KIỂM TOÁN
NHÀ NƯỚC
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1250/QĐ-KTNN
|
Hà Nội, ngày
06 tháng 10 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ ỦY THÁC HOẶC THUÊ DOANH NGHIỆP KIỂM TOÁN THỰC
HIỆN KIỂM TOÁN
TỔNG KIỂM TOÁN NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật Kiểm
toán nhà nước ngày 24 tháng 6 năm 2015 và Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước ngày 26 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Quyết định số 220/QĐ-KTNN ngày 02 tháng 3 năm 2023 của Tổng Kiểm
toán nhà nước về việc ban hành Quy chế soạn thảo, thẩm định, ban hành văn bản
quy phạm pháp luật và văn bản quản lý của Kiểm toán nhà nước;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Chế độ và Kiểm
soát chất lượng kiểm toán.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế ủy thác hoặc thuê
doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước và các tổ
chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Lãnh đạo KTNN;
- Các đơn vị trực thuộc KTNN;
- Lưu: VT, CĐ (02).
|
TỔNG KIỂM
TOÁN NHÀ NƯỚC
Ngô Văn Tuấn
|
QUY CHẾ
UỶ THÁC HOẶC THUÊ DOANH NGHIỆP KIỂM TOÁN THỰC HIỆN KIỂM
TOÁN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1250/QĐ-KTNN ngày 06 tháng 10 năm 2023
của Tổng Kiểm toán nhà nước)
Chương I
NHỮNG
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều
chỉnh
Quy chế này quy định về việc Kiểm toán nhà
nước thực hiện việc ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực
hiện kiểm toán các cơ quan, tổ chức quản lý, sử dụng tài chính
công, tài sản công theo quy định của Luật
Kiểm toán nhà nước; quy định về quyền hạn, trách nhiệm của các bên liên
quan đến ủy thác hoặc thuê kiểm toán; quy định phạm vi ủy thác hoặc thuê
kiểm toán; điều kiện các doanh nghiệp kiểm toán được ủy thác hoặc thuê kiểm
toán; quy định về Hội đồng thẩm định doanh nghiệp kiểm toán và thủ tục, trình tự
lựa chọn doanh nghiệp thực hiện kiểm toán.
Điều 2. Đối tượng áp
dụng
Quy định này áp dụng đối với Kiểm toán
nhà nước; các doanh nghiệp kiểm toán được ủy thác hoặc thuê kiểm toán và
các bên có liên quan đến hoạt động ủy thác hoặc thuê kiểm toán của Kiểm toán
nhà nước.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Ủy thác kiểm toán là việc Kiểm toán
nhà nước giao cho doanh nghiệp kiểm toán với danh nghĩa của Kiểm toán nhà
nước thực hiện toàn bộ cuộc kiểm toán theo các chuẩn mực, quy trình kiểm toán
của Kiểm toán nhà nước hoặc các chuẩn mực, quy trình kiểm toán được Kiểm toán
nhà nước chấp nhận.
2. Thuê doanh nghiệp kiểm toán là việc Kiểm
toán nhà nước thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán một số nội
dung, một số đơn vị được kiểm toán trong Kế hoạch kiểm toán theo các chuẩn mực,
quy trình kiểm toán và quy định quản lý, chuyên môn của Kiểm toán nhà nước.
Điều 4. Nguyên tắc thực hiện
1. Chỉ ủy thác hoặc thuê kiểm toán đối với những
cơ quan, tổ chức thuộc phạm vi ủy thác hoặc thuê kiểm toán theo quy định tại
Điều 8 Quy chế này.
2. Chỉ thực hiện ủy thác hoặc thuê kiểm toán
đối với những doanh nghiệp kiểm toán đáp ứng đủ điều kiện theo quy định tại Điều 9 Quy chế này.
3. Việc ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán
được thực hiện thông qua hợp đồng ủy thác hoặc hợp đồng thuê doanh nghiệp
kiểm toán.
4. Không ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm
toán đối với các nội dung thuộc danh mục bí mật nhà nước theo quy định của pháp
luật về bảo vệ bí mật nhà nước.
5. Doanh nghiệp kiểm toán được ủy thác hoặc
thuê kiểm toán chịu trách nhiệm trước Kiểm toán nhà nước và pháp luật về tính
trung thực, hợp pháp của số liệu, tài liệu, kết luận, kiến nghị kiểm toán của
mình. Kiểm toán nhà nước quyết định việc sử dụng, thực hiện kiểm tra, giám sát
và chịu trách nhiệm về tính trung thực của số liệu, tài liệu và kết luận, kiến
nghị kiểm toán do doanh nghiệp kiểm toán thực hiện.
6. Doanh nghiệp kiểm toán được ủy thác hoặc
thuê kiểm toán chịu trách nhiệm bảo mật tài liệu, số liệu và các thông tin về
hoạt động của đơn vị được kiểm toán theo quy định của Kiểm toán nhà nước và quy
định của pháp luật.
7. Doanh nghiệp kiểm toán được uỷ thác hoặc thuê
kiểm toán không được uỷ thác hoặc thuê bên thứ ba triển khai hợp đồng ủy
thác hoặc hợp đồng thuê kiểm toán.
Điều 5. Kiểm tra, giám sát
việc thực hiện hợp đồng ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán
1. Kiểm toán nhà nước có quyền và trách nhiệm kiểm
tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm
toán theo quy định tại hợp đồng ủy thác hoặc thuê kiểm toán, Quy chế này
và theo quy định của pháp luật.
2. Doanh nghiệp kiểm toán được ủy thác hoặc
thuê kiểm toán có nghĩa vụ chấp hành sự kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp
đồng và chất lượng kiểm toán của Kiểm toán nhà nước.
3. Hoạt động kiểm tra, giám sát của Kiểm toán
nhà nước được thực hiện theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.
Điều 6. Thành lập hội đồng
thẩm định doanh nghiệp kiểm toán
1. Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng thẩm định
doanh nghiệp kiểm toán để tư vấn cho Tổng Kiểm toán nhà nước lựa chọn doanh
nghiệp kiểm toán đủ điều kiện, năng lực thực hiện ủy thác hoặc thuê kiểm
toán.
2. Thành phần Hội đồng thẩm định gồm:
a) Tổng Kiểm toán nhà nước hoặc Phó Tổng Kiểm
toán nhà nước phụ trách đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có nhu
cầu ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán - Chủ tịch Hội đồng.
b) Đại diện Vụ Chế độ và Kiểm soát chất
lượng kiểm toán (01 Lãnh đạo Vụ làm thành viên thường trực; 01 Lãnh đạo
Phòng làm thành viên thư ký).
c) Đại diện Lãnh đạo Vụ Tổng hợp - Thành viên.
d) Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Kiểm toán
nhà nước có nhu cầu ủy thác hoặc thuê kiểm toán - Thành viên.
đ) Đại diện Lãnh đạo Vụ Pháp chế - Thành viên.
e) Đại diện Lãnh đạo Văn phòng Kiểm toán nhà nước
- Thành viên.
g) Thành phần khác do Tổng Kiểm toán nhà
nước quyết định.
Điều 7. Kinh phí ủy thác
hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán
Căn cứ nhu cầu ủy thác hoặc thuê kiểm toán,
Kiểm toán nhà nước lập dự toán kinh phí ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm
toán. Kinh phí ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán được bố trí trong dự
toán ngân sách nhà nước hàng năm của Kiểm toán nhà nước hoặc dự toán bổ sung
trường hợp phát sinh nhiệm vụ đột xuất theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các quy định pháp luật
có liên quan.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 8. Phạm vi uỷ thác hoặc
thuê kiểm toán
Kiểm toán nhà nước được uỷ thác hoặc thuê doanh
nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán các cơ quan, tổ chức sau:
1. Tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị
- xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp có sử dụng
kinh phí ngân sách nhà nước.
2. Đơn vị sự nghiệp công lập.
3. Ban Quản lý dự án đầu tư có nguồn kinh phí
ngân sách nhà nước hoặc có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước.
4. Doanh nghiệp quản lý, sử dụng tài chính công,
tài sản công.
5. Đơn vị nhận trợ giá, trợ cấp của Nhà nước,
đơn vị có công nợ được Nhà nước bảo lãnh mà không phải là doanh nghiệp có quản
lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước.
6. Các cơ quan, tổ chức sử dụng, quản lý tài
chính công, tài sản công khác do Tổng Kiểm toán nhà nước quyết định.
Điều 9. Điều kiện các doanh
nghiệp kiểm toán được ủy thác hoặc thuê kiểm toán
Doanh nghiệp kiểm toán được xem xét, lựa chọn
ủy thác hoặc thuê kiểm toán phải có đủ các điều kiện sau, trừ trường hợp đặc
biệt khác:
1. Là doanh nghiệp kiểm toán đã đủ điều kiện
hoạt động hợp pháp, được chấp thuận có tên trong danh sách công khai của
Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước (thuộc lĩnh vực chứng khoán)
hoặc Ngân hàng thế giới (WB) lựa chọn hàng năm (đối với các dự án có nguồn vốn
do WB tài trợ)…”.
2. Trong 03 năm trước liền kề không có sai phạm
bị cơ quan nhà nước hoặc Hội nghề nghiệp về kiểm toán xử lý liên quan đến chất
lượng kiểm toán.
3. Doanh nghiệp kiểm toán trong 03 năm trước liền
kề và trong khoảng thời gian từ thời kỳ được kiểm toán đến thời điểm ký hợp đồng
ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán không thực hiện dịch vụ ghi sổ kế
toán, lập báo cáo tài chính, dịch vụ kiểm toán, định giá tài sản, tư vấn quản
lý, tư vấn tài chính cho khách hàng là đơn vị được kiểm toán mà Kiểm toán nhà
nước ủy thác hoặc thuê kiểm toán; không thực hiện các dịch vụ trên trong thời
kỳ được kiểm toán thuộc nội dung kiểm toán mà Kiểm toán nhà nước ủy thác
hoặc thuê kiểm toán.
4. Người có trách nhiệm quản lý, điều hành của
doanh nghiệp kiểm toán không phải là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ
phần, góp vốn vào đơn vị được kiểm toán hoặc có quan hệ kinh tế, tài chính khác
với đơn vị được kiểm toán theo quy định của chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp kế
toán, kiểm toán.
5. Người có trách nhiệm quản
lý, điều hành của doanh nghiệp kiểm toán không có bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ
nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em
ruột là thành viên, cổ đông sáng lập hoặc mua cổ phần, góp vốn và có ảnh hưởng
đáng kể đối với đơn vị được kiểm toán hoặc là người có trách nhiệm quản lý, điều
hành, thành viên ban kiểm soát hoặc kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán.
6. Người có trách nhiệm quản lý, điều hành,
thành viên ban kiểm soát hoặc kế toán trưởng của đơn vị được kiểm toán không được
đồng thời là người góp vốn và có ảnh hưởng đáng kể đối với doanh nghiệp kiểm
toán.
7. Doanh nghiệp kiểm toán và đơn vị được kiểm
toán không có cùng một cá nhân hoặc doanh nghiệp, tổ chức thành lập hoặc tham
gia thành lập.
Điều 10. Thủ tục và trình tự
lựa chọn
1. Khi có nhu cầu ủy thác hoặc thuê kiểm
toán, Kiểm toán nhà nước công bố cơ quan, tổ chức cần ủy thác hoặc thuê kiểm
toán; thủ tục, hồ sơ đăng ký nhận ủy thác hoặc thuê kiểm toán theo quy định
của Luật Đấu thầu.
2. Doanh nghiệp kiểm toán có đủ điều kiện quy định
tại Điều 9 của Quy chế này, có nhu cầu nhận thực hiện ủy
thác hoặc thuê kiểm toán đăng ký với Kiểm toán nhà nước (qua Văn phòng Kiểm
toán nhà nước). Hồ sơ gồm:
a) Đơn đề nghị được ủy thác hoặc thuê kiểm
toán.
b) Bản sao công chứng Giấy chứng nhận đăng ký
kinh doanh (hoặc giấy chứng nhận đầu tư) và Điều lệ công ty.
c) Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dịch
vụ kiểm toán.
d) Danh sách khách hàng trong 03 năm trước liền
kề và trong khoảng thời gian từ thời kỳ được kiểm toán đến thời điểm ký hợp đồng
ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán.
đ) Danh sách Kiểm toán viên đăng ký có giấy
chứng nhận đăng ký hành nghề của Bộ Tài chính cấp còn thời hạn kèm
theo sơ yếu lý lịch, trong đó tóm tắt quá trình làm việc của kiểm toán viên
hành nghề và giám đốc doanh nghiệp kiểm toán.
e) Các tài liệu khác theo yêu cầu của Kiểm toán
nhà nước.
3. Căn cứ vào đối tượng và nhu cầu ủy thác
hoặc thuê kiểm toán, danh sách các doanh nghiệp kiểm toán nộp hồ sơ dự thầu/hồ
sơ đề xuất, Hội đồng thẩm định doanh nghiệp kiểm toán xem xét, trình Tổng Kiểm
toán nhà nước doanh nghiệp kiểm toán đủ điều kiện. Văn phòng Kiểm toán nhà nước
chủ trì phối hợp với Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và
các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước có nhu cầu ủy thác hoặc thuê
kiểm toán giúp Tổng Kiểm toán nhà nước tổ chức lựa chọn nhà thầu theo quy
định của Luật Đấu thầu.
Điều 11. Hợp đồng uỷ thác
hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán thực hiện kiểm toán
1. Kiểm toán nhà nước và doanh nghiệp kiểm toán
thực hiện ký hợp đồng về ủy thác hoặc thuê thực hiện kiểm toán. Hợp đồng có
các nội dung chủ yếu sau:
a) Tên, địa chỉ của bên ủy thác hoặc thuê kiểm
toán và bên được ủy thác hoặc thuê kiểm toán (tên, địa chỉ trụ sở chính,
số điện thoại, Fax, tài khoản giao dịch, người đại diện...).
b) Nội dung ủy thác hoặc thuê kiểm toán (mục
tiêu, đối tượng, phạm vi, nội dung, thời kỳ kiểm toán, đơn vị được kiểm toán…
mà Kiểm toán nhà nước ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán).
c) Quy định về chuyên môn: Chuẩn mực, quy trình
kiểm toán áp dụng; quy định về đạo đức kiểm toán viên, quy định về giám sát
hoạt động kiểm toán, quy định về kiểm soát chất lượng kiểm toán...
d) Trách nhiệm, quyền hạn của các bên.
đ) Kết quả thực hiện hợp đồng (là báo cáo kết
quả kiểm toán do doanh nghiệp được ủy thác hoặc thuê kiểm toán thực hiện như:
Báo cáo kiểm toán, Biên bản kiểm toán, Biên bản xác nhận số liệu kiểm toán,
các tài liệu ghi chép của Kiểm toán viên, bằng chứng kiểm toán,...).
e) Phí uỷ thác hoặc thuê kiểm toán và phương thức
thanh toán.
g) Cam kết thực hiện và thời hạn hoàn thành; thủ
tục giải quyết tranh chấp hợp đồng.
h) Hiệu lực và thời hạn hợp đồng.
i) Các điều khoản khác (nếu có).
2. Mẫu hợp đồng ủy thác hoặc thuê kiểm toán
do Kiểm toán nhà nước quy định.
Điều 12. Trách nhiệm và quyền
hạn của Kiểm toán nhà nước
1. Trách nhiệm:
a) Ban hành Quyết định kiểm toán.
b) Phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho Đoàn kiểm
toán, Kiểm toán viên (gọi tắt là Kiểm toán viên) thuộc doanh nghiệp kiểm
toán thực hiện kiểm toán.
c) Thanh toán đầy đủ, kịp thời phí uỷ thác hoặc
thuê kiểm toán theo thỏa thuận trong hợp đồng.
d) Kiểm tra, giám sát thực hiện theo Điều 5 của Quy chế này.
đ) Các trách nhiệm khác theo quy định của Hợp đồng
ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán và quy định pháp luật có liên quan.
2. Quyền hạn:
a) Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán cung cấp đầy đủ,
chính xác, kịp thời kế hoạch kiểm toán, số liệu, kết luận kiểm toán và các
thông tin, tài liệu liên quan đến công việc kiểm toán được ủy thác hoặc thuê
kiểm toán.
b) Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán thay thế kiểm
toán viên hành nghề khi có dấu hiệu cho thấy thành viên đó vi phạm chuẩn mực,
quy trình kiểm toán, quy định quản lý chuyên môn hoặc vi phạm các quy định của
pháp luật.
c) Kiểm tra, giám sát quá trình thực hiện hợp đồng
ủy thác hoặc thuê kiểm toán; kiểm tra, thẩm định báo cáo kết quả kiểm toán
theo quy định tại Hợp đồng ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán.
d) Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán giải trình bằng
văn bản về những vấn đề được nêu trong dự thảo Kế hoạch kiểm toán, Báo cáo kiểm
toán, Biên bản kiểm toán nếu thấy chưa rõ, chưa phù hợp.
đ) Quyết định việc sử dụng số liệu, tài liệu và
kết luận, kiến nghị kiểm toán do doanh nghiệp kiểm toán thực hiện.
e) Yêu cầu doanh nghiệp kiểm toán bồi thường
trong trường hợp doanh nghiệp kiểm toán gây thiệt hại cho đơn vị được kiểm toán
và cho Kiểm toán nhà nước.
g) Đơn phương chấm dứt hợp đồng nếu Doanh
nghiệp kiểm toán được ủy thác hoặc thuê kiểm toán vi phạm hợp đồng.
h) Các quyền khác theo quy định của Hợp đồng ủy
thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán và quy định pháp luật có liên
quan.
Điều 13. Trách nhiệm và quyền
hạn của doanh nghiệp kiểm toán nhận uỷ thác hoặc thuê kiểm toán
1. Trách nhiệm:
a) Thực hiện kiểm toán theo Hợp đồng uỷ thác
hoặc thuê kiểm toán và tuân thủ các quy định chuyên môn đã được ghi trong hợp
đồng:
- Trường hợp thuê thực hiện kiểm toán, doanh
nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán phải tuân thủ chuẩn mực, quy trình kiểm
toán và các quy định quản lý, chuyên môn nghiệp vụ của Kiểm toán nhà nước.
- Trường hợp uỷ thác thực hiện kiểm toán, doanh
nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán phải tuân thủ chuẩn mực, quy trình kiểm
toán của Kiểm toán nhà nước hoặc chuẩn mực, quy trình kiểm toán được Kiểm toán
nhà nước chấp nhận.
b) Bố trí kiểm toán viên có đạo đức nghề nghiệp,
trình độ chuyên môn phù hợp để đảm bảo chất lượng kiểm toán. Không bố trí kiểm
toán viên thực hiện kiểm toán trong các trường hợp sau:
- Mua cổ phần, góp vốn hoặc có quan hệ về lợi
ích kinh tế với đơn vị được kiểm toán.
- Đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành
viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm
toán của các năm tài chính được kiểm toán.
- Trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi
thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng
hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán.
- Có quan hệ là bố đẻ, mẹ đẻ,
bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, vợ, chồng, con, anh ruột,
chị ruột, em ruột với người đứng đầu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế
toán của đơn vị được kiểm toán.
- Đã từng có sai phạm bị cơ quan nhà nước
hoặc Hội nghề nghiệp về kiểm toán xử lý liên quan đến chất lượng
kiểm toán.
c) Bồi thường thiệt hại do lỗi mà kiểm toán viên
hành nghề hoặc người của doanh nghiệp mình gây ra cho đơn vị được kiểm toán, Kiểm
toán nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện kiểm
toán tùy mức độ thiệt hại phải chịu trách nhiệm theo Hợp đồng ủy thác hoặc
thuê doanh nghiệp kiểm toán và quy định của pháp luật có liên quan.
d) Thông báo kịp thời và đầy đủ với Kiểm toán
nhà nước khi thông qua hoạt động kiểm toán phát hiện đơn vị được kiểm toán có dấu
hiệu vi phạm pháp luật.
đ) Thông báo kịp thời với Kiểm toán nhà nước khi
đơn vị được kiểm toán và các tổ chức cá nhân có liên quan trong các trường hợp
có các hành vi vi phạm sau:
- Từ chối cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ
cho cuộc kiểm toán theo yêu cầu của doanh nghiệp kiểm toán và kiểm toán
viên.
- Cản trở công việc của Kiểm toán viên.
- Báo cáo sai lệch, không trung thực, không đầy
đủ, kịp thời hoặc thiếu khách quan thông tin liên quan đến cuộc kiểm toán.
- Mua chuộc, đưa hối lộ cho doanh nghiệp kiểm
toán, Kiểm toán viên.
- Che giấu các hành vi vi phạm pháp luật về tài
chính công, tài sản công.
- Can thiệp trái pháp luật vào hoạt động kiểm
toán, kết quả kiểm toán của Kiểm toán viên.
e) Cung cấp các thông tin về kiểm toán viên hành
nghề, doanh nghiệp kiểm toán và hồ sơ, tài liệu kiểm toán theo yêu cầu của Kiểm
toán nhà nước.
g) Báo cáo kịp thời, đầy đủ và trung thực với
Kiểm toán nhà nước nếu trong thời gian thực hiện kiểm toán phát sinh
các trường hợp làm ảnh hưởng đến tính độc lập, khách quan theo quy định tại Điều 9 của Quy chế này.
h) Chấp hành các yêu cầu của Kiểm toán nhà nước
về việc báo cáo, kiểm tra, giám sát.
i) Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán nhà nước và
pháp luật về tính trung thực, hợp pháp của số liệu, tài liệu, kết luận, kiến
nghị kiểm toán của mình.
k) Chịu trách nhiệm bảo mật tài liệu, số liệu và
các thông tin về hoạt động của đơn vị được kiểm toán và các đơn vị khác có liên
quan theo quy định của Kiểm toán nhà nước và quy định của pháp luật.
l) Thực hiện các trách nhiệm khác theo quy định
của pháp luật và Hợp đồng uỷ thác hoặc thuê kiểm toán.
2. Quyền hạn:
a) Được quyền độc lập về chuyên môn nghiệp vụ
khi thực hiện các dịch vụ đã được ghi trong hợp đồng thuê, uỷ thác kiểm toán.
b) Nhận phí dịch vụ từ Kiểm toán nhà nước.
c) Trong quá trình thực hiện kiểm toán:
- Yêu cầu đơn vị được kiểm toán cung cấp đầy đủ,
kịp thời thông tin, tài liệu cần thiết và giải trình các vấn đề có liên quan đến
nội dung kiểm toán; kiểm kê tài sản, đối chiếu, xác minh công nợ của đơn vị được
kiểm toán liên quan đến nội dung kiểm toán.
- Đề nghị tổ chức, cá nhân có liên quan
cung cấp thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm toán trong
phạm vi kiểm toán để thu thập bằng chứng kiểm toán.
d) Các quyền khác theo quy định của Hợp đồng ủy
thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán và quy định pháp luật có liên
quan.
Điều 14. Trách nhiệm và quyền
hạn của Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán khi thực hiện kiểm toán
1. Kiểm toán viên thuộc doanh nghiệp kiểm toán
được thuê thực hiện kiểm toán có trách nhiệm và quyền hạn sau:
1.1. Trách nhiệm:
a) Thực hiện nhiệm vụ kiểm toán và chịu trách
nhiệm trước Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán về việc thực hiện nhiệm
vụ kiểm toán được phân công; đưa ra ý kiến đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến
nghị về những nội dung đã kiểm toán trên cơ sở thu thập đầy đủ và đánh giá các
bằng chứng kiểm toán thích hợp.
b) Tuân thủ pháp luật,
nguyên tắc hoạt động, chuẩn mực, quy trình Kiểm toán nhà nước, quy tắc ứng xử của
kiểm toán viên và các quy định khác có liên quan của Kiểm toán nhà nước.
c) Chịu trách nhiệm trước Kiểm toán nhà nước và
trước pháp luật về những bằng chứng, đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị
của mình.
d) Thu thập bằng chứng kiểm toán và các tài liệu
làm việc khác theo quy định của Kiểm toán nhà nước.
đ) Giữ bí mật thông tin, tài liệu thu thập được
trong quá trình kiểm toán.
e) Khi thực hiện nhiệm vụ kiểm toán, Kiểm toán
viên phải xuất trình giấy giới thiệu, giấy chứng nhận đăng ký hành
nghề do Bộ Tài chính cấp và chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước.
g) Báo cáo kịp thời và
đầy đủ với người đứng đầu doanh nghiệp kiểm toán và người ra quyết định thành lập
Đoàn kiểm toán khi có trường hợp quy định tại điểm b khoản
1 Điều 13 của Quy chế này.
h) Khi có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo
tính chất, mức độ vi phạm mà bị doanh nghiệp kiểm toán xử lý kỷ luật hoặc
truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo Hợp đồng
ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán và quy định của pháp luật có liên quan.
1.2. Quyền hạn:
a) Độc lập về chuyên môn nghiệp vụ.
b) Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ
chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời
thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán theo quy định của pháp luật
và của Kiểm toán nhà nước.
c) Kiểm tra, xác nhận các thông tin kinh tế, tài
chính có liên quan đến nội dung kiểm toán ở trong và ngoài đơn vị trong quá
trình thực hiện kiểm toán theo quy định của pháp luật và của Kiểm toán nhà nước.
d) Quyền hạn khác theo quy định của pháp luật
và của Kiểm toán nhà nước.
2. Kiểm toán viên của doanh nghiệp được uỷ thác
kiểm toán khi thực hiện kiểm toán có trách nhiệm và quyền hạn như trường hợp được
thuê kiểm toán ở khoản 1 Điều 14 Quy chế này, đồng thời
tuân thủ theo quy định tại Luật Kiểm toán độc lập
và các chuẩn mực, quy trình được Kiểm toán nhà nước chấp nhận.
Điều 15. Trách nhiệm của
các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước
1. Trách nhiệm của các đơn vị tham mưu:
a) Văn phòng Kiểm toán nhà nước có trách nhiệm tổng
hợp nhu cầu và dự toán uỷ thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán từ các đơn vị
có nhu cầu sử dụng để lập dự toán kinh phí ủy thác hoặc thuê kiểm toán chung
toàn Ngành trình cấp có thẩm quyền quyết định; chủ trì phối hợp với Vụ Chế độ
và Kiểm soát chất lượng kiểm toán và đơn vị có nhu cầu ủy thác hoặc thuê
kiểm toán tổ chức lựa chọn doanh nghiệp kiểm toán theo quy định của Luật Đấu thầu trình Tổng Kiểm toán nhà nước
phê duyệt; ký hợp đồng với doanh nghiệp kiểm toán theo danh sách đã được Tổng
Kiểm toán nhà nước phê duyệt; theo dõi việc thực hiện hợp đồng và thanh lý
hợp đồng (sau khi Báo cáo kiểm toán phát hành).
b) Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán
có trách nhiệm tham mưu Tổng Kiểm toán nhà nước thành lập Hội đồng thẩm định
doanh nghiệp kiểm toán; là thường trực Hội đồng thẩm định doanh nghiệp kiểm
toán; chủ trì phối hợp với Văn phòng Kiểm toán nhà nước, đơn vị có nhu cầu ủy
thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán và các đơn vị liên quan tham mưu cho Tổng
Kiểm toán nhà nước về nội dung hợp đồng uỷ thác hoặc thuê kiểm toán; thực hiện
kiểm tra, giám sát chất lượng kiểm toán và thẩm định kết quả kiểm toán trước
khi nghiệm thu theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước (nếu có).
c) Vụ Tổng hợp có tránh nhiệm tham gia Hội đồng
thẩm định doanh nghiệp kiểm toán; thẩm định kết quả kiểm toán trước khi nghiệm
thu theo yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước (nếu có).
d) Vụ Pháp chế có trách nhiệm tham gia Hội đồng
thẩm định doanh nghiệp kiểm toán; thẩm định tính hợp pháp của Hợp đồng uỷ thác
hoặc thuê kiểm toán; thẩm định kết quả kiểm toán trước khi nghiệm thu theo
yêu cầu của Tổng Kiểm toán nhà nước (nếu có).
2. Trách nhiệm của các đơn vị trực thuộc
Kiểm toán nhà nước có nhu cầu ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm
toán:
a) Căn cứ nhu cầu uỷ thác hoặc thuê doanh
nghiệp kiểm toán đối với các cuộc kiểm toán hay nội dung kiểm toán,
các đơn vị trực thuộc Kiểm toán nhà nước đề xuất nhu cầu ủy thác
hoặc thuê doanh nghiệp kiểm toán kèm theo phương án (nêu rõ yêu cầu)
và dự toán kinh phí trình Tổng Kiểm toán nhà nước (qua Văn phòng Kiểm
toán nhà nước). Trường hợp phát sinh đột xuất, các đơn vị trực
thuộc Kiểm toán nhà nước phải trình Tổng Kiểm toán nhà nước xem
xét, quyết định.
b) Tham gia Hội đồng thẩm định doanh nghiệp kiểm
toán; đề xuất về nội dung trong Hợp đồng ủy thác hoặc thuê doanh nghiệp kiểm
toán; theo dõi, kiểm tra, giám sát, kiểm soát chất lượng kiểm toán;
thẩm định kết quả kiểm toán trước khi nghiệm thu.
c) Chủ trì và phối hợp với Văn phòng Kiểm toán
nhà nước, doanh nghiệp kiểm toán được ủy thác hoặc thuê kiểm toán nghiệm thu kết
quả kiểm toán làm cơ sở để Văn phòng Kiểm toán nhà nước thanh, quyết toán hợp
đồng theo quy định.
d) Thực hiện theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc
thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán theo quy định của KTNN.
đ) Tập hợp hồ sơ kiểm toán; thực hiện quy định về
nộp lưu, bảo quản, khai thác và huỷ hồ sơ kiểm toán theo quy định của Kiểm toán
nhà nước.
Chương III
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 16. Tổ chức thực hiện
1. Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Kiểm toán
nhà nước và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quy chế
này.
2. Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề phát
sinh mới hoặc khó khăn, vướng mắc kịp thời báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước (qua
Vụ Chế độ và Kiểm soát chất lượng kiểm toán) để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.