NGHỊ ĐỊNH
VỀ
THÍ ĐIỂM PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC MỘT SỐ LĨNH VỰC CHO CHÍNH QUYỀN THÀNH PHỐ HỒ
CHÍ MINH
Căn cứ Luật Tổ chức
Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tổ chức
chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật sửa đổi,
bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban
hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành
văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ điểm d khoản 1 Điều 11 Nghị
quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội về thí điểm một
số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ;
Chính phủ ban hành Nghị định về thí điểm phân cấp
quản lý nhà nước một số lĩnh vực cho chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị định này quy định về nội dung thí điểm phân cấp
quản lý nhà nước giữa Chính phủ với chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh (Hội đồng
nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh) một số lĩnh vực sau:
1. Quản lý nhà nước về đầu tư.
2. Quản lý nhà nước về kinh tế, tài chính, ngân
sách nhà nước.
3. Quản lý nhà nước về quy hoạch, xây dựng, tài
nguyên và môi trường.
4. Quản lý nhà nước về giao thông vận tải.
5. Quản lý nhà nước về y tế.
6. Quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo.
7. Quản lý nhà nước về lao động, giáo dục nghề nghiệp.
8. Quản lý nhà nước về nội vụ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
1. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ
Chí Minh.
2. Cơ quan nhà nước khác, tổ chức chính trị và các
tổ chức chính trị-xã hội.
3. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức
xã hội và tổ chức xã hội - nghề nghiệp.
4. Các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.
Điều 3. Nguyên tắc phân cấp
Việc phân cấp quản lý nhà nước cho chính quyền
Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi tắt là Thành phố) được thực hiện theo quy định
tại khoản 2 Điều 11 và Điều 13 Luật Tổ chức chính quyền địa
phương và nội dung cụ thể sau:
1. Bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, Luật, Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban
Thường vụ Quốc hội, chủ trương của Đảng về phương hướng, nhiệm vụ phát triển
Thành phố.
2. Bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập
trung thống nhất của Chính phủ; phát huy trách nhiệm, quyền tự chủ, tự chịu trách
nhiệm, tính năng động, sáng tạo của Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
3. Phân cấp quản lý nhà nước gắn liền với việc tăng
cường trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của chính quyền
Thành phố.
4. Phân cấp quản lý nhà nước một số lĩnh vực nhằm
tăng cường trách nhiệm của Ủy ban nhân dân Thành phố, các cơ quan chuyên môn
thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, tạo sự chủ động và hoàn thiện cơ chế phân cấp
cho chính quyền Thành phố.
5. Phân cấp quản lý nhà nước đi đôi với việc thực
hiện chương trình cải cách hành chính ở các cấp chính quyền nhằm nâng cao hiệu
lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước của Thành phố; giải quyết kịp thời các
khó khăn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp và phục vụ
tốt hơn yêu cầu của tổ chức và người dân.
6. Việc quy định hoặc điều chỉnh
thủ tục hành chính liên quan đến nội dung phân cấp phải bảo đảm nguyên tắc sau:
a) Những nội dung phân cấp đã
quy định thủ tục hành chính thì điều chỉnh chủ thể thực hiện thủ tục hành chính
trên cơ sở hồ sơ và trình tự, thủ tục hiện hành, không làm phát sinh thêm thủ tục
hành chính;
b) Những nội dung phân cấp chưa quy định thủ tục
hành chính thì thực hiện theo trình tự, thủ tục hành chính do Hội đồng nhân dân
Thành phố quy định, bảo đảm đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, tiết kiệm thời
gian, chi phí, công sức của đối tượng và cơ quan thực hiện thủ tục hành chính.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC
MỘT SỐ LĨNH VỰC
Điều 4. Quản lý nhà nước về đầu
tư
Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân dân
Thành phố:
1. Quyết định danh mục ngành, nghề ưu đãi mới phát
sinh theo xu thế phát triển công nghệ mới của thế giới hoặc từ thực tiễn phát
triển kinh tế - xã hội của Thành phố phù hợp với định hướng của quốc gia về
phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế số, phát
triển bền vững để áp dụng tại Thành phố sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố tham
khảo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Căn cứ khả năng cân đối ngân sách của địa phương
và trên cơ sở quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư (quy định tại Nghị
định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm
2021 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư) ban hành chính sách hỗ trợ đảm bảo
tính chất đặc thù của Thành phố đối với doanh nghiệp công nghệ cao, tổ chức
khoa học và công nghệ.
Điều 5. Quản lý nhà nước về
kinh tế, tài chính, ngân sách nhà nước
1. Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân
dân Thành phố:
a) Quyết định các chế độ chi ngân sách đối với một
số nhiệm vụ chi có tính chất đặc thù ở địa phương ngoài các chế độ, tiêu chuẩn,
định mức chi tiêu do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban
hành để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm trật tự, an
toàn xã hội trên địa bàn, phù hợp với khả năng cân đối của ngân sách địa
phương, ngân sách trung ương không hỗ trợ;
b) Căn cứ điều kiện, tình hình thực tế và khả năng
cân đối ngân sách của Thành phố, quyết định mức chi đặc thù thêm cho: Đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; chế độ công tác phí; chế độ chi hội nghị,
tiếp khách so với các chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi ngân sách theo quy định
hiện hành sau khi Ủy ban nhân dân Thành phố tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính.
2. Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền:
a) Giao Sở Công Thương cấp và điều chỉnh giấy phép
lập cơ sở bán lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế đầu tư nước ngoài
hoạt động trên địa bàn Thành phố đối với các trường hợp sau:
Giấy phép lập cơ sở bán lẻ (bao gồm cơ sở bán lẻ thứ
nhất, cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ nhất và không thuộc loại hình cửa
hàng tiện lợi, siêu thị mini) được lập trong trung tâm thương mại và có diện
tích dưới 500 m2.
Giấy phép lập cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ thứ
nhất (không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) có diện tích dưới
100 m2, không nằm trong trung tâm thương mại và đã được Hội đồng Kiểm
tra nhu cầu kinh tế của thành phố thống nhất chấp thuận cấp phép; cấp điều chỉnh
tăng diện tích đối với cơ sở bán lẻ ngoài cơ sở bán lẻ nhất thỏa mãn 02 điều kiện
trên.
Giấy phép lập cơ sở bán lẻ thứ nhất (không thuộc loại
hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) có diện tích dưới 500 m2 và cấp
điều chỉnh tăng diện tích đến dưới 500 m2 đối với cơ sở bán lẻ thứ
nhất (không thuộc loại hình cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini) đặt ngoài trung
tâm thương mại.
b) Đặt hàng, giao nhiệm vụ quản lý khai thác, vận
hành các tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi cung cấp sản phẩm dịch vụ công ích thủy
lợi trên địa bàn Thành phố theo điều kiện, trình tự, thủ tục do Hội đồng nhân
dân Thành phố quy định.
Điều 6. Quản lý nhà nước về quy
hoạch, xây dựng, tài nguyên và môi trường
1. Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền:
a) Quyết định quy mô dân số tại các dự án nhà ở xã
hội bảo đảm phù hợp, tương ứng với chỉ tiêu về hệ số sử dụng đất hoặc mật độ
xây dựng tăng thêm theo quy định của pháp luật về nhà ở, quy chuẩn, tiêu chuẩn
áp dụng khi chấp thuận chủ trương đầu tư; quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết
phải được phê duyệt hoặc phê duyệt điều chỉnh theo quy định pháp luật trước khi
lập Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây dựng, bảo đảm tuân thủ quy định tại điểm b khoản 3 Điều 6 Nghị quyết số 98/2023/QH15;
b) Chủ động xác định quy mô dân số, điều chỉnh các
chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch và các yêu cầu về kiến trúc khi tổ chức lập, điều
chỉnh, phê duyệt các quy hoạch thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân Thành phố,
bảo đảm phù hợp với quy hoạch chung (đối với trường hợp lập, điều chỉnh quy hoạch
phân khu), phù hợp với quy hoạch chung, quy hoạch phân khu (đối với trường hợp
lập, điều chỉnh quy hoạch chi tiết) và tuân thủ quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về
quy hoạch xây dựng;
c) Tổ chức đấu giá cho thuê đối với mặt bằng sản xuất
kinh doanh, cơ sở nhà, đất thuộc đối tượng điều chỉnh của Nghị định số 167/2017/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2017 của
Chính phủ quy định việc sắp xếp lại, xử lý tài sản công và Nghị định số 67/2021/NĐ-CP ngày 15 tháng 7 năm 2021 của Chính
phủ sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP,
giá khởi điểm đấu giá do Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố xác định (trừ các
quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 4 Nghị quyết số
98/2023/QH15) sau khi tham khảo ý kiến của Bộ Tài chính.
2. Giao cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Ủy ban
nhân dân Thành phố theo quy định của pháp luật về xây dựng:
a) Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi đầu tư xây
dựng, thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở đối với dự án nhóm A có
công trình cấp cao nhất từ cấp II trở xuống, dự án nhóm B có công trình cấp cao
nhất là công trình dân dụng cấp I sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn
khác theo quy định của pháp luật về xây dựng;
b) Kiểm tra công tác nghiệm thu công trình dân dụng
cấp I sử dụng vốn nhà nước ngoài đầu tư công, vốn khác.
3. Giao Sở Xây dựng
a) Cấp, gia hạn, cấp lại, thu hồi Giấy chứng nhận đủ
điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động thuộc thẩm quyền của Bộ
Xây dựng quy định tại khoản 1 Điều 6 mục III Phụ lục Ib Nghị
định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm
2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao
động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ
sinh lao động và quan trắc môi trường lao động đã được sửa đổi, bổ sung tại Nghị
định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm
2018, Nghị định số 04/2023/NĐ-CP ngày 13
tháng 02 năm 2023 (gọi chung là Nghị định số 44/2016/NĐ-CP
đã được sửa đổi, bổ sung). Điều kiện, hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, gia hạn, cấp
lại Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động;
thời hạn của Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn
lao động; thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật thực
hiện theo quy định tại Điều 4, Điều 5, khoản 2 Điều 6, Điều 7, Điều 8 Phụ lục Ia Nghị định số 44/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung;
b) Cấp, cấp lại, thu hồi chứng chỉ kiểm định viên
thuộc thẩm quyền của cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Xây dựng quy định tại khoản 3 Điều 10 mục III Phụ lục Ib Nghị định số 44/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung. Tiêu
chuẩn kiểm định viên; hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp, cấp lại chứng chỉ kiểm định
viên; mẫu chứng chỉ kiểm định viên; thời hạn của chứng chỉ kiểm định viên; thu
hồi chứng chỉ kiểm định viên thực hiện theo quy định tại các Điều
9, 10, 11, 12, 13, 14 Phụ lục Ic Nghị định số 44/2016/NĐ-CP đã được sửa đổi, bổ sung.
Điều 7. Quản lý nhà nước về
giao thông vận tải
Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền:
1. Tổ chức thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động
giao thông đường thủy nội địa trên các đoạn đường thủy nội địa quốc gia thuộc địa
giới hành chính Thành phố. Thẩm quyền quản lý hoạt động tại:
a) Cảng thủy nội địa, bến thủy nội địa, khu neo đậu,
vùng nước neo đậu trên các tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa
chuyên dùng kết nối đường thủy nội địa quốc gia;
b) Cảng, bến thủy nội địa, vùng nước neo đậu thuộc
vùng nước cảng biển thuộc địa giới hành chính Thành phố.
2. Quyết định vị trí, phạm vi, thủ tục công bố và
công bố hoạt động khu neo đậu, vùng nước neo đậu trên các tuyến đường thủy nội
địa địa phương, tuyến đường thủy nội địa quốc gia, đường thủy nội địa chuyên
dùng kết nối đường thủy nội địa quốc gia (và vùng nước neo đậu thuộc vùng nước
cảng biển) thuộc địa giới hành chính Thành phố (không cần xác lập quy hoạch khu
neo đậu, vùng nước neo đậu). Trong đó, vùng nước neo đậu là vùng nước tiếp giáp
bờ sông, kênh, rạch tại vị trí khu đất thuộc quyền sử dụng của tổ chức, cá nhân
để neo đậu phương tiện thủy nội địa; không kinh doanh vận tải hàng hóa, hành
khách.
Điều 8. Quản lý nhà nước về y tế
Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền:
1. Giao cơ quan chuyên môn về y tế cấp giấy xác nhận
nội dung quảng - cáo đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của bệnh viện tư nhân
trên địa bàn Thành phố.
2. Quyết định cấp phép nhập khẩu thuốc đáp ứng nhu
cầu điều trị đặc biệt, phát sinh trong quá trình khám chữa bệnh đối với một số
nhóm thuộc quy định tại điểm b khoản 1 Điều 68 Nghị định số
54/2017/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chi tiết một
số điều và biện pháp thi hành Luật Dược (được
sửa đổi, bổ sung tại điểm a khoản 38 Điều 5 Nghị định số
155/2018/NĐ-CP ngày 12 tháng 11 năm 2018) cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh
thuộc phạm vi quản lý của Thành phố. Báo cáo Bộ Y tế để công bố thông tin theo
quy định tại khoản 6 Điều 60 Luật Dược.
Điều 9. Quản lý nhà nước về
giáo dục và đào tạo
Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền:
1. Phê duyệt chương trình giáo dục tích hợp thực hiện
trong liên kết giáo dục với nước ngoài đối với các cơ sở giáo dục trên địa bàn,
bảo đảm tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của Chính phủ về hợp tác,
đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và
Đào tạo.
2. Phê duyệt tài liệu, học liệu sử dụng để triển
khai cho trẻ làm quen ngoại ngữ, bảo đảm các tiêu chí, điều kiện, quy trình, thủ
tục theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
3. Xây dựng thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với
một số cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của
Thành phố.
Điều 10. Quản lý nhà nước về
lao động, giáo dục nghề nghiệp
Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền:
1. Tiếp nhận hồ sơ và cấp, cấp lại, gia hạn, thu hồi
giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động cho tổ chức có trụ sở chính trên địa bàn
Thành phố (trừ các tổ chức huấn luyện do các bộ, ngành, cơ quan trung ương, các
tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc bộ, ngành, cơ quan trung ương quyết định
thành lập) thực hiện chức năng huấn luyện Hạng C cho các đối tượng tham dự khóa
huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động được quy định tại khoản 5
Điều 1 Nghị định số 140/2018/NĐ-CP ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Chính phủ
sửa đổi, bổ sung các Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh và thủ
tục hành chính thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Lao động - Thương binh và
Xã hội.
2. Cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục
nghề nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký bổ sung hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối
với trường cao đẳng thuộc phạm vi quản lý của Thành phố, bảo đảm tiêu chí, điều
kiện theo quy định của Chính phủ.
3. Thực hiện chấp thuận nhu cầu sử dụng người lao động
nước ngoài; xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động; cấp, cấp lại, gia
hạn và thu hồi giấy phép lao động đối với các trường hợp tổ chức, cơ quan,
doanh nghiệp do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan
thuộc Chính phủ cho phép thành lập có trụ sở và hoạt động trên địa bàn Thành phố
được quy định tại điểm a khoản 11 Điều 1 Nghị định số
70/2023/NĐ-CP ngày 18 tháng 9 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung điểm a khoản 1 Điều 30 Nghị định số 152/2020/NĐ-CP ngày 30
tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định về người lao động nước ngoài làm việc
tại Việt Nam và tuyển dụng, quản lý người lao động Việt Nam làm việc cho tổ chức,
cá nhân nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 11. Quản lý nhà nước về nội
vụ
1. Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân
dân Thành phố:
a) Quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp
nhất cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố, đảm bảo phù hợp với đặc
thù Thành phố, không làm tăng số lượng cơ quan chuyên môn hiện có;
b) Căn cứ điều kiện, tình hình thực tế và ngân
sách, Thành phố quyết định mức thưởng thêm đối với tập thể, cá nhân lập thành
tích vượt trội hoặc đặc biệt xuất sắc đột xuất trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ
Tổ quốc và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh
của Thành phố ngoài mức thưởng theo quy định hiện hành, phù hợp với khả năng
cân đối ngân sách của Thành phố.
2. Ủy ban nhân dân Thành phố có thẩm quyền quyết định
chỉ tiêu và tổ chức thi nâng ngạch công chức lên chuyên viên, chuyên viên chính
và tương đương quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 32 Nghị định
số 138/2020/NĐ-CP ngày 27 tháng 11 năm 2020 của Chính phủ quy định về tuyển
dụng, sử dụng và quản lý công chức.
3. Ủy ban nhân dân huyện trình Hội đồng nhân dân
cùng cấp quyết định thành lập, chia tách, sáp nhập, hợp nhất cơ quan chuyên môn
trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, đảm bảo phù hợp với đặc thù Thành phố, không
làm tăng số lượng cơ quan chuyên môn hiện có.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 12. Quy định chuyển tiếp
1. Ủy ban nhân dân Thành phố trình Hội đồng nhân
dân cùng cấp quy định hoặc điều chỉnh thủ tục hành chính, bảo đảm phù hợp với
nguyên tắc quy định tại khoản 6 Điều 3 Nghị định này.
2. Đối với nội dung quy định tại điểm
a khoản 2 Điều 5, khoản 2 và khoản 3 Điều 6, khoản 1 và khoản
2 Điều 7, Điều 8, khoản 1 và khoản 2 Điều 9 và Điều 10 Nghị
định này, tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ trước ngày Nghị định này có hiệu lực
thì tiếp tục thực hiện theo quy định của pháp luật có liên quan.
Các trường hợp đã được thẩm định, chấp thuận, phê
duyệt, cấp giấy chứng nhận, giấy phép, chứng chỉ trước ngày Nghị định này có hiệu
lực thi hành thì tiếp tục sử dụng theo các văn bản đã được cơ quan nhà nước có
thẩm quyền cấp, trường hợp có thời hạn thì thực hiện đến khi hết hạn. Trường hợp
sửa đổi, bổ sung, điều chỉnh, gia hạn, cấp lại, thu hồi thì thực hiện theo quy
định tại Nghị định này.
Điều 13. Hiệu lực thi hành
1 . Nghị định này có hiệu lực kể từ ngày 10 tháng 7
năm 2024. Bãi bỏ Nghị định số 93/2001/NĐ-CP
ngày 12 tháng 12 năm 2001 của Chính phủ về phân cấp quản lý một số lĩnh vực cho
Thành phố Hồ Chí Minh. Trường hợp có quy định khác nhau về thẩm quyền giữa Nghị
định này với các Nghị định khác thì áp dụng quy định tại Nghị định này.
2. Ủy ban nhân dân Thành phố có trách nhiệm tổng kết,
đánh giá kết quả thực hiện thí điểm các nội dung được phân cấp quy định tại Nghị
định này đồng bộ với việc tổng kết, đánh giá thực hiện Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24 tháng 6 năm 2023 của Quốc hội
về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh,
báo cáo Chính phủ xem xét, quyết định.
Điều 14. Trách nhiệm thi hành
1. Các bộ, ngành có trách nhiệm kiểm tra việc tổ chức
thực hiện các nội dung phân cấp cho chính quyền Thành phố liên quan đến chức
năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành được quy định tại Nghị định này.
2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ
trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ
Chí Minh và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực
thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, TCCV (2b).
|
TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Trần Lưu Quang
|