Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 số 84/2015/QH13 áp dụng 2024

Số hiệu: 84/2015/QH13 Loại văn bản: Luật
Nơi ban hành: Quốc hội Người ký: Nguyễn Sinh Hùng
Ngày ban hành: 25/06/2015 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 với các nội dung quan trọng như: việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan được ban hành ngày 25/06/2015.

1. Các biện pháp phòng, chống các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại cho người lao động

Luật an toàn lao động năm 2015 quy định việc khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động

+ Hằng năm, NSDLĐ phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người khuyết tật, chưa thành niên, cao tuổi ít nhất 06 tháng một lần nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu.

+ Khi khám sức khỏe, Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 quy định lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

+ Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do NSDLĐ chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều 21 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015  được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.

2. Các biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động và tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo Luật an toàn lao động năm 2015

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

+ Kịp thời sơ cứu, cấp cứu và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động.

+ Về thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp, Luật vệ sinh an toàn lao động quy định như sau:

Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí bảo hiểm y tế không chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động nếu kết luận suy giảm dưới 5%.

Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

+ Trả đủ tiền lương cho người lao động trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động theo Luật vệ sinh an toàn lao động;

+ Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của người và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

Ít nhất 30 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

+ Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015  với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

+ Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa.

+ Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

+ Theo Luật vệ sinh an toàn lao động, NSDLĐ sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe đối với người lao động sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

+ Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

+ Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo pháp luật lao động.

Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015 còn quy định đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với một số lao động đặc thù; đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh và quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh lao động. Luật này có hiệu lực từ ngày 01/07/2016.

QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Luật số: 84/2015/QH13

Hà Nội, ngày 25 tháng 06 năm 2015

LUẬT

AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Quốc hội ban hành Luật an toàn, vệ sinh lao động.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Luật này quy định việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trách nhiệm và quyền hạn của các tổ chức, cá nhân liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động và quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động; người thử việc; người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động.

2. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân.

3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động.

4. Người lao động Việt Nam đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng; người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam.

5. Người sử dụng lao động.

6. Cơ quan, tổ chức và cá nhân khác có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động.

Những người quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này sau đây gọi chung là người lao động.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Luật này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình và các tổ chức hoạt động sản xuất, kinh doanh.

2. An toàn lao động là giải pháp phòng, chống tác động của các yếu tố nguy hiểm nhằm bảo đảm không xảy ra thương tật, tử vong đối với con người trong quá trình lao động.

3. Vệ sinh lao động là giải pháp phòng, chống tác động của yếu tố có hại gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe cho con người trong quá trình lao động.

4. Yếu tố nguy hiểm là yếu tố gây mất an toàn, làm tổn thương hoặc gây tử vong cho con người trong quá trình lao động.

5. Yếu tố có hại là yếu tố gây bệnh tật, làm suy giảm sức khỏe con người trong quá trình lao động.

6. Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động là hư hỏng của máy, thiết bị, vật tư, chất vượt quá giới hạn an toàn kỹ thuật cho phép, xảy ra trong quá trình lao động và gây thiệt hại hoặc có nguy cơ gây thiệt hại cho con người, tài sản và môi trường.

7. Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng là sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động lớn, xảy ra trên diện rộng và vượt khả năng ứng phó của cơ sở sản xuất, kinh doanh, cơ quan, tổ chức, địa phương hoặc liên quan đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương.

8. Tai nạn lao động là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.

9. Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.

10. Quan trắc môi trường lao động là hoạt động thu thập, phân tích, đánh giá số liệu đo lường các yếu tố trong môi trường lao động tại nơi làm việc để có biện pháp giảm thiểu tác hại đối với sức khỏe, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

Điều 4. Chính sách của Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

1. Tạo điều kiện thuận lợi để người sử dụng lao động, người lao động, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; khuyến khích người sử dụng lao động, người lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường trong quá trình lao động.

2. Đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động; hỗ trợ xây dựng phòng thí nghiệm, thử nghiệm đạt chuẩn quốc gia phục vụ an toàn, vệ sinh lao động.

3. Hỗ trợ phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các ngành, lĩnh vực có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; khuyến khích các tổ chức xây dựng, công bố hoặc sử dụng tiêu chuẩn kỹ thuật tiên tiến, hiện đại về an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động.

4. Hỗ trợ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

5. Phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện; xây dựng cơ chế đóng, hưởng linh hoạt nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, khắc phục rủi ro cho người lao động.

Điều 5. Nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

1. Bảo đảm quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động.

2. Tuân thủ đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại trong quá trình lao động.

3. Tham vấn ý kiến tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, Hội đồng về an toàn, vệ sinh lao động các cấp trong xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật, chương trình, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 6. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động

1. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:

a) Được bảo đảm các điều kiện làm việc công bằng, an toàn, vệ sinh lao động; yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm điều kiện làm việc an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, tại nơi làm việc;

b) Được cung cấp thông tin đầy đủ về các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và những biện pháp phòng, chống; được đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Được thực hiện chế độ bảo hộ lao động, chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; được người sử dụng lao động đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được hưởng đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; được chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động và được trả phí khám giám định trong trường hợp kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Yêu cầu người sử dụng lao động bố trí công việc phù hợp sau khi điều trị ổn định do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

đ) Từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc mà vẫn được trả đủ tiền lương và không bị coi là vi phạm kỷ luật lao động khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình nhưng phải báo ngay cho người quản lý trực tiếp để có phương án xử lý; chỉ tiếp tục làm việc khi người quản lý trực tiếp và người phụ trách công tác an toàn, vệ sinh lao động đã khắc phục các nguy cơ để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

e) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

2. Người lao động làm việc theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:

a) Chấp hành nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; tuân thủ các giao kết về an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể;

b) Sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp; các thiết bị bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

c) Báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia cấp cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có quyền sau đây:

a) Được làm việc trong điều kiện an toàn, vệ sinh lao động; được Nhà nước, xã hội và gia đình tạo điều kiện để làm việc trong môi trường an toàn, vệ sinh lao động;

b) Tiếp nhận thông tin, tuyên truyền, giáo dục về công tác an toàn, vệ sinh lao động; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động khi làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Tham gia và hưởng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện do Chính phủ quy định.

Căn cứ vào điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, khả năng ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết về việc hỗ trợ tiền đóng bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện;

d) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật.

4. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động có nghĩa vụ sau đây:

a) Chịu trách nhiệm về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc do mình thực hiện theo quy định của pháp luật;

b) Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với những người có liên quan trong quá trình lao động;

c) Thông báo với chính quyền địa phương để có biện pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi gây mất an toàn, vệ sinh lao động.

5. Cán bộ, công chức, viên chức, người thuộc lực lượng vũ trang nhân dân có quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ trường hợp văn bản quy phạm pháp luật áp dụng riêng với đối tượng này có quy định khác.

6. Người học nghề, tập nghề để làm việc cho người sử dụng lao động có quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

7. Người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động như đối với người lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này; riêng việc tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

Điều 7. Quyền và nghĩa vụ về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động

1. Người sử dụng lao động có quyền sau đây:

a) Yêu cầu người lao động phải chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

b) Khen thưởng người lao động chấp hành tốt và kỷ luật người lao động vi phạm trong việc thực hiện an toàn, vệ sinh lao động;

c) Khiếu nại, tố cáo hoặc khởi kiện theo quy định của pháp luật;

d) Huy động người lao động tham gia ứng cứu khẩn cấp, khắc phục sự cố, tai nạn lao động.

2. Người sử dụng lao động có nghĩa vụ sau đây:

a) Xây dựng, tổ chức thực hiện và chủ động phối hợp với các cơ quan, tổ chức trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thuộc phạm vi trách nhiệm của mình cho người lao động và những người có liên quan; đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

b) Tổ chức huấn luyện, hướng dẫn các quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; trang bị đầy đủ phương tiện, công cụ lao động bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện việc chăm sóc sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

c) Không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động;

d) Cử người giám sát, kiểm tra việc thực hiện nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc theo quy định của pháp luật;

đ) Bố trí bộ phận hoặc người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở thành lập mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phân định trách nhiệm và giao quyền hạn về công tác an toàn, vệ sinh lao động;

e) Thực hiện việc khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; thống kê, báo cáo tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động; chấp hành quyết định của thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động;

g) Lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở khi xây dựng kế hoạch, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 8. Quyền, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác

1. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận và các tổ chức xã hội khác trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có quyền và trách nhiệm sau đây:

a) Phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; phát triển các dịch vụ an toàn, vệ sinh lao động;

b) Tham gia ý kiến, giám sát, phản biện xã hội trong việc xây dựng chế độ chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;

c) Tham gia cùng với các cơ quan quản lý nhà nước đề xuất giải pháp cải thiện điều kiện lao động, phòng, chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, triển khai công tác nghiên cứu khoa học;

d) Vận động đoàn viên, hội viên thực hiện công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động;

đ) Phát hiện và kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Tổ chức đại diện người sử dụng lao động thực hiện quyền và trách nhiệm quy định tại khoản 1 Điều này; có trách nhiệm tham gia Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 88 của Luật này; vận động người sử dụng lao động tổ chức đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, thỏa ước lao động tập thể, thực hiện các biện pháp cải thiện điều kiện lao động nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

Điều 9. Quyền, trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

1. Tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tham gia xây dựng, hướng dẫn thực hiện, giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy chế, nội quy và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cải thiện điều kiện lao động cho người lao động tại nơi làm việc; tham gia điều tra tai nạn lao động theo quy định của pháp luật.

3. Yêu cầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, thực hiện các biện pháp khắc phục, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động khi phát hiện nơi làm việc có yếu tố có hại hoặc yếu tố nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của con người trong quá trình lao động.

4. Vận động người lao động chấp hành quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

5. Đại diện tập thể người lao động khởi kiện khi quyền của tập thể người lao động về an toàn, vệ sinh lao động bị xâm phạm; đại diện cho người lao động khởi kiện khi quyền của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động bị xâm phạm và được người lao động ủy quyền.

6. Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ, đào tạo, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; kiến nghị các giải pháp chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

7. Phối hợp với cơ quan nhà nước tổ chức phong trào thi đua về an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động; tổ chức và hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.

8. Khen thưởng công tác an toàn, vệ sinh lao động theo quy định, của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

Điều 10. Quyền, trách nhiệm của công đoàn cơ sở trong công tác an toàn, vệ sinh lao động

1. Tham gia với người sử dụng lao động xây dựng và giám sát việc thực hiện kế hoạch, quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, cải thiện điều kiện lao động.

2. Đại diện cho tập thể người lao động thương lượng, ký kết và giám sát việc thực hiện điều khoản về an toàn, vệ sinh lao động trong thỏa ước lao động tập thể; có trách nhiệm giúp đỡ người lao động khiếu nại, khởi kiện khi quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng bị xâm phạm.

3. Đối thoại với người sử dụng lao động để giải quyết các vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động; giám sát và yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện đúng các quy định về an toàn, vệ sinh lao động; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động điều tra tai nạn lao động và giám sát việc giải quyết chế độ, đào tạo nghề và bố trí công việc cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

5. Kiến nghị với người sử dụng lao động, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động và xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

6. Tuyên truyền, vận động người lao động, người sử dụng lao động thực hiện tốt các quy định của pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức tập huấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho cán bộ công đoàn và người lao động.

7. Yêu cầu người có trách nhiệm thực hiện ngay biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, kể cả trường hợp phải tạm ngừng hoạt động nếu cần thiết khi phát hiện nơi làm việc có nguy cơ gây nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng của người lao động.

8. Tham gia Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này; tham gia, phối hợp với người sử dụng lao động để ứng cứu, khắc phục hậu quả sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động; trường hợp người sử dụng lao động không thực hiện nghĩa vụ khai báo theo quy định tại Điều 34 của Luật này thì công đoàn cơ sở có trách nhiệm thông báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định tại Điều 35 của Luật này để tiến hành điều tra.

9. Phối hợp với người sử dụng lao động tổ chức các phong trào thi đua, phong trào quần chúng làm công tác an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc; quản lý, hướng dẫn hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên.

10. Những cơ sở sản xuất, kinh doanh chưa thành lập công đoàn cơ sở thì công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thực hiện quyền, trách nhiệm quy định tại Điều này khi được người lao động ở đó yêu cầu.

Điều 11. Quyền, trách nhiệm của Hội nông dân Việt Nam

1. Tham gia với cơ quan nhà nước xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho nông dân. Kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động là nông dân về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Tham gia, phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của người lao động là nông dân; tham gia điều tra tai nạn lao động khi người bị tai nạn lao động là nông dân.

3. Tham gia hoạt động tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho nông dân.

4. Phối hợp với cơ quan nhà nước trong việc chăm lo cải thiện điều kiện lao động, phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho nông dân.

5. Vận động nông dân tham gia phong trào bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho nông dân theo quy định của pháp luật.

Điều 12. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Che giấu, khai báo hoặc báo cáo sai sự thật về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không thực hiện các yêu cầu, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động gây tổn hại hoặc có nguy cơ gây tổn hại đến người, tài sản, môi trường; buộc người lao động phải làm việc hoặc không được rời khỏi nơi làm việc khi có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng sức khỏe, tính mạng của họ hoặc buộc người lao động tiếp tục làm việc khi các nguy cơ đó chưa được khắc phục.

2. Trốn đóng, chậm đóng tiền bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gian lận, giả mạo hồ sơ trong việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; không chi trả chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động; quản lý, sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp không đúng quy định của pháp luật; truy cập, khai thác trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

3. Sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không được kiểm định hoặc kết quả kiểm định không đạt yêu cầu hoặc không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, hết hạn sử dụng, không bảo đảm chất lượng, gây ô nhiễm môi trường.

4. Gian lận trong các hoạt động kiểm định, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, quan trắc môi trường lao động, giám định y khoa để xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; cản trở, gây khó khăn hoặc làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động, người sử dụng lao động.

5. Phân biệt đối xử về giới trong bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phân biệt đối xử vì lý do người lao động từ chối làm công việc hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; phân biệt đối xử vì lý do đã thực hiện công việc, nhiệm vụ bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở của người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, an toàn, vệ sinh viên, người làm công tác y tế.

6. Sử dụng lao động hoặc làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động khi chưa được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

7. Trả tiền thay cho việc bồi dưỡng bằng hiện vật.

Chương II

CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG, CHỐNG CÁC YẾU TỐ NGUY HIỂM, YẾU TỐ CÓ HẠI CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG

Mục 1. THÔNG TIN, TUYÊN TRUYỀN, GIÁO DỤC, HUẤN LUYỆN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 13. Thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động

1. Người sử dụng lao động phải thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc cho người lao động; hướng dẫn quy định về an toàn, vệ sinh lao động cho người đến thăm, làm việc tại cơ sở của mình.

2. Nhà sản xuất phải cung cấp thông tin về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động kèm theo sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn cho người sử dụng trong quá trình lao động.

3. Cơ quan, tổ chức, hộ gia đình có nhiệm vụ tổ chức thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến kiến thức và kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động của mình; tuyên truyền, vận động xóa bỏ hủ tục, thói quen mất vệ sinh, gây hại, nguy hiểm cho sức khỏe bản thân và cộng đồng trong quá trình lao động.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể của địa phương, hằng năm, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương.

4. Cơ quan thông tin đại chúng có trách nhiệm thường xuyên tổ chức thông tin, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và kiến thức về an toàn, vệ sinh lao động, lồng ghép thông tin về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp với các chương trình, hoạt động thông tin, truyền thông khác.

Điều 14. Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động

1. Người quản lý phụ trách an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế, an toàn, vệ sinh viên trong cơ sở sản xuất, kinh doanh phải tham dự khóa huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và được tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cấp giấy chứng nhận sau khi kiểm tra, sát hạch đạt yêu cầu.

Trường hợp có thay đổi về chính sách, pháp luật hoặc khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động thì phải được huấn luyện, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Người sử dụng lao động tổ chức huấn luyện cho người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và cấp thẻ an toàn trước khi bố trí làm công việc này.

3. Người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động phải được huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động khi làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và được cấp thẻ an toàn.

Nhà nước có chính sách hỗ trợ học phí cho người lao động quy định tại khoản này khi tham gia khóa huấn luyện. Mức, đối tượng và thời gian hỗ trợ do Chính phủ quy định chi tiết tùy theo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ.

4. Người sử dụng lao động tự tổ chức huấn luyện và chịu trách nhiệm về chất lượng huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này, người học nghề, tập nghề, người thử việc trước khi tuyển dụng hoặc bố trí làm việc và định kỳ huấn luyện lại nhằm trang bị đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình lao động, phù hợp với vị trí công việc được giao.

5. Việc huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại Điều này phải phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng ngành nghề, vị trí công việc, quy mô lao động và không gây khó khăn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của cơ sở sản xuất, kinh doanh, người sử dụng lao động chủ động tổ chức huấn luyện riêng về an toàn, vệ sinh lao động hoặc kết hợp huấn luyện các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động với huấn luyện về phòng cháy, chữa cháy hoặc nội dung huấn luyện khác được pháp luật chuyên ngành quy định.

6. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sau khi có ý kiến của các bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan.

7. Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động là đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật đầu tư và Luật này.

Trường hợp doanh nghiệp tự huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho các đối tượng quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này thì phải đáp ứng điều kiện hoạt động như đối với tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

8. Chính phủ quy định chi tiết về cơ quan có thẩm quyền cấp, điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tiêu chuẩn về người huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 7 Điều này; việc huấn luyện, tự huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Mục 2. NỘI QUY, QUY TRÌNH VÀ CÁC BIỆN PHÁP BẢO ĐẢM AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG TẠI NƠI LÀM VIỆC

Điều 15. Nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động

Người sử dụng lao động căn cứ pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động và điều kiện hoạt động sản xuất, kinh doanh, lao động để xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 16. Trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

1. Bảo đảm nơi làm việc phải đạt yêu cầu về không gian, độ thoáng, bụi, hơi, khí độc, phóng xạ, điện từ trường, nóng, ẩm, ồn, rung, các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại khác được quy định tại các quy chuẩn kỹ thuật liên quan và định kỳ kiểm tra, đo lường các yếu tố đó; bảo đảm có đủ buồng tắm, buồng vệ sinh phù hợp tại nơi làm việc theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

2. Bảo đảm máy, thiết bị, vật tư, chất được sử dụng, vận hành, bảo trì, bảo quản tại nơi làm việc theo quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động, hoặc đạt các tiêu chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động đã được công bố, áp dụng và theo nội quy, quy trình bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

3. Trang cấp đầy đủ cho người lao động các phương tiện bảo vệ cá nhân khi thực hiện công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; trang bị các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc.

4. Hằng năm hoặc khi cần thiết, tổ chức kiểm tra, đánh giá các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để tiến hành các biện pháp về công nghệ, kỹ thuật nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc, cải thiện điều kiện lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

5. Định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng máy, thiết bị, vật tư, chất, nhà xưởng, kho tàng.

6. Phải có biển cảnh báo, bảng chỉ dẫn bằng tiếng Việt và ngôn ngữ phổ biến của người lao động về an toàn, vệ sinh lao động đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc, nơi lưu giữ, bảo quản, sử dụng và đặt ở vị trí dễ đọc, dễ thấy.

7. Tuyên truyền, phổ biến hoặc huấn luyện cho người lao động quy định, nội quy, quy trình về an toàn, vệ sinh lao động, biện pháp phòng, chống yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc có liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

8. Xây dựng, ban hành kế hoạch xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc; tổ chức xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp, lực lượng ứng cứu và báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi phát hiện nguy cơ hoặc khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc vượt ra khỏi khả năng kiểm soát của người sử dụng lao động.

Điều 17. Trách nhiệm của người lao động trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc

1. Chấp hành quy định, nội quy, quy trình, yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành liên quan đến công việc, nhiệm vụ được giao.

2. Tuân thủ pháp luật và nắm vững kiến thức, kỹ năng về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; sử dụng và bảo quản các phương tiện bảo vệ cá nhân đã được trang cấp, các thiết bị an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc trong quá trình thực hiện các công việc, nhiệm vụ được giao.

3. Phải tham gia huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động trước khi sử dụng các máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Ngăn chặn nguy cơ trực tiếp gây mất an toàn, vệ sinh lao động, hành vi vi phạm quy định an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; báo cáo kịp thời với người có trách nhiệm khi biết tai nạn lao động, sự cố hoặc phát hiện nguy cơ xảy ra sự cố, tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp; chủ động tham gia ứng cứu, khắc phục sự cố, tai nạn lao động theo phương án xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp hoặc khi có lệnh của người sử dụng lao động hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 18. Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc

1. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc để đề ra các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động; thực hiện các biện pháp khử độc, khử trùng cho người lao động làm việc ở nơi có yếu tố gây nhiễm độc, nhiễm trùng.

2. Đối với yếu tố có hại được Bộ trưởng Bộ Y tế quy định giới hạn tiếp xúc cho phép để kiểm soát tác hại đối với sức khỏe người lao động thì người sử dụng lao động phải tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại ít nhất một lần trong một năm. Đơn vị tổ chức quan trắc môi trường lao động phải có đủ điều kiện về cơ sở, vật chất, trang thiết bị và nhân lực.

3. Đối với yếu tố nguy hiểm thì người sử dụng lao động phải thường xuyên kiểm soát, quản lý đúng yêu cầu kỹ thuật nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc và ít nhất một lần trong một năm phải tổ chức kiểm tra, đánh giá yếu tố này theo quy định của pháp luật.

4. Ngay sau khi có kết quả quan trắc môi trường lao động để đánh giá yếu tố có hại và kết quả kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải:

a) Thông báo công khai cho người lao động tại nơi quan trắc môi trường lao động và nơi được kiểm tra, đánh giá, quản lý yếu tố nguy hiểm;

b) Cung cấp thông tin khi tổ chức công đoàn, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền yêu cầu;

c) Có biện pháp khắc phục, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe cho người lao động.

5. Chính phủ quy định chi tiết về việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc và điều kiện hoạt động của tổ chức quan trắc môi trường lao động bảo đảm phù hợp với Luật đầu tư, Luật doanh nghiệp.

Điều 19. Biện pháp xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và ứng cứu khẩn cấp

1. Người sử dụng lao động phải có phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp và định kỳ tổ chức diễn tập theo quy định của pháp luật; trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng cứu, sơ cứu kịp thời khi xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, tai nạn lao động.

2. Trách nhiệm xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp:

a) Người sử dụng lao động phải ra lệnh ngừng ngay hoạt động của máy, thiết bị, việc sử dụng vật tư, chất, hoạt động lao động tại nơi làm việc có nguy cơ gây tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; không được buộc người lao động tiếp tục làm công việc hoặc trở lại nơi làm việc nếu các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của người lao động chưa được khắc phục; thực hiện các biện pháp khắc phục, các biện pháp theo phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp để tổ chức cứu người, tài sản, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động, người xung quanh nơi làm việc, tài sản và môi trường; kịp thời thông báo cho chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố hoặc ứng cứu khẩn cấp;

b) Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra ở cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương nào thì người sử dụng lao động, địa phương đó có trách nhiệm huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực và phương tiện để kịp thời ứng phó sự cố theo quy định của pháp luật chuyên ngành;

c) Sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra liên quan đến nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương thì người sử dụng lao động, chính quyền địa phương nơi xảy ra sự cố có trách nhiệm ứng phó và báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương thì phải khẩn cấp báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp để kịp thời huy động các cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương khác tham gia ứng cứu; cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa phương được yêu cầu huy động phải thực hiện và phối hợp thực hiện biện pháp ứng cứu khẩn cấp trong phạm vi, khả năng của mình.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 20. Cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động

1. Người sử dụng lao động phải thường xuyên phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở để tổ chức cho người lao động tham gia hoạt động cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc.

2. Khuyến khích người sử dụng lao động áp dụng các tiêu chuẩn kỹ thuật, hệ thống quản lý tiên tiến, hiện đại và áp dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, công nghệ thân thiện với môi trường vào hoạt động sản xuất, kinh doanh nhằm cải thiện điều kiện lao động, bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động.

Mục 3. CHẾ ĐỘ BẢO HỘ LAO ĐỘNG, CHĂM SÓC SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG

Điều 21. Khám sức khỏe và điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe ít nhất một lần cho người lao động; đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động là người khuyết tật, người lao động chưa thành niên, người lao động cao tuổi được khám sức khỏe ít nhất 06 tháng một lần.

2. Khi khám sức khỏe theo quy định tại khoản 1 Điều này, lao động nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản, người làm việc trong môi trường lao động tiếp xúc với các yếu tố có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám phát hiện bệnh nghề nghiệp.

3. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động trước khi bố trí làm việc và trước khi chuyển sang làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hơn hoặc sau khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đã phục hồi sức khỏe, tiếp tục trở lại làm việc, trừ trường hợp đã được Hội đồng y khoa khám giám định mức suy giảm khả năng lao động.

4. Người sử dụng lao động tổ chức khám sức khỏe cho người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn kỹ thuật.

5. Người sử dụng lao động đưa người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ điều kiện chuyên môn kỹ thuật để điều trị theo phác đồ điều trị bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

6. Chi phí cho hoạt động khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, điều trị bệnh nghề nghiệp cho người lao động do người sử dụng lao động chi trả quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 5 Điều này được hạch toán vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp và hạch toán vào chi phí hoạt động thường xuyên đối với cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp không có hoạt động dịch vụ.

Điều 22. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

1. Nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được phân loại căn cứ vào đặc điểm, điều kiện lao động đặc trưng của mỗi nghề, công việc.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm sau khi có ý kiến của Bộ Y tế; quy định tiêu chuẩn phân loại lao động theo điều kiện lao động.

3. Người sử dụng lao động thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động và chăm sóc sức khỏe đối với người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật.

Điều 23. Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động

1. Người lao động làm công việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động trang cấp đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân và phải sử dụng trong quá trình làm việc.

2. Người sử dụng lao động thực hiện các giải pháp về công nghệ, kỹ thuật, thiết bị để loại trừ hoặc hạn chế tối đa yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động.

3. Người sử dụng lao động khi thực hiện trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân phải bảo đảm các nguyên tắc sau đây:

a) Đúng chủng loại, đúng đối tượng, đủ số lượng, bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

b) Không phát tiền thay cho việc trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân; không buộc người lao động tự mua hoặc thu tiền của người lao động để mua phương tiện bảo vệ cá nhân;

c) Hướng dẫn, giám sát người lao động sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân;

d) Tổ chức thực hiện biện pháp khử độc, khử trùng, tẩy xạ bảo đảm vệ sinh đối với phương tiện bảo vệ cá nhân đã qua sử dụng ở những nơi dễ gây nhiễm độc, nhiễm trùng, nhiễm xạ.

4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về chế độ trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.

Điều 24. Bồi dưỡng bằng hiện vật

1. Người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại được người sử dụng lao động bồi dưỡng bằng hiện vật.

2. Việc bồi dưỡng bằng hiện vật theo nguyên tắc sau đây:

a) Giúp tăng cường sức đề kháng và thải độc của cơ thể;

b) Bảo đảm thuận tiện, an toàn, vệ sinh thực phẩm;

c) Thực hiện trong ca, ngày làm việc, trừ trường hợp đặc biệt do tổ chức lao động không thể tổ chức bồi dưỡng tập trung tại chỗ.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc bồi dưỡng bằng hiện vật.

Điều 25. Thời giờ làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm bảo đảm thời gian tiếp xúc với yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại của người lao động nằm trong giới hạn an toàn được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và các quy định của pháp luật có liên quan.

2. Thời giờ làm việc đối với người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được thực hiện theo quy định của pháp luật lao động.

Điều 26. Điều dưỡng phục hồi sức khỏe

Hằng năm, khuyến khích người sử dụng lao động tổ chức cho người lao động làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, người lao động làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và người lao động có sức khỏe kém được điều dưỡng phục hồi sức khỏe.

Điều 27. Quản lý sức khỏe người lao động

1. Người sử dụng lao động phải căn cứ vào tiêu chuẩn sức khỏe quy định cho từng loại nghề, công việc và kết quả khám sức khỏe để sắp xếp công việc phù hợp cho người lao động.

2. Người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và quản lý hồ sơ sức khỏe của người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp; thông báo kết quả khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp để người lao động biết; hằng năm, báo cáo về việc quản lý sức khỏe người lao động thuộc trách nhiệm quản lý cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế có thẩm quyền.

Mục 4. QUẢN LÝ MÁY, THIẾT BỊ, VẬT TƯ, CHẤT CÓ YÊU CẦU NGHIÊM NGẶT VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 28. Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

1. Máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động là máy, thiết bị, vật tư, chất trong điều kiện lưu giữ, vận chuyển, bảo quản, sử dụng hợp lý, đúng mục đích và đúng theo hướng dẫn của nhà sản xuất nhưng trong quá trình lao động, sản xuất vẫn tiềm ẩn khả năng xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng con người.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động trên cơ sở đề nghị của các bộ quy định tại Điều 33 của Luật này.

Điều 29. Lập phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động khi xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

1. Trong hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng mới, mở rộng hoặc cải tạo công trình, cơ sở để sản xuất, sử dụng, bảo quản, lưu giữ máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, chủ đầu tư, người sử dụng lao động phải có phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động và môi trường.

2. Phương án bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Địa điểm, quy mô công trình, cơ sở;

b) Liệt kê, mô tả chi tiết các hạng mục trong công trình, cơ sở;

c) Nêu rõ những yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại, sự cố có thể phát sinh trong quá trình hoạt động;

d) Các biện pháp cụ thể nhằm loại trừ, giảm thiểu yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại; phương án xử lý sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng, ứng cứu khẩn cấp.

Điều 30. Sử dụng máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

1. Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, trong thời hạn sử dụng, bảo đảm chất lượng, phải được kiểm định theo quy định tại khoản 1 Điều 31 của Luật này, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác.

2. Khi đưa vào sử dụng hoặc không còn sử dụng, thải bỏ các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức, cá nhân phải khai báo với cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) tại nơi sử dụng theo thẩm quyền quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 của Luật này, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác.

3. Trong quá trình sử dụng máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm định kỳ kiểm tra, bảo dưỡng, lập và lưu giữ hồ sơ kỹ thuật an toàn máy, thiết bị, vật tư theo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng.

4. Việc sử dụng chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thực hiện theo quy định của pháp luật về hóa chất và pháp luật chuyên ngành.

Điều 31. Kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động

1. Các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng và kiểm định định kỳ trong quá trình sử dụng bởi tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

2. Việc kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch.

3. Chính phủ quy định chi tiết về cơ quan có thẩm quyền cấp, điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, trình tự, thủ tục, hồ sơ cấp mới, cấp lại, gia hạn, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động của tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; tiêu chuẩn kiểm định viên đáp ứng các yêu cầu kiểm định của đối tượng kiểm định; việc kiểm định máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Điều 32. Quyền và nghĩa vụ của tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động

1. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động là đơn vị sự nghiệp công lập hoặc doanh nghiệp cung ứng dịch vụ kiểm định kỹ thuật an toàn lao động.

2. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có quyền sau đây:

a) Thực hiện hoạt động kiểm định theo hợp đồng cung cấp dịch vụ kiểm định;

b) Từ chối cung ứng dịch vụ kiểm định khi không bảo đảm điều kiện an toàn khi thực hiện hoạt động kiểm định máy, thiết bị, vật tư;

c) Kiến nghị, khiếu nại, tố cáo hành vi cản trở hoạt động kiểm định;

d) Yêu cầu tổ chức, cá nhân có đối tượng đề nghị được kiểm định cung cấp các tài liệu, thông tin phục vụ hoạt động kiểm định.

3. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động có nghĩa vụ sau đây:

a) Cung ứng dịch vụ kiểm định trong phạm vi, đối tượng được quy định trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định;

b) Thực hiện kiểm định theo quy trình kiểm định;

c) Chịu trách nhiệm về kết quả kiểm định, bồi thường thiệt hại do hoạt động kiểm định gây ra theo quy định của pháp luật; thu hồi kết quả kiểm định đã cấp khi phát hiện sai phạm;

d) Hằng năm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quản lý lĩnh vực theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 33 của Luật này và cơ quan quản lý nhà nước về lao động tình hình hoạt động kiểm định đã thực hiện theo quy định của pháp luật;

đ) Lưu giữ hồ sơ kiểm định.

Điều 33. Trách nhiệm của các bộ trong việc quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động

1. Các bộ có trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư và chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo phạm vi như sau:

a) Bộ Y tế chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến thực phẩm, dược phẩm, vắc xin, sinh phẩm y tế, mỹ phẩm, nguyên liệu sản xuất thuốc, thuốc cho người, hóa chất gia dụng, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn, trang thiết bị y tế;

b) Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến cây trồng, vật nuôi, phân bón, thức ăn chăn nuôi, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, chế phẩm sinh học dùng trong nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nghiệp, thủy sản, công trình thủy lợi, đê điều;

c) Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến phương tiện giao thông vận tải, phương tiện, thiết bị xếp dỡ, thi công vận tải chuyên dùng, phương tiện, thiết bị thăm dò, khai thác trên biển, công trình hạ tầng giao thông;

d) Bộ Công Thương chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến thiết bị áp lực, thiết bị nâng đặc thù chuyên ngành công nghiệp, hóa chất, vật liệu nổ công nghiệp, trang thiết bị khai thác mỏ, dầu khí, trừ các thiết bị, phương tiện thăm dò, khai thác trên biển;

đ) Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động sử dụng trong thi công xây dựng;

e) Bộ Khoa học và Công nghệ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với lò phản ứng hạt nhân, vật liệu hạt nhân, vật liệu hạt nhân nguồn, chất phóng xạ, thiết bị bức xạ;

g) Bộ Thông tin và Truyền thông chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với các loại máy, thiết bị sử dụng trong phát thanh, truyền hình;

h) Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với phương tiện, trang thiết bị quân sự, vũ khí đạn dược, khí tài, sản phẩm phục vụ quốc phòng, công trình quốc phòng;

i) Bộ Công an chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với trang thiết bị phòng cháy, chữa cháy; trang thiết bị kỹ thuật, vũ khí đạn dược, khí tài, công cụ hỗ trợ, trừ trường hợp quy định tại điểm h khoản này;

k) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động và các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động không thuộc quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản này.

2. Căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm phối hợp với bộ quản lý ngành, lĩnh vực có liên quan để trình Chính phủ quyết định phân công cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm quản lý đối với máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động mới, chưa được quy định tại khoản 1 Điều này hoặc máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều bộ mà chưa được xác định rõ thuộc thẩm quyền quản lý của bộ nào quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Các bộ căn cứ vào thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này và Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này có trách nhiệm như sau:

a) Xây dựng chi tiết Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý gửi Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành;

b) Ban hành các quy trình kiểm định máy, thiết bị, vật tư và quản lý chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý sau khi có ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;

c) Tổ chức kiểm tra hoạt động kiểm định thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này.

d) Hằng năm, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về việc quản lý máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, trừ trường hợp luật chuyên ngành có quy định khác.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ có liên quan rà soát Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động để sửa đổi, bổ sung phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội, khoa học công nghệ, quản lý trong từng thời kỳ.

Chương III

CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ SỰ CỐ KỸ THUẬT GÂY MẤT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Mục 1. KHAI BÁO, THỐNG KÊ, BÁO CÁO, ĐIỀU TRA SỰ CỐ KỸ THUẬT GÂY MẤT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG, TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 34. Khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động

1. Việc khai báo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động thực hiện như sau:

a) Khi xảy ra hoặc có nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc thì người bị tai nạn hoặc người biết sự việc phải báo ngay cho người phụ trách trực tiếp, người sử dụng lao động biết để kịp thời có biện pháp xử lý, khắc phục hậu quả xảy ra;

b) Đối với các vụ tai nạn quy định tại điểm a khoản này làm chết người hoặc làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì người sử dụng lao động có trách nhiệm khai báo ngay với cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn; trường hợp tai nạn làm chết người thì phải đồng thời báo ngay cho cơ quan Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là cấp huyện);

c) Đối với các vụ tai nạn, sự cố xảy ra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân, người sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện khai báo theo quy định của luật chuyên ngành;

d) Khi xảy ra tai nạn lao động làm chết người hoặc bị thương nặng đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì gia đình nạn nhân hoặc người phát hiện có trách nhiệm khai báo ngay với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) nơi xảy ra tai nạn lao động để kịp thời có biện pháp xử lý.

Trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên thì Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm báo cáo ngay với cơ quan Công an cấp huyện và cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh nơi xảy ra tai nạn để kịp thời có biện pháp xử lý.

Trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì người phát hiện có trách nhiệm kịp thời khai báo với Ủy ban nhân dân cấp xã tại nơi xảy ra sự cố kỹ thuật và việc báo cáo thực hiện theo quy định tại Điều 19 và Điều 36 của Luật này.

2. Trong phạm vi trách nhiệm của mình, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phải xem xét, giải quyết tin báo về tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, thông báo kết quả giải quyết tin báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã báo tin khi có yêu cầu và phải áp dụng các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người đã báo tin.

Điều 35. Điều tra vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở để tiến hành điều tra tai nạn lao động làm bị thương nhẹ, tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động thuộc thẩm quyền quản lý của mình, trừ trường hợp đã được điều tra theo quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này hoặc tai nạn lao động được cơ quan nhà nước có thẩm quyền điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở gồm có người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động khi chưa thành lập tổ chức công đoàn cơ sở, người làm công tác an toàn lao động, người làm công tác y tế và một số thành viên khác.

Trường hợp tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xảy ra tai nạn lao động phải lập biên bản ghi nhận sự việc và báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xảy ra tai nạn.

2. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh để tiến hành điều tra tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên, kể cả người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở đã điều tra khi có khiếu nại, tố cáo hoặc khi xét thấy cần thiết.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh gồm có đại diện của Thanh tra chuyên ngành về an toàn, vệ sinh lao động thuộc cơ quan quản lý nhà nước cấp tỉnh làm Trưởng đoàn và các thành viên là đại diện Sở Y tế, đại diện Liên đoàn Lao động cấp tỉnh và một số thành viên khác.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương để tiến hành điều tra các vụ tai nạn lao động khi xét thấy tính chất nghiêm trọng của tai nạn lao động hoặc mức độ phức tạp của việc điều tra tai nạn lao động vượt quá khả năng xử lý của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh; điều tra lại vụ tai nạn lao động đã được Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp tỉnh có trách nhiệm điều tra.

Thành phần Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp trung ương gồm có đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại diện Bộ Y tế, đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và một số thành viên khác.

4. Đối với các vụ tai nạn, sự cố quy định tại điểm c khoản 1 Điều 34 của Luật này, việc thực hiện điều tra theo quy định của pháp luật chuyên ngành, pháp luật về lao động và có sự phối hợp của Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động.

5. Người sử dụng lao động và các cá nhân liên quan đến tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng phải có nghĩa vụ hợp tác với Đoàn điều tra, cung cấp đầy đủ thông tin, tài liệu có liên quan và không được từ chối hoặc cản trở quá trình điều tra.

Trường hợp tai nạn trên đường đi và về từ nơi ở đến nơi làm việc thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm cung cấp cho Đoàn điều tra một trong các giấy tờ sau đây:

a) Biên bản khám nghiệm hiện trường và sơ đồ hiện trường vụ tai nạn;

b) Biên bản điều tra tai nạn giao thông;

c) Trường hợp không có các giấy tờ quy định tại điểm a, điểm b khoản này thì phải có văn bản xác nhận bị tai nạn của cơ quan Công an xã, phường, thị trấn nơi xảy ra tai nạn theo đề nghị của người lao động hoặc thân nhân của người lao động.

6. Thời hạn điều tra vụ tai nạn lao động thuộc thẩm quyền của Đoàn điều tra tai nạn lao động cấp cơ sở, cấp tỉnh và cấp trung ương quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này được tính từ thời điểm nhận tin báo, khai báo tai nạn lao động đến khi công bố biên bản điều tra tai nạn lao động như sau:

a) Không quá 04 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nhẹ người lao động;

b) Không quá 07 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng một người lao động;

c) Không quá 20 ngày đối với tai nạn lao động làm bị thương nặng từ hai người lao động trở lên;

d) Không quá 30 ngày đối với tai nạn lao động chết người; không quá 60 ngày đối với tai nạn lao động cần phải giám định kỹ thuật hoặc giám định pháp y. Trường hợp các vụ tai nạn có dấu hiệu tội phạm do cơ quan điều tra tiến hành điều tra nhưng sau đó ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự thì thời hạn điều tra được tính từ khi Đoàn điều tra tai nạn lao động nhận được đầy đủ tài liệu, đồ vật, phương tiện có liên quan đến vụ tai nạn.

Đối với tai nạn lao động được quy định tại các điểm b, c và d của khoản này có tình tiết phức tạp thì được gia hạn thời gian điều tra một lần nhưng thời hạn gia hạn không vượt quá thời hạn quy định tại các điểm này; Trưởng đoàn điều tra phải báo cáo việc gia hạn và được sự đồng ý của người ban hành quyết định thành lập Đoàn điều tra tai nạn lao động đối với tai nạn lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản này.

7. Trong quá trình điều tra tai nạn lao động quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này mà phát hiện có dấu hiệu tội phạm, Đoàn điều tra phải báo cáo bằng văn bản, kèm theo các tài liệu, chuyển giao đồ vật, phương tiện liên quan (nếu có) cho cơ quan điều tra để xem xét, khởi tố vụ án hình sự theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

Thời hạn giải quyết đối với kiến nghị khởi tố thực hiện theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự; trường hợp cơ quan điều tra ra quyết định không khởi tố vụ án, thì trong thời hạn 05 ngày, kể từ khi ra quyết định không khởi tố vụ án hình sự, cơ quan điều tra có trách nhiệm cung cấp và chuyển giao cho Đoàn điều tra tai nạn lao động các tài liệu, đồ vật, phương tiện liên quan đến vụ tai nạn lao động.

8. Biên bản điều tra tai nạn lao động phải được công bố công khai tại cuộc họp dưới sự chủ trì của Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động và các thành viên tham dự là thành viên của Đoàn điều tra, người sử dụng lao động hoặc người đại diện được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản, đại diện tổ chức công đoàn, người bị nạn hoặc đại diện thân nhân người bị nạn, người biết sự việc, người có liên quan đến vụ tai nạn; trường hợp xảy ra tai nạn lao động chết người còn có đại diện cơ quan Công an, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp.

Biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động phải gửi đến các cơ quan có thành viên trong Đoàn điều tra tai nạn lao động, cơ quan quản lý nhà nước về lao động, người sử dụng lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động và các nạn nhân hoặc thân nhân người bị tai nạn lao động.

9. Trách nhiệm công bố biên bản điều tra tai nạn lao động và các thông tin cần thiết khác liên quan đến tai nạn lao động như sau:

a) Người sử dụng lao động có trách nhiệm công bố thông tin nếu việc điều tra vụ tai nạn lao động quy định tại khoản 1 Điều này thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động; Ủy ban nhân dân cấp xã công bố thông tin nếu vụ tai nạn lao động do Ủy ban nhân dân cấp xã lập biên bản;

b) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động hoặc cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện điều tra các vụ tai nạn lao động quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này có trách nhiệm công bố thông tin;

c) Trưởng đoàn điều tra tai nạn lao động hoặc cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện điều tra các vụ tai nạn lao động có trách nhiệm công bố thông tin, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

Sau khi nhận được biên bản điều tra tai nạn lao động và biên bản cuộc họp công bố biên bản điều tra tai nạn lao động, người sử dụng lao động phải thực hiện niêm yết công khai, đầy đủ thông tin để người lao động của cơ sở xảy ra tai nạn lao động biết; trường hợp tai nạn lao động xảy ra đối với người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động thì Ủy ban nhân dân cấp xã phải niêm yết công khai để nhân dân biết;

d) Trưởng đoàn điều tra hoặc cơ quan nhà nước chủ trì thực hiện điều tra tai nạn, sự cố theo quy định tại khoản 4 Điều này, điều tra sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng có trách nhiệm công bố công khai biên bản điều tra và các thông tin cần thiết khác liên quan sau khi hết thời hạn điều tra, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

10. Trường hợp vượt quá thời hạn điều tra đối với tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động và sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng quy định tại Điều này mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

11. Chính phủ quy định chi tiết về phân loại, khai báo, điều tra, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và việc giải quyết chế độ tai nạn lao động cho người lao động trong trường hợp vụ tai nạn lao động có quyết định khởi tố vụ án hình sự.

Điều 36. Thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng

1. Người sử dụng lao động phải thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng tại cơ sở của mình và định kỳ 06 tháng, hằng năm, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

2. Định kỳ 06 tháng, hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp xã thống kê, báo cáo tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng liên quan đến người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động quy định tại điểm d khoản 1 Điều 34 của Luật này với Ủy ban nhân dân cấp huyện để tổng hợp, báo cáo cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.

3. Cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh có trách nhiệm báo cáo các vụ tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng được thống kê, báo cáo theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội như sau:

a) Báo cáo nhanh các vụ tai nạn lao động chết người, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn;

b) Định kỳ 06 tháng, hằng năm, gửi báo cáo tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng và công tác an toàn lao động trên địa bàn.

4. Định kỳ 06 tháng, hằng năm, Bộ Y tế thống kê các trường hợp người bị tai nạn lao động khám và điều trị tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp.

5. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức, hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về an toàn lao động trong phạm vi cả nước.

Điều 37. Thống kê, báo cáo về bệnh nghề nghiệp

1. Tất cả người lao động bị mắc bệnh nghề nghiệp phải được thống kê và báo cáo theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi lấy ý kiến của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức xã hội có liên quan và được rà soát sửa đổi, bổ sung phù hợp với thay đổi về môi trường lao động, thiết bị, công nghệ.

2. Hằng năm, người sử dụng lao động phải báo cáo, thống kê về phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh để tổng hợp, báo cáo Bộ Y tế.

3. Hằng năm, Bộ Y tế gửi báo cáo thống kê, đánh giá về bệnh nghề nghiệp, tình hình thực hiện công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp, báo cáo Chính phủ.

4. Bộ Y tế tổ chức, hướng dẫn việc thu thập, lưu trữ, tổng hợp, cung cấp, công bố, đánh giá về tình hình bệnh nghề nghiệp; tổ chức xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về phòng, chống bệnh nghề nghiệp; tổ chức điều tra bệnh nghề nghiệp.

Mục 2. TRÁCH NHIỆM CỦA NGƯỜI SỬ DỤNG LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI NGƯỜI LAO ĐỘNG BỊ TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 38. Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Người sử dụng lao động có trách nhiệm đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như sau:

1. Kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho người lao động bị tai nạn lao động và phải tạm ứng chi phí sơ cứu, cấp cứu và điều trị cho người lao động bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp;

2. Thanh toán chi phí y tế từ khi sơ cứu, cấp cứu đến khi điều trị ổn định cho người bị tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp như sau:

a) Thanh toán phần chi phí đồng chi trả và những chi phí không nằm trong danh mục do bảo hiểm y tế chi trả đối với người lao động tham gia bảo hiểm y tế;

b) Trả phí khám giám định mức suy giảm khả năng lao động đối với những trường hợp kết luận suy giảm khả năng lao động dưới 5% do người sử dụng lao động giới thiệu người lao động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa;

c) Thanh toán toàn bộ chi phí y tế đối với người lao động không tham gia bảo hiểm y tế;

3. Trả đủ tiền lương cho người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải nghỉ việc trong thời gian điều trị, phục hồi chức năng lao động;

4. Bồi thường cho người lao động bị tai nạn lao động mà không hoàn toàn do lỗi của chính người này gây ra và cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp với mức như sau:

a) Ít nhất bằng 1,5 tháng tiền lương nếu bị suy giảm từ 5% đến 10% khả năng lao động; sau đó cứ tăng 1% được cộng thêm 0,4 tháng tiền lương nếu bị suy giảm khả năng lao động từ 11% đến 80%;

b) Ít nhất 30 tháng tiền lương cho người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên hoặc cho thân nhân người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

5. Trợ cấp cho người lao động bị tai nạn lao động mà do lỗi của chính họ gây ra một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều này với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng;

6. Giới thiệu để người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định y khoa xác định mức độ suy giảm khả năng lao động, được điều trị, điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động theo quy định pháp luật;

7. Thực hiện bồi thường, trợ cấp đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày có kết luận của Hội đồng giám định y khoa về mức suy giảm khả năng lao động hoặc kể từ ngày Đoàn điều tra tai nạn lao động công bố biên bản điều tra tai nạn lao động đối với các vụ tai nạn lao động chết người;

8. Sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe theo kết luận của Hội đồng giám định y khoa đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau khi điều trị, phục hồi chức năng nếu còn tiếp tục làm việc;

9. Lập hồ sơ hưởng chế độ về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này;

10. Tiền lương để làm cơ sở thực hiện các chế độ bồi thường, trợ cấp, tiền lương trả cho người lao động nghỉ việc do bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này là tiền lương bao gồm mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về lao động.

11. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các khoản 3, 4 và 5 Điều này.

Điều 39. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường, trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi người lao động bị tai nạn lao động

1. Trường hợp người lao động bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại khoản 4 Điều 38 của Luật này.

2. Trường hợp người lao động bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 38 của Luật này.

3. Trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 của Luật này, thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 của Luật này.

4. Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 của Luật này, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương này khi người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của người lao động.

5. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này.

Điều 40. Trường hợp người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động khi bị tai nạn lao động

1. Người lao động không được hưởng chế độ từ người sử dụng lao động quy định tại Điều 38 và Điều 39 của Luật này nếu bị tai nạn thuộc một trong các nguyên nhân sau:

a) Do mâu thuẫn của chính nạn nhân với người gây ra tai nạn mà không liên quan đến việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động;

b) Do người lao động cố ý tự hủy hoại sức khỏe của bản thân;

c) Do sử dụng ma túy, chất gây nghiện khác trái với quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này.

Mục 3. CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM TAI NẠN LAO ĐỘNG, BỆNH NGHỀ NGHIỆP

Điều 41. Nguyên tắc thực hiện chế độ đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp là quỹ thành phần của Quỹ bảo hiểm xã hội; việc đóng, hưởng, quản lý và sử dụng quỹ thực hiện theo quy định của Luật này và Luật bảo hiểm xã hội.

2. Mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính trên cơ sở tiền lương tháng của người lao động và do người sử dụng lao động đóng.

3. Mức hưởng trợ cấp, mức hỗ trợ cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính trên cơ sở mức suy giảm khả năng lao động, mức đóng và thời gian đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

4. Việc thực hiện bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp phải đơn giản, dễ dàng, thuận tiện, bảo đảm kịp thời và đầy đủ quyền lợi cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 42. Sử dụng Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Trả phí khám giám định thương tật, bệnh tật do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với các trường hợp đủ điều kiện hưởng theo quy định tại Điều 45 và Điều 46 của Luật này; trả phí khám giám định đối với trường hợp người lao động chủ động đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động theo quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 3 Điều 47 của Luật này mà kết quả khám giám định đủ điều kiện để điều chỉnh tăng mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Chi trợ cấp một lần, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp phục vụ.

3. Chi hỗ trợ phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình.

4. Chi dưỡng sức, phục hồi sức khỏe.

5. Chi hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

6. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc.

7. Chi phí quản lý bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

8. Chi đóng bảo hiểm y tế cho người nghỉ việc hưởng trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng.

Điều 43. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Đối tượng áp dụng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục này là người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và h khoản 1 Điều 2 và người sử dụng lao động quy định tại khoản 3 Điều 2 của Luật bảo hiểm xã hội.

2. Trường hợp người lao động giao kết hợp đồng lao động với nhiều người sử dụng lao động thì người sử dụng lao động phải đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo từng hợp đồng lao động đã giao kết nếu người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người lao động được giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo nguyên tắc đóng, hưởng do Chính phủ quy định.

Điều 44. Mức đóng, nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động hằng tháng đóng tối đa 1% trên quỹ tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội của người lao động quy định tại Điều 43 của Luật này vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Nguồn hình thành Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp bao gồm:

a) Khoản đóng thuộc trách nhiệm của người sử dụng lao động quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Tiền sinh lời của hoạt động đầu tư từ quỹ theo quy định tại Điều 90 và Điều 91 của Luật bảo hiểm xã hội;

c) Các nguồn thu hợp pháp khác.

3. Căn cứ vào khả năng bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, Chính phủ quy định chi tiết mức đóng vào quỹ quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

Điều 46. Điều kiện hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

1. Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này;

b) Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị bệnh quy định tại điểm a khoản này.

2. Người lao động khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thuộc Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này mà phát hiện bị bệnh nghề nghiệp trong thời gian quy định thì được giám định để xem xét, giải quyết chế độ theo quy định của Chính phủ.

Điều 47. Giám định mức suy giảm khả năng lao động

1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được giám định hoặc giám định lại mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Sau khi bị thương tật, bệnh tật lần đầu đã được điều trị ổn định còn di chứng ảnh hưởng tới sức khỏe;

b) Sau khi thương tật, bệnh tật tái phát đã được điều trị ổn định;

c) Đối với trường hợp thương tật hoặc bệnh nghề nghiệp không có khả năng điều trị ổn định theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế thì người lao động được làm thủ tục giám định trước hoặc ngay trong quy trình điều trị.

2. Người lao động được giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Vừa bị tai nạn lao động vừa bị bệnh nghề nghiệp;

b) Bị tai nạn lao động nhiều lần;

c) Bị nhiều bệnh nghề nghiệp.

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này được giám định lại tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau 24 tháng, kể từ ngày người lao động được Hội đồng giám định y khoa kết luận tỷ lệ suy giảm khả năng lao động liền kề trước đó; trường hợp do tính chất của bệnh nghề nghiệp khiến người lao động suy giảm sức khỏe nhanh thì thời gian giám định được thực hiện sớm hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 48. Trợ cấp một lần

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 5% đến 30% thì được hưởng trợ cấp một lần.

2. Mức trợ cấp một lần được quy định như sau:

a) Suy giảm 5% khả năng lao động thì được hưởng năm lần mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 0,5 lần mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, còn được hưởng thêm khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống thì được tính bằng 0,5 tháng, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3 tháng tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết việc tính hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong trường hợp người lao động thay đổi mức hưởng trợ cấp do giám định lại, giám định tổng hợp.

Điều 49. Trợ cấp hằng tháng

1. Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.

2. Mức trợ cấp hằng tháng được quy định như sau:

a) Suy giảm 31% khả năng lao động thì được hưởng bằng 30% mức lương cơ sở, sau đó cứ suy giảm thêm 1% thì được hưởng thêm 2% mức lương cơ sở;

b) Ngoài mức trợ cấp quy định tại điểm a khoản này, hằng tháng còn được hưởng thêm một khoản trợ cấp tính theo số năm đã đóng vào Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, từ một năm trở xuống được tính bằng 0,5%, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng vào quỹ được tính thêm 0,3% mức tiền lương đóng vào quỹ của tháng liền kề trước tháng bị tai nạn lao động hoặc được xác định mắc bệnh nghề nghiệp; trường hợp bị tai nạn lao động ngay trong tháng đầu tham gia đóng vào quỹ hoặc có thời gian tham gia gián đoạn sau đó trở lại làm việc thì tiền lương làm căn cứ tính khoản trợ cấp này là tiền lương của chính tháng đó.

3. Việc tạm dừng, hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ thực hiện theo quy định tại Điều 64 của Luật bảo hiểm xã hội; hồ sơ, trình tự giải quyết hưởng tiếp trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng thực hiện theo quy định tại Điều 113 và Điều 114 của Luật bảo hiểm xã hội. Trường hợp tạm dừng hưởng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 64 của Luật bảo hiểm xã hội thì cơ quan bảo hiểm xã hội phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do; việc quyết định chấm dứt hưởng phải căn cứ vào kết luận, quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

4. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động hằng tháng khi chuyển đến ở nơi khác trong nước có nguyện vọng hưởng trợ cấp tại nơi cư trú mới thì có đơn gửi cơ quan bảo hiểm xã hội nơi đang hưởng. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được đơn, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

5. Người đang hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng khi ra nước ngoài để định cư được giải quyết hưởng trợ cấp một lần; mức trợ cấp một lần bằng 03 tháng mức trợ cấp đang hưởng. Hồ sơ, trình tự giải quyết trợ cấp một lần thực hiện theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 109 và khoản 4 Điều 110 của Luật bảo hiểm xã hội.

6. Mức hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hằng tháng, trợ cấp phục vụ được điều chỉnh mức hưởng theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội.

Điều 50. Thời điểm hưởng trợ cấp

1. Thời điểm hưởng trợ cấp quy định tại các điều 48, 49 và 52 của Luật này được tính từ tháng người lao động điều trị ổn định xong, ra viện hoặc từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú; trường hợp giám định tổng hợp mức suy giảm khả năng lao động quy định tại khoản 2 Điều 47 của Luật này, thời điểm trợ cấp được tính kể từ tháng người lao động điều trị xong, ra viện của lần điều trị đối với tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp sau cùng hoặc từ tháng có kết luận giám định tổng hợp của Hội đồng giám định y khoa trong trường hợp không điều trị nội trú.

Trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sau đó không xác định được thời điểm điều trị ổn định xong, ra viện thì thời điểm hưởng trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thời điểm hưởng trợ cấp tính từ tháng người lao động được cấp Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

2. Trường hợp người lao động được đi giám định mức suy giảm khả năng lao động quy định tại điểm b khoản 1 và khoản 2 Điều 47 của Luật này thì thời điểm hưởng trợ cấp mới được tính từ tháng có kết luận của Hội đồng giám định y khoa.

Điều 51. Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình

1. Người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà bị tổn thương các chức năng hoạt động của cơ thể thì được cấp tiền để mua các phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình theo niên hạn căn cứ vào tình trạng thương tật, bệnh tật và theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, cơ sở chỉnh hình, phục hồi chức năng bảo đảm yêu cầu, điều kiện chuyên môn, kỹ thuật.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết về loại phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình, niên hạn, mức tiền mua phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình và hồ sơ, trình tự thực hiện.

Điều 52. Trợ cấp phục vụ

Người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên mà bị liệt cột sống hoặc mù hai mắt hoặc cụt, liệt hai chi hoặc bị bệnh tâm thần thì ngoài mức hưởng quy định tại Điều 49 của Luật này, hằng tháng còn được hưởng trợ cấp phục vụ bằng mức lương cơ sở.

Điều 53. Trợ cấp khi người lao động chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

Thân nhân người lao động được hưởng trợ cấp một lần bằng ba mươi sáu lần mức lương cơ sở tại tháng người lao động bị chết và được hưởng chế độ tử tuất theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

1. Người lao động đang làm việc bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

2. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị lần đầu do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

3. Người lao động bị chết trong thời gian điều trị thương tật, bệnh tật mà chưa được giám định mức suy giảm khả năng lao động.

Hồ sơ hưởng chế độ tử tuất trong trường hợp người lao động bị chết do tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 111 của Luật bảo hiểm xã hội.

Điều 54. Dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật

1. Người lao động sau khi điều trị ổn định thương tật do tai nạn lao động hoặc bệnh tật do bệnh nghề nghiệp, trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ 05 ngày đến 10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Trường hợp chưa nhận được kết luận giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa trong thời gian 30 ngày đầu trở lại làm việc thì người lao động vẫn được giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động sau khi điều trị thương tật, bệnh tật theo quy định tại khoản 2 Điều này nếu Hội đồng giám định y khoa kết luận mức suy giảm khả năng lao động đủ điều kiện hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:

a) Tối đa 10 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 51% trở lên;

b) Tối đa 07 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 31% đến 50%;

c) Tối đa 05 ngày đối với trường hợp bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp có mức suy giảm khả năng lao động từ 15% đến 30%.

3. Người lao động quy định tại khoản 1 Điều này được hưởng 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.

Điều 55. Hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp khi trở lại làm việc

1. Trường hợp người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được người sử dụng lao động sắp xếp công việc mới thuộc quyền quản lý theo quy định tại khoản 8 Điều 38 của Luật này, nếu phải đào tạo người lao động để chuyển đổi nghề nghiệp thì được hỗ trợ học phí.

2. Mức hỗ trợ không quá 50% mức học phí và không quá mười lăm lần mức lương cơ sở; số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là hai lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ một lần.

Điều 56. Hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Hằng năm, Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp dành tối đa 10% nguồn thu để hỗ trợ các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

2. Các hoạt động phòng ngừa, chia sẻ rủi ro về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hỗ trợ bao gồm:

a) Khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp;

b) Phục hồi chức năng lao động;

c) Điều tra lại các vụ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm xã hội;

d) Huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động cho người tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 14 của Luật này.

3. Việc hỗ trợ các hoạt động quy định tại điểm a và điểm b khoản 2 Điều này không bao gồm phần chi phí do Quỹ bảo hiểm y tế đã chi trả theo quy định của Luật bảo hiểm y tế hoặc chi phí do người sử dụng lao động đã hỗ trợ theo quy định tại khoản 2 Điều 38 của Luật này.

4. Chính phủ quy định chi tiết điều kiện hỗ trợ, hồ sơ, mức hỗ trợ, thời gian hỗ trợ, trình tự, thủ tục hỗ trợ, cơ quan có thẩm quyền quyết định việc hỗ trợ, việc tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ quy định tại Điều 55 và Điều 56 của Luật này và phải bảo đảm cân đối Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Điều 57. Hồ sơ hưởng chế độ tai nạn lao động

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi đã điều trị tai nạn lao động đối với trường hợp nội trú.

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa.

4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ tai nạn lao động theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 58. Hồ sơ hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp

1. Sổ bảo hiểm xã hội.

2. Giấy ra viện hoặc trích sao hồ sơ bệnh án sau khi điều trị bệnh nghề nghiệp; trường hợp không điều trị nội trú tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải có giấy khám bệnh nghề nghiệp.

3. Biên bản giám định mức suy giảm khả năng lao động của Hội đồng giám định y khoa; trường hợp bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp thì thay bằng Giấy chứng nhận bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

4. Văn bản đề nghị giải quyết chế độ bệnh nghề nghiệp theo mẫu do Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 59. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động nộp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 57 và Điều 58 của Luật này.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 60. Giải quyết hưởng trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Người sử dụng lao động lập danh sách người đã hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khỏe chưa phục hồi và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày người lao động được xác định là sức khỏe chưa phục hồi theo quy định tại khoản 1 Điều 54 của Luật này.

2. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ khi nhận danh sách, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe cho người lao động và chuyển tiền cho đơn vị sử dụng lao động; trường hợp không giải quyết thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Trong thời hạn 05 ngày, kể từ ngày nhận được tiền do cơ quan bảo hiểm xã hội chuyển đến, người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả tiền trợ cấp cho người lao động.

Điều 61. Giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chậm so với thời hạn quy định

1. Trường hợp vượt quá thời hạn giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được quy định tại Điều 59 và khoản 1 Điều 60 của Luật này thì phải giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Trường hợp giải quyết hưởng chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và chi trả tiền trợ cấp chậm so với thời hạn quy định, gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người hưởng thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp do lỗi của bản thân người lao động hoặc của thân nhân của người lao động được hưởng chế độ tử tuất.

Điều 62. Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp

1. Hồ sơ, trình tự khám giám định mức suy giảm khả năng lao động để giải quyết chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định.

2. Việc khám giám định mức suy giảm khả năng lao động phải bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch. Hội đồng giám định y khoa chịu trách nhiệm về tính chính xác của kết quả giám định của mình theo quy định của pháp luật.

Chương IV

BẢO ĐẢM AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI MỘT SỐ LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ

Điều 63. An toàn, vệ sinh lao động đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật

Những quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người khuyết tật thực hiện theo quy định của Bộ luật lao động, Luật người khuyết tật và Luật này.

Điều 64. Điều kiện sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

1. Chỉ sử dụng người lao động cao tuổi làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có ảnh hưởng xấu tới sức khỏe người lao động cao tuổi khi có đủ các điều kiện sau đây:

a) Người lao động cao tuổi có kinh nghiệm, tay nghề cao với thâm niên nghề nghiệp từ đủ 15 năm trở lên; có chứng nhận hoặc chứng chỉ nghề hoặc được công nhận là nghệ nhân theo quy định của pháp luật;

b) Người lao động cao tuổi có đủ sức khỏe làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo tiêu chuẩn sức khỏe do Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành sau khi có ý kiến của bộ chuyên ngành;

c) Chỉ sử dụng không quá 05 năm đối với từng người lao động cao tuổi;

d) Có ít nhất một người lao động không phải là người lao động cao tuổi cùng làm việc;

đ) Có sự tự nguyện của người lao động cao tuổi khi bố trí công việc.

2. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Điều 65. An toàn, vệ sinh lao động trong trường hợp cho thuê lại lao động

1. Doanh nghiệp cho thuê lại lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Thỏa thuận với bên thuê lại lao động trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp về an toàn, vệ sinh lao động của người lao động thuê lại nhưng không được thấp hơn so với người lao động của bên thuê lại lao động có cùng trình độ, làm cùng công việc hoặc công việc có giá trị như nhau; đưa các nội dung đã thỏa thuận trên vào hợp đồng cho thuê lại lao động và thực hiện nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo quy định của Bộ luật lao động và Luật này;

b) Phối hợp và kiểm tra bên thuê lại lao động thực hiện việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại. Trường hợp bên thuê lại lao động không thực hiện đầy đủ các cam kết về bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong hợp đồng cho thuê lại lao động đã ký kết, doanh nghiệp cho thuê lại lao động phải chịu trách nhiệm trong việc bảo đảm đầy đủ quyền lợi của người lao động thuê lại;

c) Lưu giữ hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao động thuê lại; thực hiện báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Luật này.

2. Bên thuê lại lao động có trách nhiệm sau đây:

a) Thực hiện đầy đủ các cam kết trong hợp đồng thuê lại lao động; không được phân biệt đối xử về an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại so với người lao động của mình;

b) Khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động thuê lại, phải kịp thời sơ cứu, cấp cứu cho nạn nhân, đồng thời thông báo ngay với doanh nghiệp cho thuê lao động và thực hiện khai báo, điều tra theo quy định tại Điều 34 và Điều 35 của Luật này;

c) Tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động thuê lại theo quy định của Luật này, trừ trường hợp doanh nghiệp cho thuê lại lao động đã tổ chức huấn luyện phù hợp với công việc mà người lao động thuê lại được giao; định kỳ 6 tháng, hằng năm, tổng hợp tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động thuê lại gửi doanh nghiệp cho thuê lại lao động;

d) Phối hợp với doanh nghiệp cho thuê lại lao động trong việc điều tra tai nạn lao động; lưu giữ các hồ sơ về an toàn, vệ sinh lao động có liên quan đến người lao động thuê lại.

3. Người lao động thuê lại phải tuân thủ nội quy, quy trình và biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động của bên thuê lại lao động.

4. Chính phủ quy định chi tiết về an toàn, vệ sinh lao động trong trường hợp cho thuê lại lao động; trách nhiệm của doanh nghiệp cho thuê lại lao động, bên thuê lại lao động đối với người lao động thuê lại, bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động thuê lại phù hợp với quy định của Bộ luật lao động và Luật này.

Điều 66. An toàn, vệ sinh lao động tại nơi có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc

Tại nơi làm việc có nhiều người lao động thuộc nhiều người sử dụng lao động cùng làm việc thì chủ dự án hoặc chủ đầu tư phải tổ chức để những người sử dụng lao động cùng lập văn bản xác định rõ trách nhiệm của từng người trong việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động và cử người để phối hợp kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 67. An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài

1. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài quy định tại Điều này bao gồm người lao động Việt Nam thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài do người sử dụng lao động cử đi và người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng theo quy định của Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

2. Người sử dụng lao động phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của pháp luật nước sở tại và phải tuân thủ các quy định sau đây:

a) Bảo đảm thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động, chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động được quy định tại Luật này; trường hợp quy định của nước sở tại về những chế độ này có lợi hơn cho người lao động thì thực hiện theo quy định của nước sở tại;

b) Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước sở tại trong việc tiến hành điều tra tai nạn, bệnh tật xảy ra cho người lao động;

c) Đối với tai nạn lao động chết người, tai nạn lao động nặng thì phải cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan đến vụ tai nạn lao động cho Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động của cấp tỉnh ở Việt Nam tại nơi đặt trụ sở chính của người sử dụng lao động.

3. Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài phải tuân theo quy định của pháp luật Việt Nam, pháp luật nước sở tại, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Điều 68. An toàn, vệ sinh lao động đối với lao động là người giúp việc gia đình

1. Người sử dụng lao động có trách nhiệm hướng dẫn cách sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng, các biện pháp phòng, chống cháy, nổ trong gia đình có liên quan đến công việc của lao động là người giúp việc gia đình; thực hiện các chế độ có liên quan đến bảo đảm an toàn và chăm sóc sức khỏe của lao động là người giúp việc gia đình.

2. Lao động là người giúp việc gia đình có trách nhiệm chấp hành đúng hướng dẫn sử dụng máy, thiết bị, đồ dùng và phòng, chống cháy, nổ.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết các nội dung về an toàn, vệ sinh lao động được áp dụng đối với lao động là người giúp việc gia đình.

Điều 69. An toàn, vệ sinh lao động đối với người lao động nhận công việc về làm tại nhà

1. Người lao động khi thỏa thuận bằng văn bản với người sử dụng lao động về việc giao công việc về làm tại nhà trên cơ sở căn cứ vào việc người lao động bảo đảm được yêu cầu về an toàn, vệ sinh lao động đối với công việc được giao tại nhà.

2. Nếu xảy ra tai nạn lao động khi làm việc tại nhà, thì người lao động hoặc thân nhân của họ phải báo cáo ngay để người sử dụng lao động biết.

Trường hợp người bị tai nạn lao động đã tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì được giải quyết các chính sách, chế độ liên quan đến người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định của Luật này.

Trường hợp người bị tai nạn lao động là người thuộc diện không phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì người sử dụng lao động có trách nhiệm giải quyết quyền lợi cho người lao động theo quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 và 10 Điều 38 của Luật này.

3. Người sử dụng lao động có trách nhiệm kiểm tra việc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động đối với nơi làm việc của người lao động nhận công việc về làm tại nhà; thực hiện các cam kết trong thỏa thuận với người lao động nhận công việc về làm tại nhà; báo cáo tai nạn lao động xảy ra khi làm việc tại nhà của người lao động cùng với báo cáo chung về tai nạn lao động quy định tại Điều 36 của Luật này.

Điều 70. An toàn, vệ sinh lao động đối với học sinh, sinh viên, người học nghề, tập nghề, thử việc

1. Cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động cho học sinh, sinh viên, người học nghề trong thời gian thực hành, học nghề như đối với người lao động quy định tại các điều 15, 16, 18, 19, 20, 23, 24, 25khoản 1 Điều 27 của Luật này.

2. Người sử dụng lao động chịu trách nhiệm thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với người học nghề, tập nghề, thử việc như đối với người lao động tại Luật này, kể cả trường hợp bị tai nạn lao động.

3. Học sinh, sinh viên, người học nghề trong thời gian thực hành, học nghề, tập nghề phải tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh lao động của cơ sở giáo dục, cơ sở dạy nghề.

Trường hợp học sinh, sinh viên trong thời gian thực hành bị tai nạn lao động thì được hỗ trợ theo quy định của Chính phủ.

Chương V

BẢO ĐẢM AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG ĐỐI VỚI CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH

Điều 71. Thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh

1. Cơ sở sản xuất, kinh doanh khi tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động ngoài việc phải tuân thủ các quy định, về an toàn, vệ sinh lao động tại các chương I, II, III và IV của Luật này còn phải thực hiện các quy định tại Chương này.

2. Ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có trách nhiệm chỉ đạo tổ chức công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong phạm vi quản lý; phối hợp tổ chức kiểm tra hoạt động về an toàn, vệ sinh lao động và báo cáo về hoạt động an toàn, vệ sinh lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động trong phạm vi quản lý, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác.

3. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động, Chính phủ quy định chi tiết việc áp dụng quy định về an toàn, vệ sinh lao động của Luật này đối với các cơ sở khác, ban quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao quy định tại khoản 2 Điều này phù hợp với điều kiện lao động, tổ chức, bộ máy, chức năng, nhiệm vụ và các quy định khác của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Điều 72. Bộ phận an toàn, vệ sinh lao động

1. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc thành lập bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

2. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận an toàn, vệ sinh lao động có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động tổ chức thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh, bao gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Xây dựng nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động; phòng, chống cháy, nổ;

b) Xây dựng, đôn đốc việc thực hiện kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động hằng năm; đánh giá rủi ro và xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;

c) Quản lý và theo dõi việc khai báo, kiểm định máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động;

d) Tổ chức thực hiện hoạt động thông tin, tuyên truyền, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động; sơ cứu, cấp cứu, phòng, chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động;

đ) Tổ chức tự kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động; điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật;

e) Chủ trì, phối hợp bộ phận y tế tổ chức giám sát, kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại;

g) Tổng hợp và đề xuất với người sử dụng lao động giải quyết kiến nghị của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra và người lao động về an toàn, vệ sinh lao động;

h) Phối hợp với Ban chấp hành công đoàn cơ sở hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ của an toàn, vệ sinh viên;

i) Tổ chức thi đua, khen thưởng, xử lý kỷ luật, thống kê, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động.

3. Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động, bộ phận an toàn, vệ sinh lao động có quyền sau đây:

a) Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể quyết định tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện các nguy cơ xảy ra tai nạn lao động để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động;

b) Đình chỉ hoạt động của máy, thiết bị không bảo đảm an toàn hoặc đã hết hạn sử dụng;

c) Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham dự lớp huấn luyện, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

4. Người làm công tác an toàn, vệ sinh, lao động phải có chuyên môn, nghiệp vụ về kỹ thuật và có hiểu biết về thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của cơ sở.

5. Trường hợp cơ sở sản xuất, kinh doanh không bố trí được người hoặc không thành lập được bộ phận an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này thì phải thuê các tổ chức có đủ năng lực theo quy định của pháp luật thực hiện các nhiệm vụ an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 73. Bộ phận y tế

1. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động phải bố trí người làm công tác y tế hoặc thành lập bộ phận y tế chịu trách nhiệm chăm sóc và quản lý sức khỏe của người lao động.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

2. Người làm công tác y tế, bộ phận y tế có nhiệm vụ tham mưu, giúp người sử dụng lao động và trực tiếp thực hiện việc quản lý sức khỏe của người lao động, với nội dung chủ yếu sau đây:

a) Xây dựng phương án, phương tiện sơ cứu, cấp cứu, thuốc thiết yếu và tình huống cấp cứu tai nạn lao động, tổ chức tập huấn công tác sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở;

b) Xây dựng kế hoạch và tổ chức khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định y khoa xác định mức suy giảm khả năng lao động khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều dưỡng và phục hồi chức năng lao động, tư vấn các biện pháp phòng, chống bệnh nghề nghiệp; đề xuất, bố trí vị trí công việc phù hợp với sức khỏe người lao động;

c) Tổ chức khám bệnh, chữa bệnh thông thường tại cơ sở và sơ cứu, cấp cứu người bị nạn khi xảy ra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động theo quy định;

d) Tuyên truyền, phổ biến thông tin về vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp, nâng cao sức khỏe tại nơi làm việc; kiểm tra việc chấp hành điều lệ vệ sinh, tổ chức phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm cho người lao động tại cơ sở; tổ chức thực hiện bồi dưỡng hiện vật theo quy định;

đ) Lập và quản lý thông tin về công tác vệ sinh, lao động tại nơi làm việc; tổ chức quan trắc môi trường lao động để đánh giá các yếu tố có hại; quản lý hồ sơ sức khỏe người lao động, hồ sơ sức khỏe của người bị bệnh nghề nghiệp (nếu có);

e) Phối hợp với bộ phận an toàn, vệ sinh lao động thực hiện các nhiệm vụ có liên quan quy định tại khoản 2 Điều 72 của Luật này.

3. Người làm công tác y tế, bộ phận y tế có quyền sau đây:

a) Yêu cầu người phụ trách bộ phận sản xuất ra lệnh đình chỉ công việc hoặc có thể quyết định việc tạm đình chỉ công việc trong trường hợp khẩn cấp khi phát hiện các dấu hiệu vi phạm hoặc các nguy cơ gây ảnh hưởng sức khỏe, bệnh tật, ốm đau cho người lao động, đồng thời phải báo cáo người sử dụng lao động về tình trạng này; quản lý trang thiết bị y tế, thuốc phục vụ sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc; hướng dẫn sơ cứu, cấp cứu cho người lao động tại cơ sở;

b) Đình chỉ việc sử dụng các chất không bảo đảm quy định về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Được người sử dụng lao động bố trí thời gian tham gia các cuộc họp, hội nghị và giao dịch với cơ quan y tế địa phương hoặc y tế bộ, ngành để nâng cao nghiệp vụ và phối hợp công tác.

4. Người làm công tác y tế ở cơ sở phải có trình độ chuyên môn về y tế và chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động.

5. Trường hợp cơ sở không bố trí được người làm công tác y tế hoặc không thành lập được bộ phận y tế theo quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều này thì phải có hợp đồng với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đủ năng lực theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế để thực hiện các nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người lao động quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 74. An toàn, vệ sinh viên

1. Mỗi tổ sản xuất trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh phải có ít nhất một an toàn, vệ sinh viên kiêm nhiệm trong giờ làm việc. Người sử dụng lao động ra quyết định thành lập và ban hành quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên sau khi thống nhất ý kiến với Ban chấp hành công đoàn cơ sở nếu cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thành lập Ban chấp hành công đoàn cơ sở.

2. An toàn, vệ sinh viên là người lao động trực tiếp, am hiểu chuyên môn và kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; tự nguyện và gương mẫu trong việc chấp hành các quy định an toàn, vệ sinh lao động và được người lao động trong tổ bầu ra.

3. An toàn, vệ sinh viên hoạt động dưới sự quản lý và hướng dẫn của Ban chấp hành công đoàn cơ sở, trên cơ sở quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên; phối hợp về chuyên môn, kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình thực hiện nhiệm vụ với người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động hoặc bộ phận quản lý công tác an toàn, vệ sinh lao động, người làm công tác y tế hoặc bộ phận y tế tại cơ sở.

4. An toàn, vệ sinh viên có nghĩa vụ sau đây:

a) Đôn đốc, nhắc nhở, hướng dẫn mọi người trong tổ, đội, phân xưởng chấp hành nghiêm chỉnh quy định về an toàn, vệ sinh lao động, bảo quản các thiết bị an toàn, phương tiện bảo vệ cá nhân; nhắc nhở tổ trưởng, đội trưởng, quản đốc chấp hành quy định về an toàn, vệ sinh lao động;

b) Giám sát việc thực hiện tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, nội quy an toàn, vệ sinh lao động, phát hiện những thiếu sót, vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động, những trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc;

c) Tham gia xây dựng kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động; tham gia hướng dẫn biện pháp làm việc an toàn đối với người lao động mới đến làm việc ở tổ;

d) Kiến nghị với tổ trưởng hoặc cấp trên thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hộ lao động, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và khắc phục kịp thời những trường hợp mất an toàn, vệ sinh của máy, thiết bị, vật tư, chất và nơi làm việc;

đ) Báo cáo tổ chức công đoàn hoặc thanh tra lao động khi phát hiện vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc hoặc trường hợp mất an toàn của máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đã kiến nghị với người sử dụng lao động mà không được khắc phục.

5. An toàn, vệ sinh viên có quyền sau đây:

a) Được cung cấp thông tin đầy đủ về biện pháp mà người sử dụng lao động tiến hành để bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc;

b) Được dành một phần thời gian làm việc để thực hiện các nhiệm vụ của an toàn, vệ sinh viên nhưng vẫn được trả lương cho thời gian thực hiện nhiệm vụ và được hưởng phụ cấp trách nhiệm.

Mức phụ cấp trách nhiệm do người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở thống nhất thỏa thuận và được ghi trong quy chế hoạt động của mạng lưới an toàn, vệ sinh viên;

c) Yêu cầu người lao động trong tổ ngừng làm việc để thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động, nếu thấy có nguy cơ trực tiếp gây sự cố, tai nạn lao động và chịu trách nhiệm về quyết định đó;

d) Được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phương pháp hoạt động.

Điều 75. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở

1. Căn cứ vào quy mô, tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động mà người sử dụng lao động thành lập Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở.

Chính phủ quy định chi tiết khoản này.

2. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Tư vấn, phối hợp với người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội quy, quy trình, kế hoạch và các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh;

b) Hằng năm, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc giữa người lao động, người sử dụng lao động nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết và thúc đẩy cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động; nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh;

c) Tổ chức kiểm tra tình hình thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở sản xuất, kinh doanh;

d) Yêu cầu người sử dụng lao động thực hiện các biện pháp xử lý, khắc phục nếu phát hiện thấy nguy cơ mất an toàn, vệ sinh lao động.

3. Thành phần của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở bao gồm:

a) Đại diện người sử dụng lao động làm Chủ tịch Hội đồng;

b) Đại diện của Ban chấp hành công đoàn cơ sở hoặc đại diện tập thể người lao động nơi chưa có tổ chức công đoàn làm Phó Chủ tịch Hội đồng;

c) Người làm công tác an toàn, vệ sinh lao động ở cơ sở sản xuất, kinh doanh là ủy viên thường trực kiêm thư ký Hội đồng;

d) Người làm công tác y tế ở cơ sở sản xuất, kinh doanh;

đ) Các thành viên khác có liên quan.

Thành phần của Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cơ sở phải bảo đảm tỷ lệ thành viên nữ tham gia phù hợp với nguyên tắc bình đẳng giới, điều kiện thực tế ở cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Điều 76. Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động. Đối với các công việc phát sinh trong năm kế hoạch thì phải bổ sung nội dung phù hợp vào kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động.

2. Việc lập kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải được lấy ý kiến Ban chấp hành công đoàn cơ sở và dựa trên các căn cứ sau đây:

a) Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc; việc kiểm soát yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại và kế hoạch ứng cứu khẩn cấp;

b) Kết quả thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động năm trước;

c) Nhiệm vụ, phương hướng kế hoạch sản xuất, kinh doanh và tình hình lao động của năm kế hoạch;

d) Kiến nghị của người lao động, của tổ chức công đoàn và của đoàn thanh tra, đoàn kiểm tra.

3. Kế hoạch an toàn, vệ sinh lao động phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Biện pháp kỹ thuật an toàn lao động và phòng, chống cháy, nổ;

b) Biện pháp về kỹ thuật vệ sinh lao động, phòng, chống yếu tố có hại và cải thiện điều kiện lao động;

c) Trang cấp phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động;

d) Chăm sóc sức khỏe người lao động;

đ) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 77. Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động

1. Đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động là việc phân tích, nhận diện nguy cơ và tác hại của yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại tại nơi làm việc nhằm chủ động phòng, ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cải thiện điều kiện lao động.

2. Người sử dụng lao động phải tổ chức đánh giá và hướng dẫn người lao động tự đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động trước khi làm việc, thường xuyên trong quá trình lao động hoặc khi cần thiết.

3. Các ngành, nghề có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, việc đánh giá nguy cơ rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động phải được áp dụng bắt buộc và đưa vào trong nội quy, quy trình làm việc.

4. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 Điều này sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 78. Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp

1. Căn cứ vào nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh tật tại nơi làm việc và quy định pháp luật, người sử dụng lao động phải xây dựng kế hoạch ứng cứu khẩn cấp tại nơi làm việc.

2. Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

a) Phương án sơ tán người lao động ra khỏi khu vực nguy hiểm;

b) Biện pháp sơ cứu, cấp cứu người bị nạn;

c) Biện pháp ngăn chặn, khắc phục hậu quả do sự cố gây ra;

d) Trang thiết bị phục vụ ứng cứu;

đ) Lực lượng ứng cứu tại chỗ; phương án phối hợp với các lực lượng bên ngoài cơ sở; phương án diễn tập.

3. Trình tự, thủ tục, thẩm quyền phê duyệt kế hoạch ứng cứu khẩn cấp được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Điều 79. Tổ chức lực lượng ứng cứu

1. Nơi làm việc có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại có nguy cơ gây tai nạn lao động thì người sử dụng lao động có trách nhiệm tổ chức lực lượng ứng cứu chuyên trách hoặc bán chuyên trách theo quy định và tổ chức huấn luyện sơ cứu, cấp cứu cho người lao động.

2. Lực lượng ứng cứu phải được trang bị phương tiện kỹ thuật, y tế để bảo đảm ứng cứu, sơ cứu, cấp cứu kịp thời và phải được huấn luyện.

3. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định chi tiết việc tổ chức, trang thiết bị và huấn luyện cho lực lượng sơ cứu, cấp cứu tại nơi làm việc.

Điều 80. Tự kiểm tra an toàn, vệ sinh lao động

1. Người sử dụng lao động phải lập kế hoạch và tổ chức thực hiện việc tự kiểm tra định kỳ, đột xuất về an toàn, vệ sinh lao động tại cơ sở.

2. Nội dung, hình thức và thời hạn tự kiểm tra cụ thể phải bảo đảm hiệu quả, phù hợp với tính chất lao động, nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, điều kiện lao động của cơ sở.

3. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết Điều này sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Điều 81. Thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động

1. Hằng năm, người sử dụng lao động phải thực hiện thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động tại nơi làm việc như sau:

a) Báo cáo về công tác an toàn, vệ sinh lao động với cơ quan quản lý nhà nước về lao động và cơ quan quản lý nhà nước về y tế cấp tỉnh, trừ trường hợp pháp luật chuyên ngành có quy định khác;

b) Thống kê, báo cáo tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động nghiêm trọng theo quy định tại Điều 36 và Điều 37 của Luật này.

2. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định chi tiết điểm a khoản 1 Điều này sau khi có ý kiến của Bộ trưởng Bộ Y tế.

Chương VI

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG

Điều 82. Nội dung quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

1. Ban hành và tổ chức thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng, ban hành hoặc công bố tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, quy chuẩn kỹ thuật địa phương về an toàn, vệ sinh lao động theo thẩm quyền được phân công quản lý.

2. Tuyên truyền, phổ biến và giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Theo dõi, thống kê, cung cấp thông tin về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; xây dựng chương trình, hồ sơ quốc gia an toàn, vệ sinh lao động.

4. Quản lý tổ chức và hoạt động của tổ chức dịch vụ trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.

5. Tổ chức và tiến hành nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động.

6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

7. Bồi dưỡng, huấn luyện về an toàn, vệ sinh lao động.

8. Hợp tác quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 83. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động

1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm trước Chính phủ thống nhất thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 84. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội

1. Chủ trì xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện pháp luật, chính sách, kế hoạch về an toàn, vệ sinh lao động, chương trình quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; lập hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Ban hành Danh mục các loại máy, thiết bị, vật tư, chất có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 28 của Luật này; chủ trì thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và hoạt động kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

3. Xây dựng hoặc tham gia ý kiến theo thẩm quyền các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định tại Điều 87 của Luật này.

4. Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin về an toàn, vệ sinh lao động; thống kê về an toàn, vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật về thống kê.

5. Chủ trì tổ chức thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; phòng ngừa sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

6. Trình Chính phủ quyết định biện pháp xử lý trong trường hợp cần thiết để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp của người lao động.

7. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; thực hiện, phối hợp điều tra tai nạn lao động, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động; kiến nghị với Bộ Công an, Viện kiểm sát nhân dân tối cao điều tra, xử lý tai nạn lao động có dấu hiệu tội phạm.

8. Hợp tác quốc tế về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 85. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động của Bộ trưởng Bộ Y tế

1. Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật về quan trắc môi trường lao động; đánh giá, kiểm soát, quản lý các yếu tố có hại tại nơi làm việc; quản lý, tổ chức quan trắc môi trường lao động.

2. Xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động đối với các yếu tố vệ sinh lao động trong môi trường lao động; tham gia ý kiến về nội dung vệ sinh lao động theo thẩm quyền quy định tại khoản 5 Điều 87 của Luật này.

3. Hướng dẫn theo thẩm quyền công tác quản lý vệ sinh lao động, phòng, chống bệnh nghề nghiệp.

4. Hướng dẫn việc khám sức khỏe người lao động, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp, giám định mức suy giảm khả năng lao động, điều trị, phục hồi chức năng đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quản lý hồ sơ sức khỏe lao động.

5. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng nội dung huấn luyện về vệ sinh lao động; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về vệ sinh lao động.

6. Xây dựng, ban hành và định kỳ rà soát sửa đổi, bổ sung Danh mục bệnh nghề nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 37 của Luật này; tổ chức giám định bệnh nghề nghiệp; xây dựng và ban hành tiêu chuẩn sức khỏe cho từng loại nghề, công việc sau khi có ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.

7. Theo dõi, tổng hợp, cung cấp thông tin về công tác vệ sinh lao động; thống kê, xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp; quản lý sức khỏe người lao động tại nơi làm việc.

8. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng tiêu chí đánh giá cho Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

9. Phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động theo quy định của pháp luật.

10. Hằng năm, gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trong lĩnh vực quản lý.

Điều 86. Trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động của Ủy ban nhân dân các cấp

1. Xây dựng, trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền văn bản quy phạm pháp luật, quy chuẩn kỹ thuật địa phương.

2. Chịu trách nhiệm quản lý an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương; xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.

3. Hằng năm, báo cáo về tình hình thực hiện chính sách, pháp luật an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương với Hội đồng nhân dân cùng cấp hoặc báo cáo đột xuất theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Hằng năm, bố trí nguồn lực tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động trên địa bàn phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương; ưu tiên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động tại địa phương.

5. Thanh tra, kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.

Điều 87. Trách nhiệm xây dựng, công bố các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng, ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động

1. Bộ Khoa học và Công nghệ phê duyệt kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và công bố tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

2. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan tổ chức lập kế hoạch xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Bộ, cơ quan ngang bộ chủ trì xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động trong phạm vi quản lý được Chính phủ phân công sau khi có ý kiến thống nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; trường hợp không thống nhất ý kiến, cơ quan chủ trì xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Việc thẩm định tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động do Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thực hiện theo quy định của Luật tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại khoản 3 Điều này; có trách nhiệm phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ trình Thủ tướng Chính phủ quyết định phân công trách nhiệm xây dựng tiêu chuẩn quốc gia, xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mới hoặc liên quan đến phạm vi quản lý của nhiều bộ, cơ quan ngang bộ.

5. Bộ Y tế xây dựng tiêu chuẩn quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định tại Điều 85 của Luật này; có ý kiến thống nhất về nội dung vệ sinh lao động trong quá trình các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng các tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động.

Điều 88. Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động, Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh

1. Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động là tổ chức tư vấn cho Chính phủ trong việc xây dựng mới hoặc sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Hội đồng do Thủ tướng Chính phủ thành lập, bao gồm đại diện Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Hội nông dân Việt Nam, tổ chức đại diện người sử dụng lao động, các bộ, ngành có liên quan và một số chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động.

2. Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh là tổ chức tư vấn cho Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương. Hội đồng do Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thành lập, bao gồm đại diện Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Y tế, Liên đoàn Lao động, Hội nông dân, một số doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức và chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động tại địa phương.

3. Hằng năm, Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động có trách nhiệm tổ chức đối thoại nhằm chia sẻ thông tin, tăng cường sự hiểu biết giữa người sử dụng lao động, người lao động, tổ chức công đoàn, tổ chức đại diện người sử dụng lao động và các cơ quan nhà nước để thúc đẩy việc cải thiện các điều kiện làm việc công bằng, an toàn cho người lao động, nâng cao hiệu quả xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động.

4. Chính phủ quy định chi tiết việc thành lập, chức năng, nhiệm vụ, tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động và Hội đồng an toàn, vệ sinh lao động cấp tỉnh.

Điều 89. Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động

1. Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là thanh tra chuyên ngành thuộc cơ quan thực hiện quản lý nhà nước về lao động cấp trung ương và cấp tỉnh.

2. Việc thanh tra an toàn, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò, khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang nhân dân do các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó thực hiện với sự phối hợp của thanh tra an toàn, vệ sinh lao động.

3. Chính phủ quy định chi tiết về tổ chức và hoạt động của thanh tra an toàn, vệ sinh lao động quy định tại khoản 1 Điều này và cơ chế phối hợp liên ngành quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 90. Xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động

1. Người nào vi phạm, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường và khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định của Luật này, xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

3. Người sử dụng lao động có hành vi trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại khoản 2 Điều 12 của Luật này từ 30 ngày trở lên thì ngoài việc phải đóng đủ số tiền chưa đóng, chậm đóng và bị xử lý theo quy định của pháp luật, còn phải nộp số tiền lãi bằng hai lần mức lãi suất đầu tư Quỹ bảo hiểm xã hội bình quân của năm trước liền kề tính trên số tiền, thời gian chậm đóng; nếu không thực hiện thì theo yêu cầu của người có thẩm quyền, ngân hàng, tổ chức tín dụng khác, kho bạc nhà nước có trách nhiệm trích từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp số tiền chưa đóng, chậm đóng và lãi của số tiền này vào tài khoản của cơ quan bảo hiểm xã hội.

4. Chính phủ quy định chi tiết về hành vi, hình thức và mức xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động quy định trong Luật này.

Điều 91. Cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động

1. Cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động được thực hiện như sau:

a) Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thực hiện các nội dung phối hợp quy định tại khoản 2 Điều này trong phạm vi trách nhiệm của mình;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động các cấp phối hợp với tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp và các tổ chức khác trong công tác an toàn, vệ sinh lao động theo lĩnh vực có liên quan.

2. Nội dung phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động bao gồm:

a) Xây dựng chính sách, pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động; tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về an toàn, vệ sinh lao động;

b) Xây dựng chương trình, hồ sơ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động;

c) Điều tra tai nạn lao động; tai nạn, sự cố kỹ thuật gây mất an toàn, vệ sinh lao động; chính sách, chế độ đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp;

d) Thông tin, tuyên truyền, giáo dục, huấn luyện, thống kê, báo cáo về an toàn, vệ sinh lao động; kiểm định các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động;

đ) Thanh tra, kiểm tra, giám sát về an toàn, vệ sinh lao động và xử lý vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động;

e) Khen thưởng về an toàn, vệ sinh lao động;

g) Nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ về an toàn, vệ sinh lao động.

3. Chính phủ quy định chi tiết Điều này.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 92. Hiệu lực thi hành

1. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Các quy định về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại Mục 3 Chương III, khoản 4 Điều 84, điểm b khoản 1 và điểm a khoản 2 Điều 86, các điều 104, 105, 106, 107, 116 và 117 của Luật bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 hết hiệu lực kể từ ngày Luật này có hiệu lực thi hành.

3. Tổ chức hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, tổ chức huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động hoạt động trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành tiếp tục hoạt động cho đến hết thời hạn của giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động đã được cấp.

Điều 93. Quy định chi tiết

Chính phủ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định chi tiết các điều, khoản được giao trong Luật.

Luật này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25 tháng 6 năm 2015.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Sinh Hùng

THE NATIONAL ASSEMBLY
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom - Happiness
---------------

Law No. 84/2015/QH13

Hanoi, June 25, 2015

 

LAW

ON OCCUPATIONAL SAFETY AND HYGIENE

Pursuant to Constitution of Socialist Republic of Vietnam;

The National Assembly promulgates the Law on occupational safety and hygiene.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Scope

This Law deals with occupational hygiene and safety assurance; policies and benefits for victims of occupational accidents and occupational diseases (hereinafter referred to as victims); rights and obligations of organizations or individuals relating to occupational hygiene and safety and the roles of regulatory agencies in occupational hygiene and safety.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Employees with labor contracts; interns; apprentices.

2. Officials and civil servants, people’s armed forces.

3. Employees without labor contracts.

4. Vietnamese employees working abroad under contracts; foreign employees working in Vietnam.

5. Employers.

6. Other agencies, organizations or individuals relating to occupational hygiene and safety.

Every person prescribed in Point 1, 2, 3 and 4 of this Article shall be hereinafter referred to as employee.

Article 3. Interpretation of terms

For the purposes of this Law, these terms below shall be construed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Occupational safety means preventive measures for dangerous factors to avoid injuries or deaths to employees during the course of work.

3. Occupational hygiene means preventive measures for harmful factors that cause diseases or health declining of employees during the course of work.

4. Dangerous factor means a factor that causes unsafe condition, injuries or deaths to employees during the course of work.

5. Harmful factor means a factor that cause diseases or health declining to employees during the course of work.

6. Safety threat means a technical breakdown of machinery, equipment, materials or substances that exceeds permitted technical safety threshold, occurs during the course of work and causes damage to or likely to cause damage to humans, assets and environment.

7. Serious safety threat means a major safety threat, which occurs on a large scale and beyond response capacity of business entities, agencies, organizations, or local governments or involves multiple business entities and local governments.

8. Occupational accident means an accident that causes injuries to any bodily part and function of an employee or causes death, and occurs during the course of work, in connection with their performance of a job or a task.

9. Occupational disease means a disease caused by the harmful working condition of an occupation on an employee.

10. Occupational environment monitoring means activities of collection, analysis, assessment of figures in terms of occupational environment factors at the workplace to introduce measures for minimizing harmful effects on health and prevention of occupational diseases.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Enable employers, employee, relevant agencies, organizations, or individuals to implement occupational safety and hygiene measures during the course of work; encourage employers and employees to apply advanced and modern technical standards and administration system and apply advanced, high and eco-friendly technology during the course of work.

2. Invest in scientific research, application of safety and hygiene technologies; support construction of national-standards laboratories to serve occupational safety and hygiene.

3. Support prevention of occupational accidents and occupational diseases in the fields posing high risks in occupational accidents and occupational diseases; encourage organizations to establish, announce or apply advanced and modern technical standards to improve occupational safety and hygiene during the course of work.

4. Provide training in occupational safety and hygiene for employees without labor contracts who work under strict safety and hygiene requirements.

5. Extend the scope of voluntary occupational accident insurance in terms of buyers; provide a flexible mechanism for buying insurance and claiming benefit to avoid, minimize or eliminate hazards to employees.

Article 5. Rules for occupational safety and hygiene assurance

1. Respect the right of employees to have safe and hygienic working conditions.

2. Implement all measures for occupational safety and hygiene during the course of work; give priority to measures for prevention, elimination and control dangerous or harmful factor during the performance of work.

3. Consult with trade unions, employer representative, Councils of occupational safety and hygiene about development and implementation of policies, law, programs and plans for occupational safety and hygiene.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Every employee with labor contracts has rights to:

a) Obtain assurance of equal, safe and hygienic working conditions; request his/her employer to ensure safe and hygienic working conditions during the course of work at the workplace;

b) Receive adequate information about dangerous or harmful factors at workplace and prevention measures; receive training in occupational safety and hygiene;

c) Receive benefits in terms of personal protective equipment, healthcare, occupational disease check-ups; have premiums of insurance against occupational accidents and occupational diseases (hereinafter referred to as the insurance) paid by his/her employer; receive the insurance benefits for victims; receive payment for assessment fees for injuries or diseases caused by occupational accidents and occupational diseases; proactively take medical assessment of decreased work capacity and receive payment for assessment fees in case the employee is entitled to an increase in benefit occupational accident benefit and occupational disease benefit according to the assessment results;

d) Request his/her the employer to assign him/her appropriate works when their health condition becomes stable after treatment;

dd) Refuse works or quit the workplace but still receive full salary without consideration as violations against labor discipline if he/she clearly recognize the hazards of occupational accidents that seriously threaten their life and heath, provided that he/she immediately informs their senior manager; and keep working when the senior manager and the person in charge of occupational safety and hygiene coped with the hazards;

e) Make complaints, denunciation or take legal proceedings as prescribed.

2. Every employee with labor contracts has obligations to:

a) Conform to internal regulations, process and measures for occupational safety and hygiene at the workplace; stick to agreements on occupational safety and hygiene in his/her labor contract or collective bargaining agreement;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Report hazards of safety threat, occupational accidents and occupational diseases; proactively give emergency aid, cope with breakdowns, or occupational accidents according to the plan for responses to breakdowns and emergency rescue or emergency respond or under orders from the employer or a competent agency.

3. Every employee without labor contracts has the rights to:

a) Have safe and hygienic working conditions; be enabled by the State, society, and families to safe and hygienic working conditions;

b) Receive information and education in occupational safety and hygiene; receive training in occupational safety and hygiene when he/she does work having strict safety and hygiene requirements;

c) Purchase and claim on voluntary insurance for occupational accidents prescribed by the Government.

According to socio-economic development condition, government budget in each period, the Government shall provide guidance on support for voluntary insurance for occupational accidents;

d) Make complaints, denunciation or take legal proceedings as prescribed.

4. Every employee without labor contracts has obligations to:

a) Take responsibility for occupational safety and hygiene of their works as prescribed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Inform local governments about actions threatening occupational safety and hygiene in order for they to take actions against such violations.

5. Officials, civil servants, and people’s armed forces have similar rights and obligations in terms of occupational safety and hygiene to the employees prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article, unless otherwise prescribed by legislative documents applicable to these entities.

6. Probationers or apprentices have similar rights and obligations in terms of occupational safety and hygiene to the employees prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

7. Foreign workers working in Vietnam have similar rights and obligations in terms of occupational safety and hygiene to the employees prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article; and their purchase of the insurance shall comply with regulations of the Government.

Article 7. Rights and obligations of employers in terms of occupational safety and hygiene

1. Every employer has the right to:

a) Request employees to conform to internal regulations, process and measures for occupational safety and hygiene at the workplace;

b) Commend employees for good observance of labor discipline and take disciplinary actions against employees committing violations against occupational safety and hygiene.

c) Make complaints, denunciation or take legal proceedings as prescribed;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Every employer has the following obligations:

a) Implement and cooperate with relevant agencies or organizations in assurance of occupational safety and hygiene at the workplace within their responsibility to employees and relevant persons; and pay insurance premiums for employees;

b) Provide training in regulations, internal regulations, and measures for occupational safety and hygiene; provide adequate occupational equipment or tools to ensure occupational safety and hygiene; provide healthcare and occupational disease check-ups; carry out adequate policies applicable to victims;

c) Do not compel employees to keep working or to return their workplace when the hazards of occupational accidents that seriously threatens lives and health of the employees still exist;

d) Appoint employees in charge of supervision and inspection of implementation of internal regulations, process and measures for assurance of occupational safety and hygiene at the workplace as prescribed;

dd) Establish a department or appoint employees in charge of occupational safety and hygiene; cooperate with Executive board of internal trade union in establishment of network of occupational safety and hygiene officers; assign responsibility and entitlements related to occupational safety and hygiene;

e) Make reports, carry out investigations, release statistics, and send reports on occupational accidents and occupational diseases, serious safety threat; release statistics and send reports on implementation of occupational safety and hygiene; and comply with decisions on occupational safety and hygiene made by specialized inspectorate.

g) Consult with Executive board of internal trade union about formulation of plans, internal regulations, process and measures for assurance of occupational safety and hygiene.

Article 8. Rights and obligations of Vietnamese Fatherland Front, member organizations of Vietnamese Fatherland Front and other social organizations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Cooperate with relevant agencies in propagating and providing training in occupational safety and hygiene; develop occupational safety and hygiene services;

b) Offer opinions supervise and criticize the formulation of policies or legislation on occupational safety and hygiene as prescribed;

c) Cooperate with State management agencies in proposing measures for improvement of working condition, prevention of occupational accidents and occupational diseases, and conduct scientific research;

d) Mobilize trade unionists and members in implementation of occupational safety and hygiene;

dd) Detect and request the competent agency to take actions against violations against legislation on occupational safety and hygiene.

2. The employer’s representative organization shall exercise rights and fulfill obligations as prescribed in Clause 1 of this Article; participate in the Council of occupational safety and hygiene as prescribed in Article 88 of this Law; mobilize the employer in organization of discussion at the workplace, collective bargaining, collective bargaining agreement, and implementation of measures for improvement of working condition to ensure the occupational safety and hygiene at the workplace.

Article 9. Rights and obligations of Trade Union in occupational safety and hygiene

1. Cooperate with regulatory agencies in policy formulation and legislation on occupational safety and hygiene. Request the competent agencies to formulate, amend policies and legislation on rights and obligations of employees in terms of occupational safety and hygiene.

2. Cooperate with the competent agency in inspection and observation of implementation of policies or legislation on rights and obligations of employees in terms of occupational safety and hygiene; formulation, instructions and observation of implementation of plans, regulations, internal regulations and measures for assurance of occupational safety and hygiene and improvement of working condition of employees; and participate in investigation of occupational accidents as prescribed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Encourage/motivate employees in observance of regulations, internal regulations, process and measures for assurance of occupational safety and hygiene.

5. Take legal proceedings on behalf of an employee group upon the infringement of their rights in terms of occupational safety and hygiene; or take legal proceedings on behalf of an employee upon the infringement of his/her rights in terms of occupational safety and hygiene.

6. Research and apply technologies, provide training in terms of occupational safety and hygiene; and suggest measures for improvement of working condition, prevention of occupational accidents and occupational diseases for employees.

7. Cooperate with the competent agency in organization of emulation movement in terms of occupational safety and hygiene; organization of mass movement in terms of occupational safety and hygiene; organization and instructions in operation of the network of occupational safety and hygiene officers.

8. Give commendations for occupational safety and hygiene activities as prescribed by Vietnam General Confederation of Labor.

Article 10. Rights and obligations of internal trade unions in terms of occupational safety and hygiene

1. Cooperate with the employer to formulate and observe the implementation of plans, regulations, internal regulations, process and measures for assurance of occupational safety and hygiene and improvement of working condition.

2. Negotiate, sign and supervise the implementation of terms and conditions of occupational safety and hygiene in the collective bargaining agreement on behalf of the employee group; and help the employee to make complains or take legal proceedings upon the infringement of the employee’s rights.

3. Discuss with the employer to take actions against issues related to rights and obligations of employees and the employer in terms of occupational safety and hygiene.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

5. Request the employer or competent agency to carry out policies on assurance of occupational safety and hygiene, eliminate safety threat, occupational accidents and impose penalties for violations against occupational safety and hygiene.

6. Propagate employees and employers in observance of legislation, standards, process and measures for occupational safety and hygiene at the workplace. Cooperate with employers in provisions of training in occupational safety and hygiene for union representatives and employees.

7. Request the persons in charge to adopt measures for occupational safety and hygiene, including operation suspension if necessary when there is any hazard that threatens health and lives of employees at the workplace.

8. Participate in internal groups of investigation into occupational accidents (hereinafter referred to as the internal investigation group) prescribed in Clause 1 Article 35 of this Law; cooperate with the employer in responses to safety threat, occupational accident; in case the employer fails to report as prescribed in Article 34 of this Law, the internal union shall immediately inform the competent agency prescribed in Article 35 of this Law for the investigation.

9. Cooperate with the employer in organization of emulation movement and mass movement in terms of occupational safety and hygiene and foster safety culture at the workplace, and manage and give instructions in operation of the network of occupational safety and hygiene officers.

10. Regarding any business entity without internal trade union, the superior trade union shall exercise rights and fulfill obligations prescribed in this Article at the request of the employees of that business entity.

Article 11. Rights and obligations of Vietnam Farmers' Union

1. Cooperate with regulatory agencies in policy formulation and legislation on occupational safety and hygiene applicable to farmers. Request the competent agencies to formulate, amend policies and legislation on rights and obligations of employees who are farmers in terms of occupational safety and hygiene.

2. Cooperate with the competent agency in inspection and observation of implementation of policies or legislation on rights and obligations of employees who are farmers in terms of occupational safety and hygiene; participate in investigation into occupational accidents when victims of occupational accidents are farmers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Cooperate with state management agencies in improvement of working condition, prevention of occupational accidents and occupational diseases for farmers.

5. Mobilize farmers in propagation of assurance of occupational safety and hygiene for them as prescribed.

Article 12. Prohibited acts

1. Concealing, providing false information about occupational accidents or occupational diseases; failing to conform to requests or implement measures for occupational safety and hygiene causing damage or threaten lives, assets and environment; compelling employees to work or prevent employees from leaving the workplace when there are hazards of occupational accidents threatening their health or lives or compelling employees to keep working even though such hazards have not been eliminated.

2. Evading paying or delaying paying insurance premiums; appropriating the insurance premiums or the insurance payout; cheating or forging documents on the insurance; failing to pay the insurance premiums for employees; managing and using the insurance fund not in accordance with regulations of law; illegally assessing database of the insurance.

3. Using machinery, equipment or materials having strict requirements pertaining to occupational safety and hygiene without any inspection or the inspection results show that those machinery, equipment or materials do not meet requirements; have no clear origin, expire; do not ensure quality; or cause environment pollution.

4. Committing a fraud in inspection, training in occupational safety and hygiene, occupational environment monitoring, or medical assessment of decreased work capacity upon occupational accidents or occupational diseases; prevent, make difficulties or cause damage to lawful right and interests of employees and employers in terms of occupational safety and hygiene.

5. Discriminate on grounds of sex in assurance of occupational safety and hygiene; discriminate against employees who refuse to keep working or leave the workplace when they believe that there are hazards of occupational accidents that threaten their lives or health; or discriminate against employees in charge of occupational safety and hygiene of the workplace, discriminate against occupational safety and hygiene officers and health officers.

6. Give work assignment that strictly requires occupational safety and hygiene to employees who have not been trained in occupational safety and hygiene.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter II

MEASURES FOR PREVENTION OF DANGEROUS OR HARMFUL FACTORS TO EMPLOYEES

Section 1. PROPAGATION IN OCCUPATIONAL SAFETY AND HYGIENE

Article 13. Propagation in occupational safety and hygiene

1. The employer shall propagate occupational safety and hygiene, dangerous or harmful factors and measures for occupational safety and hygiene at the workplace to employee; provide instructions in occupational safety and hygiene for visitors or persons working at their premises.

2. Manufacturer shall provide information about measures for assurance of occupational safety and hygiene together with products or goods that threaten the users during the course of work.

3. Agencies, organizations and households shall propagate and raise employees’ awareness of knowledge and skills in occupational safety and hygiene; propagate abolishment of unsound customs, unhygienic, harmful or dangerous practices that threaten the health of employees and the community during the course of work.

Every year, People’s Committees of local government shall direct propagation in occupational safety and hygiene to employees without labor contracts in their administrative divisions according to their condition.

4. Mass media agencies shall propagate and raise public awareness of policies, legislation and knowledge about occupational safety and hygiene, combine information about prevention of occupational accidents and occupational diseases and other communications programs or activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Managers in charge of occupational safety and hygiene, persons in charge of occupational safety and hygiene, health officers, occupational safety and hygiene officers in the business entities are required to participate in training in occupational safety and hygiene and they are issued certificates by institutions providing training in occupational safety and hygiene upon their examination pass.

If there is any change in policies, law or science and technology in terms of occupational safety and hygiene, they must be provided with training in new knowledge about occupational safety and hygiene.

2. The employer shall provide training for employees who do work having strict safety and hygiene requirements and grant them safety cards before giving work assignment.

3. The employees without labor contracts who do work having strict safety and hygiene requirements must be trained in occupational safety and hygiene and granted safety cards.

The State shall adopt policies on tuition support for employees prescribed in this Clause upon their participation in the training courses. Tuition fees, beneficiaries and time for support shall be prescribed by the Government depending on socio-economic development in each period.

4. The employer shall self-provide training and take responsibility for quality of their training courses in occupational safety and hygiene for employees other than those prescribed in Clause 1, 2 and 3 of this Article, apprentices, and interns before they are recruited or assigned tasks, and the employer shall periodically provide retraining for them.

5. The training in occupational safety and hygiene prescribed in this Article must be conformable with characteristics and nature of each business line, job position, and business scope without interrupting the business operation. According to their business entity condition, the employer shall provide separate training course in occupational safety and hygiene or combine training course in occupational safety and hygiene and training course in fire safety or other training courses as prescribed in specialized legislation.

6. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall promulgate List of occupations that strictly require occupational safety and hygiene with the consent of relevant managing Ministries.

7. Institution providing training in occupational safety and hygiene (hereinafter referred to as institutions) means a public service provider or an enterprise which provide training in occupational safety and hygiene as prescribed in legislation on investment and this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. The Government shall provide guidance on issuing agency, requirements for facilities, occupational safety and hygiene trainers, procedures, application for issuance, reissuance, extension or revocation of Certificate of eligibility for operation of the institutions as prescribed in Clause 7 of this Article, and training and self-training in occupational safety and hygiene.

Section 2. INTERNAL REGULATIONS, PROCESS AND MEASURES FOR ASSURANCE OF OCCUPATIONAL SAFETY AND HYGIENE AT THE WORKPLACE

Article 15. Internal regulations and process for assuring occupational safety and hygiene

The employer shall formulate, promulgate and implement internal regulations and process for assuring occupational safety and hygiene according to legislation, national technical regulations and standards, local technical standards in terms of occupational safety and hygiene and their business condition.

Article 16. Responsibility of the employer for assurance of occupational safety and hygiene at the workplace

1. The workplace is required to meet requirements pertaining to space, clearance, dust, steam, noxious gases, radioactivity, electromagnetic field, heat, moisture, noise, vibration, and other dangerous or harmful factors as prescribed in relevant technical standards and they are regularly inspected and measured; there are enough bathrooms and restrooms suitable for the workplace as prescribed by the Minister of Health.

2. Machinery, equipment, materials and substance shall be used, operated, maintained and preserved at the workplace in conformity with technical standards of occupational safety and hygiene, or technical regulation on occupational safety and hygiene that promulgated, applied and internal regulations and process for assuring occupational safety and hygiene at the workplace.

3. Employees are sufficiently provided with personal protective equipment when they perform tasks having dangerous or harmful factors; and occupational safety and hygiene equipment at the workplace.

4. Annually or when necessary, dangerous or harmful factors at the workplace must be inspected and assessed to carry out technical measures for elimination or reduction in dangerous or harmful factors at the workplace, improvement of working condition and healthcare for employees.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. There are warning and instruction signs made in Vietnamese and popular language of employees in relation to occupational safety and hygiene for machinery, equipment, materials and substances that having strict safety and hygiene requirements at the workplace, preservation places, usage places that are placed at obvious locations.

7. Employees shall be propagated and trained in internal regulations, process of occupational safety and hygiene, measures for prevention ò dangerous or harmful factors at the workplace in relation to their work assignment.

8. Formulate and promulgate plans for breakdown responses, emergency rescue at the workplace; organization of breakdown responses, emergency rescue, rescue forces and promptly send reports to the persons in charge when any hazard is found or any accident or breakdown occurs beyond the control capacity of the employer.

Article 17. Responsibility of employees for assurance of occupational safety and hygiene at the workplace

1. Conform to internal regulations, process, and requirements pertaining to occupational safety and hygiene issued by the employer or competent state agencies.

2. Comply with regulations of law and acquire knowledge and skills in measures for assurance of occupational safety and hygiene at the workplace; use and preserve their personal protective equipment, occupational safety and hygiene equipment at the workplace during the course of work.

3. Participate in training in occupational safety and hygiene before using machinery, equipment, materials or substances that are having strict safety and hygiene requirements.

4. Prevent hazards that threaten occupational safety and hygiene, violations against occupational safety and hygiene at the workplace; promptly report competent persons when they know occupational accidents or breakdowns or they detect hazards of breakdowns, occupational accidents or occupational diseases; and proactively rescue or respond to breakdowns, occupational accidents according to the plans for responses to breakdowns and emergency rescue or under orders of the employer or competent state agencies.

Article 18. Control of dangerous or harmful factors at the workplace

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Regarding harmful factors that there are regulations on permitted restrictions to control harmful effect on employees’ health promulgated by the Ministry of Health, the employer shall organize occupational environment monitoring to assess those harmful factor at least once a year. Units in charge of occupational environment monitoring must satisfy requirements for facilities, equipment and personnel.

3. Regarding dangerous factors, the employer shall regularly inspect and manage in conformity with technical standards of occupational safety and hygiene and they must be inspected and assessed at least once a year as prescribed.

4. After receiving results of occupational environment monitoring to assess harmful factors and results of inspection, assessment and management of dangerous factor at the workplace, the employer must:

a) Announce the results to employees where the occupational environment monitoring is carried out and dangerous factors are subject to inspection, assessment and management.

b) Provide information for trade unions, or competent agencies at their requests;

c) Impose measures for elimination or control of dangerous or harmful factors at the workplace to ensure occupational safety and hygiene and healthcare for employee.

5. The Government shall provide guidance on control of dangerous or harmful factors at the workplace and operation condition of the units in charge of occupational environment monitoring shall be in accordance with the Law on Investment and Law on enterprises.

Article 19. Actions against serious safety threat and emergency rescue

1. The employer shall have plans for actions against serious safety threat and emergency rescue and periodically organize manoeuvres as prescribed; provide technical and medical equipment to ensure rescue and first aid when a serious safety threat or an occupational accident occurs.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The employer must give an order to stop operation of machinery, equipment, materials or substances at the workplace where there are hazards of occupational accidents or serious safety threat; may not compel employees to keep working or return to workplace if the hazards have been not eliminated; carry out actions against serious safety threat and emergency rescue to save people, assets and ensure occupational safety and hygiene for employees, people around the workplace, assets and the environment; and promptly inform the local government where the breakdown or emergency rescue occurs.

b) When a serious safety threat occurs in a business entity or an administrative division; the employer or the local government must urgently mobilize personnel, material resources and vehicles for emergency response as prescribed in specialized legislation;

b) When a serious safety threat occurs in multiple business entities or multiple administrative divisions; the employers and the local governments must respond to that breakdown and send reports to superior agencies as prescribed in specialized legislation.

In case the breakdown is beyond the capacity of business entities or local governments, they shall urgently report to their superior agencies in order to mobilize other business entities or local governments in rescue; the latter business entities or local governments must carry out measures for emergency rescue within their competence.

3. The Government shall provide guidance on this Article.

Article 20. Improving working condition and fostering safety culture

1. The employer must regularly cooperate with Executive board of internal trade union to enable employees to improve their working condition and foster safety culture.

2. The employer is encouraged to apply advanced and modern technical standards and administration system and apply advanced, high and eco-friendly technology to business activities in order to improve working condition and ensure occupational safety and hygiene for employees.

Section 3. PERSONAL PROTECTIVE EQUIPMENT AND HEALTHCARE FOR EMPLOYEES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Annually, an employer shall organize health check-ups at least once a year for employees; and health check-ups at least twice a year for employees doing heavy and harmful jobs and disabled, underage and elderly employees.

2. Beside regulations prescribed in Clause 1 of this Article, the employer shall organize obstetric checks for female employees, and occupational disease checks for employees who work in conditions with hazards of occupational diseases.

3. Before an employee is assigned works or taken another work that is more heavy, harmful or dangerous, or after a victim recovers from occupational accident or occupational disease and returns to work, the employer shall have them went for health check-ups, unless they have undergone decreased work capacity examinations conducted by a Medical Examination Council.

4. The employer shall organize health check-ups or occupational disease check-ups for employees at health facilities meeting professional and technical conditions.

5. The employer shall send the employee who is diagnosed as an occupational disease to a health facility meeting professional and technical conditions according to the treatment regimen of occupational diseases prescribed by the Minister of Health.

6. Costs of health check-ups, occupational disease check-ups, and treatment for occupational diseases for employees paid by employers as prescribed in Clause 1, 2 3 and 5 of this Article shall be recorded to deductible expenses when determining their taxable income as prescribed in Law on enterprise income tax and recorded to regular operating expenses applicable to administrative units without service provision.

Article 22. Heavy, harmful or dangerous occupations

1. Heavy, harmful or dangerous occupations and extremely heavy, harmful or dangerous occupations are classified according to their characteristics and particular working condition.

2. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall promulgate a List of heavy, harmful or dangerous occupations and extremely heavy, harmful or dangerous occupations with the consent of the Ministry of Health; and regulations on classification standards for occupations according to working condition.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 23. Personal protective equipment

1. Every employee who does dangerous or harmful works shall be adequately provided with personal protective equipment by the employer and he/she is required to use it during the course of work.

2. The employer shall carry out measures pertaining to technology, engineering and equipment for elimination or limitations on dangerous or harmful factors and improvement of working condition.

3. The employer shall provide personal protective equipment according to following rules:

a) Provide personal protective equipment in conformity with their types, entities, quantity, quality assurance according to national technical regulations and standards;

b) Do not give money instead of providing personal protective equipment; do not compel employees to self-buy or collect money from employees to buy personal protective equipment;

c) Give instructions and observe employees using personal protective equipment;

d) Carry out measures for decontaminating, sterilizating, radioactive decontaminating used personal protective equipment that is put in places prone to be contaminated, infected or affected by radioactivity.

4. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall promulgate provision of personal protective equipment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Each employee working in dangerous or harmful condition is entitled to in-kind allowances provided by the employer.

2. In-kind allowances shall be given according to following rules:

a) The in-kind allowances help the employee in strengthening the resistance and detoxification of his/her body.

b) The in-kind allowances are given conveniently and in conformity with food safety and hygiene;

c) The in-kind allowances are given within a shift or a working day, unless the employer is not able to do so.

3. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on in-kind allowances.

Article 25. Working time in dangerous or harmful condition

1. The employer must ensure that the period of time in which an employee is exposed to dangerous or harmful factors is within the safety limits as prescribed in equivalent National technical regulation and relevant law provisions.

2. Working time applicable to employees working extremely heavy, harmful or dangerous occupations shall comply with legislation on labor.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Annually, every employer is encouraged to provide health rehabilitation services for employees working heavy, harmful or dangerous occupations and employees working extremely heavy, harmful or dangerous occupations and employees with poor health.

Article 27. Management of employees’ health

1. The employer shall give work assignment to its employees according to health standards prescribed for each type of occupation and the results of employees’ health check-ups.

2. The employer shall prepare and manage health documents of employees, occupational disease patients; send notifications of results of health check-ups and occupational disease check-ups to employees; and send reports on management of employee’s health to health authorities annually.

Section 4. MANAGEMENT OF MACHINERY, EQUIPMENT, MATERIALS OR SUBSTANCES HAVING STRICT SAFETY AND HYGIENE REQUIREMENTS

Article 28. Machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements having strict safety and hygiene requirements

1. Machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements means machinery, equipment, materials or substances that are kept, transported, preserved, and used appropriately and properly as recommended by the producer, but they still pose a risk of occupational accidents or occupational diseases that cause serious consequence for the people’s health or lives during the course of work.

2. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall promulgate List of occupations that strictly require occupational safety and hygiene at the requests of Ministries prescribed in Article 33 of this Law.

Article 29. Plans for assurance of occupational safety and hygiene upon new construction, extension or renovation of construction works producing, using and preserving machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The plan for assurance of occupational safety and hygiene shall contain:

a) Location, size of the construction work;

b) Listing and description of work items in the construction work;

c) Hazards of dangerous or harmful factors or breakdowns during the operation;

d) Specific measure for elimination or reduction in dangerous or harmful factors; action plans for serious safety threat and emergency rescue.

Article 30. Use of machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements

1. All types of machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements must have clear origin, within their shelf life, quality assurance and subject to inspection as prescribed in Clause 1 Article 31 of this Law, unless otherwise prescribed.

2. When types of machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements are put into operation or discarded, the organizations or individuals in charge shall submit a report to specialized agencies of People’s Committees of central-affiliated cities or provinces (hereinafter referred to as provinces) within their competence prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 33 of this Law, unless otherwise prescribed.

3. When the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements are used, the organizations or individuals must have them inspected and maintained periodically, and prepare and archive documents on safety engineering for them according to equivalent National technical regulation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 31. Inspection of machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements

1. All types of machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements must be inspected before put them into operation and inspected periodically during their operation by an organization specialized in occupational safety inspection.

2. The inspection of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements must be carried out accurately, publicly and transparently.

3. The Government shall provide guidance on issuing agency, requirements for facilities, occupational safety and hygiene trainers, procedures, application for issuance, reissuance, extension or revocation of Certificate of eligibility for operation of the organization specialized in occupational safety inspection; requirements for inspectors; and inspection of machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements.

Article 32. Rights and obligations of the organization specialized in occupational safety inspection

1. The organization specialized in occupational safety inspection is a public service provider or an enterprise providing occupational safety inspection services.

2. The organization specialized in occupational safety inspection has rights to:

a) Conduct inspection activities according to agreements on inspection services;

b) Refuse to provide inspection services when it is unsafe to carry out inspection of machinery, equipment or materials;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Request organizations or individuals having assessed entities provide materials and information to serve the inspection activities.

3. The organization specialized in occupational safety inspection has obligations to:

a) Provide inspection services within scope and entities as mentioned in the Certificate of eligibility for inspection operation;

b) Conduct inspection activities according to the inspection process;

c) Take responsibility for inspection results, compensation for damage caused by inspection activities as prescribed; and revocation of inspection results issued if any mistake is detected;

d) Send reports on inspection operation to competent authorities as prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 33 of this Law and labor authorities as prescribed;

dd) Archive documents on inspection.

Article 33. The roles of Ministries of state monitoring of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements

1. Ministries shall be in charge of state monitoring of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The Ministry of Agriculture and Rural Development is in charge of state monitoring of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements in terms of plants, domestic animals, fertilizers, animal feed, plant protection products, veterinary medicine, biological preparations used in agriculture, forestry, salt production, aquaculture, irrigation works, and dike maintenance;

c) The Ministry of Transport is in charge of state monitoring of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements in terms of transport vehicles, material handling equipment, exploration or extraction equipment or vehicles, transport infrastructure;

d) The Ministry of Industry and Trade is in charge of state monitoring of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements in terms of pneumatic tools, lifting equipment used in industry, chemicals, industrial explosives, equipment used in mining or petroleum extraction, other than equipment or devices used in exploration and extraction at sea.

dd) The Ministry of Construction is in charge of state monitoring of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements in terms of execution of construction;

e) The Ministry of Science and Technology is in charge of state monitoring of nuclear reactors, nuclear materials, source materials, radioactive substances and radiological equipment;

g) The Ministry of Information and Communications is in charge of state monitoring of machinery and equipment used in radio and television broadcast;

h) The Ministry of National Defense is in charge of state monitoring of military equipment, weapons, ammunition, and products serving national defense and national defense works;

i) The Ministry of Public Security is in charge of state monitoring of fire safety equipment; military equipment, weapons, ammunition and support tools, excluding cases prescribed in Point h of this Clause;

k) The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs is in charge of state monitoring of personal protective equipment for employees and the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements excluding cases prescribed in Points a, b, c, d, dd, e, g, h and i of this Clause.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. According to state management of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article and the List of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements prescribed in Clause 2 of Article 28 of this Law, Ministries below have obligations to:

a) Formulate the detailed List of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements and send it to the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs for promulgation;

b) Issue process for inspection of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements with the consent of the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs;

c) Inspect the inspection activities as prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

d) Annually send reports on management of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, unless otherwise prescribed by specialized legislation.

4. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall take charge and cooperate with relevant Ministries in checking the List of the machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements for amendment that appropriate to socio-economic development, science and technology development and management of each period.

Chapter III

RESPONSES TO SAFETY THREAT AND OCCUPATIONAL ACCIDENTS AND OCCUPATIONAL DISEASES

Section 1. REPORTING, STATISTICS AND INVESTIGATION INTO SAFETY THREAT, OCCUPATIONAL ACCIDENTS AND OCCUPATIONAL DISEASES

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. An occupational accident or a safety threat shall be reported as follows:

a) Upon the occurrence or possible occurrence of the occupational accident or safety threat at the workplace, the victim or the witness shall immediately inform the person in charge and the employer to promptly give responses and eliminate the consequences;

b) If the accident prescribed in Point a of this Clause is fatal or causes serious injuries to at least two employees, the employer shall immediately report the accident to the labor authority of province where the accident occurred; and concurrently inform police security authority of the district, town, city affiliated to province, or city affiliated to central-affiliated city (hereinafter referred to as the district) regarding the accident resulting in death.

c) If the accident or breakdown occurs in following fields: radioactivity, petroleum exploration and extraction, vehicles of rail transport, waterway, road transport, air transport, and units of People’s armed forces, the employer shall report the accident/breakdown as prescribed in specialized legislation;

d) If the accident is fatal or causes serious injuries to an employee without labor contract, his/her family or the witness shall immediately report such accident to the People’s Committee of commune, ward and town (hereinafter referred to as the commune) where the accident occurred.

If the accident is fatal or causes serious injuries to at least two employees, the People’s Committee of commune shall immediately report to police authority of the district and labor authority of province where the accident occurred.

If the safety threat occurs relating to an employee without labor contract, the witness shall immediately report the breakdown to the People’s Committee of commune where the breakdown occurred as prescribed in Article 19 and Article 36 of this Law.

2. The competent agency shall consider and deal with declaration of occupational accidents and safety threat, inform results of the informer and apply necessary measures for protection of legitimate rights and interests of the informer.

Article 35. Investigation into occupational accidents or safety threat or serious safety threat

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Composition of the internal investigation group includes: the employer or representative of the employer who is the group leader and representatives of the Executive board of internal trade union or employees (for business entity having no internal trade union), occupational safety officers, health officers, etc., who are group members.

If the accident causes serious injuries to an employee without labor contract, the People’s Committee of commune shall immediately report to police authority of the district and labor authority of province where the accident occurred.

2. Each labor authority of province shall establish a provincial investigation group to investigate fatal accidents or accidents that cause serious injuries to at least two employees, including employees without labor contracts, excluding the cases prescribed in Clause 4 of this Article; and re-investigate occupational accidents that were investigated by the internal investigation group in case of complaints, denunciations, or where necessary..

Composition of the provincial investigation group shall include representative of Occupational Safety and Hygiene Inspectorate affiliated to a provincial authority who is the group leader and representatives of the Service of Health, Confederation of Labor, etc., who are group members.

3. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs or competent agency in charge of establishment of the central investigation group shall investigate occupational accidents so serious and complicated that they are beyond the capacity of the provincial group of investigation into occupational accidents; and re-investigate occupational accidents that were investigated by the provincial group of investigation into occupational accidents.

Composition of the central investigation group shall include representatives of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Health, Vietnam General Confederation of Labor and other members.

4. Regarding the accidents and breakdowns prescribed in Point c Clause 1 Article 34 of this Law, the investigation shall be carried out according to specialized legislation, legislation on labor with the cooperation of Occupational Safety and Hygiene Inspectorate.

5. The employers and persons involved in occupational accidents or safety threat or serious safety threat must cooperate with the investigation group, provide sufficient information and relevant materials and may not refuse or obstruct the investigation process.

If the employee has the accident while commuting between home and work, the competent agency shall provide one of the following documents to the investigation group:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) A report on investigation into traffic accident;

c) If there is no document prescribed in Point a and Point b of this Clause, a written confirmation issued by the police authority of the commune, ward or town where the accident occurred is required at the request of the employee or their relatives.

6. Time limit for investigation of occupational accidents within competence of internal, provincial or central investigation group prescribed in Clause 1, 2 and 3 of this Article from the date on which the report on the occupational accident is received to the date on which the report on investigation into the occupational accident is published is:

a) 04 days if the accident only causes minor injuries to employees;

b) 07 days if the accident causes major injuries to an employee;

c) 20 days if the accident causes major injuries to at least two employees;

d) 30 days if the accident is fatal; 60 days if the accident requires technical assessment or forensic examination. If the accident is suspected to be a crime and investigated by an investigating agency but there is no decision on criminal prosecution, the time limit for investigation shall be begin from the date on which the investigation group receives adequate materials, objects, or vehicles related to the accident.

If the accident mentioned in Points b, c, and d of this Clause has complicated facts, it shall be granted an extension provided that it does not exceed the time limit prescribed in those Points; the extension must be reported and concurred with by the person issuing the decision on establishment of the investigation group regarding occupational accidents prescribed in Points b, c and d of this Clause by the investigation group leader.

7. During the investigation process prescribed in Clauses 1, 2 and 3 of this Article, if there is any sign of crime, the investigation group shall send reports enclosed with materials, transfer relevant items and vehicles (if any) to the investigating agency for consideration, criminal prosecution as prescribed in legislation on criminal proceedings.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. The report on investigation into the occupational accident shall be announced in the meeting presided over by the group leader and group members, the employer or representative of the employer, representatives of trade union, victims or representative of victims’ relatives, witnesses or relevant parties in the accident; if the accident cause death to the employee, there are also representatives of police authority and People’s Procuracy at the same level.

The report on investigation into the accident and the meeting minutes shall be sent to agencies having the group members, the labor authority, and the employer of the business entity having the accident and victims or their relatives.

9. Responsibility to publish the report on investigation into the accident and necessary information about the accident:

a) The employer shall publish information if it is required to investigate the occupational accident prescribed in Clause 1 of this Article; the People’s Committee of the commune shall publish information about the occupational accident in which the People’s Committee of the commune makes the report;

b) The investigation group leader or the competent agency in charge of the investigation into the occupational accidents prescribed in Clause 2 and Clause 2 of this Article shall publish information;

c) The investigation group leader or the competent agency in charge of the investigation into the occupational accidents shall publish information, unless otherwise prescribed by specialized legislation.

The receiving the report on investigation into the occupational accidents and the meeting minutes, the employer shall post them on the bill publicly and sufficiently for all employees in the business entity; regarding occupational accidents occurring to employees without labor contracts, the People’s Committee of the commune shall post them on the bill for the people of the commune;

d) The investigation group leader or the competent agency in charge of the investigation into the occupational accidents or breakdowns prescribed in Clause 4 of this Article, or safety threat and serious safety threat shall publish the reports on investigation and relevant necessary information after the time limit for investigation expires, unless otherwise prescribed by specialized legislation.

10. If the time for investigation into the occupational accident, safety threat and serious safety threat prescribed in this Article expires the time limit as prescribed and cause damage to the lawful rights and interests of employees or employer, it is required to pay compensation as prescribed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 36. Statistical reports on occupational accidents and serious safety threat

1. Every 6 month and every year, each employer shall send statistical reports on occupational accidents and serious safety threat to the labor authority of province, unless otherwise prescribed by specialized legislation.

2. Every 6 month and every year, each People’s Committee of commune shall send statistical reports on occupational accidents and serious safety threat related to employees without labor contracts prescribed in Point d Clause 1 Article 34 of this Law to the People’s Committee of district, then it shall be synthesized and reported to the labor authority of province.

3. Each labor authority of province shall send reports on occupational accidents and serious safety threat prescribed in Clause 1 and Clause 2 of this Article to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs as follows:

a) The labor authority shall send quick reports on occupational accidents that cause deaths or serious safety threat or serious safety threat in the province;

b) Every 06 months and every year, the labor authority shall send reports on occupational accidents or serious safety threat and occupational safety in the province.

4. Every 06 months and every year, the Ministry of Health shall release statistics on cases in which victims of occupational accidents undergone medical examinations and treatment and send to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

5. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall organize and give instructions in collection, archives, provision, promulgation and assessment of occupational accidents and serious safety threat; creation and management of database of occupational safety nationwide.

Article 37. Statistics and reports on occupational diseases

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The List of occupational diseases promulgated by the Minister of Health with the consent of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, Vietnam General Confederation of Labor, the representative of employers, relevant social organizations shall be amended in conformity with the occupational environment, equipment and technology.

2. Every year, each employer shall send reports and statistics of prevention of occupational diseases to health authority of province, and then they shall be sent to the Ministry of Health.

3. Every year, the Ministry of Health shall send statistics and assessment of occupational diseases and actions against occupational diseases to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, and then they shall be sent to the Government.

4. The Ministry of Health shall organize and give instructions in collection, archives, provision, promulgation and assessment of occupational diseases; creation and management of database of occupational disease prevention; and investigation into occupational diseases.

Section 2. RESPONSIBILITIES OF EMPLOYERS TO EMPLOYEES SUFFERING FROM OCCUPATIONAL ACCIDENTS OR OCCUPATIONAL DISEASES

Section 38. Responsibilities of employers to employees suffering from occupational accidents or occupational diseases

Each employer shall take responsibilities to an employee suffering from occupational accidents or occupational diseases as follows:

1. Promptly give first aid and emergency aid to the employee and advance payment for first aid, emergency aid, and treatment for the employee;

2. Pay for first aid, emergency aid, and treatment for the employee until their health become stable, including:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Payment for medical assessment of decreased work capacity if the employee’s working capacity decreases by under 5% as concluded by the Medical Examination Council;

c) Full payment for treatment for the employee if the employee has not heath insurance;

3. Pay full salary for the employee if he/she is absent from work during the treatment and health rehabilitation period;

4. The employer shall pay compensation for the employee suffering from occupational accident that is not entirely his/her fault and the employee suffering occupational disease as follows:

a) At least 1.5 months’ salary for the employee whose working capacity decrease is between 5% and 10%; 0.4 month’s salary shall be add for each additional 1% working capacity decrease regarding the employee whose working capacity decrease is between 11% and 80% ;

b) At least 30 months’ salary for the employee working capacity decrease is at least 81% or for the employee’s relatives if the employee dies from an occupational accident or an occupational disease;

5. Provide the employee suffering from the occupational accident with a benefit of at least 40% of the amount prescribed in Clause 4 of this Article if the accident is entirely his/her fault;

6. Recommend the employee for medical assessment of decreased work capacity, treatment, convalescence and health rehabilitation as prescribed;

7. Pay compensation or benefit for the victim within 05 days, from the date on which the conclusion on working capacity rate made by Medical Examination Council or from the date on which the report on investigation into the occupational accident published by the investigation group in relation to occupational accidents causing deaths;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. File a claim for the insurance benefits from the Insurance fund as prescribed in Section 3 of this Chapter;

10. The salary used as the basis for compensation, benefits, or salaries paid for employees absent from work due to their occupational accidents or occupational diseases prescribed in Clauses 3, 4 and 5 of this Article shall include salary, allowances and additional payments as prescribed in legislation on labor.

11. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on Clauses 3, 4, and 5 of this Article.

Article 39. Responsibilities of employers for providing compensation and benefit applicable to particular cases

1. If an employee has an occupational accident when he/she is performing tasks or conform to the directive of the employer outside the premises of the agency, enterprise, organization or cooperatives through other people’s faults or through the fault of an unidentifiable person, the employer shall still pay compensation for the employee as prescribed in Clause 4 Article 38 of this Law.

2. If an employee has an occupational accident while commuting between home and work, with other people’s faults or not identifiable persons causing the accident, the employer shall still pay benefits for the employee as prescribed in Clause 5 Article 38 of this Law.

3. If the employer bought accident insurance for the employee from an insurance company, the employee shall receive compensation and/or benefits as specified in the insurance policy. If the insurance payout paid by the insurance company is lower than the amount prescribed in Clause 4 and Clause 5 Article 38 of this Law, the employer shall pay the remaining amount provided that total amount that the employee or their relatives receives is not smaller than the compensation or benefit prescribed in Clause 4 and Clause 5 Article 38 of this Law.

4. If the employer does not buy the insurance for the employee subject to compulsory social insurance as prescribed in Law on social insurance, apart from the compensation and/or benefit prescribed in Article 38 of this Law, the employer shall pay an amount equivalent to the insurance benefits prescribed in Section 3 of this Chapter; the payment is a lump-sum payment or a monthly payment depending on contracting parties, or at the request of the employee if they cannot reach an agreement.

5. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. An employee shall not receive occupational accident benefits prescribed in Article 38 and Article 39 of this Law from the employer if the accident is caused by one of the following reasons:

a) Conflict between the employee and the person causing the accident not relating their works or tasks;

d) The employee deliberately ruins their own health;

c) The employee uses drugs or other narcotic substances against of law.

2. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on this Article.

Section 3. INSURANCE FOR OCCUPATIONAL ACCIDENTS OR OCCUPATIONAL DISEASES

Article 41. Rules for provision of benefit for victims covered by Insurance fund for occupational accidents and occupational diseases (hereinafter referred to as Insurance fund)

1. Insurance fund is a sub-fund of the Social insurance fund; insurance premiums and payout, management and use of this Fund shall comply with this Law and Law on social insurance.

2. Insurance premium rates shall be determined according to monthly salary of each employee and paid by their employer.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The insurance must be purchased and used simply, conveniently, promptly with full rights and interests for the insured.

Article 42. Use of the Insurance fund

1. Expenditures on fees for medical assessment of injuries or diseases caused by occupational accidents or occupational diseases for entities eligible as prescribed in Article 45 and Article 46 of this Law; expenditures on fees for medical assessment for employees who proactively take medical assessment of decreased work capacity as prescribed in Point b Clause 1 and Clause 3 Article 47 of this Law and the medical assessment results show that they are entitled to higher benefit of occupational accidents and occupational diseases.

2. Expenditures on lump-sum benefit, monthly benefit, attendance benefit.

3. Expenditures on daily living aids, orthopedic devices.

4. Expenditures on health rehabilitation.

5. Expenditures on support for prevention and risk sharing occupational accidents and occupational diseases.

6. Support for changes in occupations for victims when they return to work.

7. Expenditures on management of insurance as prescribed in the Law on social insurance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 43. Employees receiving the insurance benefits

1. The employees receiving the insurance benefits prescribed in this Section are employees subject to compulsory social insurance as prescribed in Point a, b, c, d, dd, e and h Clause 1 Article 2 and employers as prescribed in Clause 3 Article 2 of the Law on social insurance.

2. If an employee concludes labor contracts with multiple employers, each employer shall pay insurance premiums for the labor contract concluded with the employee who is subject to compulsory social insurance. When an employee has an occupational accident or suffers from an occupational disease, he/she shall receive the insurance benefit as prescribed by the Government.

Article 44. Premium rates and contribution sources to the Insurance fund

1. Every month, each employer shall make a contribution up to 1% of their salary fund which is the basis for paying social insurance premiums for employees as prescribed Article 43 of this Law to the Insurance fund.

2. Contribution sources to the Insurance fund include:

a) Contributions under liability of employers prescribed in Clause 1 of this Article.

b) Profits from investment activities using the fund prescribed in Article 90 and Article 91 of Law on Social insurance;

c) Other lawful revenues.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 45. Requirements for receiving occupational accident benefit

An employee buying the insurance shall receive occupational accident insurance benefit if the following requirements are satisfied:

1. He/she has an accident:

a) At the workplace and during the working time, even if he/she does necessary daily activities at the workplace or during the working time as prescribed in the Labor Code and internal regulations of the business entity, including break time, mid-shift meal, in-kind meal, menstrual hygiene, bathing, breastfeeding or personal hygiene;

b) Outside the workplace or beyond working time when he/she does works assigned by their employer or the person authorized by the employer;

c) On the route between home and work within a reasonable period of time and route;

2. He/she suffers a working capacity decrease of at least 5% caused by an accident prescribed in Clause 1 of this Article;

3. The employee will not be covered by the Insurance fund if he/she has an accident caused by one of the reasons prescribed in Clause 1 Article 40 of this Law.

Article 46. Requirements for receiving occupational disease benefit

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) He/she suffers from an occupational disease mentioned in the List of occupational diseases promulgated by the Minister of Health as prescribed in Clause 1 Article 37 of this Law;

b) He/she suffers a working capacity decrease of at least 5% caused by a disease prescribed in Clause 1 of this Article.

2. If an employee who has retired or no longer does the jobs posing risk of occupational diseases on the List of occupational diseases promulgated by the Minister of Health as prescribed in Clause 1 Article 37 of this Law is detect any occupational disease within a prescribed time, he/she might receive benefits as prescribed by the Government.

Article 47. Medical assessment of decreased work capacity

1. An employee involving in an occupational accident or suffering from an occupational disease is entitled to undergo medical assessment or medical re-assessment of decreased work capacity if he/she is in one of the following cases:

a) Their health condition has become stable after treatment of the first time injury or disease but there are sequelae affecting their health;

b) Their health condition has become stable after treatment of the relapse injury or disease;

c) If their health condition cannot become stable after treatment of the injury or disease as prescribed by the Minister of Health, the employee is entitled to undergo a medical assessment before or during the treatment process.

2. An employee is entitled to thorough assessment of their decreased work capacity when he/she is in one of the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) He/she suffers from multiple occupational accidents;

c) He/she suffers from multiple occupational diseases.

3. The employee prescribed in Point b Clause 1 of this Article shall be entitled to undergo medical re-assessment of occupational accidents or occupational diseases after 24 months, from the date on which the employee receives the preceding conclusion of decreased work capacity rate made by the Medical Examination Council; in case the employee’s health decline considerably, the period of time for re-assessment shall be shortened as prescribed by the Minister of Health.

Article 48. Lump-sum benefit

1. Each employee suffering a working capacity decrease of between 5% and 30% is entitled to a lump-sum benefit.

2. Lump-sum benefit levels:

a) Each employee suffering a 5% working capacity decrease is entitled to a benefit which is five times more than the base salary, a half of the basic salary shall be added to each additional 1% working capacity decrease;

b) Apart from the benefit level prescribed in Point a of this Clause, each employee is entitled to an additional benefit determined according to the payment period of the insurance premiums which equals half of the salary of the month preceding the leave taken for treatment on which social insurance premiums are based, for a period of social insurance premium payment of one year or less, and shall then be added with 0.3 month’s salary of the month preceding the leave taken for treatment on which social insurance premiums are based, for each additional year of social insurance premium payment; if the employee suffers from the occupational accident in the first month he/she pays premium or discontinued payment of premium until returning to work, the salary of such month shall be the basis for determination of that benefit.

3. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on determination of benefit occupational accident benefit or occupational disease benefit in case of changes in benefit levels given to employees due to re-assessment or thorough assessment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Each employee suffering a working capacity decrease of at least 31% is entitled to a monthly benefit.

2. Monthly benefit levels:

a) Each employee suffering a 31% working capacity decrease is entitled to benefit equivalent to 30% of the base salary, 2% of the base salary shall be added to each additional 1% working capacity decrease;

Apart from the benefit levels prescribed in Point a of this Clause, each employee is entitled to receive a monthly additional benefit determined according to the period of social insurance premium payment, which equals half of the salary of the month preceding the leave taken for treatment on which social insurance premiums are based, for a period of social insurance premium payment of one year or less, and shall then be added with 0.3% of the salary of the month preceding the leave taken for treatment on which social insurance premiums are based, for each additional year of social insurance premium payment.

3. Suspension from or continuation of receipt of monthly benefit of occupational accidents or occupational diseases, or attendance benefit shall comply with Article 64 of Law on Social insurance; documents and procedures for continuation of receipt of monthly benefit of occupational accidents or occupational diseases shall comply with Article 113 and Article 114 of Law on Social insurance. If the receipt of benefit suspend as prescribed in Point c Clause 1 Article 64 of Law on Social insurance, social security agency shall send notifications and provide explanation; decision on termination of benefit receipt shall comply with conclusion of the competent agency.

4. If a person who is receiving a monthly occupational accident benefit settles another place in the country and wishes to receive the benefit at the new place, he/she shall send an application to the former social security agency. Within 05 days, from the date on which the application is received, the social security agency shall verify the application; if the application is rejected, they must provide explanation in writing.

5. If a person who is receiving monthly insurance benefit settles abroad, he/she is entitled to a lump-sum benefit; the lump-sum benefit equals 3 months’ former benefit. Documents and procedures for lump-sum benefit shall comply with Clause 2 and Clause 3 Article 109 and Clause 4 Article 110 of Law on Social insurance.

6. The monthly benefit levels of occupational accidents or occupational diseases, or attendance benefit levels shall be adjusted as prescribed in Law on Social insurance.

Article 50. Time for benefit receipt

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If it fails to determine the time for which the employee’s health become stable or he/she is discharged from the hospital, the time for benefit receipt shall be determined from the month in which the conclusion is made by Medical Examination Council; if the employee is infected with HIV/AIDS due to occupational accidents, the time for benefit receipt shall be determined from the month in which the employee receive a Certificate of HIV/AIDS infection due to occupational accidents.

2. If the employee undergoes medical assessment of decreased work capacity prescribed in Point b Clause 1 and Clause 2 Article 47 of this Law, the time for new benefit receipt shall be determined from the month in which the conclusion is made by Medical Examination Council.

Article 51. Daily living aids, orthopedic devices

1. Any employee involving in an occupational accident or an occupational disease which damages their body functions shall be annually provided with money to buy daily living aids and orthopedic devices depending on the conditions of their injury or disease and at the indication of qualified health facilities, orthopedic or rehabilitation facilities.

2. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on types of daily living aids, orthopedic devices, shelf life, costs and documents and procedures for purchase.

Article 52. Attendance benefit

If an employee suffering a working capacity decrease of 81% or more, such as rachioplegia, total blindness, paraplegia, amputation of two legs or a mental disease, he/she is entitled to not only the benefit specified in Article 49 of this Law but also a monthly attendance benefit equivalent to the basic salary.

Article 53. Benefit upon death due to occupational accidents or occupational diseases

If an employee dies from an occupational accident or an occupational disease, his/her relatives shall be entitled to a lump-sum benefit which is thirty six times more than the basic salary determined in the month in which he/she dies and enjoy survivor benefits as prescribed in Law on Social insurance if the employee is in one of the following cases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The employee dies from an occupational accident or an occupational disease after the first treatment;

3. The employee dies during the treatment period without assessment of decreased work capacity.

Documents on survivor benefits from deaths of employees from occupational accidents or occupational diseases shall comply with Clause 1 Article 111 of Law on Social insurance.

Article 54. Convalescence and health rehabilitation after injury or disease treatment

1. An employee whose health has not yet recovered after taking treatment of occupational diseases or injuries within 30 days after returning to work is entitled to a leave of between 5 days and 10 days for convalescence and health rehabilitation for each time that occupational accident or occupational disease occurs.

If the employee has not been received the conclusion on assessment of decreased work capacity made by Medical Examination Council within 30 days after returning to work, the employee is still entitled to benefits from convalescence and health rehabilitation after injury and disease treatment prescribed in Clause 2 of this Article if the Medical Examination Council concludes that his/her decreased work capacity is entitled to the insurance.

2. The number of days of a leave for convalescence and health rehabilitation shall be jointly decided by the employer and Executive board of internal trade union or by the employer in case the internal trade union has not been set up. In particular:

a) Within 10 days regarding any employee suffering a working capacity decrease of at least 51%;

b) Within 07 days regarding any employee suffering a working capacity decrease of between 31% and 50%;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The per-diem benefit of convalescence and health rehabilitation for each employee prescribed in Clause 1 of this Article shall equal 30% of the base salary.

Article 55. Support for career change of victims when returning to work.

1. The employer shall assign new works for the victims as prescribed in Clause 8 Article 38 of this Law; the employee shall be supported tuition fees if the training courses for change in occupations are required.

2. The support does not exceed 50% of tuition fees and 15 times more than the base salary; each employee shall be entitled to up to 2 times of supports and once a year.

Article 56. Support for prevention and sharing of risks of occupational accidents and occupational diseases

1. Every year, the Insurance fund shall allocate up to 10% of revenues to support prevention and risk sharing for occupational accidents and occupational diseases.

2. Prevention and risk sharing activities of occupational accidents and occupational diseases include:

a) Occupational disease examinations and treatment;

b) Occupational rehabilitation;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Provision of training in occupational safety and hygiene for the insured and entities prescribed in Clause 1 and Clause 2 Article 14 of this Law.

3. The support for activities prescribed in Point a and Point b Clause 2 of this Article excluding the costs paid by the Insurance fund as prescribed in the Law on Health insurance or costs paid by the employers as prescribed in Clause 2 Article 38 of this Law.

4. The Government shall provide guidance on requirements for support, support rates, time for support, procedures for support, competent agencies deciding the support and implementation of support policies as prescribed in Article 55 and Article 56 of this Law and assurance of balance of the Insurance fund.

Article 57. Documents for claiming occupational accident benefit

1. A social insurance book.

2. A hospital discharge note or copies of medical records after occupational accident treatment for an inpatient.

3. A report of medical assessment of decreased work capacity made by Medical Examination Council.

4. A claim form for occupational accident benefit using the form issued by Vietnam Social Security with the consent of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Article 58. Claim documents on occupational disease benefit

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. A hospital discharge note or copies of medical records after occupational disease treatment for an inpatient; or an examination slip of occupational diseases for an outpatient.

3. A report of medical assessment of decreased work capacity made by Medical Examination Council; or a Certificate of HIV/AIDS infection due to occupational accidents.

4. A claim form for occupational disease benefit using the form issued by Vietnam Social Security with the consent of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Article 59. Provision of the insurance benefits

1. The employer shall send the claim documents on the insurance benefits to the social security agency within 30 days, from the date on which the adequate documents prescribed in Article 57 and Article 58 of this Law are received.

2. Within 10 days, from the date on which the adequate documents are received, the social security agency shall provide the insurance benefits; if the documents are rejected, they must provide explanation in writing.

Article 60. Provision of benefit of convalescence and health rehabilitation after occupational accident or occupational disease treatment

1. The employer shall make a list of employees entitled to the insurance benefits whose health is not recovered and send it to the social security agency within 10 days, from the date on which their health has not been recovered as determined in Clause 1 Article 54 of this Law.

2. Within 10 days, from the date on which the list is received, the social insurance agency shall provide convalescence and health rehabilitation for the employees and transfer money to the employee; if the list is rejected, they must provide explanation in writing.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 61. Provision of the insurance benefits behind regulated schedule

1. If the insurance benefits are provided behind schedule as prescribed in Article 59 and Clause 1 Article 60 of this Law, the persons or agencies in charge shall provide explanation in writing.

2. If the insurance benefits and the benefit are provided behind the schedule as prescribed and cause damage to lawful rights and interests of the insured, the persons or agencies in charge must give compensation as prescribed, unless that damage caused by the employees or their relatives entitled to survivor benefits.

Article 62. Documents and procedures for medical assessment of decreased work capacity for the insurance benefits

1. Documents and procedures for medical assessment of decreased work capacity for the insurance benefits shall be prescribed by the Minister of Health.

2. Medical assessment of decreased work capacity shall be carried out accurately, publicly and transparently. Medical Examination Council shall be responsible for the accuracy of their assessment results as prescribed.

Chapter IV

OCCUPATIONAL SAFETY AND HYGIENE ASSURANCE APPLICABLE TO PARTICULAR EMPLOYEES

Article 63. Occupational safety and hygiene applicable to female, minor or disabled employees

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 64. Requirements for employment of elderly employees in heavy, harmful or dangerous occupations

1. An elderly employee shall only be employed in heavy, harmful or dangerous occupations or serious heavy, harmful or dangerous occupations that adversely affect their health if all requirements are satisfied:

a) The elderly employee has experience and professional skills with at least 15 years’ seniority; has professional certificates or recognized as a craftsman as prescribed;

b) The elderly employee has good health to work heavy, harmful or dangerous occupations according to the health standards promulgated by the Minister of Health with the consent of specialized Ministries;

c) The elderly employee has been employed for within 05 years;

d) There is at least one employee other than an elderly employee work with the elderly employee together;

dd) The elderly employee voluntarily work those occupations.

2. The Government shall provide guidance on this Article.

Article 65. Occupational safety and hygiene applicable to employee leasing

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Agree with the leasing enterprise about respect for the right of leasing employees to have safe and hygienic working conditions provided that they are not lower than lawful rights and interests of employees of the leasing enterprise who have the same qualifications and same works; conclude an employee leasing and fulfill obligations of the employers as prescribed in the Labor Code and this Law;

b) Cooperate and inspect the implementation of occupational safety and hygiene applicable to the leasing employees carried out by the leasing enterprise. In case the leasing enterprise fails to fulfill all commitments to occupational safety and hygiene as mentioned in the employee leasing concluded, the subscribing enterprise shall be responsible for rights and interests of the leasing employees;

c) Keep record of occupational safety and hygiene related to the leasing employees; and send reports on occupational accidents or occupational diseases as prescribed in Article 36 and Article 37 of this Law.

2. A leasing enterprise must:

a) Fulfill all commitments as mentioned in the employee leasing; and do not discriminate between the leasing employees and their employees in terms of occupational safety and hygiene;

c) When a leasing employee has an occupational accident or a safety threat, he/she must be received first aid and emergency aid, and the leasing enterprise must inform the subscribing enterprise, and report and conduct an investigation as prescribed in Article 34 and 35 of this Law;

c) Provide training in occupational safety and hygiene for the leasing employees as prescribed in this Law, unless the subscribing enterprise has provided such training for the leasing employees; and send reports on occupational accidents or occupational diseases involved by the leasing employees to the subscribing enterprise twice or once a year;

d) Cooperate with the subscribing enterprise in investigation into occupational accidents; and keep record of documents on occupational safety and hygiene related to the leasing employees.

3. The leasing employees must comply with internal regulations, process and measures for assurance of occupational safety and hygiene of the leasing enterprise.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 66. Occupational safety and hygiene applicable to workplace having employees of multiple employers

With regard to the workplace having employees of multiple employers, the project owner or the investor shall request the employers to conclude an agreement on allocation of responsibility for employees in terms of occupational safety and hygiene and send persons to cooperate with them in inspection of occupational safety and hygiene.

Article 67. Occupational safety and hygiene applicable to Vietnamese employees working abroad

1. Vietnamese employees working abroad prescribed in this Article consist of Vietnamese employees sent by their employers and worked under agreement as prescribed in the Law on Vietnamese employees working abroad under agreement.

2. The employer must comply with regulations on occupational safety and hygiene of home country and following regulations:

a) Carry out sufficient measures for occupational safety and hygiene, the insurance benefits and responsibility of employers for employees prescribed in this Law; if regulations of the home country on such benefits are more favorable to employers, those regulations shall apply;

b) Cooperate with competent agencies of the home country in investigations into accidents or injuries involved by the employees;

c) Provide documents related to the fatal or serious occupational accidents for Occupational Safety and Hygiene Inspectorate of provinces of Vietnam where the premises of the employer are located.

3. Each Vietnamese employee working abroad must comply with Vietnam legislation, home country legislation, unless otherwise prescribed by the international agreements to which the Socialist Republic of Vietnam is a signatory.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Each employer must give instructions on how to use machinery, equipment or devices, in measures for fire safety in the house related to works of their domestic workers; and ensure safety and healthcare for their domestic workers.

2. Domestic workers must conform to instructions on how to use those machinery, equipment or devices and practice fire safety.

3. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on occupational safety and hygiene applicable to domestic workers.

Article 69. Occupational safety and hygiene applicable to work-from-home employees

1. When an employee concludes an agreement on work-from-home with an employer, the employee should base on the assurance of occupational safety and hygiene offered by the employer.

2. When the employee has an occupational accident when working from home, the employee or their relatives shall immediately report to the employer.

If the victim has bought the insurance, he/she shall be entitled to the insurance benefits as prescribed in this Law.

If the employee suffering from the occupational accident is not required to buy the insurance, the employer shall ensure the interests of the employee as prescribed in Clause 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8 and 10 Article 38 of this Law.

3. The employer must inspect workplace of work-from-home employees; fulfill commitments as mentioned in the agreement concluded with the employee; and send reports on occupational accidents involved by the employee together with the reports prescribed in Article 36 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Educational institutions and vocational institutions shall ensure requirements for occupational safety and hygiene applicable to students, apprentices during their practice duration similarly to the employees prescribed in Article 15, 15, 18, 19, 20, 23, 24, 25 and Clause 1 Article 27 of this Law.

2. The employer shall implement regulations on occupational safety and hygiene applicable to apprentices and interns similarly to the employees prescribed in this Law, including cases in which they have occupational accidents.

3. During the practice duration, students, apprentices must comply with regulations on occupational safety and hygiene promulgated by the educational institutions or vocational institutions.

If a student has an occupational accident during the practice duration, he/she shall receive benefits as prescribed by the Government.

Chapter V

OCCUPATIONAL SAFETY AND HYGIENE ASSURANCE APPLICABLE TO BUSINESS ENTITIES

Article 71. Occupational safety and hygiene assurance applicable to business entities

1. When a business entity carries out occupational safety and hygiene, it must comply with both regulations on occupational safety and hygiene prescribed in Chapters I, II, III and IV of this Law and regulations prescribed in this Chapter.

2. Management boards of economic zones, industrial parks, processing and exporting zones and hi-tech zones shall direct the occupational safety and hygiene for business entities within their management scope; cooperate in inspection of occupational safety and hygiene and send reports on occupational safety and hygiene to labor authorities within their management scope, unless otherwise prescribed by specialized legislation.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 72. Occupational safety and hygiene unit

1. According to labor scope and characteristics, hazards of occupational accidents or occupational diseases and working condition, the employer shall assign persons in charge of occupational safety and hygiene or set up a unit in charge of occupational safety and hygiene at a business entity.

The Government shall provide guidance on this Clause.

2. The persons in charge of occupational safety and hygiene or occupational safety and hygiene unit shall act as an advisor for the employer to carry out occupational safety and hygiene at the business entity, including:

a) Formulating internal regulations, process and measures for assurance of occupational safety and hygiene; and fire safety;

b) Making and implementing annual plans for occupational safety and hygiene; assessing risks and making plans for emergency rescue;

c) Managing and observing the reporting and inspection of machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements;

d) Organizing propagation and training in occupational safety and hygiene; give first aid, emergency aid and prevention of occupational diseases for employees;

dd) Organizing self-inspection of occupational safety and hygiene; investigating occupational accidents or safety threat as prescribed;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Requesting the employer to comply with recommendations of the Inspectorate and employees in terms of occupational safety and hygiene;

h) Cooperating with internal trade union in instructions in tasks of occupational safety and hygiene officers;

i) Organizing emulation movement, commendation, taking disciplinary actions, releasing statistics and sending reports on occupational safety and hygiene.

3. A person in charge of occupational safety and hygiene and an occupational safety and hygiene unit has rights to:

a) Request persons in charge of production division to give orders for work suspension or temporary work suspension for emergencies when there are hazards of occupational accidents to conduct measures for assurance of occupational safety and hygiene, and send a report to the employer;

b) Suspend machinery or equipment that is unsafe or expired from operation;

c) Participate in training courses or refresher courses in occupational safety and hygiene that are provided and arranged by the employer as prescribed.

4. The person in charge of occupational safety and hygiene must have professional knowledge and competence in technical and business operation of the business entity.

5. If the business entity fails to assign persons in charge of occupational safety and hygiene or occupational safety and hygiene unit as prescribed in Clause 1 and Clause 4 of this Article, it must hire a qualified organization as prescribed to carry out occupational safety and hygiene as prescribed in Clause 2 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. According to labor scope and characteristics, hazards of occupational accidents or occupational diseases and working condition, the employer shall assign health officers or set up a health unit in charge of healthcare for employees at a business entity.

The Government shall provide guidance on this Clause.

2. The health officer or health unit shall act as an advisor for the employer to look after the employees’ health, including:

a) Making emergency scenarios, emergency equipment, essential medicines, providing training in first aid, emergency aid for employees at the business entity;

b) Making plans and organizing health check-ups, occupational disease check-ups, medical assessment of decreased work capacity upon occupational accidents or occupational diseases, convalescence and occupational rehabilitation, offering advices on prevention of occupational diseases; suggesting work positions that are suitable for the employees’ health;

c) Organizing examinations and treatment of normal diseases at the business entity and first aid and emergency aid for victims of occupational accidents or safety threat as prescribed;

d) Propagating information about occupational hygiene, prevention of occupational diseases, promoting better health in the workplace; inspecting the observance of regulations on hygiene, prevention of epidemic diseases, assurance of food safety and hygiene for employees at the business entity; providing in-kind benefit as prescribed;

dd) Collecting and managing information about occupational safety and hygiene at the workplace; organizing occupational environment monitoring to assess harmful factors; manage health records of employees, health records of employees suffering occupational diseases (if any);

e) Cooperating with occupational safety and hygiene unit in performance of tasks prescribed in Clause 2 Article 72 of this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Request persons in charge of production division to give orders for work suspension or temporary work suspension for emergencies when there are violations or hazards that threaten health, cause diseases for employees and inform the employer of those violations or hazards; manage medical equipment, medicines used in first aid and emergency aid at the workplace; and give instructions in first aid and emergency aid at the workplace for employees;

b) Suspend the use of substances not meeting requirements for occupational safety and hygiene.

c) Participate in meetings, conferences and transactions with local health authorities or central health authorities under work assignment of the employer.

4. The health officer must have qualifications in health and a certificate of training in occupational health.

5. In case the business entity fails to assign health officers or set up a health unit as prescribed in Clause 1 and Clause 4 of this Article, it shall conclude an agreement with a qualified health facility as prescribed by the Minister of Health to take care of the employee’s health prescribed in Clause 2 of this Article.

Article 74. Occupational safety and hygiene officers

1. Each production group in a business entity must have at least one part-time occupational safety and hygiene officer during the working time. The employer shall make an establishment decision and promulgate Operation regulation of the network of occupational safety and hygiene officers with the consent of their Executive board of internal trade union (if any).

2. Each occupational safety and hygiene officer is a direct employee who is expert in professional competence and safety engineering and occupational hygiene; voluntarily and exemplarily comply with regulations on occupational safety and hygiene and elected by employees of the group.

3. The occupational safety and hygiene officer shall work under management and instructions of the Executive board of internal trade union, Operation regulation of the network of occupational safety and hygiene officers; cooperate with persons in charge of occupational safety and hygiene or occupational safety and hygiene unit, health officers or health unit in professional knowledge, safety engineering and labor hygiene during the course of work.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Expedite, remind and give instructions for members in groups, teams, workshops in strict observance of regulations on occupational safety and hygiene, preservation of safety equipment and personal protective equipment; remind group leaders, team leaders or foremen in observance of regulations on occupational safety and hygiene.

b) Observe the implementation of standards, process and internal regulations of occupational safety and hygiene, detect mistakes or violations against occupational safety and hygiene, cases threatening safety and hygiene of machinery, equipment, materials or substances and the workplace;

c) Participate in formulation of plans for occupational safety and hygiene; participate in instructions in working safety measures for new comers at the group;

d) Request the group leader or senior to provide adequate personal protective equipment, measures for assurance of occupational safety and hygiene and take actions against cases threatening safety and hygiene of machinery, equipment, materials or substances and the workplace;

dd) Send reports to the trade union or labor inspectorate when violations against occupational safety and hygiene at the workplace are detected or cases threatening safety and hygiene of machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements that are requested to the employer and no action are taken.

5. Each occupational safety and hygiene officer has rights to:

a) Receive sufficient information about measures for occupational safety and hygiene assurance at the workplace conducted by the employer;

b) Take time to perform tasks of an occupational safety and hygiene officer with full salary and receive responsibility benefit.

The responsibility benefit levels shall be jointly agreed by the employer and the Executive board of internal trade union and mentioned in the Operation regulation of the network of occupational safety and hygiene officers;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Take part in refresher courses in professional competence and operation methods.

Article 75. Internal occupational safety and hygiene council

1. According to labor scope and characteristics, hazards of occupational accidents or occupational diseases and working condition, the employer shall set an internal occupational safety and hygiene council.

The Government shall provide guidance on this Clause.

2. An internal occupational safety and hygiene council shall have rights and obligations to:

a) Consult and cooperate with the employer in formulation of internal regulations, process, plans and measures for assurance of occupational safety and hygiene at the business entity;

b) Annually discuss with employees at the workplace to share information and promote their relationship and promote fair and safe working condition for employees; and improve the implementation of policies, legislation on occupational safety and hygiene at the business entity;

c) Inspect the implementation of occupational safety and hygiene at the business entity;

d) Request the employer to take actions against cases threatening occupational safety and hygiene.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) A council president, who is the representative of the employer;

b) A council vice president, who is the representative of the Executive board of the internal trade union or the representative of employees (for business entity having no internal trade union);

c) A council standing member cum secretary, who is a person in charge of occupational safety and hygiene at the business entity;

d) The health officer at the business entity;

dd) Other relevant members.

The composition of the internal occupational safety and hygiene council must ensure the female rate that conform to gender equality rules and actual condition of the business entity.

Article 76. Plan for occupational safety and hygiene

1. Every year, the employer must formulate and carry out the plan for occupational safety and hygiene. If there is any additional work arising in the planned year, they must be added to the plan for occupational safety and hygiene.

2. The plan for occupational safety and hygiene must be concurred with the Executive board of internal trade union and according to following bases:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Results of occupational safety and hygiene of the previous year;

c) Tasks and orientation of business plan and personnel of the planned year;

d) Requests of employees, the trade union and the Inspectorate.

3. The plan for occupational safety and hygiene shall contain:

a) Technical measures for occupational safety and fire safety;

a) Technical measures for occupational hygiene and prevention of harmful factors and improvement of working condition;

c) Provision of personal protective equipment for employees;

d) Healthcare for employees;

dd) Propagation and training in occupational safety and hygiene.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Risk assessment of occupational safety and hygiene means analysis and identification of hazards and harmful effects of dangerous or harmful factors at the workplace in order to proactively prevent occupational accidents and occupational diseases and improve the working condition.

2. The employer must assess and instruct employees to self-assess hazards of occupational safety and hygiene before working, during the course of work or when necessary.

3. With regard to fields or occupations posing high risks of occupational accidents and occupational diseases, the risk assessment of occupational safety and hygiene shall be compulsorily applied and specified in the internal regulations and working process.

4. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on Clause 2 and Clause 3 of this Article with the consent of the Minister of Health.

Article 78. Plan for emergency rescue

1. According to the hazards of occupational accidents or occupational diseases at the workplace and regulations of law, the employer shall formulate a plan for emergency rescue at the workplace.

2. The plan for emergency rescue shall contain:

a) Plan for evacuation of employees from the dangerous area;

b) Measures for first aid and emergency aid for victims;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Equipment used in rescue;

dd) Internal rescue forces; plan for cooperation between internal and external rescue forces; manoeuvre plan.

3. Procedures and power to approve the plan for emergency rescue shall comply with regulations of law.

Article 79. Establishment of rescue forces

1. With regard to the workplace having dangerous or harmful factors prone to occupational accidents, the employer shall establish a full-time or semi fulltime rescue force as prescribed and provide them with training in first aid and emergency aid for employees.

2. The rescue force must be provided with technical and medical equipment to give prompt rescue, first aid and emergency and they are must be trained.

3. The Minister of Health shall provide guidance on establishment, equipment and training for the first aid and emergency aid force at the workplace.

Article 80. Self-inspection of occupational safety and hygiene

1. The employer shall formulate and carry out a plan for regular or irregular self-inspection in terms of at the business entity.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on this Article with the consent of the Minister of Health.

Article 81. Statistics on occupational safety and hygiene

1. Every year, the employer shall release statistics and make reports on occupational safety and hygiene as follows:

a) Send reports on occupational safety and hygiene to labor authorities and health authorities of provinces, unless otherwise prescribed by specialized legislation;

b) Release statistics and send reports on occupational accidents, occupational diseases and serious safety threat as prescribed in Article 36 and Article 37 of this Law.

2. The Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs shall provide guidance on Point a Clause 1 of this Article with the consent of the Minister of Health.

Chapter VI

STATE MONITORING OF OCCUPATIONAL SAFETY AND HYGIENE

Article 82. Contents of state monitoring of occupational safety and hygiene

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Propagate and raise public awareness of legislation on occupational safety and hygiene.

3. Monitor, release statistics and provide information about occupational accidents and occupational diseases; formulate national program for occupational safety and hygiene.

4. Manage the organization and operation of services providers of occupational safety and hygiene.

5. Research and apply safety and hygiene technologies.

6. Inspect and deal with complaints, denunciation and violations against legislation on occupational safety and hygiene.

7. Provide training in occupational safety and hygiene.

8. Conduct international cooperation in occupational safety and hygiene.

Article 83. The roles of regulatory agencies in occupational safety and hygiene

1. The Government shall be in charge of state management of occupational safety and hygiene nationwide.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Ministries, ministerial agencies shall be in charge of state management of occupational safety and hygiene within their competence.

4. The People’s Committees shall be in charge of state management in terms of occupational safety and hygiene within their competence.

Article 84. The roles of the Minister of Labor, War Invalids and Social Affairs in occupational safety and hygiene

1. Formulate and request the competent agencies to promulgate and implement legislation, policies and plans for occupational safety and hygiene, national program for occupational safety and hygiene; and keep national records of occupational safety and hygiene.

2. Issue the List of machinery, equipment, materials or substances having strict safety and hygiene requirements as prescribed in Clause 2 Article 28 of this Law, carry out state management of training in occupational safety and hygiene and inspection of those machinery, equipment, materials or substances.

3. Formulate and discuss about national technical standards for occupational safety and hygiene as prescribed in Article 87 of this Law.

4. Monitor, collect and provide information about occupational safety and hygiene; release statistics on occupational safety and hygiene as prescribed in legislation on statistics.

5. Propagate and raise public awareness of legislation on occupational safety and hygiene; prevent safety threat, avoid occupational accidents and occupational diseases.

6. Request the Government to decide the handling measures when necessary to protect legitimate rights and interests of employees in terms of the insurance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Conduct international cooperation in occupational safety and hygiene.

Article 85. The roles of the Minister of Health in occupational safety and hygiene

1. Formulate and request the competent agencies to promulgate legislative documents on occupational environment monitoring; assess, control and manage harmful factors at the workplace; manage and carry out the occupational environment monitoring.

2. Formulate national technical standards for occupational safety and hygiene regarding occupational hygiene factors in the occupational environment; and offer opinions about occupational hygiene within their competence prescribed in Clause 5 Article 87 of this Law.

3. Provide guidance on management of occupational hygiene and prevention of occupational diseases.

4. Provide guidance on health check-ups, occupational disease check-ups, medical assessment of decreased work capacity, and treatment and health rehabilitation for employees suffering from occupational accidents or suffering occupational diseases, and manage occupational health records.

5. Cooperate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs in formulation of contents of training in occupational hygiene; propagate and raise public awareness of legislation on occupational hygiene.

6. Formulate, promulgate and regularly inspect for amendments to the List of occupational diseases prescribed in Clause 1 Article 37 of this Law; carry out assessment of occupational diseases; formulate and promulgate health standards for each occupation with the consent of relevant Ministries and agencies.

7. Monitor, collect and provide information about occupational hygiene; release statistics and create database of occupational diseases; and manage the employees’ health at the workplace.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Cooperate with the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs in inspection of observance of legislation on occupational hygiene as prescribed.

10. Annually send reports on implementation of policies and legislation on occupational safety and hygiene within their managing field to the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs.

Article 86. The roles of the People’s Committees in occupational safety and hygiene

1. Formulate and request the competent agencies to promulgate legislative documents and local technical standards.

2. Manage occupational safety and hygiene at local governments; formulate and implement policies and legislation on occupational safety and hygiene at local governments.

3. Annually send reports on implementation of policies and legislation on occupational safety and hygiene at local governments to the People’s Councils or send irregular reports at the request of competent agencies as prescribed.

4. Annually propagate and raise public awareness of legislation on occupational safety and hygiene on administrative divisions suitable for the local condition; give priority to employees without labor contracts at local governments.

5. Inspect and deal with violations against legislation on occupational safety and hygiene at local governments.

Article 87. Formulating and promulgating national standards for occupational safety and hygiene and formulating and promulgating National technical regulation on occupational safety and hygiene

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall take charge and cooperate with relevant Ministries and ministerial-level agencies in making plans for formulation of National technical regulation on occupational safety and hygiene.

3. Ministries or ministerial-level agencies shall formulate national standards for occupational safety and hygiene and formulate and promulgate National technical regulation on occupational safety and hygiene within their competence assigned by the Government with the consent of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs; if the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs does not concur, the Ministries or ministerial-level agencies shall send reports to the Prime Minister for consideration and decision.

National standards for and National technical regulation on occupational safety and hygiene shall be assessed by the Ministry of Science and Technology as prescribed in the Law on Technical regulations and standards.

4. The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall formulate national standards and promulgate National technical regulation on occupational safety and hygiene within their competence as prescribed in Clause 3 of this Article; cooperate with Ministries and ministerial-level agencies in requesting the Prime Minister to assign responsibility for formulation of national standards, formulation and promulgation of new National technical regulation or the national technical regulation relates to management scope of multiple Ministries or ministerial-level agencies.

5. The Ministry of Health shall formulate national standards for occupational safety and hygiene and promulgate National technical regulation on occupational safety and hygiene within their competence as prescribed in Article 85 of this Law; discuss with other Ministries or ministerial-level agencies about formulation of national standards for or National technical regulation on occupational safety and hygiene.

Article 88. National council of occupational safety and hygiene and Provincial councils of occupational safety and hygiene

1. National council of occupational safety and hygiene means an advisory organization giving advices on new formulation or amendments to policies or legislation on occupational safety and hygiene to the Government. The National council shall be established by the Prime Minister, including representatives of the Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs, the Ministry of Health, Vietnam General Confederation of Labor, Vietnam Farmers' Union, employers, relevant Ministries, agency and specialists or scientists specialized in occupational safety and hygiene.

2. Provincial council of occupational safety and hygiene means an advisory organization giving advices on implementation of polices or legislation on occupational safety and hygiene at local government to the People’s Committee. Each Provincial council shall be established by the President of the provincial People’s Committee, including representatives of Services of Labor, War Invalids and Social Affairs, Services of Health, Confederation of Labor, Farmers' Union, enterprises, agencies, organizations and specialists or scientists specialized in occupational safety and hygiene at local governments.

3. Annually, the Council of occupational safety and hygiene shall hold discussion to share information, improve relationship among employers, employees, trade unions, representatives of employers and regulatory agencies to promote the fair and safe working condition for employees, and improve the development and implementation of policies and legislation on occupational safety and hygiene.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 89. Occupational Safety and Hygiene Inspectorate

1. Occupational Safety and Hygiene Inspectorate means a specialized inspectorate affiliated to the labor authority of government or province.

2. The occupational safety and hygiene inspectorate shall cooperate with competent agencies in inspection of occupational safety and hygiene in terms of radioactivity, petroleum exploration and extraction, vehicles of rail transport, waterway, road transport, air transport, and units of People’s armed forces.

3. The Government shall provide guidance on organization and operation of Occupational Safety and Hygiene Inspectorate prescribed in Clause 1 of this Article and interdisciplinary cooperate regime prescribed in Clause 2 of this Article.

Article 90. Penalties for violations against legislation on occupational safety and hygiene

1. Any person committing violations against legislation on occupational safety and hygiene shall face administrative penalties or criminal prosecution depending on their nature and severity; and he/she shall pay compensation for damage (if any) and eliminate the consequences as prescribed.

2. Any person misusing power and authority to commit violations against this Law or infringing interests of the state, lawful rights and interests of organizations or individuals shall face administrative penalties or criminal prosecution depending on their nature and severity; and he/she shall pay compensation for damage (if any) as prescribed.

3. Any employer who evades or makes late payment of the insurance premiums, appropriate the insurance premiums or payout prescribed in Clause 2 Article 12 of this Law for at least 30 days, he/she is required to pay the outstanding insurance premiums and face penalties as prescribed and pay interests twice the average investment interest of the Social security fund of the preceding year according to the outstanding amount of money; if not, the bank, the credit institution or the state treasury shall withdraw deposit account of the employer to pay the outstanding premiums and their interests and send to the account of the social security agency at the request of the competent agency.

4. The Government shall provide guidance on acts, methods and penalties for administrative violations in terms of occupational safety and hygiene as prescribed in this Law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Cooperation regime for occupational safety and hygiene shall be carried out as follows:

a) The Ministry of Labor, War Invalids and Social Affairs shall take charge and cooperate with Ministries, ministerial-level agencies, Governmental agencies, People's Committees of provinces in implementation of regulations of Clause 2 of this Article within their competence;

b) State management agencies of occupational safety and hygiene shall cooperate with political organizations, socio-political organizations, political-socio-professional organizations, socio-professional organizations and other organizations in terms of occupational safety and hygiene.

2. Contents of cooperation regime for occupational safety and hygiene:

a) Formulate policies and legislation on occupational safety and hygiene; technical regulations and standards for occupational safety and hygiene;

b) Formulate national programs or records of occupational safety and hygiene;

c) Investigate occupational accidents; accidents, safety threat; polices applicable to employees suffering from occupational accidents or occupational diseases;

d) Propagate, raise public awareness, provide training, release statistics and send reports on occupational safety and hygiene; inspect machinery, equipment and materials having strict safety and hygiene requirements ;

dd) Inspect and supervise occupational safety and hygiene and impose penalties for violations against legislation on occupational safety and hygiene;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

g) Research and apply safety and hygiene technologies.

3. The Government shall provide guidance on this Article.

Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 92. Effect

1. This Law come into force from July 1, 2016.

2. Regulations on the insurance prescribed in Section 3 Chapter III, Clause 4 Article 84, Point b Clause 1 and Point a Clause 2 Article 86, Articles 104, 105, 106, 107 116 and 117 of Law on social insurance No. 58/2014/QH13 shall be annulled from the effective date of this Law.

3. Organizations specialized in occupational safety inspection, institution providing training in occupational safety and hygiene that operate before the effective date of this Law shall keep operating until the expiry date of the Certificate of eligibility for operation.

Article 93. Detailed provisions

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Law is passed by the 13th National Assembly of Socialist Republic of Vietnam during the 9th session on June 25, 2015.

 

 

PRESIDENT OF NATIONAL ASSEMBLY




Nguyen Sinh Hung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Luật an toàn, vệ sinh lao động 2015

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


1.314.978

DMCA.com Protection Status
IP: 3.129.216.15
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!