Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 12/2011/NĐ-CP chính sách thanh niên xung phong

Số hiệu: 12/2011/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 30/01/2011 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 12/2011/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2011

NGHỊ ĐỊNH

VỀ TỔ CHỨC VÀ CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Thanh niên ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam và Ban Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh,

NGHỊ ĐỊNH:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị định này quy định về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong tham gia phát triển kinh tế - xã hội và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước đối với thanh niên xung phong.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với tổ chức thanh niên xung phong, đội viên thanh niên xung phong và cán bộ quản lý thanh niên xung phong.

Điều 3. Chức năng của thanh niên xung phong

Thanh niên xung phong là lực lượng xung kích của thanh niên tham gia thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, giáo dục, rèn luyện và đào tạo thanh niên.

Điều 4. Nhiệm vụ của thanh niên xung phong

1. Tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được giao ở biên giới, hải đảo, những nơi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn (sau đây gọi chung là vùng khó khăn).

2. Tham gia thực hiện việc khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, trật tự an toàn giao thông, bảo đảm an ninh quốc phòng và các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách khác.

3. Tham gia thực hiện cai nghiện ma túy, giáo dục lao động, giải quyết việc làm cho thanh niên sau cai nghiện ma túy và các đối tượng thanh thiếu niên mắc tệ nạn xã hội khác.

4. Tham gia sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nông dân sản xuất và đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên.

5. Giáo dục, rèn luyện, đào tạo và bồi dưỡng văn hóa, chuyên môn nghiệp vụ, phẩm chất chính trị, phẩm chất đạo đức và chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đội viên, cán bộ quản lý thanh niên xung phong.

Điều 5. Thẩm quyền thành lập, giải thể và quản lý thanh niên xung phong

1. Thanh niên xung phong chỉ được thành lập khi cần huy động thanh niên để thực hiện nhiệm vụ theo quy định tại Điều 4 của Nghị định này trong thời gian từ 24 tháng trở lên.

2. Thẩm quyền thành lập, giải thể và quản lý thanh niên xung phong được quy định như sau:

a) Thanh niên xung phong ở Trung ương do Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quyết định thành lập, giải thể và quản lý;

b) Thanh niên xung phong ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung thanh niên xung phong cấp tỉnh) do Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, thành quyết định thành lập, giải thể và quản lý.

3. Việc thành lập thanh niên xung phong phải được sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

4. Bộ Nội vụ hướng dẫn về trình tự, thủ tục thành lập, giải thể và quản lý thanh niên xung phong quy định tại Nghị định này.

Điều 6. Đội viên thanh niên xung phong

1. Đội viên thanh niên xung phong là công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đển 30 tuổi, có phẩm chất đạo đức, sức khỏe tốt, tình nguyện gia nhập thanh niên xung phong từ 24 tháng trở lên.

2. Đội viên thanh niên xung phong có trách nhiệm tuân thủ quy chế của tổ chức thanh niên xung phong, pháp luật và được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định.

Điều 7. Cán bộ quản lý thanh niên xung phong

1. Người được cơ quan có thẩm quyền giao nhiệm vụ quản lý hoặc làm công việc chuyên môn, kỹ thuật trong đơn vị thanh niên xung phong được gọi là cán bộ quản lý thanh niên xung phong.

2. Bộ Nội vụ hướng dẫn chi tiết quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 8. Trang phục và các hình thức ghi nhận thanh niên xung phong

1. Trang phục thanh niên xung phong bao gồm: đồng phục, cấp hiệu, phù hiệu thanh niên xung phong.

2. Các hình thức ghi nhận thanh niên xung phong bao gồm: Thẻ đội viên thanh niên xung phong, Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong, Kỷ niệm chương thanh niên xung phong.

3. Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quy định thống nhất trang phục và các hình thức ghi nhận thanh niên xung phong quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này và quyết định việc trao tặng Kỷ niệm chương thanh niên xung phong.

Chương 2.

TỔ CHỨC THANH NIÊN XUNG PHONG

Điều 9. Tổ chức thanh niên xung phong

1. Thanh niên xung phong được tổ chức dưới các hình thức sau đây:

a) Tổng đội thanh niên xung phong;

b) Trung tâm, Trường Giáo dục lao động xã hội.

2. Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong là cơ quan giúp Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thực hiện nhiệm vụ quản lý thanh niên xung phong cùng cấp.

3. Thanh niên xung phong có thể thành lập doanh nghiệp để thực hiện nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong Trung ương

1. Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong Trung ương do Bí thư Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành lập, giải thể và quản lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong Trung ương gồm: Chỉ huy trưởng, không quá 3 Phó Chỉ huy trưởng và các phòng nghiệp vụ theo hướng dẫn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

3. Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong Trung ương có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Giúp Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh quyết định về tổ chức, hoạt động và chính sách đối với thanh niên xung phong;

b) Chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra các đơn vị thanh niên xung phong trực thuộc lực lượng thanh niên xung phong Trung ương và những đơn vị thanh niên xung phong địa phương được cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương giao nhiệm vụ;

c) Là đầu mối duy trì, bảo đảm chế độ thông tin và phối hợp thực hiện nhiệm vụ của thanh niên xung phong;

d) Tổng hợp, báo cáo Trung ương Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh về tổ chức, hoạt động và thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong.

Điều 11. Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong cấp tỉnh

1. Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong cấp tỉnh do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp quyết định thành lập, giải thể và quản lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong cấp tỉnh gồm: Chỉ huy trưởng, không quá 3 Phó Chỉ huy trưởng và các bộ phận nghiệp vụ theo hướng dẫn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

3. Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Giúp Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp quyết định về tổ chức, hoạt động và chính sách đối với thanh niên xung phong;

b) Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị thanh niên xung phong trực thuộc lực lượng thanh niên xung phong cấp tỉnh thực hiện nhiệm vụ được giao;

c) Là đầu mối duy trì, bảo đảm chế độ thông tin và phối hợp thực hiện nhiệm vụ của lực lượng thanh niên xung phong cấp tỉnh;

d) Tổng hợp, báo cáo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp và Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong Trung ương về tình hình tổ chức, hoạt động và thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong.

Điều 12. Tổng đội thanh niên xung phong

1. Tổng đội thanh niên xung phong do Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh cùng cấp thành lập, giải thể và quản lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Cơ cấu tổ chức của Tổng đội thanh niên xung phong gồm:

a) Tổng đội trưởng và không quá 3 Phó Tổng đội trưởng;

b) Các bộ phận chuyên môn kỹ thuật và trực tiếp quản lý, sử dụng thanh niên xung phong được thành lập theo hướng dẫn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

3. Tổng đội thanh niên xung phong có nhiệm vụ sau đây:

a) Tham gia thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội được giao ở vùng khó khăn; góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định dân cư và tham gia giữ gìn an ninh quốc phòng;

b) Tham gia thực hiện nhiệm vụ về phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, duy trì trật tự an toàn giao thông, giữ gìn văn minh đô thị và nhiệm vụ khó khăn, đột xuất khác;

c) Tổ chức sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề gắn với tạo việc làm cho thanh niên;

d) Giáo dục, rèn luyện, bồi dưỡng và chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho đội viên thanh niên xung phong;

đ) Tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ huy thanh niên xung phong cùng cấp về tình hình tổ chức, hoạt động và thực hiện chế độ, chính sách đối với thanh niên xung phong.

Điều 13. Trung tâm, Trường Giáo dục lao động xã hội

1. Trung tâm, Trường Giáo dục lao động xã hội của tổ chức thanh niên xung phong được thành lập theo quy định của pháp luật và được quản lý theo quy định tại Điều 5 Nghị định này.

2. Tổ chức của Trung tâm, Trường Giáo dục lao động xã hội gồm:

a) Giám đốc và không quá 03 Phó Giám đốc;

b) Các bộ phận chuyên môn, nghiệp vụ được thành lập theo hướng dẫn của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.

3. Trung tâm, Trường Giáo dục lao động xã hội của tổ chức thanh niên xung phong có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

a) Tiếp nhận, điều trị, giáo dục, dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên nghiện ma túy, thanh niên sau cai nghiện ma túy theo quy định của pháp luật;

b) Bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác quản lý thanh niên xung phong và dạy nghề cho đội viên thanh niên xung phong;

c) Tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ huy thanh niên xung phong cùng cấp về tình hình tổ chức, hoạt động và thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong.

Điều 14. Doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp của tổ chức thanh niên xung phong được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật Doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp của tổ chức thanh niên xung phong có trách nhiệm tạo điều kiện để đội viên thanh niên xung phong đã hoàn thành nhiệm vụ hoặc người sau cai nghiện ma túy được tiếp nhận vào việc làm tại doanh nghiệp.

Chương 3.

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI ĐƠN VỊ, ĐỘI VIÊN VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ THANH NIÊN XUNG PHONG

Điều 15. Chính sách đối với đơn vị thanh niên xung phong

1. Tổng đội thanh niên xung phong được hưởng các chính sách sau đây:

a) Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tương ứng với nhiệm vụ được giao; đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của bộ máy quản lý quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định này theo quy định của pháp luật;

b) Được Nhà nước giao quyền sử dụng đất, giao rừng và được miễn, giảm thuế sử dụng đất trong thời gian thực hiện dự án theo quy định của pháp luật;

c) Được quyền vay vốn tín dụng ưu đãi để sản xuất và được ủy thác vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội cho đội viên thanh niên xung phong thuộc tổng đội để sản xuất, cung ứng dịch vụ theo quy định của pháp luật.

2. Trung tâm, Trường Giáo dục lao động xã hội của tổ chức thanh niên xung phong được hưởng các chính sách sau đây:

a) Được hưởng chính sách ưu đãi đối với hoạt động cai nghiện ma túy và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện; hoạt động dạy nghề và dịch vụ việc làm theo quy định của pháp luật;

b) Nhà nước đảm bảo cho các hoạt động thường xuyên của bộ máy quản lý quy định tại khoản 2 Điều 13 Nghị định này theo quy định của pháp luật.

3. Doanh nghiệp thuộc tổ chức thanh niên xung phong sản xuất, cung ứng các sản phẩm, dịch vụ công ích do Nhà nước giao được cấp kinh phí tương ứng và được hưởng các cơ chế, chính sách, ưu đãi khác theo quy định của pháp luật.

Doanh nghiệp thuộc tổ chức thanh niên xung phong tiếp nhận đội viên thanh niên xung phong sau khi hoàn thành nhiệm vụ hoặc thanh niên sau cai nghiện ma túy được hưởng các chính sách quy định tại điểm b, điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định này.

Điều 16. Chính sách đối với đội viên thanh niên xung phong

1. Được hưởng tiền công và các chế độ, chính sách khác theo quy định của pháp luật.

2. Được Nhà nước cấp trang phục thanh niên xung phong theo niên hạn 02 năm một lần.

3. Được Nhà nước tạo điều kiện học tập nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, vui chơi, giải trí, thể dục, thể thao, bảo vệ sức khỏe theo quy định của pháp luật.

4. Được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 15 Nghị định này.

5. Đội viên thanh niên xung phong trong khi thực hiện nhiệm vụ nếu có hành động dũng cảm bảo vệ an ninh quốc gia, tài sản của Nhà nước và tính mạng của nhân dân nếu bị thương thì được hưởng chính sách như thương binh; nếu hy sinh thì được công nhận là liệt sĩ theo quy định của pháp luật.

6. Được tạm hoãn gọi nhập ngũ trong thời bình khi đang làm việc ở vùng khó khăn.

7. Đội viên có 05 năm liên tục làm việc trong tổ chức thanh niên xung phong được xét tặng Kỷ niệm chương thanh niên xung phong.

8. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, đội viên thanh niên xung phong được cấp Giấy chứng nhận hoàn thành nhiệm vụ thanh niên xung phong theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định này.

Điều 17. Chính sách đối với đội viên thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở vùng khó khăn

Đội viên thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở vùng khó khăn, ngoài việc được hưởng các chính sách quy định tại Điều 16 của Nghị định này còn được hưởng các chính sách sau đây:

1. Được hưởng sinh hoạt phí trong 6 tháng đầu, kể từ khi tham gia thanh niên xung phong. Mỗi tháng làm việc được hưởng mức sinh hoạt phí bằng mức lương tối thiểu chung theo quy định của pháp luật.

2. Được hoãn thực hiện nghĩa vụ quân sự trong thời bình trong thời gian tham gia thanh niên xung phong.

3. Khi hoàn thành nhiệm vụ, nếu đội viên thanh niên xung phong có nguyện vọng cư trú lâu dài tại nơi thực hiện nhiệm vụ thì được cấp có thẩm quyền giao quyền sử dụng đất; được hưởng chính sách ưu đãi của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội đối với vùng khó khăn và chính sách di dân tái định cư theo quy định của pháp luật.

Trường hợp trở về địa phương, được cấp tiền tàu xe đi đường; được hưởng trợ cấp một lần theo mức mỗi năm làm việc trong đơn vị thanh niên xung phong bằng một tháng tiền công hoặc tiền lương đang hưởng; được miễn gọi nhập ngũ trong thời bình, được áp dụng chính sách ưu tiên về tuyển sinh, tuyển dụng, học nghề, sắp xếp việc làm như đối với người đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự.

Điều 18. Chính sách đối với cán bộ làm công tác quản lý thanh niên xung phong

1. Cán bộ làm công tác quản lý thanh niên xung phong được hưởng các chế độ, chính sách áp dụng đối với cán bộ, công chức, viên chức; đồng thời được hưởng các chính sách khác như đội viên thanh niên xung phong quy định tại khoản 2, khoản 3, khoản 4, khoản 5 và khoản 7 Điều 16khoản 1, khoản 3 Điều 17 Nghị định này.

2. Cán bộ, công chức, viên chức do cơ quan có thẩm quyền bố trí làm công tác quản lý thanh niên xung phong được thực hiện các chế độ, chính sách quy định tại khoản 1 Điều này và được bảo đảm các quyền của cán bộ, công chức quy định tại các Điều 11, Điều 12, Điều 13 và Điều 14 Luật Cán bộ, công chức.

3. Cán bộ quản lý thanh niên xung phong có thời gian công tác ở vùng khó khăn từ 5 năm (đủ 60 tháng) trở lên và đã hoàn thành nhiệm vụ được thực hiện chế độ điều động, luân chuyển cán bộ theo quy định tại Điều 26 Luật Cán bộ, công chức.

Điều 19. Kinh phí thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong

1. Nhà nước bảo đảm hoạt động thường xuyên của Ban Chỉ huy lực lượng thanh niên xung phong, trang phục và các hình thức ghi nhận thanh niên xung phong quy định tại Điều 8 Nghị định này.

2. Nhà nước hỗ trợ kinh phí hoạt động đối với các Tổng đội thanh niên xung phong, Trung tâm, Trường Giáo dục lao động xã hội của thanh niên xung phong theo quy định hiện hành đối với đơn vị sự nghiệp công lập.

Chương 4.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI THANH NIÊN XUNG PHONG

Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Nội vụ

1. Xây dựng và trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật về tổ chức, hoạt động và chính sách đối với thanh niên xung phong.

2. Đôn đốc việc thực hiện các quy định của pháp luật về tổ chức và hoạt động đối với thanh niên xung phong.

3. Thanh tra, kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến tổ chức, hoạt động và việc thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong.

4. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình tổ chức, hoạt động và việc thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong.

Điều 21. Trách nhiệm của các Bộ, ngành

1. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc cấp phát, quản lý và sử dụng kinh phí quy định tại Điều 19 Nghị định này.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ hướng dẫn việc lồng ghép cơ chế, chính sách để thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3. Các Bộ, ngành liên quan theo chức năng, nhiệm vụ của mình lồng ghép cơ chế, chính sách để thanh niên xung phong thực hiện các nhiệm vụ được giao.

Điều 22. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thanh niên xung phong trên địa bàn theo phân cấp của Chính phủ như sau:

a) Ban hành và hướng dẫn thực hiện các quy định về tổ chức, hoạt động và chính sách đối với thanh niên xung phong theo quy định của pháp luật, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương;

b) Giao nhiệm vụ và tạo điều kiện để tổ chức thanh niên xung phong hoàn thành nhiệm vụ được giao;

c) Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm các quy định tại Nghị định này;

d) Tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tổ chức, hoạt động và việc thực hiện chính sách đối với thanh niên xung phong.

2. Tạo điều kiện để các tổ chức thanh niên xung phong của Trung ương và các tỉnh khác thực hiện các chương trình, dự án tại địa phương.

Chương 5.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 23. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 26 tháng 3 năm 2011.

2. Bãi bỏ Quyết định số 770/TTg ngày 20 tháng 12 năm 1994 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong.

Điều 24. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn thi hành Nghị định này.

2. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (5b);

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 12/2011/NĐ-CP ngày 30/01/2011 về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


22.917

DMCA.com Protection Status
IP: 3.12.123.41
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!