Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật Căn cước 2023 số 26/2023/QH15 áp dụng năm 2024

Số hiệu: 26/2023/QH15 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Vương Đình Huệ
Ngày ban hành: 27/11/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Thời điểm Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng

Quốc hội thông qua Luật Căn cước 2023 vào ngày 27/11/2023 (bắt đầu có hiệu lực từ ngày 01/7/2024), trong đó quy định thời điểm Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng.

Thời điểm Chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng

Cụ thể, Luật Căn cước 2023 quy định thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15/01/2024 đến trước ngày 30/6/2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30/6/2024.

Còn đối với Chứng minh nhân dân còn thời hạn sử dụng thì được sử dụng đến hết ngày 31/12/2024.

Đổi tên thẻ Căn cước công dân thành thẻ Căn cước

Căn cứ theo khoản 1 và khoản 11 Điều 3 Luật Căn cước 2023 định nghĩa:

-Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, đặc điểm nhân dạng và sinh trắc học của một người.

- Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước 2023.

Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước

- Thẻ căn cước có thông tin được in trên thẻ và bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa.

- Thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm:

+ Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

+ Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

+ Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;

+ Ảnh khuôn mặt;

+ Số định danh cá nhân;

+ Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

+ Ngày, tháng, năm sinh;

+ Giới tính;

+ Nơi đăng ký khai sinh;

+ Quốc tịch;

+ Nơi cư trú;

+ Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;

+ Nơi cấp: Bộ Công an.

- Thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của công dân, các thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18 Điều 9, khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 22 Luật Căn cước 2023.

Xem chi tiết Luật Căn cước 2023 có hiệu lực từ ngày 01/7/2024 và thay thế Luật Căn cước công dân 2014.

 

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 26/2023/QH15

Hà Nội, ngày 27 tháng 11 năm 2023

LUẬT

CĂN CƯỚC

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật Căn cước.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định về Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước; thẻ căn cước, căn cước điện tử; giấy chứng nhận căn cước; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Luật này áp dụng đối với công dân Việt Nam; người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Căn cước là thông tin cơ bản về nhân thân, lai lịch, nhân dạng và sinh trắc học của một người.

2. Nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.

3. Sinh trắc học là những thuộc tính vật lý, đặc điểm sinh học cá biệt và ổn định của một người để nhận diện, phân biệt người này với người khác.

4. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đang sinh sống tại Việt Nam (sau đây gọi là người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch) là người đang sinh sống tại Việt Nam, không có giấy tờ, tài liệu chứng minh có quốc tịch Việt Nam và nước khác nhưng có cùng dòng máu về trực hệ với người đã từng có quốc tịch Việt Nam được xác định theo nguyên tắc huyết thống.

5. Tàng thư căn cước là hệ thống hồ sơ, tài liệu về căn cước, được phân loại, sắp xếp, lưu trữ, quản lý theo trình tự nhất định để tra cứu và khai thác thông tin.

6. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là cơ sở dữ liệu dùng chung, tập hợp thông tin của công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

7. Cơ sở dữ liệu căn cước là cơ sở dữ liệu chuyên ngành, tập hợp thông tin về căn cước của công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước về căn cước và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

8. Cơ sở dữ liệu chuyên ngành là tập hợp thông tin về một hoặc một số lĩnh vực quản lý nhất định của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được số hóa, chuẩn hóa, lưu trữ, quản lý bằng cơ sở hạ tầng thông tin để phục vụ quản lý nhà nước theo chuyên ngành và giao dịch của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

9. Cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước là tập hợp phần cứng, phần mềm và hệ quản trị cơ sở dữ liệu phục vụ cho việc sản xuất, thu thập, xử lý, lưu trữ, truyền đưa, trao đổi và chia sẻ thông tin về dân cư và căn cước.

10. Cơ quan quản lý căn cước là cơ quan được Bộ Công an giao thực hiện nhiệm vụ quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

11. Thẻ căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của công dân Việt Nam, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

12. Giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật này.

13. Danh tính điện tử của công dân Việt Nam (sau đây gọi là danh tính điện tử) là một số thông tin sau đây của công dân trong Cơ sở dữ liệu căn cước cho phép xác định duy nhất người đó trên môi trường điện tử thông qua hệ thống định danh và xác thực điện tử và để tạo lập căn cước điện tử:

a) Số định danh cá nhân;

b) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

c) Ngày, tháng, năm sinh;

d) Giới tính;

đ) Ảnh khuôn mặt;

e) Vân tay.

14. Hệ thống định danh và xác thực điện tử là hệ thống thông tin để thực hiện đăng ký, tạo lập, quản lý tài khoản định danh điện tử và thực hiện xác thực điện tử.

15. Định danh điện tử đối với công dân Việt Nam là hoạt động đăng ký, đối soát, gắn danh tính điện tử và cấp căn cước điện tử cho một công dân.

16. Xác thực điện tử đối với danh tính điện tử của công dân Việt Nam là hoạt động xác nhận, khẳng định tính chính xác của danh tính điện tử thông qua việc khai thác, đối chiếu thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước qua hệ thống định danh và xác thực điện tử.

17. Căn cước điện tử là căn cước của công dân Việt Nam được thể hiện thông qua tài khoản định danh điện tử do hệ thống định danh và xác thực điện tử tạo lập.

18. Ứng dụng định danh quốc gia là ứng dụng trên thiết bị số để phục vụ hoạt động định danh điện tử và xác thực điện tử trong giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công và các giao dịch khác trên môi trường điện tử, phát triển các tiện ích để phục vụ cơ quan, tổ chức, cá nhân.

19. Trung tâm dữ liệu quốc gia là nơi tập hợp, lưu trữ, xử lý, điều phối thông tin, dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin để cung cấp các ứng dụng liên quan đến dữ liệu và cơ sở hạ tầng thông tin theo quy định của Chính phủ.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước

1. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

2. Bảo đảm công khai, minh bạch, bình đẳng, thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân.

3. Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân.

4. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời; quản lý tập trung, thống nhất, chặt chẽ, duy trì, kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng hiệu quả, lưu trữ lâu dài.

Điều 5. Quyền, nghĩa vụ của công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước

1. Công dân Việt Nam có quyền sau đây:

a) Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước;

c) Được xác lập số định danh cá nhân của công dân Việt Nam; được cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước theo quy định của Luật này; được xác nhận thông tin về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

d) Sử dụng thẻ căn cước, căn cước điện tử trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;

đ) Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

2. Người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có quyền sau đây:

a) Được bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật;

b) Yêu cầu cơ quan quản lý căn cước cập nhật, điều chỉnh thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước;

c) Được xác lập số định danh cá nhân của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch; được cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này;

d) Sử dụng giấy chứng nhận căn cước trong giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp;

đ) Khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

3. Công dân Việt Nam, người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch có nghĩa vụ sau đây:

a) Làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về căn cước; bảo quản thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước đã được cấp;

b) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình để cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, thẻ căn cước, căn cước điện tử theo quy định của pháp luật về căn cước;

c) Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu của mình đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước khi thực hiện giao dịch có liên quan và chịu trách nhiệm về tính đầy đủ, chính xác của thông tin, tài liệu;

d) Xuất trình thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước hoặc cung cấp số định danh cá nhân khi người có thẩm quyền yêu cầu theo quy định của pháp luật;

đ) Nộp thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cấp đổi, bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này.

4. Người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi được thực hiện quyền và nghĩa vụ quy định tại Điều này thông qua người đại diện hợp pháp của mình hoặc tự mình thực hiện khi được người đại diện hợp pháp đồng ý theo quy định của Bộ luật Dân sự.

Điều 6. Trách nhiệm của cơ quan quản lý căn cước

1. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước đầy đủ, chính xác, kịp thời.

2. Niêm yết công khai và hướng dẫn các thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước theo quy định của pháp luật.

3. Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

4. Cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu về người dân khi được cơ quan, tổ chức, cá nhân yêu cầu theo quy định của pháp luật.

5. Cấp, quản lý căn cước điện tử; cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của Luật này.

6. Quản lý về định danh và xác thực điện tử.

7. Giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về căn cước theo quy định của pháp luật.

Điều 7. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

2. Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

3. Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

4. Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

5. Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 của Luật này.

6. Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

7. Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.

8. Truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.

9. Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Chương II

CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ, CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC

Mục 1. CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ

Điều 8. Yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất tại cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm hoạt động ổn định, liên tục.

3. Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, thuận lợi cho việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh, khai thác, sử dụng.

4. Bảo đảm kết nối, chia sẻ với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác, trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

5. Bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

6. Bảo đảm lưu trữ đầy đủ thông tin của người dân trong các lần thu thập, cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.

Điều 9. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Họ, chữ đệm và tên khai sinh.

2. Tên gọi khác.

3. Số định danh cá nhân.

4. Ngày, tháng, năm sinh.

5. Giới tính.

6. Nơi sinh.

7. Nơi đăng ký khai sinh.

8. Quê quán.

9. Dân tộc.

10. Tôn giáo.

11. Quốc tịch.

12. Nhóm máu.

13. Số chứng minh nhân dân 09 số.

14. Ngày, tháng, năm cấp, nơi cấp, thời hạn sử dụng của thẻ căn cước, thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân 12 số đã được cấp.

15. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, con, người đại diện hợp pháp, người được đại diện.

16. Nơi thường trú.

17. Nơi tạm trú.

18. Nơi ở hiện tại.

19. Tình trạng khai báo tạm vắng.

20. Số hồ sơ cư trú.

21. Tình trạng hôn nhân.

22. Mối quan hệ với chủ hộ.

23. Họ, chữ đệm và tên, số định danh cá nhân, số chứng minh nhân dân 09 số của chủ hộ và các thành viên hộ gia đình.

24. Ngày, tháng, năm chết hoặc mất tích.

25. Số thuê bao di động, địa chỉ thư điện tử.

26. Thông tin khác theo quy định của Chính phủ.

Điều 10. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Thông tin quy định tại Điều 9 của Luật này được thu thập, cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư từ tàng thư do lực lượng Công an nhân dân quản lý và Cơ sở dữ liệu căn cước, Cơ sở dữ liệu về cư trú, Cơ sở dữ liệu hộ tịch và cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác, cơ sở dữ liệu khác theo quy định của pháp luật.

2. Trường hợp thông tin quy định tại các khoản 1, 4, 5, 7, 8, 9 và 11 Điều 9 của Luật này chưa có hoặc chưa đầy đủ thì cơ quan quản lý căn cước yêu cầu người dân cung cấp.

3. Cơ quan quản lý căn cước phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan kiểm tra thông tin khi thu thập, cập nhật, điều chỉnh để bảo đảm tính chính xác, thống nhất.

4. Hệ thống cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư được Nhà nước bảo vệ theo quy định của pháp luật về bảo vệ công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, pháp luật về an ninh mạng và pháp luật về an toàn thông tin mạng.

5. Phương thức khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư bao gồm:

a) Kết nối, chia sẻ trực tiếp giữa cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, cơ sở dữ liệu khác, trung tâm dữ liệu quốc gia với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư hoặc theo các phương thức khác của Khung kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam;

b) Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công Bộ Công an;

c) Văn bản cung cấp thông tin;

d) Ứng dụng định danh quốc gia;

đ) Nền tảng định danh và xác thực điện tử;

e) Phương thức khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

6. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó.

7. Cá nhân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

8. Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại khoản 6 và khoản 7 Điều này khi khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước và cá nhân là chủ thể của thông tin được khai thác. Trường hợp khai thác thông tin của người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước và một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định tại khoản 9 Điều này.

9. Người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi khai thác thông tin của mình thông qua người đại diện hợp pháp.

Việc khai thác thông tin của người bị tuyên bố mất tích do người đại diện hợp pháp của người đó quyết định.

Việc khai thác thông tin của người đã chết do người được xác định là người thừa kế của người đó quyết định.

10. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là căn cứ để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra, thống nhất thông tin về cá nhân.

11. Chính phủ quy định chi tiết các khoản 1, 2, 3, 5 và 9 Điều này; quy định trình tự, thủ tục khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Điều 11. Mối quan hệ giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trung tâm dữ liệu quốc gia, cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính

1. Cơ quan, tổ chức quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khi có một trong các thông tin của cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải thực hiện kết nối, chia sẻ với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

2. Cơ quan quản lý căn cước chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư cho cơ quan, tổ chức quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao.

3. Cơ quan quản lý cổng dịch vụ công hoặc cơ quan quản lý hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính cấp Bộ, cấp tỉnh khi có kết quả giải quyết thủ tục hành chính đối với các thông tin quy định tại Điều 9 của Luật này có trách nhiệm chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước; cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đầy đủ, chính xác, kịp thời.

4. Trường hợp thông tin của cá nhân trong cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan hoặc cá nhân đó để kiểm tra các thông tin và cập nhật, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành bảo đảm chính xác, thống nhất.

5. Việc kết nối, chia sẻ, cập nhật, điều chỉnh, khai thác, sử dụng thông tin giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với trung tâm dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành của các cơ quan, tổ chức phải bảo đảm hiệu quả, an toàn, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 12. Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam

1. Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam là dãy số tự nhiên gồm 12 chữ số do Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư xác lập cho công dân Việt Nam.

2. Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam do Bộ Công an thống nhất quản lý trên toàn quốc và xác lập cho mỗi công dân Việt Nam, không lặp lại ở người khác.

3. Số định danh cá nhân của công dân Việt Nam dùng để cấp thẻ căn cước, khai thác thông tin về công dân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành, trung tâm dữ liệu quốc gia và cổng dịch vụ công, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính.

4. Chính phủ quy định việc xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân của công dân Việt Nam.

Điều 13. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc cung cấp, thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm sau đây:

a) Tuân thủ quy trình cung cấp, thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu;

b) Bảo đảm việc cung cấp, thu thập thông tin, tài liệu đầy đủ, chính xác, kịp thời;

c) Thông báo kịp thời thông tin của người dân khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác cho cơ quan quản lý căn cước.

2. Người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra thông tin, tài liệu của người dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật, điều chỉnh thông tin;

b) Giữ gìn, bảo vệ thông tin, tài liệu có liên quan; không được sửa chữa, tẩy xóa hoặc làm hư hỏng tài liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật, điều chỉnh.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức quản lý việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ thông tin, tài liệu;

b) Kiểm tra, chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ.

Mục 2. CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC

Điều 14. Yêu cầu xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu căn cước

1. Cơ sở dữ liệu căn cước được xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất tại cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an.

2. Cơ sở dữ liệu căn cước được xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật công nghệ thông tin, định mức kinh tế - kỹ thuật, bảo đảm kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hoạt động ổn định, liên tục.

3. Bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, bảo vệ dữ liệu cá nhân, thuận lợi cho việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh, khai thác, sử dụng.

4. Bảo đảm quyền khai thác thông tin của cơ quan, tổ chức, cá nhân theo quy định của pháp luật.

5. Bảo đảm việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh thông tin đầy đủ, chính xác, kịp thời; lưu trữ đầy đủ thông tin của người dân tại các lần thu thập, cập nhật, điều chỉnh trong cơ sở dữ liệu.

Điều 15. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước

1. Thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18, khoản 24 và khoản 25 Điều 9 của Luật này.

2. Thông tin nhân dạng.

3. Thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói.

4. Nghề nghiệp, trừ lực lượng Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, Cơ yếu.

5. Trạng thái của căn cước điện tử. Trạng thái của căn cước điện tử được thể hiện dưới hình thức khóa, mở khóa và các mức độ định danh điện tử.

Điều 16. Thu thập, cập nhật, điều chỉnh, quản lý, kết nối, chia sẻ, khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước

1. Thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước được thu thập, cập nhật, điều chỉnh từ các nguồn sau đây:

a) Từ việc kết nối, chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác;

b) Từ tàng thư căn cước; hồ sơ cấp, quản lý thẻ căn cước; hồ sơ cấp, quản lý giấy chứng nhận căn cước;

c) Từ cá nhân là chủ thể của thông tin, trừ trường hợp quy định tại điểm d khoản này;

d) Thông tin sinh trắc học về ADN và giọng nói được thu thập khi người dân tự nguyện cung cấp hoặc cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong quá trình giải quyết vụ việc theo chức năng, nhiệm vụ có thực hiện trưng cầu giám định hoặc thu thập được thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì chia sẻ cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh vào Cơ sở dữ liệu căn cước.

2. Chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định như sau:

a) Cơ sở dữ liệu căn cước được chia sẻ thông tin với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác do Bộ Công an quản lý để phục vụ công tác quản lý dân cư, quản lý căn cước và đấu tranh phòng, chống tội phạm;

b) Việc chia sẻ thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước với cơ sở dữ liệu khác ngoài cơ sở dữ liệu quy định tại điểm a khoản này thực hiện theo quy định của Chính phủ.

3. Khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước được quy định như sau:

a) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ thông qua việc chia sẻ thông tin quy định tại khoản 2 Điều này hoặc thông qua hình thức gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý căn cước;

b) Cá nhân được khai thác thông tin của mình trong Cơ sở dữ liệu căn cước thông qua hình thức gửi yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý căn cước;

c) Tổ chức và cá nhân không thuộc quy định tại điểm a và điểm b khoản này khi khai thác thông tin cá nhân trong Cơ sở dữ liệu căn cước phải gửi văn bản yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan quản lý căn cước và phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước, cá nhân là chủ thể của thông tin được khai thác. Trường hợp khai thác thông tin của người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi, người bị tuyên bố mất tích, người đã chết phải được sự đồng ý của cơ quan quản lý căn cước và một trong những người đại diện hợp pháp, người thừa kế theo quy định tại điểm d khoản này;

d) Người bị mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định của Bộ luật Dân sự, người dưới 14 tuổi khai thác thông tin của mình thông qua người đại diện hợp pháp.

Việc khai thác thông tin của người bị tuyên bố mất tích do người đại diện hợp pháp của người đó quyết định.

Việc khai thác thông tin của người đã chết do người được xác định là người thừa kế của người đó quyết định.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cho phép khai thác thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước.

5. Chính phủ quy định chi tiết khoản 1 và khoản 3 Điều này.

Điều 17. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong việc chia sẻ, cung cấp, cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu căn cước

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm sau đây:

a) Chia sẻ, cung cấp đầy đủ, chính xác, kịp thời thông tin, tài liệu theo quy định của Luật này;

b) Thông báo kịp thời thông tin, tài liệu về căn cước của người dân khi có sự thay đổi hoặc chưa chính xác cho cơ quan quản lý căn cước;

c) Cơ quan tiến hành tố tụng hình sự, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói của người dân thì phải chuyển cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật, điều chỉnh.

2. Người được giao nhiệm vụ cập nhật, điều chỉnh thông tin, tài liệu có trách nhiệm sau đây:

a) Kiểm tra thông tin, tài liệu của người dân; thường xuyên theo dõi, cập nhật, điều chỉnh thông tin;

b) Giữ gìn, bảo vệ thông tin, tài liệu có liên quan; không được sửa chữa, tẩy xóa hoặc làm hư hỏng tài liệu và chịu trách nhiệm về tính chính xác, đầy đủ của thông tin đã cập nhật, điều chỉnh.

3. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm sau đây:

a) Tổ chức quản lý việc thu thập, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ thông tin, tài liệu;

b) Kiểm tra, chịu trách nhiệm về thông tin, tài liệu đã cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ.

Chương III

THẺ CĂN CƯỚC, GIẤY CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC

Điều 18. Nội dung thể hiện trên thẻ căn cước

1. Thẻ căn cước có thông tin được in trên thẻ và bộ phận lưu trữ thông tin được mã hóa.

2. Thông tin được in trên thẻ căn cước bao gồm:

a) Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

c) Dòng chữ “CĂN CƯỚC”;

d) Ảnh khuôn mặt;

đ) Số định danh cá nhân;

e) Họ, chữ đệm và tên khai sinh;

g) Ngày, tháng, năm sinh;

h) Giới tính;

i) Nơi đăng ký khai sinh;

k) Quốc tịch;

l) Nơi cư trú;

m) Ngày, tháng, năm cấp thẻ; ngày, tháng, năm hết hạn sử dụng;

n) Nơi cấp: Bộ Công an.

3. Thông tin được mã hóa, lưu trữ trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước gồm thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của công dân, các thông tin quy định từ khoản 1 đến khoản 18 Điều 9, khoản 2 Điều 15 và khoản 2 Điều 22 của Luật này.

4. Bộ trưởng Bộ Công an quy định quy cách, ngôn ngữ khác, hình dáng, kích thước, chất liệu của thẻ căn cước; việc mã hóa thông tin trong bộ phận lưu trữ trên thẻ căn cước; nội dung thể hiện trên thẻ căn cước đối với thông tin về nơi cư trú và trường hợp không có hoặc không thu nhận được đầy đủ thông tin quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

Điều 19. Người được cấp thẻ căn cước

1. Người được cấp thẻ căn cước là công dân Việt Nam.

2. Công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước.

3. Công dân Việt Nam dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

Điều 20. Giá trị sử dụng của thẻ căn cước

1. Thẻ căn cước có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào thẻ căn cước của người được cấp thẻ để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác trên lãnh thổ Việt Nam.

2. Thẻ căn cước được sử dụng thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trong trường hợp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước ngoài ký kết điều ước hoặc thỏa thuận quốc tế cho phép người dân nước ký kết được sử dụng thẻ căn cước thay cho giấy tờ xuất nhập cảnh trên lãnh thổ của nhau.

3. Thẻ căn cước hoặc số định danh cá nhân được sử dụng để cơ quan, tổ chức, cá nhân kiểm tra thông tin của người được cấp thẻ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Trường hợp người được cấp thẻ căn cước phải xuất trình thẻ căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người được cấp thẻ xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được in, tích hợp vào thẻ căn cước; trường hợp thông tin đã thay đổi so với thông tin trên thẻ căn cước, người được cấp thẻ phải cung cấp giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh các thông tin đã thay đổi.

4. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được cấp thẻ căn cước theo quy định của pháp luật.

Điều 21. Độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước

1. Công dân Việt Nam đã được cấp thẻ căn cước phải thực hiện thủ tục cấp đổi thẻ căn cước khi đủ 14 tuổi, 25 tuổi, 40 tuổi và 60 tuổi.

2. Thẻ căn cước đã được cấp, cấp đổi, cấp lại trong thời hạn 02 năm trước độ tuổi cấp đổi thẻ căn cước quy định tại khoản 1 Điều này có giá trị sử dụng đến tuổi cấp đổi thẻ căn cước tiếp theo.

Điều 22. Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước và sử dụng, khai thác thông tin được tích hợp

1. Tích hợp thông tin vào thẻ căn cước là việc bổ sung vào bộ phận lưu trữ của thẻ căn cước những thông tin ngoài thông tin về căn cước và được mã hóa. Thông tin được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

2. Thông tin được tích hợp vào thẻ căn cước gồm thông tin thẻ bảo hiểm y tế, sổ bảo hiểm xã hội, giấy phép lái xe, giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn hoặc giấy tờ khác do Thủ tướng Chính phủ quyết định, trừ thông tin trên giấy tờ do Bộ Quốc phòng cấp.

3. Việc sử dụng thông tin đã được tích hợp vào thẻ căn cước có giá trị tương đương như việc cung cấp thông tin hoặc sử dụng giấy tờ có chứa thông tin đó trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác.

4. Người dân đề nghị tích hợp thông tin vào thẻ căn cước khi có nhu cầu hoặc khi thực hiện việc cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

5. Việc khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước được quy định như sau:

a) Sử dụng thiết bị chuyên dụng để khai thác thông tin tích hợp trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước;

b) Sử dụng thông tin trên thẻ căn cước qua thiết bị chuyên dụng để truy xuất, khai thác thông tin tích hợp qua Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và hệ thống định danh và xác thực điện tử;

c) Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội được khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước để thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao;

d) Tổ chức và cá nhân khai thác thông tin tích hợp được mã hóa trong thẻ căn cước của công dân khi được sự đồng ý của công dân đó.

6. Chính phủ quy định chi tiết Điều này; quy định trình tự, thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin trên thẻ căn cước.

Điều 23. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước

1. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người từ đủ 14 tuổi trở lên được thực hiện như sau:

a) Người tiếp nhận kiểm tra, đối chiếu thông tin của người cần cấp thẻ căn cước từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để xác định chính xác người cần cấp thẻ căn cước; trường hợp chưa có thông tin của người cần cấp thẻ căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì phải thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 10 của Luật này;

b) Người tiếp nhận thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học gồm ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt của người cần cấp thẻ căn cước;

c) Người cần cấp thẻ căn cước kiểm tra, ký vào phiếu thu nhận thông tin căn cước;

d) Người tiếp nhận cấp giấy hẹn trả thẻ căn cước;

đ) Trả thẻ căn cước theo địa điểm ghi trong giấy hẹn; trường hợp người cần cấp thẻ căn cước có yêu cầu trả thẻ căn cước tại địa điểm khác thì cơ quan quản lý căn cước trả thẻ căn cước tại địa điểm theo yêu cầu và người đó phải trả phí dịch vụ chuyển phát.

2. Người dưới 14 tuổi hoặc người đại diện hợp pháp của người dưới 14 tuổi được đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ căn cước. Trình tự, thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi được thực hiện như sau:

a) Người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước cho người dưới 06 tuổi thông qua cổng dịch vụ công hoặc ứng dụng định danh quốc gia. Trường hợp người dưới 06 tuổi chưa đăng ký khai sinh thì người đại diện hợp pháp thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thông qua các thủ tục liên thông với đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại cơ quan quản lý căn cước. Cơ quan quản lý căn cước không thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học đối với người dưới 06 tuổi;

b) Người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi cùng người đại diện hợp pháp đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận thông tin nhân dạng và thông tin sinh trắc học theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này.

Người đại diện hợp pháp của người từ đủ 06 tuổi đến dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước thay cho người đó.

3. Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi thì phải có người đại diện hợp pháp hỗ trợ làm thủ tục quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Trường hợp từ chối cấp thẻ căn cước thì cơ quan quản lý căn cước phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 24. Các trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

1. Các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước bao gồm:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này;

b) Thay đổi, cải chính thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh;

c) Thay đổi nhân dạng; bổ sung thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay; xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính theo quy định của pháp luật;

d) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước;

đ) Theo yêu cầu của người được cấp thẻ căn cước khi thông tin trên thẻ căn cước thay đổi do sắp xếp đơn vị hành chính;

e) Xác lập lại số định danh cá nhân;

g) Khi người được cấp thẻ căn cước có yêu cầu.

2. Các trường hợp cấp lại thẻ căn cước bao gồm:

a) Bị mất thẻ căn cước hoặc thẻ căn cước bị hư hỏng không sử dụng được, trừ trường hợp quy định tại Điều 21 của Luật này;

b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật về quốc tịch Việt Nam.

Điều 25. Trình tự, thủ tục cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

1. Trình tự, thủ tục cấp lại thẻ căn cước đối với trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 24 của Luật này và cấp đổi thẻ căn cước thực hiện theo quy định tại Điều 23 của Luật này.

2. Trường hợp cấp đổi thẻ căn cước do xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính hoặc thay đổi, cải chính thông tin quy định tại điểm b khoản 1 Điều 24 của Luật này mà thông tin đó chưa được cập nhật, điều chỉnh trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư thì người cần cấp thẻ căn cước phải xuất trình các giấy tờ, tài liệu có giá trị pháp lý chứng minh những thông tin đã thay đổi để thực hiện thủ tục cập nhật, điều chỉnh thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Cơ quan quản lý căn cước thu lại thẻ căn cước công dân, thẻ căn cước đã sử dụng đối với các trường hợp cấp đổi thẻ căn cước.

4. Việc cấp lại thẻ căn cước đối với trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 24 của Luật này được thực hiện trực tuyến trên cổng dịch vụ công, ứng dụng định danh quốc gia hoặc trực tiếp tại nơi làm thủ tục cấp thẻ căn cước. Cơ quan quản lý căn cước sử dụng thông tin về ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt đã được thu nhận lần gần nhất và các thông tin hiện có trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước để cấp lại thẻ căn cước.

5. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 26. Thời hạn cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định của Luật này, cơ quan quản lý căn cước phải cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Điều 27. Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

1. Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi công dân cư trú.

2. Cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an đối với những trường hợp do thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an quyết định.

3. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này tổ chức làm thủ tục cấp thẻ căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của công dân.

Điều 28. Thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước

Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước.

Điều 29. Thu hồi, giữ thẻ căn cước

1. Thẻ căn cước bị thu hồi trong trường hợp sau đây:

a) Công dân bị tước quốc tịch Việt Nam, được thôi quốc tịch Việt Nam, bị hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam;

b) Thẻ căn cước cấp sai quy định;

c) Thẻ căn cước đã tẩy xóa, sửa chữa.

2. Thẻ căn cước bị giữ trong trường hợp sau đây:

a) Người đang chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

b) Người đang bị tạm giữ, tạm giam, chấp hành án phạt tù.

3. Trong thời gian bị giữ thẻ căn cước, cơ quan giữ thẻ căn cước xem xét cho phép người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều này sử dụng thẻ căn cước của mình để thực hiện giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp.

4. Người bị giữ thẻ căn cước quy định tại khoản 2 Điều này được trả lại thẻ căn cước khi hết thời hạn tạm giữ, tạm giam hoặc có quyết định hủy bỏ việc tạm giữ, tạm giam; chấp hành xong án phạt tù, chấp hành xong biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; chấp hành xong quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc.

5. Thẩm quyền thu hồi, giữ thẻ căn cước được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý căn cước thực hiện thu hồi thẻ căn cước trong trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Cơ quan tiếp nhận, trả kết quả khi thực hiện thủ tục tước quốc tịch Việt Nam, cho thôi quốc tịch Việt Nam hoặc hủy bỏ quyết định cho nhập quốc tịch Việt Nam thì có trách nhiệm thu hồi để hủy thẻ căn cước của công dân và thông báo cho cơ quan quản lý căn cước;

c) Cơ quan thi hành quyết định tạm giữ, tạm giam; cơ quan thi hành án phạt tù; cơ quan thi hành biện pháp tư pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng; cơ quan thi hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc thực hiện giữ thẻ căn cước trong trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; quy định trình tự, thủ tục thu hồi, giữ, trả lại thẻ căn cước.

Điều 30. Giấy chứng nhận căn cước và quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước

1. Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

2. Nội dung quản lý về căn cước đối với người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch được cấp giấy chứng nhận căn cước bao gồm:

a) Thu thập thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch;

b) Cập nhật, điều chỉnh, khai thác, sử dụng thông tin về căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch đã được thu thập vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước;

c) Xác lập số định danh cá nhân cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch;

d) Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại giấy chứng nhận căn cước.

3. Thông tin được in trên giấy chứng nhận căn cước bao gồm:

a) Hình Quốc huy nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

b) Dòng chữ “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc”;

c) Dòng chữ “CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC”;

d) Ảnh khuôn mặt, vân tay;

đ) Số định danh cá nhân;

e) Họ, chữ đệm và tên;

g) Ngày, tháng, năm sinh;

h) Giới tính;

i) Nơi sinh;

k) Quê quán;

l) Dân tộc;

m) Tôn giáo;

n) Tình trạng hôn nhân;

o) Nơi ở hiện tại;

p) Họ, chữ đệm và tên, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng, người đại diện hợp pháp, người giám hộ, người được giám hộ;

q) Ngày, tháng, năm cấp, cơ quan cấp;

r) Thời hạn sử dụng.

4. Nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước được quy định như sau:

a) Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống;

b) Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại điểm a khoản này tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

5. Giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước được quy định như sau:

a) Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

c) Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

6. Chính phủ quy định chi tiết khoản 2 Điều này; quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi, giữ, trả lại và thời hạn sử dụng của giấy chứng nhận căn cước. Bộ trưởng Bộ Công an quy định mẫu giấy chứng nhận căn cước.

Chương IV

CẤP, QUẢN LÝ CĂN CƯỚC ĐIỆN TỬ

Điều 31. Căn cước điện tử

1. Mỗi công dân Việt Nam được cấp 01 căn cước điện tử.

2. Căn cước điện tử có danh tính điện tử và các thông tin sau đây:

a) Thông tin quy định từ khoản 6 đến khoản 18 và khoản 25 Điều 9, khoản 2 và khoản 4 Điều 15 của Luật này;

b) Thông tin quy định tại khoản 2 Điều 22 của Luật này được tích hợp theo đề nghị của công dân và phải được xác thực thông qua cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành.

3. Căn cước điện tử sử dụng để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền cấp căn cước điện tử.

5. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục cấp căn cước điện tử.

Điều 32. Kết nối, chia sẻ, khai thác, sử dụng thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử

1. Hệ thống thông tin của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công kết nối với hệ thống định danh và xác thực điện tử để khai thác thông tin của chủ thể danh tính điện tử phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công trên môi trường điện tử và các hoạt động quản lý nhà nước khác theo chức năng, nhiệm vụ được giao qua nền tảng định danh và xác thực điện tử.

2. Cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức cung cấp dịch vụ công khai thác thông tin trong hệ thống định danh và xác thực điện tử qua ứng dụng định danh quốc gia, trang thông tin định danh điện tử, thẻ căn cước bằng thiết bị, phần mềm đáp ứng yêu cầu kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Công an.

3. Chủ thể danh tính điện tử khai thác, chia sẻ thông tin danh tính điện tử và thông tin khác của mình đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử trên hệ thống định danh và xác thực điện tử với tổ chức, cá nhân khác qua ứng dụng định danh quốc gia hoặc hình thức khác theo quy định của pháp luật.

Điều 33. Giá trị sử dụng của căn cước điện tử

1. Căn cước điện tử có giá trị chứng minh về căn cước và thông tin khác đã được tích hợp vào căn cước điện tử của người được cấp căn cước điện tử để thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công, các giao dịch và hoạt động khác theo nhu cầu của công dân.

2. Trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, dịch vụ công, thực hiện các giao dịch và hoạt động khác, nếu phát hiện có sự khác nhau giữa thông tin in trên thẻ căn cước hoặc thông tin lưu trữ trong bộ phận lưu trữ được mã hóa của thẻ căn cước với thông tin trong căn cước điện tử thì cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin trong căn cước điện tử.

Điều 34. Khóa, mở khóa căn cước điện tử

1. Căn cước điện tử bị khóa trong các trường hợp sau đây:

a) Khi người được cấp căn cước điện tử yêu cầu khóa;

b) Khi người được cấp căn cước điện tử vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

c) Khi người được cấp căn cước điện tử bị thu hồi, bị giữ thẻ căn cước;

d) Khi người được cấp căn cước điện tử chết;

đ) Khi có yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền.

2. Căn cước điện tử được mở khóa trong các trường hợp sau đây:

a) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm a khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa;

b) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã khắc phục những vi phạm thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia;

c) Khi người được cấp căn cước điện tử quy định tại điểm c khoản 1 Điều này được trả lại thẻ căn cước;

d) Khi cơ quan tiến hành tố tụng hoặc cơ quan khác có thẩm quyền quy định tại điểm đ khoản 1 Điều này yêu cầu mở khóa.

3. Khi khóa căn cước điện tử đối với trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và đ khoản 1 Điều này, cơ quan quản lý căn cước phải thông báo ngay cho người bị khóa căn cước điện tử.

4. Thủ trưởng cơ quan quản lý căn cước của Bộ Công an có thẩm quyền khóa, mở khóa căn cước điện tử.

5. Chính phủ quy định trình tự, thủ tục khóa, mở khóa căn cước điện tử.

Chương V

BẢO ĐẢM ĐIỀU KIỆN CHO HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ CĂN CƯỚC, CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ, CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC, HỆ THỐNG ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ

Điều 35. Bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử

1. Cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước được phát triển, bảo đảm chất lượng, đồng bộ, đầy đủ, chính xác, kịp thời; được xây dựng và quản lý tập trung, thống nhất từ trung ương đến địa phương.

2. Nhà nước bảo đảm cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử phù hợp với yêu cầu bảo đảm quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều 36. Người làm công tác quản lý căn cước

1. Người làm công tác quản lý căn cước bao gồm người quản lý; người được giao nhiệm vụ thu thập, cập nhật, điều chỉnh, lưu trữ thông tin, tài liệu vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; người làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, cấp, khóa, mở khóa căn cước điện tử; người làm công tác định danh điện tử đối với công dân Việt Nam và xác thực điện tử đối với danh tính điện tử của công dân Việt Nam.

2. Người làm công tác quản lý căn cước được đào tạo, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

3. Người làm công tác quản lý căn cước chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh, an toàn và tính đầy đủ, chính xác của thông tin trong quản lý căn cước.

Điều 37. Bảo đảm kinh phí và cơ sở vật chất phục vụ hoạt động quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử

1. Nhà nước bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất cho hoạt động quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; xây dựng, quản lý, vận hành hệ thống định danh và xác thực điện tử.

2. Nhà nước ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực, công nghệ bảo đảm cho xây dựng và quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Nhà nước khuyến khích tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước tài trợ, hỗ trợ để xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; khuyến khích sử dụng phần mềm, thiết bị, giải pháp tích hợp là sản phẩm của nhiệm vụ khoa học và công nghệ do tổ chức, doanh nghiệp, công dân Việt Nam tự nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong việc xây dựng, quản lý, vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Điều 38. Phí khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và lệ phí cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước

1. Tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 8 Điều 10 của Luật này khi khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư phải nộp phí theo quy định của pháp luật về phí và lệ phí.

2. Công dân không phải nộp lệ phí khi được cấp thẻ căn cước lần đầu.

3. Công dân phải nộp lệ phí khi cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, trừ những trường hợp sau đây:

a) Cấp đổi thẻ căn cước theo quy định tại điểm a và điểm đ khoản 1 Điều 24 của Luật này;

b) Có sai sót về thông tin in trên thẻ căn cước do lỗi của cơ quan quản lý căn cước.

4. Không thu lệ phí đối với trường hợp cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

Điều 39. Bảo vệ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước

1. Cơ quan quản lý căn cước có trách nhiệm sau đây:

a) Ứng dụng công nghệ thông tin để nhập, xử lý và kết xuất thông tin về dân cư và căn cước bảo đảm an toàn dữ liệu theo đúng các nguyên tắc, định dạng các hệ quản trị cơ sở dữ liệu;

b) Bảo đảm an toàn các thiết bị thu thập, lưu trữ, truyền đưa, xử lý, trao đổi thông tin về dân cư và căn cước;

c) Bảo vệ dữ liệu cá nhân, an ninh thông tin về dân cư và căn cước trên mạng máy tính; bảo đảm an toàn thông tin lưu trữ trong cơ sở dữ liệu; phòng, chống các hành vi truy nhập, sử dụng trái phép, làm hư hỏng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

2. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước được lưu trữ trên thiết bị lưu trữ đã được thực hiện các biện pháp chống truy nhập trái phép thông qua hệ thống bảo mật của hệ quản trị cơ sở dữ liệu và hệ điều hành mạng.

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CĂN CƯỚC, CƠ SỞ DỮ LIỆU QUỐC GIA VỀ DÂN CƯ, CƠ SỞ DỮ LIỆU CĂN CƯỚC, ĐỊNH DANH VÀ XÁC THỰC ĐIỆN TỬ

Điều 40. Trách nhiệm quản lý nhà nước về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử.

2. Bộ Công an là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử.

Điều 41. Trách nhiệm của Bộ Công an

1. Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử.

2. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử.

3. Kiến nghị cấp có thẩm quyền bãi bỏ, đình chỉ việc thi hành hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử của cơ quan, tổ chức, cá nhân trái với quy định của Luật này.

4. Xây dựng, trình Chính phủ quy định về việc xác lập, hủy, xác lập lại số định danh cá nhân; cấp, quản lý tài khoản định danh điện tử, xác thực điện tử; sao lưu, phục hồi dữ liệu quốc gia về dân cư và căn cước.

5. Ban hành biểu mẫu dùng trong quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử; quy định về quản lý tàng thư căn cước; quy định về thỏa thuận sử dụng ứng dụng định danh quốc gia.

6. Tổ chức sản xuất, cấp, quản lý thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước, ứng dụng khoa học kỹ thuật bảo an, chống làm giả thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; bảo đảm cơ sở vật chất, trang thiết bị, công nghệ để sản xuất thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước.

7. Xây dựng, quản lý, bảo vệ, vận hành hệ thống định danh và xác thực điện tử; ứng dụng tài khoản định danh điện tử vào công tác quản lý nhà nước, cải cách hành chính, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.

8. Tổ chức xây dựng, quản lý, vận hành nền tảng định danh và xác thực điện tử; chủ trì, phối hợp với Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong liên thông các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ việc tích hợp thông tin, cấp tài khoản định danh điện tử.

9. Kết nối, tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử với nền tảng định danh và xác thực điện tử của cổng dịch vụ công phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định của pháp luật.

10. Quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ về quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

11. Trang bị phương tiện, đào tạo, huấn luyện người làm công tác quản lý căn cước.

12. Thống kê về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử.

13. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm về quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử theo quy định của pháp luật.

14. Hợp tác quốc tế về quản lý căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử.

Điều 42. Trách nhiệm của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ

1. Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp với Bộ Công an, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quản lý nhà nước, xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển, ứng dụng về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử;

b) Phối hợp với Bộ Công an trong thực hiện khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và tích hợp thông tin vào thẻ căn cước, căn cước điện tử.

2. Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện và cung cấp, chia sẻ thông tin về hộ tịch với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

3. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Công an trình cấp có thẩm quyền bố trí kinh phí thường xuyên cho hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; kinh phí bảo đảm cho việc sản xuất, cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước và quy định khác của pháp luật có liên quan.

4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Bộ Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền bố trí nguồn vốn đầu tư công để xây dựng cơ sở vật chất cho hoạt động của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử; bảo đảm cho việc sản xuất, cấp, cấp đổi, cấp lại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật về đầu tư công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Điều 43. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Triển khai, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử tại địa phương.

2. Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử tại địa phương.

3. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, kiểm tra và xử lý vi phạm pháp luật về căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, định danh và xác thực điện tử theo quy định của pháp luật.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 44. Sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 05/2022/QH15, Luật số 08/2022/QH15, Luật số 09/2022/QH15 và Luật số 20/2023/QH15

Thay thế cụm từ “kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử” bằng cụm từ “kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử” tại điểm 131 Phụ lục IV - Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện ban hành kèm theo Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 72/2020/QH14, Luật số 03/2022/QH15, Luật số 05/2022/QH15, Luật số 08/2022/QH15, Luật số 09/2022/QH15Luật số 20/2023/QH15.

Điều 45. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2024, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Quy định tại khoản 3 Điều 46 của Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 01 năm 2024.

3. Luật Căn cước công dân số 59/2014/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 68/2020/QH14 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

Điều 46. Quy định chuyển tiếp

1. Thẻ căn cước công dân đã được cấp trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành có giá trị sử dụng đến hết thời hạn được in trên thẻ, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này. Công dân khi có nhu cầu thì được cấp đổi sang thẻ căn cước.

2. Chứng minh nhân dân còn hạn sử dụng đến sau ngày 31 tháng 12 năm 2024 thì có giá trị sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2024. Các loại giấy tờ có giá trị pháp lý đã phát hành có sử dụng thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân được giữ nguyên giá trị sử dụng; cơ quan nhà nước không được yêu cầu công dân thay đổi, điều chỉnh thông tin về chứng minh nhân dân, căn cước công dân trong giấy tờ đã cấp.

3. Thẻ căn cước công dân, chứng minh nhân dân hết hạn sử dụng từ ngày 15 tháng 01 năm 2024 đến trước ngày 30 tháng 6 năm 2024 thì tiếp tục có giá trị sử dụng đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2024.

4. Quy định về việc sử dụng căn cước công dân, chứng minh nhân dân trong các văn bản quy phạm pháp luật ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành được áp dụng như đối với thẻ căn cước quy định tại Luật này cho đến khi văn bản quy phạm pháp luật đó được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế.

Luật này được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, kỳ họp thứ 6 thông qua ngày 27 tháng 11 năm 2023.



Epas: 180408

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Vương Đình Huệ

NATIONAL ASSEMBLY OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

Law No. 26/2023/QH15

Hanoi, November 27, 2023 

 

LAW

IDENTIFICATION

Pursuant to the Constitution of the Socialist Republic of Vietnam;  

The National Assembly promulgates the Law on Identification.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law provides for national population database and identification database; identity cards and electronic identification; identity certificates; rights, obligations and responsibilities of relevant agencies, organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



This Law applies to Vietnamese citizens; Vietnamese residents of undetermined nationality; relevant agencies, organizations and individuals.

Article 3. Definition of terms

In this Law, the terms below are construed as follows:

1. “Identification” means basic information about the personal record, identity and biometric identifiers of a person.

2. “Identity” means distinctive and stable characteristics of a person’s appearance that distinguish such person from another one.

3. “Biometric identifiers” mean biometric or biological characteristics that are distinctive and stable of a person, used to identify and distinguish such person from another one.

4. A “Vietnamese resident whose nationality has not yet been determined residing in Vietnam” (hereinafter referred to as “Vietnamese resident of undetermined nationality”) means a person who is residing in Vietnam without any documents proving that he/she has the nationality of Vietnam or another country but has a consanguineous relationship with a person who used to have the nationality of Vietnam determined by the consanguinity principle.

5. “Identification archive” means a system of dossiers and documents on identification which are managed, classified, arranged and stored in a certain order so as to serve information search and extraction.

6. “National population database” means a shared database which collects basic information about all Vietnamese citizens and Vietnamese residents of undetermined nationality, and is standardized, digitalized, stored and managed in an information infrastructure to serve state management affairs and transactions among agencies, organizations and individuals.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



8. “Specialized database” means a collection of information about one or several certain management field(s) of a Ministry, a ministerial agency, a Governmental agency, a provincial People’s Committee, a political organization, or a socio-political organization, which is digitalized, stored and managed in an information infrastructure to serve specialized state management and transactions among agencies, organizations and individuals.

9. “Information infrastructure” of the national population database and identification database means a collection of hardware, software and database management system, serving production, collection, processing, storage, transmission, exchange and sharing of information about population and identification.

10. “Identification-managing agency” means an agency assigned by the Ministry of Public Security to perform management of identification, the national population database, the identification database and the electronic identification and authentication system.

11. “Identity card (ID card)" means an identification document containing identification and other information integrated into the card of a Vietnamese citizen and issued by an identification-managing agency according to regulations of this Law.

12. “Identity certificate" means an identification document containing identification of a Vietnamese resident of undetermined nationality and issued by an identification-managing agency according to regulations of this Law.

13. “Electronic identity” means a collection of information of a Vietnamese citizen which is included in the identification database and used to electronically determine such citizen via the electronic identification and authentication system and make electronic identification. Such information contains:

a) Personal identification number;

b) Family name, middle name and first name;

c) Date of birth;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Portrait photo;

e) Fingerprints.

14. “Electronic identification and authentication system” means an information system used to register, create and manage eID accounts, and implement e-authentication.

15. “Electronic identification process” with regard to a Vietnamese citizen means an act of registering, verifying, binding an electronic identity and issuing an electronic identification to a citizen.

16. “Electronic authentication” with regard to electronic identity of a Vietnamese citizen means an act of confirming or asserting the accuracy of the electronic identity by extracting and comparing information in the national population database and the identification database via the electronic identification and authentication system.

17. “Electronic identification” means an identification of a Vietnamese citizen which is shown via an electronic identification account opened by the electronic identification and authentication system.

18. “National identification application” means a digital application which is used for electronic identification and authentication in online processing of administrative procedures, public services and other transactions and develop utilities in service of agencies, organizations and individuals.

19. “National data center” means a place where information and data from databases and information systems are collected, stored, processed and regulated in order to provide applications related to the database and information infrastructure under the Government's regulations.

Article 4. Principles of management of identification, the national population database and the identification database

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Being public, transparent, fair and convenient for agencies, organizations and individuals.

3. Ensuring information security and safety and protecting personal data.

4. Information and documents shall be collected and updated in a full, accurate and prompt manner; managed in a centralized, unified and close manner; and maintained, extracted and used efficiently and archived permanently.

Article 5. Rights and obligations of Vietnamese citizens and Vietnamese residents of undetermined nationality to identification, the national population database and the identification database

1. A Vietnamese citizen shall hold the following rights:

a) Have his/her personal data on the national population database and the identification database protected according to regulations of law;

b) Request the identification-managing agency to update and adjust his/her information on the national population database, the identification database, his/her ID card, electronic identification in accordance with the law on identification; 

c) Have person identification number assigned; have his/her ID card issued, renewed and re-issued in accordance with this Law; have information about identification and information on the national population database certified; 

d) Use his/her ID card, electronic identification for transactions and exercise of lawful rights and interests;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. A Vietnamese resident of undetermined nationality shall hold the following rights:

a) Have his/her personal data on the national population database and the identification database protected according to regulations of law;

b) Request an identification-managing agency to update and adjust his/her information on the national population database, the identification database, and his/her identity certificate in accordance with the law on identification; 

c) Have person identification number assigned; have his/her identity certificate issued, renewed and re-issued in accordance with this Law;

d) Use his/her identity certificate for transactions and exercise of lawful rights and interests;

dd) Extract his/her information in the national population database and the identification database.

3. A Vietnamese citizen or a Vietnamese resident of undetermined nationality shall have the following obligations:

a) Carry out procedures for issuance, renewal and reissuance of ID cards and certificates in accordance with this Law; preserve ID cards and certificates which have been issued;

b) Fully, accurately and promptly provide his/her personal information and documents to update and adjust them on the national population database, the identification database, his/her ID card and electronic identification in accordance with the law on identification;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Present his/her ID card/certificate or provide electronic identification or his/her personal identification number as required by a competent person according to regulations of law;

dd) Return his/her ID card/certificate to a competent agency in case of renewal, revocation or temporary seizure of such card/certificate according to regulations of law.

4. Incapacitated persons, persons having limited recognition or behavioral control as specified in Civil Code and persons under 14 years of age are entitled to exercise their rights and obligations as specified in this Article via their legal representatives or by themselves when they obtain consent from their legal representatives according to regulations of Civil Code.

Article 6. Responsibilities of identification-managing agencies

1. Accurately, fully and promptly collect, update and adjust information on the national population database and the identification database.

2. Publicly post and provide guidance on administrative procedures related to identification, the national population database and the identification database in accordance with regulations of law.

3. Ensure information safety and security and protect personal data on the national population database, the identification database and the electronic identification and authentication system.

4. Fully, accurately and promptly provide information and documents on citizens as required by agencies, organizations and individuals in accordance with the law.

5. Issue and manage electronic identification; issue, renew, reissue, revoke ID cards/certificates in accordance with this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



7. Settle complaints and denunciations and handle violations against regulations on identification in accordance with law.

Article 7. Prohibited acts

1. Issuing, renewing, re-issuing or revoking ID cards/certificates in violation of laws.

2. Seizing ID cards/certificates in violation of laws.

3. Causing harassment, troubles or discrimination when settling administrative procedures related to identification, the national population database and the identification database.

4. Falsifying books and dossiers on identification and information on the national population database and the identification database; failing to provide or insufficiently or inaccurately or illegally providing information and documents on identification or information on the national population database and the identification database.

5. Failing to carry out procedures for issuance of ID cards according to regulations of Clause 2 Article 19 of this Law.

6. Producing and putting tools, means or software into use or taking other actions that obstruct or disrupt operation of the information infrastructure of the national population database, the identification database and the electronic identification and authentication system.

7. Forging, modifying and intentionally falsifying contents of ID cards/certificates and electronic identification; appropriating or illegally using ID cards/certificates or electronic identification of other persons; renting, leasing, mortgaging, receiving as mortgage or destroying ID cards/certificates; or using ID cards/certificates and electronic identification which have been forged.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Extracting, sharing, purchasing, selling, exchanging, appropriating or illegally using information or data on the national population database, the identification database, and the electronic identification and authentication system.

Chapter II

NATIONAL POPULATION DATABASE AND IDENTIFICATION DATABASE

Section 1. NATIONAL POPULATION DATABASE

Article 8. Requirements for establishment and management of the national population database

1. The national population database shall be established and managed in a centralized and unified manner at the identification-managing agency of the Ministry of Public Security.

2. The national population database shall be established according to standards and technical regulations on information technology and socio-economic norms, thereby ensuring that the database operates stably and continuously.

3. Assuring information safety and security, protecting personal data and facilitating the collection, update, adjustment, extraction and use of information.

4. Connecting and sharing information or data with the national database, specialized database, other database, national data center, public service portal, and information system for handling administrative procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. Storing adequate information of citizens upon collecting, updating and adjusting it on the database.

Article 9. Information on the national population database

1. Family name, middle name and first name.

2. Other names.

3. Personal identification number.

4. Date of birth.

5. Gender.

6. Place of birth.

7. Place of birth registration.  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



9. Ethnic group.

10. Religion.

11. Nationality.

12. Blood group.

13. 9-digit ID card.

14. Date and place of issuance, date of expiry of the ID card, the citizen ID card, or the 12-digit ID card which has been issued.

15. Family name, middle name and first name, personal identification number, 09-digit ID card number, nationality of parents, spouses, children, legal representative(s) and the represented person.

16. Place of permanent residence.

17. Place of temporary residence.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



19. Declaration of temporary absence.

20. Residence document number.

21. Marital status.

22. Relationship with the household owner.

23. Family name, middle name and first name, personal identification number, 09-digit ID card number of the household owner and each member.

24. Date of death or going missing.

25. Phone number and email.

26. Other information as regulated by the Government.

Article 10. Collecting, updating, adjusting, managing, connecting, sharing and extracting information on the national population database

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If the information specified in Clauses 1, 4, 5, 7, 8, 9 and 11 Article 9 of this Law is unavailable or inadequate, the identification-managing agency shall request citizens to provide it.

3. The identification-managing agency shall connect with relevant agencies, organizations and individuals in inspecting information when collecting, updating, and adjusting it in order to ensure the accuracy and consistency.

4. The information infrastructure of the national population database shall be protected by the State in accordance with regulations of the law on protection of key works related to national security, the cybersecurity law and the law on cyberinformation security.

5. Methods of extracting information on the national population database include:

a) Direct connection and exchange between the national database, the specialized database, other database, the national data center and the national population database or other methods of the Vietnam’s E-Government Architecture Framework;

b) The national public service portal or the public service portal of the Ministry of Public Security;

c) Written information provision;

d) National identification application;

d) Electronic identification and authentication platform;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. State agencies, political organizations, and socio-political organizations are entitled to extract information on the national population database in conformity with their functions and tasks.

7. Individuals are entitled to extract their information on the national population database.

8. Organizations and individuals other than those specified in Clause 6 and Clause 7 of this Article shall obtain consent from the identification-managing agency and owners of personal information when extracting it on the national population database.  In case of extraction of information of incapacitated persons, persons with limited recognition and behavioral control as specified in Civil Code, persons under 14 years of age, and persons declared missing or dead, the consent from the identification-managing agency and one of the legal representatives or heirs shall be granted according to regulations in Clause 9 of this Article.

9. Incapacitated persons, persons having limited recognition or behavioral control as specified in Civil Code and persons under 14 years of age may extract their information via their legal representatives.

The extraction of information of persons declared missing shall be decided by their legal representatives.

The extraction of information of persons declared dead shall be decided by their heirs.

10. The information on the national population database is the basis for inspection and unification of personal information conducted by agencies, organizations and individuals.

11. The Government shall elaborate Clauses 1, 2, 3, 5 and 9 of this Article; and procedures for extracting information on the national population database.

Article 11. Relation between the national population database and the national database, specialized database, national data center, public service portal, and information system for handling administrative procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The identification-managing agency shall share information on the national population database with the agency or organization managing the national database and the specialized database in order to perform functions and tasks that have been assigned.

3. When obtaining results of handling of administrative procedures with regard to information specified in Article 9 of this Law, the agency managing the public service portal or information system for handling administrative procedures at ministerial or provincial level shall share such results with the identification-managing agency. The identification-managing agency shall be responsible for fully, accurately, and promptly updating and adjusting information on the national population database.

4. If the information of a person on the national database or the specialized database is not consistent with that on the national population database, the identification-managing agency shall connect with a relevant agency or that person in inspecting the information, and updating and adjusting it on the national population database, the national database or the specialized database, thereby ensuring the accuracy and consistency.

5. Connection, sharing, update, adjustment, extraction and use of pieces of information between the national population database and the national data center, the national database, the specialized database shall be effective, safe and suitable to functions, tasks, and entitlement of agencies and organizations that perform the above-mentioned actions according to regulation of this Law and relevant laws.

Article 12. Personal identification number of Vietnamese citizen

1. The personal identification number of a Vietnamese citizen is a numerical string including 12 digits, set up by the national population database and is granted to a Vietnamese citizen.

2. Personal identification numbers shall be uniformly managed nationwide by the Ministry of Public Security; each Vietnamese citizen shall be granted one number which is not identical to another’s number.

3. The personal identification number of a Vietnamese citizen is used to issue an ID card to such citizen and extract his/her information on the national population database, national database, specialized database, national data center, public service portal, and information system for handling administrative procedures.

4. The Government shall provide for establishment, cancellation and re-establishment of a personal identification number of a Vietnamese citizen.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Agencies, organizations and individuals shall:

a) Comply with the process of collection, provision, update and adjustment to information and documents;

b) Ensure sufficient, accurate and prompt collection and provision of information and documents;

c) Promptly notify citizen’s information upon occurrence of any change or inaccuracy to the identification-managing agency.

2. Persons assigned to collect, update and adjust information and documents shall:

a) Check information and documents on citizens; and regularly monitor, update and adjust information;

b) Preserve and keep relevant information and documents confidential; refrain from altering, erasing or damaging documents, and be responsible for the accuracy and sufficiency of updated and adjusted information.

3. The head of the identification-managing agency shall:

a) Organize management of collection, update, adjustment and storage of information and documents;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 2. IDENTIFICATION DATABASE

Article 14. Requirements for establishment and management of the identification database

1. The identification database shall be established and managed in a centralized and unified manner at the identification-managing agency of the Ministry of Public Security.

2. The identification database shall be established according to standards and technical regulations on information technology and socio-economic norms, thereby ensuring that the database is connected with the national population database and operates stably and continuously.

3. Ensuring information safety and security, protecting personal data and facilitating collection, update, adjustment, extraction and use of information.

4. Protecting agencies, organizations or individuals’ rights to extract information according to regulations of law.

5. Fully, accurately, and promptly collecting, updating and adjusting information; storing adequate information of citizens upon collecting, updating and adjusting it on the database.

Article 15. Information on the identification database

1. Information specified in Clause 1 through Clause 18, Clause 24 and Clause 25 of Article 9 of this Law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Biometric identifiers, including portrait pictures, fingerprints, irides, ADN, voice.

4. Occupations, except for People's Armed forces, People's Public Security forces, and ciphers.

5. E-identification status.  The e-identification status is the current level of e-identification.

Article 16. Collecting, updating, adjusting, managing, connecting, sharing and extracting information on the identification database

1. Information on the identification database is collected, updated, and adjusted from the following sources:

a) Information connection and exchange with the national population database, the national database and the specialized database;

b) Identification archive; dossiers on issuance and management of ID cards/certificates;

c) Persons who are information owners, except for the case specified in Point d of this Clause;

d) Biometrics identifiers that are ADN and voices voluntarily provided by each citizen or collected by the criminal proceedings agency or the supervisory agency of persons against whom administrative measures are taken during the performance of its functions and tasks, in which case these biometric identifiers will be shared with the identification-managing agency for update on the identification database.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Information on the identification database may be shared with the national population database and the specialized database managed by the Ministry of Public Security to serve management of population and identification, and prevention and control of crimes;

b) Sharing information on the identification database with a database other than those specified in Point a of this Clause shall comply with the Government’s regulations.

3. Information on the identification database shall be extracted as follows:

a) State agencies, political organizations, and socio-political organizations are entitled to extract information on the identification database to perform their functions and tasks by sharing information specified in Clause 2 this Article or sending written information requests to the identification-managing agency;

b) Individuals are entitled to extract their information on the identification database by sending written information requests to the identification-managing agency;

c) Organizations and individuals other than those specified in Point a and Point b of this Clause shall send written information requests to the identification-managing agency and obtain consent from the agency and owners of personal information when extracting it on the identification database.  In case of extraction of information of incapacitated persons, persons with limited recognition and behavioral control as specified in Civil Code, persons under 14 years of age, and persons declared missing or dead, the consent from the identification-managing agency and one of the legal representatives or heirs shall be granted according to regulations in Point d of this Clause.

d) Incapacitated persons, persons having limited recognition or behavioral control as specified in Civil Code and persons under 14 years of age may extract their information via their legal representatives.

The extraction of information of persons declared missing shall be decided by their legal representatives.

The extraction of information of persons declared dead shall be decided by their heirs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. The Government shall elaborate Clause 1 and Clause 3 of this Article.

Article 17. Responsibilities of relevant agencies, organizations and individuals for sharing, providing, updating and adjusting information and documents on the identification database.

1. Agencies, organizations and individuals shall:

a) Fully, accurately, and promptly share and provide information and documents according to regulations of this Law;

b) Promptly notify information and documents on identification of citizens upon occurrence of any change or inaccuracy to the identification-managing agency.

c) If the criminal proceedings agency or the supervisory agency of persons against whom administrative measures are taken has information about biometric identifiers, including ADN and voices, of any citizen, it shall transfer them to the identification-managing agency for update and adjustment.

2. Persons assigned to update and adjust information and documents shall:

a) Check information and documents on citizens; and regularly monitor, update and adjust information;

b) Preserve and keep relevant information and documents confidential; refrain from altering, erasing or damaging documents, and be responsible for the accuracy and sufficiency of updated and adjusted information.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Organize management of collection, update, adjustment and storage of information and documents;

b) Check and take responsibility for information and documents already updated, adjusted and stored.

Chapter III

IDENTITY CARDS AND CERTIFICATES

Article 18. Contents stated in ID cards

1. Each ID card has information printed on it and a place for storing encrypted information.

2. Information printed on an ID card includes:

a) A national emblem of the Socialist Republic of Vietnam;

b) A phrase “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” (THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM, Independence - Freedom - Happiness);

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



d) Portrait photo;

dd) Personal identification number;

e) Family name, middle name and first name;

g) Date of birth;

h) Gender;

i) Place of birth registration. 

k) Nationality;

l) Place of residence;

m) Date of issuance; date of expiry;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Information encrypted and stored in the storage place on an ID card includes a portrait photo, fingerprints, iris of a citizen and pieces of information specified in Clause 1 through Clause 18 Article 9, Clause 2 Article 15 and Clause 2 Article 22 of this Law.

4. The Minister of Public Security shall provide for specifications, other languages, form, size and material of ID cards; encryption of information stored on ID cards; information displayed on ID cards about places of residence and cases of failure to collect or fully collect information specified in Clause 2 and Clause 3 of this Article.  

Article 19. Persons eligible for issuance of ID cards

1. Persons eligible for issuance of ID cards are Vietnamese citizens.

2. Vietnamese citizens from 14 years of age shall carry out procedures for issuance of ID cards.

3. Vietnamese citizens under 14 years of age will be issued with ID cards if they have demands.

Article 20. Uses of ID cards

1. An ID card is used to prove identification and other information integrated into the card of a card holder for performance of administrative procedures, public services, transactions and other activities in the Vietnamese territory.

2. ID cards may be used instead of entry and exit documents in case Vietnam and a foreign country have signed a treaty or international agreement permitting citizens of the signatories to use their ID cards instead of entry and exit documents in each other’s territory.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



In case a card holder must present his/her ID card at the request of the competent agency, organization or individual, such agency/organization/individual must not request the card holder to present another document or provide information printed and integrated into the ID card; in case of any change to information on the ID card, the card holder must provide other legal documents proving the changed information.

4. The State shall protect legitimate rights and interests of holders of ID cards in accordance with regulations of law.

Article 21. Age eligible for replacement of ID cards

1. A Vietnamese citizen issued with an ID card shall carry out procedures for replacement of the card when he/she reaches from 14 years of age, 25 years of age, 40 years of age and 60 years of age.

2. An ID card which is issued, replaced or re-issued within 2 years before a citizen reaches the age specified in Clause 1 of this Article shall remain valid until he/she reaches the subsequent age eligible for card replacement.

Article 22. Integrating information into ID cards, and using and extracting integrated information

1. Integration of information into an ID card means an act of adding pieces of information different from the identification information and the encrypted information to the storage place of such ID card.  The information shall be integrated at the request of citizens and verified via the national database and specialized database.

2. Information integrated into an ID card of a citizen consists of information of his/her health insurance card, social insurance book, driver's license, birth certificate, marriage certificate or another document decided by the Prime Minister, except for information on documents issued by the Ministry of National Defense.

3. Information integrated into an ID card has the same validity as that of information provided or document containing such information when carrying out administrative procedures, public services, transactions and other activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



5. Extraction of information integrated and encrypted on an ID card is regulated as follows:

a) Using dedicated devices to extract information encrypted and integrated into a storage place of the ID card;

b) Using information on the ID card via dedicated devices to retrieve and extract the integrated information through the national population database and the electronic identification and authentication system.

c) State agencies, political organizations, and socio-political organizations are entitled to extract information encrypted and integrated into ID cards to perform their functions and tasks which have been assigned.

d) Organizations and individuals may extract information encrypted and integrated into ID cards of citizens if they obtain consent from such citizens.

6. The Government shall elaborate this Article; procedures for update and adjustment to information on ID cards.

Article 23. Procedures for issuance of ID cards

1. Procedures for issuance of an ID card to a Vietnamese citizen from 14 years of age shall be carried out as follows:

a) A recipient shall inspect and compare information of a person to be issued with an ID card from/to the national population database, the national database, and the specialized database in order to ensure the accuracy of information of such person; in case information of a person to be issued with an ID card on the national population database is unavailable, procedures for adjustment and update of information on the national population database shall be carried out according to regulations in Clauses 1,2 and 3 Article 10 of this Law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Each person to be issued with an ID card shall conduct inspection and signature on an ID information collection form;

d) The recipient shall issue a receipt stating the date of handover of the identity card to the citizen;

dd) The ID card shall be handed to the citizen at the place stated in the receipt; in case a citizen wishes to receive his/ her card at another place, the identification-managing agency shall hand the card to him/her at the place as requested by the citizen and he/she shall pay fees for delivery services.

2. A person under 14 years of age or his/her legal representative may request the identification-managing agency to issue an ID card.  Procedures for issuance of an ID card to a person under 14 years of age shall be carried out as follows:

a) The legal representative of a person under 06 years of age shall follow procedures for issuance of an ID card to such person via the public service portal or the national identification application.  If procedures for obtaining birth registration for a person under 06 years of age have yet to be conducted, his/her legal representative shall follow procedures for issuance of an ID card by those interconnected with birth registration on the public service portal, the national identification application or in person at the identification-managing agency.  The identification-managing agency does not collect and receive information about identity and biometric identifiers of persons under 06 years of age;

b) Persons from 06 to under 14 years of age accompanying their legal representatives shall come to the identification-managing agency to provide information about identity and biometric identifiers according to regulations in Point b Clause 1 of this Article.

The legal representative of a person from 06 to under 14 years of ages shall follow procedures for issuance of an ID card instead of that person.

3. Legal representatives of incapacitated persons and persons with limited recognition and behavioral control shall be appointed to assist such persons to follow procedures specified in Clause 1 of this Article.

4. In case refusal to issue ID cards, the identification-managing agency shall provide explanation in writing and clearly state reasons.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 24. Cases of replacement and re-issuance of identity cards

1. An ID card is replaced in the following cases:

a) Cases specified in Clause 1 Article 21 of this Law.

b) Information about family name, middle name, first name and date of birth is changed or corrected;

c) Identity information is changed; information about portrait photo and fingerprints is added; gender re-assignment or transition is carried out according to regulations of law;

d) There is incorrect information on the identity card;

dd) The card holder makes request when information on the ID card is changed due to arrangement of administrative units;

e) Personal identification number is reset up;

g) The card holder makes request.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) It is lost or damaged and unused, except for cases specified in Article 21 of this Law;

b) The card holder has Vietnamese nationality restored under the Law on Vietnamese Nationality.

Article 25. Procedures for replacement and re-issuance of identity cards

1. Procedures for re-issuance of ID cards for cases specified in Point b Clause 2 Article 24 of this Law and replacement of ID cards shall comply with regulations in Article 23 of this Law.

2. If an ID card is replaced in case of gender re-assignment or transition or change or correction of information specified in Point b Clause 1 Article 24 of this Law but such information has not yet been updated and adjusted on the national population database, a person to be issued with a new ID card shall present legal documents proving the changed information to carry out procedures for adjustment and update on the national population database.

3. The identification-managing agency shall revoke citizen ID cards and ID cards which have been used in cases of replacement of ID cards.

4. With regard to the case specified in Point a, Clause 2 Article 24 of this Law, an ID card shall be re-issued online on the public service portal, the national identification application or in person at the place of implementation of ID card issuance procedures.  The identification-managing agency shall use the most recently collected information about portrait photos, fingerprints and irides and existing information on the national population database and the identification database to re-issue ID cards.  

5. The Government shall elaborate this Article.

Article 26. Time limit for issuance, replacement and re-issuance of identity cards

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 27. Places where ID cards are issued, replaced or re-issued

1. Identification-managing agencies of police authorities of districts, urban districts, district-level towns, cities of provinces, cities of central-affiliated cities or identification-managing agencies of police authorities of provinces or central-affiliated cities where citizens are residing.

2. ID cards shall be issued, replaced or re-issued at the identification-managing agency of the Ministry of Public Security in cases where the head of the identification-managing agency decides issuance, replacement or re-issuance of ID cards.

3. If necessary, identification-managing agencies specified in Clause 1 and Clause 2 of this Article shall organize implementation of procedures for issuance of ID cards at communes, wards, district-level towns, agencies, units or places of residence of citizens.

Article 28. Authority to issue, replace and re-issue ID cards

The head of the identification-managing agency of the Ministry of Public Security has authority to issue, replace and re-issue ID cards.

Article 29. Revocation and seizure of ID cards

1. An ID card shall be revoked in the following cases:

a) Denaturalization or renunciation or annulment of the decision on naturalization of Vietnamese nationality;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Erasure or correction of information on the ID card.

2. An ID card shall be seized in the following cases:

a) A person is serving the judicial measure of education in a reformatory; a person is serving a decision to impose an administrative handling measure for sending him/her to a reformatory, a compulsory educational institution or a compulsory detoxification establishment;

b) A person is in custody or temporary detention, or is serving an imprisonment sentence.

3. In the period of seizure of an ID card, the card-seizing agency may consider giving permission for a citizen to use his/her card to carry out transactions and exercise his/her legitimate rights and interests.

4. A person whose ID card is seized according to Clause 2 of this Article may have his/her ID card returned upon the expiration of the custody or temporary detention period or when there is a decision on cancellation of custody or temporary detention; or after having completely served the imprisonment sentence, or the judicial measure of education in a reformatory or the decision to impose an administrative handling measure for sending him/her to a reformatory, a compulsory educational institution or a compulsory detoxification establishment.

5. Authority to revoke or seize ID cards is regulated as follows:

a) The identification-managing agency shall revoke ID cards in cases specified in Clause 1 of this Article;

b) The agency receiving documents and returning results when carrying out procedures for denaturalization or renunciation or annulment of the decision on naturalization of Vietnamese nationality shall be responsible for revoking ID cards of citizens for cancellation and notifying the identification-managing agency;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



6. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article; and procedures for revoking, seizing, and returning ID cards.

Article 30. Identity certificates and identification management with regard to Vietnamese residents of undetermined nationality issued with identity certificates

1. An ID certificate is issued to a Vietnamese resident of undetermined nationality who is residing for 06 months or longer in a commune-level or district-level administrative unit where the commune-level administrative unit is unavailable.

2. Management of identification of a Vietnamese resident of undetermined nationality issued with an ID certificate includes the following contents:

a) Collecting information about identification of the Vietnamese resident of undetermined nationality;

b) Updating, adjusting, extracting, and using information about identification of the Vietnamese resident of undetermined nationality on the national population database and the identification database;

c) Setting up a personal identification number for the Vietnamese resident of undetermined nationality;

d) Issuing, replacing, re-issuing, revoking, seizing, and returning the ID certificate.

3. Information printed on an ID certificate includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) A phrase “CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM, Độc lập - Tự do - Hạnh phúc” (THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM, Independence - Freedom - Happiness);

c) A phrase “CHỨNG NHẬN CĂN CƯỚC” (IDENTITY CERTIFICATE);

d) Portrait photo, fingerprints;

dd) Personal identification number;

e) Family name, middle name and first name;

g) Date of birth;

h) Gender;  

i) Place of birth;  

k) Place of origin;  

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



m) Religion;

n) Marital status.

o) Current place of residence;

p) Family name, middle name and first name, nationality of parents, spouses, legal representative, guardian, and ward;

q) Date of issuance; issuing body; 

r) Date of expiry.

4. Procedures for issuing, replacing and re-issuing ID certificates shall be carried out at the following agencies.

a) Identification-managing agencies of police authorities of districts, urban districts, district-level towns, cities of provinces, cities of central-affiliated cities or identification-managing agencies of police authorities of provinces, or central-affiliated cities where Vietnamese residents of undetermined nationality are residing;

b) If necessary, identification-managing agencies specified in Point a of this Clause shall organize implementation of procedures for issuance of ID certificates at communes, wards, district-level towns, agencies, units or places of residence of Vietnamese residents of undetermined nationality.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) An ID certificate is used to prove identification for performance of transactions and exercise of legitimate rights and interests in the Vietnamese territory

b) Agencies, organizations and individuals may use personal identification numbers on ID certificates to inspect information about the certificate holders on the national population database, the national database and the specialized database in accordance with law.

In case a Vietnamese resident of undetermined nationality must present his/her ID certificate at the request of the competent agency, organization or individual, such agency/organization/individual must not request him/her to present another document or provide information certified on the ID certificate, except for case where information about the person is changed or information on the ID certificate is not consistent with that on the national population database;

c) The State shall protect legitimate rights and interests of holders of ID certificates in accordance with law.

6. The Government shall elaborate Clause 2 of this Article; authority and procedures for issuing, replacing, re-issuing, revoking, seizing, and returning ID certificates and their date of expiry.  The Minister of Public Security shall set the form of each ID certificate.

Chapter IV

ISSUANCE AND MANAGEMENT OF ELECTRONIC IDENTIFICATION

Article 31. Electronic identification

1. Each Vietnamese citizen is issued with 01 electronic identification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Information specified in Clause 6 through Clause 18 and Clause 25 Article 9, Clauses 2 and 4 Article 15 of this Law;

b) Information specified in Clause 2 Article 22 of this Law which is integrated at the request of the citizen and must be certified by the national population database and the specialized database.

3. E-identification is used to conduct administrative procedures, public services, transactions and other activities according to the citizen’s demand.

4. The head of the identification-managing agency of the Ministry of Public Security has authority to issue e-identification.

5. The Government shall provide for procedures for issuing ID certificates.

Article 32. Connecting, sharing, extracting and using information on the electronic identification and authentication system

1. The information system of a State agency, a political organization, a socio-political organization or a public service provider shall be connected with the electronic identification and authentication system to extract information about the e-identity owner, thereby serving online processing of administrative procedures and public services and other state management activities in conformity with its functions and tasks which have been assigned via the electronic identification and authentication platform.

2. The State agency, political organization, socio-political organization or public service provider may extract information on the electronic identification and authentication system via the national identification application, the e-identity web, and ID cards by using devices and software which meet technical requirements according to regulations of the Minister of Public Security.

3. An e-identity owner may extract and share his/her e-identity and other information integrated into his/her e-identification account on the electronic identification and authentication system  with another organization/individual via the national identification application or other forms according to regulations of law.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. E-identification is used to prove identification and other information integrated into an ID card of a citizen issued with e-identification for implementation of administrative procedures, public services, transactions and other activities according to the citizen’s demand.

2. During processing of administrative procedures and public services and implementation of transactions and other activities, if it is detected that information printed on an ID card or information encrypted and stored on the storage place of the ID card is different from that on e-identification, the agency/organization/individual shall use information on the e-identification.

Article 34. Locking and unlocking e-identification

1. E-identification shall be locked in the following cases:

a) The person issued with e-identification wishes to lock it;

b) The person issued with e-identification violates an agreement on use of the national identification application;

c) The person issued with e-identification has his/her ID card revoked or seized;

d) The person issued with e-identification is dead;

dd) There is any request from the criminal proceedings agency or another competent agency.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) The person issued with e-identification specified in Point a Clause 1 of this Article wishes to unlock it;

b) The person issued with e-identification specified in Point b Clause 1 of this Article has completely implemented remedial measures for violations against the agreement on use of the national identification application;

c) The person issued with e-identification specified in Point c Clause 1 of this Article has his/her ID card returned;

d) There is any request from the criminal proceedings agency or another competent agency specified Point dd Clause 1 of this Article.

3. When locking e-identification in cases specified in Points a,b,c and dd Clause 1 of this Article, the identification-managing agency shall notify the person whose e-identification is locked.

4. The head of the identification-managing agency of the Ministry of Public Security has authority to lock and unlock e-identification.

5. The Government shall provide for procedures for locking and unlocking e-identification.

Chapter V

SATISFACTION OF CONDITIONS FOR MANAGEMENT OF IDENTIFICATION, NATIONAL POPULATION DATABASE, IDENTIFICATION DATABASE, AND ELECTRONIC IDENTIFICATION AND AUTHENTICATION SYSTEM

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Information infrastructure of the national population database and the identification database shall be developed in a qualified, synchronous, accurate and prompt manner; and built and managed in a centralized and unified manner from central to local levels.

2. The State shall ensure that information infrastructure of the national population database, the identification database or the electronic identification and authentication system meets requirements for national defense and security and socio-economic development.

Article 36. Persons managing identification

1. Persons managing identification include managers; persons assigned to collect, update, adjust, store information and documents on the national population database and the identification database; and persons carrying out procedures for issuance, replacement and re-issuance of ID cards/certificates, and procedures for issuing, locking and unlocking e-identification; persons carrying out e-identification process for each Vietnamese citizen and e-authentication process for each Vietnamese citizen’s e-identity.

2. Persons managing identification shall be provided with professional training in conformity with their assigned tasks and vested powers.

3. Persons managing identification shall be responsible for safety, security, sufficiency and accuracy of information on identification management.

Article 37. Satisfaction of requirements for funding and facilities which serve management of identification, national population database, identification database, and electronic identification and authentication system

1. The State shall allocate funding and provide facilities to serve management of identification, national population database and identification database, and establishment, management and operation of the electronic identification and authentication system.

2. The State shall prioritize investment in infrastructure, human resources and technology for the establishment and management of the national population database.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 38. Fees for extraction and use of information on the national population database and charges for issuance, replacement and re-issuance of ID cards/certificates

1. When extracting or using information on the national population database, organizations and individuals specified in Clause 8 Article 10 of this Law shall pay fees and charges.

2. Citizens are not required to pay fees for initial issuance of ID cards.

3. Citizens shall pay charges for replacement and re-issuance of ID cards, except for the following cases:

a) Replacement of ID cards under Point a and Point dd Clause 1 Article 24 of this Law.

b) Incorrect information on ID cards due to faults of the identification-managing agency.

4. It is not required to collect charges for issuance, replacement and re-issuance of ID certificates to Vietnamese residents of undetermined nationality.

Article 39. Protection of the national population database and the identification database

1. The identification-managing agency shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Ensure the safety of equipment for the collection, storage, transmission, processing and exchange of information about population and identification;

c) Protect personal data, and the security of information about population and identification in computer networks; ensure the safety of information stored in the database; prevent and control acts of illegally accessing and using or damaging the national population database and the identification database;

2. The national population database and the identification database shall be stored in servers with the application of measures to prevent illegal accession through a security system of the database administration system and network operating system.

Chapter VI

STATE MANAGEMENT OF IDENTIFICATION, NATIONAL POPULATION DATABASE, IDENTIFICATION DATABASE, ELECTRONIC IDENTIFICATION AND AUTHENTICATION SYSTEM

Article 40. State management responsibilities for identification, national population database, identification database, electronic identification and authentication system

1. The Government shall perform the unified state management of identification, the national population database, the identification database, and the electronic identification and authentication system.

2. The Ministry of Public Security shall play the leading role in assisting the Government to perform the state management of identification, the national population database, the identification database and the electronic identification and authentication system.

Article 41. Responsibilities of the Ministry of Public Security

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Organize dissemination and education about laws and execution of legal documents on identification, the national population database, the identification database and the electronic identification and authentication system.

3. Request competent authorities to terminate or annul execution of or annul, according to its competence, legal documents on identification, the national population database, the identification database and the electronic identification and authentication system of agencies/organizations/individuals in violation of this Law.

4. Make regulations on establishment, cancellation, and re-establishment of personal identification numbers and submit them to the Government; issue and manage electronic identification and authentication accounts; back up and restore the national population database and the identification database.

5. Issue forms used for management of identification, the national population database, the identification database and the electronic identification and authentication system; regulations on management of identification archives; and regulations on agreement on use of the national identification application.

6. Organize production, issuance and management of ID cards and certificates, and apply techniques to security and prevention and control of counterfeiting of ID cards and certificates; adequately provide facilities, equipment, and technology to produce ID cards and certificates.

7. Build, manage, protect, and operate the electronic identification and authentication system; apply electronic identification accounts to state management, administrative reform, and prevention and control of natural disasters and epidemics.

8. Organize construction, management and operation of the electronic identification and authentication platform; preside over and cooperate with ministries, ministerial agencies, and governmental agencies in interconnecting national and specialized databases in order to serve the integration of information and issuance of e-identification accounts.

9. Connect and integrate the electronic identification and authentication system with the electronic identification and authentication platform of the public service portal so as to handle administrative procedures and provide public services by electronic means in accordance with the law.

10. Manage the national population database, identification database, electronic identification and authentication system; give direction and professional guidance on management of the identification, national population database, identification database, electronic identification and authentication system.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



12. Make statistics of identification, the national population database, the identification database and the identification and authentication system.

13. Examine, inspect, settle complaints and denunciations, and handle violations related to management of identification, the national population database, the identification database, and the identification and authentication system in accordance with law. 

14. Make international cooperation in management of identification, the national population database, the identification database and the identification and authentication system.

Article 42. Responsibilities of ministries, ministerial agencies and governmental agencies

1. Ministries, ministerial agencies and governmental agencies, within their tasks and powers, shall:

a) Cooperate with the Ministry of Public Security and provincial People’s Committees in performing the state management and providing mechanisms and policies on development and application of identification, the national population database, the identification database and the identification and authentication system;

b) Cooperate with the Ministry of Public Security in extracting the national population database and integrating information into ID cards and e-identification.

2. The Ministry of Justice shall organize implementation and provide and share citizens’ civil status information with the national population database.

3. The Ministry of Finance shall preside over and cooperate with the Ministry of Public Security in, requesting competent authorities to allocate regular funding for operation of the national population database, the identification database and the identification and authentication system; and funding for the issuance, replacement and re-issuance of ID cards/certificates according to regulations of the law on state budget and other relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 43. Responsibilities of Provincial People’s Committees

1. Implement, or organize the implementation of, legal documents on identification, the national population database, the identification database and the identification and authentication system in their provinces.

2. Organize dissemination and education about the law on identification, the national population database, the identification database and the identification and authentication system in their provinces.

3. Within their tasks and powers, inspect and handle violations against the law on identification, the national population database, the identification database, and the identification and authentication system in accordance with law.

Chapter VII

IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 44. Amendments to the Law on Investment No. 61/2020/QH14 amended by the Law No. 72/2020/QH14, the Law No. 03/2022/QH15, the Law No. 05/2022/QH15, the Law No. 08/2022/QH15, the Law No. 09/2022/QH15 and the Law No. 20/2023/QH15

The phrase “kinh doanh dịch vụ định danh và xác thực điện tử” (electronic identification and authentication services) is replaced by the phrase “kinh doanh dịch vụ xác thực điện tử” (electronic authentication services) in Point 131 Appendix IV - List of conditional business lines issued together with the Law on Investment No. 61/2020/QH14 amended by the Law No. 72/2020/QH14, the Law No. 03/2022/QH15, the Law No. 05/2022/QH15, the Law No. 08/2022/QH15, the Law No. 09/2022/QH15 and the Law No. 20/2023/QH15.

Article 45. Entry into force

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Regulations in Clause 3 Article 46 of this Law come into force from January 15, 2024.

3. The Law on Citizen Identification No. 59/2014/QH13 amended by the Law No. 68/2020/QH14 ceases to be effective from the effective date of this Law.

Article 46. Transitional provisions

1. Citizen ID cards issued before the effective date hereof shall be valid until the expiry date specified in such cards, except for the case specified in Clause 3 of this Article.  The citizen ID cards will be replaced by ID cards at the request of citizens.

2. 9-digit ID cards with expiration dates after December 31, 2024 are only valid until the end of December 31, 2024. Issued legal documents which contain information of 9-digit ID cards and citizen ID cards shall remain valid; state agencies must not request citizens to change or adjust information of their 9-digit ID cards or citizen ID cards on the issued documents.

3. 9-digit ID cards and citizen ID cards that expire from January 15, 2024 to before June 30, 2024 may remain valid until the end of June 30, 2024.

4. Regulations on use of 9-digit ID cards and citizen ID cards in legal documents issued before the effective date of this Law may be applied to ID cards specified in this Law until they are amended or replaced.

This Law is approved in the 6th session of the 15th National Assembly of the Socialist Republic of Vietnam in November 27, 2023.

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



CHAIRMAN OF NATIONAL ASSEMBLY




Vuong Dinh Hue

 

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật Căn cước 2023

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


207.219

DMCA.com Protection Status
IP: 3.16.82.182
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!