Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 25/2019/TT-BNNPTNT quy định phòng cháy và chữa cháy rừng

Số hiệu: 25/2019/TT-BNNPTNT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Người ký: Hà Công Tuấn
Ngày ban hành: 27/12/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 25/2019/TT-BNNPTNT

Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2019

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

Căn cứ Nghị định số 15/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 02 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;

Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29 tháng 6 năm 2001; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 22 tháng 11 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy;

Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CĐ ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp;

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Thông tư quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng; hướng dẫn áp dụng chế độ, chính sách trong hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư trong nước và các tổ chức, cá nhân nước ngoài có liên quan đến hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

Điều 3. Nguyên tắc phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Phòng cháy và chữa cháy rừng phải lấy hoạt động phòng ngừa là chính;

chủ động phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời cháy rừng.

2. Chủ động, sẵn sàng nhân lực, nguồn lực, phương tiện, trang thiết bị cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng; phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng.

3. Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng phải được thông báo nhanh chóng, kịp thời cho chủ rừng, chính quyền địa phương và các cơ quan chịu trách nhiệm về phòng cháy và chữa cháy rừng.

4. Thực hiện phương châm 4 tại chỗ, bao gồm: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ.

5. Chỉ đạo, chỉ huy thống nhất; phối hợp chặt chẽ các lực lượng tham gia chữa cháy rừng.

6. Trong quá trình chữa cháy rừng đảm bảo an toàn theo thứ tự ưu tiên: người, tài sản, các công trình, phương tiện, thiết bị tham gia chữa cháy rừng.

Chương II

PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

Mục 1. PHÒNG CHÁY RỪNG

Điều 4. Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục kiến thức, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Nội dung

a) Văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn về phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định của Luật Phòng cháy và chữa cháy, Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành.

b) Trách nhiệm của các ngành, các cấp, các đơn vị, tổ chức, chủ rừng và người dân trong công tác phòng cháy và chữa cháy rừng.

c) Tác hại, tính chất nguy hiểm của cháy rừng; các nguyên nhân gây cháy và giải pháp phòng ngừa; biện pháp xử lý các tình huống cháy rừng; công tác tự kiểm tra an toàn về phòng cháy và chữa cháy rừng cho các chủ rừng.

d) Biện pháp sử dụng lửa an toàn trong sản xuất và sinh hoạt trong thời kỳ cao điểm xảy ra cháy rừng.

đ) Thông tin về dự báo, cảnh báo nguy cơ cháy rừng, phát hiện sớm điểm cháy rừng.

e) Hướng dẫn các biện pháp, quy trình phòng cháy rừng, báo tin khi cháy rừng xảy ra; hướng dẫn quy trình xử lý khi có cháy rừng xảy ra.

g) Thực tập phương án chữa cháy rừng và cứu nạn, cứu hộ, kỹ năng sử dụng phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng.

2. Hình thức thực hiện

a) Thông qua các hội nghị, họp chuyên đề về phòng cháy và chữa cháy rừng hoặc lồng ghép chuyên đề về phòng cháy và chữa cháy rừng với các hội nghị khác, các cuộc họp dân cư sống gần rừng.

b) Quy định nội dung phòng cháy và chữa cháy rừng vào hương ước, quy ước của cộng đồng thôn, bản; ký cam kết thực hiện các quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng.

c) Thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, loa phát thanh ở cơ sở, nơi sinh hoạt cộng đồng của các khu dân cư sống gần rừng, các trang mạng xã hội.

d) Phát hành tờ rơi, xây dựng bảng tin, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, biển cấm lửa tại các khu rừng, khu dân cư sống gần rừng.

đ) Các hình thức tuyên truyền khác: tuyên truyền lưu động, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về phòng cháy và chữa cháy rừng, tổ chức các lớp học ngoại khóa cho học sinh, sinh viên.

3. Trách nhiệm thực hiện

a) Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy rừng tại địa phương theo quy định của pháp luật.

b) Lực lượng Kiểm lâm có trách nhiệm hướng dẫn, xây dựng chương trình, tuyên truyền về phòng cháy và chữa cháy rừng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý.

c) Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, cơ sở có trách nhiệm tổ chức tuyên truyền, phổ biến kiến thức, pháp luật về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng cho cán bộ, chiến sĩ, công nhân viên, học sinh, sinh viên và quần chúng nhân dân.

Điều 5. Công trình phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Công trình được xây dựng hoặc sử dụng để phòng cháy và chữa cháy rừng, bao gồm: đường băng cản lửa, kênh, mương ngăn lửa; suối, hồ, đập, bể chứa nước, trạm bơm, hệ thống cấp nước chữa cháy; chòi quan sát phát hiện cháy rừng; tháp quan trắc lửa rừng; hệ thống biển cấm, biển báo hiệu cấp dự báo cháy rừng, biển chỉ dẫn về phòng cháy và chữa cháy rừng; hệ thống dự báo, cảnh báo cháy rừng và các công trình khác phục vụ cho phòng cháy và chữa cháy rừng.

2. Đối với loại công trình đã có tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy và chữa cháy rừng, việc xây dựng thực hiện theo tiêu chuẩn đã được ban hành; đối với các loại công trình chưa có tiêu chuẩn quốc gia về phòng cháy và chữa cháy rừng, việc xây dựng thực hiện theo thiết kế kỹ thuật do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Công trình phòng cháy và chữa cháy rừng phải được quản lý, duy tu bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng quy định để bảo đảm sẵn sàng chữa cháy rừng.

Điều 6. Phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng

a) Phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng bao gồm: phương tiện cơ giới, thiết bị, máy móc, dụng cụ, hóa chất, công cụ hỗ trợ chuyên dùng cho việc phòng cháy và chữa cháy theo quy định của pháp luật phòng cháy và chữa cháy.

b) Căn cứ loại rừng và điều kiện, yêu cầu thực tế của từng địa phương, tổ chức, chủ rừng có thể trang bị bổ sung các phương tiện, thiết bị chuyên dùng cho phòng cháy và chữa cháy rừng theo hướng dẫn tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Trang bị phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng cho lực lượng chuyên ngành về phòng cháy và chữa cháy rừng phải bảo đảm về số lượng và chất lượng, đồng bộ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu phòng cháy và chữa cháy rừng trong mọi tình huống cháy rừng, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước và chủ rừng.

3. Phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng phải đảm bảo về các thông số kỹ thuật theo thiết kế phục vụ cho phòng cháy và chữa cháy rừng; được quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa theo đúng quy định.

4. Đối với phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng cơ giới, ngoài việc sử dụng vào công tác chữa cháy rừng; luyện tập, thực tập phương án chữa cháy rừng, chỉ được sử dụng trong các trường hợp: phục vụ công tác bảo đảm an ninh chính trị; bảo đảm trật tự, an toàn xã hội; cấp cứu người bị nạn, xử lý tai nạn khẩn cấp phòng chống thiên tai và khắc phục hậu quả thiên tai; chống chặt phá rừng trái pháp luật và tuần tra, kiểm tra công tác bảo vệ rừng.

5. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phạm vi quản lý của mình có quyền điều động phương tiện, thiết bị phòng cháy và chữa cháy rừng thuộc quyền quản lý sử dụng trong các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

Điều 7. Quản lý vật liệu cháy rừng và sử dụng lửa

1. Hàng năm chủ rừng có trách nhiệm xây dựng kế hoạch và thực hiện việc giảm vật liệu cháy rừng để phòng ngừa nguy cơ cháy rừng, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại khi xảy ra cháy rừng.

2. Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các chủ rừng thực hiện việc giảm vật liệu cháy rừng trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn người dân địa phương việc sử dụng lửa trong sản xuất, canh tác, đốt xử lý thực bì trên địa bàn; chỉ đạo, hướng dẫn người dân thực hiện đúng thời điểm, địa điểm; tổ chức ký cam kết bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng đối với các hộ dân có hoạt động sản xuất, canh tác gần rừng.

Điều 8. Trực phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Khi dự báo cháy rừng cấp III, IV, V, Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo đạo lực lượng kiểm lâm, lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng và các lực lượng chức năng liên quan rà soát, xác định các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao trên địa bàn, tổ chức trực và canh phòng trực tại các khu rừng có nguy cơ cháy rừng cao.

2. Cục Kiểm lâm chỉ đạo các Chi cục Kiểm lâm vùng bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị để hỗ trợ trực phòng cháy và chữa cháy rừng tại hiện trường theo đề nghị của các Chi cục kiểm lâm tỉnh, Hạt kiểm lâm các Vườn quốc gia trực thuộc Tổng cục Lâm nghiệp hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền.

Điều 9. Thông tin dự báo và phát hiện sớm cháy rừng

1. Thông tin dự báo cháy rừng

a) Cục Kiểm lâm thông tin cấp dự báo cháy rừng trên Website, cổng thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm; cung cấp thông tin cho Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các phương tiện thông tin đại chúng khác để đưa, phát bản tin cảnh báo cháy rừng.

b) Chi cục Kiểm lâm vùng thông tin cấp dự báo cháy rừng trên Website, cổng thông tin điện tử của đơn vị; gửi thông báo cấp dự báo cháy rừng đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh trong phạm vi được phân công.

c) Chi cục Kiểm lâm tỉnh thực hiện dự báo nguy cơ cháy rừng và thông tin cấp dự báo cháy rừng rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng; chỉ đạo kiểm lâm làm việc tại địa bàn (sau đây viết là kiểm lâm địa bàn), Hạt Kiểm lâm thông tin cấp dự báo cháy rừng đến chính quyền địa phương cơ sở, các chủ rừng, các hộ dân sống trong rừng, gần rừng.

2. Phát hiện sớm cháy rừng

a) Cục Kiểm lâm duy trì thường xuyên hệ thống trạm thu ảnh vệ tinh phát hiện sớm điểm cháy và các thông tin ứng dụng khác; cập nhật thông tin điểm cháy do trạm thu ảnh vệ tinh phát hiện trên Website, cổng thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm.

b) Chi cục Kiểm lâm vùng theo dõi điểm cháy sớm, thông báo đến Chi cục Kiểm lâm các tỉnh trong phạm vi được phân công phụ trách để kiểm tra, xác minh, theo dõi quá trình xử lý, báo cáo Cục Kiểm lâ m về kết quả kiểm tra, xác minh.

c) Chi cục Kiểm lâm tỉnh theo dõi các điểm cháy sớm phát hiện từ ảnh vệ tinh, kết hợp phát hiện cháy sớm tại các chòi canh, các chốt gác để phát hiện sớm các điểm cháy rừng; chỉ đạo Hạt Kiểm lâm, các chủ rừng kiểm tra, xác minh và tổ chức chữa cháy kịp thời.

d) Chủ rừng tổ chức tuần tra; ứng dụng khoa học, công nghệ và sử dụng phương tiện, thiết bị để theo dõi, phát hiện sớm cháy rừng; cung cấp thông tin khi phát hiện có cháy rừng và tổ chức chữa cháy kịp thời; tổ chức trực chòi canh, kiểm soát người ra vào rừng.

đ) Các cơ quan kiểm lâm, chủ rừng, chính quyền các cấp thiết lập đường dây nóng, thông qua các mạng xã hội để thu nhận thông tin báo cháy rừng của người dân.

3. Trách nhiệm thông báo khi có cháy rừng xảy ra

a) Chủ rừng, kiểm lâm địa bàn có trách nhiệm thông báo nhanh ngay khi phát hiện vụ cháy rừng tới Hạt Kiểm lâm; Hạt Kiểm lâm cập nhật, thông báo nhanh tới Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh; Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh cập nhật, thông báo nhanh tới Cục Kiểm lâm.

b) Nội dung thông báo gồm: thời gian, địa điểm cháy; loại rừng, loài cây bị cháy; diễn biến và quy mô đám cháy; nhận định các tình huống khẩn cấp; công tác tổ chức chữa cháy rừng.

c) Thông báo nhanh thực hiện bằng các hình thức: văn bản, qua điện thoại, tin nhắn, thư điện tử, qua phần mềm báo cáo nhanh của lực lượng kiểm lâm hoặc bằng các phương tiện thông tin khác nhanh nhất có thể.

Mục 2. CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 10. Tiếp nhận, xử lý thông tin cháy rừng

1. Người được huy động trực theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này có nhiệm vụ:

a) Theo dõi thông tin cấp dự báo cháy rừng, thông tin các điểm cháy sớm phát hiện từ ảnh vệ tinh trên Website, cổng thông tin điện tử của Cục Kiểm lâm để thông báo cho kiểm lâm địa bàn hoặc lực lượng bảo vệ rừng chuyên trách kiểm tra, xác minh;

b) Tiếp nhận thông tin về công tác phòng cháy và chữa cháy rừng và thông tin báo cáo cháy rừng của người dân;

c) Khi tiếp nhận tin báo cháy rừng, người nhận tin báo phải hỏi rõ và ghi vào sổ tiếp nhận các thông tin sau: Họ, tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của người báo cháy; địa điểm, thời gian xảy ra cháy; những thông tin về đám cháy như: loại rừng xảy ra cháy, diện tích đám cháy, nguy cơ cháy lan, nguy cơ ảnh hưởng đến khu vực dân cư và những thông tin khác liên quan đến đám cháy; đồng thời, báo cáo ngay thông tin đã tiếp nhận theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp (sau đây viết là Nghị định số 156/2018/NĐ-CP).

2. Việc xử lý thông tin báo cháy rừng thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 51 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP. Căn cứ tình hình thực tiễn của địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin cháy rừng của từng cấp phù hợp với từng địa phương.

Điều 11. Chỉ đạo và chỉ huy chữa cháy rừng

1. Người đứng đầu cơ quan, tổ chức, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp có mặt tại đám cháy rừng là người chỉ đạo chữa cháy rừng. Người chỉ đạo chữa cháy rừng có nhiệm vụ:

a) Huy động, điều phối và phân công các lực lượng, phương tiện, thiết bị, dụng cụ, vật tư, nguồn nước và vật liệu để chữa cháy rừng;

b) Bảo đảm các điều kiện phục vụ chữa cháy như giao thông, trật tự, thông tin liên lạc, hậu cầu, y tế và công tác chính trị tư tưởng trong chữa cháy rừng.

2. Người chỉ huy chữa cháy rừng quy định tại Điều 37 Luật Phòng cháy và chữa cháy, khoản 23 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Phòng cháy và chữa cháy. Người chỉ huy chữa cháy rừng có nhiệm vụ:

a) Trực tiếp điều hành các lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy rừng;

b) Tổ chức trinh sát đám cháy; xác định vị trí, hướng chữa cháy chính và việc triển khai lực lượng, phương tiện cần thiết để chữa cháy, các biện pháp để chữa cháy;

c) Quyết định phân chia khu vực chữa cháy và chỉ định người chỉ huy của từng lực lượng chữa cháy rừng theo từng khu vực;

d) Báo cáo lãnh đạo cấp trên trực tiếp quản lý hoặc theo yêu cầu của cấp có thẩm quyền về tình hình, diễn biến của đám cháy;

đ) Tổ chức thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn cho lực lượng, phương tiện tham gia chữa cháy; bảo đảm các hoạt động hỗ trợ trong công tác chữa cháy rừng;

e) Phối hợp tổ chức bảo vệ khu vực chữa cháy, hiện trường vụ cháy; áp dụng các biện pháp bảo vệ tài liệu, đồ vật phục vụ công tác điều tra vụ cháy, xác định nguyên nhân gây ra cháy rừng;

g) Tổ chức tập hợp lực lượng, thu hồi phương tiện trở về đơn vị khi kết thúc nhiệm vụ chữa cháy rừng;

h) Sau khi dập tắt đám cháy, yêu cầu phải thường xuyên kiểm tra hiện trường để đám cháy không bùng phát trở lại;

i) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

3. Trường hợp có nhiều lực lượng tham gia chữa cháy rừng, người chỉ huy chữa cháy rừng của từng lực lượng như sau:

a) Đối với lực lượng quân đội, thủ trưởng đơn vị là người chỉ huy theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy;

b) Đối với lực lượng bảo vệ rừng của chủ rừng là tổ chức, người đứng đầu tổ chức là người chỉ huy hoặc ủy quyền người chỉ huy chữa cháy rừng;

c) Đối với các lực lượng khác tham gia chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

Điều 12. Thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng

1. Người chỉ huy chữa cháy rừng quy định tại điểm d khoản 2 Điều 37 Luật phòng cháy và chữa cháy có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện chữa cháy rừng trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về phòng cháy và chữa cháy.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng theo quy định tại Điều 15 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP ngày 21 tháng 3 năm 2017 của Chính phủ quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (sau đây viết là Nghị định số 30/2017/NĐ-CP) trong trường hợp cháy rừng vượt quá khả năng kiểm soát của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này, cụ thể:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng. Trong trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát của cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp huyện để huy động chữa cháy rừng;

b) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng. Trong trường hợp vượt quá khả năng kiểm soát của cấp huyện, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cấp tỉnh để huy động chữa cháy rừng;

c) Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị của tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý để chữa cháy rừng. Trong trường hợp đám cháy lớn vượt quá khả năng kiểm soát, hoặc đám cháy quy mô không lớn nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến người dân, đến an ninh quốc phòng, sự an toàn của các công trình quan trọng, các công trình, vật kiến trúc có nguy cơ gây cháy nổ lớn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh báo cáo Ủy ban quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn và Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để huy động chữa cháy rừng.

3. Lực lượng cảnh sát phòng cháy và chữa cháy huy động lực lượng, phương tiện theo quy định tại Điều 24 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP ngày 31 tháng 7 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết là Nghị định số 79/2014/NĐ-CP).

4. Thủ tục huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng thực hiện theo quy định tại Điều 14 Thông tư số 66/2014/TT-BCA ngày 16/12/2014 của Bộ Công an quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

5. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ tình hình thực tế của địa phương, chỉ đạo xây dựng quy chế phối hợp huy động lực lượng, phương tiện, thiết bị chữa cháy rừng trên địa bàn.

Điều 13. Xác định thiệt hại do cháy rừng, nguyên nhân gây cháy rừng và giải pháp phục hồi rừng sau khi cháy

1. Chủ rừng xác định thiệt hại do cháy rừng gây ra theo quy định tại khoản 1 Điều 52 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP, bao gồm: diện tích, loại rừng, trạng thái rừng bị thiệt hại; thiệt hại về người, tài sản và các thiệt hại khác (nếu có).

2. Xác định nguyên nhân gây cháy rừng

a) Việc điều tra, xác định nguyên nhân gây cháy rừng thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 52 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

b) Căn cứ tính chất, mức độ vi phạm, mức độ thiệt hại đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

3. Chủ rừng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp phục hồi rừng sau khi cháy theo quy định tại khoản 2 Điều 52 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

4. Cơ quan Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã hướng dẫn, kiểm tra việc xác định thiệt hại do cháy rừng gây ra, đôn đốc chủ rừng thực hiện việc phục hồi rừng sau cháy.

Điều 14. Báo cáo cháy rừng

1. Báo cáo định kỳ cháy rừng, gồm: báo cáo tháng, báo cáo quý, báo cáo 6 tháng, báo cáo năm theo quy định tại Thông tư số 12/2019/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về Thống kê ngành Lâm nghiệp.

2. Báo cáo đột xuất

a) Báo cáo vụ cháy rừng: trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày vụ cháy rừng được dập tắt, chủ rừng có trách nhiệm lập báo cáo về cháy rừng gửi cơ quan Kiểm lâm sở tại. Trong thời hạn 01 ngày kể từ khi nhận được báo cáo của chủ rừng, cơ quan Kiểm lâm sở tại có trách nhiệm báo cáo Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo của cơ quan Kiểm lâm sở tại, Chi cục Kiểm lâm cấp tỉnh báo cáo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Cục Kiểm lâm.

Nội dung báo cáo về cháy rừng thực hiện theo Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư này.

b) Trong trường hợp cần có báo cáo đột xuất để thực hiện các yêu cầu chỉ đạo, điều hành về quản lý nhà nước, cơ quan yêu cầu báo cáo phải có văn bản nêu rõ mục đích, thời gian và các nội dung cần báo cáo.

Chương III

HƯỚNG DẪN ÁP DỤNG CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH TRONG HOẠT ĐỘNG PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG

Điều 15. Nội dung chi cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng

Nội dung chi cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng được áp dụng theo quy định tại Nghị định số 30/2017/NĐ-CP, Nghị định số 156/2018/NĐ-CP và các quy định của pháp luật có liên quan, bao gồm một số nội dung chi chủ yếu như sau:

1. Hoạt động tuyên truyền, tập huấn, huấn luyện, diễn tập, kiểm tra công tác phòng cháy và chữa cháy rừng;

2. Xây dựng, duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, cải tạo đường ranh cản lửa, chòi canh lửa rừng, trạm quan sát, dự báo lửa rừng; kênh mương, cầu, cống, bể, bồn chứa nước, đập, hồ chứa và đường ống dẫn nước phục vụ công tác phòng cháy và chữa cháy rừng;

3. Mua sắm vật tư, trang thiết bị, phương tiện; thiết bị quan trắc, cảnh báo nguy cơ cháy rừng;

4. Nguyên nhiên vật liệu; sửa chữa, bồi thường thiệt hại phương tiện, thiết bị được huy động để chữa cháy rừng;

5. Công tác thông tin, liên lạc; công tác phí; hội nghị; tổng kết, khen thưởng các đơn vị, cá nhân có thành tích trong công tác phòng cháy và ch ữa cháy rừng;

6. Hoạt động làm thêm giờ theo quy định của pháp luật;

7. Chi cho người tham gia chữa cháy rừng;

8. Tiền ăn thêm, bồi dưỡng cho các lực lượng tham gia chữa cháy rừng;

9. Cấp cứu người bị nạn, đảm bảo y tế cho các lực lượng tham gia chữa cháy rừng;

10. Thuê phương tiện, chi phí sửa chữa các phương tiện (nếu bị hư hỏng do nguyên nhân khách quan) được huy động tham gia chữa cháy rừng theo lệnh điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

11. Chi trả cho các tổ chức, cá nhân, chủ phương tiện tham gia chữa cháy bị rủi ro do cháy rừng;

12. Ứng dụng khoa học công nghệ trong phòng cháy và chữa cháy rừng;

13. Duy trì hoạt động thường xuyên của tổ, đội quần chúng bảo vệ rừng; tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ rừng; hợp đồng lao động bảo vệ rừng, phòng cháy và chữa cháy rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg ngày 8 tháng 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng (sau đây viết là Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg);

14. Nội dung chi khác cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 16. Mức chi cho người trực cháy và người được huy động tham gia chữa cháy rừng

1. Mức chi cho người hưởng lương từ ngân sách nhà nước

a) Trong thời gian được cấp có thẩm quyền huy động tham gia chữa cháy rừng, được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP.

b) Trường hợp được cấp có thẩm quyền triệu tập, huy động làm nhiệm vụ trực cháy rừng ngoài giờ làm việc, được thanh toán tiền làm thêm giờ theo quy định của pháp luật.

2. Mức chi cho người không hưởng lương từ ngân sách nhà nước

a) Người được huy động tham gia chữa cháy rừng được hưởng chế độ theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Nghị định số 30/2017/NĐ-CP, như sau:

Được hưởng trợ cấp ngày công lao động (như đối với lao động phổ thông) thấp nhất bằng 0,1 lần mức lương cơ sở. Mức trợ cấp cụ thể do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

Nếu tham gia chữa cháy rừng từ 22 giờ ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau được tính gấp đôi;

Khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hàng ngày thì được cấp huy động bố trí nơi ăn, nghỉ, hỗ trợ phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu xe một lần đi và về theo quy định chế độ công tác của Bộ Tài chính; được hỗ trợ tiền ăn theo mức do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định;

Cấp nào huy động thì cấp đó bảo đảm chi trả.

b) Người được huy động tham gia trực và canh phòng trực cháy rừng theo quy định tại khoản 1 Điều 8 Thông tư này thực hiện như sau:

Đối với rừng do Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp quản lý, thực hiện theo khoản 1 Điều 3 Quyết định số 07/2012/QĐ-TTg;

Đối với rừng do tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý, chủ rừng tự quyết định chi trả theo hợp đồng lao động bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng.

Điều 17. Chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy rừng bị thương, bị chết

1. Chế độ đối với người được điều động, huy động, trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy rừng bị thương áp dụng theo quy định tại Điều 3 Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC ngày 10 tháng 12 năm 2015 về hướng dẫn chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy, phục vụ chữa cháy và cán bộ, đội viên đội dân phòng, đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở, chuyên ngành tham gia huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy và chữa cháy (sau đây viết là Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT- BLĐTBXH-BCA-BTC).

2. Chế độ đối với người được điều động, huy động trực tiếp chữa cháy và phục vụ chữa cháy rừng bị chết áp dụng theo quy định tại Điều 4 Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC.

3. Xét hưởng chính sách thương binh hoặc như thương binh áp dụng theo quy định tại Điều 5 Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA- BTC.

4. Xét công nhận là liệt sĩ áp dụng theo quy định tại Điều 6 Thông tư liên tịch số 52/2015/TTLT-BLĐTBXH-BCA-BTC.

Điều 18. Nguồn ngân sách đảm bảo cho hoạt động phòng cháy và chữa cháy rừng

1. Nguồn ngân sách theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 30/2017/NĐ- CPĐiều 52 Nghị định số 79/2014/NĐ-CP.

2. Chính sách đầu tư theo quy định tại Điều 87, chính sách hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Điều 88 Nghị định số 156/2018/NĐ-CP.

3. Các nguồn ngân sách khác theo quy định của pháp luật.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 19. Trách nhiệm thi hành

1. Tổng cục Lâm nghiệp hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này trong phạm vi cả nước.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra thực hiện Thông tư này trên địa bàn tỉnh.

Điều 20. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.

2. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh kịp thời về Tổng cục Lâm nghiệp để tổng hợp báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật viện dẫn tại Thông tư này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế bởi văn bản khác thì áp dụng các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó./.

Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Sở NN và PTNT các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Các đơn vị liên quan thuộc Bộ NN và PTNT;
- Công báo Chính phủ;
- Cổng TTĐT: Chính phủ, Bộ NN và PTNT;
- Lưu VT, TCLN.

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Hà Công Tuấn

PHỤ LỤC I

DANH MỤC PHƯƠNG TIỆN, THIẾT BỊ CHO CÔNG TÁC PHÒNG CHÁY VÀ CHỮA CHÁY RỪNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 25 /2019/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

TT

DANH MỤC

NIÊN HẠN SỬ DỤNG

1

Máy thổi gió

Theo quy định của nhà sản xuất

2

Thiết bị xử lý thực bì (Cưa xăng, máy cắt thực bì, máy cắt cỏ...)

Theo quy định của nhà sản xuất

3

Định vị cầm tay GPS

Theo quy định của nhà sản xuất

4

Dụng cụ chữa cháy rừng (Dao phát, cào, quốc, xẻng ....)

Hỏng thay thế

5

Các thiết bị giám sát phục vụ chỉ huy chữa cháy rừng trên không

Theo quy định của nhà sản xuất

6

Hệ thống xử lý thông tin và truyền tin phát hiện sớm cháy rừng và chỉ huy chữa cháy rừng

Hỏng thay thế, nâng cấp

7

Tháp quan trắc cháy rừng bằng camera quang học

Theo quy định của nhà sản xuất

8

Bình chữa cháy đeo vai có động cơ

Theo quy định của nhà sản xuất

9

Đèn pin chiếu sáng cá nhân

Hỏng thay thế

PHỤ LỤC II

BÁO CÁO ĐỘT XUẤT VỀ CHÁY RỪNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số: 25 /2019/TT-BNNPTNT ngày 27 tháng 12 năm 2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

1. Nguyên nhân gây cháy rừng

2. Bảng tổng hợp diện tích, loại rừng bị cháy và bị thiệt hại do cháy rừng

TT

Vụ cháy

Địa điểm

Tổng diện tích rừng bị cháy

Diện tích rừng bị thiệt hại do cháy (ha)

Thời gian cháy

Tổng diện tích bị thiệt hại

Rừng tự nhiên

Rừng trồng

Lô, khoảnh, tiểu khu

Thôn, xã, huyện

Tổng

PH

ĐD

SX

Tổng

PH

ĐD

SX

Loài cây

Năm trồng

1

2

3

4

5

6 *

7*

8

9

10

11*

12

13

14

15

16

17

Tổng

Ghi chú: 6*=7+11; 7*=8+9+10; 11*=12+13+14.

3. Thiệt hại về người, tài sản và thiệt hại khác (nếu có)

a) Thiệt hại về người

b) Thiệt hại về tài sản

c) Thiệt hại khác (nếu có)

4. Giải pháp khắc phục hậu quả cháy rừng

5. Đề xuất, kiến nghị

………, ngày …… tháng …..năm.........
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ / CHỦ RỪNG

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 25/2019/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2019 quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


34.315

DMCA.com Protection Status
IP: 18.225.95.229
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!