau
điều trị: tương tự như với laser cắt mống mắt chu biên.
Mổ cắt bè (xem trong qui trình kỹ
thuật bệnh viện).
- Điều trị glôcôm góc đóng bán cấp
+ Laser cắt mống mắt chu biên để
giải phóng nghẽn đồng tử và làm hạ nhãn áp.
+ Phẫu thuật cắt bè khi góc tiền
phòng đóng dính nhiều, nhãn áp không điều chỉnh sau laser cắt mống mắt chu
biên.
- Điều trị glôcôm góc đóng mạn tính
+ Cắt mống mắt chu biên để giải
phóng nghẽn đồng tử, ngăn chặn góc đóng tiếp tục và giải quyết mối đe doạ xuất
hiện cơn glôcôm góc đóng cấp.
+ Thuốc hạ nhãn áp bổ sung (nếu cần):
có thể dùng các nhóm thuốc giống như trong điều trị glôcôm góc mở.
+ Laser tạo hình mống mắt, phẫu
thuật cắt bè nếu thuốc không đủ hiệu quả.
- Điều trị glôcôm mống mắt phẳng
+ Thuốc co đồng tử có hoặc không
phối hợp các nhóm thuốc hạ nhãn áp khác.
+ Laser tạo hình mống mắt (laser
iridoplasty) phối hợp với laser mở mống mắt chu biên: nếu nhãn áp vẫn chưa được
kiểm soát tốt bằng thuốc.
+ Phẫu thuật cắt bè: khi thuốc và
laser không đủ hiệu quả.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
a. Tiến triển
- Glôcôm góc đóng cơn cấp nếu không
được điều trị, nhãn áp tiếp tục tăng cao kéo dài sẽ dẫn đến mù.
- Glôcôm góc đóng thể bán cấp có thể
tiến triển xuất hiện dưới dạng cơn glôcôm cấp hoặc chuyển sang thể mạn tính.
- Tiên lượng tùy thuộc vào tình trạng bệnh, giai đoạn bệnh khi bệnh nhân đến
khám và điều trị. Nếu không được điều trị tổn thương đĩa thị và thị trường ngày
càng nặng hơn dẫn đến mù không có khả năng hồi phục. Nếu được phát hiện sớm, được
điều trị sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên thì bệnh nhân có thể tránh
được mù loà.
b. Biến chứng
- Nhìn chung, dù ở thể lâm sàng nào
nếu không được điều trị kiểm soát tốt nhãn áp thì bệnh sẽ dẫn đến mù loà vĩnh
viễn.
- Biến chứng nặng thường gặp sau
điều trị bằng phẫu thuật là:
+ Tăng nhãn áp tái phát: điều
trị bằng các thuốc tra hạ nhãn áp và theo dõi định kỳ. Nếu nhãn áp không điều
chỉnh có thể xem xét mổ cắt bè lần 2.
+ Sẹo bọng thấm quá mỏng hoặc rò,
vỡ bọng thấm: tùy tình trạng bệnh lý
có thể điều trị nội khoa bằng thuốc ức chế tiết thủy
dịch, tiêm máu tự thân kích thích tăng sinh xơ vùng sẹo bọng, mang kính tiếp
xúc mềm,...hoặc bằng phẫu thuật sửa sẹo bọng.
6. PHÒNG BỆNH
Cho đến nay, chưa có biện pháp nào
có thể phòng được bệnh glôcôm. Vì vậy, việc phát hiện sớm, điều trị sớm và theo
dõi thường xuyên là rất quan trọng. Cần đo nhãn áp, khám đánh tình trạng đĩa
thị cho các đối tượng có nguy cơ. Người trên 40 tuổi nên đi khám mắt 1 năm một
lần. Những người ruột thịt của bệnh nhân glôcôm nên khám mắt cứ 6 tháng một
lần.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arthur Lim Siew Ming et al
(2004), “Primary closed angle glaucoma” 2nd Edition, an imprint of Elservier
2. Ang LP, Aung T (2000), “Acute primary
angle closure in an Asian population” Ophthalmology (107), pp. 2071-2092.
3. David Meyer, Ronel van Schalkwyk
(2006), “Update on Current Medical Therapy of Glaucoma” in Mastering the
techniques of glaucoma: diagnosis and management (Ashok Garg, Giorgio Marchini)
an imprint of JAYPEE BROTHERS, pp. 157-170
4. Ng D,Lim ASM (2001) “cataract
extraction in closed angle glaucoma”, Asia- Pacific J Ophthalmol 2001,
pp.13-40.
5. Lim ASM, Chew PT (1990) “Update
in the management of acute primary angle closure glaucoma”, Asia-Pacific J
Ophthalmol; 2-88.
6. Gregory L Skuta (1994) ‚ “The-closure
glaucoma” in Glaucoma (Paul L Kaufman, Thomas W Mittag), Mosby-Year Book
EUROPE.
7. Harinder S Sethi et al (2006), “Medical
management of glaucoma” in “Mastering the techniques of glaucoma:
diagnosis and management” (Ashok Garg, Giorgio Marchini) an imprint of
JAYPEE BROTHERS, pp. 137-156.
GLÔCÔM GÓC MỞ NGUYÊN PHÁT
1. ĐẠI CƯƠNG
Glôcôm góc mở nguyên phát là một
tình trạng bệnh lý của thị thần kinh, tiến triển mãn tính, đặc trưng bởi sự tổn
hại của tế bào hạch võng mạc và lớp sợi thần kinh, teo lõm đĩa thị giác, tổn thương
thị trường điển hình, thường có liên quan với nhãn áp cao.
Các yếu tố nguy cơ cao bị glôcôm góc
mở:
- Tuổi > 40.
- Người ruột thịt của người bệnh
glôcôm.
- Tật khúc xạ: Cận thị > 4 diốp;
Lão thị sớm, tăng số kính lão nhanh.
- Nhãn áp (NA kế Maclakov, quả cân
10g):
+ Mức nhãn áp nghi ngờ (22 < NA
< 25 mmHg), có kèm theo các cảm giác chủ quan đặc hiệu của glôcôm (nhức mắt
lan lên đầu cùng bên, nhìn mờ, nhìn nguồn sáng thấy quầng xanh đỏ...).
+ Giao động nhãn áp giữa các lần đo
trong ngày hoặc các lần khám mắt ≥ 5 mmHg.
+ Nhãn áp hai mắt chênh lệch nhau ≥
5 mmHg.
- Đáy mắt:
+ Lõm đĩa rộng, chênh lệch độ lõm
đĩa giữa 2 mắt > 2/10
+ Xuất huyết trước hoặc cạnh đĩa thị
giác
+ Teo quanh đĩa thị.
- Bệnh toàn thân: Huyết áp cao, tụt
huyết áp về đêm, co thắt mạch trong bệnh lý mạch vành, hội chứng Raynaud, rối
loạn tuần hoàn não, đau nửa đầu, tăng mỡ máu, bệnh đái tháo đường, bệnh lý
tuyến giáp.
2. NGUYÊN NHÂN VÀ CƠ CHẾ BỆNH SINH
- Quá trình xơ hóa vùng bè dẫn đến
sự lắng đọng các chất ngoại bào trong lớp bè, gây hẹp, dính các khoang bè, làm
tắc đường lưu thông thủy dịch, gây tăng nhãn áp.
- Sự chênh lệch áp lực tiền phòng -
ống Schlemm gây xẹp ống Schlemm, cản trở thủy dịch thoát ra ngoài nhãn cầu, gây tăng nhãn áp.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
Các triệu chứng thường biểu hiện rất
kín đáo trừ trường hợp có tổn thương nặng trên thị trường. Vì vậy người bệnh khó
tự phát hiện được bệnh ở giai đoạn sớm. Nhiều người bệnh chỉ được phát hiện
trong những hoàn cảnh tình cờ.
+ Đa số người bệnh chỉ có cảm giác
hơi căng tức mắt hoặc nhìn mờ nhẹ thoáng
qua khi làm việc bằng mắt nhiều, khi căng thẳng thần kinh, khi lo lắng nhiều.
+ Có những người bệnh nhìn như có
màn sương mỏng trước mắt vào buổi sáng.
- Dấu hiệu thực thể
+ Thị lực: thường chỉ giảm ở giai
đoạn muộn của bệnh.
+ Thị trường: biến đổi tùy theo 5
giai đoạn tiến triển của bệnh.
+ Nhãn áp có thể tăng cao. Tuy nhiên
cần lưu ý có hình thái glôcôm nhãn áp không cao.
+ Thường ít khi có cương tụ rìa,
hoặc chỉ cương tụ rất nhẹ.
+ Giác mạc trong.
+ Tiền phòng sâu, góc tiền phòng mở
rộng hoặc trung bình ngay cả khi nhãn áp cao. Đây là dấu hiệu quan trọng để
chẩn đoán phân biệt với glôcôm góc đóng.
+ Đồng tử thường tròn đều, phản xạ
bình thường, ở giai đoạn muộn có thể giãn nhẹ, mất viền sắc tố, phản xạ lười
hoặc mất phản xạ với ánh sáng.
+ Đáy mắt: mức độ teo lõm đĩa glôcôm
tùy theo giai đoạn bệnh, thường đi kèm dấu hiệu mạch máu dạt phía mũi, đôi khi
có xuất huyết đĩa thị hoặc cạnh đĩa thị, viền thần kinh mỏng dần.
b. Cận lâm sàng
Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh
như chụp ảnh đĩa thị giác, chụp cắt lớp võng mạc - đĩa thị (optical coherence
tomography OCT, Heidelberg Retina Tomopraph HRT), chụp sợi thần kinh thị giác,
quét laser đồng tiêu (confocal scanning laser ophthalmoscopy), đo độ phân cực
bằng laser quét (scanning laser polarimetry NFL), siêu âm Doppler được sử dụng
tại bệnh viện Mắt, cho phép đo đạc chính xác các mức độ lõm đĩa, tổn thương
viền thần kinh, lớp sợi thần kinh quanh đĩa thị giác, mức độ thay đổi lưu huyết
của các mạch máu mắt, giúp chẩn đoán glôcôm ở giai đoạn rất sớm và theo dõi quá
trình tiến triển của bệnh.
- Chẩn đoán xác định
+ Bệnh sử điển hình: xuất hiện âm
thầm, tiến triển chậm, dấu hiệu chủ quan kín đáo, cảm giác căng tức trong mắt,
vùng nhìn bị thu hẹp.
+ Góc tiền phòng mở.
+ Tổn thương đĩa thị và thị trường
đặc hiệu của glôcôm.
- Chẩn đoán phân biệt
Các bệnh lý khác của thị thần kinh
như viêm thị thần kinh, tổn thương thị thần kinh hậu nhãn cầu, thiếu máu thị
thần kinh, tổn thương thần kinh sọ não, lõm đĩa sinh lý rộng.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc điều trị
Mục đích điều trị là làm dừng hoặc
chậm lại quá trình tiến triển tiếp của bệnh glôcôm, duy trì chất lượng nhìn,
chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
- Điều trị hạ nhãn áp
+ Xác định nhãn áp đích cần đạt: đó
là mức nhãn áp không gây tổn hại tiếp tục thị thần kinh.
+ Nhãn áp cần điều chỉnh về mức bình
thường của mắt người Việt Nam bình thường (15≤ NA < 22 mmHg), giao động nhãn
áp trong 24 giờ không quá 5 mmHg (đo NA kế Maclackov, quả cân 10g).
+ Glôcôm giai đoạn sớm: nhãn áp đích
≤ 21 mmHg.
+ Glôcôm giai đoạn tiến triển: nhãn
áp đích ≤ 18 mmHg
+ Glôcôm giai đoạn muộn: nhãn áp
đích ≤ 16 mmHg.
+ Glôcôm nhãn áp không cao: cần hạ
khoảng 30% mức nhãn áp ban đầu.
- Điều trị toàn diện
Phối hợp bảo vệ, tăng cường dinh dưỡng
cho thị thần kinh, điều trị bệnh toàn thân.
- Theo dõi định kỳ: Tình trạng nhãn
áp (NA), đĩa thị giác (TG) và thị trường (TT).
- Có thể phối hợp điều trị laser
hoặc phẫu thuật.
b. Phác đồ điều trị
Nếu người bệnh không có điều kiện
theo dõi hoặc điều trị thuốc lâu dài hoặc cơ sở y tế không có máy laser điều
trị thì cần chỉ định điều trị phẫu thuật sớm.
c. Điều trị cụ thể
- Điều trị nội khoa bằng thuốc hạ
nhãn áp
+ Thuốc ức chế men Carbonic Anhydrase
Brinzolamide 1%; Dorzolamide 2% -
tra mắt ngày 2-3 lần
Acetazolamid 250 mg - uống 2- 4 viên
/ ngày. Chỉ định trước mổ và khi cần cấp cứu hạ NA.
Acetazolamid 500mg/5 ml - tiêm tĩnh
mạch 1 ống khi NA rất cao, không hạ được bằng thuốc tra mắt và uống.
+ Thuốc ức chế b-giao cảm
+ Thuốc cường phó giao cảm
+ Thuốc chế phẩm từ Prostaglandin
+ Thuốc cường a và b - giao cảm
+ Thuốc cường a2 - giao cảm
+ Thuốc phối hợp cố định
Timolol + Chế phẩm từ Prostaglandin:
tra mắt ngày 1 lần vào buổi tối.
Timolol + Ức chế men Carbonic
Anhydrase: tra mắt ngày 2 lần.
Timolol + Cường phó giao cảm: tra
mắt ngày 2 lần.
Timolol + Cường a2 - giao cảm: tra mắt ngày 2 lần.
+ Thuốc toàn thân
Glycerol 50% - Chỉ định trước mổ và khi nhãn áp không hạ được bằng
thuốc tra mắt và uống. Người lớn: uống 1gr-2 gr/ kg / lần. Trẻ em: uống
1gr-1,5gr/ kg cân nặng/ lần.
Mannitol 10%, 20% - Chỉ định trước mổ và khi nhãn áp
rất cao, không hạ được bằng thuốc tra mắt và uống. Tiêm TM 1,5g -2g/ kg.
Nguyên tắc lựa chọn thuốc hạ nhãn
áp.
Thuốc có tác dụng làm giảm NA: đạt
và duy trì NA đích ổn định lâu dài, giao động NA trong ngày không quá 5 mmHg;
Dung nạp tốt; Tối thiểu tác dụng không mong muốn; Tiện sử dụng (ít lần tra, giá
thành hợp lý).
Nguyên tắc chỉ định điều trị thuốc
Bắt đầu bằng một thuốc với nồng độ
thấp nhất. Nếu chưa đạt hiệu quả hoặc gây tác dụng không mong muốn cần thay một
thuốc nhóm khác. Nếu vẫn không đạt hiệu quả cần bổ xung thêm thuốc nhóm khác
hoặc dùng thuốc phối hợp cố định.
Trong 1-2 ngày đầu khi NA tăng quá
cao có thể dùng kết hợp thuốc tra và uống hạ NA Acetazolamid 250 mg với liều trung
bình cho người lớn là 500mg/ngày.
Hướng dẫn cho người bệnh chia khoảng
thời gian dùng thuốc hợp lý, các thuốc tra cách nhau ít nhất là 15 phút.
- Điều trị laser
Điều trị laser được áp dụng ở những
cơ sở y tế có trang bị máy laser điều trị. Loại laser: laser argon, laser diode
hoặc laser YAG.
Kỹ thuật: Bao gồm 2 phương pháp: Đốt
laser vùng bè (trabeculoplasty) và Đốt laser vùng bè chọn lọc (selective laser
trabeculoplasty) Đọc chi tiết trong “Quy trình kỹ thuật”
- Điều trị phẫu thuật
Chỉ định:
+ Sau điều trị tích cực bằng thuốc
và laser mà nhãn áp không đạt nhãn áp đích hoặc điều chỉnh không ổn định, chức
năng thị giác tiếp tục biến đổi.
+ Người bệnh không có điều kiện điều
trị bằng thuốc.
+ Người bệnh không có điều kiện đi
lại khám theo dõi.
+ Người bệnh không tuân thủ chế độ
điều trị thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ. Các phẫu thuật điều trị glôcôm góc mở
+ Phẫu thuật lỗ rò
+ Phẫu thuật cắt củng mạc sâu không
xuyên thủng
+ Phẫu thuật đặt van dẫn lưu tiền
phòng
+ Laser quang đông thể mi
Kỹ thuật: Đọc chi tiết trong “Quy
trình kỹ thuật”
- Điều trị phối hợp
Điều trị chuyên khoa về các bệnh
toàn thân
Thuốc có tác dụng bảo vệ thần kinh
hứa hẹn nhiều triển vọng trong điều trị glôcôm hiện đang trong giai đoạn thử
nghiệm lâm sàng.
Thuốc dãn mạch, tăng tuần hoàn nuôi
dưỡng thị thần kinh như ginko biloba, cavinton, duxil….
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
Glôcôm góc mở nguyên phát thường
xuất hiện âm thầm, gây tổn thương cả hai mắt, nhưng thường một mắt nặng hơn mắt
bên kia. Bệnh tiến triển chậm, lần lượt qua từng giai đoạn, nếu không được phát
hiện và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến mù lòa.
6. PHÒNG NGỪA MÙ LÕA DO GLÔCÔM GÂY
NÊN
Glôcôm góc mở là một bệnh nguy hiểm
gây mù loà không có khả năng điều trị hồi phục. Tuy nhiên có thể phòng ngừa mù
lòa do bệnh glôcôm gây nên bằng cách khám phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, điều
trị kịp thời trong các đối tượng nguy cơ cao và theo dõi, quản lý người bệnh
lâu dài theo quy trình để kiểm soát được diễn biến bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Волков В.В.(2008): Глаукома
открытоугольная, Москва, МИА.
2. Lam D.S, Tano Y., Rich R., Rao
S.K. (2008): Glaucoma Diagnostics, A-Z in Ophthalmology, Section A, Book 1,
Hong Kong, Bon Vision Limited.
3. Michael V Boland, Harry A Quigley
(2011). “Evaluation of a combined index of optic nerve structure and
function for glaucoma diagnosis”, BMC Ophthalmology, 11:6
4. Мошетова Л.К., Нестеров А.П.,
Егорова Е.А. (2009): Офтальмология, Москва, ГЭОТАР-Медия.
5. Myron Yanoff, Jay S. Duker(2009):
Ophthalmology, 3rd edition, Elsevier Inc.
6. Hестеров А П (2008): Глаукома,
Москва, МИА.
7. Robert L Stamper, Marc F Lieberman,
Michael V Drake (2009): Becker-Shaffer’s Diagnosis and Therapy of the
Glaucomas, 8th edition”, Elsevier Inc.
TĂNG NHÃN ÁP SAU CHẤN THƯƠNG ĐỤNG DẬP
1. ĐẠI CƯƠNG
Chấn thương đụng dập có thể gây tăng
nhãn áp theo nhiều cơ chế khác nhau. Mắt bị chấn thương có nhãn áp cao trên
24mmHg (theo nhãn áp Maclakov). Tăng nhãn áp có thể gây tổn hại thị thần kinh
không có khả năng hồi phục, lõm đĩa thị, thu hẹp thị trường.
2. NGUYÊN NHÂN
Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng
dập có thể xuất hiện cấp tính, nhưng cũng có thể xuất hiện muộn, mãn tính.
- Viêm màng bồ đào sau chấn thương
đụng dập.
- Xuất huyết tiền phòng, xuất huyết
dich kính, nội nhãn.
- Sa lệch thể thủy tinh, đặc biết sa thể thủy tinh ra tiền phòng gây tăng nhãn áp cấp
tính, dịch kính ở tiền phòng, nghẽn đồng tử.
- Tổn thương góc tiền phòng: lùi góc
tiền phòng, chấn thương vùng bè, rách vùng bè, rách thể mi.
- Tắc nghẽn vùng bè do tế bào máu,
tế bào viêm, chất thể thủy tinh, dịch
kính.
- Tăng nhãn áp muộn xuất hiện sau
một thời gian bị chấn thương đã lâu do dính ở chu biên, dính đồng tử, lệch thể
thủy tinh, dịch kính ở tiền phòng, viêm
mạn tính.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng:
- Triệu chứng cơ năng
Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng
dập có thể xuất hiện sớm hoặc muộn ngay sau chấn thương hoặc sau chấn thương
một thời gian. Các triệu chứng có khi xuất hiện không điển hình (phụ thuộc vào
từng bệnh nhân).
+ Đau nhức mắt, có thể đau nửa đầu
cùng bên.
+ Buồn nôn, nôn.
+ Nhãn áp trên 24 mmHg (Maclakov -
quả cân 10 gr).
+ Giảm thị lực.
- Triệu chứng thực thể:
+ Cương tụ rìa.
+ Phù giác mạc.
+ Đồng tử thường giãn.
+ Các tổn thương phối hợp thường gặp:
● Xuất huyết tiền phòng, xuất huyết
nội nhãn.
● Sa lệch thể thủy tinh, rung rinh mống mắt, đứt chân mống mắt,
có thể có nghẽn đồng tử.
b. Cận lâm sàng
- Khám OCT phần sau nhãn cầu, đánh
giá tổn thương thị thần kinh, OCT phần trước nhãn cầu đánh giá thể thủy tinh, tiền phòng, mống mắt.
- Khám siêu âm: đánh giá dịch kính,
võng mạc, hốc mắt.
- Khám siêu âm sinh hiển vi (UBM) có
thể đánh giá các tổn thương như lệch thể thủy
tinh, đứt dây Zinn...
- Tổn thương góc tiền phòng: góc
đóng hoặc lùi góc, dính góc...
- Tăng nhãn áp đã lâu có thể thấy:
thu hẹp thị trường, lõm đĩa rộng.
c. Chẩn đoán xác định
- Tiền sử có chấn thương mắt.
- Căn cứ vào khám lâm sàng, kết quả
xét nghiệm đo nhãn áp, đo thị trường.
d. Chẩn đoán phân biệt
- Glôcôm nguyên phát
- Tăng nhãn áp do các nguyên nhân
khác: glôcôm thứ phát do Coctison, do đái tháo đường...
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Phải điều trị nội khoa trước tiên,
nếu nhãn áp không điều chỉnh sau một thời gian thì cân nhắc phẫu thuật. Không được
chỉ đinh phẫu thuật sớm ngay sau khi bị chấn thương để hạ nhãn áp khi chưa điều
trị nội khoa, trừ khi có sa thể thủy tinh
ra tiền phòng.
- Tìm nguyên nhân gây tăng nhãn áp
để điều trị.
- Điều trị ngoại khoa khi cần thiết.
b. Điều trị cụ thể
- chống viêm, tiêu máu, hạ nhãn áp,
giảm phù, an thần.
+ Chống viêm:
● Tại chỗ: tra mắt: dung dịch
steroid, thuốc chống viêm không steroid.
● Toàn thân: prednisolon 1mg/1kg cân
nặng/ ngày.
+ Tiêu máu: điều trị theo phác đồ
điều trị xuất huyết tiền phòng và xuất huyết nội nhãn (xem bài Xuất huyết tiền
phòng, nội nhãn sau chấn thương).
+ Thuốc hạ nhãn áp:
● Tra thuốc ức chế beta.
● Trong trường hợp tăng nhãn áp muộn
(sau chấn thương 1 tháng) có thể dùng thuốc nhóm Prostagladin.
Nếu nhãn áp không điều chỉnh bằng
thuốc tra: có thể uống Acetazolamid 0,25g x 2 viên / ngày và phối hợp điều trị
với thuốc chống rối loạn điện giải (Kaleorid 0,6g: 1- 2 viên / ngày).
Trong quá trình điều trị cần theo
dõi đo nhãn áp để kiểm tra.
● Giảm phù: Tra nước muối 5% 4 lần/ngày.
Uống thuốc giảm phù (Alphachoay 2 viên/ngày).
● Tăng sức đề kháng và dinh dưỡng.
● An thần giảm đau.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Tăng nhãn áp sau chấn thương đụng
dập là bệnh cảnh có cơ chế phức tạp do cùng một lúc gây nên bởi nhiều tổn thương
phối hợp, vì vậy cần phải theo dõi sát sao và điều tri thuốc hoặc phẫu thuật
khi có chỉ định. Thị lực thường giảm nhiều do kèm theo các tổn thương phối hợp.
- Có khi phải phẫu thuật nhiều lần:
lỗ dò, quang đông, đặt van dẫn lưu.
- Biến chứng:
+ Teo thị thần kinh
+ Đau nhức mắt
+ Giãn lồi củng mạc.
+ Mất chức năng.
6. PHÒNG BỆNH
- Tuyên truyền giáo dục cho người
dân biết cách phòng chấn thương mắt, đặc biệt đối với các cháu học sinh
- Cần khám định kỳ kiểm tra theo dõi
nhãn áp trên bệnh nhân có tiền sử chấn thương, tiền sử tăng nhãn áp sau chấn thương,
lùi góc tiền phòng sau chấn thương, để kịp thời điều trị trước khi xảy ra các
biến chứng không còn khả năng điều trị như loạn dưỡng giác mạc, lõm đĩa rộng,
mất chức năng.
TÀI
LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Việt Nga (1999), “Nghiên
cứu về tăng nhãn áp sau sa lệch thể thủy
tinh do chấn thương đụng dập và các biện pháp điều trị”, Luận văn Thạc sĩ Y
học, Trường Đại học Y Hà Nội, Hà Nội.
2. Nguyễn Thị Thu Yên, Nguyễn Quốc
Anh, Nguyễn Văn Đàm (2012), “Chấn thương đụng dập nhãn cầu”, Nhãn khoa, tập
2, Nhà xuất bản Y học, Đỗ Như Hơn chủ biên, tr. 341- 352.
3. Albert and Jacobie (2008). “Trauma”,
edited by Mieler WF, Haripasad SM in “Principles and practice of
ophthalmology”, pp. 5069-5221.
4. Banta JT, Moore KJ ( 2007),
“Ocular trauma. Saunder Elsvier.
5. Campbell DG (1982), “Ghost cell
glaucoma following trauma”. Ophthalmology; 89 (3), pp. 227-230.
6. Eugene Milder, Kimberly David (2008).
Ocular trauma and Glaucoma, International ophthalmology clinics ,
Lippincott Williams & Wilkins, Vol 48, Nº 4, pp. 47-64.
7. Girkin CA, McGwin G Jr, Long C, Morris R, Kuhn F.(2005),
8. “Glaucoma after
ocular contusion: a cohort study of the United States Eye Injury Registry”. J Glaucoma. Dec 14 (6)
pp. 470-473.
9. Kuhn F (2008), “Posttraumatic
glaucoma”, Ocular traumatology, Edit by Kuhn F, Springer Publishers, pp.
437- 451.
10. Manner T, Salmon JF,
Barron A et al (2001), “Trabeculectomy with Mitomycin C in the treatment of
posttraumatic angle recession glaucoma”, Br.J. Ophthalmol, 185, pp. 159-
163.
11. Ramanjit Sihota, Sunil
Kumar et al (2008), “Early Predictors of Traumatic Glaucoma After Closed
Globe InjuryTrabecular Pigmentation, Widened Angle Recess, and Higher Baseline
Intraocular Pressure” , Arch Ophthalmol. 126(7) pp. 921-926.
XUẤT HUYẾT NỘI NHÃN SAU CHẤN THƯƠNG
1. ĐỊNH NGHĨA
Xuất huyết nội nhãn là
tình trạng chảy máu vào tiền phòng và/hoặc dịch kính xảy ra sau chấn thương.
Tùy theo mức độ xuất huyết và nguồn gốc xuất huyết sẽ ảnh hưởng đến thị lực và
tình trạng biến chứng kèm theo.
2. NGUYÊN NHÂN
Xuất huyết tiền phòng
(XHTP) sau chấn thương đụng dập có 2 nguồn gốc chính: Từ mống mắt và/hoặc từ
thể mi. Trường hợp trên mắt đã lấy thể thủy
tinh có thể gặp XHTP có nguồn gốc từ xuất huyết dịch kính đi ra phía trước.
Xuất huyết dịch kính
(XHDK) sau chấn thương đụng dập có thể đi kèm với xuất huyết tiền phòng và cũng
có cùng nguồn gốc xuất huyết như trên, ngoài ra, XHDK còn có thể do nguyên nhân
từ các chấn thương kèm theo vùng hậu cực như các vết rách hắc mạc, võng mạc có
tổn thương mạch máu.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Trường hợp XHTP Chủ
quan:
+ Nhìn mờ sau chấn thương
+ Đỏ mắt
+ Đau nhức
Khách quan:
+ Khám mắt thấy có máu
trong tiền phòng. Có thể chia thành các mức độ qua quan sát trên sinh hiển vi
khám bệnh:
+ Độ I: Láng máu tiền
phòng hoặc ngấn máu dưới 1/3 tiền phòng
+ Độ II: Máu chiếm 1/3
đến ½ tiền phòng
+ Độ III: Máu chiếm trên
½ tiền phòng
Các tổn thương khác kèm
theo có thể có trên mắt XHTP:
+ Tổn thương bán phần trước:
Trợt biểu mô giác mạc, rách màng Descemet, phù giác mạc, lùi góc, đứt chân mống
mắt, đứt cơ vòng đồng tử, đục- lệch thể thủy tinh,...
+ Tổn thương bán phần
sau: XHDK (hay gặp khi có lệch TTT kèm theo), phù, xuất huyết võng mạc, rách
hắc võng mạc, chấn thương thị thần kinh.
- Trường hợp XHDK Chủ
quan:
+ Nhìn mờ sau chấn thương
Khách quan:
+ Có máu trong buồng
dịch kính quan sát trên sinh hiển vi, chia thành các mức độ:
+ Nhẹ: Có hồng cầu trong
buồng dịch kính, vẩn đục dịch kính
+ Vừa: Vẩn đục dịch kính
nhiều, quan sát được đáy mắt nhưng không rõ chi tiết
+ Nặng: Đục dịch kính
toàn bộ không quan sát được đáy mắt.
+ Khám lâm sàng còn phát
hiện các tổn thương kèm theo trên mắt xuất huyết nhằm mục đích có phương pháp
điều trị và chế độ theo dõi hợp lý cho người bệnh.
b. Cận lâm sàng
Siêu âm B có thể giúp
đánh giá mức độ XHDK và phát hiện các tổn thương dịch kính- võng mạc kèm theo
trong trường hợp không quan sát được chi tiết đáy mắt qua khám lâm sàng. Ngoài
ra, qua theo dõi siêu âm có thể phát hiện các biến chứng trên đĩa thị- võng mạc
xuất hiện trong quá trình điều trị, từ đó có thể thay đổi phác đồ điều trị.
c. Chẩn đoán xác định
Trên các dấu hiệu lâm
sàng và cận lâm sàng để chấn đoán xác định vị trí và mức độ xuất huyết nội nhãn
sau chấn thương.
d. Chẩn đoán phân biệt
Đa số các trường hợp
xuất huyết nội nhãn sau chấn thương có biểu hiện rõ ràng, ít khi cần đến chẩn
đoán phân biệt. Một số trường hợp đặc biệt cần chẩn đoán phân biệt với:
+ Xuất huyết nội nhãn
nặng đi kèm với vỡ nhãn cầu, biểu hiện lâm sàng bằng mắt đau nhức, kích thích,
mắt mềm, phẫu thuật cấp cứu thăm dò vết thương củng mạc sẽ cho hướng xử trí
tiếp theo
+ Viêm mủ nội nhãn: mắt
kích thích, đau nhức; kết mạc cương tụ, mi sưng nề; tủa viêm sau giác mạc; ngấn
mủ tiền phòng; ánh đồng tử vàng, buồng dịch kính có mủ,...
+ Đục dịch kính hoặc tổ
chức hóa dịch kính do các nguyên nhân
khác.
4. ĐIỀU TRỊ:
a. Nguyên tắc chung
- Dừng chảy máu
- Tiêu máu
- Điều trị biến chứng.
b. Điều trị cụ thể
- Dừng chảy máu:
Có thể cân nhắc sử dụng
một trong các thuốc chống chảy máu:
+ Transamin (viên nang
250 mg, viên nén 500 mg, ống tiêm 500mg/5ml)
Liều dùng: Uống 750-
2000 mg mỗi ngày, chia làm 3- 4lần.
+ Adrenoxin (viên 10 mg)
Liều dùng: Uống 1- 3
viên mỗi ngày, trước các bữa ăn 1h. Trẻ em từ 1- 2 viên mỗi ngày.
- Tiêu máu:
Có thể dùng các thuốc
tiêu máu như: Hyasa tiêm cạnh nhãn cầu 180 đơn vị/0,5 ml cạnh nhãn cầu
- Điều trị xuất huyết
tiền phòng:
+ Nghỉ ngơi tại giường,
hạn chế vận động, nằm đầu cao.
+ Tra mắt:
● Chống viêm: nhóm
Steroid.
● Giãn đồng tử, liệt thể
mi.
+ Thuốc uống:
● Tam thất bột 10gr/ngày
● Liệu pháp corticoid:
Liều lượng trung bình 0.75mg/kg cân nặng, có thể dùng đường uống hoặc dùng đường
tiêm.
● Điều trị thuốc hạ nhãn
áp khi có tăng nhãn áp: Bằng các thuốc uống và/hoặc tra tại mắt.
+ Cân nhắc phẫu thuật
tháo máu tiền phòng khi có một trong các dấu hiệu sau:
● Biến chứng tăng nhãn
áp đe doạ ngấm máu giác mạc, không đáp ứng với điều trị nội khoa, thường tiến
hành sau 5 ngày nếu điều trị nội khoa không kết quả.
● Ngấm máu giác mạc
● Xuất huyết mức độ
nặng, máu không tiêu sau thời gian điều trị nội khoa.
- Điều trị xuất huyết
dịch kính:
+ Mức độ nhẹ: Phác đồ
điều trị như với xuất huyết tiền phòng, cần theo dõi sát tiến triển xuất huyết
và tình trạng dịch kính võng mạc kèm theo.
+ Mức độ vừa: Theo dõi
tiến triển xuất huyết và tình trạng võng mạc bằng siêu âm B, theo dõi biến
chứng võng mạc do tăng sinh dịch kính.
+ Mức độ nặng: Cân nhắc
phẫu thuật khi tiên lượng điều trị nội khoa không tiêu hết máu; phương pháp
điều trị là phẫu thuật cắt dịch kính qua pars plana. Cắt dịch kính có khả năng
giải quyết hết lượng máu trong dịch kính, đồng thời phát hiện, xử lý sớm các
tổn thương võng mạc kèm theo do chấn thương. Chỉ định cắt dịch kính thông thường
sau 2- 3 tháng, tốt nhất là sau khi đã có bong dịch kính sau (Qua theo dõi định
kỳ hoặc trên hình ảnh siêu âm).
- Điều trị các tổn thương
kèm theo trên mắt xuất huyết nội nhãn: Tùy
theo loại tổn thương phối hợp và mức độ xuất huyết có thể tiến hành điều trị
đồng thời các tổn thương phối hợp trên mắt chấn thương, hoặc sau quá trình điều
trị xuất huyết nội nhãn.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG:
a. Tiến triển
- Tiến triển xuất huyết
nội nhãn phụ thuộc vào các yếu tố:
+ Mức độ xuất huyết
+ Xuất huyết tái phát
+ Các tổn thương nội
nhãn phối hợp
+ Tình trạng toàn thân
và độ tuổi bệnh nhân
+ Thời gian điều trị sau
chấn thương.
- Xuất huyết nội nhãn
mức độ nhẹ có thể theo dõi và điều trị nội khoa, mức độ xuất huyết sẽ tiêu dần
theo thời gian. Với trường hợp xuất huyết nặng, tiến triển có thể dẫn đến xuất
hiện các biến chứng.
b. Biến chứng:
Sau XHTP, biến chứng có
thể gặp:
+ Ngấm máu giác mạc
+ Tăng nhãn áp
+ Viêm màng bồ đào
+ Dính mống mắt
+ Teo thị thần kinh
+ Xuất huyết tái phát
- Biến chứng xuất hiện
phụ thuộc vào mức độ xuất huyết, thời gian từ khi chấn thương đến khi được phát
hiện và điều trị.
- Sau XHDK có thể gặp
các biến chứng:
+ Bong võng mạc
+ Tăng sinh dịch kính-
võng mạc
XHDK có biến chứng là
một chỉ định can thiệp ngoại khoa trên mắt có XHDK.
6. PHÒNG BỆNH:
Tăng cường công tác
tuyên truyền về an toàn lao động, đảm bảo trang thiết bị an toàn lao động khi
làm việc; giáo dục các cháu thiếu nhi không chơi các đồ chơi bạo lực. Cảnh báo
nguy hiểm ở những nơi có công trường lao động, nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ,...
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Thu Yên,
Nguyễn Quốc Anh, Nguyễn Văn Đàm (2012), “Chấn thương đụng giập nhãn cầu”, Nhãn
khoa , tập 2, tr. 342- 343.
2. R P Crick, P T Khaw
(2003), “Ocular trauma”, A Textbook of Clinical Ophthalmology, pp 151-
154
3. Kuhn F (2008), “Anterior chamber”, Ocular traumatology, Springer
publishers, pp.209- 230
4. Kuhn F (2008), “Vitreous
and Retina”, Ocular traumatology, Springer publishers, pp.281- 335
5. Kuhn F (2002), “Anterior
Chamber”, Ocular trauma- Principles and Practice, Thieme, pp.131- 146
6. Kuhn F (2002),
“Vitreous and Retina”, Ocular trauma- Principles and Practice, pp 206-235
7. W Walton, S Von
Hagen, R Grigorian, M Zarbin (2003), “Prise en charge d’un hyphéma
post-traumatique”, Encyclopédie médico-chirurgicale, Masson- Elsevier,
21-700-A-30.
VIÊM MỦ NỘI NHÃN NỘI SINH
1. ĐỊNH NGHĨA
Viêm mủ nội nhãn (VMNN)
nội sinh là tình trạng viêm các tổ chức trong nhãn cầu, đặc trưng bởi sự xâm
nhập của bạch cầu đa nhân gây hoại tử mủ do các tác nhân gây bệnh đi đến mắt
qua đường máu, dẫn đến hình thành mủ trong tiền phòng và dịch kính.
2. NGUYÊN NHÂN
Tác nhân gây viêm nội
nhãn (có thể là vi khuẩn hay gặp như phế cầu, trực khuẩn mủ xanh; vi rút, kí
sinh trùng, nấm), thường đến mắt theo đường máu do nhiễm trùng từ một cơ quan
khác ở gần mắt như: tai mũi họng, răng hàm mặt … hoặc đến từ cơ quan ở xa mắt
(như thận, xương, nội tâm mạc …) hoặc do nhiễm khuẩn huyết hay do tiêm truyền
tĩnh mạch.
Điều kiện thuận lợi:
viêm mủ nội nhãn hay gặp ở trẻ em suy giảm miễn dịch hoặc ốm lâu ngày.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
+ Đau nhức mắt, đỏ mắt
+ Nhìn mờ tùy mức độ, nhưng
thường nhanh và nhiều
- Triệu chứng thức thể
+ Phù mi, cảm giác thể
mi (+)
+ Mắt kích thích, kèm cương
tụ kết mạc, cương tụ rìa
+ Phù giác mạc, có thể
có tủa sau giác mạc
+ Xuất tiết ở diện đồng
tử, dính bờ đồng tử
+ Phản ứng tiền phòng
(như Tyndall tiền phòng; mủ tiền phòng)
+ Thể thủy tinh có thể
đục hoặc hóa mủ
+ Viêm, mủ trong dịch
kính tùy mức độ từ nặng đến nhẹ, mủ dịch kính có thể loãng, lơ lửng từng dây
trong dịch kính, có thể đặc.
+ Đáy mắt: trong viêm mủ
nội nhãn nội sinh cấp tính thường không soi được đáy mắt do mủ trong dịch kính
che lấp, nếu còn soi được có thể gặp tổn thương võng mạc và hắc mạc.
- Triệu chứng toàn thân
Trẻ có thể có sốt, quấy
khóc do đau nhức mắt
b. Cận lâm sàng
- Xét nghiệm vi sinh
Chẩn đoán chính xác tác
nhân gây viêm mủ nội nhãn nội sinh rất quan trọng trong việc lựa chọn kháng
sinh thích hợp để điều trị bệnh. Để xác định tác nhân gây bệnh cần lấy bệnh
phẩm từ chọc hút dịch tiền phòng, hoặc dịch kính (tốt nhất khi chưa điều trị
kháng sinh) để xét nghiệm:
+ Vi sinh tế bào: soi tươi,
soi trực tiếp và nuôi cấy vi khuẩn (NCVK) và làm kháng sinh đồ giúp lựa chọn
kháng sinh thích hợp cho điều trị nhiễm trùng mắt và nhiễm trùng toàn thân.
+ Vi sinh phân tử: PCR, ….
+ Cách lấy bệnh phẩm từ
chọc hút tiền phòng và dịch kính:
● Chọc hút dịch tiền
phòng: dùng kim 25G, chọc qua rìa giác mạc vào tiền phòng và hút 0,1 ml dịch để
làm xét nghiệm. Sau đó cho bệnh phẩm vào ống nghiệm vô khuẩn có đậy kín và đưa
ngay đến phòng xét nghiệm.
● Chọc hút dịch kính:
bằng kim hút cỡ 23, chọc qua pars plana và DK trước, hút 0,2 ml DK làm xét
nghiệm. Ngoài ra có thể lấy mủ DK bằng cắt DK lấy mủ xét nghiệm, đồng thời cắt
mủ trong DK để điều trị, có thể kết hợp đưa kháng sinh vào nội nhãn.
● Nuôi cấy vi khuẩn mủ
DK hoặc máu khi trẻ đang sốt.
- Siêu âm:
Xác định tình trạng dịch
kính, võng mạc (siêu âm đặc biệt có giá trị khi bệnh nhân có dính bít đồng tử
do viêm, không quan sát được phía sau).
- Các xét nghiệm cần
làm thêm về toàn thân
+ Phân tích máu, nước
tiểu
+ Khám toàn thân, TMH,
RHM … để phát hiện các ổ viêm nhiễm có thể là nguyên nhân dẫn đến VMNN nội sinh
c. Chẩn đoán xác định:
Chẩn đoán viêm mủ nội
nhãn cần dựa vào các bằng chứng sau:
- Biểu hiện lâm sàng (như
triệu chứng ở mục a)
- Kết quả siêu âm: có
đục dịch kính nhiều, có mủ dịch kính
- Kết quả xét nghiệm vi
sinh
d. Chẩn đoán phân biệt:
- Viêm kết mạc cấp ở trẻ
em
- Viêm màng bồ đào trước,
viêm màng bồ đào sau
- Với u nội nhãn (đặc
biệt là ở trẻ em, tốt nhất là dựa vào siêu âm, chụp cộng hưởng từ).
- Xuất huyết dịch kính
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Tìm nguyên nhân và
điều trị
- Bảo về tổ chức nhãn
cầu
- Tăng cường miễn dịch
cơ thể
- Điều trị sớm, tích cực
ngay từ đầu.
- Chống nhiễm khuẩn
- Chống viêm
- Chống dính
- Kết hợp điều trị ngoại
khoa khi cần thiết.
b. Điều trị cụ thể
Tại mắt:
Chống nhiễm khuẩn: dùng ngay kháng sinh
phổ rộng; khi có kết quả vi sinh điều trị theo kháng sinh đồ.
+ Tra mắt: tốt nhất chọn
các kháng sinh được khuyến cáo có thể ngấm vào tiền phòng. Có thể dùng một
trong các thuốc sau tra 4-6 lần /ngày:
● Nhóm Quinolones.
● Nhóm Aminosid.
+ Tiêm dưới kết mạc,
tiêm cạnh nhãn cầu.
+ Tiêm nội nhãn: Tốt
nhất theo kháng sinh đồ. Tùy loại kháng sinh mà có liều lượng khác nhau và liều
cũng khác nhau giữa người lớn và trẻ em. Số lượng tiêm nội nhãn: 0,1ml; kháng
sinh khác nhau tiêm riêng. Đối với trẻ em cần gây mê để tiêm.
● Các kháng sinh thường
được sử dụng là:
o Nhóm Glycopeptid kết
hợp với Ceftazidim 2mg/0,1ml hoặc kết hợp với Amikacin 0,4mg/0,1ml.
o Kháng sinh chống nấm
như Amphotericin B.
● Tiêm nhắc lại: tùy
theo tiến triển của bệnh và đáp ứng của mắt với tiêm. Có thể tiêm nhắc lại sau
48 giờ và không nên tiêm quá 3 lần.
● Có thể kết hợp tiêm
kháng sinh và corticoid nội nhãn.
● Sau tiêm nội nhãn cần
cho thuốc hạ nhãn áp và chú ý theo rõi biến chứng có thể xảy ra khi tiêm nội
nhãn như:
o Tăng nhãn áp
o Chọc vào thể thủy tinh
gây đục, vỡ thể thủy tinh
o Xuất huyết nội nhãn do
chọc vào mạch máu
o Rách võng mạc
Chống viêm:
+ Thuốc chống viêm
Steroid có thể kết hợp kháng sinh, tra 4 lần/ngày.
Dùng một trong các thuốc
sau:
● Prednisolone
● Bethamethasone
● Fluorometholone
● Hydrocortisol
● Tobramycine kết hợp
Dexamethasone, Maxitrol, Poly - pred (Dexa + Neo + Polymycine B), …
+ Thuốc không Steroid
tra 4 lần/ngày.
Chống dính đồng tử: tra Atropin 1-4%.
Trong trường hợp theo dõi thấy vẫn không tách dính được đồng tử thì cần tiêm
tách dính 4 điểm (pha atropin 1% với adrenalin 1%).
Toàn thân:
+ Kháng sinh (nên theo
kháng sinh đồ, liều dùng theo cân nặng bệnh nhân): Có thể theo đường uống, tiêm
bắp, tốt nhất là tiêm truyền tĩnh mạch để điều trị ổ nhiễm trùng nguyên phát
hoặc nhiễm trùng huyết)
Các kháng sinh có thể dùng
là: Cephalossporin thế hệ 3 liều 30 - 100mg/kg/ngày, chia làm 2 hay 3 lần.
+ Chống viêm (liều dùng
theo cân nặng bệnh nhân): có thể dùng đường uống, tiêm bắp, đường tĩnh mạch
hoặc kết hợp. Liều 0,8 - 1,2mg/kg/ngày, dung một lần vào buổi sáng.
● Thuốc uống: viên
Prednisolone 5mg, Medrol 4mg, Medrol 16mg…
● Tiêm bắp:
Dexamethasone 4mg hoặc 16mg
● Tiêm tĩnh mạch: Solu -
medrol 40mg
+ Giảm phù: Alphachymotrypsin
4 - 6 viên/ngày chia 2 - 3 lần.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG
- Viêm mủ nội nhãn là
một bệnh nặng, tiến triển nhanh có thể gây tổn hại nặng về chức năng thị giác
và giải phẫu dẫn tới mù lòa.
- Nếu được điều trị sớm,
tích cực; đúng qui trình bệnh có thể đỡ, mủ nội nhãn có thể loãng ra và tiêu
bớt, chức năng thị giác có thể được phục hồi.
- Nếu muộn, bệnh thường
tiến triển nặng, dẫn tới viêm toàn nhãn hoặc viêm tổ chức hốc mắt, không phục
hồi được thị lực.
6. PHÒNG BỆNH
- Điều trị sớm và tích
cực các ổ nhiễm khuẩn tại mắt và toàn thân.
- Khi có dấu hiệu đỏ mắt
cần đi khám ngay ở các cơ sở chuyên khoa mắt.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Basic and Clinical
Science Course. Section 9. Endophthalmitis and Uveitis. American Acsdemy
of Ophthalmology 1995-1996.
2. Barza M. Factors affecting
the intraocular penetration of antibiotics. Scand J Infect Dis. (Suppl)
1978;14:151-159.
3. Jackson TL, Eykyn SJ,
Graham EM, et al. Endogenous bacterial endophthalmitis: A 17-y prospective
series and review of 267 reported cases. Surv Ophthalmol. 2003;48:403-423.
4. Schiedler V, Scott
IU, Flynn HW Jr, et al. Culture-proven endogenous endophthalmitis: clinical
features and visual acuity outcomes. Am J Ophthalmol. 2004;137:725-731.
5. Wong JS, Chan TK, Lee
HM, et al. Endogenous bacterial endophthalmitis: an East Asian experience
and a reappraisal of a severe ocular affliction. Ophthalmology.
2000;107:1483-1491.
VIÊM MỦ NỘI NHÃN NGOẠI SINH
1. ĐỊNH NGHĨA
Viêm mủ nội nhãn được
dùng trong lâm sàng để chỉ tình trạng viêm của các thành phần trong nhãn cầu
đặc trưng bởi sự xâm nhập của bạch cầu đa nhân trung tính gây hoại tử mủ do các
tác nhân gây bệnh vào mắt sau chấn thương mắt hoặc sau phẫu thuật mắt.
Viêm mủ nội nhãn là bệnh
cảnh có thể gặp sau vết thương xuyên nhãn cầu hoặc sau phẫu thuật nội nhãn (
phẫu thuật lấy thể thủy tinh đục, phẫu
thuật cắt bè, phẫu thuật cắt dịch kính...). Được gọi là viêm mủ nội nhãn khi
phản ứng viêm mủ còn khu trú trong lòng nhãn cầu ( khi phản ứng viêm mủ đã lan
rộng ra các lớp vỏ nhãn cầu và tổ chức hốc mắt thì gọi là viêm mủ toàn nhãn).
2. NGUYÊN NHÂN
- Do vi khuẩn, nấm, kí
sinh trùng, virus. Hay gặp là vi khuẩn Gram dương khoảng từ 60- 70%, có thể
phối hợp nhiều loại vi khuẩn, hoặc vi khuẩn và nấm. Các vi khuẩn Gram âm và kị
khí gặp ít hơn. Tác nhân hay gặp sau mổ thể thủy
tinh là Staphylococcus spp, Streptococcus spp, Bacillus spp. Tác nhân
gây bệnh vào nội nhãn qua vết thương, qua các vật gây chấn thương, từ túi kết
mạc đi vào nội nhãn trong quá trình phẫu thuật.
- Một số yếu tố nguy cơ như
suy giảm miễn dịch, các bệnh lý nhiễm trùng tại mắt, quanh mắt...có thể tạo
điều kiện cho sự phát triển bệnh.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Thể cấp tính: bệnh thường
biểu hiện sau chấn thương hay sau phẫu thuật trong tuần đầu. Các triệu chứng thường
rầm rộ.
Cơ năng: phản ứng viêm
biểu hiện:
+ Sưng nề mi mắt, chảy nước
mắt, khó mở mắt.
+ Nóng: Bệnh nhân có cảm
giác nóng ở mi và mắt.
+ Đỏ: Mi và kết mạc đỏ
rực lên.
+ Đau nhức mắt, buồn
nôn, có thể kèm nhức đầu.
+ Nhìn mờ, sợ ánh sáng.
Thực thể: Nguyên tắc
khám từ trước ra sau (trên sinh hiển vi).
+ Phản ứng thể mi (+).
+ Nhãn áp có thể cao.
+ Hai mi sưng nề, bóng
đỏ. Nhãn cầu có thể lồi.
+ Kết mạc cương tụ toàn
bộ (cả hệ thống nông và sâu)
+ Giác mạc phù, có tủa
sau giác mạc, có thể có áp xe giác mạc.
+ Tiền phòng: Tyndall
(+), có thể có ngấn mủ tiền phòng.
+ Đồng tử thường dính,
kém giãn, có thể thấy màng xuất tiết diện đồng tử. Ánh đồng tử kém hồng, xám,
vàng.
+ Thể thủy tinh có thể đục vỡ, hóa mủ.
+ Dịch kính đục theo
nhiều mức độ: vẩn đục nhẹ có thể xem lờ mờ đáy mắt, nặng có thể thấy dich kính
đục trắng ánh vàng bẩn (ánh đồng tử tối).
+ Đáy mắt: thường không
soi được do vẩn đục các môi trường trong suốt, nếu còn soi được có thể thấy
võng mạc có xuất tiết hay hoại tử võng mạc, viêm tắc mạch võng mạc.
+ Thị lực giảm sút nhiều
cho đến ST(-).
+ Bệnh nhân có thể có
sốt cao, mệt mỏi.
- Thể mãn tính: Triệu
chứng thường không điển hình, biểu hiện giống như một viêm màng bồ đào âm ỉ.
Khám thấy có tế bào viêm trong tiền phòng, dịch kính. Bệnh nhân có cảm giác
nhìn mờ, chói sáng, nhức nhẹ. Điều trị với các thuốc chống viêm không đỡ.
b. Cận lâm sàng.
- Xét nghiệm vi sinh: Có
vai trò quan trọng trong chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh. Có 2 xét nghiệm chính:
+ Soi tươi, soi trực
tiếp.
+ Nuôi cấy vi khuẩn và
kháng sinh đồ.
Bệnh phẩm là dịch hút
trong tiền phòng và có thể chọc hút dịch kính làm xét nghiệm. Qua đây xác định
chính xác nguyên nhân gây bệnh do:
+ Vi khuẩn: Chỉ rõ loại
vi khuẩn.
+ Nấm: Chỉ rõ loại nấm.
Có một số trường hợp gặp
nhiều tác nhân gây bệnh trên cùng một mắt.
Hoặc kết hợp với 2 loại
vi khuẩn và nấm.
- Nếu có điều kiện làm
xét nghiệm PCR và giải trình tự cho kết quả dương tính cao hơn và nhanh hơn (6
giờ) so với làm xét nghiệm nuôi cấy vi khuẩn thông thường (sau 48 giờ).
- Siêu âm: Đánh giá tình
trạng dịch kính, võng mạc, có hay không có dị vật nội nhãn, hoặc sót mảnh nhân
trong buồng dịch kính. Trong viêm mủ nội nhãn dịch kính thường đục hoặc có đám
tổ chức liên kết dày.
c. Chẩn đoán xác định
Căn cứ vào khám lâm
sàng, kết quả xét nghiệm vi sinh và kết quả siêu âm như: đau nhức mắt, giảm thị
lực, giác mạc phù đục, tiền phòng có mủ hoặc Tyndall (+) ánh đồng tử kém hồng
(vàng hoặc xám), dịch kính vẩn đục, kết quả xét nghiệm vi sinh co vi khuẩn hoặc
nấm.
d. Chẩn đoán phân biệt
- Viêm màng bồ đào sau
chấn thương. Cần nghĩ đến viêm mủ nội nhãn sau chấn thương xuyên nhãn cầu khi
có đau trong mắt tăng lên bất thường, giảm thị lực nhiều, mủ tiền phòng hay áp
xe giác mạc. Chú ý các vết thương có kèm theo dị vật nội nhãn, vỡ thể thủy tinh, chấn thương nông nghiệp là những yếu
tố nguy cơ cao gây viêm mủ nội nhãn.
- Viêm màng bồ đào tăng
nhãn áp.
- Viêm màng bồ đào không
do nhiễm trùng, phản ứng viêm do chất thể thủy
tinh.
- Các bệnh lý gây đục
dịch kính khác.
4. ĐIỀU TRỊ.
a. Nguyên tắc chung
- Nếu có vết thương
xuyên nhãn cầu phải khâu vết thương. Nếu có dị vật nội nhãn cần lấy dị vật ra
khỏi nhãn cầu.
- Điều trị kháng sinh
sớm, mạnh, phổ rộng và có khả năng thấm tốt vào nội nhãn, tích cực.
- Khi có kết quả kháng
sinh đồ phải dùng kháng sinh theo kháng sinh đồ.
- Phối hợp điều trị với
corticoid (khi không có nấm).
- Viêm mủ nội nhãn do
nấm: Tuyệt đối không dùng chống viêm bằng corticoid.
- Trong những trường hợp
viêm mủ nội nhãn nặng không đáp ứng điều trị nội khoa có chỉ định phẫu thuật
phối hợp: Cắt dịch kính mủ, có thể kết hợp bơm dầu Silicon nội nhãn.
b. Điều trị cụ thể.
- Điều trị nội khoa viêm
mủ nội nhãn do vi khuẩn:
Kháng sinh- Chống viêm-
Giảm phù- Vitamin- An thần.
Kháng sinh:
+ Kháng sinh có thể dùng
1 hoặc phối hợp từ 2 nhóm kháng sinh trở lên tùy
thuộc vào mức độ bệnh và loại thuốc có (tra thuốc, uống thuốc, tiêm cạnh nhãn cầu,
tiêm nội nhãn, tiêm bắp, tiêm tĩnh mạch)
+ Tại chỗ: Tra thuốc:
Dung dịch và mỡ kháng sinh thích hợp với loại vi khuẩn tìm thấy ở kết quả xét
nghiệm vi sinh.
+ Toàn thân: Dùng loại
kháng sinh thích hợp với loại vi khuẩn tìm thấy ở kết quả soi tươi, soi trực
tiếp, nuôi cấy vi khuẩn (Ví dụ: Vi khuẩn Gram (-): Gentamycine, Amikacine,
Ceftazidime, kháng sinh nhóm Quinolon. Vi khuẩn Gram (+) dùng Vancomyxin).
+ Tiêm kháng sinh trực
tiếp nội nhãn (tiêm kháng sinh vào buồng dịch kính): Ceftazidime 2,25mg/0,1 ml hoặc
Gentamycin 0,2mg/ 0,1 ml - 0,4mg/0,1ml, Amikacin 0,4 mg ,hoặc Vancomycin 1mg/
0,1 ml (dựa vào kết quả kháng sinh đồ) (Xem bài Tiêm nội nhãn). Cân nhắc
khi tiêm kháng sinh nội nhãn lần thứ hai. Có thể kết hợp tiêm kháng sinh dưới
kết mạc.
Chống viêm, chống dính
+ Thuốc chống viêm có
Corticoid.
+ Cần giãn đồng tử:
● Dung dịch Atropin 1% -
4%
● Mỡ Atropin
Giảm phù.
Vitamin tăng sức đề
kháng cơ thể.
An thần.
* Chú ý: Nếu có tăng
nhãn áp thì phải điều trị hạ nhãn áp bằng thuốc tra hoặc thuốc uống.
- Điều trị nội khoa viêm
mủ nội nhãn do nấm
Cần dùng thuốc chống nấm
tại chỗ và toàn thân. Dựa vào kết quả xét nghiệm vi sinh. Thường dùng các thuốc
chống nấm sau:
+ Thuốc tra
● Dung dịch Ketoconazol
2 % tra mắt ngày 6 lần
● Dung dịch Natamycin 5%
tra mắt ngày 6 lần.
+ Tiêm nội nhãn:
Amphotericin B 0,005mg
(5µg) - 0,01 mg hoặc Miconazole 10 µg.
+ Toàn thân:
● Intraconazole 0,1 g x
2 viên/ ngày (21-30 ngày)
● Thuốc tiêm:
Amphoteracin B: tiêm tĩnh mạch: 2,25mg/kg cân nặng.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG
- Tiên triển của viêm mủ
nội nhãn nói chung và viêm mủ nội nhãn ngoại sinh ( sau chấn thương hoặc sau
phẫu thuật mắt) rất nặng, có thể dẫn đến teo nhãn cầu, mất chức năng, có khi
phải bỏ nhãn cầu, đặc biệt khi viêm mủ nội nhãn do nấm.
- Biến chứng: khi phản
ứng viêm mủ đã lan rộng ra cả tổ chức hốc mắt thì dẫn đến viêm mủ toàn nhãn,
thủng giác mạc, thậm chí nhiễm trùng huyết. Biến chứng khác: bong võng mạc, teo
gai thị, viêm tắc mạch máu võng mạc, xuất huyết võng mạc, teo nhãn cầu.
6. PHÒNG BỆNH
- Phát hiện sớm vết thương
xuyên nhãn cầu và điều trị cấp cứu khâu vết thương, lấy dị vật nội nhãn sớm (
nếu có) dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao.
- Đảm bảo các nguyên tắc
vô trùng trong phẫu thuật.
- Điều trị dự phòng
kháng sinh trước, trong và sau mổ trong các phẫu thuật nội nhãn.
- Viêm mủ nội nhãn cần được
chẩn đoán sớm và điều trị cấp cứu để hạn chế mất chức năng hoặc khoét bỏ nhãn
cầu.
- Đề phòng chấn thương
mắt: tuyên truyền giáo dục cho người dân biết cách đề phòng chấn thương mắt,
đặc biệt đối với học sinh. Người lao động phải tôn trọng quy định về an toàn
lao động.
- Khi chấn thương mắt
phải đến cơ sở y tế khám bệnh ngay, kịp thời, không tự ý điều trị.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nguyễn Thị Thu Yên (
2001), “Viêm mủ nội nhãn sau chấn thương nhãn cầu hở, vi sinh vật gây bệnh
và kết quả điều trị”, Tạp chí thông tin Y dược 5, tr. 32- 36.
2. Alfaro DV, Liggett PE
(1999), “Vitreoretinal surgery of the injured eye”, Lippincott Raven,
Philadelphia, New York..
3. Albert and Jacobie
(2008). “Trauma”, edited by Mieler WF, Haripasad SM in “Principles and
practice of ophthalmology”, pp. 5069-5221.
4. Banta TJ., Moore
KJ.(2007), “Traumatic endophthalmitis”, Ocular trauma, Sauders Elsevier,
pp. 204- 205.
5. Kuhn F (2008), “Endophthalmitis”,
Ocular traumatology, Edit by Kuhn F, Springer Publishers, pp. 437- 451
6. Shirodkar AR, Pathengay P, Flynn PW et al ( 2012) “Delayed-
Versus Acute - Onset Endophthalmitis After Cataract Surgery”, Am. J.
Ophthalmol, Vol 153, 3, pp. 391-398.
NHÃN VIÊM ĐỒNG CẢM
1. ĐẠI CƯƠNG
Nhãn viêm đồng cảm
(NVĐC) là tình trạng viêm màng bồ đào u hạt của cả hai mắt, xảy ra sau khi một
mắt bị chấn thương xuyên hay phẫu thuật nội nhãn. Mắt chấn thương được gọi là
mắt gây đồng cảm còn mắt kia là mắt bị nhãn viêm đồng cảm.
Ngày này, cùng với sự
phát triển của vi phẫu thuật và các tiến bộ về kỹ thuật xử trí vết thương xuyên
nhãn cầu, tỷ lệ NVĐC đã giảm đáng kể, bệnh nhân được xử lý kịp thời và kết quả
cũng được cải thiện nhiều.
2. NGUYÊN NHÂN
- Đa số các trường hợp
NVĐC xảy ra sau chấn thương xuyên nhãn cầu mà hay gặp nhất là tổn thương màng
bồ đào, đặc biệt là thể mi.
- NVĐC có thể xảy ra sau
một số phẫu thuật nội nhãn. Các phẫu thuật hay gặp như phẫu thuật đục thể thủy
tinh, phẫu thuật về mống mắt (như cắt mống mắt chu biên), các phẫu thuật dịch
kính-võng mạc.
- Một số trường hợp
không xác định được nguyên nhân.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Chẩn đoán xác định: dựa vào các triệu chứng
lâm sàng và cận lâm sàng sau
- Lâm sàng
Nhãn viêm đồng cảm có
thể xuất hiện sớm hoặc muộn sau khi 1 mắt bị chấn thương xuyên hoặc sau phẫu
thuật nội nhãn. Khoảng 65% các trường hợp NVĐC xuất hiện sau khi bị chấn thương
từ 2 tuần đến 2 tháng; Khoảng 90% xảy ra trong vòng 1 năm sau khi bị chấn thương.
Tuy nhiên, NVĐC cũng được ghi nhận xuất hiện sớm hơn sau chấn thương. Mặc dù
nguy cơ bị NVĐC sau chấn thương 3 tháng là rất thấp, khả năng bị NVĐC vẫn không
thể loại trừ hoàn toàn trong suốt cuộc đời. Không có sụ khác biệt về chủng tộc
và giới tính trong việc xuất hiện NVĐC.
+ Triệu chứng cơ năng: giảm
thị lực, sợ ánh sáng, chảy nước mắt, đau nhức, xảy ra ở mắt lành sau khi mắt
kia bị chấn thương.
+ Triệu chứng thực thể
chính tại mắt là các dấu hiệu của viêm màng bồ đào bao gồm: tủa lắng đọng mặt
sau giác mạc màu trắng, dạng u hạt (mỡ cừu). Thỉnh thoảng có các nốt dạng u hạt
tỏa lan trên mống mắt tương tự như các hạt trong bệnh saccoidose. Khám phần sau
nhãn cầu cho thấy dịch kính vẩn đục hoặc có tế bào viêm trong dịch kính, lồng
bao mạch máu võng mạc, có thể có phù gai thị và có hiện tượng dày lên và thâm
nhiễm của hắc mạc. Có thể có bong thanh dịch võng mạc. Đặc biệt, có các nốt tổn
thương hắc võng mạc màu trắng vàng, nhỏ, gọi là nốt Dalen-Fuch. Nốt Dalen-Fuch
có thể xuất hiện tại bất cứ vị trí nào trên võng mạc nhưng thường gặp nhất là ở
vùng võng mạc trung gian, đường kính khoảng 60-700 µm và nằm dưới võng mạc
trong 1/3 các trường hợp. Về lâu dài, các rách nhỏ của màng Bruch thường xuất
hiện ngay dưới các nốt Dalen-Fuch và có thể dẫn đến biến chứng tăng sinh tân
mạch.
+ Triệu chứng toàn thân:
có thể thấy các dấu hiệu: bạch biến, bạc lông tóc, rụng tóc, các dấu hiệu của
màng não: đau đầu, nôn, buồn nôn,…
- Cận lâm sàng
+ Siêu âm: có thể thấy
dịch kính đục nhiều hay ít tùy từng mức độ, có sự dày lên của hắc mạc, có thể
có bong võng mạc thanh dịch..
+ Kết quả xét nghiệm
dịch não tủy cho thấy có hiện tượng tăng sinh các tế bào (chủ yếu là tế bào
lympho).
+ Chụp mạch huỳnh quang:
ít khi cần trong NVĐC. Có 2 dạng tổn thương thường gặp trong: Dạng thường gặp
nhất tương tự như các tổn thương trong hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada bao gồm
rất nhiều điểm dò huỳnh quang của hắc mạc trong giai đoạn sớm. Các điểm này sẽ
liên kết lại với nhau trong giai đoạn muộn tạo thành bong võng mạc thanh dịch.
Các điểm dò huỳnh quang tương ứng với các nốt Dalen-Fuch trên lâm sàng. Dạng
thứ 2 ít gặp hơn, xuất hiện tương tự như các tổn thương quan sát được trong
bệnh biểu mô sắc tố dạng mảng cấp tính bao gồm chậm bắt màu huỳnh quang hắc mạc
trong giai đoạn sớm và bắt màu muộn.
b. Chẩn đoán phân biệt
Cần chẩn đoán phân biệt
với các bệnh viêm màng bồ đào màng não khác như Vogt-Koyanogi-Harada, với bệnh
sarcoidose, lymphoma nội nhãn và hội chứng các đốm trắng (white dots
syndromes).
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Kết hợp điều trị tại
chỗ và toàn thân, ưu tiên điều trị tại chỗ
- Điều trị Corticoid
tích cực là lựa chọn đầu tiên. Kết hợp các loại thuốc khác như kháng sinh,
thuốc điều hoà miễn dịch…
- Theo dõi chặt người
bệnh trong và sau điều trị để xử lý kịp thời
b. Điều trị cụ thể:
- Điều trị tại chỗ: xử
lý vết thương khi có kẹt tổ chức hoặc không kín, thuốc tra gồm kháng sinh,
corticoid và atropin
- Điều trị toàn thân:
+ kháng sinh
+ Giãn mạch
+ Corticoid
Điều trị nội khoa:
- Liệu pháp corticoid
+ Trước khi có
corticoid, tiên lượng các mắt bị NVĐC là vô cùng xấu với khoảng 70% các mắt mù
vĩnh viễn.
+ Corticoid liều cao cần
bắt đầu ngay khi chẩn đoán xác định. Không được giảm liều corticoid quá nhanh
và dừng thuốc đột ngột. Corticoid chỉ được giảm liều từ từ trong vòng 6 tháng
sau khi quá trình viêm đã hoàn toàn được giải quyết. Ở người lớn, liều
prednisolon uống 1 - 2 mg/kg cân nặng / ngày trong tuần đầu tiên, sau đó giảm
dần sau khi phản ứng viêm đã được khống chế cho đến khi đạt liều duy trì là
5-10 mg/ngày. Bệnh nhân điều trị corticoid toàn thân cần được theo dõi chặt chẽ
huyết áp, đường máu. Các bệnh lý nhiễm trùng cũng cần được loại trừ trước khi
bắt đầu liệu pháp corticoid.
- Các thuốc ức chế miễn
dịch: sử dụng trong trường hợp không đáp ứng với corticoid hoặc phối hợp với
corticoid trong 1 số trường hợp để giảm liều corticoid đề phòng biến chứng. khi
dùng thuốc lưu ý kiểm tra chức năng gan thận (tham khảo them ý kiến bác sỹ nội
khoa).
- Nhóm chống chuyển hóa:
+ Có tác dụng ngăn sự
phát triển và phân chia của tế bào.
+ Các thuốc này có rất
nhiều tác dụng phụ và có khi gây biến chứng rất nguy hiểm nên thường không được
sử dụng trên các bệnh nhân trẻ, đặc biệt là trên trẻ em.
+ Trước khi sử dụng
thuốc chống chuyển hóa, bệnh nhân cần được tư vấn đầy đủ về các biến chứng tiềm
tàng. Trong quá trình điều trị, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ bởi các
bác sĩ nội khoa có kinh nghiệm.
- Nhóm ức chế tế bào T
lympho (cyclosporin A)
+ Do mắt bị NVĐC thường
bị thâm nhiễm dày đặc bởi tế bào lympho T hoạt hóa nên cyclosporin A, một chất
ức chế đặc hiệu lên chức năng của tế bào lympho T có tác dụng rất tốt trong
điều trị.
+ Có thể phối hợp
Cyclosporin A liều 3-5 mg/kg/ngày với prednisolon 15-20 mg/ngày. Tuy nhiên,
cyclosporin A không phải là thuốc gây phân hủy tế bào (không giết chết các tế
bào lympho T tham gia vào quá trình gây viêm), vì vậy, hiệu quả điều trị của
thuốc thường mất khi ngừng dùng thuốc. Do đó, liệu trình điều trị bằng
cyclosporin A thường phải kéo dài trên một số bệnh nhân.
+ Hai tác dụng phụ chủ
yếu của Cyclosporin A là gây độc cho thận (75%) và gây tăng huyết áp (25%).
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG
- NVĐC là bệnh nặng và
có thể gây mù vĩnh viễn ngay cả khi đã được điều trị tích cực. Tuy nhiên khi được
chấn đoán xác định sớm, điều trị kịp thời và tích cực và thích hợp, bệnh nhân
NVĐC có thể duy trì được thị lực hữu dụng.
- NVĐC có thể gây các
biến chứng như đục thể thủy tinh, tăng nhãn áp… và trong một số trường hợp có
thể gây teo nhãn cầu.
6. PHÒNG BỆNH
- Do NVĐC thường xuất
hiện sau vết thương xuyên nhãn cầu, việc xử trí tốt vết thương xuyên nhãn cầu
(khâu vết thương đúng bình diện giải phẫu, không bị kẹt các tổ chức) phối hợp
điều trị hậu phẫu tích cực bằng các thuốc kháng sinh, chống viêm giúp hạn chế
khả năng xuất hiện NVĐC.
- Khoét bỏ các mắt bị
chấn thương không còn khả năng điều trị hồi phục là phương pháp để điều trị dự
phòng NVĐC trước khi bệnh xuất hiện. Nguy cơ bị NVĐC hầu như đã được loại bỏ
nếu mắt chấn thương được khoét bỏ trong vòng 1-2 tuần sau chấn thương.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Arevalo J.F., Garcia R.A.,
Al-Dhibi H.A., Sanchez J.G., Suarez-Tata L., (2012), Update on sympathetic
ophthalmia, Middle East Afr. J. Ophthalmol., Vol 19 (1): 13-21.
2. Castiblanco C.P.,
Adelman R.A., (2009), Sympathetic Ophthalmia , Greafe’s Arch. Clin. Exp.
Ophthalmo. Vol 247 (3): 289-302.
3. Chaithanyaa N.,
Devireddy S.K., Kishore Kumar R.V., Gali R.S., Aneja V., (2012) Sympathetic
ophthalmia: a review of literature. Oral Surg. Oral Med. Oral Pathol. Oral
Radiol., Vol 113 (2): 172-176.
4. Chang G.C., Young L.H.,
(2011), Sympathetic Ophthalmia, Semin. Ophthalmol., Vol 26 (4-5):
316-320.
5. Yousuf S.J., Jones L.S.,
Kidwell E.D. Jr, (2012), Enuacleation and evisceration: 20 years of
experience, Orbit, Vol 31 (4): 211-215.
HỘI CHỨNG VOGT-KOYANAGI-HARADA
1. ĐẠI CƯƠNG
Vogt-Koyanagi-Harada là
một viêm màng bồ đào toàn bộ, mãn tính, tiến triển từng đợt cấp tính. Bệnh biểu
hiện 2 mắt, xảy ra do sự tấn công của các tế bào lymphoT đến các tế bào của mắt
(tế bào lympho T có khuynh hướng chống lại các tế bào sắc tố hắc mạc, da, tiền
đình và màng não). Bệnh Vogt-Koyanagi-Harada còn được gọi là hội chứng viêm màng
bồ đào màng não, thường có các triệu chứng toàn thân kèm theo: viêm màng não
với tăng lymphô trong dịch não tủy, bạch biến, rụng lông tóc, điếc cảm nhận và
ù tai. Bệnh hay gặp ở vùng Đông Nam Á như:
Nhật, Trung quốc, Việt
nam và người Mỹ gốc Tây ban nha. Tỷ lệ mắc bệnh nữ gặp nhiều hơn nam.
2. NGUYÊN NHÂN
- Chưa rõ nguyên nhân
của bệnh Vogt-Koyanagi-Harada, có thể do dị ứng miễn dịch hoặc do virus.
- Tỷ lệ HLA-B22 dương
tính tăng hơn bình thường.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Tại mắt
+ Triệu chứng cơ năng:
bệnh thường xảy ra ở 2 mắt, giảm thị lực 2 mắt đột ngột, nhìn trước mắt như có
một màn sương mù dày đặc do thủy dịch, dịch kính đục, đau nhức hố mắt, vùng
thái dương, gò má do thần kinh V bị kích thích, chói, cộm, chảy nước mắt.
+ Triệu chứng thực thể:
kết mạc cương tụ rìa +++, tủa mặt sau giác mạc: tủa mỡ cừu. Giai đoạn sau có
nhiều loại tủa khác nhau. Quan sát thấy ở tiền phòng: dấu hiệu Tyndall(+) có
khi rất nặng, ngoài thành phần tế bào (bạch cầu, thực bào, prôtein) còn có cả
sợi fibrin. Góc tiền phòng: giai đoạn sau có thể thấy dính góc tiền phòng là
nguyên nhân gây glôcôm thứ phát. Mống mắt: mạch máu cương tụ dữ dội, mống mắt
sẫm màu, đồng tử co, dính mặt sau mống mắt vào mặt trước thể thủy tinh. Đồng tử
bị chất xuất tiết bít kín. Giai đoạn sau mống mắt thoái
hóa, mất sắc tố, mất tính đàn hồi. Trên mặt mống mắt có thể thấy tân mạch
+ Khi bệnh tái phát
nhiều lần có thể quan sát được hạt Koeppe trên bờ đồng tử, hạt Busacca trên mặt
mống mắt và góc tiền phòng. Mống mắt có hình ảnh vồng múi cà chua ở giai đoạn
muộn, đồng tử dính tít và tăng nhãn áp do góc tiền phòng bị dính bít. Dịch
kính: giai đoạn đầu vẩn đục thể bụi, giai đoạn sau tăng sinh vẩn đục thể thô.
Nhiều bệnh nhân Vogt-Koyanagi bệnh phát triển ra phía sau gây phù nề gai thị,
hoàng điểm có thể kèm bong võng mạc nội khoa
- Dấu hiệu não, màng não
Nhóm triệu chứng này hay
đến trước viêm màng bồ đào vì thế có trường hợp đi khám nội khoa và thần kinh
trước khi khám mắt. Đau đầu dữ dội, ù tai, nôn mửa, cứng cổ, dấu hiệu Kernig
(+), liệt nửa người. Triệu chứng này kéo dài 4- 6 tuần và không tái phát.
- Dấu hiệu da, lông, tóc
Rụng tóc thường gặp,
rụng từng mảng tóc đen có khi rụng tóc đồng thời bạc tóc. Nhiều bệnh nhân rụng
trọc đầu. Tóc thường mọc lại trong vòng khoảng 5-8 tháng và không rụng lại nữa
trong khi triệu chứng màng bồ đào có khi tái phát, đôi khi không chỉ rụng tóc
mà còn rụng lông mày, lông mi. Bạc lông, bạc tóc: bạch biến sắc tố melanin trở
thành đám da màu trắng thường ở mi, mắt, mang tai, thái dương.
b. Cận lâm sàng
- Siêu âm hai mắt trong hội
chứng Harada có hình ảnh hắc võng mạc vùng trung tâm dầy lên, hoặc có bong võng
mạc phía dưới.
- Trong thời gian bệnh
nhân có dấu hiệu não, màng não nếu chọc dịch nước não tủy sẽ thấy tế bào
lymphô, đơn bào tăng lên đến 200- 300 tế bào /ml và tỷ lệ albumin cũng sẽ tăng
cao hơn bình thường. Thay đổi này quay trở lại bình thường khi hết triệu chứng
não, màng não.
- Chụp mạch huỳnh quang:
giai đoạn sớm có hiện tượng tăng huỳnh quang tương ứng với những ổ viêm hắc
võng mạc ở vùng trung tâm, giai đoạn muộn tăng huỳnh quang thể hiện hiệu ứng
cửa sổ điển hình.
c. Chẩn đoán xác định
- Tiêu chuẩn chẩn đoán
của hội chứng Vogt-Koyanagi-Harada
- Bệnh nhân không có
tiền sử chấn thương mắt.
- Có ít nhất 3 trong số
các dấu hiệu sau đây:
+ Viêm màng bồ đào trước
mãn tính 2 mắt.
+ Viêm màng bồ đào sau
hai mắt với bong thanh dịch võng mạc, phù nề đĩa thị và rối loạn sắc tố, mất
sắc tố của võng mạc.
+ Có ít nhất một dấu
hiệu ở tai hay ở não ví dụ như: ù tai, đau đầu, nôn mửa, hội chứng màng não.
Tăng lymphô trong dịch não tủy.
+ Có ít nhất một dấu
hiệu ở da: rụng lông, tóc, bạc lông, bạch biến.
d. Chẩn đoán thể lâm
sàng
- Thể viêm màng bồ đào
mãn tính giai đoạn sớm biểu hiện chủ yếu ở bán phần trước (Vogt-koyanagi):
+ Triệu chứng cơ năng:
bệnh thường xảy ra ở 2 mắt, giảm thị lực 2 mắt đột ngột, nhìn trước mắt như có
một màn sương mù dày đặc do thủy dịch, dịch kính đục, đau nhức hố mắt, vùng
thái dương, gò má do thần kinh V bị kích thích, chói, cộm, chảy nước mắt.
+ Triệu chứng thực thể:
kết mạc cương tụ rìa +++, tủa mặt sau giác mạc: tủa mỡ cừu. Giai đoạn sau có
nhiều loại tủa khác nhau. Quan sát thấy ở tiền phòng: dấu hiệu Tyndall (+) có
khi rất nặng, ngoài thành phần tế bào (bạch cầu, thực bào, prôtein) còn có cả
sợi fibrin. Góc tiền phòng: giai đoạn sau có thể thấy dính góc tiền phòng là
nguyên nhân gây glôcôm thứ phát. Mống mắt: mạch máu cương tụ dữ dội, mống mắt
sẫm màu, đồng tử co, dính mặt sau mống mắt vào mặt trước thể thủy tinh. Đồng tử
bị chất xuất tiết bít kín. Giai đoạn sau mống mắt thoái
hóa, mất sắc tố, mất tính đàn hồi. Trên mặt mống mắt có thể thấy tân mạch
+ Khi bệnh tái phát
nhiều lần có thể quan sát được hạt Koeppe trên bờ đồng tử, hạt Busacca trên mặt
mống mắt và góc tiền phòng. Mống mắt có hình ảnh vồng múi cà chua ở giai đoạn
muộn, đồng tử dính tít và tăng nhãn áp do góc tiền phòng bị dính bít. Dịch
kính: giai đoạn đầu vẩn đục thể bụi, giai đoạn sau tăng sinh vẩn đục
- Thể thô: nhiều bệnh
nhân Vogt-Koyanagi bệnh phát triển ra phía sau gây phù nề gai thị, hoàng điểm
có thể kèm bong võng mạc nội khoa.
- Thể viêm màng bồ đào
mãn tính giai đoạn sớm biểu hiện chủ yếu ở bán phần sau (Harada):
+ Triệu chứng cơ năng: 2
mắt nhìn mờ đột ngột, trước mắt như có màng sương rộng, dày đặc, tăng dần, đồng
thời có hiện tượng ruồi bay trước mắt.
+ Triệu chứng thực thể:
giai đoạn đầu, bán phần trước mắt bình thường. Giai đoạn sau xuất hiện triệu
chứng viêm màng bồ đào trước: cương tụ rìa giác mạc, tủa sau giác mạc ban đầu
dạng tủa bụi, giai đoạn sau dạng tủa hạt. Tiền phòng Tyndall (+), fibrine ở
tiền phòng. Dính góc tiền phòng. Mống mắt: dính mống mắt, thoái hóa mống mắt. Xuất hiện tân mạch. Thủy
tinh thể bị đục cực sau, có thể đục bệnh lý toàn bộ. Dấu hiệu về đáy mắt: soi
ánh đồng tử thấy ánh đồng tử trở thành màu xám. Đĩa thị phù nề, mạch máu cả
động mạch và tĩnh mạch cương tụ, bờ mờ, có khi có chấm xuất huyết. Võng mạch
phù nề, óng ánh, tỏa lan khắp toàn bộ. Bong võng mạc nội khoa phía 6 giờ. Bong
võng mạc phát triển nhanh, cao, có khi thành nhiều múi. Trên mặt bong võng mạc
rải rác có ít xuất tiết. Dịch kính vẩn đục. Bong võng mạc kéo dài nhiều tháng.
Bong võng mạc càng lâu thì sau này phục hồi thị lực càng kém. Sau khi võng mạc
áp thường biểu hiện: võng mạc mỏng, lớp biểu mô sắc tố bị phá hủy nhiều, lộ hắc
mạc nên đáy mắt hồng rực, sắc tố rải rác trên võng mạc. Thỉnh thoảng có thể
thấy những hạt Dallen Fuchs (đám sẹo teo ở chu biên).
e. Chẩn đoán phân biệt
Hội chứng
Vogt-Koyanagi-Harada với các viêm màng bồ đào khác (bệnh xuất hiện cả hai mắt
có kèm triệu chứng về não, và tổn thương của da, lông, tóc).
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc điều trị
- Sử dụng corticoid liều
cao, duy trì và giảm liều dần dần.
- Giãn đồng tử.
- Nâng cao thể trạng
b. Điều trị cụ thể
- Điều trị Corticoid là
lựa chọn đầu tiên, cách sử dụng như sau:
+ Bắt đầu bằng liều
cao:1mg -1,5mg /1kg/ngày qua đường tiêm (cạnh nhãn cầu, tiêm tĩnh mạch, hay
uống). Giảm liều khi các triệu chứng cơ bản đã được kiểm soát
+ Giảm liều từ từ và kéo
dài trong 3-6 tháng.
- Điều trị bằng thuốc ức
chế miễn dịch
Cần có sự tham gia của
bác sỹ nội khoa
Cần thiết sử dụng thuốc
ức chế miễn dịch trong trường hợp:
+ Điều trị Corticoid
thất bại.
+ Phụ thuộc Corticoid ở
liều cao, phối hợp để hạ liều.
+ Chống chỉ định
Corticoid.
Thuốc ức chế miễn dịch
thường dùng:
+ Ciclosporine là chất
ức chế IL2.
+ Cyclophosphamide (là
chất gây độc tế bào).
- Thuốc điều trị tại mắt
+ Thuốc giãn đồng tử
(chống dính, chống viêm).
+ Thuốc nhỏ Atropin
sulfat 1-4% lúc đầu 5-10 phút tra 1 lần cho giãn đồng tử (lưu ý trẻ em khi nhỏ
thuốc phải bịt điểm lệ tránh gây phản ứng phụ của thuốc) và tùy theo bệnh nhân
duy trì giãn đồng tử bằng các thuốc giãn nhanh co nhanh cho mống mắt hoạt động.
Trường hợp không tách dính mống mắt được sau 1-2 tiếng bằng tra thuốc thì tiêm
Atropin 1% + Adrenalin 1/1000 dưới kết mạc cạnh rìa giác mạc chỗ mống mắt dính.
+ Thuốc kháng viêm kết
hợp với kháng sinh.
+ Thuốc chống viêm khác
như diclofenac.
- Thuốc toàn thân
Thuốc kháng sinh phổ
rộng để chống nhiễm khuẩn cơ hội có thể dùng đường uống, tiêm bắp, hoặc tĩnh
mạch.
- Hỗ trợ các vitamin
c. Điều trị biến chứng
- Xử lý tăng nhãn áp:
Acetazolamide 0.25g tùy theo nhãn áp uống ngày 1-2 viên. Nếu nhãn áp không
điều chỉnh bằng thuốc, can thiệp phẫu thuật lỗ rò kết hợp với Corticosteroid
- Phối hợp Kaliorid 0,6g
x 1viên/ ngày để chống mất kali khi dùng lợi tiểu.
- Xử lý đục thể thủy
tinh biến chứng, glôcôm bằng phẫu thuật.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG
Bệnh có khuynh hướng
tiến triển biến thành mãn tính, tiên lượng nặng hay tái phát, trở thành viêm
màng bồ đào hình thái hạt, hay đưa đến các biến chứng sau: dính đồng tử, tăng nhãn
áp thứ phát, đục thể thủy tinh bệnh lý. Một số ít trường hợp nhãn áp hạ dẫn đến
teo nhãn cầu
6. PHÒNG BỆNH
Không có phòng bệnh đặc
hiệu.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Duke-Elder WS,
Perkins EA.Disease of uveal tract.In Duke-Elder ed. System of Ophthalmology.
St louis; CV Mosby Company,2004,4,558-93
2. Harada,E: Clinical
observations of nonsuppurative choroiditis, Acta Soc Ophthalmol Jpn 30:
356,2009
3. 3 Koyanagy, Y:Dysakusis,
Alopeciaun Poliosisbei schwerer Uveitisnicht traumatischen Ursprungs,
Klin Monatsbl Augenheilkd 82:194-211,2010
4. Ober, RR, Smith, RE,
and Ryan, SJ: Subretinal neovascularizationin the Vogt- Koyanagy-Harada
syndrome, Int Ophthamol6: 225-234,2011
5. OhnoS,Char DH, Kimura
SJ.Ó Connor GR.Vogt koyanagi Harada syndrome.Am J.Ophthalmol
2008,83,735-40
6. Sunakawa, M, and Okinami,
S: Epstein-Bar virus-related antibody pattern in uveitis, Jpn J 29:
423-428,2012
BỆNH HẮC VÕNG MẠC TRUNG TÂM THANH DỊCH
1. ĐỊNH NGHĨA
Bệnh hắc võng mạc trung
tâm thanh dịch (HVMTTTD) biểu hiện bằng một vùng bong thanh dịch của lớp võng
mạc thần kinh do dịch dò từ mao mạch hắc mạc xuyên qua lớp biểu mô sắc tố võng
mạc.
Bệnh thường gây giảm thị
lực tạm thời một bên mắt, hay gặp ở nam giới trong độ tuổi từ 20 đến 50. Một số
trường hợp thị lực giảm không phục hồi dù bong thanh dịch võng mạc đã hết.
2. NGUYÊN NHÂN
Nguyên nhân của bệnh còn
chưa rõ.
Các giả thuyết trước đây
cho rằng nguyên nhân gây bệnh là vận chuyển ion bất thường qua lớp biểu mô sắc
tố võng mạc và bệnh lý khu trú của mạch máu hắc mạc.
Gần đây, hình ảnh chụp
mạch huỳnh quang với Indocyanin Green (ICG) đã cho thấy sự tổn thương của lớp
mao mạch hắc mạc gây rối loạn chức năng của lớp biểu mô sắc tố võng mạc.
Các cá thể có trạng thái
thần kinh căng thẳng, cao huyết áp hay bị bệnh. Bệnh còn được cho có liên quan
đến sự tăng nồng độ cortison và epinephrine trong máu, tác động đến cơ chế tự
điều hòa của mao mạch hắc mạc.
Các nghiên cứu gần đây
còn cho thấy có sự liên quan giữa bệnh và tình trạng nhiễm Helicobacter pylori.
Bệnh do dịch dò từ mao
mạch hắc mạc xuyên qua lớp biểu mô sắc tố võng mạc gây bong thanh dịch của lớp
võng mạc thần kinh.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Cơ năng: Bệnh nhân bị
giảm nhanh thị lực trung tâm kèm theo các triệu chứng: nhìn vật nhỏ đi, rối
loạn thị lực màu, ám điểm dương tính trung tâm…. Bệnh nhân có thể đau nhức nhẹ
hố mắt, căng thẳng, mất ngủ.
- Soi đáy mắt:
+ Thấy vùng bong võng
mạc do thanh dịch (không có dịch xuất huyết phía dưới)
+ Có thể thấy các tổn thương
khác kèm theo như: bong biểu mô sắc tố võng mạc, thoái
hóa sắc tố võng mạc, các sợi tơ huyết
hoặc các cặn lipid dưới võng mạc…
b. Cận lâm sàng
- Chụp mạch huỳnh quang:
Cho thấy hình ảnh các điểm dò riêng rẽ của bệnh HVMTTTD điển hình hoặc các vùng
tăng huỳnh quang không đều với các điểm dò kín đáo của bệnh biểu mô sắc tố lan
toả. Giai đoạn muộn còn cho thấy hình ảnh lấp đầy huỳnh quang của bọng thanh
dịch dưới võng mạc.
- Hình ảnh chụp cắt lớp
võng mạc (OCT): Cho thấy rõ các tổn thương của bệnh như: dịch dưói võng mạc,
bong biểu mô sắc tố…và ngày càng được sử dụng rộng rãi để chẩn đoán và theo dõi
bệnh.
- Hình ảnh ICG: cho thấy
hình ảnh tổn thương của mạch máu hắc mạc, mao mạch hắc mạc tăng tính thấm.
c. Chẩn đoán xác định
- Soi đáy mắt sau khi
nhỏ giãn: thấy vùng bong võng mạc do thanh dịch
- Hình ảnh OCT: Cho thấy
rõ các tổn thương của bệnh như: dịch dưói võng mạc, bong biểu mô sắc tố
- Chụp mạch huỳnh quang:
Cho thấy hình ảnh các điểm dò riêng rẽ của bệnh HVMTTTD điển hình hoặc các vùng
tăng huỳnh quang không đều với các điểm dò kín đáo của bệnh biểu mô sắc tố lan
toả. Giai đoạn muộn còn cho thấy hình ảnh lấp đầy huỳnh quang của bọng thanh
dịch dưới võng mạc.
d. Phân loại
Bệnh chia làm hai thể
lâm sàng:
- Bệnh HVMTTTD điển hình
gây ra bởi một hoặc nhiều điểm dò riêng biệt của lớp biểu mô sắc tố trên phim
chụp mạch huỳnh quang.
- Bệnh biểu mô sắc tố
toả lan (Bệnh HVMTTTD mạn tính) do rối loạn toả lan chức năng của lớp biểu mô
sắc tố, biểu hiện trên đáy mắt là vùng bong thanh dịch võng mạc trên nền một
vùng thoái hóa
của biểu mô sắc tố, biểu hiện trên phim chụp huỳnh quang là một vùng tăng huỳnh
quang không đều với một hoặc nhiều điểm dò kín đáo.
e. Chẩn đoán phân biệt
Cần phân biệt với các
nguyên nhân gây bong thanh dịch vùng hoàng điểm khác như: hố đĩa thị bẩm sinh,
tân mạch hắc mạc, khối u.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
- Bệnh thường tự khỏi
sau 1 đến 6 tháng mà không cần điều trị.
- Bệnh không có nguồn
gốc viêm nên không chỉ định thuốc chống viêm đường toàn thân.
- Chỉ định điều trị
laser được đặt ra trong một số trường hợp đặc biệt.
b. Điều trị cụ thể
- Điều trị nội khoa:
+ Với các trường hợp bị
bệnh lần đầu, chỉ cần điều trị nội khoa và theo dõi hằng tháng.
+ Thuốc giúp thanh dịch
dưới võng mạc rút nhanh hơn: acetazolamid viên 250mg ngày uống 1 đến 2 viên
(uống chia 2 lần) trong 2 tuần
Dùng kèm kali viên 600mg
ngày uống 1 viên (uống1lần) trong 2 tuần
+ Thuốc tăng cường sự
vững bền thành mạch: acid ascorbic (vitamin C) viên 100mg ngày uống 05 viên
(uống 1 lần) trong 10 ngày
+ Vitamin giúp phục hồi
chức năng của lớp biểu mô sắc tố võng mạc: nicotinamid (vitamin PP) viên 50mg
ngày uống 2 viên (chia 2 lần) trong 2 tuần.
+ Thuốc giãn mạch, tăng
cường tuần hoàn: ginkgo biloba viên 40mg ngày uống 3 viên (chia 3 lần) trong 2
tuần.
- Điều trị laser:
+ Chỉ định điều trị
laser đặt ra nếu điểm dò nằm cách xa hoàng điểm trên 300 micron và bệnh nhân
cần phục hồi thị lực nhanh (laser không làm tăng kết quả thị lực cuối cùng),
hoặc các trường hợp bong võng mạc thanh dịch kéo dài trên 4 tháng hoặc tái phát
trên mắt đã bị giảm thị lực vì bệnh HVMTTTD lần trước.
+ Sử dụng nốt laser có đường
kính 100 micron, thời gian từ 0,1 - 0,2s, năng lượng vừa đủ để nốt bắn có màu
xám nhạt và thường chỉ bắn từ 1 đến 5 nốt cho mỗi điểm dò.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG
- Bệnh HVMTTTD thường tự
khỏi sau 1 đến 6 tháng và đa số bệnh nhân (80-90%) phục hồi thị lực tốt (từ
8/10 trở lên). Dù thị lực được phuc hồi, bệnh nhân vẫn có thể bị các triệu
chứng như: nhìn vật biến dạng, giảm độ tương phản…
- Số ít bệnh nhân còn
lại phục hồi thị lực kém hơn và có nhiều nguy cơ tái phát hoặc chuyển thành
bệnh biểu mô sắc tố lan toả, gây giảm thị lực nặng (từ 1/10 trở xuống) vĩnh
viễn.
- Có 40-50% bệnh nhân bị
HVMTTTD điển hình bị tái phát bệnh trên cùng một mắt.
- Nguy cơ gây tân mạch
hắc mạc là khá thấp (dưới 5%) nhưng nguy cơ này tăng cao hơn ở người lớn tuổi.
6. PHÒNG BỆNH
Nguyên nhân sinh bệnh chưa
được xác định rõ nên chưa có biện pháp phòng bệnh đặc hiệu. Tuy nhiên, bác sĩ
nên khuyên bệnh nhân nghỉ ngơi hợp lý, tránh làm việc căng thẳng và không nên
sử dụng các chất kích thích như rượu, bia, cà phê…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Iijima H, Iida T, Murayama
K, Imai M, Gohdo T. Plasminogen activator inhibitor 1 in central serous chorioretinopathy.
Am J Ophthalmol. Apr 1999;127(4):477-8.
2. Leveque TK, Yu L,
Musch DC, Chervin RD, Zacks DN. Central serous chorioretinopathy and risk for
obstructive sleep apnea. Sleep Breath. Dec 2007;11(4):253-7.
3. Marmor MF, Tan F. Central
serous chorioretinopathy: bilateral multifocal electroretinographic
abnormalities. Arch Ophthalmol. Feb 1999;117(2):184-8.
4. Okushiba U, Takeda M.
[Study of choroidal vascular lesions in central serous chorioretinopathy
using indocyanine green angiography]. Nippon Ganka Gakkai Zasshi. Jan
1997;101(1):74-82.
5. Tewari HK, Gadia R,
Kumar D, Venkatesh P, Garg SP. Sympathetic- parasympathetic activity and reactivity
in central serous chorioretinopathy: a case-control study. Invest
Ophthalmol Vis Sci. Aug 2006;47(8):3474-8.
BỆNH TẮC TĨNH MẠCH VÕNG MẠC
1. ĐỊNH NGHĨA
Tắc tĩnh mạch võng mạc
là bệnh lý mạch máu võng mạc biểu hiện sự ngừng trệ tuần hoàn trở về ở võng
mạc, xảy ra ở thân tĩnh mạch trung tâm võng mạc ngay đĩa thị, sau lá sàng được
gọi là tắc tĩnh mạch trung tâm võng mạc hoặc tắc ở thân tĩnh mạch sau khi phân
chia 2 nhánh gọi là tắc tĩnh mạch nửa võng mạc hoặc tắc ở nơi bắt chéo động -
tĩnh mạch gọi là tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc.
2. NGUYÊN NHÂN
a. Các nguyên nhân toàn
thân
- Tăng huyết áp (vô
căn): là nguyên nhân thường gặp nhất.
- Xơ vữa động mạch: có
thể đã gây tăng huyết áp hoặc chưa.
- Tắc hay hẹp động mạch
cảnh trong: do bẩm sinh hoặc do mảng xơ vữa động mạch gây nên.
- Bệnh đái tháo đường.
- Rối loạn mỡ máu:
cholesterol máu tăng hoặc triglyceride tăng hoặc cả 2 loại đều tăng.
- Bệnh thận: suy thận
các mức độ, viêm cầu thận cấp, viêm cầu thận mãn...
- Các bệnh về máu: thiếu
máu, bệnh bạch cầu cấp, đa hồng cầu, thiếu máu, bệnh lý hồng cầu, rối loạn
globulin máu...
- Các bệnh lý mạch máu:
viêm tĩnh mạch, viêm thành mạch mãn tính nguyên phát hay thứ phát sau nhiễm trùng
tại chỗ hay toàn thân: bệnh giang mai, bệnh BehÇet, bệnh Eales, bệnh hệ thống
collagen...
- Bệnh còn hay gặp ở
những người nghiện thuốc lá
b. Các nguyên nhân tại
chỗ
- Tăng áp lực hố mắt
- Tăng nhãn áp do glôcôm
mãn tính
- Viêm tổ chức hốc mắt
mãn tính...
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Bệnh thường xảy ra ở
một mắt, giảm thị lực từ ít đến nhiều, có thể chỉ còn đếm ngón tay nhưng không
hoàn toàn mất thị lực
- Mắt bị bệnh không đau
nhức, không đỏ mắt.
- Khám đáy mắt: Tắc tĩnh
mạch trung tâm võng mạc có 4 dấu hiệu chính:
+ Tĩnh mạch giãn to,
ngoằn nghèo.
+ Phù đĩa thị, phù võng
mạc và có thể phù hoàng điểm.
+ Xuất huyết võng mạc
trải rộng từ đĩa thị ra tận ngoại vi võng mạc, có thể xuất huyết nông hoặc xuất
huyết sâu trong võng mạc.
+ Vết dạng bông (xuất
tiết mềm) tập trung quanh đĩa thị ít hay nhiều tùy thể (gặp nhiều ở thể thiếu
máu).
- Tắc tĩnh mạch nửa võng
mạc hay tắc nhánh tĩnh mạch võng mạc: các triệu chứng khu trú ở vùng võng mạc được
dẫn lưu bởi nhánh tắc.
- Giai đoạn có biến
chứng: ngoài 4 dấu hiệu trên còn có thể xuất hiện tân mạch (đĩa thị, võng mạc
hoặc trên móng mắt, góc tiền phòng), xuất huyết dịch kính, bong võng mạc.
b. Cận lâm sàng
- Chụp mạch ký huỳnh
quang võng mạc: thì tĩnh mạch chậm, không có thuốc huỳnh quang trong lòng mao
mạch (thiếu máu võng mạc), mao mạch vùng hoàng điểm không hiện lên (thiếu máu
hoàng điểm). Khuếch tán thuốc huỳnh quang qua thành mao mạch và các tĩnh mạch
lớn gây tăng huỳnh quang ở võng mạc, đĩa thị, các hốc xung quang hoàng điểm
(phù hoàng điểm dạng nang)
- OCT võng mạc (Optical
Coherence Tomography): đo chính xác chiều dày võng mạc và thể tích hoàng điểm.
- Điện võng mạc: có giá
trị tiên lượng bệnh. Tỷ số sóng b/ sóng a < 1 là có nguy cơ xuất hiện tân
mạch.
- Siêu âm màu Doppler:
đo tốc độ dòng chảy động - tĩnh mạc trung tâm võng mạc, chẩn đoán bệnh lý tại
động - tĩnh mạc trung tâm võng mạc.
- Các xét nghiệm phục vụ
cho chẩn đoán các bệnh toàn thân như: sinh hóa máu, huyết học, HIV, HBsAg....
c. Chẩn đoán xác định
Dựa vào các dấu hiệu lâm
sàng và cận lâm sàng
d. Phân loại và thể bệnh
- Phân theo vị trí tắc
giải phẫu
+ Tắc tĩnh mạch trung
tâm võng mạc: tắc ở thân tĩnh mạch võng mạc khi chui qua mảnh sang ở đĩa thị, tắc
cả 4 nhánh tĩnh mạch: thái dương trên, mũi trên, thái dương dưới, mũi dưới.
+ Tắc nhánh tĩnh mạch
võng mạc: tắc tĩnh mạch tại nơi bắt chéo động tĩnh mạch võng mạc. Có thể tắc
nhánh tĩnh mạch thái dương trên thái dương trên hoặc mũi trên hoặc thái dương dưới
hoặc mũi dưới.
+ Tắc tĩnh mạch nửa võng
mạc: là tắc nhánh tĩnh mạch thái dương trên và mũi trên (tắc tĩnh mạch nửa võng
mạc trên) hoặc tắc nhánh tĩnh mạch thái dương dưới và mũi dưới (tắc tĩnh mạch
nửa võng mạc dưới).
- Phân loại theo lâm
sàng
+ Tắc tĩnh mạch võng mạc
thể thiếu máu: thị lực giảm đột ngột và trầm trọng, thị trường thu hẹp, có ám
điểm trung tâm tuyệt đối. Khám đáy mắt: có đầy đủ các dấu hiệu của tắc tĩnh
mạch võng mạc nhưng xuất huyết võng mạc rất nhiều, ở cả lớp nông và sâu; có
nhiều hơn 10 xuất tiết dạng bông. Chụp mạch huỳnh quag võng mạc có vùng võng
mạc thiếu tưới máu trên 10 đường kính đĩa thị. Giai đoạn sau: bệnh gây biến
chứng tân mạch võng mạc, tân mạch đĩa thị, tân mạch mống mắt, góc tiền phòng
gây glôcôm tân mạch, xuất huyết dịch kính... Đĩa thị teo.
+ Tắc tĩnh mạch võng mạc
thể không thiếu máu: thị lực giảm vừa, hoặc giảm trầm trọng, có thể có ám điểm
trung tâm. Khám đáy mắt: có đầy đủ các dấu hiệu của tắc tĩnh mạch võng mạc nhưng
xuất huyết võng mạc chủ yếu ở lớp nông, không có hoặc có từ 1 - 9 xuất tiết
mềm; Chụp mạch huỳnh quag võng mạc có phù võng mạc tỏa lan, phù hoàng điểm hoặc
phù hoàng điểm dạng nang ở giai đoạn sau. Phù võng mạc, hoàng điểm trên chụp
cắt lớp võng mạc.
+ Tắc tĩnh mạch thể lành
tính ở người trẻ: thường gặp ở người trẻ < 40 tuổi, không có bệnh toàn thân
phối hợp. Thị lực giảm ít, không biến đổi thị trường hoặc điểm mù rộng ra. Khám
đáy mắt: có đầy đủ các dấu hiệu của tắc tĩnh mạch võng mạc nhưng xuất huyết
võng mạc nông, xuất hiện rải rác ở võng mạc hậu cực; không có hoặc có ít vết
xuất tiết mềm nhỏ. Tuy nhiên, chụp mạch huỳnh quang võng mạc không thấy tổn thương
hệ mao mạch võng mạc.
e. Chẩn đoán phân biệt
- Bệnh võng mạc đái tháo
đường: có tiền sử bệnh đái tháo đường, bệnh xuất hiện ở 2 mắt, tổn thương chủ
yếu là vi phình mạch võng mạc.
- Bệnh thiếu máu đầu trước
thị thần kinh cấp tính: đĩa thị phù nhiều, xuất huyết nông tập trung chủ yếu
quanh đĩa thị.
- Bệnh tắc, hẹp tĩnh
mạch và động mạch mắt gây hội chứng thiếu máu mắt: xuất huyết võng mạc tập
trung nhiều ở võng mạc xích đạo và võng mạc chu biên. Xác định hẹp, tắc tĩnh
mạch, động mạch mắt trên siêu âm màu Doppler hệ mạch cảnh.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung
Điều trị bệnh tại mắt:
+ Các thuốc tiêu huyết
khối
+ Các thuốc tiêu máu
+ Chống thiếu máu
+ Điều trị biến chứng
+ Điều trị phẫu thuật
phối hợp khi cần thiết.
Phối hợp điều trị các
bệnh toàn thân: tăng huyết áp, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu...
b. Điều trị cụ thể
- Tắc tĩnh mạch thể lành
tính: thường gặp ở người trẻ, thị lực giảm ít
Chỉ điều trị nội khoa
bằng thuốc
+ Thuốc tăng cường tuần
hoàn: Ginkgo biloba 40mg x 2 viên/ngày x 2- 3 tuần.
+ Thuốc giảm phù nề:
Alphachymotripsin 10mg x 3 - 4 viên/ngày x 2 - 3 tuần.
+ Thuốc chống kết tụ
tiểu cầu và giảm độ quánh của máu: Acetyl salicylic Acid 100mg x 1 viên/ngày x
2 - 3 tuần.
+ Thuốc tăng cường bền
vững thành mạch máu: Vitamin C 1g/ngày x 2 - 3 tuần.
+ Chống viêm có
Cortisol: được dùng khi có phản ứng viêm quanh tĩnh mạch hoặc có bệnh hệ thống.
Cortisol 0,6 - 0,8mg/kg/ngày x 7 - 10 ngày sau đó giảm liều dần (theo nguyên
tắc sử dụng Corticoid).
+ Thuốc tiêu huyết khối
(Streptokinase, Urokinase) hay thuốc tan huyết khối (Thrombolytic Agents) chỉ
dùng khi bệnh nhân đã có xét nghiệm tỷ lệ Prothrombin bình thường và dùng theo
chỉ định của các bác sỹ nội khoa.
- Tắc tĩnh mạch võng mạc
thể không thiếu máu
Điều trị nội khoa bằng
thuốc như
thể lành tính, thêm
+ Thuốc ức chế men
Anhydraza: Acetazolamide 250mg x 1 viên/ngày x 2 - 4 tuần.
+ Thuốc bù kali khi dùng
thuốc ức chế men Anhydraza: Kaleorid 600mg x 1 viên/ngày x 2 - 4 tuần.
+ Tra tại mắt thuốc
chống viêm non-steroid 0,1% x 3 lần/ngày x 2 - 4 tuần.
Điều trị bằng laser
+ Phù võng mạc ngoài
hoàng điểm: chỉ điều trị bằng laser khi
● Có xuất tiết dạng vòng
bao quanh vùng mạch máu bất thường, làm khuếch tán huỳnh quang ra ngoài thành
mạch, phá hủy các bất thường mạch máu này bằng laser sẽ giảm xuất tiết.
● Nguy cơ có bong thanh
dịch võng mạc khi phù võng mạc nhiều
+ Phù hoàng điểm: chỉ
làm laser trong trường hợp
● Phù hoàng điểm kéo dài
trên 3 tháng
● Thị lực không tăng, dưới
5/10 hoặc ngày càng giảm
● Trên ảnh chụp mạch
huỳnh quang hoặc OCT có phù hoàng điểm ngày càng tăng hoặc phù hoàng điểm dạng
nang.
- Tắc tĩnh mạch võng mạc
thể thiếu máu
Điều trị nội khoa như thể phù
Điều trị laser: khi vùng võng mạc
thiếu máu trên ảnh chụp huỳnh quang ≥ 10 đường kính đĩa thị.
+ Nếu đã có tân mạch đĩa
thị hoặc tân mạch võng mạc: laser toàn bộ võng mạc trừ vùng võng mạc hậu cực.
+ Nếu đã có tân mạch
mống mắt hoặc glôcôm tân mạch: tiêm nội nhãn thuốc chống tăng sinh tân mạch
phối hợp laser toàn bộ võng mạc hoặc lạnh đông củng mạc.
- Điều trị toàn thân:
+ Bằng các thuốc đặc
hiệu khi tìm thấy nguyên nhân như: xơ vữa mạch máu, rối loạn mỡ máu, tăng huyết
áp, đái tháo đường, bệnh hệ thống collagen, bệnh giang mai...
+ Điều trị các bệnh tại
chỗ như viêm tổ chức hốc mắt, glôcôm...
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG
- Tắc tĩnh mạch võng mạc
lành tính ở người trẻ: bệnh tự thoái
triển.
- Tắc tĩnh mạch thể
thiếu máu: có thể gây glôcôm tân mạch sau 100 ngày, hoặc tân mạch đĩa thị, tân
mạch võng mạc gây xuất huyết dịch kính, bong võng mạc co kéo...
- Tắc tĩnh mạch thể
không thiếu máu: phù hoàng điểm kéo dài gây lỗ hoàng điểm, có thể chuyển thể
bệnh sang thể thiếu máu.
6. PHÒNG BỆNH
- Khuyến cáo bệnh nhân
phải điều trị các bệnh toàn thân có nguy cơ cao như xơ vữa mạch máu, rối loạn
mỡ máu, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận...
- Khuyến cáo bệnh nhân
không nên hút thuốc lá.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Coscas G.,
Loewenstein A., Augustin A., et al., (2011). “Management of Retinal Vein
Occlusion - Consensus Document” Ophthalmologica; 226: 4-28
2. Fong A.C. et Schatz
H., (1993), “Central retinal vein occlusion in young adults”. Surv
Ophthalmol, 37: 393-417.
3. Kenneth Fong Choong
Sian. (2010). “Retinal Laser Photocoagulation”. Med J Malaysia Vol 65 No
1 March.
4. Rehak J., (2008), “Branch
Retinal Vein Occlusion: Pathogenesis, Visual Prognosis, and Treatment”. Modalities
Curr Eye Res. February; 33(2): 111-131.
5. Subramanian M.L.,
Heier J.S., Esrick E. et al., (2006), “Preoperative visual acuity as a
prognostic indicator for laser treatment of macular edema due to branch retinal
vein occlusion”. Ophthalmic Surg Lasers Imaging.; 37: 462 - 467.
6. Turello M., Pasca S.,
Daminato R. et al., (2010), “Retinal vein occlusion: evaluation of “classic”
and “emerging” risk factors and treatment”. J Thromb Thrombolysis; 29: 459 -
464.
7. Yau J.W., Lee P., Wong
T.Y. et al., (2008), “Retinal vein occlusion: an approach to diagnosis,
systemic risk factors and management”. Intern Med J; 38: 904 - 910.
TẮC ĐỘNG MẠCH TRUNG TÂM VÕNG MẠC
1. ĐẠI CƯƠNG
Tắc động mạch võng mạc
là hiện tượng tắc nghẽn động mạch hay một trên nhiều nhánh của động mạch trung
tâm võng mạc gây ra thiếu máu tổ chức võng mạc.
Tắc động mạch trung tâm
võng mạc là một tai biến nặng nề về chức năng mắt khiến dòng máu không đến nuôi
dưỡng võng mạc được gây ra bệnh cảnh mù một mắt đột ngột, không hồi phục dù có
được điều trị cấp cứu kịp thời. Bệnh hay gặp trên người có bệnh lý tim mạch.
2. NGUYÊN NHÂN
Bệnh có 2 nhóm nguyên
nhân chính là huyết khối và nghẽn mạch.
a. Huyết khối
- Bệnh Horton
- Các bệnh gây huyết
khối có nguồn gốc viêm khác: viêm động mạch dạng nút, bệnh Takayashu, bệnh Kawasaki,
bệnh huyết khối do mạch máu Buerger, bệnh Behçet, giang mai.
- Huyết khối do thành
mạch: xơ vữa động mạch.
- Huyết khối do bệnh máu:
bệnh bạch cầu, đông máu rải rác trong lòng mạch...
b. Nghẽn mạch
- Mảng cholesterol do xơ
vữa động mạch
- Mảng calci (tách từ
các van tim)
- Khối tiểu cầu
- Các nguyên nhân nghẽn
mạch khác: do mỡ (sau gãy xương dài), do khí, khối u, ký sinh trùng, nhiễm
trùng, do tiêm cortisone vùng mặt.
c. Các nguyên nhân khác
- Co thắt mạch:
migraine, bệnh Raynaud, chấn thương nhãn cầu, phẫu thuật mắt, sau tiêm hậu nhãn
cầu, ngộ độc methylique hoặc quinine.
- Giảm lưu lượng tuần
hoàn mạch máu võng mạc: bệnh tăng huyết áp, hạ huyết áp (do tư thế đứng, do mất
máu cấp), tăng áp lực nội nhãn kéo dài (sau phẫu thuật bong võng mạc).
- Nguyên nhân tại chỗ: U
hoặc nhiễm trùng hố mắt, ổ viêm hắc võng mạc.
3. CHUẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Triệu chứng cơ năng
+ Mù đột ngột 1 mắt,
không kèm các triệu chứng chớp sáng, đau nhức, đỏ mắt, cộm chói. Đôi khi còn
cảm nhận ánh sáng phía thái dương.
+ Đôi khi có tiền triệu
là những đợt mù thoáng qua, đau nhức hố
mắt xảy ra ở 1 bên.
- Khám mắt
+ Đồng tử giãn, không
còn phản xạ trực tiếp.
+ Bán phần trước bình thường,
nhãn áp trong giới hạn bình thường.
+ Khám đáy mắt:
● Động mạch co thắt, có
thể thấy dòng máu chảy gián đoạn trong lòng mạch như "chuỗi tràng
hạt".
● Võng mạc phù trắng.
● Hoàng điểm anh đào.
● Có thể còn thấy 1 vùng
võng mạc còn hồng nằm giữa đĩa thị và hoàng điểm (trong trường hợp có động mạch
mi-võng mạc).
b. Cận lâm sàng
- Chụp mạch huỳnh quang
võng mạc: thời gian tay-võng mạc kéo dài, chậm ngấm thuốc ở động mạch, hình ảnh
của điểm tắc mạch và cục nghẽn, chậm ngấm thuốc ở tĩnh mạch. Khi đã thiết lập
lại tuần hoàn võng mạc, kết quả chụp mạch huỳnh quang bình thường.
- Điện võng mạc: mất
sóng b ở cả môi trường sáng và tối.
c. Chuẩn đoán xác định
- Triệu chứng cơ năng:
Mù 1 mắt đột ngột không
đau nhức.
- Triệu chứng thực thể
+ Đồng tử giãn 1 bên,
mất phản xạ trực tiếp, còn phản xạ liên ứng.
+ Soi đáy mắt: dấu hiệu
"hoàng điểm anh đào", động mạch co thắt, dòng máu lưu thông trong
mạch máu gián đoạn. Động mạch không đập khi ấn nhãn cầu.
- Triệu chứng cận lâm
sàng:
+ Chụp mạch huỳnh quang
võng mạc: thời gian tay mắt kéo dài, thì động mạch chậm.
+ Điện võng mạc: tiêu
hủy.
d. Chuẩn đoán thể lâm
sàng
- Trường hợp có động
mạch thể mi-võng mạc: trên 20% người bình thường có động mạch này và không xuất
phát từ động mạch trung tâm võng mạc. Khi xảy ra tắc động mạch thể mi-võng mạc,
thị lực trung tâm của người bệnh không mất hoàn toàn. Khám đáy mắt thấy ít phù
võng mạc, không có dấu hiệu "hoàng điểm anh đào".
- Tắc nhánh động mạch
trung tâm võng mạc: Khuyết thị trường theo vị trí nhánh mạch bị tắc. Soi đáy
mắt thấy hình ảnh tắc nhánh động mạch trung tâm võng mạc.
e. Chẩn đoán phân biệt
- Hội chứng Tay-Schas ở
trẻ nhỏ.
- Teo gai thị.
- Thiếu máu cấp đầu thị
thần kinh.
- Phù Berlin trong chấn
thương đụng dập nhãn cầu.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc điều trị
- Là cấp cứu số một của
nhãn khoa cần xử lý sớm trong vòng 2 giờ đầu.
- Giải quyết nguyên nhân
tắc mạch, tạo lại sự lưu thông của mạch máu.
b. Phác đồ điều trị:
- Tại chỗ: thay đổi áp
lực động mạch và áp lực nội nhãn
- Tiêm thuốc giãn mạch
hậu nhãn cầu
- Toàn thân: thuốc hạ
nhãn áp, giãn mạch, tiêu cục máu đông, chống đông, chống ngưng tập tiểu cầu
- Điều trị nguyên nhân:
điều trị các bệnh tim mạch bằng thuốc và phẫu thuật
- Ngoại khoa: chọc tiền
phòng, tháo bớt thủy dịch.
c. Điều trị cụ thể
Tại chỗ:
+ Massage nhãn cầu
+ Tolazolinium 10mg x 2
ống (tiêm hậu nhãn cầu) sáng-chiều x 7 ngày.
+ Cerebrolysin x1 ống
(tiêm bắp) x 7 ngày
Toàn thân: Nằm ở tư thế
đầu thấp
+ Thở hỗn hợp carbogene
qua mặt nạ: hỗn hợp 95% oxy, 5% carbonic qua mặt nạ trong 10 phút cho mỗi giờ
vào ban ngày và cho 4giờ vào ban đêm.
+ Acetazolamide uống hay
truyền tĩnh mạch 500mg/ ngày x 7 ngày.
+ Kaleoride 600mg/ngày
(uống) x 7 ngày.
+ Aspirine pH8 x 1
v/ngày (uống) x 7 ngày.
+ Cao cây bạch quả 40mg
x 3v/ngày (uống) x 7 ngày.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN
CHỨNG
- Bệnh tiến triển thường
theo xu hướng bất lợi dù có được điều trị dẫn tới giảm thị lực trầm trọng,
khuyết thị trường, thậm chí mù 1 mắt.
- Gai thị có thể teo,
mạch máu võng mạc co nhỏ.
- Cũng có thể xảy ra trường
hợp tình trạng thiếu máu võng mạc dẫn tới hiện tượng tăng sinh tân mạch trước
gai thị, glocom tân mạch.
6. PHÒNG BỆNH
- Tại mắt: khám, phát
hiện những trường hợp mù thoáng qua xảy
ra ở 1 mắt. Điều trị dự phòng những trường hợp đã xảy ra tắc nhánh động mạch.
- Toàn thân: khám tổng
quát phát hiện các yếu tố nguy cơ, nhất là các bệnh tim mạch, bệnh máu...
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Crouch, Gran, Texbook
of familly medicine, 8th ed, Sauder Elsvier, 2011.
2. Duke JS, Retinal
arteral occlusion, Ophthalmology, 16, 2006.
3. Eugene de Juan, Texbook
of ophthalmology. Williams & Wilkins, 852, 1997.
4. Ngô Như Hòa, Phan Đức
Khâm, tr 325, Nhãn khoa. NXB Y học và TDTT 1970.
5. Yanoff M, Cameron D, Diseases
of the visual system, Sauder Elsvier, 431, 2011.
VIÊM THỊ THẦN KINH
1. ĐỊNH NGHĨA
Là hiện tượng viêm do
nguyên nhân đặc hiệu (lao, giang mai, virus, nấm…) hay không đặc hiệu (thiếu
máu, bệnh hệ thống…) của thị thần kinh.
2. NGUYÊN NHÂN
- Nguyên phát (không
thấy căn nguyên)
- Nhiễm trùng các vùng
lân cận (xoang, răng) hoặc toàn thân.
- Nhiễm virus ở trẻ em (
sởi, quai bị, thủy đậu…)
- Các nhiễm trùng virus
khác ( viêm não, herpes..)
- Lao, giang mai, bệnh
Sarcoid, bệnh xơ cứng mảng...
3. CHUẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng:
- Lứa tuổi thường gặp:
18 - 45 tuổi.
- Giảm thị lực một hoặc
hai mắt ở các mức độ khác nhau, bệnh có thể từ từ hoặc tiến triển nhanh (vài
ngày đến vài tuần).
- Đau nhức hố mắt, có
thể đau khi vận nhãn, hai mắt không đỏ, không chói cộm.
- Tổn thương sắc giác:
giảm sắc giác
- Có thể có các triệu
chứng hệ thống thần kinh , hô hấp, tim mạch…
- Phản xạ đồng tử nghịch
thường
- Tổn thương đáy mắt có
hai hình thái:
+ Viêm thị thần kinh
phía trước còn gọi là viêm gai thị: Bờ gai thị mờ do cương tụ quanh
gai thị, mạch máu gai thị giãn, có thể kèm xuất huyết quanh gai hình ngọn nến.
+ Viêm thị thần kinh
hậu nhãn cầu: Đáy mắt hầu như không có gì bất thường.
b. Cận lâm sàng:
- Đo thị lực
- Khuyết phản xạ đồng tử
liên ứng trong trường hợp bị một mắt hoặc tổn thương hai mắt nhưng không cân
xứng.
- Thị trường: tổn hại
thị trường đa dạng: Hẹp đều hoặc từng góc góc một một phần tư, ám điểm trung
tâm hoặc cạnh trung tâm, điểm mù sinh lý tora.
- Rối loạn sắc giác.
- Siêu âm: lồi gai thị,
thị thần kinh to ra, bờ không đều
- OCT vùng gai thị: lồi
gai thị
- X-Quang sọ não thẳng
nghiêng; X-Quang xoang chụp Blondeux và Hirtz (có thể thấy hình ảnh viêm
xoang).
- Chụp C.T scanner sọ,
chụp MRI (thị thần kinh to ra, bờ không đều).
- Điện chẩm kích thích
(PEV: giảm hoặc mất).
- Xét nghiệm máu (công
thức máu, máu lắng…)
c. Chẩn đoán xác định:
- Giảm thị lực, giảm
phản xạ đồng tử hướng tâm
- Viêm phù gai thị
- Ám điểm trung tâm
d. Chẩn đoán phân biệt:
- Thiếu máu đầu thị thần
kinh: hẹp động mạch cảnh, viêm động mạch tế bào khổng lồ (thường gặp ở người
già, hình ảnh đáy mắt có thể gặp xuất huyết cạnh gai thị kèm phù gai nhẹ).
- Phù gai thị do tăng áp
lực nội sọ: u não, áp xe não…( kèm các dấu hiệu khác của tăng áp lực nội sọ,
rối loạn tri giác)
- Cơn tăng huyết áp kịch
phát (tiền sử tăng huyết áp, đo huyết áp thấy tăng cao)
- Ngộ độc thị thần kinh
(do rượu, thuốc chống lao...)
- Khối u nội nhãn chèn
ép thị thần kinh (dấu hiệu tăng áp lực nội sọ, chụp CT scanner, MRI giúp chẩn
đoán phân biệt).
- Ngoài ra còn có các trường
hợp viêm gai thị phối hợp như: viêm màng bồ đào gai thị, viêm màng bồ đào màng
não.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc:
- Chống viêm
- Giảm phù
- Dinh dưỡng thị thần
kinh.
b. Điều trị cụ thể
- Mức độ 1: Thị lực giảm
ít hoặc vừa
Chống viêm đặc hiệu:
+ Kháng sinh chống lao,
giang mai nếu xác định được nguyên nhân.
+ Kháng sinh phổ rộng:
cephalosporine thế hệ 3, quinolone…
+ Thuốc chống virus.
+ Kháng sinh chống nấm.
Chống viêm:
+ Prednisolon
0,5mg/kg/ngày, khi bệnh đỡ hạ liều dần.
+ Hoặc Indomethaxin
0,025g x 4 viên/ngày, khi bệnh đỡ hạ liều dần.
Thuốc dãn mạch, tăng
cường tuần hoàn:
+ Ginkgo biloba 40mg x 2
viên/ngày trong 2 đến 4 tuần.
Dinh dưỡng thần kinh:
+ Vitamin B1, B6, B12
(3B hay Neramin) x 2 viên/ ngày trong 2 đến 4 tuần.
- Mức độ 2: Thị lực giảm
nhiều hoặc điều trị tuyến dưới không khỏi.
Chống nhiễm khuẩn bằng
các kháng sinh phổ rộng:
+ Cephalosporine thế hệ
3, quinolone đường uống, tiêm bắp hoặc tĩnh mạch.
+ Thuốc chống virus.
+ Kháng sinh chống nấm.
Thuốc chống viêm:
+ Prednisolon
1mg/kg/ngày trong 7 đến 10 ngày, sau đó hạ liều dần.
Thuốc dãn mạch, tăng
cường tuần hoàn:
+ Ginkgo biloba 40mg x 2
viên/ngày trong 2 đến 4 tuần.
+ Tinh chất protein não
lợn chuẩn hóa: tiêm tĩnh mạch chậm Cerebrolysin 10ml x 1 ống/ngày trong 2 đến 4
tuần.
Dinh dưỡng thần kinh:
+ Vitamin B1, B6, B12 (
3B hay Neucarmin ) x 2 viên/ ngày trong 2 đến 4 tuần.
+ Dùng thêm vitamin C
viên 500mg ngày uống 1 viên trong 2 đến 4 tuần.
+ Vitamin B1
0,025g/ống/ngày + Vitamin B12 500mcg x 1 ống/ ngày, đường tiêm bắp.
Thuốc giảm phù có tác
dụng chống viêm:
+ Alphachymotrypsin viên
4,2mg x 4-6 viên/ngày uống trong 7 đến 10 ngày.
c. Điều trị theo y học
cổ truyền:
Y học dân tộc gọi là
chứng thanh manh, do can huyết hư can phong nổi lên mà gây bệnh.
- Triệu chứng (dựa theo
y học hiện đại)
- Phương pháp chữa: Bổ
can huyết tức phong.
Bài thuốc:
Sài hồ
|
12g
|
Bạch thược
|
12g
|
Bạch tật lê
|
8g
|
Hà thủ ô
|
16g
|
Thiên ma
|
8g
|
Ngũ vị tử
|
6g
|
Câu đằng
|
16g
|
Thục địa
|
16g
|
Đương quy
|
12g
|
Sa tiền tử
|
16g
|
Châm cứu:
- Châm bổ: Can du, Cách du,Tthái
xung, Thận du, Tỳ du. Tình minh, Toản trúc, Thừa khấp, Cầu hậu, Phong trì.
- Lưu kim 45 phút: châm một liệu
trình 7 đến 10 ngày.
5. TIÊN LƯỢNG VÀ BIẾN CHỨNG
- Tiên lượng phụ thuộc vào thời gian
mắc bệnh, nguyên nhân gây bệnh
+ Thị lực phục hồi hoàn toàn
+ Thị lực phục hồi một phần
+ Thị lực không phục hồi, teo gai
thị
- Biến chứng: teo gai thị sau viêm.
6. PHÒNG BỆNH
Theo nguyên nhân bệnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Nhãn khoa - Nhà xuất bản y
học - 1978
2. Nhãn khoa giản yếu - Nhà
xuất bản y học - 2002
3. Bài giảng y học cổ truyền -
Nhà xuất bản y học - 2007
4. Bài giảng châm cứu, tập 1,2 -
Nhà xuất bản y học - 2007
TỔN THƯƠNG THẦN KINH THỊ GIÁC SAU CHẤN THƯƠNG
1. ĐẠI CƯƠNG
Tổn thương thị thần kinh sau chấn thương
là một bệnh lý hay gặp trong nhãn khoa. Tổn thương thị thần kinh có thể đơn
thuần do chần thương trực tiếp hoặc phối hợp với chấn thương sọ não.
2. NGUYÊN NHÂN
- Chấn thương thị thần kinh trực
tiếp: thường sau chấn thương xuyên hốc mắt, đặc biệt gãy thành xương hốc mắt
phối hợp với gãy xương mặt. Một vài trường hợp chấn thương trực tiếp vào thị
thần kinh có thể nhận biết được khi soi đáy mắt hoặc chẩn đoán trên chẩn đoán
hình ảnh như đứt thị thần kinh ở đĩa thị, thị thần kinh bị cắt ngang, tụ máu
trong bao thị thần kinh hoặc tràn khí hốc mắt.
- Chấn thương thị thần kinh gián
tiếp: là loại chấn thương hay gặp hơn. Lực tác động trong chấn thương sọ não có
thể truyền đến thị thần kinh. Trong chấn thương sọ não kín có thể gặp khoảng
0,5-5% có tổn thương thị thần kinh. Những vị trí của chấn thương sọ não kín có
thể gây mù loà là chấn thương ở vùng trán hay trên ổ mắt, ở vùng thái dương thì
ít bị hơn. Chấn thương sọ não thường gây hôn mê, sau đó khi bệnh nhân hồi tỉnh
và phát hiện thị lực một bên bị giảm hoặc mất. Khám mắt ban đầu có thể không
phát hiện gì đặc biệt ngoài tổn thương phản xạ đồng tử hướng tâm. Có nhiều hình
thái tổn thương thị trường. Teo đĩa thị dần sau 4 đến 6 tuần.
3. CHẨN ĐOÁN
a. Lâm sàng
- Cơ năng
+ Đau khi vận động nhãn cầu: hay xảy
ra ở chấn thương thị thần kinh có tụ máu hốc mắt
+ Giảm thị lực ở các mức độ khác
nhau
+ Khuyết hoặc mất một phần thị trường.
- Thực thể
+ Lồi mắt: hay gặp trong tụ máu hốc
mắt hay tụ máu bao thị thần kinh
+ Tụ máu hốc mắt
+ Tràn khí hốc mắt.
+ Tổn thương phản xạ đồng tử hướng
tâm.
+ Soi đáy mắt tùy thuộc vào hình thái của chấn thương thị
thần kinh mà có hình ảnh lâm sàng.
+ Đáy mắt mất hình ảnh đĩa thị và có
vòng xuất huyết khi chấn thương đứt thị thần kinh ở đĩa thị
+ Phù gai khi có dấu hiệu chèn ép
+ Teo gai: xuất hiện sau 4 đến 6
tuần.
b. Cận lâm sàng
- Chụp ống thị giác: tìm hình ảnh
tổn thương ống thị giác
- Chụp CTscanner:
+ Hình ảnh tổn thương thành xương
hốc mắt, lỗ thị giác
+ Xác định được hình ảnh tổn thương thị
thần kinh như đứt thị thần kinh (trừ trường hợp còn dính bao thị thần kinh),
hình ảnh mảnh xương vỡ chèn ép, cắt ngang qua thị thần kinh
+ Hình ảnh bao thị thần kinh bị giãn
rộng ra trong tụ máu bao thị thần kinh
+ Hình ảnh tụ máu hốc mắt hoặc hình
ảnh tràn khí hốc mắt
- Chụp cộng hưởng từ
+ Xác định được tổn thương và vị trí
tổn thương của thị thần kinh và tổn thương não rõ ràng hơn CTscanner nhưng
không rõ những tổn thương xương như CTscanner.
- Siêu âm
Có giá trị trong chẩn đoán những tổn
thương nhãn cầu phối hợp với tổn thương hốc mắt, ít có giá trị trong chẩn đoán
chẩn thương thị thần kinh
- Điện chẩm kích thích
Chẩn đoán tổn thương đường dẫn
truyền, giảm tín hiệu trong tổn thương thị thần kinh.
c. Chẩn đoán xác định
- Dựa vào tiền sử chấn thương.
- Dựa vào các triệu chứng lâm sàng
gồm giảm hoặc mất thị lực, tụ máu hay tràn khí hốc mắt. Teo gai ở giai đoạn
muộn.
- Dựa vào triệu chứng cận lâm sàng:
CTscanner có hình ảnh tổn thương như đứt thị thần kinh, vỡ xương, vỡ ống thị
giác. Chụp cộng hưởng từ có thể thấy vị trí của tổn thương.
d. Chẩn đoán phân biệt
- Những trường hợp mờ mắt khác sau
chấn thương như chấn thương sọ não.
- Những trường hợp người bệnh không
phối hợp hay giả vờ và có liên quan đến pháp luật.
4. ĐIỀU TRỊ
a. Nguyên tắc chung:
- Tìm nguyên nhân tổn thương để điều
trị như chèn ép, tụ máu hay xương vỡ.
- Điều trị theo đặc điểm của tổn thương
thị thần kinh là đứt hay chèn ép
- Điều trị phối hợp: giảm phù, chống
viêm, tiêu máu, bảo vệ thị thần kinh.
b. Điều trị cụ thể
- Nội khoa
+ Steroid 1-1,5 mg/kg cân nặng.
+ Các thuốc giảm phù tiêu máu, nâng
cao thể trạng
+ Acetazolamid (Diamox) 0,25g x 2
viên/ngày hoặc 0,5g (tiêm bắp hoặc tĩnh mạch) để giảm áp lực nội nhãn
+ Vitamin liều cao (vitamin nhóm B,
C) để bảo vệ thị thần kinh
- Ngoại khoa
+ Phẫu thuật giảm áp ống thị giác
qua đường sọ não, qua đường xoang sàng và hốc mũi.
+ Dẫn lưu máu hốc mắt bằng mở góc
ngoài.
+ Phẫu thuật chích tràn khí hốc mắt.
+ Phẫu thuật lấy xương vỡ giải phóng
chèn ép.
5. TIẾN TRIỂN VÀ BIẾN CHỨNG
- Tiên lượng chấn thương thị thần
kinh thường nặng, khả năng hồi phục thị lực khó khăn.
- Tiên lượng của chấn thương thị
thần kinh phụ thuộc vào cơ chế của chấn thương, mức độ của tổn thương, thời
gian được chẩn đoán và điều trị…
- Tiến triển tốt khi thị lực hồi
phục, có thể hồi phục thị lực nhưng vẫn ảnh hưởng thị trường.
- Teo gai thị, mất thị lực, nhiều trường
hợp không nhận biết được ánh sáng.
6. PHÒNG BỆNH
Phòng chấn thương thị thần kinh cũng
nằm trong nguyên tắc của phòng các chấn thương chung khác như chấn thương toàn
thân, chấn thương sọ não, phòng chống các hành động bạo lực…
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ford RL, Lee V, Xing W, Bunce C (2012) “A
2-year prospective surveillance of pediatric traumatic optic neuropathy in the United
Kingdom.” J AAPOS, 16(5),143-147.
2. Goldenberg-Cohen N, Miller NR, Repka MX. (2004) “Traumatic
optic neuropathy in children and adolescents. J AAPOS. 8(1):20-7.
3. Hsieh CH, Kuo YR, Hung HC, Tsai HH, Jeng SF (2004) “Indirect
traumatic optic neuropathy complicated with periorbital facial bone fracture.” J Trauma. 56(4):795-801.
4. Levin LA, Beck RW, Joseph MP, Seiff S, Kraker R.(1999) “The
treatment of traumatic optic neuropathy: the International Optic Nerve Trauma
Study. Ophthalmology; 106(7):1268-77.
5. Wang BH, Robertson BC, Girotto JA, Liem A, Miller NR,
Iliff N, Manson PN.(2001) “Traumatic optic neuropathy: a review of 61
patients.” Plast Reconstr Surg 107(7):1655-64
6. Wang DH, Zheng CQ, Qian J, Barr JJ, Anderson Ag
Jr.(2008) “Endoscopic optic nerve decompression for the treatment of traumatic
optic nerve neuropathy”. ORL J Otorhinolaryngol Relat Spec 70(2):130-3