BỘ QUỐC PHÒNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 188/2021/TT-BQP
|
Hà Nội, ngày 31
tháng 12 năm 2021
|
THÔNG TƯ
QUY
ĐỊNH VỀ ĐỊNH MỨC GIỜ CHUẨN GIẢNG DẠY VÀ NGHIÊN CỨU KHOA HỌC ĐỐI VỚI NHÀ GIÁO TRONG
QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM
Căn cứ Nghị định số 15/2019/NĐ-CP
ngày 01 tháng 02 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện
pháp thi hành Luật Giáo dục nghề nghiệp;
Căn cứ Nghị định số 99/2019/NĐ-CP
ngày 30 tháng 12 năm 2019 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành
một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Giáo dục đại học;
Căn cứ Nghị định số 84/2020/NĐ-CP
ngày 17 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Giáo dục;
Căn cứ Nghị định số 164/2017/NĐ-CP ngày 30 tháng
12 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của Tổng Tham mưu trưởng;
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành Thông tư quy định
về định mức giờ chuẩn giảng dạy và nghiên cứu khoa học đối với nhà giáo trong
Quân đội nhân dân Việt Nam.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Thông tư này quy định về định mức giờ chuẩn giảng dạy
và nghiên cứu khoa học; quy đổi các hoạt động chuyên môn, sản phẩm nghiên cứu
khoa học đối với nhà giáo trong Quân đội.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Thông tư này áp dụng đối với các học viện, trường
sĩ quan, trường đại học, trường cao đẳng quân sự, trường trung cấp quân sự và
các trường quân sự: Quân khu, quân đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh
Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây gọi chung là nhà trường) trong Quân đội và cơ
quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
1. Nhà giáo trong Quân đội nhân dân Việt Nam
là người trực tiếp giảng dạy và tổ chức thực hiện nội dung giáo dục, đào tạo,
nghiên cứu khoa học trong các nhà trường Quân đội, bao gồm: Giảng viên, giảng
viên chính, giảng viên cao cấp; giáo viên, giáo viên chính, giáo viên cao cấp
và cán bộ quản lý giáo dục kiêm nhiệm giảng dạy.
2. Giờ hành chính là đơn vị tính thời gian
làm việc theo chế độ tuần làm việc 40 giờ được quy định trong Bộ luật Lao động (01 giờ hành chính bằng 60
phút).
3. Giờ chuẩn giảng dạy (sau đây gọi là giờ chuẩn)
là đơn vị thời gian quy đổi từ số giờ hành chính cần thiết để hoàn thành một
công việc nhất định thuộc nhiệm vụ của nhà giáo tương đương với một tiết (45
phút) giảng lý thuyết, thực hành trực tiếp trên lớp hoặc giảng dạy trực tuyến,
bao gồm thời gian lao động cần thiết, trước, trong và sau tiết giảng; 01 giờ
chuẩn tương đương 03 giờ hành chính.
4. Định mức giờ chuẩn là số giờ chuẩn tối
thiểu mà một nhà giáo phải thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong một năm học.
5. Định mức nghiên cứu khoa học là số giờ
hành chính tối thiểu mà một nhà giáo phải thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
trong một năm học.
Chương II
ĐỊNH MỨC GIỜ CHUẨN VÀ
NGHIÊN CỨU KHOA HỌC
Điều 4. Định mức giờ chuẩn đối
với nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý
1. Định mức giờ chuẩn trong năm học của nhà giáo
a) Nhà giáo công tác tại các học viện, trường sĩ
quan, trường đại học là 280 giờ chuẩn tương đương 840 giờ hành chính.
b) Nhà giáo công tác tại trường cao đẳng quân sự là
380 giờ chuẩn tương đương 1.140 giờ hành chính.
c) Nhà giáo công tác tại trường trung cấp quân sự
và các trường quân sự: Quân khu, quân đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh
Thành phố Hồ Chí Minh là 430 giờ chuẩn tương đương 1.290 giờ hành chính.
2. Số giờ chuẩn trực tiếp giảng dạy trên lớp hoặc
trực tuyến của nhà giáo không giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý phải đảm bảo
tối thiểu 50% định mức quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Nhà giáo trong thời gian thực hiện các nhiệm vụ
đột xuất theo phân công, điều động của cấp có thẩm quyền được giảm trừ định mức
giờ chuẩn theo tỷ lệ tương ứng với thời gian thực hiện nhiệm vụ được giao. Nhà
giáo trong thời gian nghỉ chữa bệnh, nghỉ thai sản được giảm trừ định mức giờ
chuẩn theo tỷ lệ tương ứng với thời gian được nghỉ theo quy định của Bộ luật Lao động.
Điều 5. Định mức giờ chuẩn đối
với nhà giáo giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý
1. Định mức giờ chuẩn của nhà giáo giữ chức vụ lãnh
đạo, chỉ huy, quản lý được tính theo tỷ lệ phần trăm (%) của định mức giờ chuẩn
quy định tại khoản 1 Điều 4 Thông tư này, như sau:
a) Giám đốc, Hiệu trưởng, Chính ủy là 10%.
b) Phó Giám đốc, Phó Hiệu trưởng, Phó Chính ủy là
15%.
c) Trưởng phòng và tương đương là 20%.
d) Phó Trưởng phòng, Trưởng ban trực thuộc nhà trường
và tương đương là 25%.
đ) Chủ nhiệm khoa, Trưởng khoa là 60%; nếu giữ chức
vụ Bí thư đảng ủy, Bí thư chi bộ là 45%; nếu giữ chức vụ Phó Bí thư đảng ủy,
Phó Bí thư chi bộ là 50%.
e) Phó Chủ nhiệm khoa, Phó Trưởng khoa là 70%; nếu
giữ chức vụ Bí thư đảng ủy, Bí thư chi bộ là 55%; nếu giữ chức vụ Phó Bí thư đảng
ủy, Phó Bí thư chi bộ là 60%.
g) Trưởng bộ môn là 80%; nếu giữ chức vụ Bí thư chi
bộ là 65%; nếu giữ chức vụ Phó Bí thư chi bộ là 70%.
h) Phó Trưởng bộ môn là 85%; nếu giữ chức vụ Bí thư
chi bộ là 70%; nếu giữ chức vụ Phó Bí thư chi bộ là 75%.
2. Nhà giáo kiêm nhiệm nhiều chức vụ thì áp dụng định
mức giờ chuẩn cho chức danh cao nhất quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Số giờ chuẩn trực tiếp giảng dạy trên lớp hoặc
trực tuyến của nhà giáo giữ chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý phải đảm bảo tối
thiểu 50% định mức giờ chuẩn quy định tại khoản 1 Điều này.
4. Giám đốc, Hiệu trưởng nhà trường quy định về định
mức giờ chuẩn đối với các trường hợp kiêm nhiệm khác (nếu có) phù hợp với quy định
tại khoản 1 Điều này.
5. Kết quả thực hiện định mức giờ chuẩn quy định tại
khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 Thông tư này
là căn cứ để đánh giá kết quả hoàn thành nhiệm vụ trong năm học, xếp loại thi
đua và giải quyết các chế độ có liên quan đối với nhà giáo; trường hợp chưa đủ
định mức giảng dạy theo quy định, Giám đốc, Hiệu trưởng nhà trường xem xét, quyết
định cho phép xét bù giờ nghiên cứu khoa học sang giờ giảng dạy đến đủ định mức
giờ chuẩn theo quy định.
Điều 6. Định mức nghiên cứu
khoa học
1. Định mức nghiên cứu khoa học trong năm học của
nhà giáo
a) Nhà giáo công tác tại các học viện, trường sĩ
quan, trường đại học là 600 giờ hành chính.
b) Nhà giáo công tác tại trường cao đẳng quân sự là
300 giờ hành chính.
c) Nhà giáo công tác tại trường trung cấp quân sự
và các trường quân sự: Quân khu, quân đoàn, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, Bộ Tư lệnh
Thành phố Hồ Chí Minh là 150 giờ hành chính.
2. Các nhà trường giao nhiệm vụ nghiên cứu khoa học
cho nhà giáo phù hợp với điều kiện, tiềm lực khoa học, định hướng phát triển
giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ của nhà trường và năng lực chuyên môn của
nhà giáo.
3. Kết quả thực hiện định mức nghiên cứu khoa học
quy định tại khoản 1 Điều này là căn cứ để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ
trong năm học, xếp loại thi đua đối với nhà giáo; trường hợp chưa đủ định mức
nghiên cứu khoa học theo quy định, Giám đốc, Hiệu trưởng nhà trường xem xét,
quyết định cho phép xét bù giờ giảng dạy sang giờ nghiên cứu khoa học.
Chương III
QUY ĐỔI CÁC HOẠT ĐỘNG
CHUYÊN MÔN, SẢN PHẨM NGHIÊN CỨU KHOA HỌC VÀ CÁCH TÍNH VƯỢT ĐỊNH MỨC GIỜ CHUẨN
Điều 7. Quy đổi các hoạt động
chuyên môn của nhà giáo
1. Một tiết giảng, hướng dẫn tập bài, thực hành,
thí nghiệm ban ngày tại giảng đường được tính bằng 1,0 giờ chuẩn. Một tiết giảng,
hướng dẫn tập bài, thực hành, thí nghiệm ban ngày tại thao trường, bãi tập, xưởng
thực hành, nhà máy, bệnh viện,... được tính bằng 1,2 giờ chuẩn.
2. Một tiết giảng, hướng dẫn tập bài, thực hành,
thí nghiệm ban đêm tại giảng đường được tính bằng 1,2 giờ chuẩn. Một tiết giảng,
hướng dẫn tập bài, thực hành, thí nghiệm ban đêm tại thao trường, bãi tập, xưởng
thực hành, nhà máy, bệnh viện,... được tính bằng 1,5 giờ chuẩn.
3. Một tiết giảng, hướng dẫn tập bài đối với đối tượng
đào tạo trình độ thạc sĩ được tính bằng 1,5 giờ chuẩn, đối với đối tượng đào tạo
trình độ tiến sĩ được tính bằng 2,0 giờ chuẩn.
4. Một tiết giảng bằng tiếng nước ngoài đối với môn
học không phải là môn ngoại ngữ được tính bằng 2,0 giờ chuẩn.
5. Vận dụng quy đổi giờ chuẩn đối với 01 tiết giảng
trong môi trường đặc thù quân sự, như: Đào tạo phi công, tàu ngầm, xe tăng, thiết
giáp, tên lửa, ra đa, đặc công, trinh sát, hóa học, pháo tự hành, xe chuyên dụng
quân sự, huấn luyện thực hành chiến thuật, diễn tập có bắn đạn thật,... theo tỷ
lệ phù hợp nhưng không vượt quá 2,0 giờ chuẩn.
6. Hướng dẫn 01 đồ án, khóa luận tốt nghiệp được
tính tối đa 25 giờ chuẩn. Hướng dẫn 01 luận văn thạc sĩ được tính tối đa 70 giờ
chuẩn (người hướng dẫn thứ nhất được tính 40 giờ chuẩn, người hướng dẫn thứ hai
được tính 30 giờ chuẩn). Hướng dẫn 01 luận án tiến sĩ được tính tối đa 200 giờ
chuẩn (người hướng dẫn thứ nhất được tính 120 giờ chuẩn, người hướng dẫn thứ
hai được tính 80 giờ chuẩn).
7. Biên soạn đề thi, coi thi, chấm thi kết thúc học
phần
a) Biên soạn 01 đề thi trắc nghiệm kèm theo đáp án
được tính bằng 2,0 giờ chuẩn; 01 đề thi viết tự luận kèm theo đáp án được tính
bằng 1,5 giờ chuẩn; 01 đề thi thực hành kèm theo đáp án được tính bằng 1,0 giờ
chuẩn; 01 đề thi vấn đáp kèm theo đáp án được tính bằng 0,75 giờ chuẩn.
b) Coi thi kết thúc học phần 01 tiết được tính bằng
0,3 giờ chuẩn.
c) Chấm thi 01 bài trắc nghiệm được tính bằng 0,1
giờ chuẩn; chấm thi 01 bài viết tự luận được tính bằng 0,2 giờ chuẩn.
d) Chấm thi vấn đáp, thực hành 01 tiết trong giảng
đường được tính bằng 0,5 giờ chuẩn; 01 tiết ngoài thao trường, bãi tập, trong
xưởng thực hành được tính bằng 0,75 giờ chuẩn.
8. Biên soạn đề thi, coi thi, chấm thi, chấm đồ án,
khóa luận tốt nghiệp, đánh giá luận văn, luận án
a) Biên soạn 01 đề thi trắc nghiệm kèm theo đáp án
được tính bằng 2,5 giờ chuẩn; 01 đề thi viết tự luận kèm theo đáp án được tính
bằng 2,0 giờ chuẩn; 01 đề thi thực hành kèm theo đáp án được tính bằng 1,5 giờ
chuẩn; 01 đề thi vấn đáp kèm theo đáp án được tính bằng 1,25 giờ chuẩn.
b) Coi thi tốt nghiệp 01 tiết được tính bằng 0,5 giờ
chuẩn.
c) Chấm thi 01 bài trắc nghiệm được tính bằng 0,2
giờ chuẩn; chấm thi 01 bài viết tự luận được tính bằng 0,4 giờ chuẩn.
d) Chấm thi vấn đáp, thực hành 01 tiết trong giảng
đường được tính bằng 1,0 giờ chuẩn; 01 tiết ngoài thao trường, bãi tập, trong
xưởng thực hành được tính bằng 1,2 giờ chuẩn.
đ) Chấm 01 đồ án, khóa luận tốt nghiệp được tính bằng
1,5 giờ chuẩn.
e) Thành viên hội đồng đánh giá 01 luận văn thạc sĩ
được tính bằng 3,0 giờ chuẩn; 01 luận án tiến sĩ được tính bằng 6,0 giờ chuẩn.
9. Giám đốc, Hiệu trưởng nhà trường quy định cụ thể
số giờ chuẩn được quy đổi khi thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, nghiệp vụ liên
quan đến công tác giảng dạy, nghiên cứu khoa học của nhà trường cho phù hợp, bảo
đảm đúng quy định.
Điều 8. Quy đổi các hoạt động
nghiên cứu khoa học, sản phẩm khoa học của nhà giáo
1. Một đề tài cấp cơ sở (do Giám đốc, Hiệu trưởng
nhà trường phê duyệt) được tính bằng 1.200 giờ hành chính; cấp cơ sở (do Thủ
trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng tổng cục, Thủ
trưởng đơn vị quản lý trường phê duyệt) được tính bằng 1.800 giờ hành chính; cấp
bộ được tính bằng 2.400 giờ hành chính; cấp quốc gia được tính bằng 3.600 giờ
hành chính.
2. Một sáng kiến cấp cơ sở (do Giám đốc, Hiệu trưởng
nhà trường phê duyệt) được tính bằng 300 giờ hành chính; cấp cơ sở (do Thủ trưởng
Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ trưởng tổng cục, Thủ trưởng
đơn vị quản lý trường phê duyệt) được tính bằng 450 giờ hành chính; cấp bộ được
tính bằng 600 giờ hành chính; cấp quốc gia được tính bằng 900 giờ hành chính.
3. Một giáo trình, tài liệu dạy học, tài liệu huấn
luyện, điều lệ, điều lệnh được tính bằng 1.200 giờ hành chính.
4. Một bài báo khoa học được công bố trên tạp chí
khoa học có mã số xuất bản (ISSN) hoặc 01 báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học
cấp cơ sở (do Thủ trưởng Bộ Tổng Tham mưu, Thủ trưởng Tổng cục Chính trị, Thủ
trưởng tổng cục, Thủ trưởng đơn vị quản lý trường phê duyệt) được tính bằng 300
giờ hành chính. Một báo cáo khoa học tại hội thảo khoa học cấp bộ được tính bằng
450 giờ hành chính; cấp quốc gia được tính bằng 600 giờ hành chính.
5. Hướng dẫn học viên nghiên cứu 01 đề tài khoa học
cấp cơ sở (do Giám đốc, Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt) được đánh giá xếp loại:
Xuất sắc được tính bằng 75 giờ hành chính; đạt yêu cầu được tính bằng 30 giờ
hành chính.
6. Thành viên hội đồng khoa học cấp cơ sở (do Giám
đốc, Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt) thông qua 01 đề cương đề tài, sáng kiến,
giáo trình, tài liệu dạy học được tính bằng 3,0 giờ hành chính; nghiệm thu 01 đề
tài, sáng kiến, giáo trình, tài liệu dạy học được tính bằng 6,0 giờ hành chính.
7. Một sản phẩm khoa học có nhiều thành viên tham
gia thì xác định như sau: Có 2 thành viên tham gia thì chủ nhiệm, chủ biên được
hưởng 2/3 số giờ hành chính quy đổi từ sản phẩm khoa học; có 03 thành viên tham
gia thì chủ nhiệm, chủ biên được hưởng 1/2 số giờ hành chính quy đổi từ sản phẩm
khoa học; có hơn 03 thành viên tham gia thì chủ nhiệm, chủ biên được hưởng 1/3
số giờ hành chính quy đổi từ sản phẩm khoa học, số giờ hành chính còn lại được
chia theo giá trị đóng góp của mỗi thành viên kể cả chủ nhiệm, chủ biên. Trường
hợp không xác định được giá trị đóng góp của mỗi thành viên thì số giờ hành
chính còn lại được chia đều cho từng thành viên tham gia bao gồm cả chủ nhiệm,
chủ biên.
8. Một sản phẩm khoa học thực hiện trong nhiều năm
thì số giờ hành chính tính cho từng năm bằng tổng số giờ hành chính quy đổi từ
sản phẩm khoa học chia đều cho tổng số năm thực hiện theo quy định.
9. Giám đốc, Hiệu trưởng nhà trường quy định cụ thể
thời gian nghiên cứu khoa học được quy đổi từ các hoạt động nghiên cứu khoa học,
sản phẩm khoa học khác của nhà giáo cho phù hợp.
Điều 9. Cách tính vượt định mức
giờ chuẩn
1. Số giờ chuẩn vượt định mức trong năm học được
tính chung cho bộ môn, hoặc khoa có 01 bộ môn; trường hợp bộ môn hoặc khoa có
01 bộ môn không vượt định mức giờ chuẩn thì nhà giáo thuộc bộ môn, khoa đó
không được hưởng chế độ vượt định mức giờ chuẩn của cá nhân.
2. Cách tính vượt định mức giờ chuẩn của bộ môn hoặc
khoa có 01 bộ môn như sau: Tổng số giờ chuẩn vượt định mức bằng tổng số giờ chuẩn
thực hiện trong năm học trừ đi tổng số giờ chuẩn phải thực hiện theo định mức
quy định.
3. Căn cứ vào tổng số giờ chuẩn vượt định mức của bộ
môn hoặc khoa có 01 bộ môn để tính số giờ vượt định mức của từng nhà giáo trong
bộ môn hoặc khoa bảo đảm đúng nguyên tắc, chặt chẽ, dân chủ, công khai, công bằng,
đứng đối tượng và quy định.
4. Đối với các hoạt động chuyên môn đã có thù lao hỗ
trợ từ các nguồn kinh phí khác được tính vào tổng số giờ chuẩn của nhà giáo để
đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ trong năm học, nhưng nếu vượt định mức giờ
chuẩn thì số giờ đó không được tính hưởng chế độ vượt định mức giờ chuẩn.
5. Nhà giáo được cơ sở giáo dục khác ngoài nhà trường
mời giảng, mời tham gia nghiên cứu khoa học không tính vào tổng số giờ chuẩn,
thời gian nghiên cứu khoa học của nhà giáo.
6. Nhà giáo giảng dạy vượt định mức giờ chuẩn được
hưởng chế độ bồi dưỡng vượt định mức giờ chuẩn theo quy định hiện hành.
7. Số giờ giảng được tính hưởng chế độ bồi dưỡng vượt
định mức của một nhà giáo không cao hơn định mức giờ chuẩn quy định tại khoản 1 Điều 4 và khoản 1 Điều 5 Thông tư này.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Hiệu lực thi hành và
quy định chuyển tiếp
1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15
tháng 02 năm 2022 và thay thế Thông tư số 96/2017/TT-BQP
ngày 27 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về định mức giờ
chuẩn giảng dạy và nghiên cứu khoa học đối với nhà giáo trong Quân đội nhân dân
Việt Nam.
2. Trường hợp các văn bản viện dẫn tại Thông tư này
được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì áp dụng văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc
thay thế đó.
Điều 11. Trách nhiệm thi hành
Tổng Tham mưu trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị
và cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Đ/c Bộ trưởng BQP (để b/c)
- Các đ/c Thứ trưởng BQP;
- Các đầu mối trực thuộc BQP;
- Cục Nhà trường;
- Vụ Pháp chế;
- Cổng TTĐT Bộ Quốc phòng;
- Lưu: VT, NCTH. Toàn 86.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Thượng tướng Nguyễn Tân Cương
|