BỘ NỘI VỤ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 09/2024/TT-BNV
|
Hà Nội, ngày 26
tháng 7 năm 2024
|
THÔNG TƯ
HƯỚNG
DẪN VỀ CƠ CẤU VIÊN CHỨC THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP VÀ ĐỊNH MỨC SỐ LƯỢNG NGƯỜI LÀM
VIỆC TRONG ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC LĨNH VỰC LƯU TRỮ
Căn cứ Nghị định số 63/2022/NĐ-CP
ngày 12 tháng 9 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ;
Căn cứ Nghị định số 106/2020/NĐ-CP
ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm
việc trong đơn vị sự nghiệp công lập;
Căn cứ Nghị định số 120/2020/NĐ-CP
ngày 07 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về thành lập, tổ chức lại, giải
thể đơn vị sự nghiệp công lập;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Văn thư và Lưu
trữ nhà nước;
Bộ trưởng Bộ Nội vụ ban hành Thông tư hướng dẫn
về cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm
việc trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này hướng dẫn về cơ cấu viên chức theo chức
danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp
công lập thuộc lĩnh vực lưu trữ.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các đơn vị sự nghiệp công
lập thuộc lĩnh vực lưu trữ sau đây:
1. Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương.
2. Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh.
Điều 3. Căn cứ xác định cơ cấu
viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc
1. Cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp
trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh được xác định theo
quy định tại khoản 5 Điều 3, khoản 3 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP
ngày 10 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về vị trí việc làm và số lượng người làm
việc trong đơn vị sự nghiệp công lập.
2. Số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của
Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh được xác định theo quy định tại khoản
2 Điều 4 Nghị định số 106/2020/NĐ-CP và các căn cứ sau:
a) Khối lượng tài liệu.
b) Số lượng, đặc điểm nguồn nộp lưu.
c) Loại hình tài liệu.
d) Tình trạng vật lý của tài liệu.
đ) Đặc điểm ngôn ngữ của tài liệu.
e) Yêu cầu phát huy giá trị tài liệu.
g) Yêu cầu thực hiện các hoạt động nghiệp vụ lưu trữ.
h) Thực trạng kho lưu trữ chuyên dụng, hạ tầng
thông tin và mức độ ứng dụng công nghệ thông tin.
3. Số lượng người làm việc trong Lưu trữ lịch sử của
Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh không bao gồm số lượng người làm việc tại vị
trí việc làm hỗ trợ, phục vụ.
Điều 4. Số lượng người làm việc
trong Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung ương và cấp tỉnh
1. Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở trung
ương: số lượng người làm việc tối thiểu là 24 người, tối đa là 90 người.
2. Đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở cấp tỉnh:
số lượng người làm việc tối thiểu là 15 người. Số lượng người làm việc tối đa đối
với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc thành phố trực thuộc trung ương là 30
người, đối với Lưu trữ lịch sử của Nhà nước thuộc tỉnh là 22 người.
Điều 5. Tiêu chí xác định số lượng
người làm việc tăng thêm so với số lượng người làm việc tối thiểu
1. Đối với tài liệu lưu trữ giấy: số lượng tài liệu
lưu trữ từ 2.000 mét giá tài liệu trở lên thì cứ 300 mét giá tài liệu được bố
trí thêm 01 người.
2. Đối với tài liệu lưu trữ điện tử
a) Dung lượng tài liệu lưu trữ điện tử: mỗi
1.000.000 megabyte thì bố trí 01 người;
b) Số lượng tài liệu ghi âm, ghi hình: mỗi 500 giờ
nghe, giờ xem thì bố trí 01 người.
3. Đối với tài liệu lưu trữ Mộc bản: từ 15.000 tấm
trở lên thì cứ 1.500 tấm bố trí thêm 01 người.
4. Đối với Lưu trữ lịch sử có kho lưu trữ chuyên dụng
được bố trí thêm tối đa 03 người.
Điều 6. Tổ chức thực hiện
1. Căn cứ quy định tại Điều 3 và Điều 5 Thông tư
này, người có thẩm quyền xem xét, quyết định số lượng người làm việc tăng thêm
so với số lượng người làm việc tối thiểu của các Lưu trữ lịch sử của Nhà nước ở
trung ương và cấp tỉnh.
2. Trường hợp số lượng người làm việc hiện có vượt
quá số lượng người làm việc tối đa quy định tại Thông tư này thì người có thẩm
quyền quyết định việc bố trí, sắp xếp, sử dụng viên chức theo quy định của pháp
luật.
3. Các đơn vị sự nghiệp công lập khác thuộc lĩnh vực
lưu trữ do cơ quan có thẩm quyền của Đảng, các tổ chức chính trị - xã hội, bộ,
cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố
trực thuộc trung ương thành lập theo quy định của pháp luật xem xét áp dụng quy
định tại Thông tư này để xác định cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp
và định mức số lượng người làm việc.
4. Trường hợp các văn bản dẫn chiếu tại Thông tư
này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo các văn bản mới.
Điều 7. Hiệu lực và trách nhiệm
thi hành
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 9 năm 2024.
2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc
Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương,
cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này.
3. Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có vướng
mắc, đề nghị các cơ quan, tổ chức, cá nhân phản ánh về Bộ Nội vụ để được hướng
dẫn, giải quyết./.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng Chính phủ;
- Các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Văn phòng Trung ương Đảng và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Kiểm toán nhà nước;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương;
- Cục Kiểm tra VBQPPL (Bộ Tư pháp);
- Sở Nội vụ các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Công báo; Website Chính phủ; Cơ sở dữ liệu quốc gia về văn bản quy phạm
pháp luật; Website Bộ Nội vụ;
- Bộ Nội vụ: Bộ trưởng, các Thứ trưởng, các cơ quan, đơn vị thuộc, trực thuộc
Bộ;
- Lưu: VT, Cục VTLTNN.
|
BỘ TRƯỞNG
Phạm Thị Thanh Trà
|