Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014 số 63/2014/QH13 áp dụng 2024

Số hiệu: 63/2014/QH13 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 24/11/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định mới của Luật tổ chức VKSND 2014

Ngày 24/11/2014, Quốc hội thông qua Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014. Theo đó, có một số nội dung đáng chú ý sau:

- Có thêm VKSND cấp cao trong hệ thống tổ chức của VKSND.

- Trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn nhiệm kỳ của Kiểm sát viên là 10 năm.
 
- Ngạch Kiểm sát viên gồm: Kiểm sát viên VKSND tối cao, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp.

- Áp dụng hình thức thi tuyển vào các ngạch Kiểm sát viên (trừ Kiểm sát viên VKSND tối cao)

- Quy định chức danh mới Kiểm tra viên.

Luật này có hiệu lực từ 01/06/2015.

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 63/2014/QH13

Hà Nội, ngày 24 tháng 11 năm 2014

LUẬT

TỔ CHỨC VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân; về Kiểm sát viên và các chức danh khác trong Viện kiểm sát nhân dân; về bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Điều 2. Chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân

1. Viện kiểm sát nhân dân là cơ quan thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

Điều 3. Chức năng thực hành quyền công tố của Viện kiểm sát nhân dân

1. Thực hành quyền công tố là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân trong tố tụng hình sự để thực hiện việc buộc tội của Nhà nước đối với người phạm tội, được thực hiện ngay từ khi giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự.

2. Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố nhằm bảo đảm:

a) Mọi hành vi phạm tội, người phạm tội phải được phát hiện, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không làm oan người vô tội, không để lọt tội phạm và người phạm tội;

b) Không để người nào bị khởi tố, bị bắt, tạm giữ, tạm giam, bị hạn chế quyền con người, quyền công dân trái luật.

3. Khi thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu khởi tố, hủy bỏ quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án trái pháp luật, phê chuẩn, không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra; trực tiếp khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định;

b) Quyết định, phê chuẩn việc áp dụng, thay đổi, hủy bỏ các biện pháp hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra, truy tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự;

c) Hủy bỏ các quyết định tố tụng trái pháp luật khác trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

d) Khi cần thiết đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện;

đ) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp tài liệu để làm rõ tội phạm, người phạm tội;

e) Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; tiến hành một số hoạt động điều tra để làm rõ căn cứ quyết định việc buộc tội đối với người phạm tội;

g) Điều tra các tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, các tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật;

h) Quyết định việc áp dụng thủ tục rút gọn trong giai đoạn điều tra, truy tố;

i) Quyết định việc truy tố, buộc tội bị cáo tại phiên tòa;

k) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp Viện kiểm sát nhân dân phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội;

l) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc buộc tội đối với người phạm tội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 4. Chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân

1. Kiểm sát hoạt động tư pháp là hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân để kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp, được thực hiện ngay từ khi tiếp nhận và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong suốt quá trình giải quyết vụ án hình sự; trong việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án, việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác theo quy định của pháp luật.

2. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát hoạt động tư pháp nhằm bảo đảm:

a) Việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc giải quyết vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động; việc thi hành án; việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; các hoạt động tư pháp khác được thực hiện đúng quy định của pháp luật;

b) Việc bắt, tạm giữ, tạm giam, thi hành án phạt tù, chế độ tạm giữ, tạm giam, quản lý và giáo dục người chấp hành án phạt tù theo đúng quy định của pháp luật; quyền con người và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, người chấp hành án phạt tù không bị luật hạn chế phải được tôn trọng và bảo vệ;

c) Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành nghiêm chỉnh;

đ) Mọi vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp phải được phát hiện, xử lý kịp thời, nghiêm minh.

3. Khi thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tư pháp theo đúng quy định của pháp luật; tự kiểm tra việc tiến hành hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu để Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định trong hoạt động tư pháp;

b) Trực tiếp kiểm sát; xác minh, thu thập tài liệu để làm rõ vi phạm pháp luật của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp;

c) Xử lý vi phạm; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền khắc phục, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm;

d) Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị hành vi, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền khác trong hoạt động tư pháp;

đ) Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp; giải quyết khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền;

e) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Kháng nghị, kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân

1. Trường hợp hành vi, bản án, quyết định của cơ quan, cá nhân có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật nghiêm trọng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì Viện kiểm sát nhân dân phải kháng nghị. Cơ quan, người có thẩm quyền phải giải quyết kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp hành vi, quyết định của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động tư pháp có vi phạm pháp luật ít nghiêm trọng không thuộc trường hợp kháng nghị quy định tại khoản 1 Điều này thì Viện kiểm sát nhân dân kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân đó khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm minh người vi phạm pháp luật; nếu phát hiện sơ hở, thiếu sót trong hoạt động quản lý thì kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan khắc phục và áp dụng các biện pháp phòng ngừa vi phạm pháp luật và tội phạm. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết, trả lời kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

Điều 6. Các công tác của Viện kiểm sát nhân dân

1. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng thực hành quyền công tố bằng các công tác sau đây:

a) Thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

b) Thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố, điều tra vụ án hình sự;

c) Thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố tội phạm;

d) Thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự;

đ) Điều tra một số loại tội phạm;

e) Thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự.

2. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện chức năng kiểm sát hoạt động tư pháp bằng các công tác sau đây:

a) Kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

b) Kiểm sát việc khởi tố, điều tra vụ án hình sự;

c) Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của người tham gia tố tụng trong giai đoạn truy tố;

d) Kiểm sát việc xét xử vụ án hình sự;

đ) Kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, thi hành án hình sự;

e) Kiểm sát việc giải quyết các vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật;

g) Kiểm sát việc thi hành án dân sự, thi hành án hành chính;

h) Kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp của các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền;

i) Kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp.

3. Các công tác khác của Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

a) Thống kê tội phạm; xây dựng pháp luật; phổ biến, giáo dục pháp luật;

b) Đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu khoa học; hợp tác quốc tế và các công tác khác để xây dựng Viện kiểm sát nhân dân.

Điều 7. Nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân

1. Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng lãnh đạo. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới chịu sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên. Viện trưởng các Viện kiểm sát cấp dưới chịu sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Viện kiểm sát cấp trên có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật của Viện kiểm sát cấp dưới. Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có quyền rút, đình chỉ, hủy bỏ quyết định trái pháp luật của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới.

2. Tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương thành lập Ủy ban kiểm sát để thảo luận và quyết định theo đa số những vấn đề quan trọng, cho ý kiến về các vụ án, vụ việc trước khi Viện trưởng quyết định theo quy định tại các Điều 43, 45, 47, 53 và 55 của Luật này.

Điều 8. Trách nhiệm phối hợp của Viện kiểm sát nhân dân

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan Công an, Tòa án, Thi hành án, Thanh tra, Kiểm toán, các cơ quan nhà nước khác, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận để phòng, chống tội phạm có hiệu quả; xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm và vi phạm pháp luật trong hoạt động tư pháp; phổ biến, giáo dục pháp luật; xây dựng pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng; nghiên cứu tội phạm và vi phạm pháp luật.

Điều 9. Quyền và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan phải nghiêm chỉnh chấp hành các quyết định, yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị của Viện kiểm sát nhân dân; có quyền kiến nghị, khiếu nại, tố cáo các hành vi, quyết định trái pháp luật của Viện kiểm sát nhân dân; Viện kiểm sát nhân dân phải giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật.

2. Khi có căn cứ cho rằng hành vi, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân không có căn cứ, trái pháp luật thì Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra, Tòa án và Cơ quan thi hành án có quyền kiến nghị, yêu cầu Viện kiểm sát nhân dân xem xét lại. Viện kiểm sát nhân dân phải giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật.

3. Nghiêm cấm cơ quan, tổ chức, cá nhân cản trở, can thiệp vào hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân; lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để vu khống cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân.

Điều 10. Giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, đại biểu Hội đồng nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận giám sát hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Ngày truyền thống, phù hiệu của Viện kiểm sát nhân dân

1. Ngày truyền thống của Viện kiểm sát nhân dân là ngày 26 tháng 7 hằng năm.

2. Phù hiệu của Viện kiểm sát nhân dân hình tròn, nền đỏ, viền vàng, có tia chìm ly tâm; ở giữa có hình ngôi sao năm cánh nổi màu vàng; hai bên có hình bông lúa; ở dưới có hình thanh kiếm lá chắn; trên nền lá chắn có nửa bánh xe răng màu xanh thẫm và các chữ “KS” màu bạch kim; nửa dưới phù hiệu có hình dải lụa đỏ bao quanh, phía trước có dòng chữ “Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Chương II

CÁC CÔNG TÁC THỰC HIỆN CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Mục 1: THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ, KIỂM SÁT VIỆC TIẾP NHẬN, GIẢI QUYẾT TỐ GIÁC, TIN BÁO VỀ TỘI PHẠM VÀ KIẾN NGHỊ KHỞI TỐ

Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

1. Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

2. Hủy bỏ quyết định tạm giữ, các quyết định tố tụng khác trái pháp luật của cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

3. Khi cần thiết đề ra yêu cầu kiểm tra, xác minh và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố thực hiện.

4. Trực tiếp giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố trong trường hợp phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc có dấu hiệu bỏ lọt tội phạm mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.

5. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm chống bỏ lọt tội phạm, chống làm oan người vô tội.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố

1. Tiếp nhận đầy đủ tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố do các cơ quan, tổ chức, cá nhân chuyển đến và chuyển ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền giải quyết.

2. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra trong việc tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo đầy đủ, kịp thời tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đã tiếp nhận cho Viện kiểm sát nhân dân.

3. Trực tiếp kiểm sát; kiểm sát việc kiểm tra, xác minh, lập hồ sơ và kết quả giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm thông báo đầy đủ, kịp thời kết quả xác minh, giải quyết cho Viện kiểm sát nhân dân.

4. Khi phát hiện việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố không đầy đủ, vi phạm pháp luật thì Viện kiểm sát nhân dân yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện các hoạt động sau đây:

a) Tiếp nhận, kiểm tra, xác minh, ra quyết định giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố đầy đủ, đúng pháp luật;

b) Kiểm tra việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân;

c) Cung cấp tài liệu về vi phạm pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố;

d) Khắc phục vi phạm pháp luật và xử lý nghiêm người vi phạm.

5. Giải quyết các tranh chấp về thẩm quyền giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

6. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Mục 2: THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT ĐIỀU TRA VỤ ÁN HÌNH SỰ

Điều 14. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự

1. Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khởi tố hoặc thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can.

2. Hủy bỏ các quyết định khởi tố, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố vụ án, quyết định không khởi tố vụ án trái pháp luật; phê chuẩn, hoặc hủy bỏ quyết định khởi tố, quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can trái pháp luật.

3. Khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong những trường hợp do Bộ luật tố tụng hình sự quy định.

4. Phê chuẩn, không phê chuẩn việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp, gia hạn tạm giữ, việc tạm giam và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân.

5. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, các biện pháp ngăn chặn và các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật.

6. Phê chuẩn, không phê chuẩn, hủy bỏ các quyết định tố tụng khác của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

7. Đề ra yêu cầu điều tra và yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thực hiện việc điều tra để làm rõ tội phạm, người phạm tội; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.

8. Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra trong trường hợp để kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ khi xét phê chuẩn các lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu oan, sai, bỏ lọt tội phạm, vi phạm pháp luật mà Viện kiểm sát nhân dân đã yêu cầu nhưng không được khắc phục.

9. Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện hành vi của người có thẩm quyền trong việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và trong việc khởi tố, điều tra có dấu hiệu tội phạm.

10. Quyết định việc gia hạn thời hạn điều tra, thời hạn tạm giam, chuyển vụ án, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

11. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc thực hành quyền công tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát điều tra vụ án hình sự

1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra và lập hồ sơ vụ án của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra.

2. Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

3. Giải quyết tranh chấp về thẩm quyền điều tra.

4. Yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra cung cấp tài liệu liên quan để kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc khởi tố, điều tra khi cần thiết.

5. Kiến nghị, yêu cầu Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra khắc phục vi phạm trong việc khởi tố, điều tra.

6. Yêu cầu Thủ trưởng Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra thay đổi Điều tra viên, cán bộ điều tra; xử lý nghiêm minh Điều tra viên, cán bộ điều tra vi phạm pháp luật trong hoạt động tố tụng.

7. Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát điều tra vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Mục 3: THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP TRONG GIAI ĐOẠN TRUY TỐ

Điều 16. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn truy tố

1. Quyết định áp dụng, thay đổi, hủy bỏ biện pháp bắt, tạm giữ, tạm giam, các biện pháp khác hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của luật; yêu cầu Cơ quan điều tra truy nã bị can.

2. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu liên quan đến vụ án trong trường hợp cần thiết.

3. Trực tiếp tiến hành một số hoạt động điều tra nhằm kiểm tra, bổ sung tài liệu, chứng cứ để quyết định việc truy tố hoặc khi Tòa án yêu cầu điều tra bổ sung mà xét thấy không cần phải trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra.

4. Quyết định khởi tố, thay đổi, bổ sung quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can trong trường hợp phát hiện vụ án còn có hành vi phạm tội, người phạm tội khác chưa được khởi tố, điều tra và trả hồ sơ cho Cơ quan điều tra để điều tra bổ sung.

5. Quyết định việc tách, nhập vụ án, chuyển vụ án để truy tố theo thẩm quyền, áp dụng thủ tục rút gọn, áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

6. Quyết định gia hạn, không gia hạn thời hạn truy tố, thời hạn áp dụng các biện pháp ngăn chặn.

7. Quyết định truy tố, không truy tố bị can.

8. Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ vụ án, bị can; quyết định phục hồi vụ án, bị can.

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác để quyết định việc truy tố theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 17. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát hoạt động tư pháp trong giai đoạn truy tố

1. Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

2. Kiến nghị cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Mục 4: THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT XÉT XỬ VỤ ÁN HÌNH SỰ

Điều 18. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong giai đoạn xét xử vụ án hình sự

1. Công bố cáo trạng hoặc quyết định truy tố theo thủ tục rút gọn, quyết định khác về việc buộc tội đối với bị cáo tại phiên tòa.

2. Xét hỏi, luận tội, tranh luận, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa.

3. Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án trong trường hợp phát hiện oan, sai, bỏ lọt tội phạm, người phạm tội.

4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong việc buộc tội theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Điều 19. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát xét xử vụ án hình sự

1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc xét xử các vụ án hình sự của Tòa án.

2. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.

3. Kiểm sát hoạt động tố tụng hình sự của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

4. Yêu cầu Tòa án cùng cấp, cấp dưới chuyển hồ sơ vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị.

5. Kháng nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm nghiêm trọng về thủ tục tố tụng.

6. Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị và nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát xét xử vụ án hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Mục 5: CÔNG TÁC ĐIỀU TRA CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Điều 20. Thẩm quyền điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương

Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương điều tra tội phạm xâm phạm hoạt động tư pháp, tội phạm về tham nhũng, chức vụ xảy ra trong hoạt động tư pháp theo quy định của luật mà người phạm tội là cán bộ, công chức thuộc Cơ quan điều tra, Tòa án, Viện kiểm sát nhân dân, cơ quan thi hành án, người có thẩm quyền tiến hành hoạt động tư pháp.

Điều 21. Thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương

Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố; việc khởi tố, điều tra của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương theo quy định tại các Điều 12, 13, 14 và 15 của Luật này và quy định của Bộ luật tố tụng hình sự.

Mục 6: KIỂM SÁT VIỆC TẠM GIỮ, TẠM GIAM, THI HÀNH ÁN HÌNH SỰ

Điều 22. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam

1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam.

2. Khi kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Trực tiếp kiểm sát tại nhà tạm giữ, trại tạm giam; hỏi người bị tạm giữ, tạm giam về việc tạm giữ, tạm giam;

b) Kiểm sát hồ sơ tạm giữ, tạm giam;

c) Yêu cầu Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam; thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam; trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam;

d) Quyết định trả tự do ngay cho người bị tạm giữ, tạm giam không có căn cứ và trái pháp luật;

đ) Kháng nghị, kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam đình chỉ việc thi hành, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật và yêu cầu xử lý người vi phạm pháp luật;

e) Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật;

g) Giải quyết khiếu nại, tố cáo và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc tạm giữ, tạm giam theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam

1. Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tạm giữ, tạm giam.

2. Cơ quan, người có thẩm quyền trong việc tạm giữ, tạm giam phải chuyển cho Viện kiểm sát nhân dân khiếu nại, tố cáo của người bị tạm giữ, tạm giam trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi nhận được khiếu nại, tố cáo.

3. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm sát của mình.

Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết khiếu nại đối với việc giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp dưới; quyết định giải quyết khiếu nại của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật.

4. Viện trưởng Viện kiểm sát có thẩm quyền giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam của người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm sát của mình.

Trường hợp hết thời hạn pháp luật quy định mà tố cáo không được giải quyết thì Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền giải quyết tố cáo; kết luận nội dung tố cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên là kết luận cuối cùng.

Điều 24. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong việc tạm giữ, tạm giam

1. Trưởng nhà tạm giữ, Giám thị trại tạm giam có trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định sau đây của Viện kiểm sát nhân dân trong việc tạm giữ, tạm giam:

a) Yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc tạm giữ, tạm giam phải được thực hiện ngay; yêu cầu thông báo tình hình tạm giữ, tạm giam, yêu cầu trả lời về quyết định, biện pháp hoặc việc làm vi phạm pháp luật trong việc tạm giữ, tạm giam được thực hiện trong thời hạn 15 ngày; yêu cầu tự kiểm tra việc tạm giữ, tạm giam và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu;

b) Quyết định quy định tại điểm d khoản 2 Điều 22 của Luật này phải được thi hành ngay; nếu không nhất trí với quyết định đó thì vẫn phải thi hành, nhưng có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Viện trưởng Viện kiểm sát cấp trên phải giải quyết;

c) Kháng nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 của Luật này phải được giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được kháng nghị; nếu không nhất trí với kháng nghị thì có quyền khiếu nại lên Viện kiểm sát cấp trên có thẩm quyền; Viện kiểm sát cấp trên phải giải quyết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nhận được khiếu nại; quyết định của Viện kiểm sát cấp trên là quyết định có hiệu lực pháp luật.

2. Đối với kiến nghị quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 22 của Luật này, cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết, trả lời theo quy định của pháp luật về tạm giữ, tạm giam.

Điều 25. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc thi hành án hình sự

1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát việc tuân theo pháp luật của Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự, người có thẩm quyền, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án hình sự.

2. Khi kiểm sát thi hành án hình sự, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Yêu cầu Tòa án ra quyết định thi hành án hình sự; yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành án hình sự;

b) Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án hình sự; kiểm sát hồ sơ thi hành án hình sự. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trực tiếp kiểm sát việc thi hành án phạt tù của trại giam đóng tại địa phương;

c) Quyết định trả tự do ngay cho người đang chấp hành án phạt tù không có căn cứ và trái pháp luật;

d) Đề nghị miễn, hoãn, tạm đình chỉ, đình chỉ chấp hành án; tham gia việc xét giảm, miễn thời hạn chấp hành án, chấp hành biện pháp tư pháp, rút ngắn thời gian thử thách;

đ) Kháng nghị hành vi, quyết định có vi phạm pháp luật của cơ quan, người có thẩm quyền trong việc thi hành án hình sự;

e) Kiến nghị, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân chấm dứt, khắc phục vi phạm pháp luật trong thi hành án hình sự; xử lý nghiêm minh người vi phạm;

g) Khởi tố hoặc yêu cầu Cơ quan điều tra khởi tố vụ án hình sự khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm trong thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật;

h) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát thi hành án hình sự theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự.

Điều 26. Trách nhiệm thực hiện yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị, quyết định của Viện kiểm sát nhân dân trong việc thi hành án hình sự

1. Đối với yêu cầu ra quyết định thi hành án hình sự đúng quy định của pháp luật, yêu cầu cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức, cá nhân được yêu cầu phải thực hiện ngay.

2. Đối với yêu cầu tự kiểm tra việc thi hành án hình sự và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân thì Tòa án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan, tổ chức được giao một số nhiệm vụ thi hành án hình sự phải thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

3. Đối với kiến nghị, kháng nghị, quyết định, yêu cầu khác của Viện kiểm sát nhân dân trong việc thi hành án hình sự thì cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết, trả lời hoặc thi hành theo quy định của Luật thi hành án hình sự.

Mục 7: KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT VỤ ÁN HÀNH CHÍNH, VỤ VIỆC DÂN SỰ, HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH, KINH DOANH, THƯƠNG MẠI, LAO ĐỘNG VÀ NHỮNG VIỆC KHÁC THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT; KIỂM SÁT THI HÀNH ÁN DÂN SỰ, THI HÀNH ÁN HÀNH CHÍNH

Điều 27. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật

1. Kiểm sát việc trả lại đơn khởi kiện, đơn yêu cầu.

2. Kiểm sát việc thụ lý, giải quyết vụ án, vụ việc.

3. Thu thập tài liệu, chứng cứ trong trường hợp pháp luật quy định.

4. Tham gia phiên tòa, phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật.

5. Kiểm sát bản án, quyết định của Tòa án.

6. Kiểm sát hoạt động tố tụng của người tham gia tố tụng; yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xử lý nghiêm minh người tham gia tố tụng vi phạm pháp luật.

7. Kháng nghị, kiến nghị bản án, quyết định của Tòa án có vi phạm pháp luật; kiến nghị, yêu cầu Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện hoạt động tố tụng.

8. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát việc giải quyết vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động và những việc khác theo quy định của pháp luật.

Điều 28. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính

1. Kiểm sát việc cấp, chuyển giao, giải thích, đính chính bản án, quyết định của Tòa án.

2. Trực tiếp kiểm sát việc thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân có liên quan.

3. Kiểm sát hồ sơ về thi hành án.

4. Tham gia phiên họp, phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc xét miễn, giảm nghĩa vụ thi hành án đối với khoản thu nộp ngân sách nhà nước.

5. Kiểm sát hoạt động của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc thi hành án.

6. Yêu cầu Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến việc thi hành án thực hiện các việc sau đây:

a) Ra quyết định thi hành án đúng quy định của pháp luật;

b) Thi hành bản án, quyết định theo quy định của pháp luật;

c) Tự kiểm tra việc thi hành án và thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân;

d) Cung cấp hồ sơ, tài liệu, vật chứng có liên quan đến việc thi hành án.

Yêu cầu quy định tại các điểm a, b và d khoản này phải được thực hiện ngay; yêu cầu quy định tại điểm c khoản này phải được thực hiện trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được yêu cầu.

7. Kiến nghị Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới, Chấp hành viên, cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện đầy đủ trách nhiệm trong việc thi hành án.

8. Kháng nghị quyết định của Tòa án, quyết định, hành vi của Thủ trưởng, Chấp hành viên cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và cấp dưới theo quy định của pháp luật; yêu cầu đình chỉ việc thi hành án, sửa đổi hoặc bãi bỏ quyết định có vi phạm pháp luật trong việc thi hành án, chấm dứt hành vi vi phạm pháp luật.

9. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát thi hành án dân sự, thi hành án hành chính theo quy định của pháp luật.

Mục 8: GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ KIỂM SÁT VIỆC GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO TRONG HOẠT ĐỘNG TƯ PHÁP

Điều 29. Giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân

1. Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết các khiếu nại sau đây:

a) Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

b) Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của Thủ trưởng Cơ quan điều tra; kết quả giải quyết khiếu nại của Thủ trưởng Cơ quan điều tra đối với quyết định, hành vi tố tụng của Điều tra viên, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra;

c) Khiếu nại hành vi, quyết định tố tụng của người có thẩm quyền thuộc cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;

d) Khiếu nại trong hoạt động tạm giữ, tạm giam;

đ) Khiếu nại hành vi, quyết định quản lý, giáo dục phạm nhân của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân;

e) Khiếu nại khác theo quy định của pháp luật.

2. Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền giải quyết các tố cáo sau đây:

a) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong hoạt động thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

b) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động của người có thẩm quyền tiến hành một số hoạt động điều tra;

c) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người có thẩm quyền trong việc bắt, tạm giữ, tạm giam;

d) Tố cáo hành vi vi phạm pháp luật của người được giao quản lý, giáo dục phạm nhân;

đ) Tố cáo khác theo quy định của pháp luật.

3. Khi giải quyết khiếu nại, tố cáo, Viện kiểm sát nhân dân có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tiếp nhận, phân loại, thụ lý, kiểm tra, xác minh khiếu nại, tố cáo;

b) Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân giải trình, cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan;

c) Áp dụng biện pháp cần thiết nhằm ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra;

d) Ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo;

đ) Thông báo quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo cho người đã khiếu nại, tố cáo.

Điều 30. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp

1. Trực tiếp kiểm sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp tại cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

2. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền ra quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo; kiểm tra việc giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của cấp mình và cấp dưới, thông báo kết quả cho Viện kiểm sát nhân dân; cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan cho Viện kiểm sát nhân dân.

3. Ban hành kết luận kiểm sát, thực hiện quyền kiến nghị, kháng nghị theo quy định của pháp luật.

Điều 31. Trách nhiệm báo cáo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo về hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Quốc hội công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

2. Định kỳ 06 tháng và hằng năm, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp thông báo bằng văn bản cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động tư pháp.

Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện quy định tại khoản này.

Mục 9: THỰC HÀNH QUYỀN CÔNG TỐ VÀ KIỂM SÁT HOẠT ĐỘNG TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP

Điều 32. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi thực hành quyền công tố trong hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự

1. Quyết định việc chuyển yêu cầu tương trợ tư pháp về hình sự của nước ngoài cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền của Việt Nam để khởi tố, điều tra.

2. Yêu cầu cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài triệu tập người làm chứng, người giám định; thu thập, cung cấp chứng cứ, tài liệu; truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội.

3. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các Điều 14, 16 và 18 của Luật này trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự theo yêu cầu của nước ngoài.

4. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác khi thực hành quyền công tố trong tương trợ tư pháp về hình sự theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự và Luật tương trợ tư pháp.

Điều 33. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân khi kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp

1. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan, người tiến hành và người tham gia hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, dân sự, dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

2. Tham gia phiên họp của Tòa án về việc dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân.

3. Kháng nghị quyết định có vi phạm pháp luật của Tòa án về việc dẫn độ, chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù.

4. Thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị và nhiệm vụ, quyền hạn khác trong kiểm sát hoạt động tương trợ tư pháp theo quy định của pháp luật.

Mục 10: THỐNG KÊ TỘI PHẠM VÀ CÁC CÔNG TÁC KHÁC

Điều 34. Công tác thống kê tội phạm

1. Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm chủ trì thống kê tội phạm, phối hợp với các cơ quan hữu quan trong việc thống kê hình sự.

2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan có liên quan có trách nhiệm phối hợp với Viện kiểm sát nhân dân trong việc thống kê tội phạm.

Điều 35. Công tác nghiên cứu khoa học

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm nghiên cứu tội phạm học, khoa học kiểm sát góp phần thực hiện chức năng, nhiệm vụ và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.

Điều 36. Công tác xây dựng pháp luật

Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền đề nghị, trình dự án luật, pháp lệnh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan trong xây dựng pháp luật; ban hành văn bản pháp luật thuộc thẩm quyền theo quy định của luật về ban hành văn bản pháp luật.

Điều 37. Công tác đào tạo, bồi dưỡng

1. Viện kiểm sát nhân dân thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để tạo nguồn nhân lực, nâng cao trình độ cho Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, công chức khác và viên chức của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng của Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức các loại hình đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của pháp luật.

Điều 38. Hợp tác quốc tế

Viện kiểm sát nhân dân hợp tác quốc tế trong việc đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học, đàm phán, ký kết, gia nhập các hiệp định tương trợ tư pháp và các thỏa thuận quốc tế khác theo quy định của pháp luật.

Điều 39. Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Thông qua việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm phổ biến, giáo dục pháp luật góp phần phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Điều 40. Hệ thống Viện kiểm sát nhân dân

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

3. Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).

4. Viện kiểm sát nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và tương đương (sau đây gọi là Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện).

5. Viện kiểm sát quân sự các cấp.

Điều 41. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát nhân dân các cấp

1. Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, góp phần bảo đảm pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với các vụ án, vụ việc thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân cấp cao.

3. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong phạm vi địa phương mình.

Điều 42. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có:

a) Ủy ban kiểm sát;

b) Văn phòng;

c) Cơ quan điều tra;

d) Các cục, vụ, viện và tương đương;

đ) Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, các cơ quan báo chí và các đơn vị sự nghiệp công lập khác;

e) Viện kiểm sát quân sự trung ương.

2. Viện kiểm sát nhân dân tối cao có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Thủ trưởng, các Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên; công chức khác, viên chức và người lao động khác.

Điều 43. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có:

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

c) Một số Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng sau đây:

a) Chương trình, kế hoạch công tác của ngành Kiểm sát nhân dân;

b) Dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội; báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước;

c) Bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

d) Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Ủy ban thường vụ Quốc hội về những ý kiến của Viện trưởng không nhất trí với nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; kiến nghị của Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm gửi Thủ tướng Chính phủ;

đ) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

e) Đề nghị Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao tuyển chọn, xem xét việc miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 2 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng.

4. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 44. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm có:

a) Ủy ban kiểm sát;

b) Văn phòng;

c) Các viện và tương đương.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

Điều 45. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

1. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp cao gồm có:

a) Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

b) Các Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

c) Một số Kiểm sát viên.

2. Số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát, các Kiểm sát viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

3. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp cao họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề quan trọng sau đây:

a) Việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, chỉ thị, thông tư và quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Báo cáo tổng kết công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

c) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

d) Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp cao.

4. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 3 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 46. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm có:

a) Ủy ban kiểm sát;

b) Văn phòng;

c) Các phòng và tương đương.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

Điều 47. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

1. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh gồm có:

a) Viện trưởng;

b) Các Phó Viện trưởng;

c) Một số Kiểm sát viên.

2. Số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát, các Kiểm sát viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh.

3. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

a) Việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác, chỉ thị, thông tư và quyết định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

b) Báo cáo tổng kết công tác với Viện kiểm sát nhân dân cấp trên, báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân cùng cấp;

c) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

d) Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

4. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 3 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự, vụ án hành chính, vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 48. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện gồm có văn phòng và các phòng; những nơi chưa đủ điều kiện thành lập phòng thì có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc.

2. Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, công chức khác và người lao động khác.

Điều 49. Thành lập, giải thể Viện kiểm sát nhân dân

Việc thành lập, giải thể Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 50. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện kiểm sát quân sự

1. Các Viện kiểm sát quân sự thuộc hệ thống Viện kiểm sát nhân dân được tổ chức trong Quân đội nhân dân Việt Nam để thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp trong quân đội.

2. Trong phạm vi chức năng của mình, Viện kiểm sát quân sự có nhiệm vụ quy định tại khoản 2 Điều 2 của Luật này; bảo vệ an ninh, quốc phòng, kỷ luật và sức mạnh chiến đấu của quân đội; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của quân nhân, công chức, viên chức và người lao động khác trong quân đội; bảo đảm mọi hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật phải được xử lý nghiêm minh.

3. Viện kiểm sát quân sự thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại các mục 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9 và 10 Chương II của Luật này và kiểm sát thi hành án dân sự quy định tại Điều 28 của Luật này.

Điều 51. Hệ thống Viện kiểm sát quân sự

1. Viện kiểm sát quân sự trung ương.

2. Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương.

3. Viện kiểm sát quân sự khu vực.

Điều 52. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự trung ương

1. Viện kiểm sát quân sự trung ương thuộc cơ cấu Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự trung ương gồm có:

a) Ủy ban kiểm sát;

b) Văn phòng;

c) Cơ quan điều tra;

d) Các phòng và tương đương.

3. Viện kiểm sát quân sự trung ương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên; Thủ trưởng, các Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra, Điều tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.

Điều 53. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự trung ương

1. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự trung ương gồm có:

a) Viện trưởng;

b) Các Phó Viện trưởng;

c) Một số Kiểm sát viên.

2. Số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát, các Kiểm sát viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

3. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự trung ương họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

a) Chương trình, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát quân sự;

b) Báo cáo của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về công tác của Viện kiểm sát quân sự;

c) Kiến nghị của Viện kiểm sát quân sự trung ương với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc đấu tranh phòng, chống tội phạm trong quân đội;

d) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

đ) Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự trung ương.

4. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 3 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 54. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương gồm có:

a) Ủy ban kiểm sát;

b) Các ban và bộ máy giúp việc.

2. Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.

Điều 55. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương

1. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương gồm có:

a) Viện trưởng;

b) Các Phó Viện trưởng;

c) Một số Kiểm sát viên.

2. Số lượng thành viên Ủy ban kiểm sát, các Kiểm sát viên quy định tại điểm c khoản 1 Điều này do Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương.

3. Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương họp do Viện trưởng chủ trì để thảo luận và quyết định những vấn đề sau đây:

a) Việc thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát quân sự trung ương;

b) Báo cáo tổng kết công tác với Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương và Tư lệnh quân khu và tương đương;

c) Xét tuyển người đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực đủ điều kiện dự thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp;

d) Xem xét, đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương trình Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp đang công tác tại Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực.

4. Ủy ban kiểm sát ban hành nghị quyết khi thực hiện thẩm quyền tại khoản 3 Điều này. Nghị quyết của Ủy ban kiểm sát phải được quá nửa tổng số thành viên biểu quyết tán thành; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Viện trưởng. Nếu Viện trưởng không nhất trí với ý kiến của đa số thành viên Ủy ban kiểm sát thì thực hiện theo quyết định của đa số, nhưng có quyền báo cáo Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

5. Theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Ủy ban kiểm sát thảo luận, cho ý kiến về các vụ án hình sự phức tạp để Viện trưởng xem xét, quyết định.

Điều 56. Cơ cấu tổ chức của Viện kiểm sát quân sự khu vực

1. Tổ chức bộ máy của Viện kiểm sát quân sự khu vực gồm có các bộ phận công tác và bộ máy giúp việc.

2. Viện kiểm sát quân sự khu vực có Viện trưởng, các Phó Viện trưởng, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác.

Điều 57. Thành lập, giải thể Viện kiểm sát quân sự

Việc thành lập, giải thể Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trình Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định.

Chương IV

CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHÁC CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Mục 1: NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 58. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân

1. Các chức danh tư pháp trong Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

a) Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân, Viện kiểm sát quân sự các cấp;

b) Kiểm sát viên;

c) Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra;

d) Điều tra viên;

đ) Kiểm tra viên.

2. Các công chức khác, viên chức và người lao động khác.

3. Ở Viện kiểm sát quân sự có các chức danh tư pháp, công chức, viên chức, người lao động khác quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và các quân nhân khác.

Điều 59. Trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân

1. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

2. Bồi thường, bồi hoàn thiệt hại gây ra khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

3. Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác.

4. Tôn trọng và chịu sự giám sát của nhân dân.

5. Nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, quy định của Viện kiểm sát nhân dân; tham gia phổ biến, giáo dục pháp luật.

6. Thường xuyên học tập, nghiên cứu, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Điều 60. Điều động, luân chuyển, biệt phái công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định:

a) Điều động, luân chuyển công chức, viên chức giữa các Viện kiểm sát nhân dân. Khi cần thiết thì điều động, luân chuyển công chức giữa các Viện kiểm sát nhân dân trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;

b) Biệt phái công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân đến làm việc ở cơ quan nhà nước hoặc đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh quyết định điều động, luân chuyển công chức giữa các Viện kiểm sát nhân dân trong cùng một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

3. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định:

a) Điều động, luân chuyển Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức giữa các Viện kiểm sát quân sự không cùng quân khu và tương đương sau khi thống nhất với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Biệt phái Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức của Viện kiểm sát quân sự đến làm việc ở cơ quan nhà nước hoặc đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ sau khi thống nhất với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

4. Tư lệnh quân khu và tương đương quyết định điều động, luân chuyển Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức giữa các Viện kiểm sát quân sự trực thuộc quân khu và tương đương sau khi thống nhất với Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

Điều 61. Quản lý công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thống nhất quản lý công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân các cấp theo quy định của pháp luật, bảo đảm xây dựng Viện kiểm sát nhân dân trong sạch, vững mạnh.

2. Viện trưởng các Viện kiểm sát nhân dân khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm quản lý công chức và người lao động khác của Viện kiểm sát theo quy định của Luật này và theo sự phân công, phân cấp của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Mục 2: VIỆN TRƯỞNG, PHÓ VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN CÁC CẤP

Điều 62. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm theo đề nghị của Chủ tịch nước.

2. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo nhiệm kỳ của Quốc hội. Khi Quốc hội hết nhiệm kỳ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao tiếp tục làm nhiệm vụ cho đến khi Quốc hội khóa mới bầu ra Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 63. Nhiệm vụ, quyền hạn của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác và xây dựng Viện kiểm sát nhân dân; quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Ban hành thông tư, quyết định, chỉ thị, điều lệ, quy chế, chế độ công tác áp dụng đối với Viện kiểm sát nhân dân.

3. Quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn; quyết định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới; quy định bộ máy làm việc của Viện kiểm sát quân sự sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, trình Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn.

4. Trình Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

5. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên sơ cấp, Điều tra viên các ngạch, Kiểm tra viên các ngạch.

6. Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức vụ lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền.

7. Kiến nghị xây dựng luật, pháp lệnh; chỉ đạo việc xây dựng và trình dự án luật, pháp lệnh theo quy định của pháp luật; đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh.

8. Trình Chủ tịch nước ý kiến của mình về những trường hợp người bị kết án xin ân giảm án tử hình.

9. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc tổng kết kinh nghiệm thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân.

10. Tham dự các phiên họp của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao bàn về việc hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật.

11. Kiến nghị với Chính phủ, các bộ, ngành trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.

12. Chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Quốc hội; trong thời gian Quốc hội không họp thì chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Ủy ban thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước; trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Quốc hội.

13. Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

Điều 64. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Viện trưởng và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

3. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 65. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp cao; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động nghiệp vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện;

c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 66. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, điều hành, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp dưới trực thuộc trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử của Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và cấp dưới trực thuộc trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện trực thuộc;

c) Báo cáo trước Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp mình và cấp dưới; trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân cùng cấp;

d) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 67. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát nhân dân cấp mình và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh; báo cáo công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử với Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao khi có yêu cầu;

b) Báo cáo công tác trước Hội đồng nhân dân, trả lời chất vấn, kiến nghị, yêu cầu của đại biểu Hội đồng nhân dân theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 68. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện

1. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

2. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật, theo sự phân công hoặc ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình; chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp mình và trước pháp luật.

3. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp cao, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp tỉnh, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 69. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương

1. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Chủ tịch nước bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác và xây dựng Viện kiểm sát quân sự; quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát quân sự trung ương;

b) Báo cáo công tác của Viện kiểm sát quân sự trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

c) Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương; Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực; Kiểm sát viên, Điều tra viên của Viện kiểm sát quân sự;

d) Bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Kiểm tra viên các ngạch Viện kiểm sát quân sự;

đ) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật và sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

3. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 70. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương

1. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quyết định các vấn đề về công tác của Viện kiểm sát quân sự cấp mình; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác của Viện kiểm sát quân sự cấp mình và cấp dưới trực thuộc trước Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương; trả lời chất vấn trước Hội nghị đại biểu quân nhân do cơ quan chính trị quân khu và tương đương tổ chức hằng năm;

b) Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của Viện kiểm sát quân sự khu vực trực thuộc;

c) Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 71. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực

1. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

2. Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực chỉ đạo, điều hành, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác, quyết định những vấn đề về công tác của Viện kiểm sát quân sự cấp mình và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp trên.

3. Nhiệm kỳ của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 72. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Viện kiểm sát quân sự khu vực

1. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương.

2. Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công hoặc ủy quyền của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp mình và các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trước Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự cấp mình và trước pháp luật.

3. Nhiệm kỳ của Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực là 05 năm, kể từ ngày được bổ nhiệm.

Điều 73. Trách nhiệm của Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các cấp trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp

Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Viện trưởng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân phải nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những hành vi, quyết định của mình trong việc khởi tố, bắt, giam, giữ, truy tố, tranh tụng, kháng nghị và các hành vi, quyết định khác thuộc thẩm quyền; nếu làm trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường, bồi hoàn theo quy định của pháp luật.

Mục 3: KIỂM SÁT VIÊN, KIỂM TRA VIÊN CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Điều 74. Kiểm sát viên

Kiểm sát viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp.

Điều 75. Tiêu chuẩn chung của Kiểm sát viên

1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết, trung thực, bản lĩnh chính trị vững vàng, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.

2. Có trình độ cử nhân luật trở lên.

3. Đã được đào tạo về nghiệp vụ kiểm sát.

4. Có thời gian làm công tác thực tiễn theo quy định của Luật này.

5. Có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều 76. Ngạch Kiểm sát viên

1. Ngạch Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân gồm có:

a) Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

b) Kiểm sát viên cao cấp;

c) Kiểm sát viên trung cấp;

d) Kiểm sát viên sơ cấp.

2. Ở Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể được bố trí bốn ngạch Kiểm sát viên; ở Viện kiểm sát quân sự trung ương có Viện trưởng là Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao và có thể được bố trí các ngạch Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp; các Viện kiểm sát khác có thể được bố trí các ngạch Kiểm sát viên cao cấp, trung cấp, sơ cấp.

Điều 77. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên sơ cấp

Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp của Viện kiểm sát quân sự:

1. Có thời gian làm công tác pháp luật từ 04 năm trở lên;

2. Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

3. Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên sơ cấp.

Điều 78. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên trung cấp

1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự:

a) Đã là Kiểm sát viên sơ cấp ít nhất 05 năm;

b) Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

c) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với Kiểm sát viên sơ cấp;

d) Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên trung cấp.

2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 10 năm trở lên, có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này, các điểm b, c và d khoản 1 Điều này thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên trung cấp của Viện kiểm sát quân sự.

Điều 79. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên cao cấp

1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự:

a) Đã là Kiểm sát viên trung cấp ít nhất 05 năm;

b) Có năng lực thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

c) Có khả năng hướng dẫn nghiệp vụ thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp đối với Kiểm sát viên cấp dưới;

d) Đã trúng tuyển kỳ thi vào ngạch Kiểm sát viên cao cấp.

2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 15 năm trở lên, có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này, các điểm b, c và d khoản 1 Điều này thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát nhân dân; nếu là sĩ quan quân đội tại ngũ thì có thể được bổ nhiệm làm Kiểm sát viên cao cấp của Viện kiểm sát quân sự.

Điều 80. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Người có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này và có đủ các điều kiện sau đây thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao:

a) Đã là Kiểm sát viên cao cấp ít nhất 05 năm;

b) Có năng lực chỉ đạo, điều hành công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp của Viện kiểm sát nhân dân tối cao;

c) Có năng lực giải quyết những vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Trong trường hợp do nhu cầu cán bộ của Viện kiểm sát nhân dân, người đã có thời gian làm công tác pháp luật từ 20 năm trở lên, có đủ tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 của Luật này, điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì có thể được tuyển chọn, bổ nhiệm làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 81. Bổ nhiệm Kiểm sát viên trong trường hợp đặc biệt

Trong trường hợp đặc biệt, người được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền điều động đến để làm lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp, tuy chưa đủ thời gian làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp hoặc chưa đủ thời gian làm công tác pháp luật, nhưng có đủ các tiêu chuẩn quy định tại Điều 75 và điều kiện quy định tại khoản 2 Điều 77, điểm b và điểm c khoản 1 của các Điều 78, 79 và 80 của Luật này thì cũng có thể được tuyển chọn và bổ nhiệm làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp, Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Điều 82. Nhiệm kỳ Kiểm sát viên

Kiểm sát viên được bổ nhiệm lần đầu có thời hạn là 05 năm; trường hợp được bổ nhiệm lại hoặc nâng ngạch thì thời hạn là 10 năm.

Điều 83. Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Kiểm sát viên

1. Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình trong việc thực hành quyền công tố, tranh tụng tại phiên tòa và kiểm sát hoạt động tư pháp.

Kiểm sát viên phải chấp hành quyết định của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân. Khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật thì Kiểm sát viên có quyền từ chối nhiệm vụ được giao và phải kịp thời báo cáo bằng văn bản với Viện trưởng; trường hợp Viện trưởng vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và Kiểm sát viên phải chấp hành nhưng không phải chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo lên Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân cấp trên có thẩm quyền. Viện trưởng đã quyết định phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân có trách nhiệm kiểm tra, xử lý nghiêm minh đối với vi phạm pháp luật của Kiểm sát viên khi thực hiện nhiệm vụ được giao; có quyền rút, đình chỉ hoặc hủy bỏ các quyết định trái pháp luật của Kiểm sát viên.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của Kiểm sát viên khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp do luật định.

3. Trong vụ việc có nhiều Kiểm sát viên tham gia giải quyết thì Kiểm sát viên ở ngạch thấp hơn phải tuân theo sự phân công, chỉ đạo của Kiểm sát viên ở ngạch cao hơn.

4. Khi thực hiện nhiệm vụ, Kiểm sát viên có quyền ra quyết định, kết luận, yêu cầu, kiến nghị theo quy định của pháp luật.

Điều 84. Những việc Kiểm sát viên không được làm

1. Những việc mà pháp luật quy định cán bộ, công chức không được làm.

2. Tư vấn cho người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án, vụ việc không đúng quy định của pháp luật.

3. Can thiệp vào việc giải quyết vụ án, vụ việc hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án, vụ việc.

4. Đưa hồ sơ, tài liệu của vụ án, vụ việc ra khỏi cơ quan nếu không vì nhiệm vụ được giao hoặc không được sự đồng ý của người có thẩm quyền.

5. Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án, vụ việc mà mình có thẩm quyền giải quyết ngoài nơi quy định.

Điều 85. Tuyên thệ của Kiểm sát viên

Người được bổ nhiệm vào các ngạch Kiểm sát viên phải tuyên thệ:

1. Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, tận tụy phục vụ nhân dân;

2. Đấu tranh không khoan nhượng với mọi tội phạm và vi phạm pháp luật;

3. Kiên quyết bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, lẽ phải và công bằng xã hội;

4. Không ngừng phấn đấu, học tập và làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn”;

5. Nghiêm chỉnh chấp hành kỷ luật, nguyên tắc tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân.

Điều 86. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao

1. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao gồm có Chủ tịch là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các ủy viên là đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Hội luật gia Việt Nam.

Danh sách ủy viên Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

2. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tuyển chọn người đủ tiêu chuẩn làm Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao theo đề nghị của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước bổ nhiệm;

b) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 88 của Luật này theo đề nghị của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước miễn nhiệm;

c) Xem xét những trường hợp Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên quy định tại khoản 2 Điều 89 của Luật này theo đề nghị của Ủy ban kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao để Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước cách chức.

3. Hội đồng tuyển chọn Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao làm việc theo chế độ tập thể; quyết định của Hội đồng tuyển chọn phải được quá nửa tổng số ủy viên biểu quyết tán thành.

Điều 87. Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp

1. Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp gồm có Chủ tịch là Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các ủy viên là một Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, đại diện lãnh đạo Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ, Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Danh sách Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định.

2. Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tổ chức các kỳ thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp;

b) Công bố danh sách những người trúng tuyển;

c) Đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm người đã trúng tuyển làm Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp.

3. Quy chế làm việc của Hội đồng thi tuyển Kiểm sát viên sơ cấp, Kiểm sát viên trung cấp, Kiểm sát viên cao cấp do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định.

Điều 88. Miễn nhiệm Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên đương nhiên được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên khi nghỉ hưu, thôi việc, chuyển ngành.

2. Kiểm sát viên có thể được miễn nhiệm chức danh Kiểm sát viên vì lý do sức khỏe, hoàn cảnh gia đình hoặc vì lý do khác mà xét thấy không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Điều 89. Cách chức Kiểm sát viên

1. Kiểm sát viên đương nhiên bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi bị kết tội bằng bản án của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, Kiểm sát viên có thể bị cách chức chức danh Kiểm sát viên khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vi phạm trong khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

b) Vi phạm quy định tại Điều 84 của Luật này;

c) Vi phạm về phẩm chất đạo đức;

d) Có hành vi vi phạm pháp luật khác.

Điều 90. Kiểm tra viên

1. Kiểm tra viên là người được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật để giúp Kiểm sát viên thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân.

2. Kiểm tra viên có các ngạch sau đây:

a) Kiểm tra viên;

b) Kiểm tra viên chính;

c) Kiểm tra viên cao cấp.

3. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch Kiểm tra viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

4. Kiểm tra viên có những nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Nghiên cứu hồ sơ vụ, việc và báo cáo kết quả với Kiểm sát viên;

b) Lập hồ sơ kiểm sát vụ, việc;

c) Giúp Kiểm sát viên thực hiện hoạt động khác khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp;

d) Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo sự phân công của Viện trưởng.

5. Kiểm tra viên chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Kiểm sát viên và trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Mục 4: THỦ TRƯỞNG, PHÓ THỦ TRƯỞNG, ĐIỀU TRA VIÊN VÀ CÁC CHỨC DANH KHÁC CỦA CƠ QUAN ĐIỀU TRA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO, VIỆN KIỂM SÁT QUÂN SỰ TRUNG ƯƠNG

Điều 91. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương

1. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.

2. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

3. Thủ trưởng, Phó thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình.

Điều 92. Điều tra viên và các chức danh khác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương

1. Tiêu chuẩn bổ nhiệm, điều kiện nâng ngạch, các ngạch Điều tra viên và các chức danh khác của Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương do luật định.

2. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao phân công, Điều tra viên và các chức danh khác của Cơ quan điều tra phải tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

3. Khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Thủ trưởng Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương phân công, Điều tra viên và các chức danh khác của Cơ quan điều tra phải tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thủ trưởng Cơ quan điều tra, sự lãnh đạo của Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương, sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Chương V

BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN

Điều 93. Tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ ngạch Kiểm sát viên, Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân

1. Số lượng Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao không quá 19 người.

2. Tổng biên chế, số lượng Kiểm sát viên; cơ cấu tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên tại mỗi cấp Viện kiểm sát; số lượng, cơ cấu tỷ lệ các ngạch Điều tra viên của Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi có ý kiến của Chính phủ.

Căn cứ tổng biên chế, số lượng, cơ cấu tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định biên chế, số lượng Kiểm sát viên, công chức khác, viên chức và người lao động khác của các đơn vị trực thuộc Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát nhân dân cấp dưới.

3. Tổng biên chế, số lượng Kiểm sát viên; cơ cấu tỷ lệ các ngạch Kiểm sát viên của mỗi cấp Viện kiểm sát quân sự; số lượng, cơ cấu tỷ lệ các ngạch Điều tra viên của Viện kiểm sát quân sự trung ương do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định theo đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Căn cứ số lượng, cơ cấu tỷ lệ ngạch Kiểm sát viên của Viện kiểm sát quân sự đã được Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quyết định số lượng Kiểm sát viên của Viện kiểm sát quân sự mỗi cấp sau khi thống nhất với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 94. Kinh phí và cơ sở vật chất

1. Nhà nước bảo đảm kinh phí hoạt động, cơ sở vật chất cho Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

2. Kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao lập dự toán và đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Trong trường hợp Chính phủ và Viện kiểm sát nhân dân tối cao không thống nhất về dự toán kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân thì Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định. Việc quản lý, phân bổ và sử dụng kinh phí được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách.

3. Kinh phí hoạt động của Viện kiểm sát quân sự do Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự trung ương lập dự toán báo cáo Bộ Quốc phòng để đề nghị Chính phủ trình Quốc hội quyết định. Việc quản lý, phân bổ và sử dụng kinh phí hoạt động của các Viện kiểm sát quân sự được thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách.

4. Nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng trụ sở, trang thiết bị nâng cao năng lực hoạt động cho Viện kiểm sát nhân dân.

Trụ sở, trang thiết bị, phương tiện làm việc của Viện kiểm sát quân sự do Chính phủ bảo đảm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Điều 95. Chế độ tiền lương

1. Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên có thang bậc lương riêng.

2. Chế độ tiền lương đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên của Viện kiểm sát nhân dân do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Chế độ tiền lương đối với công chức khác, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật.

3. Chế độ tiền lương đối với Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát quân sự được thực hiện theo chế độ của quân đội.

Điều 96. Chế độ phụ cấp

1. Chế độ phụ cấp đặc thù của cán bộ, công chức, viên chức Viện kiểm sát nhân dân do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ quyết định.

2. Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát quân sự được hưởng chế độ phụ cấp của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật.

3. Chế độ phụ cấp khác theo quy định của pháp luật.

Điều 97. Trang phục, giấy chứng minh Kiểm sát viên, giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân được cấp trang phục và phù hiệu; Kiểm sát viên được cấp cấp hiệu, giấy chứng minh; Điều tra viên, Kiểm tra viên được cấp cấp hiệu, giấy chứng nhận để làm nhiệm vụ.

Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát quân sự được cấp trang phục theo chế độ của quân đội.

2. Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định chế độ cấp phát và sử dụng trang phục ngành Kiểm sát nhân dân, phù hiệu, cấp hiệu của Lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân các cấp, của Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định hình thức, chất liệu, màu sắc trang phục; chế độ cấp phát và sử dụng trang phục đối với các công chức khác, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân.

3. Giấy chứng minh Kiểm sát viên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cấp và quản lý. Hình thức, kích thước, màu sắc của Giấy chứng minh Kiểm sát viên do Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định trên cơ sở đề nghị của Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

4. Giấy chứng nhận Điều tra viên, Kiểm tra viên do Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao quy định, cấp và quản lý.

Điều 98. Chế độ đào tạo, bồi dưỡng

1. Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.

2. Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực để phục vụ Viện kiểm sát nhân dân; có chính sách ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức của Viện kiểm sát nhân dân là người dân tộc thiểu số hoặc công tác tại miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

3. Kiểm sát viên, Điều tra viên, Kiểm tra viên, quân nhân khác, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát quân sự được đào tạo, bồi dưỡng theo quy định của Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng.

Điều 99. Khen thưởng, xử lý vi phạm

1. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân có thành tích trong công tác thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng và quy định của Viện kiểm sát nhân dân.

Quân nhân, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát quân sự có thành tích trong công tác thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng, quy định của Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Quốc phòng.

2. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát nhân dân vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật và quy định của Viện kiểm sát nhân dân.

Quân nhân, công chức, viên chức và người lao động khác của Viện kiểm sát quân sự vi phạm pháp luật, vi phạm kỷ luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật, quy định của Viện kiểm sát nhân dân, Bộ Quốc phòng.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 100. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 6 năm 2015, trừ các điều, khoản quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Điều 40, Điều 49, các khoản 3, 4 và 5 Điều 63, Điều 74, Điều 76, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 79, điểm b và điểm c khoản 1 Điều 80, khoản 1 Điều 93 của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực kể từ ngày 01 tháng 02 năm 2015.

3. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân số 34/2002/QH10, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân số 03/2002/PL-UBTVQH11 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Pháp lệnh số 15/2011/PL-UBTVQH12, Pháp lệnh tổ chức Viện kiểm sát quân sự số 05/2002/PL-UBTVQH11 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực.

Điều 101. Hướng dẫn thi hành

Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành khoản 2 Điều 31, các Điều 86, 87, 90, 94, 95, 96, 97, 98 và 99 của Luật này.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 24 tháng 11 năm 2014.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
----------------

No. 63/2014/QH13

Hanoi, November 24, 2014

 

LAW

ON ORGANIZATION OF PEOPLE’S PROCURACIES

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on Organization of People’s Procuracies.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope of regulation

This Law prescribes functions, duties, powers and organizational structures of people’s procuracies; procurators and other staffs in people’s procuracies; and assurance of operation of people’s procuracies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. People’s procuracies are agencies exercising the power to prosecute and supervise judicial activities of the Socialist Republic of Vietnam.

2. People’s procuracies have the duty to safeguard the Constitution and law, human rights, citizens’ rights, the socialist regime, interests of the State, and lawful rights and interests of organizations and individuals, thus contributing to ensuring the strict and unified observance of law.

Article 3. The function of people’s procuracies to exercise the power to prosecute

1. Exercising the power to prosecute means an activity of people’s procuracies in criminal procedure to make the State’s accusation against offenders. The power to prosecute shall be exercised right upon the settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution and throughout the course of institution, investigation, prosecution and adjudication of criminal cases.

2. People’s procuracies shall exercise the power to prosecute to ensure that:

a/ All offences and offenders shall be detected, charged, investigated, prosecuted and adjudicated in a prompt, strict, accurate, fair and lawful manner, neither let injustice be done on the innocent nor omit offences and offenders;

b/ No person will be charged with an offence, arrested, held in custody or temporary detention or have their human rights or citizens’ rights restricted in contravention of law.

3. When exercising the power to prosecute, people’s procuracies have the following duties and powers:

a/ To request the institution of criminal cases; to cancel illegal decisions on institution or non-institution of criminal cases; to approve or not to approve decisions on initiation of criminal proceedings against the accused issued by investigating agencies or agencies assigned to conduct some investigating activities; to directly institute criminal cases and initiate criminal proceedings against the accused in the cases prescribed by the Criminal Procedure Code;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ To cancel other illegal procedural decisions in the settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution, and in the laying of charges and investigation by investigating agencies or agencies assigned to conduct some investigating activities;

d/ When necessary, to set investigation requirements and require investigating agencies or agencies assigned to conduct some investigating activities to fulfill such requirements;

dd/ To request concerned agencies, organizations and individuals to provide documents to clarify offences and offenders;

e/ To directly settle reports and information on crimes and recommendations for prosecution; to conduct some investigating activities to clarify grounds for laying charges on offenders;

g/ To investigate crimes of infringing upon judicial activities and corruption- and position- related crimes in judicial activities in accordance with law;

h/ To decide on the application of summary procedure in investigation and prosecution;

i/ To decide on the prosecution and accusation against the accused at court hearings;

k/ To protest against court judgments or decisions in case of injustice, wrongful conviction or omission of offences or offenders;

l/ To perform other duties and exercise other powers in making accusations against offenders in accordance with the Criminal Procedure Code.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Supervising judicial activities means an activity of people’s procuracies to supervise the lawfulness of acts and decisions committed or made by agencies, organizations and individuals in judicial activities. The supervision of judicial activities shall be conducted right upon the receipt and settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution and throughout the course of settlement of criminal cases; in the settlement of administrative cases, civil, marriage and family, business, commercial and labor cases and matters; in the execution of judgments and settlement of complaints and denunciations about judicial activities; and in other judicial activities in accordance with law.

2. People’s procuracies shall supervise judicial activities to ensure that:

a/ The receipt and settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution; settlement of criminal cases, administrative cases, civil, marriage and family, business, commercial and labor cases and matters; execution of judgments; settlement of complaints and denunciations about judicial activities; and other judicial activities shall be conducted in accordance with law;

b/ The arrest, custody or temporary detention, execution of imprisonment sentences, and regimes of custody or temporary detention, management and education of persons serving imprisonment sentences must comply with law; human rights and other lawful rights and interests of persons arrested or held in custody or temporary detention and persons serving imprisonment sentences, which are not restricted by law, must be respected and protected;

c/ Court judgments and decisions which are legally valid must be strictly executed;

d/ All violations in judicial activities must be detected and handled in a prompt and strict manner.

3. When performing the function of supervising judicial activities, people’s procuracies have the following duties and powers:

a/ To request agencies, organizations and individuals to conduct judicial activities in accordance with law; inspect judicial activities falling under their competence and notify inspection results to people’s procuracies; provide dossiers and documents to people’s procuracies for the later to examine the lawfulness of acts and decisions in judicial activities;

b/ To directly supervise; verify and collect documents to clarify violations committed by agencies, organizations and individuals in judicial activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ To protest against illegal court judgments or decisions; to recommend action against illegal acts or decisions committed or made by courts; to protest against illegal acts and decisions committed or made by other competent agencies and persons in judicial activities;

dd/ To supervise the settlement of complaints and denunciations about judicial activities; to settle complaints and denunciations falling under their competence;

e/ To perform other duties and exercise other powers in supervising judicial activities in accordance with law.

Article 5. Protests and recommendations of people’s procuracies

1. People’s procuracies shall protest against acts, judgments or decisions which are committed or made by competent agencies or persons in judicial activities and involve serious violations, infringing upon human rights, citizens’ rights, interests of the State or lawful rights and interests of organizations and individuals. Competent agencies and persons shall settle protests of people’s procuracies in accordance with law.

2. In case acts or decisions committed or made by agencies, organizations or individuals in judicial activities involve violations which are less serious and do not fall into the case subject to protest prescribed in Clause 1 of this Article, people’s procuracies shall recommend these agencies, organizations or individuals to remedy violations and strictly handle violators; if detecting any loopholes or shortcomings in management activities, they shall recommend concerned agencies and organizations to remedy and apply measures to prevent violations and crimes. Related agencies, organizations and individuals shall consider, settle and reply to recommendations of people’s procuracies in accordance with law.

Article 6. Working activities of people’s procuracies

1. People’s procuracies shall perform the function of exercising the power to prosecute through the following activities:

a/ Exercising the power to prosecute in the settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Exercising the power to prosecute during the stage of prosecution against offenders;

d/ Exercising the power to prosecute during the stage of adjudication of criminal cases;

dd/ Investigating some types of crime;

e/ Exercising the power to prosecute in mutual judicial assistance in criminal matters.

2. People’s procuracies shall perform the function of supervising judicial activities through the following activities:

a/ Supervising the receipt and settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution;

b/ Supervising the institution and investigation of criminal cases;

c/ Supervising the observance of law by procedure participants during the stage of prosecution;

d/ Supervising the adjudication of criminal cases;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e/ Supervising the settlement of administrative cases, civil, marriage and family, business, commercial and labor cases and matters and other matters in accordance with law;

g/ Supervising the enforcement of civil and administrative judgments;

h/ Supervising the settlement of complaints and denunciations about judicial activities by competent agencies in accordance with law; settling complaints and denunciations about judicial activities which fall under their competence;

i/ Supervising mutual judicial assistance activities.

3. Other activities of people’s procuracies include:

a/ Crime statistics; law making; and law dissemination and education;

b/ Training and re-training; scientific research; international cooperation and other activities serving their development.

Article 7. Principles on organization and operation of people’s procuracies

1. A people’s procuracy shall be led by the chief procurator. Chief procurators of people’s procuracies at lower levels shall submit to the leadership of chief procurators of people’s procuracies at higher levels. Chief procurators of people’s procuracies at lower levels shall submit to the unified leadership of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. At the Supreme People’s Procuracy, superior people’s procuracies, people’s procuracies of provinces and centrally run cities, the Central Military Procuracy and military procuracies of military zones and the equivalent, supervisory committees shall be set up to discuss and decide by majority on important issues and give opinions on cases and matters before submission to chief procurators for decision under Articles 43, 45, 47, 53 and 55 of this Law.

Article 8. Coordination responsibility of people’s procuracies

Within the ambit of their functions and duties, people’s procuracies shall coordinate with public security agencies, courts, judgment enforcement agencies, inspection agencies, audit agencies, other state agencies, and the Central Committee and member organizations of the Vietnam Fatherland Front in effectively preventing and fighting crimes; promptly and strictly handling crimes and violations in judicial activities; conducting law dissemination and education; formulating legal documents; conducting training and re-training activities and researching crimes and violations.

Article 9. Rights and responsibilities of agencies, organizations and individuals toward activities of people’s procuracies

1. Concerned agencies, organizations and individuals shall strictly abide by decisions, and fufill requests, recommendations and protests of people’ procuracies; and may recommend action against, and lodge complaints and denunciations about, illegal acts and decisions of people’s procuracies; people’s procuracies shall settle or reply to these recommendations, complaints and denunciations in accordance with law.

2. When having grounds to believe that an act or a decision of a people’s procuracy is groundless or illegal, investigating agencies or agencies assigned to conduct some investigating activities, courts and judgment enforcement agencies may recommend or request the people’s procuracy to reconsider its act or decision. The people’s procuracy shall settle or reply to these recommendations or requests in accordance with law.

3. Agencies, organizations and individuals are prohibited from obstructing or intervening into the exercise of the power to prosecute and supervise judicial activities by people’s procuracies; taking advantage of the right to lodge complaints and denunciations to slander cadres, civil servants, public employees and other employees of people’s procuracies.

Article 10. Supervision of activities of people’s procuracies

The National Assembly and National Assembly agencies, deputies and delegations, People’s Councils and People’s Council deputies, and the Central Committee and member organizations of the Vietnam Fatherland Front shall supervise activities of people’s procuracies in accordance with law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The traditional day of people’s procuracies is July 26 every year.

2. The badge of people’s procuracies is circular in shape with red background, yellow selvage and radial rays; in the middle is a relief five-pointed gold star encircled by rice ears, below which are a sword and a shield; on the shield is half of a dark-blue cogwheel and two letters “KS” in platinum color; the lower half of the badge is encircled by a red strip in front of which is the phrase “The Socialist Republic of Vietnam”.

Chapter II

ACTIVITIES TO PERFORM THE FUNCTIONS AND DUTIES OF PEOPLE’S PROCURACIES

Section 1. EXERCISING THE POWER TO PROSECUTE AND SUPERVISE THE RECEIPT AND SETTLEMENT OF REPORTS AND INFORMATION ON CRIMES AND RECOMMENDATIONS FOR PROSECUTION

Article 12. Duties and powers of people’s procuracies in exercising the power to prosecute in the settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution

1. To approve or not to approve the arrest of persons in urgent cases, extension of custody and application of other measures restricting human rights or citizens’ rights in settling reports and information on crimes and recommendations for prosecution.

2. To cancel temporary custody decisions and other procedural decisions issued illegally by competent agencies in settling reports and information on crimes and recommendations for prosecution.

3. When necessary, to set out examination and verification requirements and request agencies competent to settle reports and information on crimes and recommendations for prosecution to fulfill such requirements.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. To perform other duties and exercise other powers so as to exercise the power to prosecute in accordance with the Criminal Procedure Code so as to prevent the omission of offenders and injustice.

Article 13. Duties and powers of people’s procuracies in supervising the receipt and settlement of reports and information about crimes and recommendations for prosecution

1. To receive reports and information on crimes and recommendations for prosecution from organizations, agencies and individuals and forward them to competent investigating agencies for settlement.

2. To supervise the observance of law by investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities in the receipt of reports and information on crimes and recommendations for prosecution. Investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities shall fully and promptly notify people’s procuracies of reports and information on crimes and recommendations for prosecution they have received.

3. To directly supervise; and supervise the examination and verification of, making of dossiers on, and results of settlement of, reports and information on crimes and recommendations for prosecution of investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities. Investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities shall fully and promptly notify people’s procuracies of verification and settlement results.

4. When detecting that the receipt and settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution are conducted in an incomplete or unlawful manner, people’s procuracies shall request investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities:

a/ To receive, examine, verify, and issue decisions on settlement of, reports and information on crimes and recommendations for prosecution in a complete and lawful manner;

b/ To inspect the receipt and settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution and notify inspection results to people’s procuracies;

c/ To provide documents on violations in the receipt and settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. To settle disputes over competence to settle reports and information on crimes and recommendations for prosecution.

6. To perform other duties and exercise other powers in supervising the receipt and settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution in accordance with the Criminal Procedure Code.

Section 2. EXERCISING THE POWER TO PROSECUTE AND SUPERVISE THE INVESTIGATION OF CRIMINAL CASES

Article 14. Duties and powers of people’s procuracies when exercising the power to prosecute during the stage of investigation of criminal cases

1. To request investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities to institute criminal cases or initiate criminal proceedings against the accused or change or supplement decisions on institution of criminal cases or initiation of criminal proceedings against the accused.

2. To cancel decisions on institution of criminal cases, decisions on change or supplementation of decisions on institution of criminal cases or decisions on non-institution of criminal cases, which are issued illegally; to approve or cancel decisions on initiation of criminal proceedings against the accused, decisions on change or supplementation of decisions on initiation of criminal proceedings against the accused, which are issued illegally.

3. To institute, or change or supplement decisions on institution of, criminal cases and initiate, or change or supplement decisions on initiation of, criminal proceedings against the accused in the cases prescribed by the Criminal Procedure Code.

4. To approve or not to approve the arrest of persons in urgent cases, extension of custody or temporary detention, and other measures restricting human rights or citizens’ rights.

5. To decide to apply, change, or cancel the application of, the measures of arrest, custody or temporary detention, deterrent measures and other measures restricting human rights and citizens’ rights in accordance with law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. To set out investigation requirements and request investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities to conduct investigation to clarify offences and offenders; to request investigating agencies to pursue the accused.

8. To directly conduct some investigating activities to examine or supplement documents or evidences when approving orders or decisions of investigating agencies or agencies assigned to conduct some investigating activities or detecting signs of injustice or wrongful conviction or omission of crimes and violations which have not yet been remedied in spite of requests of people’s procuracies.

9. To institute or request investigating agencies to institute criminal cases when detecting criminal signs of acts committed by competent persons in the settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution or in the laying of charges or investigation.

10. To decide to extend the investigation or temporary detention time limit, transfer cases, apply summary procedure and apply the measure of compulsory medical treatment.

11. To perform other duties and exercise other powers in exercising the power to prosecute in accordance with the Criminal Procedure Code.

Article 15. Duties and powers of people’s procuracies when supervising the investigation of criminal cases

1. To supervise the observance of law in institution, investigation and compilation of files of criminal cases by investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities.

2. To supervise criminal procedure activities of procedure participants; to request or recommend competent agencies, organizations and individuals to strictly handle procedure participants who commit violations.

3. To settle disputes over investigating competence;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. To recommend or request investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities to remedy violations committed in the institution and investigation of criminal cases.

6. To request heads of investigating agencies and agencies assigned to conduct some investigating activities to change investigators or investigative officers and strictly handle investigators or investigative officers who commit violations in procedural activities.

7. To recommend concerned agencies and organizations to apply measures to prevent crimes and violations.

8. To perform other duties and exercise other powers in supervising the investigation of criminal cases in accordance with the Criminal Procedure Code.

Section 3. EXERCISING THE POWER TO PROSECUTE AND SUPERVISE JUDICIAL ACTIVITIES DURING THE STAGE OF PROSECUTION

Article 16. Duties and powers of people’s procuracies when exercising the power to prosecute during the stage of prosecution

1. To decide to apply, change or cancel the application of, the measures of arrest, custody or temporary detention and other measures restricting human rights or citizens’ rights in accordance with law; to request investigating agencies to pursue the accused.

2. To request agencies, organizations and individuals to provide documents related to cases when necessary.

3. To directly conduct some investigating activities to examine or supplement documents or evidences so as to decide to institute criminal cases or in case additional investigation is requested by courts but people’s procuracies deem it unnecessary to return case files to investigating agencies.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. To decide on the separation, consolidation or transfer of cases for prosecution according to jurisdiction, application of summary procedure and application of the measure of compulsory medical treatment.

6. To decide to extend or not to extend the prosecution time limit and the period of application of a deterrent measure.

7. To decide to prosecute or not to prosecute the accused.

8. To decide to cease or suspend cases or the accused; to decide to resume cases or the accused status.

9. To perform other duties and exercise other powers to decide on the prosecution in accordance with the Criminal Procedure Code.

Article 17. Duties and powers of people’s procuracies in supervising judicial activities during the stage of prosecution

1. To supervise criminal procedure activities of procedure participants; to request or recommend competent agencies, organizations and individuals to strictly handle procedure participants who commit violations.

2. To recommend concerned agencies and organizations to apply measures to prevent crimes and violations.

3. To perform other duties and exercise other powers in supervising judicial activities in accordance with the Criminal Procedure Code.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 18. Duties and powers of people’s procuracies when exercising the power to prosecute during the stage of adjudication of criminal cases

1. To announce indictments or prosecution decisions according to summary procedure and other decisions on accusation against the accused at court hearings.

2. To inquire, arraign, argue and present their viewpoints on the settlement of cases at court hearings.

3. To protest against court judgments or decisions if detecting injustice, wrongful conviction or omission of offences and offenders.

4. To perform other duties and exercise other powers in making accusations in accordance with the Criminal Procedure Code.

Article 19. Duties and powers of people’s procuracies when supervising the adjudication of criminal cases

1. To supervise the observance of law in adjudication of criminal cases by courts.

2. To supervise court judgments and decisions.

3. To supervise criminal procedure activities of procedure participants; to request or recommend competent agencies and organizations to strictly handle procedure participants who commit violations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. To protest against court judgments or decisions involving serious violations of procedural regulations.

6. To exercise the right to make requests and recommendations, perform other duties and exercise other powers in supervising the adjudication of criminal cases in accordance with the Criminal Procedure Code.

Section 5. INVESTIGATING ACTIVITIES OF INVESTIGATING AGENCIES OF PEOPLE’S PROCURACIES

Article 20. Investigating competence of investigating agencies of the Supreme People’s Procuracy and the Central Military Procuracy

Investigating agencies of the Supreme People’s Procuracy and the Central Military Procuracy shall investigate crimes of infringing upon judicial activities and corruption- and position-related crimes committed in judicial activities by cadres or civil servants of investigating agencies, courts, people’s procuracies or judgment enforcement agencies or persons competent to conduct judicial activities in accordance with law.

Article 21. Exercising the power to prosecute and supervise the observance of law by investigating agencies of the Supreme People’s Procuracy and the Central Military Procuracy

The Supreme People’s Procuracy and the Central Military Procuracy shall exercise the power to prosecute and supervise the observance of law in the receipt and settlement of reports and information on crimes and recommendations for prosecution; and the laying of charges and investigation by their investigating agencies as prescribed in Articles 12, 13, 14 and 15 of this Law, and the Criminal Procedure Code.

Section 6. SUPERVISION OF THE CUSTODY, TEMPORARY DETENTION, AND EXECUTION OF CRIMINAL JUDGMENTS

Article 22. Duties and powers of people’s procuracies when supervising custody and temporary detention

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. When supervising custody and temporary detention, people’s procuracies have the following duties and powers:

a/ To conduct direct supervision at custody houses and detention camps; to ask persons held in custody or temporary detention about the custody or temporary detention;

b/ To supervise custody and temporary detention dossiers;

c/ To request heads of custody houses and superintendents of detention camps to conduct inspection of custody or temporary detention and notify inspection results to people’s procuracies, provide dossiers and documents related to custody or temporary detention, notify the situation of custody or temporary detention, and answer questions about illegal custody or temporary detention decisions, measures or acts;

d/ To decide to immediately release persons who are held in custody or temporary detention in a groundless or unlawful manner;

dd/ To protest against illegal custody or temporary detention decisions and recommend or request agencies and persons competent to conduct custody or temporary detention to suspend the implementation of, amend or annul, illegal custody or temporary detention decisions, or terminate violations and handle violators;

e/ To institute or request investigating agencies to institute criminal cases when detecting cases showing criminal signs in custody or temporary detention in accordance with law;

g/ To settle complaints and denunciations, perform other duties and exercise other powers in supervising custody or temporary detention in accordance with law.

Article 23. Settlement of complaints and denunciations about custody and temporary detention

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Agencies and persons competent to conduct custody and temporary detention matters shall forward complaints and denunciations of persons held in custody or temporary detention to people’s procuracies within 24 hours after receipt.

3. Chief procurators of people’s procuracies of rural districts, urban districts, towns, provincial cities and the equivalent, chief procurators of people’s procuracies of provinces and centrally run cities, chief procurators of regional military procuracies and chief procurators of military procuracies of military zones and the equivalent shall settle complaints about illegal decisions and acts in custody and temporary detention made or committed by competent agencies or persons subject to their supervision.

Chief procurators of procuracies at higher levels may settle complaints about the settlement of complaints by chief procurators of procuracies at lower levels; complaint settlement decisions of chief procurators of procuracies at higher levels are legally valid decisions.

4. Chief procurators are competent to settle denunciations about illegal acts in custody or temporary detention committed by competent persons under their supervision.

Past the law-prescribed time limits, if denunciations have not yet been settled, chief procurators of higher-level procuracies may settle denunciations; conclusions on denunciation contents of chief procurators of higher-level procuracies are final.

Article 24. Responsibilities to implement custody- or temporary detention-related requests, recommendations, protests and decisions of people’s procuracies

1. Heads of custody houses and superintendents of detention camps shall implement the following custody- or temporary detention-related requests, recommendations, protests and decisions of people’s procuracies:

a/ Requests for provision of dossiers and documents related to custody or temporary detention must be implemented immediately; requests for notification of the situation of custody and temporary detention and requests for explanation about illegal decisions, measures or acts in custody or temporary detention must be implemented within 15 days after receipt; requests for self-inspection of custody or temporary detention and notification of inspection results to people’s procuracies must be implemented within 30 days after receipt;

b/ Decisions specified at Point d, Clause 2, Article 22 of this Law must be implemented immediately; heads of custody houses and superintendents of detention camps shall still implement such decisions even if they disagree therewith, but they may lodge complaints to competent higher-level procuracies. Chief procurators of higher-level procuracies shall settle such complaints within 10 days after receipt;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. For recommendations specified at Point dd, Clause 2, Article 22 of this Law, competent agencies, organizations and individuals shall consider and settle them and give replies in accordance with the law on custody and temporary detention.

Article 25. Duties and powers of people’s procuracies when supervising the execution of criminal judgments

1. People’s procuracies shall supervise the observance of law by courts, criminal judgment enforcement agencies, agencies and organizations assigned to perform some criminal judgment execution duties, competent persons, and agencies, organizations and individuals involved in criminal judgment execution.

2. When supervising the execution of criminal judgments, people’s procuracies have the following duties and powers:

a/ To request courts to issue decisions on execution of criminal judgments; to request courts, criminal judgment enforcement agencies, and agencies and organizations assigned to perform some criminal judgment execution duties to conduction inspection of the execution of criminal judgments and notify inspection results to people’s procuracies and provide dossiers and documents related to the execution of criminal judgments;

b/ To directly supervise the execution of criminal judgments; to supervise criminal judgment execution dossiers. People’s procuracies of provinces and centrally run cities shall directly supervise the execution of imprisonment sentences at prisons based in their localities;

c/ To decide to immediately release persons serving imprisonment sentences which have been imposed in a groundless or unlawful manner;

d/ To request the exemption from, postponement, suspension or cancellation of the serving of sentences; to participate in considering the reduction of or exemption from execution of sentences or judicial measures or shortening of probation period;

dd/ To protest against illegal acts and decisions committed or made by competent agencies and persons in criminal judgment execution;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g/ To institute or request investigating agencies to institute criminal cases when detecting cases showing criminal signs in criminal judgment execution in accordance with law;

h/ To perform other duties and exercise other powers in supervising criminal judgment execution in accordance with the law on criminal judgment execution.

Article 26. Responsibility to implement criminal judgment execution-related requests, recommendations, protests and decisions of people’s procuracies

1. Requests for issuance of criminal judgment execution decisions in accordance with law and requests for provision of dossiers and documents related to criminal judgment execution must be immediately implemented.

2. Courts, criminal judgment enforcement agencies and agencies and organizations assigned to perform some criminal judgment execution duties shall implement requests for self-inspection of criminal judgment execution and notification of self-inspection results to people’s procuracies within 30 days after receipt.

3. Competent agencies, organization and individuals shall consider, settle, reply to, or implement, criminal judgment execution-related recommendations, protests and other requests of people’s procuracies in accordance with the Law on Execution of Criminal Cases.

Section 7. SUPERVISION OF THE SETTLEMENT OF ADMINISTRATIVE CASES, CIVIL, MARRIAGE AND FAMILY, BUSINESS, COMMERCIAL AND LABOR CASES AND MATTERS AND OTHER MATTERS IN ACCORDANCE WITH LAW; SUPERVISION OF THE EXECUTION OF CIVIL AND ADMINISTRATIVE JUDGMENTS

Article 27. Duties and powers of people’s procuracies when supervising the settlement of administrative cases, civil, marriage and family, business, commercial and labor cases and matters and other matters in accordance with law

1. To supervise the return of petitions and requests.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. To collect documents and evidences in the cases prescribed by law.

4. To attend court hearings and meetings and present their viewpoints on the settlement of cases and matters in accordance with law.

5. To supervise court judgments and decisions.

6. To supervise procedural activities of procedure participants; to request or recommend competent agencies and organizations to strictly handle procedure participants who commit violations.

7. To make protests or recommendations against court judgments or decisions involving violations; to recommend or request courts, agencies, organizations and individuals to conduct procedural activities.

8. To perform other duties and exercise other powers in supervising the settlement of administrative cases, civil, marriage and family, business, commercial and labor cases and matters and other matters in accordance with law.

Article 28. Duties and powers of people’s procuracies when supervising the execution of civil and administrative judgments

1. To supervise the issuance, handover, interpretation and correction of court judgments or decisions.

2. To directly supervise judgment enforcement by civil judgment enforcement agencies at the same and lower levels, enforcers and related agencies, organizations and individuals.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. To attend court meetings and present their viewpoints on the consideration for exemption from or reduction of the judgment execution obligation related to state budget remittances.

5. To supervise operations of agencies, organizations and individuals involved in judgment execution.

6. To request courts and civil judgment enforcement agencies at the same and lower levels, enforcers, and agencies, organizations and individuals involed in judgment execution:

a/ To issue judgment enforcement decisions in accordance with law;

b/ To execute judgments and decisions in accordance with law;

c/ To conduct self-inspection of judgment execution and notify self-inspection results to people’s procuracies;

d/ To provide dossiers, documents and exhibits related to judgment execution.

Requests specified at Points a, b and d of this Clause must be implemented immediately; requests specified at Point c of this Clause must be implemented within 30 days after receipt.

7. To recommend courts and civil judgment enforcement agencies of the same and lower levels, enforcers and agencies, organizations and individuals to fully discharge their responsibilities in judgment execution.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. To perform other duties and exercise other powers in supervising the execution of civil and administrative judgments in accordance with law.

Section 8. SETTLEMENT OF COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS AND SUPERVISION OF THE SETTLEMENT OF COMPLAINTS AND DENUNCIATIONS ABOUT JUDICIAL ACTIVITIES

Article 29. Settlement of complaints and denunciations about judicial activities which fall under the competence of people’s procuracies

1. People’s procuracies are competent to settle the following complaints:

a/ Complaints about procedural acts and decisions committed or made by competent persons of people’s procuracies in exercising the power to prosecute and supervise judicial activities;

b/ Complaints about procedural acts and decisions committed or made by heads of investigating agencies; complaints about results of settlement of complaints about procedural decisions or acts of investigators or deputy heads of investigating agencies by heads of investigating agencies;

c/ Complaints about procedural acts and decisions of competent persons of agencies assigned to conduct some investigating activities;

d/ Complaints about custody and temporary detention;

dd/ Complaints about acts and decisions on management and education of prisoners committed or made by persons assigned to manage and educate prisoners;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. People’s procuracies are competent to settle the following denunciations:

a/ Denunciations about violations committed by competent persons of people’s procuracies when exercising the power to prosecute and supervise judicial activities;

b/ Denunciations about violations in activities of persons competent to conduct some investigating activities;

c/ Denunciations about violations committed by competent persons in arrest, custody or temporary detention;

d/ Denunciations about violations committed by persons assigned to manage and educate prisoners;

dd/ Other denunciations as prescribed by law.

3. When settling complaints and denunciations, people’s procuracies have the following duties and powers:

a/ To receive, classify, accept, examine and verify complaints and denunciations;

b/ To request agencies, organizations and individuals to explain and provide relevant dossiers and documents;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ To issue decisions on settlement of complaints and conclusions on denunciation contents;

dd/ To notify decisions on settlement of complaints and conclusions on denunciation contents to complainants or denunciators.

Article 30. Duties and powers of people’s procuracies when supervising the settlement of complaints and denunciations about judicial activities

1. To directly supervise the settlement of complaints and denunciations about judicial activities by competent agencies in accordance with law.

2. To request competent agencies to issue decisions on settlement of complaints and conclusions on denunciation contents, inspect the settlement of complaints and denunciations in judicial activities by themselves and lower levels and notify inspection results to people’s procuracies and provide relevant dossiers and documents to people’s procuracies.

3. To make conclusions on supervision and exercise of the right to make recommendations or protests in accordance with law.

Article 31. Responsibility to report on the settlement of complaints and denunciations about judicial activities of the Supreme People’s Procuracy

1. The General Procurator of the Supreme People’s Procuracy shall report on the settlement of complaints and denunciations about judicial activities to the National Assembly.

2. Biannually and annually, the Supreme People’s Court, the Ministry of Public Security, the Ministry of National Defense and the Ministry of Justice shall notify in writing the Supreme People’s Procuracy of the settlement of complaints and denunciations about judicial activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 9. EXERCISING THE POWER TO PROSECUTE AND SUPERVISE MUTUAL LEGAL ASSISTANCE ACTIVITIES

Article 32. Duties and powers of people’s procuracies when exercising the power to prosecute in mutual legal assistance in criminal matters

1. To decide to transfer foreign countries’ requests for mutual legal assistance in criminal matters to competent Vietnamese investigating agencies for institution or investigation of criminal cases.

2. To request foreign competent agencies to summon witnesses and expert witnesses; collect and provide evidences and documents; and examine penal liability of offenders.

3. To perform the duties and exercise the powers prescribed in Articles 14, 16 and 18 of this Law in case competent Vietnamese agencies conduct investigation, prosecution and adjudication of criminal cases at the request of foreign countries.

4. To perform other duties and exercise other powers when exercising the power to prosecute in mutual legal assistance in criminal matters in accordance with the Criminal Procedure Code and the Law on Mutual Legal Assistance.

Article 33. Duties and powers of people’s procuracies when supervising mutual legal assistance activities

1. To supervise the observance of law by agencies and persons conducting and participating in mutual legal assistance in criminal or civil matters, expatriation and transfer of persons serving imprisonment sentences.

2. To attend court meetings on expatriation or transfer of persons serving imprisonment sentences and present their viewpoints.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. To exercise the right to make requests and recommendations, perform other duties and exercise other powers in supervising mutual legal assistance in accordance with law.

Section 10. CRIME STATISTICS AND OTHER ACTIVITIES

Article 34. Crime statistics

1. People’s procuracies shall assume the prime responsibility for making crime statistics and coordinate with concerned agencies in making criminological statistics.

2. Within the ambit of their functions and tasks, procedure-conducting agencies and other related agencies shall coordinate with people’s procuracies in making crime statistics.

Article 35. Scientific research

Within the ambit of their functions and duties, people’s procuracies shall conduct criminological research and scientific research in prosecution-related matters so as to contribute to fulfilling their functions and duties and preventing and combating crimes and violations.

Article 36. Law making

The Supreme People’s Procuracy may recommend and submit draft laws and ordinances; assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned agencies and organizations in, drafting laws; promulgate legal documents falling under its competence in accordance with the law on promulgation of legal documents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. People’s procuracies shall conduct professional training and retraining to create human resources and elevate qualifications of their procurators, investigators, examiners and other civil servants and public employees in accordance with law.

2. Training institutions of people’s procuracies may provide training and retraining in various forms in accordance with law.

Article 38. International cooperation

People’s procuracies shall enter into international cooperation in training, retraining, scientific research, and in negotiation for, conclusion of, and accession to, mutual legal assistance agreements and other international agreements in accordance with law.

Article 39. Law dissemination and education

Through exercising the power to prosecute and supervise judicial activities, people’s procuracies shall conduct law dissemination and education, thus contributing to the prevention and combat of crimes and violations.

Chapter III

ORGANIZATION OF PEOPLE’S PROCURACIES

Article 40. The people’s procuracy system

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Superior people’s procuracies.

3. People’s procuracies of provinces and centrally run cities (below referred to as provincial-level people’s procuracies).

4. People’s procuracies of rural districts, urban districts, towns, provincial cities and the equivalent (below referred to as district-level people’s procuracies).

5. Military procuracies at different levels.

Article 41. Duties and powers of people’s procuracies at different levels

1. The Supreme People’s Procuracy shall exercise the power to prosecute and supervise judicial activities, contributing to ensure strict and uniform observance of law.

2. Superior people’s procuracies shall exercise the power to prosecute and supervise judicial activities related to cases and matters falling under the jurisdiction of superior people’s courts.

3. Provincial- and district-level people’s procuracies shall exercise the power to prosecute and supervise judicial activities in their localities.

Article 42. Organizational structure of the Supreme People’s Procuracy

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ The Supervisory Committee;

b/ The Office;

c/ The investigating agency;

d/ Departments, institutions and the equivalent;

dd/ Training institutions, press agencies and other public non-business units;

e/ The Central Military Procuracy.

2. The Supreme People’s Procuracy has the Procurator General, Deputy Procurators General, procurators, examiners; head and deputy heads of the investigating agency, investigators; other civil servants, pubic employees and other employees.

Article 43. Supervisory Committee of the Supreme People’s Procuracy

1. The Supervisory Committee of the Supreme People’s Procuracy is composed of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Deputy Procurators General of the Supreme People’s Procuracy;

c/ A number of procurators of the Supreme People’s Procuracy as decided by the National Assembly Standing Committee at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

2. The Procurator General shall preside over meetings of the Supervisory Committee, which are held to discuss and decide on the following important issues:

a/ Working programs and plans of the people’s procuracy sector;

b/ Draft laws and ordinances to be submitted to the National Assembly or National Assembly Standing Committee; reports to be presented by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy before the National Assembly, National Assembly Standing Committee or President;

c/ The working apparatus of the Supreme People’s Procuracy;

d/ Reports to be submitted by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy to the National Assembly Standing Committee on matters stated in resolutions of the Judicial Council of the Supreme People’s Court, on which the Procurator General holds different opinions; recommendations on crime prevention and combat to be submitted by the Supreme People’s Procuracy to the Prime Minister;

dd/ Selection of employees of the Supreme People’s Procuracy who are qualified for sitting examinations for promotion to the rank of high-level, intermediate-level or primary- level procurators;

e/ Proposals for relief from duty or dismissal of procurators of the Supreme People’s Procuracy to be submitted to the Procurator Selection Council of the Supreme People’s Procuracy for consideration.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Supervisory Committee shall issue resolutions when exercising the competence prescribed in Clause 2 of this Article. Resolutions of the Supervisory Committee must be voted for by more than half of its members; in case of equality of votes, the Procurator General’s vote shall be decisive.

4. At the request of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy, the Supervisory Committee shall discuss and give opinions on complicated criminal cases, administrative cases, civil, marriage and family, business and labor cases and matters before they are submitted to the Procurator General for consideration and decision.

Article 44. Organizational structure of a superior people’s procuracy

a/ The supervisory committee;

b/ The office;

c/ Institutions and equivalent units.

2. A superior people’s procuracy has its chief procurator, deputy chief procurators, procurators, examiners, civil servants and other employees.

Article 45. Supervisory committees of superior people’s procuracies

1. The supervisory committee of a superior people’s procuracy is composed of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b/ Deputy chief procurators of the superior people’s procuracy;

c/ A number of procurators.

2. The number of members of the supervisory committee and procurators specified at Point c, Clause 1 of this Article shall be decided by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy at the proposal of the chief procurator of the superior people’s procuracy.

3. The chief procurator of a superior people’s procuracy shall preside over meetings of the supervisory committee of the superior people’s procuracy, which are held to discuss and decide on the following important issues:

a/ Implementation of working programs and plans, directives, circulars and decisions of the Supreme People’s Procuracy;

b/ Work review reports of the superior people’s procuracy;

c/ Selection of employees of the superior people’s procuracy who are qualified for sitting examinations for promotion to the rank of high-level, intermediate-level or primary- level procurator;

d/ Proposals for re-appointment, relief from duty and dismissal of high-level, intermediate- level or primary-level procurators who are working at the superior people’s procuracy to be submitted to the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

4. Supervisory committees shall issue resolutions when exercising the competence prescribed in Clause 3 of this Article. Resolutions of a supervisory committee must be voted for by more than half of its members; in case of equality of votes, the vote of the chief procurator shall be decisive. In case the chief procurator disagrees with opinions of the majority of members of the supervisory committee, he/she shall still comply with decisions the majority but may report such to the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 46. Organizational structure of provincial-level people’s procuracies

1. The organizational structure of a provincial-level people’s procuracy consists of:

a/ The supervisory committee;

b/ The office;

c/ Divisions and equivalent units.

2. A provincial-level people’s procuracy has its chief procurator, deputy chief procurators, procurators, examiners, other civil servants and other employees.

Article 47. Supervisory committees of provincial-level people’s procuracies

1. The supervisory committee of a provincial-level people’s procuracy is composed of:

a/ The chief procurator;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ A number of procurators.

2. The number of members of the supervisory committee and procurators specified at Point c, Clause 1 of this Article shall be decided by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy at the proposal of the chief procurator of the provincial-level people’s procuracy.

3. The chief procurator of a provincial-level people’s procuracy shall preside over meetings of the supervisory committee, which are held to discuss and decide on the following issues:

a/ Implementation of working programs and plans, directives, circulars and decisions of the Supreme People’s Procuracy; implementation of working programs and plans of superior people’s procuracies;

b/ Work review reports to be submitted to people’s procuracies at higher levels and work report to be presented before the provincial-level People’s Council;

c/ Selection of employees of the provincial-level people’s procuracy who are qualified for sitting examinations for promotion to the rank of high-level, intermediate-level or primary- level procurator;

d/ Proposals for re-appointment, relief from duty and dismissal of high-level, intermediate- level or primary-level procurators who are working at the provincial-level people’s procuracy and district-level people’s procuracies under its management to be submitted to the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

4. Supervisory committees shall issue resolutions when exercising the competence prescribed in Clause 3 of this Article. Resolutions of a supervisory committee must be voted for by more than half of its members; in case of equality of votes, the vote of the procurator general shall be decisive. In case the chief procurator disagrees with opinions of the majority of members of the supervisory committee, he/she shall still comply with decisions of the majority but may report such to the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

5. At the request of the chief procurator of a provincial-level people’s procuracy, the supervisory committee shall discuss and give opinions on complicated criminal cases, administrative cases, civil, marriage and family, business and labor cases and matters before they are submitted to the chief procurator for consideration and decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The organizational structure of a district-level people’s procuracy consists of an office and divisions. District-level people’s procuracies which have no conditions for establishment of divisions may have working sections and assisting apparatuses.

2. A district-level people’s procuracy has its chief procurator, deputy chief procurators, procurators, examiners and other civil servants and other employees.

Article 49. Establishment and dissolution of people’s procuracies

The establishment and dissolution of superior people’s procuracies, provincial- and district-level people’s procuracies shall be decided by the National Assembly Standing Committee at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

Article 50. Duties and powers of military procuracies

1. Military procuracies in the people’s procuracy system shall be organized in the Vietnam People’s Army to exercise the power to prosecute and supervise judicial activities in the army.

2. Within the ambit of their functions, military procuracies have the duties specified in Clause 2, Article 2 of this Law; protect national security and defense, discipline and strength of the army; protect lawful rights and interests of army men, civil servants, public employees and other employees in the army; and ensure that all crimes and violations must be strictly handled.

3. Military procuracies shall perform the duties and exercise the powers specified in Clauses 1, 2, 3, 4, 5, 6, 8, 9 and 10, Chapter II of this Law and supervise the enforcement of civil judgments under Article 28 of this Law.

Article 51. Military procuracy system

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Military procuracies of military zones and the equivalent;

3. Regional military procuracies.

Article 52. Organizational structure of the Central Military Procuracy

1. The Central Military Procuracy belongs to the structure of the Supreme People’s Procuracy.

2. The organizational structure of the Central Military Procuracy consists of:

a/ The Supervisory Committee;

b/ The office;

c/ The investigating agency;

d/ Divisions and equivalent units.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 53. The Supervisory Committee of the Central Military Procuracy

1. The Supervisory Committee of the Central Military Procuracy is composed of:

a/ The Chief Procurator;

b/ Deputy Chief Procurators;

c/ A number of procuracies.

2. The number of members of the Supervisory Committee and procurators specified at Point c, Clause 1 of this Article shall be decided by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy at the proposal of the Chief Procurator of the Central Military Procuracy.

3. The Chief Procurator of the Central Military Procuracy shall preside over the Supervisory Committee’s meetings, which are held to discuss and decide on the following issues:

a/ Working programs and plans of military procuracies;

b/ Work reports to be presented by the Chief Procurator of the Central Military Procuracy before the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy and the Minister of National Defense;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d/ Selection of employees of the Central Military Procuracy who are qualified for sitting examinations for promotion to the rank of high-level, intermediate-level or primary-level procurator;

dd/ Proposals for re-appointment, relief from duty and dismissal of high-level procurators, intermediate-level procurators and primary-level procurators who are working at the Central Military Procuracy to be submitted by the Chief Procurator of the Central Military Procuracy to the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

4. The Supervisory Committee shall issue resolutions when exercising the competence prescribed in Clause 3 of this Article. Resolutions of the Supervisory Committee must be voted for by more than half of its members; in case of equality of votes, the vote of the Chief Procurator shall be decisive. In case the Chief Procurator disagrees with the majority of members of the Supervisory Committee, he/she shall still comply with decisions of the majority but may report such to the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

5. At the request of the Chief Procurator of the Central Military Procuracy, the Supervisory Committee shall discuss and give opinions on complicated cases before they are submitted to the Chief Procurator for consideration and decision.

Article 54. Organizational structures of military procuracies of military zones and the equivalent

1. The organizational structure of the military procuracy of a military zone or the equivalent consists of:

a/ A supervisory committee;

b/ Divisions and assisting apparatus.

2. The military procuracy of a military zone or the equivalent has its chief procurator, deputy chief procurators, procurators, examiners, other army men, civil servants, public employees and other employees.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The supervisory committee of the military procuracy of a military zone or the equivalent is composed of:

a/ The chief procurator;

b/ Deputy chief procurators;

c/ A number of procuracies.

2. The number of members of the supervisory committee and procurators specified at Point c, Clause 1 of this Article shall be decided by the Chief Procurator of the Central Military Procuracy at the proposal of the chief procurator of the military procuracy of the military zone or the equivalent.

3. The chief procurator of the military procuracy of a military zone or the equivalent shall preside over meeting of the supervisory committee of his/her procuracy, which are held to discuss and decide on the following issues:

a/ Implementation of working programs and plans of the Central Military Procuracy;

b/ Work review reports to be submitted to the Chief Procurator of the Central Military Procuracy and the commander of the military zone or the equivalent;

c/ Selection of employees of the military procuracy of the military zone or the equivalent or regional military procuracies under its management who are qualified for sitting examinations for promotion to the rank of high-level, intermediate-level or primary-level procurator;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Supervisory committees shall issue resolutions when exercising the competence prescribed in Clause 3 of this Article. Resolutions of a supervisory committee must be voted for by more than half of its members; in case of equality of votes, the vote of the chief procurator shall be decisive. In case the chief procurator disagrees with the majority of members of the supervisory committee, he/she shall still comply with the decision of the majority but may report such to the Chief Procurator of the Central Military Procuracy.

5. At the request of the chief procurator of the military procuracy of a military zone or the equivalent, the supervisory committee shall discuss and give opinions on complicated cases before they are submitted to the chief procurator for consideration and decision.

Article 56. Organizational structures of regional military procuracies

1. The organizational structure of a regional military procuracy consists of working units and an assisting apparatus.

2. A regional military procuracy has its chief procurator, deputy chief procurators, procurators, examiners, other army men, civil servants, public employees and other employees.

Article 57. Establishment and dissolution of military procuracies

The establishment and dissolution of military procuracies of military zones and the equivalent and regional military zones shall be agreed between the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy and the Minister of National Defense for submission to the National Assembly Standing Committee for decision.

Chapter IV

CADRES, CIVIL SERVANTS, PUBLIC EMPLOYEES AND OTHER EMPLOYEES OF PEOPLE’S PROCURACIES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 58. Cadres, civil servants, public employees and other employees of people’s procuracies

1. Judicial titles in people’s procuracies include:

a/ Chief procurators and deputy chief procurators of people’s procuracies and military procuracies at all levels;

b/ Procurators;

c/ Heads and deputy heads of investigating agencies;

d/ Investigators;

e/ Examiners.

2. Other civil servants, public employees and other employees.

3. Military procuracies have the judicial titles prescribed in Clauses 1 and 2 of this Article and other army men.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. To perform their duties, exercise their powers and be held responsible before law for the performance of their duties and exercise of their powers.

2. To compensate for damage caused when performing duties or exercising powers in accordance with law.

3. To keep state secrets and work secrets.

4. To respect, and submit to supervision by, the people.

5. To strictly observe the Constitution, law and regulations of people’s procuracies; to participate in law dissemination and education.

6. To constantly learn and study to improve their professional qualifications.

Article 60. Transfer, rotation and secondment of civil servants and public employees of people’s procuracies

1. The Procurator General of the Supreme People’s Procuracy shall decide:

a/ To transfer and rotate civil servants and public employees from one people’s procuracy to another. When necessary, to transfer and rotate civil servants from one people’s procuracy to another within a province or centrally run city.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Chief procurators of provincial-level people’s procuracies shall decide to transfer and rotate civil servants from one people’s procuracy to another within a province or centrally run city.

3. The Minister of National Defense shall decide:

a/ To transfer and rotate procurators, examiners, other army men, civil servants and public employees from one military procuracy to another that are based in different military zones after reaching agreement with the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy;

b/ To second procurators, examiners, other army men, civil servants and public employees of military procuracies to work at other state agencies or units to meet working requirements after reaching agreement with the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

4. Commanders of military zones and the equivalent shall decide to transfer and rotate procurators, examiners, other army men, civil servants and pubic employees from one military procuracy to another within their military zones and the equivalent after reaching agreement with the Chief Procurator of the Central Military Procuracy.

Article 61. Management of civil servants, public employees and other employees of people’s procuracies

1. The Procurator General of the Supreme People’s Procuracy shall uniformly manage civil servants, public employees and other employees of people’s procuracies at all levels in accordance with law so as to build clean and strong people’s procuracies.

2. Chief procurators of other people’s procuracies shall, within the ambit of their duties and powers, manage civil servants and other employees of their procuracies in accordance with this Law and as assigned or decentralized by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

Section 2. THE PROCURATOR GENERAL AND DEPUTY PROCURATORS GENERAL OF THE SUPREME PEOPLE’S PROCURACY AND CHIEF PROCURATORS AND DEPUTY CHIEF PROCURATORS OF PEOPLE’S PROCURACIES AT ALL OTHER LEVELS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The Procurator General of the Supreme People’s Procuracy shall be elected, relieved from duty and dismissed by the National Assembly at the proposal of the President.

2. The term of office of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy follows the term of the National Assembly. When the term of the National Assembly expires, the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy shall continue performing his/ her duties until the new National Assembly elects a new General Procurator of the Supreme People’s Procuracy.

Article 63. Duties and powers of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy

1. To lead, direct, guide, inspect and examine the performance of duties, implementation of working plans and building of people’s procuracies; to decide on matters related to working activities of the Supreme People’s Procuracy.

2. To issue circulars, decisions, directives, charters, regulations and working regimes applicable to people’s procuracies.

3. To provide for the working apparatus of the Supreme People’s Procuracy for submission to the National Assembly Standing Committee for approval; to decide on working apparatuses of people’s procuracies at lower levels; to provide for working apparatuses of military procuracies after reaching agreement with the Minister of National Defense for submission to the National Assembly Standing Committee for approval.

4. To propose the President to appoint, relieve from duty or dismiss Deputy Procurators General and procurators of the Supreme People’s Procuracy.

5. To appoint, relieve from duty or dismiss high-level, intermediate-level and primary- level procurators, investigators and examiners of different ranks.

6. To appoint, relieve from duty or dismiss holders of leading and managerial titles under his/her management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. To submit to the President his/her opinions on cases of pleading for mitigation of death sentences.

9. To direct and organize the final review of experiences in exercising the power to prosecute and supervise judicial activities by people’s procuracies.

10. To attend meetings of the Judicial Council of the Supreme People’s Court to discuss on the provision of guidance on uniform application of law.

11. To make recommendations on the prevention and combat of crimes and violations to the Government, ministries and sectors.

12. To be answerable and report work to the National Assembly; when the National Assembly is in recess, to be answerable and report work to the National Assembly Standing Committee and President; to reply to questions, recommendations and requests of National Assembly deputies.

13. To perform other tasks and exercise other powers in accordance with law.

Article 64. Deputy Procurators General of the Supreme People’s Procuracy

1. Deputy Procurators General of the Supreme People’s Procuracy shall be appointed, relieved from duty and dismissed by the President at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

2. Deputy Procurators General of the Supreme People’s Procuracy shall perform duties and exercise powers as assigned or authorized by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy and perform other duties and exercise other powers in accordance with law; to be answerable to the Procurator General and held responsible before law for the performance of their duties and exercise of their powers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 65. Chief procurators of superior people’s procuracies

1. Chief procurators of superior people’s procuracies shall be appointed, relieved from duty and dismissed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

2. Chief procurators of superior people’s procuracies have the following duties and powers:

a/ To direct, administer and examine the performance of duties and implementation of working plans of superior people’s procuracies; to decide on matters related to working activities of superior people’s procuracies; to be answerble and report work to the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy;

b/ To direct, guide and examine professional operations in exercising the power to prosecute and supervise adjudication by provincial- and district-level people’s procuracies;

c/ To perform other duties and exercise other powers in accordance with law.

3. The term of office of the chief procurator of a superior people’s procuracy is at most 5 years from the date of appointment.

Article 66. Chief procurators of provincial-level people’s procuracies

1. Chief procurators of provincial-level people’s procuracies shall be appointed, relieved from duty or dismissed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ To direct, administer, inspect and examine the performance of duties and implementation of working plans of provincial-level people’s procuracies; to decide on matters related to working activities of provincial-level people’s procuracies; to be answerable and report on working activities of the provincial-level people’s procuracies and lower-level people’s procuracies under their management to the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy; to report on the exercise of the power to prosecute and supervise adjudication activities by provincial-level people’s procuracies and people’s procuracies of lower levels under their management to the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy;

b/ To direct, guide and examine operations of district-level people’s procuracies under their management;

c/ To report to provincial-level People’s Councils on working activities of the provincial- level people’s procuracies and people’s procuracies of lower levels under their management; to reply to questions, recommendations and requests of provincial-level People’s Council deputies.

d/ To perform other duties and exercise other powers in accordance with law.

3. The term of office of the chief procurator of a provincial-level people’s procuracy is at most 5 years from the date of appointment.

Article 67. Chief procurators of district-level people’s procuracies

1. Chief procurators of district-level people’s procuracies shall be appointed, relieved from duty or dismissed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

2. Chief procurators of district-level people’s procuracies have the following duties and powers:

a/ To direct, administer and examine the performance of duties and implementation of working plans, and decide on working activities of their people’s procuracies and perform other duties and exercise other powers in accordance with law; to be answerable and report on their work to chief procurators of provincial-level people’s procuracies; to report on the exercise of the right to prosecute and supervise adjudication activities to chief procurators of superior people’s procuracies when requested;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The term of office of the chief procurator of a district-level people’s procuracy is at most 5 years from the date of appointment.

Article 68. Deputy chief procurators of superior people’s procuracies, provincial-level people’s procuracies and district-level people’s procuracies

1. Deputy chief procurators of superior people’s procuracies, provincial-level people’s procuracies and district-level people’s procuracies shall be appointed, relieved from duty or dismissed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

2. Deputy chief procurators of superior people’s procuracies, provincial-level people’s procuracies and district-level people’s procuracies shall perform their duties and exercise their powers in accordance with law and as assigned or authorized by the chief procurators of their people’s procuracies; be answerable to the chief procurators of their people’s procuracies and held responsible before law for the performance of their duties and exercise of their powers.

3. The term of office of a deputy chief procurator of a superior people’s procuracy, provincial-level people’s procuracy or district-level people’s procuracy is at most 5 years from the date of appointment.

Article 69. Chief Procurator of the Central Military Procuracy

1. The Chief Procurator of the Central Military Procuracy is a Deputy Procurator General of the Supreme People’s Procuracy who is appointed, relieved from duty or dismissed by the President at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy after reaching agreement with the Minister of National Defense.

2. The Chief Procurator of the Central Military Procuracy has the following duties and powers:

a/ To lead, direct, guide and inspect the performance of duties, implementation of working plans and building of military procuracies; to decide on working activities of the Central Military Procuracy;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ To propose the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy to appoint, relieve from duty or dismiss Deputy Chief Procurators of the Central Military Procuracy; chief procurators and deputy chief procurators of military procuracies of military zones and the equivalent and regional military procuracies; procurators and investigators of military procuracies;

d/ To appoint, relieve from duty and dismiss investigators of different ranks of military procuracies;

dd/ To perform other duties and exercise other powers in accordance with law and as assigned by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy and the Minister of National Defense.

3. The term of office of Chief Procurator of the Central Military Procuracy is at most 5 years from the date of appointment.

Article 70. Chief procurators of military procuracies of military zones and the equivalent

1. Chief procurators of military procuracies of military zones and the equivalent shall be appointed, relieved from duty or dismissed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy at the proposal of the Chief Procurator of the Central Military Procuracy.

2. Chief procurators of military procuracies of military zones and the equivalent have the following duties and powers:

a/ To direct, administer and inspect the performance of duties and implementation of work plans, and decide on working activities of their military procuracies; to be answerable and report on working activities of their military procuracies to the Chief Procurator of the Central Military Procuracy; to reply to questions of delegates at army congresses held annually by political agencies of military zones and the equivalent;

b/ To direct, guide and inspect operations of regional military procuracies under their management;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The term of office of the chief procurator of the military procuracy of a military zone or the equivalent is at most 5 years from the date of appointment.

Article 71. Chief procurators of regional military procuracies

1. Chief procurators of regional military procuracies shall be appointed, relieved from duty and dismissed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy at the proposal of the Chief Procurator of the Central Military Procuracy.

2. Chief procurators of regional military procuracies shall direct, administer and inspect the performance of duties, implementation of working plans and decide on working activities of their military procuracies and perform other duties and exercise other powers in accordance with law; to be answerable and report on their work to chief procurators of military procuracies at higher levels.

3. The term of office of the chief procurator of a regional military procuracy is at most 5 years from the date of appointment.

Article 72. Deputy chief procurators of the Central Military Procuracy, military procuracies of military zones and the equivalent and regional military procuracies

1. Deputy chief procurators of the Central Military Procuracy, military procuracies of military zones and the equivalent and regional military procuracies shall be appointed, relieved from duty or dismissed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy at the proposal of the Chief Procurator of the Central Military Procuracy.

2. Deputy chief procurators of the Central Military Procuracy, military procuracies of military zones and the equivalent and regional military procuracies shall perform their duties and exercise their powers in accordance with law and as assigned or authorized by the chief procurators of their military procuracies; be answerable to the chief procurators of their military procuracies and held responsible before law for the performance of their duties and exercise of their powers.

3. The term of office of a deputy chief procurator of the Central Military Procuracy, a military procuracy of a military zone or the equivalent or a regional military procuracies is at most 5 years from the date of appointment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

When exercising the power to prosecute and supervise judicial activities, chief procurators and deputy chief procurators of people’s procuracies at different levels shall strictly observe the Constitution and law and be held responsible before law for their acts and decisions in the laying of charges, arrest, custody, temporary detention, prosecution, adversarial process, protest and other acts and decisions within their competence; if acting against the law, they shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively sanctioned or examined for penal liability; if causing damage, they shall pay compensation in accordance with law.

Section 3. PROCURATORS AND EXAMINERS OF PEOPLE’S PROCURACIES

Article 74. Procurators

Procurators are persons who are appointed in accordance with law to perform the function of exercising the power to prosecute and supervise judicial activities.

Article 75. General criteria for procurators

1. Being Vietnamese citizens who are loyal to the Fatherland and the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam, have good ethical qualities, are incorrupt and honest, have firm political stance and resolve to safeguard the socialist legislation.

2. Possessing a bachelor or higher degree in law.

3. Having been professionally trained in prosecution.

4. Having been engaged in practical work for a certain period of time in accordance with this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 76. Procurator ranks

1. Ranks of procurators of people’s procuracies include:

a/ Procurators of the Supreme People’s Procuracy;

b/ High-level procurators;

c/ Intermediate-level procurators;

d/ Primary-level procurators.

2. The Supreme People’s Procuracy has procurators of four ranks. The Central Military Procuracy has its Chief Procurator being a procurator of the Supreme People’s Procuracy and high-level, intermediate-level and primary-level procurators. Other procuracies have high- level, intermediate-level and primary-level procurators.

Article 77. Criteria for appointment of primary-level procurators

A person who fully meets the criteria prescribed in Article 75 of this Law and the following conditions may be appointed as a primary-level procurator of a people’s procuracy; if being an in-service army officer, he/she may be appointed as a primary-level procurator of a military procuracy:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Being capable of exercising the power to prosecute and supervise judicial activities;

3. Having passed a primary-level procurator selection examination.

Article 78. Criteria for appointment of intermediate-level procurators

1. A person who fully meets the criteria prescribed in Article 75 of this Law and the following conditions may be appointed as an intermediate-level procurator of a people’s procuracy; if being an in-service army officer, he/she may be appointed as an intermediate- level procurator of a military procuracy:

a/ Having worked as a primary-level procurator for at least 5 years;

b/ Being capable of exercising the power to prosecute and supervise judicial activities;

c/ Being capable of guiding primary-level procurators to exercise the power to prosecute and supervise judicial activities;

d/ Having passed an intermediate-level procurator selection examination.

Article 79. Criteria for appointment of high-level procurators

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ Having worked as an intermediate-level procurator for at least 5 years;

b/ Being capable of exercising the power to prosecute and supervise judicial activities;

c/ Being capable of guiding intermediate-level procurators to exercise the power to prosecute and supervise judicial activities;

d/ Having passed a high-level procurator selection examination.

2. In case due to the personnel demand of a people’s procuracy, a person who has been engaged in legal work for 15 years or more and fully meets the criteria prescribed in Article 75 of this Law and at Points b, c and d, Clause 1 of this Article may be appointed as a high- level procurator of the people’s procuracy; if being an in-service army officer, he/she may be appointed as a high-level procurator of a military procuracy.

Article 80. Criteria for appointment of procurators of the Supreme People’s Procuracy

1. A person who fully meets the criteria prescribed in Article 75 of this Law and the following conditions may be selected and appointed as a procurator of the Supreme People’s Procuracy:

a/ Having worked as a high-level procurator for at least 5 years;

b/ Being capable of directing and administering the exercise of the power to prosecute and supervise judicial activities of the Supreme People’s Procuracy;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. In case due to the personnel demand, a person who has been engaged in legal work for 20 years or more and fully meets the criteria prescribed in Article 75 of this Law and at Points b and c, Clause 1 of this Article may be appointed as a procurator of the Supreme People’s Procuracy.

Article 81. Appointment of procurators in special cases

In special cases, persons who are transferred by competent agencies or organizations to hold leading positions in people’s procuracies of different levels and fully meet the criteria prescribed in Article 75 and the conditions prescribed in Clause 2, Article 77 and at Points b and c, Clause 1, Article 78, 79 and 80 of this Law though having not yet worked as primary- level, intermediate-level or high-level procurators or not yet been engaged in legal work for the prescribed period of time may be selected and appointed as primary-level, intermediate-level or high-level procurators of the Supreme People’s Procuracy.

Article 82. Term of office of procurators

The initial term of office of procurator is 5 years. For procurators who are reappointed or entitled to rank promotion, the subsequent term of office is 10 years.

Article 83. Duties, powers and responsibilities of procurators

1. When exercising the power to prosecute and supervise judicial activities, procurators shall observe law and submit to the direction of chief procurators of people’s procuracies.

Procurators shall abide by law and be held responsible before law for their acts and decisions in exercising the power to prosecute and make adversarial arguments at court hearings and to supervise judicial activities.

Procurators shall observe decisions of chief procurators of their people’s procuracies. When having grounds to believe that a decision of the chief procurator of his/her people’s procuracy is illegal, a procurator may refuse to perform the assigned duty and shall report such in writing to the chief procurator. In case the chief procurator determines to execute the decisions, he/she shall issue a written decision thereon and the procurator shall execute the decision but is not held responsible for any arising consequences and, at the same time, shall report the case to the chief procurator of the competent higher-level people’s procuracy. The chief procurator shall take responsibility before law for his/her decision.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Specific duties and powers of procurators when exercising the power to prosecute and supervise judicial activities are prescribed by law.

3. In case more than one procurator jointly settle a case, procurators of lower ranks shall obey the assignment and direction of procurators of higher ranks.

4. When performing their duties, procurators may make decisions, conclusions, requests and recommendations in accordance with law.

Article 84. Prohibited acts of procurators

1. Acts which cadres and civil servants are prohibited by law from taking.

2. Providing consultancy to persons who are arrested, held in custody or temporary detention, involved parties or other procedure participants, making the settlement of cases or matter unlawful.

3. Interfering in the settlement of cases or matters or taking advantage of their powers to influence persons responsible for settling cases or matters.

4. Bringing files of cases or matters out of the premises of their agencies, unless for performing their assigned duties or approved by competent persons.

5. Receiving outside prescribed places the accused, defendants, involved parties or other procedure participants in cases or matters which they are competent to settle.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Persons who are appointed to procurator ranks must make an oath:

1. To be absolutely loyal to the Fatherland and dedicatedly serve the people;

2. To intransigently combat all crimes and violations.

3. To resolvedly safeguard the Constitution, law, justice and social equality;

4. To constantly strive, learn and follow President Ho Chi Minh’s teaching “Being impartial, upright, objective, prudent and modest”;

5. To strictly abide by discipline and organizational and operational principles of people’s procuracies.

Article 86. Council for Selection of Procurators of the Supreme People’s Procuracy

1. The Council for Selection of Procurators of the Supreme People’s Procuracy is composed of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy as its chairperson and representatives of leaderships of the Ministry of National Defense, the Ministry of Home Affairs, the Vietnam Fatherland Front’s Central Committee and the Central Committee of the Vietnam Lawyers’ Association as its members.

The list of members of the Council for Selection of Procurators of the Supreme People’s Procuracy shall be decided by the National Assembly Standing Committee at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ To select qualified persons to act as procurators of the Supreme People’s Procuracy at the proposal of the Supervisory Committee of the Supreme People’s Procuracy for submission by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy to the President for appointment.

b/ To consider cases in which procurators of the Supreme People’s Procuracy may be relieved from duty under Clause 2, Article 88 of this Law at the proposal of the Supervisory Committee of the Supreme People’s Procuracy for submission by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy to the President for relief from duty;

c/ To consider cases in which procurators of the Supreme People’s Procuracy may be dismissed under Clause 2, Article 89 of this Law at the proposal of the Supervisory Committee of the Supreme People’s Procuracy for submission by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy to the President for dismissal.

3. The Council for Selection of Procurators of the Supreme People’s Procuracy shall work on a collegial basis; decisions of the Selection Council must be voted for by more than half of its members.

Article 87. The Examination Council for Selection of Primary-Level Procurators, Intermediate-Level Procurators and High-Level Procurators

1. The Examination Council for Selection of Primary-Level Procurators, Intermediate- Level Procurators and High-Level Procurators shall be composed of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy as its chairperson and one Deputy Procurator General of the Supreme People’s Procuracy, the Chief Procurator of the Central Military Procuracy and representatives of leaderships of the Ministry of National Defense, the Ministry of Home Affairs and the Central Committee of the Vietnam Fatherland Front as its members.

The list of members of the Examination Council for Selection of Primary-Level Procurators, Intermediate-Level Procurators and High-Level Procurators shall be decided by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

2. The Examination Council for Selection of Primary-Level Procurators, Intermediate- Level Procurators and High-Level Procurators has the following duties and powers:

a/ To organize examinations for selection of Primary-Level Procurators, Intermediate- Level Procurators and High-Level Procurators;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ To propose the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy to appoint persons who pass examinations as Primary-Level Procurators, Intermediate-Level Procurators and High-Level Procurators.

3. The working regulation of the Examination Council for Selection of Primary-Level Procurators, Intermediate-Level Procurators and High-Level Procurators shall be prescribed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

Article 88. Relief from duty of procurators

1. Procurators shall be automatically relieved from duty when they retire, resign or shift to other professions.

2. Procurators may be relieved from duty due to their poor health, family circumstances or other reasons which are likely to render them unable to fulfill their assigned tasks.

Article 89. Dismissal of procurators

1. Procurators shall be automatically dismissed when they are convicted by a court under legally effective judgments.

2. Depending on the nature and seriousness of their violations, procurators may be dismissed when:

a/ Committing a violation in exercising the power to prosecute and supervise judicial activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c/ Possessing no ethical qualities;

d/ Committing another illegal act.

Article 90. Examiners

1. Examiners are persons who are appointed in accordance with law to assist procurators in exercising the power to prosecute and supervise judicial activities; perform other duties and exercise other powers as assigned by chief procurators of their people’s procuracies.

2. Examiner ranks include:

a/ Examiners;

b/ Principal examiners;

c/ Senior examiners.

3. The criteria for appointment to and conditions for promotion of examiner ranks shall be provided by the National Assembly Standing Committee at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a/ To examine files of cases and matters and report results to procurators;

b/ To make dossiers of supervision of cases and matters;

c/ To assist procurators in conducting other activities when exercising the power to prosecute and supervise judicial activities;

d/ To perform other duties and exercise other powers as assigned by procurators general of their procuracies.

5. Examiners shall be held responsible before law and answerable to procurators and chief procurators of their people’s procuracies for the performance of their duties and exercise of their powers. If committing illegal acts, they shall be disciplined, administratively handled or examined for penal liability depending on the nature and seriousness of their violations.

Section 4. HEADS, DEPUTY HEADS, INVESTIGATORS AND OTHER STAFFS OF INVESTIGATING AGENCIES OF THE SUPREME PEOPLE’S PROCURACY AND THE CENTRAL MILITARY PROCURACY

Article 91. Heads and deputy heads of investigating agencies of the Supreme People’s Procuracy and the Central Military Procuracy

1. Heads and deputy heads of investigating agencies of the Supreme People’s Procuracy and the Central Military Procuracy shall be appointed, relieved from duty or dismissed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

2. The head and deputy heads of the investigating agency of the Supreme People’s Procuracy shall be held responsible before law and the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy for the performance of their duties and exercise of their powers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 92. Investigators and other staffs of investigating agencies of the Supreme People’s Procuracy and the Central Military Procuracy

1. Ranks of examiners and other staffs of investigating agencies of the Supreme People’s Procuracy and the Central Military Procuracy and criteria for appointment and conditions for promotion to these ranks shall be prescribed by law.

2. When performing the duties and exercising the powers assigned by the head of the investigating agency of the Supreme People’s Procuracy, investigators and other staffs of the investigating agency shall observe law and submit to direction of the head of the investigating agency and uniform leadership of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

3. When performing the duties and exercising the powers assigned by the head of the investigating agency of the Central Military Procuracy, investigators and other staffs of the investigating agency shall observe law and submit to direction of the head of the investigating agency and uniform leadership of the Chief Procurator of the Central Military Procuracy.

Chapter V

ASSURANCE OF OPERATION OF PEOPLE’S PROCURACIES

Article 93. Total payrolls, number and proportions of procurator ranks and investigator ranks of people’s procuracies

1. The number of procurators of the Supreme People’s Procuracy must not exceed 19.

2. The total payrolls, number of procurators and proportions of procurator ranks at procuracies at each level; the number of investigators and proportions of investigator ranks at the Supreme People’s Procuracy shall be decided by the National Assembly Standing Committee at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy after obtaining opinions of the Government.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The total payrolls, number of procurators and proportions of procurator ranks at military procuracies at each level; the number of investigators and proportions of investigator ranks at the Central Military Procuracy shall be decided by the National Assembly Standing Committee at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy after reaching agreement with the Ministry of National Defense.

Based on the total payrolls, number and proportions of procurator ranks decided by the National Assembly Standing Committee, the Chief Procurator of the Central Military Procuracy shall decide on the number of procurators of military procuracies at each level after reaching agreement with the Ministry of National Defense.

Article 94. Funds and physical foundations

1. The State shall assure operation funds and physical foundations for people’s procuracies in accordance with law.

2. The Supreme People’s Procuracy shall estimate and propose the Government to submit operation funds of people’s procuracies to the National Assembly for decision. In case the Government and the Supreme People’s Procuracy cannot reach agreement on estimated operation funds of people’s procuracies, the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy shall propose the National Assembly to consider and decide on such funds. The management, division, allocation and use of operation funds must comply with the budget law.

3. Operation funds of military procuracies shall be estimated and reported to the Chief Procurator of the Central Military Procuracy to the Ministry of National Defense for the latter to submit them to the Government for subsequent submission to the National Assembly for decision. The management, division, allocation and use of operation funds of military procuracies must comply with the budget law.

4. The State shall prioritize investment in building of working offices and procurement of equipment to improve operation capacity for people’s procuracies.

Working offices, equipment and working devices of military procuracies shall be guaranteed by the Government at the proposal of the Minister of National Defense.

Article 95. Wage regimes

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The wage regimes applicable to procurators, investigators and examiners of people’s procuracies shall be decided by the National Assembly Standing Committee at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy. The wage regime applicable to other civil servants, public employees and other employees of people’s procuracies must comply with law.

3. The wage regimes applicable to procurators, investigators, examiners, other army men, civil servants, public employees and other employees of military procuracies shall comply with those applicable in the army.

Article 96. Allowance regimes

1. The particular allowance regimes for cadres, civil servants and public employees of people’s procuracies shall be submitted by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy to the National Assembly Standing Committee and the Government for decision.

2. Procurators, investigators, examiners, other army men, civil servants, public employees and other employees of military procuracies are entitled to the allowance applicable to procuracies in accordance with law.

Article 97. Formal attires, procurator identity cards, investigator and examiner certificates

1. Cadres, civil servants, public employees and other employees of people’s procuracies shall be provided with formal attires and badges; procurators shall be provided with insignia and identity cards; investigators and examiners shall be provided with insignia and certificates to perform their duties.

Procurators, investigators, examiners, other army men, civil servants, public employees and other employees of military procuracies shall be provided with formal attires according to the regime applicable to the army.

2. The National Assembly Standing Committee shall provide the allocation and use of formal attires of the procuracy sector, badges and insignia of leaders of people’s procuracies at different levels, procurators, investigators and examiners at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Procurator identity cards shall be granted and managed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy. The form, size and color of procurator identity cards shall be provided by the National Assembly Standing Committee at the proposal of the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

4. Investigator and examiner certificates shall be provided, issued and managed by the Procurator General of the Supreme People’s Procuracy.

Article 98. Training and retraining

1. The State shall guarantee funds for training and retraining work of people’s procuracies in accordance with law.

2. The State shall encourage and create favorable conditions for the development of human resources for people’s procuracies; adopt preferential policies for training and retraining civil servants and public employees of people’s procuracies, who are ethnic minority people or work in mountainous areas, islands, or areas with extremely difficult socio-economic conditions.

3. The training and retraining of procurators, investigators, examiners, other army men, civil servants, public employees and other employees of military procuracies shall comply with regulations of the Supreme People’s Procuracy and the Ministry of National Defense.

Article 99. Commendation and handling of violations

1. Cadres, civil servants, public employees and other employees of people’s procuracies who record outstanding achievements in their work shall be commended and rewarded in accordance with the law on emulation and commendation and regulations of people’s procuracies.

Army men, civil servants, public employees and other employees of military procuracies who have recorded outstanding achievements in their work shall be commended and rewarded in accordance with the law on emulation and commendation and regulations of people’s procuracies and the Ministry of National Defense.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Army men, civil servants, public employees and other employees of military procuracies who commit violations or breaches of discipline shall, depending on the nature and seriousness of their violations, be disciplined, administratively handled or examined for penal liability in accordance with law and regulations of people’s procuracies and the Ministry of National Defense.

Chapter VI

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 100. Effect

1. This Law takes effect on June 1, 2015, except the articles and clauses mentioned in Clause 2 of this Article.

2. Article 40; Article 49; Clauses 3,4 and 5, Article 63; Article 74; Article 76; Points b and c, Clause 1, Article 79; Points b and c, Clause 1, Article 80; and Clause 1, Article 93, take effect on February 1, 2015.

3. Law No. 34/2002/QH10 on Organization of People’s Procuracies, Ordinance No. 03/2002/PL-UBTVQH11 on Procurators of People’s Procuracies which was amended and supplemented under Ordinance No. 15/2011/PL-UBTVQH12, and Ordinance No. 05/2002/ PL-UBTVQH11, cease to be effective on the effective date of this Law,

Article 101. Implementation guidance

The Government, the Supreme People’s Procuracy and concerned agencies shall, within the ambit of their duties and powers, detail and guide the implementation of Clause 2, Article 31, and Articles 86, 87, 90, 94, 95, 96, 97, 98 and 99 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

 

CHAIRMAN OF THE NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Sinh Hung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân 2014

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


454.822

DMCA.com Protection Status
IP: 3.137.190.6
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!