Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 43/2023/NĐ-CP hướng dẫn Luật Thanh tra

Số hiệu: 43/2023/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Lê Minh Khái
Ngày ban hành: 30/06/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Những nội dung kết luận thanh tra phải được công khai

Ngày 30/6/2023, Chính phủ ban hành Nghị định 43/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra, trong đó quy định những nội dung kết luận thanh tra phải được công khai.

Những nội dung kết luận thanh tra phải được công khai

Theo đó, kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được không khai.

Hình thức công khai kết luận thanh tra

Việc đăng tải kết luận thanh tra trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

Ngoài việc công khai kết luận thanh tra theo định trên, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức sau:

- Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

- Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Thời gian thông báo trên báo in, báo nói, báo hình ít nhất là 02 lần liên tục, việc thông báo trên báo điện tử phải nói thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục;

- Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra đối thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

Căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra thực hiện kết luận thanh tra

Người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm tra khi có một trong các căn cứ sau đây:

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ theo yêu cầu của người theo dõi, đôn đốc;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được đôn đốc nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;

- Đối tượng có hành vi cản trở, tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, không hợp tác thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký, quyết định kiểm tra phải được gửi cho đối tượng kiểm tra. Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký quyết định kiểm tra, người có nhiệm vụ kiểm tra phải tiến hành kiểm tra.

Xem thêm nội dung chi tiết tại Nghị định 43/2023/NĐ-CP có hiệu lực ngày 15/8/2023.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

 

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 43/2023/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 6 năm 2023

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT MỘT SỐ ĐIỀU VÀ BIỆN PHÁP THI HÀNH LUẬT THANH TRA

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Thanh tra ngày 14 tháng 11 năm 2022;

Theo đề nghị của Tổng Thanh tra Chính phủ;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Thanh tra.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Nghị định này quy định chi tiết một số điều của Luật Thanh tra, bao gồm:

a) Điều 38 về Thanh tra viên;

b) Điều 56 về thanh tra lại;

c) Điều 60 về Đoàn thanh tra;

d) Điều 79 về công khai kết luận thanh tra;

đ) Điều 87 về trưng cầu giám định;

e) Điều 90 về yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra;

g) Điều 91 về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái pháp luật hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra;

h) Khoản 4 Điều 96 về thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra và kiến nghị, phản ánh về hoạt động thanh tra;

i) Điều 105 về theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra;

k) Khoản 3 Điều 106 về xử lý vi phạm trong thực hiện kết luận thanh tra.

2. Các biện pháp thi hành Luật Thanh tra, bao gồm: thẩm quyền, trình tự, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm Thanh tra viên; trang phục, thẻ thanh tra; chế độ, chính sách, phụ cấp và chế độ đặc thù đối với Thanh tra viên; tổ chức và hoạt động thanh tra nội bộ.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan quản lý nhà nước, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước; cơ quan thực hiện chức năng thanh tra, Thủ trưởng các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra; Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, Thanh tra viên; cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động thanh tra; Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập và người làm công tác thanh tra nội bộ.

Chương II

THANH TRA VIÊN

Mục 1. THANH TRA VIÊN VÀ TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ, SỬ DỤNG THANH TRA VIÊN

Điều 3. Thanh tra viên

1. Thanh tra viên là người được bổ nhiệm vào ngạch thanh tra viên để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động thanh tra theo quy định của pháp luật. Mã số ngạch công chức thanh tra bao gồm: Thanh tra viên cao cấp (mã số: 04.023), Thanh tra viên chính (mã số: 04.024), Thanh tra viên (mã số: 04.025).

2. Vị trí việc làm đối với Thanh tra viên do Tổng Thanh tra Chính phủ hướng dẫn cho các cơ quan thanh tra theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 9 Luật Thanh tra.

Điều 4. Trách nhiệm của Thanh tra viên

1. Thanh tra viên phải gương mẫu trong việc chấp hành pháp luật; có trách nhiệm học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ thanh tra.

2. Trong quá trình thanh tra, Thanh tra viên phải thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra; phải tuân thủ các quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước pháp luật về thực hiện nhiệm vụ được giao; chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn thanh tra, người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp về việc thực hiện nhiệm vụ được giao.

Điều 5. Trách nhiệm quản lý, sử dụng Thanh tra viên

Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có trách nhiệm quản lý, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện chế độ tiền lương và các chế độ, chính sách đãi ngộ, khen thưởng, kỷ luật đối với Thanh tra viên theo quy định của pháp luật.

Mục 2. BỔ NHIỆM, CHUYỂN NGẠCH THANH TRA VIÊN VÀ MIỄN NHIỆM THANH TRA VIÊN

Điều 6. Thẩm quyền bổ nhiệm các ngạch thanh tra

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh) bổ nhiệm ngạch Thanh tra viên, ngạch Thanh tra viên chính theo thẩm quyền.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định bổ nhiệm ngạch Thanh tra viên cao cấp sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Nội vụ.

Điều 7. Xét nâng ngạch Thanh tra viên

1. Thanh tra viên đáp ứng đủ tiêu chuẩn, điều kiện quy định tại các điều 39, 40 và 41 của Luật Thanh tra thì được xét nâng ngạch trong các trường hợp sau đây:

a) Có thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ trong thời gian giữ ngạch công chức hiện giữ, được cấp có thẩm quyền công nhận;

b) Được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý gắn với yêu cầu của vị trí việc làm.

2. Yêu cầu về thành tích xuất sắc trong hoạt động công vụ quy định tại điểm a khoản 1 Điều này bao gồm các danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo công trạng và thành tích đạt được trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ của công chức như sau:

a) Đối với nâng ngạch từ ngạch Thanh tra viên lên ngạch Thanh tra viên chính: được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Ba trở lên hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp bộ, ngành, tỉnh, đoàn thể trung ương;

b) Đối với nâng ngạch từ ngạch Thanh tra viên chính lên ngạch Thanh tra viên cao cấp: được khen thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất hoặc đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc.

3. Căn cứ vào vị trí việc làm, phù hợp với cơ cấu ngạch công chức của cơ quan sử dụng Thanh tra viên đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cơ quan sử dụng Thanh tra viên báo cáo cơ quan quản lý xem xét, quyết định theo thẩm quyền hoặc trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định việc xét nâng ngạch ngay sau khi Thanh tra viên đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 8. Bổ nhiệm các ngạch thanh tra theo thủ tục chuyển ngạch

1. Người đang công tác trong cơ quan thanh tra, có đủ điều kiện, tiêu chuẩn nghiệp vụ quy định các điều 39, 40 và 41 của Luật Thanh tra thì được xét chuyển ngạch để bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra, cụ thể như sau:

a) Trường hợp là chuyên viên hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên;

b) Trường hợp là chuyên viên chính hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên chính;

c) Trường hợp là chuyên viên cao cấp hoặc chức danh tương đương thì xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên cao cấp.

2. Việc xét chuyển ngạch và bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra phải thông qua Hội đồng xét chuyển ngạch.

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập Hội đồng xét chuyển ngạch vào các ngạch thanh tra đối với công chức thuộc phạm vi quản lý.

Hội đồng xét chuyển ngạch có 05 thành viên, làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết để quyết định theo đa số. Thành phần Hội đồng gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng: ở trung ương là lãnh đạo bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; ở địa phương là lãnh đạo Ủy ban nhân dân cấp tỉnh;

b) Ở trung ương, Phó Chủ tịch Hội đồng là Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ; ở địa phương, Phó Chủ tịch Hội đồng là Giám đốc Sở Nội vụ;

c) Ở trung ương, Ủy viên thường trực là Chánh Thanh tra Bộ, cơ quan ngang bộ (Thanh tra Bộ, cơ quan ngang bộ sau đây gọi chung là Thanh tra Bộ), cơ quan thuộc Chính phủ; ở địa phương, Ủy viên thường trực là Chánh Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sau đây gọi chung là Thanh tra tỉnh), Ủy viên thường trực có trách nhiệm chuẩn bị các thủ tục hồ sơ, tài liệu, để báo cáo Hội đồng xét chuyển ngạch thanh tra;

d) Các ủy viên khác tùy theo yêu cầu, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định cử đại diện lãnh đạo của cơ quan, đơn vị liên quan.

3. Hồ sơ đề nghị Hội đồng xét chuyển ngạch gồm:

a) Văn bản nhận xét quá trình công tác của công chức được đề nghị của cơ quan quản lý trực tiếp công chức;

b) Bản khai kết quả công tác; bản sao các văn bằng, chứng chỉ được cơ quan có thẩm quyền chứng thực;

c) Sơ yếu lý lịch theo quy định.

4. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên, ngạch Thanh tra viên chính gồm:

a) Hồ sơ cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Biên bản họp Hội đồng xét chuyển ngạch;

c) Văn bản của Hội đồng xét chuyển ngạch đề nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên, ngạch Thanh tra viên chính theo thẩm quyền.

5. Hồ sơ đề nghị bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên cao cấp gồm:

a) Hồ sơ cá nhân theo quy định tại khoản 3 Điều này;

b) Biên bản họp Hội đồng xét chuyển ngạch;

c) Văn bản đề nghị bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên cao cấp của Hội đồng xét chuyển ngạch;

d) Văn bản thống nhất của Bộ Nội vụ về việc bổ nhiệm Thanh tra viên cao cấp.

6. Thẩm quyền bổ nhiệm vào các ngạch thanh tra thực hiện theo quy định tại Điều 6 Nghị định này.

Điều 9. Điều kiện dự thi nâng ngạch Thanh tra viên

1. Yêu cầu đối với Thanh tra viên dự thi nâng ngạch lên Thanh tra viên chính:

a) Được xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên trong năm công tác liền kề trước năm dự thi nâng ngạch; có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt; không trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật theo quy định của Luật Cán bộ, công chức;

b) Có năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để đảm nhận vị trí việc làm tương ứng với ngạch công chức cao hơn ngạch công chức hiện giữ;

c) Có thời gian công tác ở ngạch Thanh tra viên và tương đương tối thiểu từ 09 năm trở lên, trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và đang giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch Thanh tra viên chính chuyển sang cơ quan thanh tra. Trường hợp có thời gian tương đương với ngạch Thanh tra viên thì thời gian giữ ngạch Thanh tra viên tối thiểu là 01 năm (đủ 12 tháng);

d) Trong thời gian giữ ngạch Thanh tra viên và tương đương đã tham gia xây dựng, thẩm định ít nhất 01 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học từ cấp cơ sở trở lên mà cơ quan sử dụng, quản lý Thanh tra viên được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu;

đ) Có bằng đại học trở lên; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên chính; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên chính hoặc có bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính;

e) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 3 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

2. Yêu cầu đối với Thanh tra viên chính dự thi nâng ngạch lên Thanh tra viên cao cấp:

a) Đáp ứng điều kiện, tiêu chuẩn tại điểm a, điểm b khoản 1 Điều này;

b) Có thời gian công tác ở ngạch Thanh tra viên chính và tương đương tối thiểu là 06 năm, trừ trường hợp là cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu công tác ở cơ quan, tổ chức, đơn vị khác và đang giữ ngạch công chức, viên chức, cấp hàm tương đương ngạch Thanh tra viên cao cấp chuyển sang cơ quan thanh tra;

c) Trong thời gian giữ ngạch Thanh tra viên chính và tương đương đã chủ trì xây dựng, thẩm định ít nhất 02 văn bản quy phạm pháp luật hoặc đề tài, đề án, dự án, chương trình nghiên cứu khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, ngành hoặc cấp tỉnh mà cơ quan sử dụng Thanh tra viên chính được giao chủ trì nghiên cứu, xây dựng đã được cấp có thẩm quyền ban hành hoặc nghiệm thu;

d) Có bằng đại học trở lên; có bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị hoặc bằng cao cấp lý luận chính trị - hành chính; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ Thanh tra viên cao cấp; có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước theo tiêu chuẩn ngạch chuyên viên cao cấp;

đ) Có kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin cơ bản, sử dụng ngoại ngữ ở trình độ tương đương bậc 4 khung năng lực ngoại ngữ Việt Nam hoặc sử dụng được tiếng dân tộc thiểu số đối với công chức công tác ở vùng dân tộc thiểu số theo yêu cầu của vị trí việc làm.

Điều 10. Bổ nhiệm vào ngạch thanh tra khi trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch

1. Công chức là Thanh tra viên, Thanh tra viên chính đủ điều kiện, tiêu chuẩn được Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cử đi dự thi nâng ngạch, nếu trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch thì được xem xét bổ nhiệm vào ngạch tương ứng.

2. Thẩm quyền bổ nhiệm vào ngạch Thanh tra viên chính, ngạch Thanh tra viên cao cấp cho Thanh tra viên, Thanh tra viên chính trúng tuyển kỳ thi nâng ngạch thực hiện theo quy định tại Điều 6 của Nghị định này.

Điều 11. Bổ nhiệm sĩ quan trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu vào các ngạch thanh tra

1. Sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân công tác trong các cơ quan Thanh tra Quốc phòng, Thanh tra Công an, người làm công tác cơ yếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn của các ngạch thanh tra theo quy định tại các Điều 39, 40 và 41 của Luật Thanh tra thì được xem xét, bổ nhiệm vào ngạch thanh tra tương ứng theo điều kiện, tiêu chuẩn và nhu cầu vị trí công tác.

2. Hội đồng xét bổ nhiệm sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu vào các ngạch thanh tra do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an thành lập.

Hội đồng xét bổ nhiệm có 05 thành viên, làm việc theo nguyên tắc tập thể, biểu quyết để quyết định theo đa số. Thành phần Hội đồng gồm:

a) Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo bộ;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Thủ trưởng cơ quan phụ trách công tác cán bộ thuộc bộ;

c) Ủy viên thường trực Hội đồng là Chánh Thanh tra bộ. Ủy viên thường trực có trách nhiệm chuẩn bị các thủ tục hồ sơ, tài liệu, để báo cáo Hội đồng xét chuyển ngạch thanh tra;

d) Các ủy viên khác tùy theo yêu cầu, Bộ trưởng quyết định cử đại diện lãnh đạo của cơ quan, đơn vị liên quan.

3. Hồ sơ xét bổ nhiệm sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thực hiện theo quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 8 Nghị định này.

4. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an bổ nhiệm sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu vào các ngạch thanh tra.

Điều 12. Miễn nhiệm đối với Thanh tra viên

1. Miễn nhiệm đối với Thanh tra viên được thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Luật Thanh tra.

2. Cấp có thẩm quyền bổ nhiệm ngạch Thanh tra nào thì có thẩm quyền miễn nhiệm đối với ngạch thanh tra đó.

3. Trình tự, thủ tục miễn nhiệm Thanh tra viên:

a) Thủ trưởng cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý Thanh tra viên có đề nghị bằng văn bản về việc miễn nhiệm Thanh tra viên;

b) Cơ quan, đơn vị, bộ phận, người được giao phụ trách công tác tổ chức cán bộ, theo phân cấp quản lý cán bộ dự thảo quyết định miễn nhiệm và thu thập các tài liệu liên quan, trình cấp có thẩm quyền ra quyết định miễn nhiệm;

c) Cơ quan, đơn vị, bộ phận, người được giao phụ trách công tác tổ chức cán bộ thông báo quyết định miễn nhiệm, thu hồi thẻ thanh tra và các trang thiết bị khác phục vụ cho công tác thanh tra.

Mục 3. TRANG PHỤC, THẺ THANH TRA VÀ CHẾ ĐỘ, CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THANH TRA VIÊN

Điều 13. Trang phục thanh tra

1. Thanh tra viên được cấp trang phục thanh tra, bao gồm: quần áo thu đông, áo măng tô, áo sơ mi dài tay, quần áo xuân hè, mũ, thắt lưng da, giầy da, dép quai hậu, bít tất, cà vạt, cặp tài liệu, mũ kêpi, biển hiệu, cầu vai, cấp hàm.

2. Trang phục của Thanh tra viên là sĩ quan Quân đội nhân dân, sĩ quan Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.

3. Thanh tra viên có trách nhiệm bảo quản, sử dụng trang phục thanh tra theo quy định của pháp luật.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ quy định cụ thể về chế độ cấp trang phục thanh tra cho Thanh tra viên thuộc các cơ quan thanh tra.

5. Tổng Thanh tra Chính phủ quy định mẫu trang phục, việc quản lý, sử dụng trang phục thanh tra của Thanh tra viên thuộc các cơ quan thanh tra.

Điều 14. Thẻ thanh tra

1. Thanh tra viên được cấp thẻ thanh tra để sử dụng khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra. Thẻ thanh tra được cấp sau khi có quyết định bổ nhiệm vào ngạch thanh tra. Thẻ thanh tra phải bị thu hồi khi miễn nhiệm chức danh Thanh tra viên.

Tổng Thanh tra Chính phủ quy định mẫu thẻ thanh tra, việc cấp và chế độ quản lý, sử dụng thẻ thanh tra. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quản lý và cấp thẻ thanh tra cho các ngạch thanh tra viên thuộc quyền quản lý của mình.

2. Thanh tra viên có trách nhiệm bảo quản, sử dụng thể thanh tra khi thi hành nhiệm vụ. Nghiêm cấm sử dụng thẻ thanh tra vào mục đích cá nhân. Trường hợp Thanh tra viên sử dụng thẻ thực hiện hành vi trái pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 15. Kinh phí may, sắm trang phục thanh tra, thẻ thanh tra

1. Kinh phí may, sắm trang phục thanh tra, thẻ thanh tra cho Thanh tra viên thuộc cơ quan thanh tra cấp nào thì do ngân sách nhà nước cấp đó bảo đảm. Đối với cơ quan thuộc Chính phủ thì thực hiện theo cơ chế tài chính của cơ quan đó theo quy định của pháp luật.

2. Các cơ quan thanh tra căn cứ vào đối tượng được cấp thẻ thanh tra, trang phục thanh tra, số lượng chủng loại trang phục thanh tra đến niên hạn theo quy định để lập dự toán kinh phí gửi cơ quan tài chính cùng cấp để tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, cấp kinh phí cho việc may, sắm trang phục thanh tra và được giao cùng với giao dự toán chi ngân sách hàng năm. Kinh phí may, sắm trang phục thanh tra, làm thẻ thanh tra được cấp ngoài định mức khoán chi hành chính theo biên chế.

Điều 16. Chế độ, chính sách đối với Thanh tra viên

1. Chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề đối với Thanh tra viên:

a) Tổng Thanh tra Chính phủ, Phó Tổng thanh tra Chính phủ, Thanh tra viên cao cấp được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 15% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

b) Thanh tra viên chính được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 20% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);

c) Thanh tra viên được hưởng phụ cấp trách nhiệm theo nghề Thanh tra bằng 25% mức lương cơ bản hiện hưởng cộng với phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có).

2. Ngoài quy định tại khoản 1 Điều này, Thanh tra viên là công chức được hưởng các quyền lợi như cán bộ, công chức khác theo quy định của Luật Cán bộ, công chức; được hưởng lương, phụ cấp thâm niên nghề và các chế độ, chính sách đặc thù khác theo quy định của pháp luật.

3. Thanh tra viên là sĩ quan trong Quân đội nhân dân, Công an nhân dân, người làm công tác cơ yếu được hưởng chế độ theo quy định đối với lực lượng vũ trang và chế độ phụ cấp trách nhiệm theo nghề thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 17. Đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra

Thanh tra Chính phủ quy định nội dung, chương trình, phương thức, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng các ngạch thanh tra viên; chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra.

Chương III

THANH TRA LẠI

Điều 18. Thẩm quyền thanh tra lại

1. Tổng Thanh tra Chính phủ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Bộ, cơ quan thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra tỉnh khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

2. Chánh Thanh tra Bộ quyết định thanh tra lại vụ việc đã có kết luận của Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục và tương đương, của cơ quan khác thuộc bộ được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành; vụ việc đã có kết luận của Thanh tra sở thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

3. Chánh Thanh tra tỉnh quyết định thanh tra lại vụ việc thanh tra hành chính đã có kết luận của Thanh tra sở, Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Thanh tra huyện) khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Điều 19. Căn cứ thanh tra lại

Căn cứ thanh tra lại theo quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Thanh tra, cụ thể như sau:

1. Có vi phạm nghiêm trọng về trình tự, thủ tục trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra bao gồm: không xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo; không thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra; không kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu; không có báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra.

2. Có sai lầm trong việc áp dụng pháp luật khi kết luận thanh tra bao gồm: áp dụng không đúng quy phạm của pháp luật hoặc áp dụng văn bản pháp luật đã hết hiệu lực dẫn đến sai lệch về nội dung của kết luận thanh tra.

3. Nội dung trong kết luận thanh tra không phù hợp với những chứng cứ thu thập được trong quá trình tiến hành thanh tra dẫn đến việc đánh giá không đúng, tăng nặng, giảm nhẹ hoặc bỏ qua hành vi vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra hoặc kiến nghị xử lý không phù hợp với tính chất, mức độ của hành vi vi phạm đã được phát hiện.

4. Người tiến hành thanh tra cố ý làm sai lệch hồ sơ vụ việc là hành vi thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy hoặc làm hư hỏng các thông tin, tài liệu, chứng cứ của cuộc thanh tra hoặc bằng các thủ đoạn khác nhằm làm sai lệch nội dung hồ sơ vụ việc.

5. Cơ quan thanh tra cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền khác phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật của đối tượng thanh tra nhưng chưa được phát hiện đầy đủ qua thanh tra theo nội dung ghi trong quyết định thanh tra, kế hoạch tiến hành thanh tra của Đoàn thanh tra trước đó.

Điều 20. Thời hạn thanh tra lại

1. Cuộc thanh tra do Thanh tra Chính phủ tiến hành không quá 45 ngày.

2. Cuộc thanh tra do Thanh tra Bộ, Thanh tra tỉnh tiến hành không quá 30 ngày.

Điều 21. Trình tự, thủ tục thanh tra lại

1. Trình tự, thủ tục tiến hành một cuộc thanh tra lại được quy định như sau:

a) Ban hành quyết định thanh tra;

b) Công bố quyết định thanh tra;

c) Xây dựng và gửi đề cương yêu cầu đối tượng thanh tra báo cáo;

d) Thu thập thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra;

đ) Kiểm tra, xác minh thông tin, tài liệu;

e) Báo cáo kết quả thanh tra;

g) Xây dựng dự thảo kết luận thanh tra;

h) Ban hành kết luận thanh tra;

i) Công khai kết luận thanh tra.

2. Việc thực hiện trình tự, thủ tục tiến hành thanh tra lại quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định tại các mục 2, 3 và 4 của Chương IV Luật Thanh tra.

Điều 22. Quyết định thanh tra lại

1. Quyết định thanh tra lại bao gồm các nội dung sau đây:

a) Căn cứ ra quyết định thanh tra lại;

b) Phạm vi, nội dung, đối tượng thanh tra lại;

c) Thời hạn thanh tra lại;

d) Thành lập Đoàn thanh tra lại, bao gồm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu có), thành viên khác của Đoàn thanh tra.

2. Chậm nhất là 05 ngày, kể từ ngày ký quyết định thanh tra lại, người có thẩm quyền quyết định thanh tra lại phải gửi quyết định thanh tra lại cho người đã ký kết luận thanh tra và đối tượng thanh tra lại.

Quyết định thanh tra lại phải được công bố chậm nhất là 15 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 23. Nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra lại

Khi tiến hành thanh tra lại, người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại các Điều 80, 81 và 82 của Luật Thanh tra và theo quy định của Nghị định này.

Điều 24. Nội dung của kết luận thanh tra lại

1. Kết luận thanh tra lại bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Kết luận về nội dung được thanh tra lại;

b) Đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, việc tuân thủ các quy định của pháp luật về thanh tra đối với cơ quan thanh tra, người tiến hành thanh tra trước đó;

c) Xác định rõ tính chất, mức độ, hậu quả của hành vi vi phạm; nguyên nhân, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật (nếu có);

d) Biện pháp xử lý theo thẩm quyền và kiến nghị giải pháp, biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả (nếu có) để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của đối tượng thanh tra, của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

đ) Hạn chế, bất cập của cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật có liên quan và kiến nghị khắc phục (nếu có).

2. Kết luận thanh tra lại có hiệu lực thi hành và thay thế kết luận thanh tra trước đó đối với nội dung được thanh tra lại; cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm thi hành kết luận thanh tra lại.

Chương IV

ĐOÀN THANH TRA

Điều 25. Thành phần Đoàn thanh tra

1. Đoàn thanh tra có Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra (nếu cần thiết), thành viên của Đoàn thanh tra.

2. Phó Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm giúp Trưởng đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ được giao, phụ trách một số hoạt động của Đoàn thanh tra khi được Trưởng đoàn thanh tra giao. Thành viên Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn thanh tra.

Điều 26. Trách nhiệm của người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo Đoàn thanh tra, giám sát hoạt động Đoàn thanh tra bảo đảm cuộc thanh tra được thực hiện đúng pháp luật, đúng mục đích, yêu cầu, tiến độ, thời hạn cuộc thanh tra; giải quyết kịp thời các phản ánh, kiến nghị của Đoàn thanh tra và các tố cáo, kiến nghị, phản ánh, liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm đề xuất người tham gia Đoàn thanh tra; giám sát các thành viên Đoàn thanh tra thuộc cơ quan, đơn vị mình; thực hiện các nhiệm vụ khác khi được người ra quyết định thanh tra giao.

3. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo các thành viên Đoàn thanh tra thực hiện đúng nội dung, tiến độ thanh tra theo quyết định thanh tra và kế hoạch tiến hành thanh tra; thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo yêu cầu của người ra quyết định thanh tra; ghi sổ nhật ký Đoàn thanh tra; chịu trách nhiệm trước người ra quyết định thanh tra về hoạt động của Đoàn thanh tra.

Điều 27. Đề xuất người tham gia Đoàn thanh tra

1. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm đề xuất người có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu của cuộc thanh tra làm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra và số lượng người tham gia Đoàn thanh tra để người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

2. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra trao đổi, thống nhất với người được dự kiến làm Trưởng đoàn thanh tra về những người được dự kiến là thành viên Đoàn thanh tra. Việc đề xuất Trưởng đoàn, thành viên Đoàn thanh tra phải được thông báo với đơn vị quản lý, sử dụng trực tiếp người được đề xuất, đơn vị phụ trách công tác tổ chức, cán bộ và người được dự kiến là thành viên Đoàn thanh tra.

Điều 28. Tiêu chuẩn Trưởng đoàn thanh tra

1. Tiêu chuẩn chung:

a) Có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan;

b) Có trình độ chuyên môn phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của cuộc thanh tra;

c) Am hiểu về nghiệp vụ thanh tra; có khả năng phân tích, đánh giá, tổng hợp những vấn đề liên quan đến nội dung, lĩnh vực được thanh tra;

d) Có khả năng tổ chức, điều hành, hướng dẫn các thành viên trong Đoàn thanh tra thực hiện nhiệm vụ thanh tra được giao.

2. Tiêu chuẩn cụ thể:

a) Đoàn thanh tra do Tổng Thanh tra Chính phủ thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên chính trở lên;

b) Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra Bộ, Chánh Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ, Chánh Thanh tra tỉnh thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên chính trở lên;

c) Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên trở lên;

d) Đoàn thanh tra do Chánh Thanh tra sở, Chánh thanh tra huyện thành lập thì Trưởng đoàn thanh tra phải từ Thanh tra viên trở lên.

Điều 29. Các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra

1. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được tham gia Đoàn thanh tra:

a) Người góp vốn vào doanh nghiệp, có cổ phần tại doanh nghiệp là đối tượng thanh tra, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, con, anh, chị, em ruột là người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu, người phụ trách công tác tổ chức nhân sự, kế toán, làm thủ quỹ, thủ kho trong cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra;

c) Người đang trong thời gian bị xem xét xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

d) Người bị xử lý kỷ luật hoặc xử lý hình sự mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích.

2. Người thuộc một trong các trường hợp sau đây không được làm Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra:

a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, c và d khoản 1 Điều này;

b) Người có vợ hoặc chồng, bố, mẹ đẻ, bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng, con, anh, chị, em ruột, hoặc anh, chị, em ruột của vợ hoặc chồng làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra.

3. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra có trách nhiệm kiểm tra, rà soát để phát hiện các trường hợp không được tham gia Đoàn thanh tra trước khi trình người ra quyết định thanh tra.

Người được dự kiến là Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì phải báo cáo Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao chủ trì cuộc thanh tra trước khi quyết định thanh tra được ban hành.

4. Trong quá trình tiến hành thanh tra, nếu phát hiện có người thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định việc thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra.

Trong quá trình thanh tra, nếu nhận thấy mình thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra phải báo cáo người ra quyết định thanh tra xem xét, quyết định.

Điều 30. Thay đổi thành viên Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra

1. Người ra quyết định thanh tra xem xét, thay đổi thành viên Đoàn thanh tra khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Có một trong các hành vi bị nghiêm cấm theo quy định tại Điều 8 của Luật Thanh tra;

b) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 29 của Nghị định này được phát hiện trong quá trình thanh tra;

c) Không chấp hành chế độ thông tin báo cáo, chỉ đạo, điều hành của Trưởng đoàn thanh tra;

d) Không hoàn thành nhiệm vụ được giao, không đủ sức khỏe hoặc vì lý do khách quan khác mà không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ thanh tra.

2. Người ra quyết định thanh tra xem xét, thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra khi thuộc một trong các trường hợp sau:

a) Thuộc một trong các trường hợp quy định tại điểm a và điểm d khoản 1 Điều này và khoản 2 Điều 29 Nghị định này;

b) Không chấp hành chế độ thông tin báo cáo, chỉ đạo, điều hành của người ra quyết định thanh tra;

c) Có căn cứ cho rằng không đủ năng lực để hoàn thành nhiệm vụ thanh tra;

d) Được giao nhiệm vụ khác theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Điều 31. Trình tự, thủ tục thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, bổ sung thành viên Đoàn thanh tra

1. Thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra

Người ra quyết định thanh tra căn cứ vào văn bản đề nghị và các thông tin khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra xem xét, ban hành quyết định thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra.

2. Thay đổi thành viên Đoàn thanh tra

Người ra quyết định thanh tra căn cứ vào văn bản đề nghị của Trưởng đoàn thanh tra, kết quả giám sát hoạt động của Đoàn thanh tra và các thông tin khác có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra ban hành quyết định thay đổi thành viên Đoàn thanh tra. Trong trường hợp không đồng ý thì người ra quyết định thanh tra trả lời cho người đề nghị và nêu rõ lý do.

3. Bổ sung thành viên Đoàn thanh tra

Khi xét thấy cần thiết, căn cứ vào yêu cầu thực hiện nhiệm vụ thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra trao đổi, thống nhất với Thủ trưởng cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng trực tiếp người được đề xuất bổ sung vào Đoàn thanh tra, có văn bản đề nghị và dự thảo quyết định bổ sung thành viên Đoàn thanh tra Trình người ra quyết định thanh tra. Văn bản đề nghị phải nêu rõ lý do, họ tên, chức danh của người được bổ sung. Trường hợp người ra quyết định thanh tra không đồng ý với đề nghị bổ sung thành viên Đoàn thanh tra thì trả lời cho người đề nghị và nêu rõ lý do.

4. Quyết định thay đổi Trưởng đoàn thanh tra, Phó Trưởng đoàn thanh tra, thành viên Đoàn thanh tra, bổ sung thành viên Đoàn thanh tra phải được gửi cho đối tượng thanh tra.

Điều 32. Sổ nhật ký Đoàn thanh tra

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm ghi Sổ nhật ký Đoàn thanh tra một cách chính xác, khách quan, trung thực những nội dung có liên quan đến hoạt động của Đoàn thanh tra diễn ra từ khi công bố quyết định thanh tra đến khi ban hành kết luận thanh tra. Sổ nhật ký Đoàn thanh tra được lưu trữ trong Hồ sơ thanh tra.

Trưởng Đoàn thanh tra có trách nhiệm quản lý Sổ nhật ký Đoàn thanh tra cùng với các tài liệu khác trong quá trình thanh tra.

2. Việc in, phát hành Sổ nhật ký Đoàn thanh tra được thực hiện như sau:

a) Thanh tra Chính phủ tổ chức việc in, phát hành Sổ nhật ký Đoàn thanh tra cho Thanh tra Chính phủ;

b) Thanh tra Bộ tổ chức việc in, phát hành Sổ nhật ký Đoàn thanh tra cho Thanh tra Bộ, Thanh tra Tổng cục, Thanh tra Cục và tương đương và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành thuộc quyền quản lý của bộ, ngành mình;

c) Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức việc in, phát hành Sổ nhật ký Đoàn thanh tra cho Thanh tra của cơ quan thuộc Chính phủ;

d) Thanh tra tỉnh tổ chức việc in, phát hành Sổ nhật ký Đoàn thanh tra cho Thanh tra tỉnh, Thanh tra sở, Thanh tra huyện thuộc quyền quản lý của địa phương mình.

3. Tổng Thanh tra Chính phủ quy định về mẫu Sổ nhật ký Đoàn thanh tra.

Điều 33. Tiêu chuẩn, chế độ, chính sách đối với người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra

1. Người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra là Thanh tra viên của cơ quan thanh tra cấp dưới hoặc công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và không thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 29 Nghị định này.

2. Người được trưng tập tham gia Đoàn thanh tra phải có phẩm chất đạo đức tốt, có ý thức trách nhiệm, liêm khiết, trung thực, công minh, khách quan, có chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ thanh tra của cơ quan trưng tập.

3. Trong thời gian tham gia Đoàn thanh tra, người được trưng tập được hưởng các chế độ, chính sách của công chức, viên chức theo quy định của pháp luật và được chi trả tiền công tác phí, bảo đảm các điều kiện, phương tiện làm việc và các quyền lợi khác của thành viên của Đoàn thanh tra.

4. Việc trưng tập người tham gia Đoàn thanh tra được thực hiện bằng văn bản. Nội dung văn bản trưng tập ghi rõ căn cứ, thời gian trưng tập, nhiệm vụ và chế độ, chính sách đối với người được trưng tập.

5. Khi kết thúc thời gian trưng tập, cơ quan trưng tập có văn bản nhận xét về việc thực hiện nhiệm vụ của người được trưng tập gửi cho Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý người được trưng tập.

Chương V

GIÁM ĐỊNH, PHONG TỎA TÀI KHOẢN, THU HỒI TÀI SẢN BỊ CHIẾM ĐOẠT, CHIẾM GIỮ, SỬ DỤNG TRÁI PHÉP HOẶC BỊ THẤT THOÁT TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Mục 1. GIÁM ĐỊNH TRONG HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Điều 34. Trưng cầu giám định

1. Khi xét thấy cần có sự đánh giá về nội dung liên quan đến chuyên môn, kỹ thuật làm căn cứ cho việc kết luận thì người ra quyết định thanh tra yêu cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn cùng cấp giám định về nội dung đó.

2. Cơ quan thực hiện chức năng thanh tra có văn bản yêu cầu cơ quan, tổ chức có chuyên môn thực hiện việc giám định trong đó nêu rõ nội dung cần giám định và thời hạn thực hiện giám định.

Điều 35. Cơ quan, tổ chức thực hiện giám định

Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc tương đương, các đơn vị sự nghiệp công lập hoặc tổ chức giám định ngoài công lập thực hiện việc giám định theo yêu cầu của các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra.

Điều 36. Quyền và nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định

1. Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám định có quyền:

a) Thành lập Hội đồng giám định gồm những người có trình độ chuyên môn phù hợp với nội dung được yêu cầu giám định;

b) Lựa chọn phương pháp cần thiết, phù hợp để tiến hành giám định theo nội dung được yêu cầu giám định;

c) Sử dụng kết quả giám định để đưa ra kết luận giám định;

d) Từ chối thực hiện giám định trong các trường hợp nội dung yêu cầu giám định không phù hợp với phạm vi chuyên môn hoặc không có đủ năng lực, điều kiện cần thiết cho việc thực hiện giám định; thời gian không đủ để thực hiện giám định; tính độc lập, khách quan của việc thực hiện giám định không được bảo đảm. Trường hợp từ chối giám định thì trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giám định, phải thông báo cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra yêu cầu giám định bằng văn bản và nêu rõ lý do;

đ) Được nhận thù lao giám định.

2. Cơ quan, tổ chức giám định có nghĩa vụ:

a) Thực hiện việc giám định theo đúng nội dung và thời gian theo yêu cầu giám định;

b) Chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, khách quan, kịp thời của kết quả giám định;

c) Không được thông báo kết quả giám định cho bên thứ ba.

Điều 37. Thời gian thực hiện giám định

1. Thời gian giám định do người ra quyết định thanh tra quyết định.

2. Trường hợp có vấn đề phát sinh hoặc có cơ sở cho rằng vụ việc giám định không thể hoàn thành đúng thời hạn thì cơ quan, tổ chức thực hiện giám định phải kịp thời thông báo bằng văn bản, nêu rõ lý do cho cơ quan thực hiện chức năng thanh tra và thời gian dự kiến hoàn thành, ra kết luận giám định.

Điều 38. Kết luận giám định

1. Kết luận giám định bao gồm các nội dung sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức thực hiện giám định;

b) Tên cơ quan yêu cầu giám định;

c) Thông tin xác định đối tượng giám định;

d) Thời gian nhận văn bản trưng cầu, yêu cầu giám định;

đ) Nội dung yêu cầu giám định;

e) Phương pháp thực hiện giám định;

g) Kết luận rõ ràng, cụ thể về nội dung chuyên môn của đối tượng cần giám định theo yêu cầu giám định;

h) Thời gian, địa điểm thực hiện, hoàn thành việc giám định.

2. Kết luận giám định là một trong những căn cứ để cơ quan thực hiện chức năng thanh tra kết luận về nội dung thanh tra.

Điều 39. Điều kiện đảm bảo thực hiện giám định trong hoạt động thanh tra

1. Hằng năm, các cơ quan thực hiện chức năng thanh tra lập dự toán kinh phí trưng cầu giám định.

2. Bộ Tài chính hướng dẫn về căn cứ xác định thù lao giám định và việc chi trả thù lao giám định.

3. Kinh phí trưng cầu giám định do cơ quan tiến hành thanh tra chi trả và được lấy từ nguồn ngân sách nhà nước. Trường hợp đối tượng thanh tra có sai phạm thì kinh phí giám định do đối tượng thanh tra chi trả, trừ trường hợp luật có quy định khác.

Mục 2. PHONG TỎA TÀI KHOẢN CỦA ĐỐI TƯỢNG THANH TRA

Điều 40. Căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản

1. Đối tượng thanh tra có dấu hiệu tẩu tán tài sản, bao gồm:

a) Thực hiện hoặc chuẩn bị thực hiện giao dịch chuyển tiền qua tài khoản khác với thông tin không rõ ràng về mục đích, nội dung, người nhận;

b) Có dấu hiệu chuyển dịch quyền sở hữu, quyền sử dụng, cho tặng, thế chấp, cầm cố, hủy hoại, thay đổi hiện trạng tài sản;

c) Có hành vi làm sai lệch hồ sơ, sổ sách kế toán dẫn đến thay đổi về tài sản.

2. Đối tượng thanh tra không thực hiện đúng thời gian giao nộp tiền, tài sản theo quyết định thu hồi tiền, tài sản của cơ quan thanh tra hoặc cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Điều 41. Quyền yêu cầu và trách nhiệm thực hiện việc phong toả tài khoản

1. Người ra quyết định thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra quyết định phong toả tài khoản của đối tượng thanh tra khi có căn cứ để yêu cầu phong tỏa tài khoản quy định tại Điều 40 Nghị định này để phục vụ cho hoạt động thanh tra. Quyết định phong tỏa tài khoản được gửi cho tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam (sau đây gọi chung là tổ chức tín dụng) nơi đối tượng thanh tra có tài khoản.

2. Tổ chức tín dụng, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thực hiện đầy đủ và kịp thời yêu cầu phong tỏa tài khoản của cơ quan thanh tra.

Điều 42. Trách nhiệm của các bên cung cấp thông tin phục vụ việc phong tỏa tài khoản

1. Các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm cung cấp thông tin tài khoản của đối tượng thanh tra tại các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật về thanh tra.

2. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm cung cấp thông tin liên quan đến tiền gửi và tài sản gửi của khách hàng theo quy định của pháp luật.

Điều 43. Thủ tục yêu cầu tổ chức tín dụng phong tỏa tài khoản

1. Người có thẩm quyền yêu cầu phong tỏa tài khoản gửi quyết định phong tỏa tài khoản cho tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản.

2. Quyết định phong tỏa tài khoản phải nêu rõ số tài khoản phong tỏa, mục đích phong tỏa; tên tài khoản bị phong tỏa; phạm vi phong tỏa; số tiền phong tỏa; thời điểm bắt đầu phong tỏa, thời gian phong tỏa; trách nhiệm thực hiện của tổ chức tín dụng và các thông tin khác (nếu có).

Điều 44. Trách nhiệm của tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản

1. Khi nhận được quyết định phong tỏa tài khoản của người có thẩm quyền, tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản có trách nhiệm thực hiện việc phong tỏa tài khoản theo quyết định phong tỏa tài khoản.

2. Tổ chức tín dụng có trách nhiệm thông báo cho chủ tài khoản bị phong tỏa về việc phong tỏa tài khoản.

Điều 45. Hủy quyết định phong tỏa tài khoản

1. Trong thời gian 03 ngày làm việc kể từ khi đối tượng thanh tra thực hiện đầy đủ quyết định thu hồi tiền, tài sản hoặc những căn cứ để ra quyết định phong tỏa tài khoản không còn nữa, người có thẩm quyền ra quyết định phong tỏa tài khoản có trách nhiệm hủy quyết định phong tỏa tài khoản. Quyết định hủy phong tỏa tài khoản phải được gửi tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản bị phong tỏa và đối tượng thanh tra.

2. Tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phải thực hiện hủy phong tỏa tài khoản ngay khi nhận được quyết định hủy phong tỏa tài khoản của người có thẩm quyền, đồng thời thông báo việc hủy quyết định phong tỏa tài khoản cho chủ tài khoản.

Mục 3. THU HỒI TÀI SẢN BỊ CHIẾM ĐOẠT, CHIẾM GIỮ, SỬ DỤNG TRÁI PHÉP HOẶC BỊ THẤT THOÁT DO HÀNH VI TRÁI PHÁP LUẬT GÂY RA

Điều 46. Thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra

1. Trong quá trình tiến hành thanh tra, người ra quyết định thanh tra quyết định hoặc yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định thu hồi ngay tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật của đối tượng thanh tra gây ra khi có bằng chứng, chứng cứ rõ ràng về hành vi vi phạm hoặc đối tượng thanh tra thừa nhận hành vi vi phạm của mình hoặc chủ động nộp lại tài sản đã chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép.

2. Việc xử lý tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật được xử lý như sau:

a) Đối với tài sản là tiền được chuyển vào tài khoản tạm giữ của cơ quan thanh tra;

b) Đối với tài sản là bất động sản thì yêu cầu, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi theo quy định của pháp luật có liên quan;

c) Đối với tài sản là động sản và giấy tờ có giá trị thì căn cứ vào tình hình thực tế, người ra quyết định thanh tra giao cơ quan, tổ chức có đủ điều kiện về cơ sở vật chất và chuyên môn nghiệp vụ để quản lý;

d) Đối với tài sản là hàng hóa có yêu cầu đặc biệt trong việc bảo quản thì giao cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện cơ sở vật chất và năng lực bảo quản hàng hóa có yêu cầu đặc biệt để quản lý.

3. Quyết định thu hồi được gửi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm quản lý tiền, tài sản đó theo quy định của pháp luật.

4. Kinh phí quản lý tài sản quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này do cơ quan thanh tra chi trả từ ngân sách nhà nước.

5. Đối tượng thanh tra có tài sản bị thu hồi được bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp đối với tài sản bị xử lý và có quyền khiếu nại quyết định thu hồi tài sản theo quy định của pháp luật.

Điều 47. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra

Cơ quan, tổ chức, cá nhân quản lý tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép có trách nhiệm chấp hành quyết định của người ra quyết định thanh tra về thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, chiếm giữ, sử dụng trái phép hoặc bị thất thoát do hành vi trái pháp luật gây ra.

Chương VI

CÔNG KHAI KẾT LUẬN THANH TRA, THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC, KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ VỀ THANH TRA

Mục 1. CÔNG KHAI KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 48. Những nội dung kết luận thanh tra phải được công khai

Kết luận thanh tra phải được công khai toàn văn, trừ những nội dung trong kết luận thanh tra thuộc bí mật nhà nước, bí mật ngân hàng, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật không được công khai.

Điều 49. Hình thức công khai kết luận thanh tra

1. Việc đăng tải kết luận thanh tra trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan thanh tra, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp phải được thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục.

2. Ngoài việc công khai kết luận thanh tra theo quy định tại khoản 1 Điều này, người ra kết luận thanh tra lựa chọn ít nhất một trong các hình thức sau:

a) Công bố tại cuộc họp với thành phần gồm người ra quyết định thanh tra hoặc người được ủy quyền, đại diện Đoàn thanh tra, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;

b) Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng (bao gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử). Thời gian thông báo trên báo in, báo nói, báo hình ít nhất là 02 lần liên tục; việc thông báo trên báo điện tử phải thực hiện ít nhất 15 ngày liên tục;

c) Việc niêm yết kết luận thanh tra tại trụ sở làm việc của cơ quan, tổ chức là đối tượng thanh tra do đối tượng thanh tra thực hiện. Thời gian niêm yết ít nhất là 15 ngày liên tục.

Mục 2. THEO DÕI, ĐÔN ĐỐC VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ VỀ THANH TRA

Điều 50. Mục đích theo dõi, đôn đốc

Việc theo dõi, đôn đốc nhằm giúp người ban hành kết luận thanh tra biết tiến độ, kết quả thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra, những khó khăn, vướng mắc để xử lý hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý.

Điều 51. Thẩm quyền theo dõi, đôn đốc

Thủ trưởng các cơ quan thanh tra được quy định tại khoản 2 Điều 105 Luật Thanh tra ban hành kết luận thanh tra có trách nhiệm tổ chức việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của mình và của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp.

Điều 52. Đối tượng theo dõi, đôn đốc

Đối tượng theo dõi, đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra là đối tượng thanh tra, cơ quan quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra.

Điều 53. Hình thức theo dõi, đôn đốc

1. Hoạt động theo dõi được thực hiện thông qua việc tổng hợp kết quả thực hiện, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra báo cáo về tình hình thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra và cung cấp tài liệu kiểm chứng.

2. Hoạt động đôn đốc được thực hiện bằng hình thức gửi văn bản đến với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 54. Nội dung theo dõi, đôn đốc

1. Nội dung theo dõi việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra

a) Việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị;

b) Tiến độ và kết quả thực hiện các nội dung trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra của đối tượng phải thực hiện;

c) Khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Nội dung đôn đốc việc thực hiện kết luận, quyết định xử lý về thanh tra

a) Các nội dung được quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Yêu cầu đối tượng báo cáo giải trình về việc chưa hoàn thành việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;

c) Yêu cầu đối tượng thực hiện các biện pháp cụ thể để hoàn thành thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra và báo cáo kết quả việc thực hiện các biện pháp đó.

Mục 3. KIỂM TRA THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA, QUYẾT ĐỊNH XỬ LÝ VỀ THANH TRA

Điều 55. Căn cứ kiểm tra, quyết định kiểm tra

1. Người ra quyết định thanh tra quyết định kiểm tra khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra không báo cáo hoặc báo cáo không đầy đủ theo yêu cầu của người theo dõi, đôn đốc;

b) Cơ quan, tổ chức, cá nhân đã được đôn đốc nhưng không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;

c) Đối tượng có hành vi cản trở, tẩu tán tài sản, tiêu hủy tài liệu, không hợp tác thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Quyết định kiểm tra bao gồm các nội dung sau đây:

a) Căn cứ ra quyết định kiểm tra;

b) Phạm vi, đối tượng, nội dung kiểm tra;

c) Thời hạn kiểm tra;

d) Người được giao nhiệm vụ kiểm tra.

3. Chậm nhất là 03 ngày kể từ ngày ký, quyết định kiểm tra phải được gửi cho đối tượng kiểm tra. Chậm nhất là 10 ngày kể từ ngày ký quyết định kiểm tra, người có nhiệm vụ kiểm tra phải tiến hành kiểm tra.

Điều 56. Thời hạn kiểm tra

Thời hạn kiểm tra tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày đối tượng kiểm tra nhận được quyết định kiểm tra.

Điều 57. Nội dung kiểm tra

1. Kết quả việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Khó khăn, vướng mắc và nguyên nhân khách quan, chủ quan của việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

3. Các hành vi vi phạm pháp luật của các bên liên quan trong việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 58. Báo cáo kết quả kiểm tra

1. Chậm nhất là 15 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc việc kiểm tra, người được giao nhiệm vụ kiểm tra có trách nhiệm báo cáo kết quả kiểm tra với Thủ trưởng cơ quan thanh tra.

2. Báo cáo kết quả kiểm tra bao gồm các nội dung sau đây:

a) Đánh giá tình hình, kết quả thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;

b) Xác định trách nhiệm của tập thể, cá nhân trong việc không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;

c) Kiến nghị việc xử lý người có hành vi vi phạm và các nội dung khác có liên quan trong thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;

d) Kiến nghị các biện pháp, giải pháp để thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra; kiến nghị việc thanh tra lại khi có căn cứ quy định tại Điều 19 Nghị định này; kiến nghị xem xét lại các kết luận, kiến nghị về thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

Điều 59. Xử lý kết quả kiểm tra

1. Căn cứ báo cáo kết quả kiểm tra, người ra quyết định thanh tra xử lý kết quả kiểm tra như sau:

a) Yêu cầu Thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra xử lý kỷ luật người có hành vi vi phạm;

b) Áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý các sai phạm về kinh tế;

c) Áp dụng theo thẩm quyền hoặc kiến nghị người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính;

d) Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét trách nhiệm người đứng đầu cơ quan quản lý trực tiếp của đối tượng khi không áp dụng các biện pháp theo thẩm quyền để buộc đối tượng thực hiện nghiêm chỉnh kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra;

đ) Kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét lại việc kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra; chuyển tin báo tội phạm hoặc kiến nghị khởi tố vụ án hình sự sang cơ quan điều tra nếu quá trình kiểm tra phát hiện dấu hiệu tội phạm của các cá nhân có trách nhiệm hoặc có liên quan đến việc thực hiện kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Trường hợp kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra không có khả năng để thực hiện thì báo cáo xin ý kiến Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước xem xét, quyết định.

Chương VII

GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA; GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ VỀ NỘI DUNG TRONG KẾT LUẬN THANH TRA

Mục 1. GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ, PHẢN ÁNH VỀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA

Điều 60. Thẩm quyền giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra

1. Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị, phản ánh về thời gian, nội dung, phương pháp làm việc của Đoàn thanh tra, Trưởng Đoàn thanh tra và thành viên đoàn thanh tra.

2. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết các kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra.

Điều 61. Trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị, phản ánh trong hoạt động thanh tra

1. Đối với kiến nghị, phản ánh về thời gian, nội dung, phương pháp làm việc của Đoàn thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra thì Trưởng đoàn thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến nghị, phản ánh.

2. Đối với kiến nghị, phản ánh về hành vi vi phạm pháp luật trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và các hành vi bị nghiêm cấm của Trưởng đoàn thanh tra và các thành viên khác của đoàn thanh tra thì cơ quan, tổ chức, cá nhân kiến nghị, phản ánh đến người ra quyết định thanh tra hoặc người thực hiện giám sát. Người ra quyết định thanh tra có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có kiến nghị, phản ánh. Trong trường hợp cần thiết, người ra quyết định thanh tra giao người giám sát hoặc đơn vị, cá nhân xác minh nội dung kiến nghị, phản ánh và thông báo kết quả giải quyết cho người có kiến nghị, phản ánh.

3. Thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh quy định tại khoản 1 Điều này là 05 ngày làm việc. Thời hạn giải quyết kiến nghị, phản ánh quy định tại khoản 2 Điều này là 15 ngày.

Mục 2. GIẢI QUYẾT KIẾN NGHỊ VỀ NỘI DUNG TRONG KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 62. Thẩm quyền giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra

1. Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra của đối tượng thanh tra và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến nội dung trong kết luận thanh tra.

2. Thủ trưởng cơ quan thanh tra có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Thanh tra trong quá trình xử lý kết luận thanh tra.

3. Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp trên có trách nhiệm tiếp nhận và xử lý kiến nghị của cơ quan tiến hành thanh tra trong quá trình xử lý kết luận thanh tra.

Điều 63. Trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra

1. Trình tự, thủ tục giải quyết kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra quy định tại khoản 1 Điều 62 Nghị định này như sau:

a) Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết luận thanh tra được công bố, đối tượng thanh tra, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có quyền gửi kiến nghị về nội dung trong kết luận thanh tra đến người ra quyết định thanh tra, Thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra;

b) Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được kiến nghị, Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra, Thủ trưởng cơ quan thanh tra phải xem xét, giải quyết và thông báo kết quả giải quyết cho tổ chức, cá nhân có kiến nghị.

2. Trường hợp yêu cầu, kiến nghị quy định tại Điều 62 Nghị định này có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 56 của Luật Thanh traĐiều 19 Nghị định này thì xử lý như sau:

a) Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp với cơ quan đã ban hành kết luận thanh tra yêu cầu hoặc kiến nghị cơ quan thanh tra có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra hoặc thanh tra lại;

b) Thủ trưởng cơ quan đã tiến hành thanh tra kiến nghị cơ quan thanh tra cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thanh tra lại.

Chương VIII

XỬ LÝ VI PHẠM TRONG VIỆC THỰC HIỆN KẾT LUẬN THANH TRA

Điều 64. Xử lý hành vi vi phạm của người thuộc cơ quan, tổ chức, đơn vị là đối tượng thanh tra; người thuộc cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan

1. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, người có hành vi vi phạm phải bị xử lý kỷ luật bằng một trong các hình thức khiển trách, cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm đối với cán bộ; khiển trách, cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với công chức; khiển trách, cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với viên chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật khi có hành vi sau:

a) Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra;

b) Không kiến nghị biện pháp xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có vi phạm trong việc thực hiện kết luận thanh tra;

c) Không thực hiện, thực hiện không đầy đủ, không kịp thời nghĩa vụ, trách nhiệm của mình được ghi trong kết luận thanh tra, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Người có hành vi vi phạm quy định tại một trong các điểm a, b hoặc c khoản 1 Điều này không phải là cán bộ, công chức, viên chức thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Xử lý hành vi vi phạm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra

Người đứng đầu cơ quan, tổ chức quản lý trực tiếp đối tượng thanh tra là cán bộ, công chức, viên chức mà có hành vi vi phạm thì bị xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:

1. Bị kỷ luật khiển trách khi có một trong các hành vi sau:

a) Không chỉ đạo thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra;

b) Không yêu cầu, kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền xử lý sai phạm hoặc thực hiện quyết định, yêu cầu, kiến nghị của người ban hành kết luận thanh tra;

c) Không theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kết luận thanh tra, văn bản chỉ đạo, yêu cầu, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

2. Người có hành vi vi phạm quy định tại một trong các điểm a, b hoặc c khoản 1 Điều này gây hậu quả nghiêm trọng thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng hình thức cảnh cáo, cách chức, bãi nhiệm đối với cán bộ; cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, buộc thôi việc đối với công chức; cảnh cáo, cách chức, buộc thôi việc đối với viên chức hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người có hành vi vi phạm quy định tại một trong các điểm a, b hoặc c của khoản 1 Điều này không phải là cán bộ, công chức, viên chức thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

Chương IX

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA NỘI BỘ

Điều 66. Tổ chức thanh tra nội bộ

1. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập tổ chức việc thanh tra nội bộ để tăng cường công tác quản lý, bảo đảm việc chấp hành chính sách, pháp luật, việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao đối với cơ quan tổ chức, cá nhân thuộc phạm vi quản lý của cơ quan thuộc Chính phủ và đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và nhu cầu quản lý của mình, cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập có thể thành lập tổ chức thanh tra hoặc giao cho bộ phận, đơn vị hoặc bố trí người làm công tác thanh tra nội bộ.

Điều 67. Hoạt động thanh tra nội bộ

Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập trực tiếp chỉ đạo hoạt động thanh tra nội bộ; trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, ban hành quy định về quy trình thanh tra nội bộ, kế hoạch thanh tra hàng năm khi xét thấy cần thiết, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật về thanh tra.

Điều 68. Điều kiện bảo đảm hoạt động thanh tra nội bộ

1. Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập có trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về thời gian, phương tiện làm việc cho hoạt động thanh tra nội bộ.

2. Người làm công tác thanh tra nội bộ được hưởng các chế độ, chính sách của viên chức và các khoản phụ cấp khác khi thực hiện nhiệm vụ thanh tra do Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập quyết định theo cơ chế tài chính của cơ quan, đơn vị mình.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 69. Hiệu lực thi hành

Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 8 năm 2023.

Điều 70. Trách nhiệm thi hành

Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và các cơ quan, tổ chức, đơn vị chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT; các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, V.I (2).

TM. CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Minh Khái

THE GOVERNMENT OF VIETNAM
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
----------------

No. 43/2023/ND-CP

Hanoi, June 30, 2023

 

DECREE

ELABORATION OF SOME ARTICLES AND MEASURES FOR ENFORCEMENT OF LAW ON INSPECTION

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015; the Law on amendments to some Articles of Law on Government Organization and Law on Local Government Organization dated November 22, 2019;

Pursuant to the Law on Inspection dated November 14, 2022;

At the request of the Inspector General of the Government Inspectorate;

The Government promulgates Decree on elaboration of some Articles and measures for enforcement of the Law on Inspection

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The Decree elaborates some Articles of the Law on Inspection, including:

a) Article 38: inspectors;

b) Article 56: re-inspection;

c) Article 60: inspectorate;

d) Article 79: publishing inspection conclusions;

dd) Article 87: request for external assessment;

e) Article 90: requesting credit institution to freeze account of the inspected entity;

g) Article 91: recall of assets which are appropriated, illegally used or lost due to violations;

h) Clause 4 Article 96: authority and procedures for settlement of complaints about contents of inspection conclusions and complaints and reflections on inspection;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



k) Clause 3 Article 106: handling violations against regulations on implementation of inspection conclusions

2. The Decree elaborates some measures for enforcement of the Law on Inspection, including authority and procedures for appointment and dismissal of inspectors; uniforms and cards of inspectors; regimes, policies, allowances and specific regimes applicable to inspectors; organization and operation of internal inspection.

Article 2. Regulated entities

This Decree applies for state management agencies, heads of state management agencies; inspection-conducting authorities, heads of inspection-conducting authorities; chiefs, members of inspectorates and inspectors; inspected entities, agencies, organizations and individuals related to inspection; heads of Governmental agencies; public service providers and persons who conduct internal inspection.

Chapter II

INSPECTORS

Section 1. INSPECTORS AND RESPONSIBILITIES FOR MANAGEMENT AND EMPLOYMENT OF INSPECTORS

Article 3. Inspectors

1. The inspector is a person awarded the rank of inspector to perform tasks and exercise powers in inspection in accordance with regulations of the law. Codes of inspector ranks: senior inspector (code: 04.023), principal inspector (code: 04.024) and inspector (code: 04.025)

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 4. Responsibility of inspector

1. An inspector shall be a good example of compliance with the law. He/she shall be responsible for study and research in order to improve his/her professional qualifications for inspection.

2. During the process of inspection, inspectors shall perform tasks as assigned by the chief of the inspectorate; comply with regulations of the law and take responsibility to the law for the performance of the assigned tasks; take responsibility to the chief of the inspectorate, the person issuing the inspection decision and the head of the agency that directly manages them for the performance of the assigned tasks.

Article 5. Responsibilities for management and employment of inspectors

State management agencies and inspection-conducting authorities shall be responsible for management, employment, training, and implementation of wage system, provision of benefits, commendation and imposition of discipline on inspectors according to regulations of the law.

Section 2. APPOINTMENT, SAME-RANK REASSIGNMENT AND DISMISSAL OF INSPECTORS

Article 6. Authority to appoint inspectors

1. Ministers, Heads of ministerial agencies, Presidents of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities (hereinafter referred to as “People’s Committees of provinces”) shall appoint inspectors and principal inspectors under their competence.

2. Ministers, Heads of ministerial agencies, Presidents of People’s Committees of provinces shall issue decisions to appoint senior inspectors after obtaining a written consent from the Ministry of Home Affairs.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. An inspector who fully satisfies criteria and conditions specified in Articles 39, 40 and 41 of the Law on Inspection shall be considered for promotion in the following cases:

a) Having outstanding achievements in missions throughout the duration for holding the current rank of inspector and being recognized by a competent authority;

b) Being appointed as a leader/manager in association with the requirements of the working position.

2. Requirements for outstanding achievements in missions specified at Point a, Clause 1 of this Article are applicable to emulation titles and commendation forms according to meritorious services and achievements in performance of their duties and missions. To be specific

a) In case of promotion from the inspector to the principal inspector: the inspector is awarded the “Labor Order” from the third-class or higher or receives the title of Emulation Fighter of ministerial, sectorial, provincial or central mass organization level;

b) In case of promotion from the principal inspector to the senior inspector: the inspector is awarded the first-class “Labor Order” or receives the title of National Emulation Fighter.

3. According to the working position and the suitability for the rank structure of the agency employing inspectors approved by the competent authority, the agency employing inspectors shall report consideration of inspectors for promotion to the management agency for consideration and decision according to its competence or submit it to the competent agency for consideration and decision after the inspectors satisfy regulations in Clause 1 of this Article.

Article 8. Appointment to inspector ranks according to procedures for same-rank reassignment

1. A person who is working in an inspection agency and fully meets professional conditions and standards prescribed in Articles 39, 40 and 41 of the Law on Inspection may be considered for same-rank reassignment to be appointed to inspector ranks. To be specific:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) If the person is a principal expert or is holding an equivalent title, he/she shall be considered for same-rank reassignment and appointment as a principal inspector;

c) If the person is a senior expert or is holding an equivalent title, he/she shall be considered for same-rank reassignment and appointment as a senior inspector;

2. The consideration of same-rank reassignment and appointment to inspector ranks shall be approved by a Council for same-rank reassignment

Ministers, Heads of ministerial agencies, Heads of Governmental agencies, Presidents of People’s Committees of provinces shall decide to establish a Council for reassigning public employees to inspector ranks (a Council for same-rank reassignment) under their management.

A Council for same-rank reassignment includes 05 members and operates on the principle of collective and voting under the majority rule. A Council includes:

a) Chairperson of the Council is the leader of a ministry, a ministerial agency or a Governmental agency at central level; the President of the People's Committee of province at local level;

b) Deputy Chairperson of the Council is the Director of Department of Personal and Training at central level; Director of Department of Home Affairs;

c) At central level, permanent members are chief inspectors of ministries and ministerial agencies (hereinafter referred to as “ministerial chief inspectors”), or chief inspectors of governmental agencies; at the local level, permanent members are provincial chief inspectors. Such permanent members shall be responsible for preparing procedures and documents in order to report to the Council for same-rank reassignment;

d) Upon request, ministers, heads of ministerial agencies, heads of governmental agencies, Presidents of People's Committees of provinces shall decide to appoint leadership representatives of relevant agencies and units as other members.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Written comments on the working process of the public employee at the request of the agency directly managing the public employee;

b) Declaration of working results; copies of diplomas and certificates authenticated by a competent authority;

c) CV according to regulations.

4. Application for appointment to inspector/principal inspector includes:

a) Personal application according to regulations in Clause 3 of this Article;

b) Minutes of the Council for same-rank reassignment;

c) Written request made by the Council for same-rank reassignment. The written request shall be sent to the minister, the head of the ministerial agency, the head of the Governmental agency or the President of the People's Committee of the province in order to request him/her to make appointment to inspector/principal inspector according to his/her competence.

5. Application for appointment to senior inspector includes:

a) Personal application according to regulations in Clause 3 of this Article;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Written request for appointment to senior inspector made by the Council for same-rank reassignment:

d) Written consent of the Ministry of Home Affairs for appointment to senior inspector.

6. The authority to make appointment to inspector ranks shall comply with regulations in Article 6 of this Decree.

Article 9. Requirements for participation in exams for promotion

1. In case of promotion from inspector to principal inspector, the following requirements shall be satisfied:

a) The inspector shall be recognized for excellent performance of tasks or higher in the year preceding the year of the promotion exam; have political credentials and good ethics; be not liable to any disciplinary measure or any regulation on discipline according to regulations in the Law on Officials and Public Employees;

b) The inspector shall have professional qualifications and capabilities to undertake the working position corresponding to the inspector rank that is higher than his/her current rank;

c) The inspector shall hold the rank of inspector or equivalent for at least 9 years, except for cases where the inspector is an official, public employee, officer of the People's Army and the People's Public Security, cipher worker at another agency/organization and the inspector is holding the rank of official/public employee or the rank equivalent to the rank of principal inspector and transferred to the inspection agency. If the inspector holds a rank during the duration equivalent to the duration for holding the rank of inspector, the duration for holding such rank (equivalent to inspector) shall be at least 01 year (full 12 months);

d) When holding the rank of inspector (or equivalent), the inspector has participated in the development and appraisal of at least 01 legal document or the topic, scheme, project or program for scientific research at grassroots level or higher which has been developed and researched by the organization managing and employing inspectors and issued or accepted by the competent authority;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



e) The inspector shall have competence in using basic information technology, foreign languages ​​at the foreign language proficiency equivalent to level 3 according to the Framework of Reference for Foreign Language Competency or ethnic minority languages ​​(in case where the inspector works in ethnic minority areas) according to the requirements of the working position.

2. In case of promotion from principal inspector to senior inspector, the following requirements shall be satisfied:

a) The principal inspector shall meet conditions and standards specified in points a and b Clause 1 of this Article;

b) The principal inspector shall hold the rank of principal inspector or equivalent for at least 6 years, except for cases where the principal inspector is an official, public employee, officer of the People's Army and the People's Public Security, cipher worker at another agency/organization and the principal inspector is holding the rank of official/public employee or the rank equivalent to the rank of senior inspector and transferred to an inspection agency;

c) When holding the rank of principal inspector (or equivalent), the principal inspector has taken charge of the development and appraisal of at least 02 legal documents or the topic, scheme, project or program for scientific research at state, ministerial, central or provincial level, issued or accepted by the competent authority;

d) The principal inspector shall have at least a bachelor's degree; a certificate of professional training for senior inspector; a certificate of training in state management according to the standard of the rank of senior expert; a bachelor's degree in advanced political theory or a diploma in advanced political and administrative theory;

dd) The principal inspector shall have competence in using basic information technology, foreign languages ​​at the foreign language proficiency equivalent to level 4 according to the Framework of Reference for Foreign Language Competency or ethnic minority languages ​​(in case where the principal inspector works in ethnic minority areas) according to the requirements of the working position.

Article 10. Appointing inspectors who pass exams for promotion to inspector ranks

1. Regarding public employees who are inspectors or principal inspectors, meet all conditions and criteria and are appointed by ministers, heads of ministerial agencies or Presidents of People's Committees of provinces to participate in exams for promotion, if they pass such exams, they shall be considered for appointment to the respective ranks.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 11. Appointing officers of the People's Army or the People's Public Security, cipher workers to inspector ranks

1. If officers of the People's Army and the People's Public Security working in inspection agencies of the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security and cipher workers fully meet the conditions and standards of the inspector ranks as prescribed in Articles 39, 40 and 41 of the Law on Inspection, they shall be considered and appointed to the respective ranks of inspectors according to the conditions, criteria and demands for working positions.

2. A Council for appointing officers of the People's Army and the People's Public Security and cipher workers to inspector ranks shall be established by the Minister of National Defense and the Minister of Public Security.

A Council for appointment includes 05 members and operates on the principle of collective and voting under the majority rule. A Council includes:

a) Chairperson of the Council is a leadership representative of the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security;

b) Deputy Chairperson of the Council is a head of an agency in charge of personnel under the Ministry of National Defense or the Ministry of Public Security;

c) Permanent members are ministerial chief inspectors. Permanent members shall be responsible for preparing documents and procedures to report to the Council for same-rank reassignment;

d) Upon request, the Minister of National Defense or the Minister of Public Security shall decide to appoint leadership representatives of relevant agencies and units as other members.

3. An application for appointing officers of the People's Army and the People's Public Security and cipher workers to inspector ranks shall comply with regulations in Clauses 4 and 5 Article 8 of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 12. Dismissal of inspectors

1. Dismissal of inspectors shall comply with regulations in Clause 1, Article 42 of the Law on Inspection.

2. The agency having authority to appoint an inspector rank shall have authority to dismiss such inspector rank.

3. Dismissal procedures:

a) The head of an agency or unit that directly manages inspectors shall make a written request for the dismissal of inspectors;

b) Agencies, units, departments and persons assigned to be in charge of organization of inspectors shall, according to delegation of management of inspectors, make draft decisions on dismissal, collect relevant documents and submit them to competent authorities for issuance of decisions on dismissal;

c) Agencies, units, departments and persons assigned to be in charge of organization of inspectors shall notify decisions on dismissal and revocation of cards and other equipment in service of inspection.

Section 3. UNIFORMS, CARDS OF INSPECTORS AND REGIMES AND POLICIES APPLICABLE TO INSPECTORS

Article 13. Uniforms

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Uniforms of inspectors who are officers of the People's Army or the People's Public Security, cipher workers shall comply with regulations of the Ministry of National Defense and the Ministry of Public Security.

3. Inspectors shall be responsible for preserving and using uniforms in accordance with the law.

4. The Minister of Finance shall agree with the Inspector General of the Government Inspectorate about the regime of provision of uniforms for inspectors of inspection agencies.

5. The Inspector General of the Government Inspectorate shall stipulate the uniform patterns, management and use of uniforms by inspectors of inspection agencies.

Article 14. Cards of inspectors

1. Inspectors shall be provided with cards to use when conducting inspection. Inspection cards shall be provided after the decision to appoint inspectors is issued. Inspection cards shall be revoked when inspectors are dismissed.

The Inspector General of the Government Inspectorate shall stipulate card patterns, provision, management and use of cards. Ministers, heads of ministerial agencies and chairpersons of People's Committees of provinces shall manage and provide inspection cards for inspectors under their management.

2. Inspectors shall be responsible for preserving and using cards when performing tasks. It is strictly forbidden to use cards for personal purposes. If inspectors use their cards to commit violations, depending on the nature and danger of such violations, they shall incur disciplinary penalties or face criminal prosecution.

Article 15. Funding for sewing and purchasing uniforms and cards of inspectors

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. Inspection agencies shall, according to entities who are provided with cards, uniforms and the quantity of types of uniforms reaching the end of their life expectancy as prescribed, make budget estimates and send them to finance authorities of the same level for review and submission to competent authorities for approval and provision of funding for sewing and purchasing uniforms. These budget estimates shall be enclosed with annual budget expenditure estimates. Funding for sewing/purchasing uniforms and making inspection cards to be provided shall be exclusive of administrative expenditure norm according to the payroll.

Article 16. Regimes and policies applicable to inspectors

1. Responsibility allowance regime applicable to inspector:

a) The Inspector General of the Government Inspectorate, a Deputy Inspector General or a senior inspector shall be entitled to a responsibility allowance equal to 15% of his/her current salary plus leadership allowance and extra-seniority allowance (if any);

b) A principal inspector shall be entitled to a responsibility allowance equal to 20% of his/her current salary plus leadership allowance and extra-seniority allowance (if any);

c) An inspector shall be entitled to a responsibility allowance equal to 25% of his/her current salary plus leadership allowance and extra-seniority allowance (if any).

2. Other than regulations in Clause 1 of this Article, inspectors who are public employees shall be entitled to the same benefits as other officials and public employees under regulations of the Law on Officials and Public Employees; salary, seniority allowance and other special regimes and policies as prescribed by law.

3. Inspectors who are officers of the People's Army or the People's Public Security, cipher workers shall be entitled to regimes, according to regulations, applicable to the armed forces and responsibility allowances as prescribed in Clause 1 of this Article.

Article 17. Inspection training

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Chapter III

RE-INSPECTION

Article 18. Authority to conduct re-inspection

1. The Inspector General of the Government Inspectorate shall decide re-inspection of cases which the conclusions have been made by the ministerial inspectorate, the inspection agency of the governmental agency or the provincial inspectorate when there are signs of serious violations.

2. The ministerial chief inspectors shall decide re-inspection of cases which the conclusions have been made by sub-ministerial inspectorates, other specialized authorities assigned to conduct inspection under ministries; and cases which the conclusions have been made by inspectorates of provincial-level departments under the scope of state management by ministries when there are signs of serious violations.

3. The provincial chief inspectors shall decide re-inspection of cases which the conclusions have been made by inspectorates of provincial-level departments and the district inspectorates when there are signs of serious violations.

Article 19. Grounds for re-inspection

Grounds for re-inspection according to regulations in Clause 1 Article 56 of the Law on Inspection:

1. There are serious violations against regulations on procedures during the inspection, thereby causing defects in contents of inspection conclusions, including: failure to develop and send the list of issues to be reported on by the inspected entity; failure to collect information and documents related to inspection contents; failure to check or verify information and documents; and failure to report inspection results obtained from the inspectorate.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. Contents of inspection conclusions are not consistent with evidences that have been collected during the inspection, thereby causing improper assessment, aggravation, mitigation or omission of violations committed by the inspected entities; or there are complaints that handling violations is not inconsistent with the nature and danger of the detected violations.

4. Inspection-conducting persons intentionally falsify case files. To be specific: they add, remove, modify, swap, destroy or damage the information, documents and evidences of the inspection or conduct other tricks in order to falsify the contents of the case files.

5. Superior inspection agencies or other competent agencies detect signs of serious violations committed by the inspected entities but have not yet fully detected violations via inspection according to contents stated in inspection decisions and detailed inspection plans that have previously made by inspectorates

Article 20. Duration of re-inspection

1. The duration for an inspection conducted by the Government Inspectorate shall not exceed 45 days.

2. The duration for an inspection conducted by the ministerial inspectorate or the provincial inspectorate shall not exceed 30 days.

Article 21. Procedures for re-inspection

1. Procedures for an inspection shall be carried out as follows:

a) Issuing an inspection decision;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



c) Developing and sending an outline to request the inspected entity to make report;

d) Collecting information and documents related to inspection contents;

dd) Checking and verifying information and documents;

e) Reporting inspection results;

g) Making a draft inspection conclusion;

h) Issuing the inspection conclusion;

i) Publishing the inspection conclusion;

2. Procedures for conducting re-inspection specified in Clause 1 of this Article shall be carried out according to regulations of Sections 2, 3 and 4 of Chapter IV of the Law on Inspection.

Article 22. Re-inspection decision

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Grounds for issuance;

b) Scope, contents and the inspected entity;

c) Duration of re-inspection;

d) Establishment of an inspectorate in charge of re-inspection. The inspectorate includes the chief, the deputy chief (if any), and other members.

2. Within 05 days from the date of signing the re-inspection decision, the person having authority to decide re-inspection shall send the re-inspection decision to the person who has signed the inspection conclusion and the re-inspected entity.

The decision on re-inspection shall be published within 15 days from the date of signing.

Article 23. Tasks and powers of persons issuing inspection decisions, chiefs and members of inspectorates in charge of re-inspection.

When conducting re-inspection, persons issuing inspection decisions, chiefs, deputy chiefs and members of inspectorates in charge of re-inspection shall perform their tasks and exercise their powers prescribed in Articles 80, 81 and 82 of the Law on Inspection and in accordance with this Decree.

Article 24. Contents of re-inspection conclusion;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Conclusion of contents subject to re-inspection;

b) Assessment of the performance of tasks, exercise of powers and compliance with regulations of the Law on Inspection by an inspection agency or an inspection-conducting person

c) Clear identification of the nature, danger and consequence(s) of violation(s); causes and responsibility of an agency, organization or individual that commits violations (if any);

d) Handling measures according to its competence and proposal for solutions, handling measures and remedial measures (if any) for assurance about the interests of the State, the lawful rights and interests of the inspected entity, relevant agency, organization or individual;

dd) Limitations and inadequacies of relevant management mechanisms, policies and laws and recommendations for remedy (if any).

2. The re-inspection conclusion comes into force and replaces the previous inspection conclusion for re-inspected contents. Relevant agencies, organizations and individuals shall be responsible for implementation of the re-inspection conclusion.

Chapter IV

INSPECTORATE

Article 25. Components of inspectorate

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. The deputy chief shall assist the chief in performing the assigned tasks and take charge of some activities assigned by the chief. Other members shall perform tasks as assigned by the chief.

Article 26. Responsibilities of persons issuing inspection decisions, heads of agencies and units assigned to conduct inspection and chiefs of inspectorates

1. A person issuing an inspection decision shall be responsible for organizing, directing and supervising the inspectorate in order to ensure that the inspection is conducted in accordance with the law, for the intended purposes, and according to requirements, schedule and duration; promptly settling reflections and complaints from the inspectorate and denunciations, complaints and reflections related to operations of the inspectorate.

2. A head of the agency or unit assigned to take charge of inspection shall be responsible for appointing people to participate in the inspectorate; supervising members of the inspectorate under his agency/unit; performing other tasks assigned by the person issuing the inspection decision.

3. The chief of an inspectorate shall be responsible for organizing and directing members to strictly comply with inspection contents and progress according to the inspection decision and the detailed inspection plan; implementing information and reporting regime at the request of the person issuing an inspection decision; making a logbook; and taking responsibility to the person issuing the inspection decision for operations of the inspectorate.

Article 27. Appointing people to participate in inspectorate

1. The head of the agency or unit assigned to take charge of inspection shall be responsible for appointing people with professional qualifications in conformity with requirements of the inspection as the chief/the deputy chief and proposing the number of people participating in the inspectorate so that the person issuing the inspection decision considers making decision.

2. The head of the agency or unit assigned to take charge of inspection shall discuss and reach an agreement with the person expected to be the chief of the inspectorate about persons expected to be members of the inspectorate. The appointment of the chief and members of the inspectorate shall be notified to the unit directly managing and employing persons who have been appointed, the unit in charge of organization and personnel and persons expected to be members of the inspectorate.

Article 28. Standards applicable to chiefs of inspectorates

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Having good moral qualities and sense of responsibility; being upright, honesty, fair and objective;

b) Having professional qualifications in conformity with requirements and tasks of the inspection;

c) Having comprehensive knowledge about inspection; having the ability to analyze, assess and review issues related to contents and fields subject to inspection;

d) Having ability to organize, administer and provide guidance for other members in order to perform the assigned tasks.

2. Specific standards:

a) The chief of the inspectorate established by the Inspector General of the Government Inspectorate shall be a principal inspector or higher;

b) The chief of the inspectorate established by the ministerial chief inspector, the chief inspector of a Governmental agency or the provincial chief inspector shall be a principal inspector or higher;

c) The chief of the inspectorate established by the chief inspector of sub-ministerial inspectorate shall be an inspector or higher;

d) The chief of the inspectorate established by the chief inspector of provincial-level department or the chief inspector of district shall be an inspector or higher;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. A person must not be a member of an inspectorate in any of the following cases:

a) Any person contributing capital to an enterprise and hold shares in such enterprise that is the inspected entity, unless otherwise provided for by law;

b) Any person whose spouse, father, mother, biological child, or biological sibling is the head, the deputy head, the person in charge of personnel, an accountant, a treasurer or a storekeeper in an agency, organization or unit that is the inspected entity;

c) Any person who is being considered for disciplinary action or criminal prosecution;

d) Any person who is facing disciplinary measure or criminal prosecution and the duration for repeal of disciplinary measures or conviction expungement has not yet expired.

2. A person must not be a chief/deputy chief of an inspectorate in any of the following cases:

a) Any person under one of cases specified in Points a, c and d Clause 1 of this Article;

b) Any person whose spouse, father, mother, mother-in-law, father-in-law, biological child, biological sibling or sibling-in-law is working in an agency, organization or unit that is the inspected entity;

3. The head of the agency or unit assigned to take charge of inspection shall be responsible for check and review to detect cases where people must not be chiefs, deputy chiefs or other members of inspectorates before submitting them to the person issuing the inspection decision.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. During the process of inspection, if it is detected that any person falls into one of the cases specified in Clauses 1 and 2 of this Article, the person issuing the inspection decision shall consider deciding change of the chief or members of the inspectorate.

During the process of inspection, the chief, the deputy chief or other members of the inspectorate shall make report to the person issuing the inspection decision for consideration and decision if he/she/they find himself/herself/themselves falling into one of the cases specified in Clauses 1 and 2 of this Article.

Article 30. Change of chief, deputy chief and other members of inspectorate

1. The person issuing inspection decision shall consider and change members of an inspectorate in any of the following cases:

a) Committing one of the prohibited acts as prescribed in Article 8 of the Law on Inspection;

b) Falling into one of cases specified in Clause 1, Article 29 of this Decree (it is detected that members of the inspectorate fall into one of cases specified in Clause 1, Article 29 throughout the process of inspection);

c) Failing to comply with information and reporting regimes, follow direction and administration of the chief of the inspectorate;

d) Failing to complete the assigned tasks, being unable to continue to conduct inspection due to health problems or other objective reasons.

2. The person issuing inspection decision shall consider and change the chief or the deputy chief of an inspectorate in any of the following cases:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Failing to comply with information and reporting regimes, follow direction and administration of the person issuing inspection decision;

c) Having grounds that the chief or the deputy chief of the inspectorate is incapable of completing inspection;

d) Being assigned to perform other tasks at the request of the competent agency or organization.

Article 31. Procedures for change of chief, deputy chief and other members of inspectorate and addition of members

1. Change of the chief, the deputy chief of an inspectorate

The person issuing inspection decision shall, according to the written request and other information related to the operation of the inspectorate, consider and issue a decision on change of the chief or the deputy chief of the inspectorate.

2. Change of members of the inspectorate

The person issuing inspection decision shall, according to the written request of the chief, the result of supervision of the inspectorate's operation and other information related to the inspectorate's operation, issue a decision on change of members of the inspectorate. In case of disagreement, the person issuing inspection decision shall reply to the requester and clearly state the reason.

3. Addition of members

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



4. Decision on change of the chief, the deputy chief, or other members of the inspectorate, addition of members shall be sent to the inspected entity.

Article 32. Logbook of inspectorate

1. The chief of the inspectorate shall be responsible for making a logbook, in an accurate, objective and honest manner, of contents related to operations of the inspectorate that take place from the time when the inspection decision is published until the inspection conclusion is issued. The logbook shall be stored in the inspection dossier.

The chief of the inspectorate shall be responsible for managing the logbook and other documents during the process of inspection.

2. The logbook shall be printed and published as follows:

a) The Government Inspectorate shall print and publish its logbook;

b) The ministerial inspectorate shall print and publish logbooks for the ministerial inspectorate, sub-ministerial inspectorates and specialized authorities assigned to conduct inspection under its management;

c) Inspectorates under Governmental agencies shall print and publish their logbooks;

b) The provincial inspectorate shall print and publish logbooks for the provincial inspectorate and district inspectorates under its management.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 33. Standards, regimes and policies applicable to persons summoned to participate in inspectorate

1. Persons summoned to participate in an inspectorate are inspectors of inferior inspection agencies or officials or public employees of state agencies or public service providers and such persons do not fall into one of the cases specified in Clause 1 of Article 29 of this Decree.

2. A person summoned to participate in the inspectorate shall have good moral qualities and sense of responsibility; be upright, honesty, fair and objective; and have qualifications in conformity with requirements and tasks in inspection of the summoning agency.

3. During the duration of participation in the inspectorate, the summoned persons shall be entitled to regimes and policies applicable to officials and public employees in accordance with the law; receive travel expenses and obtain assurance about working conditions and facilities and other benefits of members of the inspectorate.

4. The summoning persons to participate in the inspectorate shall be done in writing. The summoning document shall clearly state grounds, summoning period, tasks, and regimes and policies applicable to summoned persons.

5. At the end of the summoning period, the summoning agency shall make a written comment on the performance of tasks by the summoned persons and send it to the head of the agency directly managing such persons.

Chapter V

ASSESSMENT, FREEZE ON ACCOUNT, RECALL OF ASSETS WHICH ARE APPROPRIATED, ILLEGALLY USED OR LOST DURING INSPECTION

Section 1. ASSESSMENT IN INSPECTION

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. If it is necessary to assess specialized and technical contents to serve as a basis for conclusion, the person issuing inspection decision shall request a specialized agency or organization at the same level to assess such contents.

2. The inspection-conducting authority shall send a written request to a specialized agency or organization in order to request the agency or organization to carry out the assessment. The written request shall clearly state contents to be assessed and the assessment duration.

Article 35. Agencies/organizations carrying out assessment

Ministries, ministerial agencies, governmental agencies, specialized agencies under the People's Committees of provinces or equivalent agencies, public service providers or non-public assessment organizations shall carry out the assessment at the request of inspection-conducting authorities.

Article 36. Rights and obligations of agencies/organizations having authority to carry out assessment

1. An agency/organization having authority to carry out assessment has the right to:

a) Establish an assessment council consisting of people with professional qualifications in conformity with contents to be assessed;

b) Select necessary and appropriate methods to carry out the assessment according to contents to be assessed;

c) Use assessment results to make assessment conclusions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



dd) Receive assessment remuneration.

2. An agency/organization carrying out assessment has the obligation to:

a) Carry out the assessment according to contents and the duration under the assessment request;

b) Take responsibility to the law for the accuracy, objectivity and timeliness of assessment results;

c) Ensure that no result is leaked to any third party.

Article 37. Assessment duration

1. The assessment duration shall be decided by the person issuing inspection decision.

2. If there is any problem or ground to believe that the assessment cannot be completed by the deadline, the agency or organization carrying out the assessment shall promptly notify in writing, provide clear reasons for the inspection-conducting authority and state expected duration for completion and making of assessment conclusion.

Article 38. Assessment conclusions

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



a) Agency/organization carrying out assessment;

b) Name of agency that requests assessment;

c) Information on identification of assessment subjects;

d) Duration for receipt of the document on request for external assessment;

dd) Contents to be assessed;

e) Methods of carrying out assessment;

g) Clear and specific conclusions on professional contents of subjects to be assessed according to the assessment request;

h) Time and location for carrying out and completing external assessment.

2. The assessment conclusion is one of the grounds for the inspection-conducting authority to conclude inspection contents.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Every year, inspection-conducting authorities shall make estimates of costs of request for assessment

2. The Ministry of Finance shall provide guidance on grounds for determination of assessment remuneration and payment of such remuneration.

3. Funding for request for external assessment shall be paid by the inspection-conducting authority and covered by the state budget. In case the inspected entity commit violations, the funding shall be paid by the inspected entity, unless otherwise provided for by law.

Section 2. FREEZE ON ACCOUNT OF THE INSPECTED ENTITY

Article 40. Grounds for freeze on account

1. The inspected entity’s acts are suspected as hiding assets. To be specific:

a) Transferring or preparing to transfer their money to other accounts with unclear purposes, contents and recipients;

b) Transferring right to ownership and/or right to enjoyment of assets such as donation, mortgage, pledge, destruction or changes in status of assets;

c) Falsifying accounting records, thereby causing change in assets.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 41. Right to request for and responsibility for freeze on account

1. The person issuing inspection decision or the chief of the inspectorate shall decide to freeze the account of the inspected entity when there are grounds for freeze on accounts specified in Article 40 of this Decree to serve inspection. The decision on freeze on the account shall be sent to the credit institution, the branch of foreign bank in Vietnam (hereinafter referred to as "credit institution”) where the inspected entity has an account.

2. The credit institution, the inspected entity, relevant agencies, organizations and individuals shall fully and promptly comply with the inspection agency’s request for freeze on accounts.

Article 42. Responsibilities of information providers for freeze on accounts

1. Agencies, organizations and individuals shall be responsible for providing information on accounts of the inspected entities at credit institutions in accordance with the Law on Inspection.

2. The credit institution shall provide information related to customer’s deposits and assets held by the credit institution in accordance with regulations of laws.

Article 43. Procedures for requesting credit institutions to freeze accounts

1. The competent person who requests freeze on an account shall send the Decision on freeze on the account to the credit institution where the inspected entity and the accounts exist.

2. Decision on freeze on an account shall specify the number of account, purposes of freeze, the scope of freeze; the amount of frozen cash, the starting time of freeze, the duration of freeze and responsibility of implementation of the credit institution and other information (if any).

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. After the receipt of decision on freeze on the account issued by the competent person, the credit institution, where the inspected entity opens the account, shall freeze the account under the decision on freeze on account.

2. The credit institution shall inform the account holder of freeze on his/her account.

Article 45. Cancellation of decisions on freeze on accounts

1. Within 03 working days from the day on which the inspected entity completely abides by the decision on collection of cash and asset or the ground for issuance of the decision on freeze on the account no longer exists, the competent person who makes decision on freeze on the account shall withdraw this decision. The decision on freeze on the account shall be sent to the credit institution where the inspected entity and his/her accounts exist.

2. After the receipt of the decision on cancellation of freeze on the account issued by the competent person, the credit institution, where the inspected entity opens his/account, shall re-open the account under the Decision on cancellation of freeze on the account and inform the account holder of this decision.

Section 3. RECALL OF ASSETS WHICH ARE APPROPRIATED, ILLEGALLY USED OR LOST DUE TO VIOLATIONS

Article 46. Recall of assets which are appropriated, illegally used or lost due to violations

1. During the process of the inspection, the person issuing inspection decision shall decide or request the competent authority to decide to immediately recall assets which are appropriated, illegally used or lost due to violations committed by the inspected entity when there are clear evidences about violations or the inspected entity admits his/her/its violations or proactively returns assets which are appropriated or illegally used.

2. Assets which are appropriated, illegally used or lost due to violations shall be handled as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) With regard to real estate, the competent agency is required to expropriate the real estate according to regulations of the law;

c) With regard to movable estate and valuable papers, according to the actual situation, the person issuing inspection decision shall assign an agency or organization that meets conditions for physical facilities and professional qualifications to manage such movable estate and valuable papers;

d) With regard to goods with special requirements for preservation, the agency or organization that meets conditions for physical facilities and has capacity for preservation is assigned to manage such goods.

3. The recall decision shall be sent to the agency, organization or individual that is responsible for managing such money and assets in accordance with law.

4. Funding for management of assets specified at Points b, c and d, Clause 2 of this Article shall be paid by the inspection agency and covered by the state budget.

5. The legal rights and interests over the handled assets of the inspected entity whose assets are recalled shall be protected and the inspected entity has the right to complain about the recall decision in accordance with law.

Article 47. Responsibilities of agencies, organizations and individuals managing money and assets which are appropriated, illegally used or lost due to violations

Agencies, organizations and individuals that manage money and assets which are appropriated or illegally used shall be responsible for abiding by decisions made by persons issuing inspection decisions on recall of money and assets which are appropriated, illegally used or lost due to violations.

Chapter IV

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Section 1. PUBLISHING INSPECTION CONCLUSIONS

Article 48. Contents of inspection conclusions to be published;

The entirety of the inspection conclusion shall be published, except for contents that fall within state secrets, bank secrecy or trade secrets as prescribed by the law.

Article 49. Forms of publishing inspection conclusions

1. Inspection conclusions shall be published on the web portal of the inspection agency, the specialized authority assigned to conduct inspection or the state management agency at the same level within at least 15 consecutive days.

2. Other than the form of publishing inspection conclusions specified in Clause 1 of this Article, the person making the inspection conclusion may select at least one of the following methods:

a) Organizing press conference or meeting to publish inspection conclusions. The participants include the person issuing inspection decision, authorized person, representative of inspectorate, the inspected entity, relevant agencies, organizations and individuals;

b) Publishing inspection conclusions on mass media (including printed newspapers, talking newspapers, photo newspapers and online newspapers) An inspection conclusion shall be published on the printed newspaper, talking newspaper or photo newspaper at least 02 consecutive times; the inspection conclusion shall be published on online newspaper for at least 15 consecutive days;

c) Inspection conclusions shall be publicly displayed by the inspected entities at their premises. The duration for public displaying is 15 consecutive days

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 50. Purposes

The monitoring and urging of the implementation of an inspection conclusion aim to assist the person issuing the inspection conclusion in observing the progress, having results of the implementation of the inspection conclusion, the inspection-related decision, and overcoming difficulties and obstacles or requesting the competent agency to handle such difficulties and obstacles.

Article 51. Authority

Heads of inspection agencies specified in Clause 2, Article 105 of the Law on Inspection that issue inspection conclusions shall be responsible for monitoring and urging the implementation of their inspection conclusions and inspection-related decisions and those of heads of management agencies at the same level.

Article 52. Monitoring and urging entities

Entities monitoring and urging the implementation of inspection conclusions are inspected entities, agencies directly managing inspected entities, agencies, organizations and individuals that are responsible for or relevant to the implementation of inspection conclusions.

Article 53. Forms

1. The implementation of inspection conclusions shall be monitored by collecting results and requests from agencies, organizations and individuals involved in the implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions, reporting the implementation of conclusions, recommendations and inspection-related decisions and providing verification documents.

2. The implementation of inspection conclusions shall be urged by sending documents to agencies, organizations and individuals involved in the implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. Contents of monitoring the implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions

a) Direction and organization of the implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions by heads of agencies, organizations or units;

b) Progress and results of implementation of contents of inspection conclusions and inspection-related decisions of agencies, organizations or units that must implement such contents;

c) Difficulties and obstacles to the implementation of conclusions, recommendations and inspection-related decisions.

2. Contents of urging the implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions

a) Contents specified in Clause 1 of this Article;

b) Requesting agencies, organizations or units to report and explain the incomplete implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions;

c) Requesting agencies, organizations or units to impose specific measures to complete the implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions; and report imposition of such measures.

Section 3. EXAMINING IMPLEMENTATION OF INSPECTION CONCLUSIONS AND INSPECTION-RELATED DECISIONS

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



1. The person issuing inspection decision shall decide to examine the implementation of inspection conclusion and inspection-related decision when there is one of the following grounds;

a) The agency, organization or individual involved in the implementation of inspection conclusion and inspection-related decision fails to make report or make full report at the request of the person who monitors and urges the implementation;

b) The agency, organization or individual fails to implement or fully implement the inspection conclusion and the inspection-related decision when it/she/he has been urged to implement such conclusion and decision;

c) Entities obstruct the implementation, disperse assets, destroy documents or fail to cooperate in the implementation of inspection conclusion or inspection-related decision.

2. A decision to examine the implementation of inspection conclusion and inspection-related decision includes:

a) Grounds for issuance;

b) Scope, entities and contents;

c) Duration;

d) Persons assigned to examine implementation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Article 56. Duration for examination

The duration for examining the implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions is 10 days from the date in which the examined entity receives the examination decision.

Article 57. Examination contents

1. Results of the implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions.

2. Difficulties, obstacles and objective and subjective causes for failure to implement or fully implement inspection conclusions and inspection-related decisions.

3. Violations against regulations of the law on implementation of inspection conclusions and inspection-related decisions committed by relevant parties.

Article 58. Report on examination results

1. Within 15 working days from the date of completion of the examination, the person assigned to examine the implementation of inspection conclusion and inspection-related decision shall report results to the head of the inspection agency.

2. A report on examination results includes:

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



b) Identification of responsibilities of collectives and individuals for failure to implement or fully implement inspection conclusion and inspection-related decision;

c) Recommendations for handling law violators and other contents related to the implementation of inspection conclusion and inspection-related decision;

d) Recommendations for measures and solutions to implement the inspection conclusion and inspection-related decision; recommendations for re-inspection in case when there are grounds specified in Article 19 of this Decree; recommendations for reconsideration of conclusions and recommendations on inspection and inspection-related decision.

Article 59. Handling results of examination

1. According to the report on examination results, the person issuing inspection decision shall handle such results. To be specific:

a) Requesting the head of the agency directly managing the agency, organization or individual involved in the implementation of inspection conclusion and inspection-related decision to discipline violators;

b) According to his/her competence, handling or requesting the competent state agency to handle economic violations;

c) According to his/her competence, applying or requesting the competent person to apply measures for handling administrative violations;

d) Requesting the competent the state agency to consider the responsibility of the head of the agency directly managing the entity when failing to apply measures according to his/her competence to request the entity to strictly implement inspection conclusion and inspection-related decision;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If the inspection conclusion or the inspection-related decision cannot be implemented, it is required to collect opinions from the head of the state management agency for consideration and decision.

Chapter VII

SETTLEMENT OF COMPLAINTS AND REFLECTIONS ABOUT INSPECTION; SETTLEMENT OF COMPLAINTS ABOUT CONTENTS OF INSPECTION CONCLUSIONS

Section 1. SETTLEMENT OF COMPLAINTS AND REFLECTIONS ABOUT INSPECTION

Article 60. Authority to settle complaints and reflections about inspection

1. The chief of the inspectorate shall be responsible for receiving and settling complaints and reflections on the duration, contents and operation methods of the inspectorate, the chief and other members of the inspectorate.

2. The person issuing inspection decision shall be responsible for receiving and settling complaints and reflections on violations against regulations on performance of duties and powers and other prohibited acts committed by the chief and other members of the inspectorate.

Article 61. Procedures for settlement of complaints and reflections about inspection

1. The chief of the inspectorate shall be responsible for considering and settling complaints and reflections on the duration, contents and operation methods of the inspectorate, the chief and other members of the inspectorate, and replying to entities that have such complaints and reflections.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



3. The duration for settlement of complaints and reflections specified in Clause 1 of this Article is 05 working days. The duration for settlement of complaints and reflections specified in Clause 2 of this Article is 15 days.

Section 2. SETTLEMENT OF COMPLAINTS ABOUT CONTENTS OF INSPECTION CONCLUSIONS

Article 62. Authority to settle complaints about contents of inspection conclusions

1. Heads of state management agencies at the same level as agencies that have issued inspection conclusions and heads of inspection agencies shall be responsible for receiving and settling complaints about contents of inspection conclusions from inspected entities, agencies, organizations and individuals related to the contents of the inspection conclusions.

2. Heads of inspection agencies shall be responsible for receiving and processing requests of heads of state management agencies specified in Clause 3, Article 6 of the Law on Inspection throughout the processing of inspection conclusions.

3. Heads of superior inspection agencies shall be responsible for receiving and settling complaints about inspection-conducting agencies throughout the processing of inspection conclusions.

Article 63. Procedures for settlement of complaints about contents of inspection conclusions

1. Procedures for settlement of complaints about contents of inspection conclusions specified in Clause 1 Article 62 of this Decree shall be carried out as follows:

a) Within 15 working days from the date in which the inspection conclusion is published, the inspected entity, relevant agencies, organizations and individuals have the right to send their complaints about contents of the inspection conclusion to the person issuing inspection decision and the head of the state management agency at the same level as the agency that has issued the inspection conclusion;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. If requests or complaints specified in Article 62 of this Decree fully meet conditions prescribed in Article 56 of the Law on Inspection and Article 19 of this Decree, such requests and complaints shall be processed and settled as follows:

a) The head of the management agency at the same level as the agency that has issued the inspection conclusion shall request or recommend the competent inspection agency to consider and decide the inspection or re-inspection;

b) The head of the inspection-conducting agency shall request the competent superior inspection agency to consider and decide the re-inspection.

Chapter VIII

HANDLING VIOLATIONS AGAINST REGULATIONS ON IMPLEMENTATION OF INSPECTION CONCLUSIONS

Article 64. Handling violations committed by persons of agencies, organizations or units that are subject to inspection; persons of relevant agencies, organizations and individuals

1. According to the nature and danger of violation(s), the violator shall face disciplinary measures including reprimand, warning, dismissal or deposition (if the violator is an official); reprimand, warning, reduction in pay rate, demotion or dismissal (if the violator is a public official); reprimand, warning or dismissal (if the violator is a public employee) or face criminal prosecution. The violator shall pay compensation for damage in accordance with law when committing one of the violations. To be specific:

a) Failing to monitor, urge and inspect the implementation of the inspection conclusion or fulfill his/her responsibility for monitoring, urging and inspecting the implementation of the inspection conclusion;

b) Failing to propose measures to handle the responsibility of an agency/organization/individual in case it/he/she commits any violation against regulations on implementation of the inspection conclusion;

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



2. In case persons committing violations specified at Point a, b or c, Clause 1 of this Article are not officials or public employees, according to the nature and danger of their violations, they shall face administrative penalties or criminal prosecution according to regulations of the law.

Article 65. Handling violations committed by heads of agencies or organizations directly managing inspected entities

If a head of an agency or organization directly managing the inspected entity commit violation (s), he/she shall face disciplinary measures. To be specific:

1. The head shall be subject to reprimand when he/she commits one of the following violations:

a) Failing to direct the implementation of inspection conclusion, directing document, request, recommendation and inspection-related decision;

b) Failing to request or recommend a competent agency/organization/individual to handle violations or implement the decision, request and recommendation from the person issuing inspection conclusion;

c) Failing to monitor, urge and inspect the implementation of the inspection conclusion, directing document, request, recommendation and inspection-related decision.

2. Regarding persons committing violations specified at Points a, b or c, Clause 1 of this Article and causing serious consequences, according to the nature and dangers of their violations, they shall be subject to handling measures including warning or dismissal (if they are officials); warning, reduction in pay rate, demotion or dismissal (if they are public officials); warning or dismissal (if they are public employees) or criminal prosecution. In case of causing damage, they shall pay compensation in accordance with law.

3. In case persons committing violations specified at Point a, b or c, Clause 1 of this Article are not officials or public employees, according to the nature and danger of their violations, they shall face administrative penalties or criminal prosecution. In case of causing damage, they shall pay compensation in accordance with law

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



ORGANIZATION AND OPERATION OF INTERNAL INSPECTION

Article 66. Organization of internal inspection

1. Heads of governmental agencies and public service providers shall organize internal inspection to manage and ensure observance of policies and laws, and performance of the assigned tasks and powers by agencies, organizations and individuals under their management.

2. Governmental agencies and public service providers may establish inspection organizations or assign internal inspection to other departments or units or appoint persons to conduct internal inspection according to their functions, tasks and management needs.

Article 67. Operation of internal inspection

Heads of Governmental agencies and public service providers shall directly direct internal inspection; within the scope of their tasks and powers, promulgate regulations on the internal inspection process and issue annual inspection plans if necessary in accordance with the Law on Inspection.

Article 68. Conditions for assurance about internal inspection

1. Heads of governmental agencies and public service providers shall be responsible for ensuring conditions of time and working facilities for internal inspection.

2. Persons who conduct internal inspection shall be entitled to regimes and policies applicable to public employees and other allowances when performing inspection decided by heads of governmental agencies and public service providers according to financial mechanisms of their agencies and units.

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



IMPLEMENTATION PROVISIONS

Article 69. Entry into force

This Decree comes into force from August 15, 2023.

Article 70. Implementation responsibilities

Ministers, heads of ministerial agencies, heads of Governmental agencies, Presidents of People’s Committees of provinces and relevant authorities, organizations, individuals shall be responsible for the implementation of this Decree./.

 



ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PP. PRIME MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER




Le Minh Khai

 

...

...

...

Please sign up or sign in to your TVPL Pro Membership to see English documents.



Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 43/2023/NĐ-CP ngày 30/06/2023 hướng dẫn Luật Thanh tra

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


192.039

DMCA.com Protection Status
IP: 3.147.65.47
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!