NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1374/QĐ-NHNN
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 07 năm 2015
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN ĐẦU TƯ
ĐỐI VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC VIỆT NAM
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ Luật
Công nghệ thông tin số 67/2006/QH11 ngày
29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam số 46/2010/QH12 ngày 16 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Đầu
tư công số 49/2014/QH13 ngày 18 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định
số 64/2007/NĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Chính phủ về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Căn cứ Nghị định
số 156/2013/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
Căn cứ Nghị định
số 102/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 11 năm 2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng
dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn
ngân sách nhà nước;
Căn cứ Thông
tư số 12/2010/TT-BTTTT ngày 18 tháng 5 năm 2010 của Bộ Thông tin và truyền
thông quy định việc cập nhật thông tin dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về các dự án ứng dụng công nghệ thông tin;
Căn cứ Thông
tư số 21/2010/TT-BTTTT ngày 08 tháng 9 năm 2010 của Bộ Thông tin và Truyền
thông quy định về lập đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng
công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn
ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án;
Căn cứ Thông
tư số 06/2011/TT-BTTTT ngày 28 tháng 02 năm 2011 của Bộ Thông tin và Truyền
thông quy định về lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin;
Căn cứ Thông
tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKH&ĐT-BTTTT ngày 15 tháng 02 năm 2012 của
Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Thông tin và Truyền thông Hướng dẫn quản
lý và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;
Theo đề nghị của
Cục trưởng Cục Công nghệ tin học và Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý và thực hiện đầu
tư đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ
thông tin trong hệ thống Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Chánh Văn
phòng, Vụ trưởng Vụ Tài chính - Kế toán, Cục trưởng Cục Công nghệ tin học và Thủ
trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước
chi nhánh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này.
2. Việc sửa đổi,
bổ sung Quy định về quản lý và thực hiện đầu tư đối với các hoạt động ứng dụng
công nghệ thông tin trong hệ thống Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định./.
|
KT. THỐNG ĐỐC
PHÓ THỐNG ĐỐC
Đào Minh Tú
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ VÀ THỰC HIỆN ĐẦU TƯ ĐỐI VỚI CÁC HOẠT
ĐỘNG ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN TRONG HỆ THỐNG NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1374/QĐ-NHNN ngày 17 tháng 7 năm 2015)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
Quy định này hướng dẫn việc quản
lý và thực hiện đầu tư đối với các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin tại các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà
nước Việt Nam sử dụng nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định,
chi phí hoạt động của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, vốn ngân sách nhà nước cấp,
bao gồm:
1. Các hoạt động ứng dụng công
nghệ thông tin phải lập dự án thuộc thẩm
quyền quyết định đầu tư của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Nghị
định số 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước
(sau đây gọi tắt là các hoạt động ứng dụng công nghệ
thông tin phải lập dự án).
2. Các hoạt động ứng dụng công
nghệ thông tin không lập dự án, chỉ lập đề
cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước theo quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP của Chính phủ về quản
lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử
dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (sau đây gọi tắt là các hoạt động ứng dụng
công nghệ thông tin chỉ lập đề cương và dự
toán chi tiết).
3. Các hoạt động ứng dụng công
nghệ thông tin không lập dự án, không lập
đề cương và dự toán chi tiết thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước (sau đây gọi tắt là các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin chỉ lập dự toán).
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy định này được áp dụng đối với
các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, các tổ chức, cá nhân có liên quan
đến hoạt động đầu tư ứng dụng công nghệ thông
tin quy định tại Điều 1 Quy định này.
Điều 3.
Các từ ngữ viết tắt
1. “NHNN” là viết tắt của “Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam”.
2. “Vụ TCKT” là viết tắt của “Vụ
Tài chính - Kế toán”.
3. “Cục CNTH” là viết tắt của
“Cục Công nghệ tin học”.
4. “CNTT” là viết tắt của “công
nghệ thông tin”.
Điều 4. Thẩm
quyền quyết định đầu tư dự án ứng dụng CNTT
1. Thống đốc NHNN quyết định đầu
tư các dự án ứng dụng CNTT nhóm A, B, C đã có trong kế hoạch ứng dụng CNTT được
duyệt hoặc đã có quyết định chủ trương đầu tư, trừ trường hợp quy định tại Khoản
2 Điều này.
2. Thống đốc NHNN ủy quyền cho
Vụ trưởng Vụ TCKT quyết định đầu tư các dự án nhóm C có mức vốn đầu tư dưới 3 tỷ
đồng đã có trong kế hoạch ứng dụng công nghệ
thông tin được duyệt hoặc đã có quyết định chủ trương đầu tư.
3. Người ủy quyền phải chịu trách
nhiệm trước pháp luật về sự ủy quyền của mình. Người được ủy quyền phải chịu
trách nhiệm về quyết định của mình trước pháp luật và người ủy quyền.
Điều 5. Chủ
đầu tư dự án ứng dụng CNTT
Chủ đầu tư dự án ứng dụng CNTT
được xác định như sau:
1. NHNN làm Chủ đầu tư đối với
dự án có mức vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên.
2. Đơn vị làm Chủ đầu tư đối với
dự án có mức vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng mà sản phẩm của dự án do chính đơn vị quản
lý, sử dụng khi có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6 Quy định này.
3. Cục CNTH làm Chủ đầu tư đối
với các dự án có mức vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng mà sản phẩm của dự án được trang
cấp cho nhiều đơn vị quản lý, sử dụng.
4. Trong trường hợp không xác định
được Chủ đầu tư thuộc 1 trong 3 đối tượng trên, Thống đốc NHNN giao cho một đơn
vị có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 6 Quy định này làm Chủ đầu tư.
Điều 6. Điều
kiện năng lực, nhiệm vụ của Chủ đầu tư
1. Trường hợp Chủ đầu tư dự án
trực tiếp quản lý dự án, Chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện sau:
a) Đối với dự án có tổng mức đầu
tư trên 20 tỷ đồng:
- Có kinh nghiệm quản lý, triển
khai thành công ít nhất 01 dự án tương tự về quy mô hoặc ít nhất 03 dự án trong
đó mỗi dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu bằng một phần hai tổng mức đầu tư của
dự án sẽ triển khai;
- Có ít nhất 10 người có trình
độ đại học chuyên ngành CNTT trở lên.
b) Đối với dự án có tổng mức đầu
tư trên 3 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng:
- Có kinh nghiệm quản lý, triển
khai thành công ít nhất 01 dự án tương tự về quy mô hoặc ít nhất 03 dự án trong
đó mỗi dự án có tổng mức đầu tư tối thiểu bằng một phần hai tổng mức đầu tư của
dự án sẽ triển khai;
- Có ít nhất 05 người có trình
độ đại học chuyên ngành CNTT trở lên.
c) Đối với dự án có tổng mức đầu
tư từ 3 tỷ đồng trở xuống, phải có ít nhất 01 người có trình độ đại học chuyên
ngành CNTT trở lên.
2. Trường hợp Chủ đầu tư dự án
không trực tiếp quản lý dự án do không đủ điều kiện năng lực, Chủ đầu tư thuê tổ
chức tư vấn quản lý dự án có đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 64 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP.
3. Các đơn vị NHNN được Chủ đầu
tư là NHNN giao thực hiện một số nhiệm vụ của Chủ đầu tư, tùy theo từng nhiệm vụ
được giao cụ thể, đơn vị phải đáp ứng các điều kiện về năng lực và kinh nghiệm
tương ứng theo quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP .
4. Chủ đầu tư có nhiệm vụ, quyền
hạn và trách nhiệm như sau:
a) Công bố công khai với các tổ
chức chính trị, xã hội, chính quyền địa phương và các cơ quan dân cử trên địa
bàn về mục đích, nội dung các hoạt động, quy mô dự án; cơ cấu tổ chức của Ban
quản lý dự án (hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án) để tranh thủ sự giám sát của
cộng đồng trong quá trình thực hiện theo quy định tại Điều 9 Nghị
định số 102/2009/NĐ-CP;
b) Chỉ đạo, đôn đốc, hỗ trợ Ban
quản lý dự án (hoặc tổ chức tư vấn quản lý dự án) trong việc theo dõi, kiểm
tra, đánh giá đối với từng dự án theo quy định tại Điểm b Khoản
3 Điều 10 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;
c) Gửi báo cáo cho cơ quan chủ
quản, và các cơ quan thực hiện giám sát, đánh giá đầu tư có liên quan theo quy
định tại Điểm a Khoản 4 Điều 10;
d) Lập nhiệm vụ khảo sát và tổ
chức thực hiện công tác khảo sát được thực hiện theo quy định tại Điều
12 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;
đ) Tổ chức lập dự án ứng dụng
CNTT theo quy định tại Điều 16 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;
e) Lập Báo cáo nghiên cứu khả
thi và Hồ sơ trình duyệt theo quy định tại Điều 19 Nghị định số
102/2009/NĐ-CP đối với các dự án phải lập Báo cáo nghiên cứu khả thi;
g) Lập Báo cáo đầu tư và Hồ sơ
trình duyệt theo quy định tại Điều 20 Nghị định số
102/2009/NĐ-CP đối với các dự án phải lập Báo cáo đầu tư;
h) Phải giải trình, bổ sung hồ
sơ dự án nhằm làm rõ các nội dung cần thẩm định theo quy định tại Khoản
3 Điều 26 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và của pháp luật có liên quan nếu Đơn
vị đầu mối thẩm định dự án có yêu cầu;
i) Điều chỉnh dự án theo quy định
tại Điều 31 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP
k) Xem xét, quyết định việc khảo
sát bổ sung phục vụ lập thiết kế thi công theo quy định tại Điều
34 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;
l) Tổ chức lập, thẩm định và
phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán công theo quy định tại Điều 35 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;
m) Thay đổi thiết kế thi công
theo quy định tại Điều 38 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;
n) Tổ chức lập dự toán, tổng dự
toán điều chỉnh hoặc thuê các tổ chức, cá nhân có đủ năng lực để lập dự toán, tổng
dự toán điều chỉnh theo quy định tại Điều 39 Nghị định số
102/2009/NĐ-CP;
o) Theo dõi, giám sát, điều chỉnh
tiến độ trong trường hợp một số giai đoạn của tiến độ đầu tư dự án bị kéo dài.
Trường hợp xét thấy tiến độ đầu tư của cả dự án bị kéo dài thì Chủ đầu tư phải
báo cáo Người có thẩm quyền quyết định đầu tư để quyết định việc điều chỉnh tiến
độ thực hiện đầu tư dự án hoặc cho phép chấm dứt dự án theo quy định tại Khoản 4 Điều 42 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;
p) Giải quyết sự cố trong quá
trình thực hiện đầu tư, bảo hành, vận hành theo quy định tại Điều
43 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP;
q) Kiểm thử, vận hành thử và
cài đặt phần mềm nội bộ theo quy định tại Điều 46 Nghị định số
102/2009/NĐ-CP;
r) Thực hiện nghiệm thu, chuyển
giao, bàn giao sản phẩm của dự án theo quy định tại Điều 47 Nghị
định số 102/2009/NĐ-CP;
s) Thực hiện trách nhiệm về bảo
hành sản phẩm của dự án theo quy định tại Khoản 4 Điều 48 Nghị
định số 102/2009/NĐ-CP;
t) Thực hiện quản lý dự án theo
quy định tại Điều 55, Điều 56, Điều 57, Điều 59 Nghị định số
102/2009/NĐ-CP;
u) Thực hiện cung cấp thông tin
theo quy định tại Điều 74 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP.
Điều 7.
Phân loại các hoạt động ứng dụng CNTT và nguồn vốn sử dụng
1. Các hoạt động ứng dụng CNTT
phải lập dự án thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thống đốc NHNN theo quy định
tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP:
a) Đầu tư, mua sắm mới hạ tầng
kỹ thuật, phần mềm và cơ sở dữ liệu.
- Các dự án nhóm A: Lập Dự án
khả thi ứng dụng CNTT;
- Các dự án nhóm B: Lập Báo cáo
nghiên cứu khả thi;
- Các dự án nhóm C có mức vốn đầu
tư trên 3 tỷ đồng: Lập Báo cáo nghiên cứu khả thi;
- Các dự án nhóm C có mức vốn đầu
tư từ 3 tỷ đồng trở xuống: Lập Báo cáo đầu tư.
b) Đầu tư nâng cấp, mở rộng khả
năng ứng dụng CNTT hiện có (bao gồm cả việc đầu tư mới các hạng mục ứng dụng
CNTT thuộc hệ thống đã có) có mức vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên: thực hiện lập
dự án theo quy định của Nghị định số 102/2009/NĐ-CP .
2. Các hoạt động ứng dụng CNTT
không lập dự án, chỉ lập đề cương và dự toán chi tiết theo quy định tại Thông
tư số 21/2010/TT-BTTTT ngày 08 tháng 9 năm 2010 quy định về lập đề cương và dự
toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng công nghệ
thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải
lập dự án.
a) Các hoạt động xây dựng mới,
mua sắm phần mềm có mức vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng;
b) Đầu tư nâng cấp, mở rộng khả
năng ứng dụng CNTT hiện có (bao gồm cả việc đầu tư mới các hạng mục ứng dụng
CNTT thuộc hệ thống đã có) có mức vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng;
c) Mua sắm thay thế một phần (dưới
50% tổng giá trị) phần cứng, phần mạng thuộc cơ sở hạ tầng hiện có có mức vốn đầu
tư dưới 3 tỷ đồng;
d) Mua sắm, gia hạn các bản quyền
phần mềm hoặc bản quyền hóa các phần mềm đang sử dụng chưa có bản quyền có mức
vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng.
3. Các hoạt động ứng dụng CNTT
không lập dự án, không lập đề cương và dự toán chi tiết (chỉ lập dự toán).
a) Mua sắm, nâng cấp mở rộng, lắp
đặt, cài đặt thiết bị CNTT (phần mạng, phần cứng, phần mềm thương mại) nhằm duy
trì hoạt động thường xuyên có tổng giá trị ≤ 100 triệu đồng;
b) Bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa,
duy trì các dịch vụ, hệ thống CNTT, truyền thông và các chi phí khác ngoài các
nội dung nêu tại khoản 1, khoản 2 và điểm a khoản 3 Điều này.
4. Nguồn vốn sử dụng
a) Vốn đầu tư xây dựng cơ bản
và mua sắm tài sản cố định hoặc ngân sách nhà nước cấp được sử dụng cho các hoạt
động ứng dụng CNTT nêu tại khoản 1, điểm a, b khoản 2 Điều này và các hoạt động
ứng dụng CNTT nêu tại điểm c, d khoản 2, điểm a khoản 3 Điều này khi tài sản có
giá trị ≥ 30 triệu đồng/1 tài sản;
b) Chi phí hoạt động của NHNN
được sử dụng cho các hoạt động nêu tại điểm b khoản 3 Điều này và điểm c, d khoản
2, điểm a khoản 3 Điều này khi tài sản có giá trị < 30 triệu đồng/1 tài sản.
Điều 8.
Phân công, phân cấp trong hoạt động ứng dụng CNTT
1. Thống đốc NHNN hoặc Phó Thống
đốc được ủy quyền:
a) Phê duyệt hoặc trình cấp có
thẩm quyền phê duyệt kế hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT của NHNN và điều chỉnh kế
hoạch này theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 10 Quy định này;
b) Phê duyệt Kế hoạch hàng năm
về ứng dụng CNTT của NHNN;
c) Phê duyệt Quyết định đầu tư
các dự án ứng dụng CNTT phát sinh đột xuất ngoài kế hoạch hàng năm và dài hạn đối
với các dự án nhóm B, C.
d) Phê duyệt Quyết định đầu tư
các dự án nhóm A đã có trong kế hoạch;
đ) Thực hiện vai trò của người
có thẩm quyền quyết định đầu tư đối với các dự án nhóm B nằm trong kế hoạch
hàng năm hoặc dài hạn, các dự án nhóm C nằm trong kế hoạch hàng năm hoặc dài hạn
có mức vốn đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên:
- Phê duyệt dự án;
- Phê duyệt điều chỉnh dự án,
điều chỉnh tổng mức đầu tư đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền của Chủ đầu
tư;
- Phê duyệt Kế hoạch lựa chọn
nhà thầu;
- Phê duyệt quyết toán dự án
- Quyết định và phê duyệt các nội
dung khác liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của
Người quyết định đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện trách nhiệm của Người
có thẩm quyền trong lựa chọn nhà thầu các gói thầu của dự án theo quy định của
pháp luật về đấu thầu.
e) Thực hiện một số nhiệm vụ của
Chủ đầu tư đối với các dự án ứng dụng CNTT do NHNN làm Chủ đầu tư:
- Quyết định thành lập Ban quản
lý dự án
- Phê duyệt thiết kế thi công
và tổng dự toán;
- Quyết định và phê duyệt các nội
dung khác liên quan đến quá trình triển khai thực hiện dự án thuộc thẩm quyền của
Chủ đầu tư theo quy định của pháp luật;
- Thực hiện trách nhiệm của Chủ
đầu tư đối với các gói thầu của dự án: Phê duyệt hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu,
kết quả lựa chọn nhà thầu; Quyết định và phê duyệt các nội dung khác trong quá
trình lựa chọn nhà thầu, triển khai hợp đồng các gói thầu của dự án theo quy định
của pháp luật về đấu thầu.
2. Cục trưởng Cục CNTH:
a) Xây dựng kế hoạch 5 năm,
hàng năm về ứng dụng CNTT của NHNN trình Thống đốc NHNN phê duyệt;
b) Tổng hợp và có ý kiến về các
đề xuất ứng dụng CNTT của các đơn vị gửi Vụ TCKT làm cơ sở trình Thống đốc NHNN
phê duyệt kế hoạch mua sắm tài sản cố định hàng năm của NHNN (trừ máy PC, máy
tính xách tay, máy in, UPS từ 5 KVA trở xuống và các trang thiết bị CNTT là
công cụ lao động);
c) Chủ trì phối hợp với các đơn
vị có liên quan xây dựng và công bố các tiêu chuẩn kỹ thuật cho việc ứng dụng
CNTT;
d) Thẩm định thiết kế sơ bộ đối
với các dự án ứng dụng CNTT. Cán bộ thẩm định thiết kế sơ bộ không đồng thời là
cán bộ lập dự án;
đ) Thực hiện một số nhiệm vụ do
Chủ đầu tư giao đối với các dự án do NHNN làm Chủ đầu tư;
e) Thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu
tư đối với các dự án quy định tại khoản 2, 3 Điều 5 Quy định này, các dự án
khác do Người có thẩm quyền quyết định đầu tư giao làm Chủ đầu tư;
g) Tham mưu và trình Chủ đầu tư
thành lập Ban quản lý dự án đối với các dự án do NHNN làm Chủ đầu tư và giao Cục
CNTH triển khai thực hiện;
h) Thực hiện nhiệm vụ của đơn vị
NHNN theo quy định tại Khoản 4 Điều này.
3. Vụ trưởng Vụ TCKT:
a) Đối với các dự án có mức vốn
đầu tư từ 3 tỷ đồng trở lên:
- Làm đầu mối thẩm định dự án;
- Làm đầu mối thẩm định dự án
điều chỉnh đối với trường hợp vượt quá thẩm quyền của Chủ đầu tư;
- Thẩm định Kế hoạch lựa chọn
nhà thầu, quyết toán dự án.
b) Tham mưu và tổ chức thực hiện
các dự án do NHNN làm Chủ đầu tư:
- Làm đầu mối thẩm định thiết kế
thi công và tổng dự toán;
- Thẩm định Hồ sơ mời thầu/hồ
sơ yêu cầu, kết quả lựa chọn nhà thầu và các nội dung khác được Thống đốc Ngân
hàng Nhà nước giao trong quá trình tổ chức lựa chọn nhà thầu, triển khai hợp đồng
các gói thầu của dự án theo quy định của pháp luật về đấu thầu.
c) Thực hiện vai trò người có
thẩm quyền quyết định đầu tư đối với các dự án có mức vốn đầu tư dưới 3 tỷ đồng:
- Phê duyệt Báo cáo đầu tư sau
khi Cục CNTH có ý kiến về giải pháp kỹ thuật, thiết kế sơ bộ;
- Phê duyệt Kế hoạch lựa chọn
nhà thầu;
- Phê duyệt quyết toán dự án.
d) Đề xuất các hoạt động ứng dụng
CNTT tại đơn vị.
4. Thủ trưởng các đơn vị NHNN:
a) Đề xuất các hoạt động ứng dụng
CNTT tại đơn vị;
b) Thực hiện nhiệm vụ Chủ đầu
tư đối với các dự án quy định tại khoản 2 Điều 5 Quy định này, các dự án khác
do Người có thẩm quyền quyết định đầu tư giao làm Chủ đầu tư.
Riêng việc phê duyệt thiết kế
thi công và tổng dự toán, Thủ trưởng đơn vị NHNN thực hiện phê duyệt sau khi có
ý kiến của Cục CNTH về thiết kế thi công và Vụ TCKT về tổng dự toán.
c) Tham mưu và trình Chủ đầu tư
thành lập Ban quản lý dự án đối với các dự án do NHNN làm Chủ đầu tư và giao
cho đơn vị triển khai thực hiện;
d) Thực hiện trách nhiệm của Chủ
đầu tư đối với các gói thầu của dự án mà đơn vị được giao làm Chủ đầu tư theo
quy định của pháp luật về đấu thầu.
5. Đối với hoạt động ứng dụng
CNTT không phải lập dự án (bao gồm các hoạt động ứng dụng CNTT quy định tại khoản
2, 3 Điều 1 Quy định này): Việc lập, thẩm định và phê duyệt đề cương và dự toán
chi tiết/dự toán, kế hoạch lựa chọn nhà thầu, hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu, kết
quả lựa chọn nhà thầu, quyết toán gói thầu được thực hiện theo quy định tại Quy
chế quản lý tài chính của NHNN và Chương IV Quy định này.
Điều 9. Kiểm
tra đánh giá đầu tư ứng dụng CNTT
Định kỳ theo kế hoạch kiểm toán
được Thống đốc phê duyệt hoặc đột xuất theo yêu cầu của Thống đốc, Vụ Kiểm toán
nội bộ thực hiện kiểm tra, đánh giá các dự án ứng dụng CNTT tại các đơn vị phù hợp
với mục tiêu, kế hoạch ứng dụng CNTT của NHNN.
Chương II
XÂY DỰNG KẾ HOẠCH ỨNG DỤNG
CNTT
Điều 10. Kế
hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm về ứng dụng CNTT
1. Kế hoạch 5 năm về ứng dụng
CNTT:
a) Lập, thẩm định, phê duyệt kế
hoạch 5 năm về ứng dụng CNTT:
Trước tháng 6 của năm kết thúc
kỳ kế hoạch 5 năm, các đơn vị có nhu cầu ứng dụng CNTT lập kế hoạch 5 năm tiếp
theo của đơn vị mình gửi Cục CNTH (bao gồm cả kế hoạch bảo trì). Trước tháng 10
của cùng năm, Cục CNTH có trách nhiệm tổng hợp, phối hợp với Hội đồng Thanh
toán và Công nghệ và các đơn vị liên quan thẩm định kế hoạch của toàn bộ các
đơn vị trình Thống đốc NHNN gửi Bộ Thông tin và Truyền thông thẩm định trước
khi trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;
b) Kế hoạch 5 năm về ứng dụng
CNTT phải đảm bảo phục vụ việc thực hiện nhiệm vụ theo chiến lược, kế hoạch
phát triển của NHNN và bao gồm danh mục các dự án ứng dụng CNTT cần thực hiện,
trong đó nêu rõ mục tiêu, nội dung, quy mô đầu tư, tổng mức vốn đầu tư, thời
gian thực hiện, Chủ đầu tư của từng dự án;
c) Điều chỉnh kế hoạch ứng dụng
CNTT:
Kế hoạch ứng dụng CNTT đã phê
duyệt được điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:
- Khi chiến lược, chương trình,
kế hoạch, đề án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt có ảnh hưởng đến mục
tiêu, quy mô, phạm vi của kế hoạch ứng dụng CNTT đã được phê duyệt;
- Khi có những yêu cầu thực tiễn
quản lý hoặc do sự thay đổi của công nghệ đòi hỏi phải điều chỉnh kế hoạch;
Khi cần điều chỉnh kế hoạch ứng
dụng CNTT trên cơ sở đề nghị của các đơn vị, Cục CNTH chủ trì, phối hợp với các
đơn vị có liên quan lập báo cáo thuyết minh rõ các nội dung phải điều chỉnh,
trình cấp thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
2. Kế hoạch hàng năm về ứng dụng
CNTT:
a) Đối với các dự án chưa nằm
trong kế hoạch 5 năm đã được phê duyệt, các đơn vị lập kế hoạch hàng năm gửi Cục
CNTH tổng hợp trước 1 tháng 10 hàng năm. Bản kế hoạch hàng năm phải xác định được
mục tiêu, nội dung, quy mô đầu tư, tổng mức vốn đầu tư, thời gian thực hiện, Chủ
đầu tư. Cục CNTH tổng hợp, phối hợp với Hội đồng Thanh toán và Công nghệ và các
đơn vị liên quan thẩm định và trình Thống đốc NHNN phê duyệt trước 1 tháng 12
hàng năm;
b) Đối với việc mua sắm các thiết
bị CNTT nhằm duy trì hoạt động thường xuyên như máy PC, UPS từ 5 KVA trở xuống,
máy in, thiết bị tin học văn phòng: Căn cứ nhu cầu, định mức trang thiết bị tài
sản làm việc của Nhà nước và tình hình thực tế quản lý, sử dụng tài sản tại đơn
vị, các đơn vị lập kế hoạch năm gửi Vụ TCKT trước 30 tháng 10 hàng năm. Vụ TCKT
chủ trì phối hợp với Cục CNTH tổng hợp trình Thống đốc NHNN phê duyệt theo quy
định.
3. Chủ trương đầu tư:
a) Các dự án ứng dụng công nghệ thông tin phải được phê duyệt chủ trương đầu
tư trước khi lập dự án. Trường hợp các dự án ứng dụng công nghệ thông tin nằm trong Kế hoạch 5 năm ứng dụng
công nghệ thông tin; các dự án, hoạt động
ứng dụng công nghệ thông tin có tên trong
các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án đã được phê duyệt thì không phải phê
duyệt chủ trương đầu tư;
b) Đối với các dự án nhóm B, C,
Thủ trưởng các đơn vị thuộc NHNN trình Thống đốc phê duyệt chủ trương đầu tư
(Qua Cục CNTH). Hồ sơ trình Thống đốc phải xác định được mục tiêu, nội dung,
quy mô đầu tư, tổng mức vốn đầu tư, thời gian thực hiện, Chủ đầu tư. Cục CNTH
chủ trì, phối hợp với Hội đồng Thanh toán và Công nghệ và các đơn vị liên quan
thẩm định, trình Thống đốc NHNN phê duyệt. Thời gian thẩm định, trình phê duyệt
tối đa là 20 ngày tính từ ngày nhận đủ hồ sơ trình của đơn vị. Tờ trình, Quyết
định phê duyệt chủ trương đầu tư lập theo mẫu số
1.1, mẫu số 1.2 Phụ lục I của Quy định
này.
Điều 11.
Ghi kế hoạch vốn hàng năm về ứng dụng CNTT
Căn cứ vào kế hoạch 5 năm, kế
hoạch hàng năm và kế hoạch điều chỉnh, bổ sung đã được phê duyệt, các đơn vị
xây dựng tiến độ thực hiện và kế hoạch giải ngân vốn của từng dự án gửi Vụ TCKT
tổng hợp, ghi kế hoạch vốn mua sắm tài sản cố định hàng năm trình Thống đốc
NHNN phê duyệt.
Chương
III
CÁC HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG
CNTT PHẢI LẬP DỰ ÁN
MỤC I. CHUẨN
BỊ ĐẦU TƯ DỰ ÁN ỨNG DỤNG CNTT
Điều 12. Nội
dung công việc chuẩn bị đầu tư
Nội dung công việc chuẩn bị đầu
tư bao gồm:
1. Nghiên cứu về sự cần thiết
phải đầu tư và quy mô đầu tư.
2. Xem xét khả năng về nguồn
cung ứng thiết bị, nguồn vốn đầu tư và lựa chọn hình thức đầu tư.
3. Tiến hành điều tra, khảo sát
phục vụ lập dự án và chọn địa điểm đầu tư.
4. Lập dự án ứng dụng CNTT.
5. Gửi hồ sơ dự án và văn bản
trình đến Người có thẩm quyền quyết định đầu tư, Vụ TCKT.
Điều 13.
Điều tra, khảo sát phục vụ lập dự án
1. Chủ đầu tư lập và thực hiện
dự án tiến hành điều tra, khảo sát phục vụ lập dự án và chọn địa điểm đầu tư;
phê duyệt nhiệm vụ khảo sát, giám sát khảo sát và nghiệm thu kết quả khảo sát.
2. Chủ trì khảo sát phải có đủ
điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 65 Nghị định số
102/2009/NĐ-CP.
3. Trường hợp không đủ điều kiện
năng lực thì Chủ đầu tư trình Thống đốc NHNN cho phép thuê tổ chức, cá nhân có
đủ điều kiện năng lực, kinh nghiệm để thực hiện lập nhiệm vụ khảo sát, thực hiện
khảo sát, giám sát khảo sát.
Điều 14. Lập
dự án ứng dụng CNTT
1. Chủ đầu tư lập và thực hiện
dự án có trách nhiệm tổ chức lập Dự án khả thi ứng dụng CNTT, Báo cáo nghiên cứu
khả thi hoặc Báo cáo đầu tư trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt. Trường
hợp cần thiết Chủ đầu tư có thể thuê tổ chức, cá nhân có đủ năng lực, kinh nghiệm
để lập dự án.
2. Thiết kế sơ bộ là một phần của
dự án ứng dụng CNTT. Mỗi thiết kế sơ bộ phải có người chủ trì thiết kế sơ bộ.
Chủ trì thiết kế sơ bộ phải đủ điều kiện năng lực theo quy định tại Điều 61 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP.
3. Nội dung thiết kế sơ bộ,
công nghệ và giải pháp kỹ thuật trong dự án được lập theo quy định tại Nghị định
số 102/2009/NĐ-CP .
Điều 15. Tổng
mức đầu tư
1. Tổng mức đầu tư được tính
toán và xác định trong giai đoạn lập dự án phù hợp với nội dung dự án và thiết
kế sơ bộ.
2. Tổng mức đầu tư bao gồm:
a) Chi phí xây lắp:
- Chi phí lắp đặt phụ kiện mạng,
đi dây cho mạng CNTT, phụ kiện cho hệ thống làm mát, UPS, thiết bị chuyên dụng
cho phòng máy chủ và các chi phí khác phục vụ cho lắp đặt mạng;
- Các chi phí xây lắp trực tiếp
khác có liên quan. b) Chi phí thiết bị:
- Chi phí mua sắm thiết bị
CNTT: Thiết bị phải lắp đặt và cài đặt, thiết bị không phải lắp đặt và cài đặt,
thiết bị đặc biệt là phần mềm nội bộ, các thiết bị phụ trợ và thiết bị ngoại
vi;
- Chi phí mua sắm tài sản vô
hình: Phần mềm hệ thống, phần mềm thương mại, tạo lập cơ sở dữ liệu, chuẩn hóa
phục vụ cho nhập dữ liệu, thực hiện nhập dữ liệu cho cơ sở dữ liệu, mua sắm các
tài sản vô hình khác;
- Chi phí đào tạo chuyển giao
công nghệ;
- Chi phí lắp đặt thiết bị, cài
đặt phần mềm, kiểm thử và hiệu chỉnh thiết bị và phần mềm.
c) Chi phí quản lý dự án: Gồm
các chi phí cần thiết để Chủ đầu tư tổ chức quản lý thực hiện dự án;
d) Chi phí tư vấn đầu tư: Chi
phí khảo sát, giám sát công tác khảo sát; lập dự án đầu tư; điều tra, nghiên cứu
phục vụ lập dự án, tuyển chọn giải pháp; thiết kế sơ bộ; thiết kế thi công, điều
chỉnh, bổ sung thiết kế thi công; lập dự toán/tổng dự toán; lập hồ sơ yêu cầu,
hồ sơ mời sơ tuyển, hồ sơ mời thầu và chi phí phân tích đánh giá hồ sơ đề xuất,
hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu để lựa chọn nhà thầu tư vấn, nhà thầu thi
công, tổng thầu, giám sát thi công; lập định mức, đơn giá; lập dự toán, tổng dự
toán; điều chỉnh dự toán, tổng dự toán; tư vấn quản lý dự án; kiểm tra chất lượng
vật liệu, thiết bị; đánh giá chất lượng sản phẩm; giám định công nghệ; quy đổi
vốn đầu tư; chi phí tư vấn đầu tư và thực hiện các công việc tư vấn khác;
đ) Chi phí khác: phí và lệ phí;
bảo hiểm, di chuyển thiết bị và lực lượng lao động; kiểm toán; thẩm tra, phê
duyệt quyết toán vốn đầu tư; nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan đến dự án;
lắp đặt và thuê đường truyền; lệ phí đăng ký và duy trì tên miền; và các chi
phí đặc thù khác;
e) Chi phí dự phòng: Cho khối
lượng công việc phát sinh chưa lường trước được khi lập dự án và chi phí dự
phòng cho yếu tố trượt giá trong thời gian thực hiện dự án.
3. Các chi phí nêu trên nếu
chưa có quy định hoặc chưa tính được ngay thì được tạm tính để đưa vào tổng mức
đầu tư theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính.
Điều 16. Lập
tổng mức đầu tư của dự án ứng dụng CNTT
1. Tổng mức đầu tư của dự án được
xác định theo một trong các phương pháp sau đây:
a) Tính theo thiết kế sơ bộ của
dự án, trong đó chi phí xây lắp được tính theo khối lượng chủ yếu từ thiết kế
sơ bộ, các khối lượng khác dự tính và giá vật tư, thiết bị, dịch vụ CNTT phù hợp
trên thị trường; chi phí thiết bị được tính theo số lượng, chủng loại thiết bị
phù hợp với giải pháp ứng dụng CNTT, giá thiết bị trên thị trường và các yếu tố
khác liên quan khác (nếu có); chi phí khác được xác định bằng cách lập dự toán
hoặc tạm tính theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng chi phí xây lắp, chi phí thiết
bị, chi phí dự phòng; chi phí dự phòng được xác định theo quy định tại khoản 2
Điều này;
b) Tính trên cơ sở số liệu của
các dự án ứng dụng CNTT có chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật tương tự đã thực hiện.
Khi áp dụng phương pháp này phải tính quy đổi các số liệu của dự án tương tự về
thời điểm lập dự án và điều chỉnh các khoản mục chi phí chưa xác định trong tổng
mức đầu tư cho phù hợp.
2. Dự phòng cho khối lượng công
việc phát sinh được tính trên tổng các chi phí quy định tại điểm a, b, c, d, đ
và e khoản 2 Điều 15 Quy định này. Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được
tính trên cơ sở độ dài thời gian triển khai đầu tư của dự án có tính đến các khả
năng biến động giá trong nước và quốc tế.
Điều 17.
Thẩm định thiết kế sơ bộ
1. Đối với các dự án ứng dụng
CNTT nhóm A, Chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Thiết kế sơ bộ lấy ý kiến của Cục
CNTH trước khi trình Thống đốc NHNN ký gửi lấy ý kiến thẩm định của Bộ Thông
tin và Truyền thông.
2. Đối với các dự án ứng dụng
CNTT nhóm B và C, Cục CNTH là đơn vị đầu mối thực hiện thẩm định thiết kế sơ bộ.
Khi thực hiện nhiệm vụ này, Cục CNTH được thành lập tổ thẩm định thiết kế sơ bộ
hoặc trình Thống đốc NHNN cho phép thuê các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện
năng lực, kinh nghiệm để tư vấn thẩm định thiết kế sơ bộ. Chi phí thuê tư vấn
thẩm định được trích từ lệ phí thẩm định dự án.
Điều 18. Nội
dung, thời gian thẩm định dự án ứng dụng CNTT
1. Nội dung thẩm định dự án gồm:
a) Xem xét các yếu tố đảm bảo
tính hiệu quả của dự án, bao gồm: sự cần thiết đầu tư; các yếu tố đầu vào của dự
án; quy mô, công nghệ, tổng mức đầu tư, thời gian, tiến độ thực hiện dự án;
phân tích tài chính, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án;
b) Xem xét các yếu tố đảm bảo
tính khả thi của dự án, bao gồm: kinh nghiệm quản lý của Chủ đầu tư; kết quả thẩm
định thiết kế sơ bộ; khả năng hoàn trả vốn đầu tư (nếu có yêu cầu thu hồi vốn đầu
tư); các yếu tố ảnh hưởng đến dự án như quốc phòng, an ninh; ý kiến bằng văn bản
của các cơ quan liên quan.
2. Nội dung thẩm định thiết kế
sơ bộ:
a) Sự phù hợp của thiết kế sơ bộ
với với các tiêu chuẩn kỹ thuật CNTT và các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính
năng kỹ thuật đối với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của bộ, ngành, địa phương; việc
kết nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác;
b) Việc áp dụng các quy chuẩn,
tiêu chuẩn công nghệ - kỹ thuật, bảo đảm phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành,
bảo mật;
c) Điều kiện năng lực của tổ chức
tư vấn, năng lực nghiệp vụ của cá nhân chủ trì thiết kế sơ bộ.
Báo cáo thẩm định thiết kế sơ bộ
lập theo mẫu số 1.6 Phụ lục I của Quy định
này.
3. Nội dung thẩm định tổng mức
đầu tư: Thẩm định tổng mức đầu tư là một nội dung trong thẩm định dự án ứng dụng
CNTT. Nội dung thẩm định tổng mức đầu tư gồm:
a) Sự phù hợp của phương pháp
xác định tổng mức đầu tư với đặc điểm, tính chất kỹ thuật, công nghệ và yêu cầu
của dự án;
b) Tính đầy đủ, hợp lý và phù hợp
với yêu cầu thực tế của các khoản mục chi phí trong tổng mức đầu tư;
c) Các tính toán về hiệu quả ứng
dụng CNTT, các yếu tố rủi ro, phương án tài chính, khả năng hoàn trả vốn đầu tư
(nếu có yêu cầu thu hồi vốn đầu tư);
d) Xác định giá trị tổng mức đầu
tư bảo đảm hiệu quả đầu tư của dự án.
5. Thời gian thẩm định:
a) Thời gian thẩm định dự án:
Thời gian thẩm định dự án (kể cả
thời gian thẩm định thiết kế sơ bộ), kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ là:
- Không quá 60 ngày làm việc đối
với dự án nhóm A;
- Không quá 30 ngày làm việc đối
với dự án nhóm B;
- Không quá 20 ngày làm việc đối
với dự án nhóm C.
b) Thời gian thẩm định, cho ý
kiến về thiết kế sơ bộ kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ:
- Không quá 15 ngày làm việc đối
với dự án nhóm B;
- Không quá 10 ngày làm việc đối
với dự án nhóm C.
Điều 19.
Quy trình thẩm định và trình phê duyệt dự án ứng dụng CNTT
1. Đơn vị đầu mối thẩm định dự
án gửi hồ sơ dự án lấy ý kiến thẩm định thiết kế sơ bộ của Cục CNTH và lấy ý kiến
thẩm định của các cơ quan liên quan để thẩm định dự án. Trường hợp cần thiết,
đơn vị đầu mối thẩm định lấy ý kiến của Hội đồng Thanh toán và Công nghệ. Trường
hợp đơn vị đầu mối thẩm định thành lập tổ thẩm định dự án thì thành viên Cục
CNTH của tổ thẩm định chịu trách nhiệm thẩm định thiết kế sơ bộ.
2. Đơn vị đầu mối thẩm định dự
án tổng hợp các nội dung thẩm định, các ý kiến thẩm định thiết kế sơ bộ, các ý
kiến của các cơ quan liên quan, nhận xét, đánh giá, kiến nghị và trình người có
thẩm quyền quyết định đầu tư phê duyệt dự án.
2. Nội dung quyết định phê duyệt
dự án ứng dụng CNTT theo mẫu số 1.7 Phụ lục I
của Quy định này.
Điều 20.
Điều chỉnh dự án ứng dụng CNTT
1. Dự án ứng dụng CNTT đã được
quyết định đầu tư chỉ được điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:
a) Xuất hiện những yếu tố mới
đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án;
b) Khi xuất hiện các yếu tố bất
khả kháng: động đất, bão, lũ, lụt, lốc, cháy nổ, sóng thần, lở đất; chiến tranh
hoặc có nguy cơ xảy ra chiến tranh hoặc các sự kiện bất khả kháng khác và có
tác động trực tiếp đến dự án;
c) Khi kế hoạch ứng dụng CNTT
được cấp thẩm quyền điều chỉnh có ảnh hưởng trực tiếp tới quy mô, mục tiêu của
dự án.
2. Khi điều chỉnh dự án không
làm thay đổi quy mô, mục tiêu đầu tư và không vượt tổng mức đầu tư đã được phê
duyệt thì Chủ đầu tư được phép tự điều chỉnh dự án. Trường hợp điều chỉnh dự án
làm thay đổi thiết kế sơ bộ về giải pháp kỹ thuật, công nghệ, quy mô, mục tiêu
đầu tư ban đầu hoặc vượt tổng mức đầu tư đã được phê duyệt thì Chủ đầu tư phải
trình Người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Nội dung và
quy trình thẩm định và trình phê duyệt điều chỉnh dự án thực hiện như thẩm định
và trình phê duyệt dự án.
Điều 21. Kinh
phí lập, thẩm định, hoặc điều chỉnh dự án ứng dụng CNTT
1. Dự án ứng dụng CNTT thuộc loại
nguồn vốn nào thì kinh phí cho việc lập, thẩm định hoặc điều chỉnh dự án nằm
trong loại nguồn vốn đó.
2. Sau khi thẩm định, nếu dự án
không được phê duyệt thì chi phí cho công tác lập, thẩm định hoặc điều chỉnh dự
án được trích từ vốn đầu tư xây dựng cơ bản và mua sắm tài sản cố định của
NHNN.
3. Mức lệ phí thẩm định trong
hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT được thực hiện theo Thông tư số 06/2011/TT-BTTTT
ngày 28/02/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về lập và quản lý chi
phí đầu tư ứng dụng CNTT.
MỤC II. THỰC
HIỆN ĐẦU TƯ DỰ ÁN ỨNG DỤNG CNTT
Điều 22. Nội
dung công việc trong giai đoạn thực hiện đầu tư dự án ứng dụng CNTT
Nội dung công việc thực hiện
trong giai đoạn này gồm:
1. Thực hiện việc khảo sát bổ
sung (nếu cần thiết) phục vụ lập thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán.
2. Lập và phê duyệt hồ sơ thiết
kế thi công.
3. Lập và phê duyệt hồ sơ mời
thầu/hồ sơ yêu cầu.
4. Tổ chức lựa chọn nhà thầu,
thương thảo hợp đồng với nhà thầu trúng thầu và ký hợp đồng giao nhận thầu.
5. Thực hiện các hợp đồng.
6. Kiểm tra, giám sát quá trình
thực hiện các hợp đồng.
7. Quản lý thực hiện dự án.
Việc lựa chọn nhà thầu để thực
hiện các nội dung quy định tại Điều này được thực hiện theo quy định trong Quyết
định đầu tư dự án, quy định của pháp luật về đấu thầu và quy định của NHNN.
Điều 23.
Thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán
1. Đơn vị được giao Chủ đầu tư tổ
chức lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán. Nội
dung và yêu cầu đối với thiết kế thi công và tổng dự toán được lập theo quy định
tại Điều 35, Điều 36 Nghị định số 102/2009/NĐ-CP. Việc thẩm
định, phê duyệt thiết kế thi công và tổng dự toán chỉ thực hiện một bước, không
tách riêng thiết kế thi công với tổng dự toán.
2. Việc thẩm định và phê duyệt
thiết kế thi công, tổng dự toán được thực hiện theo phân cấp của NHNN tại Điều
8 Quy định này. Tùy điều kiện cụ thể của dự án, đơn vị được giao Chủ đầu tư có
thể ký kết hợp đồng với các cá nhân, tổ chức có đủ năng lực để lập, tư vấn thẩm
định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán.
3. Trường hợp điều chỉnh dự án
dẫn tới phải điều chỉnh thiết kế thi công và tổng dự toán thì việc phê duyệt điều
chỉnh thiết kế thi công và tổng dự toán thực hiện như đối với việc lập, thẩm định,
phê duyệt lần đầu.
Điều 24. Nội
dung thẩm định thiết kế thi công và dự toán, tổng dự toán
1. Nội dung thẩm định thiết kế
thi công:
a) Sự phù hợp với thiết kế sơ bộ
trong dự án được duyệt;
b) Sự tuân thủ các quy chuẩn,
tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng;
c) Đánh giá mức độ bảo mật, an
toàn dữ liệu;
d) Sự hợp lý của việc lựa chọn
giải pháp, thiết bị, nếu có;
đ) Biện pháp an toàn vận hành,
phòng chống cháy nổ.
2. Nội dung thẩm định dự toán,
tổng dự toán gồm:
a) Sự phù hợp giữa khối lượng
thiết kế thi công và khối lượng dự toán;
b) Tính đúng đắn của việc áp dụng
các định mức kinh tế - kỹ thuật, mức chi phí, đơn giá; việc vận dụng định mức,
đơn giá, phương pháp tính, các chế độ, chính sách có liên quan và các khoản mục
chi phí trong dự toán theo quy định;
c) Xác định giá trị dự toán, tổng
dự toán.
Điều 25.
Thay đổi thiết kế thi công, dự toán, tổng dự toán
1. Thay đổi thiết kế thi công
a) Thiết kế thi công đã được
phê duyệt chỉ được thay đổi trong các trường hợp sau đây:
- Khi dự án ứng dụng CNTT được
điều chỉnh và có yêu cầu phải thay đổi thiết kế như: Xuất hiện những yếu tố mới
đem lại hiệu quả cao hơn cho dự án; Khi xuất hiện các yếu tố bất khả kháng có
tác động trực tiếp đến dự án; Khi kế hoạch ứng dụng CNTT được điều chỉnh có ảnh
hưởng trực tiếp tới quy mô, mục tiêu của dự án;.
- Trong quá trình triển khai
thi công phát hiện thấy những yếu tố bất hợp lý nếu không thay đổi thiết kế sẽ ảnh
hưởng đến chất lượng đầu tư của dự án, tiến độ thi công, biện pháp thi công và
hiệu quả đầu tư của dự án.
b) Trường hợp thay đổi thiết kế
thi công trái với thiết kế sơ bộ trong dự án được duyệt, Chủ đầu tư phải trình
thẩm định lại thiết kế sơ bộ theo quy định tại khoản 2 Điều 20 Quy định này,
trước khi phê duyệt thay đổi thiết kế thi công. Quy trình thẩm định lại thiết kế
sơ bộ thực hiện như quy trình thẩm định và trình phê duyệt dự án.
c) Chủ đầu tư tổ chức thẩm định
và phê duyệt thay đổi thiết kế thi công;
d) Tùy điều kiện cụ thể của dự
án, Chủ đầu tư trình Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho phép thuê các tổ
chức có tư cách pháp nhân và có đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng
CNTT, các cá nhân có đủ điều kiện tham gia hoạt động đầu tư ứng dụng CNTT để
thay đổi thiết kế thi công, điều chỉnh thiết kế sơ bộ.
2. Các trường hợp điều chỉnh dự
toán, tổng dự toán
a) Chủ đầu tư tổ chức lập dự
toán và tổng dự toán điều chỉnh trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều
20 và điểm a khoản 1 Điều này;
b) Dự toán ứng dụng CNTT điều
chỉnh được xác định bằng dự toán ứng dụng CNTT đã được phê duyệt và bổ sung
thêm (hoặc giảm đi) phần dự toán do có sự thay đổi trong các trường hợp quy định
tại điểm a khoản 1 Điều này;
c) Trường hợp thay đổi cơ cấu
chi phí trong tổng dự toán nhưng không vượt tổng mức đầu tư đã được người quyết
định đầu tư phê duyệt, kể cả chi phí dự phòng, Chủ đầu tư tự tổ chức điều chỉnh
dự toán các hạng mục đầu tư của dự án;
d) Trường hợp thay đổi dự toán
nhưng vượt tổng mức đầu tư đã được người quyết định đầu tư phê duyệt thì Chủ đầu
tư phải trình người quyết định đầu tư xem xét, quyết định. Nội dung và quy
trình thẩm định và trình phê duyệt điều chỉnh dự toán, tổng dự toán thực hiện
như thẩm định, trình phê duyệt dự toán, tổng dự toán;
đ) Dự toán ứng dụng CNTT điều chỉnh
là cơ sở để điều chỉnh giá hợp đồng, giá gói thầu và là một phần của hồ sơ thiết
kế thi công.
Điều 26.
Các hình thức quản lý dự án
1. Chủ đầu tư thành lập Ban quản
lý dự án để trực tiếp quản lý dự án khi có đủ điều kiện năng lực để quản lý dự
án. Đối với dự án có quy mô nhỏ, đơn giản có tổng mức đầu tư dưới 01 tỷ đồng
thì Chủ đầu tư có thể không thành lập Ban quản lý dự án mà sử dụng bộ máy
chuyên môn của mình để quản lý, điều hành dự án hoặc thuê người có chuyên môn,
kinh nghiệm để hỗ trợ quản lý dự án.
2. Cơ cấu tổ chức của Ban quản
lý dự án gồm có giám đốc, các phó giám đốc, các đơn vị chuyên môn, nghiệp vụ;
những người tham gia Ban quản lý dự án có thể làm việc theo chế độ chuyên trách
hoặc kiêm nhiệm.
Giám đốc, các phó giám đốc và
những người phụ trách về CNTT, kinh tế, tài chính phải có trình độ đại học thuộc
chuyên ngành phù hợp với lĩnh vực phụ trách, có kinh nghiệm làm việc chuyên môn
tối thiểu 3 năm và đã được bồi dưỡng nghiệp vụ về quản lý, đầu tư ứng dụng CNTT
(bộ môn lập và quản lý dự án).
3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban
quản lý dự án theo quy định tại Nghị định số 102/2009/NĐ-CP và các nhiệm vụ,
quyền hạn do Chủ đầu tư ủy quyền bằng văn bản.
4. Chủ đầu tư không có đủ điều
kiện năng lực quản lý dự án trình Người có thẩm quyền quyết định đầu tư cho
phép thuê tổ chức tư vấn quản lý dự án.
MỤC III. KẾT
THÚC ĐẦU TƯ ĐƯA SẢN PHẨM CỦA DỰ ÁN VÀO KHAI THÁC, SỬ DỤNG
Điều 27. Nội
dung công việc thực hiện trong giai đoạn kết thúc đầu tư, đưa sản phẩm của dự
án vào khai thác, sử dụng
Nội dung công việc thực hiện
trong giai đoạn này gồm:
1. Chuyển giao sản phẩm, hạng mục
công việc của dự án.
2. Vận hành, khai thác, đào tạo,
chuyển giao công nghệ và hướng dẫn sử dụng.
3. Nghiệm thu, bàn giao dự án.
4. Bảo hành sản phẩm của dự án.
5. Thực hiện việc kết thúc dự
án.
6. Quyết toán vốn đầu tư và phê
duyệt quyết toán.
Điều 28.
Nghiệm thu, chuyển giao, bàn giao sản phẩm của dự án
1. Sản phẩm, hoặc hạng mục công
việc của dự án chỉ được chuyển giao, bàn giao cho Chủ đầu tư sau khi đã kiểm thử
hoặc vận hành thử và nghiệm thu đạt yêu cầu chất lượng. Chủ đầu tư thành lập Hội
đồng nghiệm thu để nghiệm thu sản phẩm, hoặc hạng mục công việc của dự án với sự
tham gia của các tổ chức, cá nhân tư vấn, thiết kế, nhà thầu và cơ quan quản lý
theo phân cấp ủy quyền.
2. Nhà thầu đồng thời phải chuyển
giao kèm theo các tài liệu sau: hồ sơ hoàn công, tài liệu hướng dẫn sử dụng, quản
lý, khai thác, bảo hành, bảo trì, giấy chứng nhận chất lượng, xuất xứ, bản quyền
(nếu có) đối với sản phẩm, hoặc hạng mục công việc đã hoàn thành. Các tài liệu
này phải được xác định rõ trong hợp đồng và là một phần trong sản phẩm của dự
án.
3. Hội đồng nghiệm thu thực hiện
nghiệm thu và chuyển giao các tài liệu liên quan cho Bộ phận Kế toán đơn vị lập
hồ sơ quyết toán trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Điều 29. Bảo
trì sản phẩm của dự án
1. Sản phẩm của dự án ứng dụng
CNTT sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước sau khi hết hạn bảo hành phải được bảo
trì để vận hành, khai thác lâu dài.
2. Chủ đầu tư có trách nhiệm quản
lý, đảm bảo khai thác sản phẩm của dự án đúng theo mục tiêu của dự án và bảo
trì các sản phẩm của dự án.
3. Chủ đầu tư lập kế hoạch và tổ
chức thực hiện bảo trì sản phẩm dự án theo quy trình bảo trì do nhà thầu thi
công lập. Kế hoạch bảo trì xác định rõ các hạng mục, tài sản cần bảo trì, tần
suất bảo trì, đối tượng thực hiện bảo trì, dự toán kinh phí bảo trì. Kinh phí bảo
trì bao gồm cả kinh phí mua bản quyền cập nhật, hỗ trợ kỹ thuật cho phần mềm và
được tổng hợp chung vào Kế hoạch thu nhập, chi phí hàng năm của đơn vị.
4. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm
trước pháp luật về việc chất lượng sản phẩm của dự án xuống cấp hay trục trặc
do không thực hiện quy trình bảo trì theo quy định.
Điều 30.
Báo cáo các dự án ứng dụng CNTT
1. Trách nhiệm của các đơn vị
trong việc báo cáo đầu tư ứng dụng CNTT:
a) Các đơn vị là Chủ đầu tư các
dự án ứng dụng CNTT có trách nhiệm lập các báo cáo về dự án ứng dụng CNTT quy định
tại khoản 2 Điều này gửi Cục CNTH tập hợp. Trường hợp NHNN làm Chủ đầu tư, Ban
quản lý dự án có trách nhiệm lập các báo cáo về dự án ứng dụng CNTT quy định tại
khoản 2 Điều này gửi Cục CNTH tập hợp;
b) Cục CNTH tập hợp báo cáo về
các dự án ứng dụng CNTT của NHNN để báo cáo Thống đốc NHNN, thực hiện báo cáo Bộ
Thông tin và Truyền thông về các dự án ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn ngân
sách nhà nước theo quy định.
2. Nội dung và thời gian gửi
báo cáo về dự án ứng dụng CNTT:
a) Báo cáo giai đoạn 1: Chủ đầu
tư hoặc Ban quản lý dự án trong trường hợp NHNN làm Chủ đầu tư gửi báo cáo về dự
án tới Cục CNTH chậm nhất không quá 01 tháng kể từ ngày dự án đầu tư được phê
duyệt. Chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án thực hiện báo cáo về dự án đầu tư được
cấp có thẩm quyền phê duyệt theo hướng dẫn tại Phụ lục II Quy định này, bao gồm:
- Báo cáo thông tin chung (theo
mẫu số 2.1);
- Báo cáo danh sách yêu cầu kỹ
thuật (theo mẫu số 2.3);
- Báo cáo giải pháp kỹ thuật
công nghệ (theo mẫu số 2.5).
b) Báo cáo giai đoạn 2: Chủ đầu
tư hoặc Ban quản lý dự án trong trường hợp NHNN làm Chủ đầu tư gửi báo cáo về dự
án tới Cục CNTH chậm nhất không quá 03 tháng kể từ ngày nghiệm thu, bàn giao tổng
thể dự án. Chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án thực hiện báo cáo về dự án đầu tư
được nghiệm thu, bàn giao bao gồm toàn bộ thông tin về sản phẩm của dự án theo
hướng dẫn tại Phụ lục II Quy định này bao gồm:
- Báo cáo Thông tin chung (theo
mẫu số 2.1);
- Báo cáo Kế hoạch lựa chọn nhà
thầu và hợp đồng (theo mẫu số 2.2);
- Báo cáo Danh sách yêu cầu kỹ
thuật (theo mẫu số 2.3);
- Báo cáo Nội dung đầu tư (theo
mẫu số 2.4);
- Báo cáo Giải pháp kỹ thuật
công nghệ (theo mẫu số 2.5);
- Báo cáo Nguồn nhân lực (theo mẫu số 2.6);
- Báo cáo Hồ sơ tài liệu kỹ thuật
(theo mẫu số 2.7);
- Báo cáo Chi phí đầu tư (theo mẫu số 2.8);
- Báo cáo Đánh giá hiệu quả đầu
tư (theo mẫu số 2.9);
- Báo cáo Kinh nghiệm triển
khai (theo mẫu số 2.10).
Đối với báo cáo đã gửi theo quy
định tại điểm a khoản 2 Điều này, Chủ đầu tư hoặc Ban quản lý dự án chỉ cập nhật
những chỉ tiêu báo cáo có thay đổi.
3. Phương thức gửi báo cáo:
a) Các đơn vị gửi báo cáo về Cục
CNTH dưới hình thức văn bản và thư điện tử về địa chỉ: [email protected];
b) Cục CNTH tập hợp báo cáo các
dự án ứng dụng CNTT của NHNN báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông theo một
trong các hình thức sau:
- Văn bản giấy;
- Thư điện tử: Gửi về địa chỉ
thư điện tử: [email protected];
- Sử dụng một tài khoản đã được
cấp phát của hệ thống Cơ sở dữ liệu để cập nhật trực tiếp sử dụng biểu mẫu điện
tử được cung cấp trên trang tin điện tử của hệ thống Cơ sở dữ liệu theo hướng dẫn
của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Chương IV
HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG CNTT
CHỈ LẬP ĐỀ CƯƠNG VÀ DỰ TOÁN CHI TIẾT VÀ HOẠT ĐỘNG ỨNG DỤNG CNTT CHỈ LẬP DỰ TOÁN
Điều 31.
Hoạt động ứng dụng CNTT chỉ lập đề cương và dự toán chi tiết
1. Hoạt động ứng dụng CNTT lập
đề cương và dự toán chi tiết là các hoạt động ứng dụng CNTT quy định tại khoản
2 Điều 7 Quy định này.
2. Trường hợp khi lập đề cương
và dự toán chi tiết, tổng dự toán dưới 03 tỷ đồng nhưng trong quá trình thực hiện
phải điều chỉnh dẫn tới thay đổi tổng dự toán thành từ 03 tỷ đồng trở lên phải
thực hiện lại các thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về quản lý đầu tư ứng
dụng CNTT và các quy định quản lý dự án ứng dụng CNTT tại Chương I, II, III của
Quy định này.
3. Hoạt động ứng dụng CNTT lập
đề cương và dự toán chi tiết thực hiện theo quy định tại Thông tư số
21/2010/TT-BTTTT ngày 08/9/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về lập
đề cương và dự toán chi tiết đối với hoạt động ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn
ngân sách nhà nước nhưng không yêu cầu phải lập dự án.
4. Việc thẩm định, phê duyệt đề
cương và dự toán chi tiết thực hiện theo quy định tại Quy chế quản lý tài chính
của NHNN (như đối với việc thẩm định, phê duyệt dự toán mua sắm tài sản) sau
khi có ý kiến của Cục CNTH thẩm định về giải pháp kỹ thuật, công nghệ. Riêng việc
mua sắm các thiết bị CNTT nhằm duy trì hoạt động thường xuyên như máy PC, máy
tính xách tay, máy in, UPS từ 5KVA trở xuống đã được Thống đốc NHNN phê duyệt kế
hoạch hàng năm và được NHNN thông báo tiêu chuẩn kỹ thuật và giá trần thì Thủ
trưởng đơn vị thực hiện phê duyệt đề cương và dự toán chi tiết theo quy định hiện
hành.
5. Căn cứ vào đề cương và dự
toán chi tiết đã được phê duyệt, các đơn vị tổ chức mua sắm theo quy định của
pháp luật hiện hành và NHNN.
Điều 32.
Hoạt động ứng dụng CNTT chỉ lập dự toán
1. Hoạt động ứng dụng CNTT chỉ
lập dự toán là các hoạt động ứng dụng CNTT quy định tại khoản 3 Điều 7 Quy định
này.
2. Đối với hoạt động ứng dụng
CNTT chỉ lập dự toán, quy trình triển khai thực hiện theo quy định của pháp luật
đối với việc mua sắm tài sản, dịch vụ nhằm duy trì hoạt động thường xuyên và
phân cấp quy định tại Quy chế quản lý tài chính của NHNN./.
PHỤ LỤC I.
CÁC MẪU BIỂU CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ
(Ban hành kèm theo Quy định số........./QĐ-NHNN ngày xx/xx/xxxx của
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)
Mẫu
số 1.1 Mẫu tờ trình đề nghị phê duyệt chủ trương đầu tư
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
TÊN ĐƠN VỊ TRÌNH
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:........../TTr-......
|
Hà Nội, ngày.....
tháng..... năm............
|
TỜ TRÌNH
Về việc phê duyệt chủ trương đầu tư
(Tên dự án)
Căn cứ Nghị định
số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư CNTT;
Căn cứ Quyết định
số...../QĐ-NHNN ngày...... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành
Quy định...;
Căn cứ......,
(Tên đơn vị
trình) kính trình (Thống đốc NHNN) xem xét, phê duyệt chủ trương đầu
tư...... (tên dự án)...., theo những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên dự án:
2. Địa điểm:
3. Chủ đầu tư:
4. Sự cần thiết
phải đầu tư:
5. Mục tiêu đầu
tư:
6. Quy mô đầu tư:
(phân tích và nêu rõ quy mô đầu tư).
7. Tổng mức đầu
tư (ước tính):
8. Nguồn vốn đầu
tư:
9. Thời gian thực
hiện dự án: (Bắt đầu và kết thúc). Kính trình...... xem xét, phê duyệt./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu.
|
TÊN ĐƠN VỊ
TRÌNH
(Ký tên, đóng dấu)
|
Thuyết minh
kèm theo tờ trình phải nêu được các nội dung sau:
- Sự cần thiết phải
đầu tư dự án.
- Cơ sở pháp lý
cho việc thực hiện.
- Tổng mức đầu tư
(ước tính): Khái toán kinh phí thực hiện theo năm, dự kiến các nội dung thực hiện
theo năm.
- Nguồn vốn đầu
tư.
- Thuyết minh rõ
có tách riêng bước chuẩn bị đầu tư ra thực hiện riêng không.
- Nếu tách riêng
bước chuẩn bị đầu tư ra thực hiện riêng cần nêu thêm:
+ Thời gian chuẩn
bị.
+ Kinh phí chuẩn
bị đầu tư.
+ Đề cương và
khái toán chi tiết (nếu trình phê duyệt chủ trương đầu tư và phê duyệt kinh phí
chuẩn bị đầu tư trong một lần trình.
Mẫu số 1.2 Mẫu quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư
NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:......../QĐ-.....
|
Hà Nội, ngày.....
tháng.... năm.....
|
QUYẾT ĐỊNH
Về việc phê duyệt chủ trương đầu tư
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ...... quy
định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của...; Căn cứ Nghị định
số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư CNTT;
Căn cứ Quyết định
số...../QĐ-NHNN ngày...... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành
Quy định...;
Căn cứ......;
Theo đề nghị của.....,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án (tên dự án) như sau:
1. Tên dự án:
2. Đơn vị Chủ đầu
tư:
3. Mục tiêu đầu tư:
4. Nội dung đầu
tư của dự án:
5. Tổng mức đầu
tư (ước tính):
6. Nguồn vốn đầu
tư:
7. Thời gian thực
hiện dự án: (Bắt đầu và kết thúc).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký...... các đơn vị liên quan chịu
trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lưu:....
|
THỐNG ĐỐC
(Ký tên, đóng dấu)
|
Mẫu số 1.3 Mẫu tờ trình phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí chuẩn bị
đầu tư
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
TÊN CHỦ ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:........../TTr-......
|
Hà Nội, ngày.....
tháng..... năm............
|
TỜ TRÌNH
Về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí chuẩn bị đầu tư
(Tên dự án)
Căn cứ Nghị định
số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư CNTT;
Căn cứ Quyết định
số...../QĐ-NHNN ngày...... của Thống đốc NHNN về việc ban hành Quy định...;
Căn cứ......,
(Tên Chủ đầu
tư) kính trình (Thống đốc NHNN) đề cương và dự toán kinh phí chuẩn bị
đầu tư...... (tên dự án)... theo những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên dự án:
2. Địa điểm:
3. Chủ đầu tư:
4. Sự cần thiết
phải đầu tư:
5. Mục tiêu đầu
tư:
6. Quy mô đầu tư:
(phân tích và nêu rõ quy mô đầu tư).
7. Tổng mức đầu tư
(đưa ra nếu ước tính được):
8. Nội dung công
tác chuẩn bị đầu tư:
9. Kinh phí chuẩn
bị đầu tư: (khái toán)
10. Nguồn vốn đầu
tư:
11. Thời gian thực
hiện chuẩn bị đầu tư: (Bắt đầu và kết thúc).
12. Kế hoạch lựa chọn
Đơn vị tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư: (ghi rõ kế hoạch lựa chọn đơn
vị tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu và
các văn bản hướng dẫn có liên quan).
(Chi tiết có Đề
cương công tác chuẩn bị đầu tư kèm theo tờ trình này). Kính
trình...... xem xét, phê duyệt./.
Nơi nhận:
- Như trên;
- Lưu.
|
CHỦ ĐẦU TƯ
|
Hồ sơ kèm theo:
Mẫu số 1.4 Mẫu Quyết định
phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí chuẩn bị đầu tư
NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:......./QĐ-.....
|
Hà Nội,
ngày tháng năm
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ CƯƠNG VÀ DỰ TOÁN KINH PHÍ CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ
THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ...... quy định
chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của ...;
Căn cứ Nghị định
số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư CNTT;
Căn cứ Quyết định
số...../QĐ-NHNN ngày..... của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước về việc ban hành Quy
định...;
Căn cứ......;
Theo đề nghị của.....,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí chuẩn bị đầu tư như sau
1. Tên dự án:
2. Đơn vị Chủ đầu
tư:
3. Mục tiêu đầu
tư:
4. Nội dung đầu
tư của dự án:
5. Nội dung công
tác chuẩn bị đầu tư:
6. Kinh phí chuẩn
bị đầu tư:
7. Nguồn vốn đầu
tư:
8. Thời gian thực
hiện chuẩn bị đầu tư: (Bắt đầu và kết thúc).
9. Kế hoạch lựa
chọn Đơn vị tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư: (ghi rõ kế hoạch lựa chọn
đơn vị tư vấn trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu
và các văn bản hướng dẫn có liên quan).
Điều 2. Tổ chức
thực hiện
.....
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký...... các đơn vị liên quan chịu
trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Lưu: ....
|
THỐNG ĐỐC
(Ký tên, đóng dấu)
|
Mẫu số 1.5 Mẫu Đề cương và dự toán kinh phí chuẩn bị đầu tư
NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
VIỆT NAM
TÊN CHỦ ĐẦU TƯ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
.............,
ngày...... tháng...... năm.......
|
ĐỀ CƯƠNG VÀ KHÁI TOÁN KINH PHÍ CHUẨN BỊ ĐẦU TƯ
(Tên dự án)
I. Sự cần thiết
phải đầu tư Dự án
Phân tích đánh
giá vị trí, vai trò của Dự án đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; phát triển
ngành...
Đánh giá tính cấp
thiết phải đầu tư dự án.
Đóng góp của Dự
án trong việc cải thiện, nâng cao điều kiện làm việc của cán bộ, công chức
trong ngành, khả năng phục vụ người dân
II. Sự phù hợp
với quy hoạch
Sự phù hợp với
quy hoạch phát triển xã hội (nếu có)
Sự phù hợp với
quy hoạch phát triển ngành;
Các dự án chưa khẳng
định rõ thì cần có văn bản thỏa thuận của cơ quan quản lý kèm theo.
III. Mục tiêu
đầu tư
IV. Nội dung
và quy mô đầu tư
1. Khái quát về
hiện trạng (nêu rõ sự cần thiết phải đầu tư)
2. Quy mô đầu tư
(Luận giải).
3. Nội dung đầu
tư chủ yếu.
4. Khái toán kinh
phí đầu tư của dự án.
5. Nguồn vốn.
6. Thời gian thực
hiện dự án.
V. Nội dung,
trình tự công tác chuẩn bị đầu tư
1. Khảo sát, thu
thập số liệu, tài liệu phục vụ lập dự án.
2. Khảo sát hạ tầng
kỹ thuật.
3. Lập dự án đầu
tư.
4. Trình thẩm định,
phê duyệt dự án đầu tư.
VI. Kinh phí
chuẩn bị đầu tư và nguồn vốn chuẩn bị đầu tư
1. Kinh phí chuẩn
bị đầu tư: (Kinh phí chuẩn bị đầu tư được tính toán trên cơ sở các định mức,
đơn giá và tỷ lệ theo quy định hiện hành).
2. Nguồn vốn chuẩn
bị đầu tư.
VII. Thời gian
triển khai công tác chuẩn bị đầu tư Dự án
Tiến độ triển
khai các công việc chuẩn bị đầu tư, thỏa thuận với các cơ quan liên quan.
Thời gian chuẩn bị
đầu tư (Ghi rõ thời gian bắt đầu, nộp dự án và kết thúc công tác chuẩn bị đầu
tư).
VIII. Các bản
vẽ liên quan (nếu có):
|
CHỦ ĐẦU TƯ
(Ký tên, đóng dấu)
|
Mẫu số 1.6 Mẫu báo cáo thẩm định thiết kế sơ bộ
Cơ quan thẩm định
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:.............
|
.... , ngày....
tháng.... năm......
|
BÁO
CÁO
THẨM
ĐỊNH THIẾT KẾ SƠ BỘ
THUỘC
DỰ ÁN.........................
Kính
gửi:..........................................................................
Căn cứ Nghị định số 102/2009/NĐ-CP
ngày 06/11/2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn
ngân sách nhà nước;
Căn cứ Quyết định...;
Căn cứ văn bản số......
ngày.............. của.......... về chủ trương đầu tư dự án (nếu có);
Các căn cứ khác có liên quan,
(Cơ quan thẩm định thiết kế sơ
bộ) báo cáo kết quả thẩm định thiết kế sơ bộ của dự án đầu tư...........
do........... lập với các nội dung sau:
I. Thông tin chung về dự án
- Tên dự án:
- Dự kiến tổng mức đầu tư dự án
- Chủ đầu tư
- Địa điểm đầu tư
- Nhà thầu/đơn vị lập thiết kế
sơ bộ
- Nhà thầu/đơn vị thực hiện khảo
sát
- Quy mô đầu tư, công suất, các
thông số kỹ thuật chủ yếu
- Các quy chuẩn, tiêu chuẩn được
áp dụng
II. Kết quả thẩm định về Hồ
sơ thiết kế
1. Về chủ trương đầu tư.
2. Nội dung dự án ứng dụng
CNTT.
3. Nội dung thiết kế sơ bộ:
- Sự phù hợp của thiết kế sơ bộ
với các tiêu chuẩn kỹ thuật CNTT và các yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng
kỹ thuật đối với hạ tầng kỹ thuật của hệ thống, của Ngân hàng Nhà nước; việc kết
nối, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác.
- Việc áp dụng các quy chuẩn,
tiêu chuẩn công nghệ - kỹ thuật, bảo đảm phòng chống cháy nổ, an toàn vận hành,
bảo mật
- Điều kiện năng lực của tổ chức
tư vấn, năng lực nghiệp vụ của cá nhân chủ trì thiết kế sơ bộ
4. Các bản vẽ thiết kế, sơ đồ.
5. Các thủ tục của chủ đầu tư
nghiệm thu thiết kế sơ bộ.
6. Các văn bản của cấp có thẩm
quyền (nếu có) về quy hoạch, phòng chống cháy nổ, bảo vệ môi trường sinh thái,
sử dụng hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài công trình, an toàn vận hành công
trình ngầm và các yêu cầu khác có liên quan.
7. Đăng ký kinh doanh của nhà
thầu thiết kế.
(Cơ quan thẩm định) xin báo cáo
kết quả thẩm định thiết kế sơ bộ dự án...........
Nơi nhận:
- .........
- Lưu.
|
CƠ QUAN THẨM ĐỊNH
(Ký, ghi rõ họ tên, chức vụ và đóng dấu)
|
YÊU CẦU NỘI
DUNG CỦA THIẾT KẾ SƠ BỘ
Thiết kế sơ bộ dự
án ứng dụng CNTT bao gồm những nội dung cơ bản sau:
A. PHẦN THUYẾT
MINH:
1. Giới thiệu
tổng quan dự án (chỉ thực hiện khi trình thẩm định thiết
kế sơ bộ riêng biệt, đối với trường hợp trình thẩm định thiết kế sơ bộ chung với
thẩm định dự án thì không thực hiện phần này)
a) Tên dự án.
b) Các căn cứ
pháp lý liên quan trực tiếp dự án.
b) Chủ đầu tư dự
án.
c) Cơ quan chủ quản
đầu tư.
d) Đơn vị tư vấn thiết
kế sơ bộ.
2. Giới thiệu
tóm tắt nội dung yêu cầu của nhiệm vụ thiết kế
a) Mối liên hệ của
dự án với hiện trạng và quy hoạch tổng thể:
- Nêu cụ thể các
số liệu về hiện trạng, bao gồm:
+ Bảng liệt kê
các phòng ban và sơ đồ vị trí.
+ Quy trình quản
lý và xử lý nghiệp vụ và các hồ sơ, dữ liệu tương ứng; cơ chế trao đổi dữ liệu
giữa các phòng ban và với đơn vị bên ngoài; biểu diễn quy trình nghiệp vụ và
các luồng trao đổi xử lý thông tin dưới dạng lưu đồ.
+ Sơ đồ bố trí
thiết bị CNTT ở các phòng, bảng thống kê hiện trạng thiết bị CNTT của đơn vị.
+ Bảng thống kê
trình độ CNTT của cán bộ tại đơn vị.
- Giới thiệu các
quy hoạch hoặc các dự án trước đây có liên quan: trình bày tổng quan các quy hoạch
và dự án mà chủ đầu tư đã được đầu tư có liên quan đến dự án đang đầu tư, ảnh
hưởng/tác động đến dự án đang đầu tư.
- Mối liên hệ của
công trình (dự án) với hiện trạng: trình bày, thuyết minh rõ các mục đích, yêu
cầu dựa trên các hiện trạng để thấy sự cần thiết để đầu tư dự án. Đưa ra các
căn cứ chứng minh (nếu có) với các hiện trạng trình bày (đặc biệt là đào tạo,
phần mềm).
- Mối quan hệ của
công trình với các dự án liên quan khác và quy hoạch tổng thể: Nêu rõ sự liên
quan của dự án với quy hoạch tổng thể của ngành, địa phương. Nêu rõ sự liên
quan của dự án với các dự án khác đã hoặc đang đầu tư. Trình bày mối liên hệ của
dự án này với các dự án CNTT mà chủ đầu tư đang thực hiện cùng với các dự án
trong quy hoạch tổng thể;
- Khả năng kế thừa:
Xác định khả năng kế thừa các số liệu hiện trạng trong công trình đầu tư. Phân
tích dựa trên số liệu hiện trạng thì đơn vị sẽ sử dụng lại những thiết bị nào,
những phần mềm nào và không sử dụng những phần mềm và thiết bị nào.
b) Nhu cầu xây dựng
công trình:
- Nêu rõ các hạng
mục dự kiến đầu tư, liệt kê danh mục các hệ thống cần đầu tư, thiết bị, phần mềm,
các chương trình đào tạo...
- Dự kiến những
hiệu quả sẽ đạt được khi thực hiện xong dự án.
3. Danh mục
quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật được áp dụng
- Nêu các chuẩn
công nghệ, các tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng đối với thiết kế của dự án theo quy
định tại Quyết định số 19/2008/QĐ-BTTTT ngày 09/4/2008 về việc ban hành “Quy định
áp dụng tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, Thông tư số
01/2011/TT-BTTTT về việc ban hành Danh mục tiêu chuẩn về ứng dụng CNTT trong cơ
quan nhà nước. Đối với các chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng, cần phân tích lý
do áp dụng các chuẩn và tiêu chuẩn. Trong một số trường hợp nếu không có tiêu
chuẩn thì có thể liệt kê các dự án tương tự dùng để áp dụng hoặc các tiêu chuẩn
tương đương và có thuyết minh cơ bản.
- Các tiêu chuẩn
về định mức đơn giá: nêu rõ các căn cứ để áp dụng các đơn giá chuẩn của thiết bị,
phần mềm, hạng mục công việc. Cụ thể như: thông báo giá liên Sở của địa phương,
định mức của ngành, giá thị trường, văn bản thẩm định giá của đơn vị có chức
năng thẩm định giá...
4. Yêu cầu đối
với hạ tầng kỹ thuật của dự án
Mô tả chi tiết
yêu cầu về hạ tầng kỹ thuật cho các hạng mục cần đầu tư trong dự án.
5. Phương án kỹ
thuật và công nghệ, kết nối ra bên ngoài
Mô tả các phương
án kỹ thuật, các công nghệ để kết nối các hạng mục đầu tư với các hệ thống
thông tin khác trong nội bộ đơn vị hoặc các hệ thống bên ngoài.
6. Danh mục đầu
tư
Khối lượng sơ bộ
các công tác xây lắp, vật liệu, vật tư, thiết bị chủ yếu, phần mềm thương mại;
mô tả yêu cầu kỹ thuật cần đáp ứng của phần mềm nội bộ.
a) Danh mục
các thiết bị, hạng mục đầu tư
- Hạ tầng kỹ
thuật:
+ Nêu danh mục
các thiết bị cùng với các thông số kỹ thuật, công suất (không trình bày nhãn hiệu
của các thiết bị - nếu có chỉ là để tham khảo trong quá trình thẩm định), số lượng
và đơn vị tính
+ Trình bày bảng
biểu mua sắm thiết bị với các cột tên thiết bị, số lượng, đơn giá, tỷ suất thuế
và thành tiền.
+ Chi phí thực hiện
lắp đặt và hiệu chỉnh các thiết bị.
- Dữ liệu:
+ Trình bày các
khối lượng, các căn cứ chứng minh.
+ Chi tiết hóa khối
lượng xây dựng và việc tính toán.
+ Đơn giá tính
toán và các căn cứ áp dụng đơn giá này.
- Phần mềm:
+ Nêu danh mục
các phần mềm và đơn giá.
+ Đối với phần
mềm nội bộ (phần mềm được phát triển, nâng cấp, chỉnh sửa theo các yêu cầu
riêng của tổ chức, hoặc người sử dụng nhằm đáp ứng yêu cầu đặc thù của tổ chức
và được sử dụng trong nội bộ tổ chức đó), phải mô tả chi tiết các yêu cầu kỹ
thuật cần đáp ứng để đủ điều kiện xác định giá trị phần mềm, theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của
Chính phủ.
- Đào tạo:
+ Danh mục đào tạo
bao gồm đối tượng, nội dung, phương án đào tạo, dự kiến kinh phí và yêu cầu kết
quả.
+ Mỗi nội dung
đào tạo:
• Xác định rõ nhu
cầu, đối tượng, nội dung chương trình, thời gian và phương án đào tạo.
• Dự kiến kết quả
đầu vào, đầu ra và dự kiến kinh phí.
• Nêu rõ các căn
cứ xây dựng kinh phí và kết hợp các thuyết minh ở trên để thể hiện các nét
riêng biệt, đặc sắc của chương trình phù hợp với kinh phí đề xuất.
+ Trình bày các nội
dung đào tạo phù hợp, hợp lý dựa trên hiện trạng thống kê ở trên.
- Xác định
tổng mức chi phí, bao gồm chi phí mua sắm, chi phí xây dựng và lắp đặt, các chi
phí khác.
7. Các vấn đề
cần chú ý đối với phương án kỹ thuật, công nghệ
B. PHẦN SƠ ĐỒ,
BẢN VẼ:
1. Các tài liệu
về hiện trạng hạ tầng kỹ thuật và các điều kiện khác
2. Sơ đồ, bản
vẽ lắp đặt đối với hạ tầng kỹ thuật của dự án và kết nối ra bên ngoài
Thể hiện các sơ đồ,
bản vẽ hiện trạng, hạ tầng kỹ thuật các hạng mục đầu tư, các phần mềm, mô hình
cơ sở dữ liệu... Đối với các bản vẽ cần có thuyết minh cụ thể.
Mẫu số 1.7 Mẫu quyết định phê duyệt dự án
NGÂN HÀNG NHÀ
NƯỚC
VIỆT NAM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:...............
|
..... , ngày...
tháng... năm.....
|
QUYẾT
ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÊ DUYỆT DỰ ÁN (Tên dự án)...
THỐNG
ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và
cơ cấu tổ chức của.....;
Căn cứ Nghị định số.../2009/NĐ-CP
ngày.../.../2009 của Chính phủ về quản lý đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng nguồn vốn
ngân sách nhà nước; Các căn cứ pháp lý khác có liên quan;
Xét đề nghị của..... tại tờ
trình số....... ngày.../.../.... và báo cáo kết quả thẩm định của.....,
QUYẾT
ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt...
(Tên dự án)... với các nội dung chủ yếu sau:
1. Tên dự án:
2. Chủ đầu tư:
3. Tổ chức tư vấn lập dự án:
4. Mục tiêu đầu tư:
5. Nội dung và quy mô đầu tư:
6. Địa điểm đầu tư:
7. Thiết kế sơ bộ:
a) Giải pháp thiết kế sơ bộ cần
tuân thủ:
b) Giải pháp thiết kế sơ bộ cho
phép chủ đầu tư được thay đổi trong bước thiết kế tiếp theo:
8. Thiết bị chính, phụ:
9. Khái toán tổng mức đầu tư của
dự án: Tổng cộng:
Trong đó:
- Chi phí xây lắp:
- Chi phí thiết bị:
- Chi phí quản lý dự án:
- Chi phí tư vấn đầu tư:
- Chi phí khác:
- Chi phí dự phòng:
10. Nguồn vốn đầu tư:
11. Hình thức quản lý dự án:
12. Thời gian thực hiện dự án:
13. Kế hoạch lựa chọn nhà thầu
(nếu có):
14. Các nội dung khác:
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Điều 3. Trách nhiệm của
các cơ quan liên quan thi hành quyết định./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các cơ quan có liên quan;
- Lưu VT.
|
THỐNG ĐỐC
|
PHỤ LỤC II. CÁC
MẪU BIỂU BÁO CÁO
(Ban
hành kèm theo Quy định số....../QĐ-NHNN ngày xx/xx/xxxx của Thống
đốc Ngân hàng Nhà nước)
Mẫu
số 2.1 Báo cáo Thông tin chung
<Tên cơ quan,
đơn vị thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
|
BÁO
CÁO THÔNG TIN CHUNG
Kính
gửi:.........................................................
1. Tên chủ đầu tư:
..........................................................................................................
2. Tên dự án và tóm tắt nội
dung dự án được phê duyệt ..............................................
........................................................................................................................................
3. Các văn bản pháp lý liên
quan được liệt kê và đính kèm báo cáo này:
........................................................................................................................................
4. Mục tiêu của dự án:
...................................................................................................
........................................................................................................................................
5. Nội dung và quy mô đầu tư:
........................................................................................................................................
........................................................................................................................................
6. Địa điểm đầu tư:
........................................................................................................
........................................................................................................................................
7. Nguồn vốn đầu tư:
.....................................................................................................
........................................................................................................................................
8. Hình thức quản lý dự án
Chủ đầu tư trực tiếp quản lý □
Chủ đầu tư thuê tổ chức tư vấn
quản lý dự án □
Gói thầu EPC □
Hình thức khác (ghi rõ tên hình
thức) □
.........................................................................................................................................
9. Thời gian thực hiện: từ năm.....
đến năm.....
10. Quy trình quản lý đầu
tư:…........................................................................................
11. Phân nhóm dự án:
Nhóm A
□
Nhóm
B □
Nhóm
C □
12. Phân loại dự án đầu tư
Dự án phát triển mới □
Dự án nâng cấp □
Dự án mở rộng □
13. Tính chất dự án công nghệ thông tin
Dự án hạ tầng kỹ thuật □
Dự án ứng dụng phần mềm □
Dự án hỗn hợp □
14. Tổng mức đầu tư:.......................................................................................................
Trong đó, bao gồm:
Chi phí xây lắp:.................................................................................................................
Chi phí thiết bị:
.................................................................................................................
Chi phí quản lý dự
án:......................................................................................................
Chi phí tư vấn đầu tư:
.....................................................................................................
Chi phí khác:
...................................................................................................................
Chi phí dự phòng:
...........................................................................................................
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
......., ngày...... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.2 Báo cáo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu và hợp đồng
<Tên cơ quan,
đơn vị
thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
BÁO CÁO KẾ HOẠCH ĐẤU THẦU VÀ HỢP ĐỒNG
Kính gửi:...........................................
1. Tên dự
án:.........................................................................................................
2. Kế hoạch lựa
chọn nhà thầu và hợp đồng:
STT
|
Tên gói thầu
|
Giá gói thầu
|
Nguồn vốn
|
Hình thức lựa chọn nhà thầu
|
Phương thức đấu thầu
|
Thời gian đấu thầu
|
Hình thức hợp đồng
|
Thời gian thực hiện hợp đồng
|
Tên nhà thầu
|
Phê duyệt
|
Thực tế
|
Phê duyệt
|
Thực tế
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
[5]
|
[6]
|
[7]
|
[8]
|
[9]
|
[10]
|
[11]
|
[12]
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
|
Ghi chú: Thông
tin có trong tài liệu kế hoạch lựa chọn nhà thầu, các hợp đồng của dự án đã được
phê duyệt.
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
..........., ngày....... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.3 Báo cáo Danh sách yêu cầu kỹ thuật
<Tên cơ quan,
đơn vị
thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
|
BÁO CÁO DANH SÁCH YÊU CẦU KỸ THUẬT
Kính gửi:.........................................................
1. Tên dự án:.........................................................................................................
2. Quy trình nghiệp
vụ được tin học hóa (đối với dự án phần mềm ứng dụng, dự án hỗn hợp)
STT
|
Tên quy trình nghiệp vụ
|
Mô tả tóm tắt
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
1
|
|
|
2
|
|
|
3
|
|
|
...
|
...
|
|
Ghi chú:
[1] Đánh số thứ tự các quy
trình nghiệp vụ được tin học hóa.
[2] Tên quy trình nghiệp vụ thường
gọi hoặc đã có quy định.
[3] Mô tả ngắn gọn về tổ chức, vận
hành của quy trình, sản phẩm chính của quá trình nghiệp vụ và các giao tác xử
lý chính (các bước) của quy trình nghiệp vụ.
3. Chức năng hệ thống (đối với
dự án phần mềm ứng dụng, dự án hỗn hợp)
STT
|
Chức năng
|
Phân loại
|
Tiêu chuẩn kỹ thuật
(nếu có)
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
1
|
|
|
|
2
|
|
|
|
3
|
|
|
|
...
|
...
|
|
|
Ghi chú:
[1] Đánh số thứ tự các chức
năng của hệ thống.
[2] Mô tả ngắn gọn chức năng của
hệ thống, thường bắt đầu bằng một động từ.
[3] Chức năng được phân loại
thành: bắt buộc, mong muốn hay tùy chọn.
[4] Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng
để thực hiện chức năng, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại Thông tư số
01/2011/TT-BTTTT và tiêu chuẩn chuyên ngành của hệ thống phục vụ.
4. Khả năng hoạt động và chất
lượng hệ thống
STT
|
Khả năng hoạt động/
chất lượng hệ thống
|
Đáp ứng
|
Tiêu chuẩn kỹ thuật (nếu có)
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
|
|
Có
|
Không
|
|
1
|
Về hiệu quả sử dụng
|
|
|
|
|
Giảm thời gian xử lý
|
□
|
□
|
|
|
Tiết kiệm tài nguyên hệ thống
máy chủ
|
□
|
□
|
|
|
Tiết kiệm tài nguyên máy trạm
|
□
|
□
|
|
|
Tiết kiệm tài nguyên băng
thông của đường truyền (nếu có kết nối mạng internet)
|
□
|
□
|
|
2
|
Về an toàn, bảo mật
|
□
|
□
|
|
|
Giải pháp an toàn, bảo mật
cho mức dữ liệu
|
□
|
□
|
|
|
Giải pháp an toàn, bảo mật
cho mức ứng dụng
|
□
|
□
|
|
|
Giải pháp an toàn, bảo mật
cho mức hệ thống
|
□
|
□
|
|
|
Giải pháp an toàn, bảo mật
cho mức mạng
|
□
|
□
|
|
|
Mức độ an toàn, bảo mật đối với
người sử dụng
|
Cao
|
□
|
□
|
|
Trung bình
|
□
|
□
|
|
Thấp
|
□
|
□
|
|
|
Mức độ tin cậy đối với người
sử dụng
|
□
|
□
|
|
3
|
Về khả năng sử dụng
|
|
|
|
|
Người dùng có khả năng tự học
các chức năng cơ bản
|
□
|
□
|
|
|
Người dùng xem cách bố trí
giao diện và chủ động tự thực hiện các chức năng (đối với dự án phần mềm ứng
dụng và hỗn hợp)
|
□
|
□
|
|
|
Người dùng hài lòng với thiết
kế giao diện (đối với dự án phần mềm ứng dụng và hỗn hợp)
|
□
|
□
|
|
|
Khi có cảnh báo lỗi xảy ra
trên màn hình, người sử dụng tự phát hiện lỗi và thao tác lại
|
□
|
□
|
|
|
Sau một thời gian không sử dụng,
người dùng vẫn có thể bắt đầu sử dụng lại khi cần (đối với dự án phần mềm ứng
dụng và hỗn hợp)
|
□
|
□
|
|
4
|
Về khả năng bảo trì
|
|
|
|
|
Có thể phân tích được: để chẩn
đoán lỗi, sai sót, hư hỏng và xác định nguyên nhân, chức năng để sửa
|
□
|
□
|
|
|
Có thể thay đổi được: cho
phép cấu hình thay đổi chế độ làm việc trong quá trình hoạt động
|
□
|
□
|
|
|
Tính bền vững: tránh được các
tác động không mong muốn khi chỉnh sửa phần mềm
|
□
|
□
|
|
|
Có thể kiểm thử được: cho
phép đánh giá được phần mềm chỉnh sửa
|
□
|
□
|
|
5
|
Về khả năng thay đổi
|
□
|
□
|
|
|
Hệ thống hoạt động ổn định kể
cả khi tăng hoặc giảm tải và có cảnh báo cho quản trị viên tình trạng tải và
mức tải vượt quá giới hạn khả năng phục vụ của hệ thống
|
□
|
□
|
|
|
Hệ thống cho phép mở rộng triển
khai trên một vùng địa lý rộng hoặc thu hẹp triển khai tập trung khi cần
|
□
|
□
|
|
|
Hệ thống cho phép quản trị mở
rộng mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ và người dùng khi cần
|
□
|
□
|
|
|
Có khả năng thích ứng với nhiều
môi trường (đối với dự án phần mềm ứng dụng và hỗn hợp)
|
□
|
□
|
|
|
Có thể cài đặt trên một môi
trường cụ thể (đối với dự án phần mềm ứng dụng và hỗn hợp)
|
□
|
□
|
|
|
Có thể cùng tồn tại và hoạt động
với các hệ thống khác trong cùng một môi trường chung (đối với dự án phần mềm
ứng dụng và hỗn hợp)
|
□
|
□
|
|
|
Một số chức năng của hệ thống
có thể thay thế cho một phần mềm ứng dụng khác với cùng mục đích và trong
cùng môi trường (đối với dự án phần mềm ứng dụng và hỗn hợp)
|
□
|
□
|
|
Ghi chú:
[1] Đánh số thứ tự các khả năng
hoạt động hoặc chất lượng của hệ thống.
[2] Mô tả khả năng hoặc chất lượng
của hệ thống đem lại.
[3] Khả năng đáp ứng của hệ thống
(có/không).
[4] Tiêu chuẩn kỹ thuật áp dụng
để thực hiện khả năng hoạt động hoặc chất lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật quy định tại
Thông tư số 01/2011/TT-BTTTT và tiêu chuẩn ngành của hệ thống phục vụ.
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
...., ngày....... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.4 Báo cáo Nội dung đầu tư
<Tên cơ quan,
đơn vị
thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
BÁO CÁO NỘI DUNG ĐẦU TƯ
Kính gửi:....................................................................
1. Tên dự án:.................................................................................................................
2. Danh mục phần
mềm ứng dụng (nếu có):
a) Tên giải pháp
sản phẩm hệ thống phần mềm ứng dụng nội bộ:..............................
......................................................................................................................................
b) Đơn vị cung cấp
tương ứng:....................................................................................
3. Danh mục thiết bị:
STT
|
Phân loại
|
Số lượng
|
Mô tả
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
1
|
Máy chủ
|
|
|
2
|
Máy trạm
|
|
|
3
|
Thiết bị mạng
|
|
|
4
|
Thiết bị lưu trữ
|
|
|
5
|
Thiết bị khác:
………………….
………………….
………………….
|
|
|
Ghi chú:
[1] Đánh số thứ tự loại thiết bị.
[2] Loại thiết bị.
[3] Xác định số lượng thiết bị
theo từng loại.
[4] Mô tả tên hãng sản xuất,
model cho thiết bị chính.
5. Danh mục phần mềm hệ thống,
phần mềm công cụ:
STT
|
Phân loại
|
Mô tả
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
1
|
Phần mềm hệ điều hành
|
|
2
|
Phần mềm hệ quản trị cơ sở dữ
liệu
|
|
3
|
Phần mềm máy chủ ứng dụng
|
|
4
|
Phần mềm công cụ
|
|
5
|
Phần mềm khác:
............................................
............................................
.............................................
|
|
Ghi chú:
[1] Đánh số thứ tự loại phần mềm.
[2] Loại phần mềm.
[3] Mô tả tên phần mềm, tên
hãng phát triển và phiên bản phần mềm (nếu là phần mềm nguồn mở khi mô tả tên
hãng phát triển ghi cụ thể là “phần mềm nguồn mở”).
6. Danh mục dịch vụ công nghệ thông tin:
STT
|
Phân loại
|
Sử dụng
|
Ghi chú
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
1
|
Dịch vụ thuê đặt chỗ
|
□
|
|
2
|
Dịch vụ thuê đường truyền
|
□
|
|
3
|
Dịch vụ tích hợp hệ thống
|
□
|
|
4
|
Dịch vụ cài đặt, cấu hình, hiệu chỉnh
|
□
|
|
5
|
Dịch vụ đào tạo
|
□
|
|
6
|
Dịch vụ tư vấn tại chỗ
|
□
|
|
7
|
Dịch vụ số hóa, chuyển đổi số liệu
|
□
|
|
8
|
Dịch vụ kiểm thử, đánh giá chất lượng hệ thống
|
□
|
|
9
|
Dịch vụ công nghệ thông
tin và truyền thông khác:
........................................
........................................
........................................
|
□
|
|
Ghi chú:
[1] Đánh số thứ tự loại dịch vụ
sử dụng trong quá trình triển khai dự án.
[2] Loại dịch vụ.
[3] Xác nhận hệ thống có/không
sử dụng dịch vụ.
[4] Ghi chú về việc sử dụng dịch
vụ. Ví dụ dịch vụ thuê đường truyền 2Mbps.
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
...., ngày....... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.5 Báo cáo Giải pháp kỹ thuật công nghệ
<Tên cơ quan,
đơn vị
thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
BÁO CÁO GIẢI PHÁP KỸ THUẬT CÔNG NGHỆ
Kính gửi:...............................................................
1. Tên dự
án:.........................................................................................................
2. Tính chất dự
án:
□ Hạ tầng kỹ thuật
□ Phần mềm ứng dụng
□ Hỗn hợp
3. Giải pháp kỹ
thuật công nghệ
chính:................................................................
...............................................................................................................................
a) Hạ tầng kỹ thuật
STT
|
Đặc điểm
|
Giải pháp
|
Công nghệ (nếu có)
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
1
|
Kiến trúc hệ thống
|
Ngang hàng (peer to peer)
|
□
|
|
Tập trung
|
□
|
|
Phân tán
|
□
|
|
Bán tập trung
|
□
|
|
2
|
Tích hợp hệ thống
|
|
|
|
3
|
An toàn, bảo mật
|
|
|
|
4
|
Sao lưu, phục hồi
|
|
|
|
5
|
Cân bằng tải (Load balancing)
|
|
|
|
6
|
Xử lý nhóm (Cluster)
|
|
|
|
7
|
Quản lý, tối ưu tài nguyên hệ thống
|
|
|
|
Ghi chú:
[1] Đánh số thứ tự
các đặc điểm của hệ thống. [2] Đặc điểm hay tính năng của hệ thống.
[3] Đánh dấu “X”
vào ô vuông hoặc ghi tên giải pháp.
[4] Ghi tên công
nghệ chính (nếu có) cho giải pháp lựa chọn.
b) Phần mềm ứng dụng
và hỗn hợp
STT
|
Đặc điểm
|
Giải pháp
|
Công nghệ (nếu có)
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
1
|
Loại hệ thống
|
Hệ thống xử lý giao dịch
|
□
|
|
Hệ thống thông tin quản lý
|
□
|
|
Hệ thống hỗ trợ ra quyết định
|
□
|
|
Hệ thống chuyên gia
|
□
|
|
Hệ thống tự động văn phòng
|
□
|
|
Hệ thống báo cáo nghiệp vụ thông minh (Business
Intelligence)
|
□
|
|
2
|
Kiểu ứng dụng
|
Ứng dụng phục vụ người dùng
cuối qua giao diện Web (Web based application)
|
□
|
|
Ứng dụng phục vụ người dùng
cuối qua giao diện cửa sổ của máy trạm (Desktop based application)
|
□
|
|
3
|
Mô hình hệ thống
|
Client/Server
|
□
|
|
Nhiều lớp (Multi-layer)
|
□
|
|
Xử lý ngang hàng
|
□
|
|
4
|
Kiến trúc hệ thống
|
Ngang hàng (peer to peer)
|
□
|
|
Tập trung
|
□
|
|
Phân tán
|
□
|
|
Bán tập trung
|
□
|
|
5
|
Phương pháp thiết kế
|
Hướng cấu trúc
|
□
|
|
Hướng đối tượng
|
□
|
|
Khác
|
□
|
|
6
|
Thiết kế giao diện
|
|
|
|
7
|
Tích hợp hệ thống
|
Dữ liệu
|
□
|
|
Ứng dụng
|
□
|
|
Quy trình nghiệp vụ
|
□
|
|
Giao diện người dùng
|
□
|
|
8
|
An toàn, bảo mật
|
Xác thực tên/mật khẩu
|
□
|
|
Chữ ký số
|
□
|
|
Khác
|
□
|
|
9
|
Sao lưu, phục hồi
|
|
|
|
10
|
Cân bằng tải (Load balancing)
|
|
|
|
11
|
Xử lý nhóm (Cluster)
|
|
|
|
12
|
Quản lý, tối ưu tài nguyên hệ thống
|
|
|
|
Ghi chú:
[1] Đánh số thứ tự
các giải pháp sử dụng.
[2] Đặc điểm hay
tính năng của hệ thống.
[3] Đánh dấu “X”
vào ô vuông hoặc ghi tên giải pháp.
[4] Ghi tên công
nghệ chính cho giải pháp lựa chọn hoặc tên công cụ để thực hiện.
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
...., ngày....... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.6 Báo cáo Nguồn nhân lực
<Tên cơ quan,
đơn vị
thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
BÁO CÁO NGUỒN NHÂN LỰC
Kính gửi:..........................................................
1. Tên dự
án:.........................................................................................................
2. Nguồn nhân lực
phía chủ đầu tư
Có thành lập Ban
quản lý dự án không?
□ Không, chủ đầu
tư quản lý
□ Có
Nếu “Có”, thực hiện
kê khai tiếp theo các bảng dưới đây:
STT
|
Vai trò
|
Chức vụ chính quyền
|
Trình độ chuyên
môn
|
Số Dự án đã tham
gia
|
Ghi chú
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
[5]
|
[6]
|
1
|
Giám đốc Ban quản lý dự án
|
|
|
|
Bắt buộc
|
2
|
Phó Giám đốc Ban quản lý dự án
|
1…………….
2…………….
…
|
1…………….
2…………….
…
|
1…………….
2…………….
…
|
Nếu có
|
3
|
Kế toán
|
1…………….
2…………….
…
|
1…………….
2…………….
…
|
1…………….
2…………….
…
|
Bắt buộc
|
4
|
Thư ký dự án
|
|
|
|
Bắt buộc
|
5
|
Tổng số thành viên Ban quản lý dự án:
|
|
Bắt buộc
|
6
|
Chứng chỉ chuyên môn của các thành viên ban quản
lý dự án:
|
|
Bắt buộc
|
3. Nguồn nhân lực
phía nhà thầu tư vấn thiết kế
STT
|
Vai trò
|
Trình độ chuyên môn
|
Số năm kinh nghiệm
|
Số Dự án đã tham gia
|
Chứng chỉ chuyên môn
|
Ghi chú
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
[5]
|
[6]
|
[7]
|
1
|
Giám đốc dự án
|
|
|
|
|
Bắt buộc
|
2
|
Chủ trì khảo sát
|
|
|
|
|
Bắt buộc
|
3
|
Chủ trì thiết kế
|
|
|
|
|
Bắt buộc
|
4
|
Chuyên gia chính về đầu tư tài chính
|
|
|
|
|
Bắt buộc
|
5
|
Chuyên gia chính về nghiệp vụ bài toán (Đối với
gói thầu phần mềm nội bộ)
|
|
|
|
|
Nếu có
|
6
|
Vai trò khác:
…………………..
|
|
|
|
|
Nếu có
|
7
|
Tổng số thành viên tham gia, thực hiện:
|
|
|
|
|
Bắt buộc
|
4. Nguồn nhân lực
phía nhà thầu
STT
|
Vai trò
|
Họ và tên
|
Trình độ chuyên
môn
|
Số năm kinh nghiệm
|
Số Dự án đã tham
gia
|
Chứng chỉ chuyên
môn
|
Ghi chú
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
[5]
|
[6]
|
[7]
|
[8]
|
Gói thầu A
|
1
|
Giám đốc dự án
|
|
|
|
|
|
Bắt buộc
|
2
|
Phó Giám đốc dự án
|
|
|
|
|
|
Nếu có
|
3
|
Kiến trúc sư hệ thống
|
|
|
|
|
|
Bắt buộc
|
4
|
Chuyên gia quản lý chất lượng
|
|
|
|
|
|
Bắt buộc
|
5
|
Chuyên gia đầu tư tài chính
|
|
|
|
|
|
Nếu có
|
6
|
Chuyên gia nghiệp vụ bài toán (Đối với gói thầu
phần mềm nội bộ)
|
|
|
|
|
|
Nếu có
|
7
|
Chỉ huy thi công
|
|
|
|
|
|
Bắt buộc
|
8
|
Khảo sát, phân tích viên
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Bắt buộc
|
9
|
Thiết kế viên
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Bắt buộc
|
10
|
Lập trình viên (Đối với gói thầu phần mềm nội bộ)
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Bắt buộc
|
11
|
Kiểm thử viên
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Bắt buộc
|
12
|
Kỹ thuật viên triển khai, cài đặt, cấu hình
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Bắt buộc
|
13
|
Cán bộ đào tạo quản trị hệ thống
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Bắt buộc
|
14
|
Cán bộ đào tạo người sử dụng
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Bắt buộc
|
15
|
Vai trò khác:
|
-
|
-
|
-
|
-
|
|
Nếu có
|
16
|
Tổng số thành viên tham gia, thực hiện:
|
|
Bắt buộc
|
Gói thầu B
|
|
|
|
|
|
…
|
...
|
...
|
...
|
…
|
...
|
...
|
…
|
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
...., ngày....... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.7 Báo cáo Hồ sơ tài liệu kỹ thuật
<Tên cơ quan,
đơn vị
thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
|
|
BÁO CÁO HỒ SƠ TÀI LIỆU KỸ THUẬT
Kính gửi:..............................
1. Tên dự án:.........................................................................................................
2. Tính chất dự
án:
□ Hạ tầng kỹ thuật
□ Phần mềm ứng dụng
□ Hỗn hợp
3. Quy trình công
nghệ
□ RUP (đối với dự
án phần mềm ứng dụng)
□ ISO
□ Khác: .................................................................................................................
4. Hồ sơ tài liệu
kỹ thuật bàn giao
a) Hạ tầng kỹ thuật
STT
|
Giai đoạn thực hiện
|
Kết quả
|
Xác nhận
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
Gói thầu A: [tên gói thầu)
|
1
|
Khảo sát
|
Tài liệu khảo sát (phục vụ thi công, lắp đặt)
|
□
|
2
|
Phân tích, đặc tả yêu cầu
|
Tài liệu đặc tả yêu cầu hệ thống
Tài liệu kế hoạch kiểm thử chấp nhận
|
□
□
|
3
|
Phân tích, thiết kế
|
Tài liệu thiết kế thi công, lắp đặt hệ thống
|
□
|
4
|
Lắp đặt, cài đặt, cấu hình
|
Tài liệu kịch bản kiểm thử, chạy thử
|
□
|
5
|
Đào tạo, chuyển giao
|
Tài liệu hướng dẫn sử dụng
Tài liệu hướng dẫn cài đặt, cấu hình
Tài liệu hướng dẫn quản trị hệ thống
Tài liệu đào tạo
|
□
□
□
□
|
6
|
Tài liệu khác:
…………………..
|
|
|
Gói thầu B:
[tên gói thầu]
|
…
|
…
|
…
|
...
|
Ghi chú: tham
khảo kế hoạch thực hiện và kết quả bàn giao của hợp đồng
[1] Đánh số thứ tự
bước triển khai của nhà thầu thi công.
[2] Mô tả tên bước.
[3] Mô tả tài liệu
là kết quả thực hiện theo từng bước, tập hợp các tài liệu này tạo thành hồ sơ kỹ
thuật của gói thầu
[4] Xác nhận có
trong hồ sơ kỹ thuật của gói thầu hay không.
b) Phần mềm ứng dụng
STT
|
Giai đoạn thực hiện
|
Kết quả
|
Xác nhận
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
Gói thầu A:
[tên gói thầu 1
|
1
|
Khảo sát
|
Tài liệu khảo sát (phục vụ thi công)
|
□
|
2
|
Phân tích, đặc tả yêu cầu
|
Tài liệu đặc tả yêu cầu hệ thống
|
□
|
Tài liệu kế hoạch kiểm thử chấp nhận
|
□
|
3
|
Phân tích, thiết kế
|
Tài liệu thiết kế bậc cao
|
□
|
Tài liệu thiết kế chi tiết
|
□
|
4
|
Lập trình
|
Đĩa CD chương trình:
|
|
+ Mã nguồn
|
□
|
+ Chương trình chạy
|
□
|
5
|
Kiểm thử/chạy thử
|
Tài liệu kịch bản kiểm thử, bộ dừ liệu mẫu
|
□
|
6
|
Đào tạo, chuyển giao
|
Tài liệu hướng dẫn sử dụng
|
□
|
Tài liệu hướng dẫn cài đặt, cấu hình
|
□
|
Tài liệu hướng dẫn quản trị hệ thống
|
□
|
Tài liệu đào tạo
|
□
|
7
|
Tài liệu khác:
……………………………………………………
|
|
Gói thầu B: [tên gói thầu]
|
...
|
…
|
…
|
...
|
Ghi chú: tham
khảo kế hoạch thực hiện và kết quả bàn giao của hợp đồng
[1] Đánh số thứ tự
bước triển khai của nhà thầu thi công.
[2] Mô tả tên bước.
[3] Mô tả tài liệu
là kết quả thực hiện theo từng bước, tập hợp các tài liệu này tạo thành hồ sơ kỹ
thuật của gói thầu.
[4] Xác nhận có
trong hồ sơ kỹ thuật của gói thầu hay không.
c) Hỗn hợp
Lập báo cáo kết hợp
theo hướng dẫn tại điểm (a), (b) ở trên cho từng gói thầu theo tính chất về hạ
tầng kỹ thuật, ứng dụng phần mềm, cơ sở dữ liệu.
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
...., ngày....... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.8 Báo cáo Chi phí đầu tư
<Tên cơ quan,
đơn vị
thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
BÁO CÁO CHI PHÍ ĐẦU TƯ
Kính gửi:..............................................................
1. Tên dự
án:..................................................................................................................
2. Chi phí đầu tư:
STT
|
Nội dung
|
Dự toán được duyệt
|
Tổng giá trị thanh
toán
|
Tổng giá trị quyết
toán
|
Ghi chú
|
[1]
|
[2]
|
[3]
|
[4]
|
[5]
|
[6]
|
|
Tổng số
|
|
|
|
|
1
|
Chi phí xây lắp
- Gói thầu 1
- Gói thầu 2
- …
|
|
|
|
|
2
|
Chi phí thiết bị, phần mềm
- Gói thầu A
- Gói thầu B
- ….
|
|
|
|
|
3
|
Chi phí quản lý dự án
|
|
|
|
|
4
|
Chi phí tư vấn
- Chi phí lập dự án đầu tư, BCNCKT
- Chi phí lập TKKT-TDT
- Chi phí lập hồ sơ mời thầu, đánh giá hồ sơ dự
thầu
- Chi phí giám sát
…..
|
|
|
|
|
5
|
Chi phí khác
- Lệ phí thẩm định BCNCKT/ DAĐT
- Lệ phí tham định TKKT- TDT
- Lệ phí thẩm định kết quả lựa chọn nhà thầu
- Chi phí kiểm toán
- Chi phí thẩm tra phê duyệt
quyết toán
......
|
|
|
|
|
6
|
Chi phí dự phòng
|
|
|
|
|
Ghi chú: Thông
tin có trong hồ sơ tài liệu quyết toán dự án hoàn thành.
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
...., ngày....... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.9 Báo cáo Đánh giá hiệu quả đầu tư
<Tên cơ quan,
đơn vị
thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ HIỆU QUẢ ĐẦU TƯ
Kính gửi:.................................................
1. Tên dự án:....................................................................................................................
2. Hiệu quả đối với
người sử dụng:
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
3. Hiệu quả đối với
tổ chức:
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
4. Hiệu quả đối với
môi trường hành chính, cộng đồng, xã hội:
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
...., ngày....... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.10 Báo cáo Kinh nghiệm triển khai
<Tên cơ quan,
đơn vị
thực hiện báo cáo>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
BÁO CÁO KINH NGHIỆM TRIỂN KHAI
Kính gửi:.......................................................................
1. Tên dự
án:....................................................................................................................
2. Đã có các văn
bản quy định, hướng dẫn quy chế khai thác, vận hành, sử dụng cho hệ thống chưa?
□ Đang thực hiện
□ Có
Nếu “Có” thì đã
có bao nhiêu văn bản (liệt kê thứ tự các văn bản):
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
3. Đã có đội ngũ
kỹ thuật đảm bảo cho hoạt động của hệ thống?
□ Đã có và đảm bảo
được yêu cầu duy trì, vận hành hệ thống
□ Đã có, chưa đủ
kinh nghiệm, cần thuê khoán ngoài để duy
trì, vận hành hệ thống
□ Đang thành lập
□ Chưa xác định
4. Phương án cài
đặt, triển khai hệ thống
□ Thực hiện triển
khai đồng thời tất cả các đơn vị trực thuộc
□ Thực hiện triển
khai lần lượt từng đơn vị và từng bước hoàn thiện hệ thống
□
Khác:...............................................................................................................................
...........................................................................................................................................
5. Lãnh đạo quan
tâm ủng hộ dự án, có tích cực tham gia sử dụng hệ thống
□ Quan tâm ủng hộ
bằng các quyết định hành chính nhanh chóng, kịp thời và tích cực tham gia sử dụng
□ Quan tâm ủng hộ
bằng các quyết định hành chính
□ Ủng hộ và ủy
quyền cho một cán bộ trực tiếp
□
Khác:.............................................................................................................................
.........................................................................................................................................
6. Phối hợp của
các cơ quan, đơn vị khác liên quan đến dự án
□ Thành lập nhóm
tham gia, phối hợp triển khai
□ Cử người tham gia triển khai
□ Cử người phối hợp triển khai
□
Khác:..............................................................................................................................
..........................................................................................................................................
7. Hiểu biết về quy trình công
nghệ phục vụ quản lý
□ Hiểu biết toàn bộ
□ Hiểu biết một phần
□ Đang tìm hiểu
8. Phối hợp và tận dụng năng lực
của tư vấn
□ Chủ động phối hợp và tận dụng
có hiệu quả năng lực, kinh nghiệm tư vấn trong suốt quá trình thực hiện hợp đồng
với đơn vị tư vấn
□ Tự thực hiện chức năng tư vấn:
□ Khảo sát
□ Lập dự án
□ Quản lý dự án
□ Thiết kế thi công và dự toán
Tổng dự toán
□ Lập Hồ sơ mời thầu
□ Giám sát thi công
□ Đánh giá đúng vai trò, nhiệm
vụ của tư vấn đầu tư và chỉ tham gia khi đơn vị tư vấn bàn giao kết quả.
□ Ý kiến
khác:..................................................................................................................
.........................................................................................................................................
9. Phối hợp và tận dụng năng lực
của nhà thầu thi công
□ Chủ động thống nhất kế hoạch và
phối hợp công việc, giám sát chặt chẽ, thường xuyên tổ chức hội thảo đánh giá
tiến độ, chất lượng
□ Định kỳ đánh giá tiến độ, chất
lượng theo yêu cầu của tư vấn giám sát
□ Hợp đồng với tư vấn giám sát
và tham gia nghiệm thu, bàn giao kết quả của dự án
□ Ý kiến
khác:..................................................................................................................
.........................................................................................................................................
10. Phối hợp giữa Chủ đầu tư,
Ban quản lý dự án
□ Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án
thực hiện các hoạt động theo đúng vai trò, chức năng, nhiệm vụ
□ Ban quản lý dự án thay mặt chủ
đầu tư tổ chức thực hiện và Chủ đầu tư sử dụng một đơn vị thẩm tra, giám sát hoạt
động của Ban quản lý dự án
□ Ban quản lý dự án thay mặt Chủ
đầu tư chủ động tổ chức thực hiện toàn bộ dự án
□ Ý kiến
khác:...................................................................................................................
..........................................................................................................................................
11. Các bài học triển khai
khác:
..........................................................................................................................................
12. Đánh giá chung
□ Dự án thành công
□ Tiết kiệm được kinh phí so với
Tổng mức đầu tư, Tổng dự toán đã được phê duyệt
□ Tuân thủ đúng quy trình, thủ
tục đầu tư theo quy định pháp luật hiện hành
□ Lựa chọn được giải pháp công
nghệ phù hợp cho hạ tầng phần cứng
□ Lựa chọn được giải pháp công
nghệ phù hợp cho phần mềm ứng dụng, cơ sở dữ liệu đáp ứng tốt với yêu cầu nghiệp
vụ của bài toán cần tin học hóa trong tương lai
□ Triển khai đúng kế hoạch đã
được phê duyệt (tham khảo Kế hoạch lựa chọn nhà thầu)
□ Triển khai thí điểm cho hạng
mục phần mềm ứng dụng
□ Trình độ công nghệ thông tin của người sử dụng đáp ứng chuyển
giao, khai thác, vận hành
□ Lý do khác:
..........................................................................................................................................
..........................................................................................................................................
NGƯỜI LẬP BIỂU
(Ký, ghi rõ họ tên)
|
...., ngày....... tháng....... năm.......
THỦ TRƯỞNG ĐƠN VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|
Mẫu số 2.11 Mẫu công văn đơn vị báo cáo gửi Cục CNTH
<Cơ quan cấp
trên>
<Tên cơ quan, đơn vị>
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:................
V/v báo cáo thông tin dự án đầu tư ứng dụng
công nghệ thông tin
|
...., ngày...
tháng... năm.....
|
Kính
gửi: Cục Công nghệ tin học
Thực hiện cập nhật thông tin dự
án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin
quy định tại Thông tư số 12/TT-BTTTT ngày 18/5/2010 của Bộ trưởng Bộ Thông tin
và Truyền thông, sau khi kết thúc <Báo cáo giai đoạn 1/Báo cáo giai đoạn
2>, <Tên cơ quan, đơn vị> đã tiến hành tổng hợp báo cáo thông tin theo
quy định, chi tiết báo cáo kèm theo để Quý Cơ quan tập hợp và cập nhật vào Cơ sở
dữ liệu quốc gia về các dự án ứng dụng công nghệ
thông tin.
Trân trọng./.
|
THỦ TRƯỞNG ĐƠN
VỊ
(Ký, đóng dấu, ghi rõ họ tên)
|